12 August 2011

Thi Lang ...bang

Một Chuyến Du Hành Tốn Kém

Nếu mọi việc tiến hành tốt đẹp như dự trù, mùng một Tháng Bảy này, Hải quân Trung Quốc (PLAN) sẽ chào mừng 90 năm ngày thành lập Trung Hoa Cộng Sản Đảng bằng một hành động ngoạn mục. Đó là cho chạy thử cái tầu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, chiến hạm Thi Lang. (Xin xem lại bài “Thi Lang Thang” trên trang này vào tuần trước).

Tin liên quan: Thi Lang Thang

Đây là một nỗ lực bi hài khởi sự từ 25 năm trước, khi Trung Quốc mua lại chiến hạm HMAS Melbourne của Úc năm 1985, rồi hai chiến hạm có thể tiếp nhận trực thăng, hạng Kiev, của Liên Xô. Mua về để mở ra và học cách sử dụng và chế tạo. Chứ cũng chưa “đưa vào sử dụng”, nói theo kiểu người Hà Nội mới. Với việc mua lại chiếc Varyag năm 1998, Trung Quốc đã thọc chân vào đôi hia bảy dậm! Nhưng cũng đầy vất vả….

Vì mua cái xác tầu xong, họ mất nhiều năm thao dợt trong ao nhà… của thiên hạ, khi xin phép Turkey cho kéo khối thép rỗng này từ Hắc hải qua eo biển Bosphorus và Dardanelles rồi từ đó kéo qua eo biển Gibraltar để đem về nhà. Bốn năm tập dượt nhọc nhằn trước khi chiếc Varyag được lên ụ trong quân cảng Đại Liên. Tấm hình ở trên là không ảnh chụp được vào đầu năm 2008.

Khi Liên Xô tan rã để Cộng hoà Ukraine thừa kế một của nợ như vậy, các đấng con trời đã chú ý đến cái dáng rất lạ của Varyag: nó nhểnh mõm vịt lên trời nhằm giúp phi cơ cất cánh cho dễ. Vì vậy, trong khi hải quân công xưởng của Trung Quốc loay hoay với chiếc Varyag mà họ mơ ước đặt tên là “Thi Lang” thì các phi công cũng ráo riết tập lái máy bay trên các phi đạo trong lục địa, được chế tạo như một sân bay ngoài biển.

Sân bay cố định và sân bay di động có khác nhau, nhất là khi trời đất nổi cơn gió bụi. Nhưng dù sao mặc lòng! Các phi công của thiên triều cũng nhịp nhàng đáp lên đáp xuống.

Khi ấy, người ta thấy ra trăm mối tơ vò. Làm sao có một hàng không mẫu hạm chạy được? Chạy được bao lâu thì phải tiếp tế từ các tầu dầu theo sau? Mà làm sao bảo vệ được cái mẫu hạm này? Rồi làm sao liên lạc kiểm soát và phối hợp với cả hạm đội? Trên một chiến hạm xứng tên hàng không mẫu hạm thì cũng phải có tối thiểu một không đoàn – chiếc USS George Washington của Mỹ đang ngao du ngoài Đông hải có cả một quân đoàn gồm năm không đoàn chiến đấu cơ đủ loại chưa nói đến nhiều phi đoàn trực thăng.

Một không đoàn như vậy cần những gì? Cần trước tiên là… máy bay, loại phi cơ có cánh cố định có khả năng cất cánh từ một phi đạo di động và rất ngắn, lại bập bềnh ngoài khơi. Nhằm nhò gì chuyện đó?

Thời ấy, Trung Quốc tính mua chiếc Su-33 Flanker-D của Nga, một biến phẩm từ chiếc Su-30 Flander, để có loại phi cơ dùng cho hàng không mẫu hạm. Chuyện không thành vì Thiên triều láu cá và bị Liên bang Nga kết án là ăn nói lật lọng, lại còn manh tâm ăn cắp kỹ thuật thiết kế của Nga. Đành lại đi vòng, qua Ukraine mua lại một chiếc Su-33 để về nhà mở banh ra học lóm và từ đó chế tạo ra một sản phẩm “made in China”. Đó là chiếc “Tiêm-15″ mà Tây phương theo dõi thì đặt tên là J-15.

Với các cụ tinh thông Hán học, xin mách rằng chữ “Tiêm” này có nghĩa là “giết sạch”. Khiếp! Nhưng lại viết từ bộ “Ngạt”, có nghĩa… xương tàn, tục xưa cũng gọi là “đãi”, có nghĩa là xấu, là tồi! Rõ là danh với thực đã có phần hợp nhất!

Nghĩa là chiếc Varyag-Thi Lang đời nay đang được thai nghén với phiên bản ăn cắp, kể cả loại Sukhoi-33 Flanker. Và trong khi công xưởng đang gò thép cho chiến hạm thì các cơ quan khác chuẩn bị cho sự xuất hiện của một phi đoàn hay không đoàn “Tiêm-15″. Ngày mùng một này, phần nổi trôi của Thi Lang xuất hiện. Những phần bay lượn kia thì chưa ai biết là gì, cứ như chuyện sắc không nhà Phật.

Mà nhiều phần là không sắc!

Nhưng Thiên triều ta vốn có thể dốt, chứ không ngu. Sau khi mở màn cho chiếc Thi Lang xuất hiện rất “hoành tráng” – lại nói như người Hà Nội mới – Hải quân Trung Quốc sẽ đầy uy dũng kéo màn đưa con tầu sân bay này vào… sử dụng. Làm sân bay cho việc huấn luyện. Nhiều khi còn mong cho mưa gió gập ghềnh để các phi công có kinh nghiệm thật! Hẩu khỏi biến Tiêm kích 15 thành thủy phi cơ.

Trong khi ấy, Hải quân anh dũng của Quân đội Giải phóng miệt mài xúc tiến việc khác. Theo kế hoạch thì sẽ có hai hàng không mẫu hạm “thật” vào năm 2015 này, kế tiếp mới đến loại mẫu hạm chạy bằng năng lượng nguyên tử, tràn trề hy vọng xuất hiện sau năm 2020. Rồi vừa làm vừa học, kể cả học lóm….

Kế hoạch đầy tốn kém này đã gây nhiều tranh luận ngay trong Quân ủy Trung ương và trong đảng vì dường như thế giới đã tiến qua hình thái chiến tranh khác và Hải quân của Nhật Bản, Đại Hàn và Úc Đại Lợi đã tiến rất xa về hướng đó. Tốn rất nhiều tiền để mua đồ vàng mã về chơi thì có là chơi dại không? Cho nên có khi chiếc Thi Lang này đang mở ra một chuyến du ngoạn tốn tiền – mà vẫn là không tiền khoáng hậu. Rõ là Thi Lang Bang.

Nó trôi ra biển theo lời sấm ký của Tố Như trong truyện Kiều: “mua vui cũng được một vài trống canh“.

Nguyễn Xuân Nghĩa
(Nguồn: Dainamax Magazine)

No comments:

Post a Comment