03 June 2011

Truyện ngắn Đỗ Tiến Đức

Khi tôi vào tới khu khách đến của hãng máy bay Korea Airlines thì giữa đám đông nhiều sắc dân, khác nhau từ  màu da, từ kiểu y phục, từ bên trong đi ra, tôi đã nhìn thấy một dáng điệu Việt Nam, mà tôi đã nghĩ ngay người đó là Hoàng. Điều khiến tôi ngạc nhiên là bên Hoàng có tới ba thiếu nữ người Việt. Bởi vì khi nói chuyện với nhau, Hoàng không nói sẽ có ai đi cùng nên tôi cứ tưởng Hoàng đi một mình. Ba thiếu nữ này đều trẻ, cũng thuộc loại xinh xắn và dường như đây là lần đầu tiên họ đặt chân lên nước Mỹ. Có lẽ họ là nhân viên của Hoàng chứ không lẽ một người trong họ là vợ Hoàng còn hai cô kia là bạn ? Nhưng nếu là nhân viên thì Hoàng mang theo làm gì ? Anh ấy đã nói với tôi là anh đi Mỹ chỉ có một mục đích duy nhất là thăm tôi chứ không có “business” gì cả.
Đã nhiều năm không gặp nhau nên tôi muốn quan sát kỹ thêm xem có phải đích thực là Hoàng không thì đúng là Hoàng rồi. Anh ta đã nhìn thấy tôi. Anh ta đã vung tay lên khua khua trên đầu cho tôi chú ý và trên môi anh nở một nụ cười mừng rỡ.
Hoàng bước nhanh về phía tôi và tôi cũng bước nhanh về phía Hoàng. Anh ta ôm chầm lấy tôi, đập đập trên lưng tôi, rồi hơi ưỡn người ra phía sau, nhìn tôi chăm chú :
- Trông cậu gìa hơn trước nhiều qúa.
Tôi đùa :
- Thì cậu cũng vậy. Thằng nào cũng trên bẩy bó rồi chứ trẻ trung gì nữa. Biết đâu lần gặp nhau này là lần gặp nhau cuối cùng...
Hoàng nhăn mặt :
- Cậu nói gì chán bỏ mẹ. Mới gặp nhau mà đã gở mồm gở miệng thế. Sống thì cứ biết là mình đang sống, nghĩ vớ vẩn làm chi cho mất sướng. Thôi bây giờ mình tính chuyện của mình đi.
- OK. Bây giờ thì mình ra xe. Cậu muốn ở thành phố nào để tớ đưa tới.
- Tớ muốn về nhà cậu xem cậu sống thế nào.
Tôi kêu lên :
- Ồ, nhà tớ chật lắm.
- Không sao. Ba đứa này ngủ chung phòng với tớ cũng được. Nhưng tớ muốn về nhà cậu, hai đứa nằm với nhau để sống lại những ngày trong tù cải tạo. Đó là những kỷ niệm chẳng những không thể quên mà nó còn cứ ám ảnh mình cả trong giấc ngủ.
Tôi nói lại :
- Nhưng nhà tớ nghèo lắm....
Hoàng đập lên vai tôi :
- Mẹ kiếp ! Bầy vẽ. Nghèo cách mấy thì chắc chắn cũng còn hơn thời mình sống trong trại tù cải tạo An Thới chứ, phải không ?
- Nhưng còn ba cô gái kia ? Họ ngủ đâu.
Hoàng gạt ngang :
- Chúng nó không thành vấn đề để cậu quan tâm.
- Nhân viên của cậu hả ?
- Sao cứ hỏi hoài vụ này vậy ?
- Thì cậu cũng phải cho tớ biết đôi ba chi tiết để tiện xưng hô chứ.
- Chi tiết gì ? Mà có gì quan trọng mà cậu cần phải biết ? Sợ chúng nó là Việt cộng hả ? Này, không phải cứ hễ người nào ở trong nước thì người đó là Việt cộng đâu đấy nhé. Chúng nó đều là con của người Sài gòn trước 75 cả. Có thể nó còn chống cộng hơn các cậu ở hải ngoại đấy. Lý do là người ở hải ngoại, chống cộng hay không chống cộng thì cuộc sống vẫn sung túc, vẫn tươi đẹp, với người trong nước hễ còn cộng sản thì họ sẽ chết dần chết mòn trong nghèo khổ và bị áp bức của cuộc đời những tên công dân hạng hai.. Biết chưa.
Tôi kêu lên :
- Ơ kia ! Tớ có nói gì đâu mà cậu nổi nóng vô lối thế ?
- Ờ ờ... xin lỗi cậu. Thôi, mình còn thì giờ để tâm sự. Bây giờ ra xe chứ.
Hoàng vẫy ba cô gái. Khi họ tới bên chúng tôi, Hoàng nói :
- Đây là Nhạc sĩ Phù Du, người mà lâu nay anh đã nói với các em. Đại khái là anh ấy từng đi tù cải tạo chung với anh ở ngoài đảo Phú Quốc. Rồi cùng trốn trại với anh, vượt biển sang Thái Lan. Rồi cùng sang Mỹ định cư.  Nhưng ở Mỹ anh thấy... khổ qúa bèn bỏ  về Việt Nam, còn anh Phù Du ở lại đây...
Ba cô gái cúi đầu chào tôi, miệng cười thật tươi. Tôi nhận thấy các cô này mặc quần áo rất thời trang, nếu không được giới thiệu sẽ tưởng các cô đang sống ở nước Mỹ. Chợt ánh  mắt của tôi dừng lại ở khuôn mặt của một cô trong bọn. Tôi sửng sốt khi nhận ra đôi mắt này, đôi môi này, nhất là đôi lông mày thanh tú kia sao giống như một người con gái mà tôi yêu vào thời điểm miền Nam sụp đổ và lòng người dân Miền Nam cũng sụp đổ trong hoảng loạn. Hồi đó có người ví von dân Sài gòn như đàn kiến đang thưởng thức chút mỡ chút đường trong một cái chảo còn để trên bếp sau khi đồ ăn đã múc mang đi hết, thì bỗng nhiên ai đó bật lửa lò làm đít chảo nóng lên khiến đàn kiến bỏ chạy tứ tung tìm lối thoát trong vô vọng trong lúc cái chảo mỗi giây mỗi phút cái nóng cứ tăng thêm.
Đang lục lọi trong óc xem hình bóng cũ đó là ai thì bỗng thấy ánh đèn flash từ đâu đó nháng lên. Tôi quay đầu nhìn, thì lại thêm một lần phải nhắm mắt vì ánh đèn flash ở qúa gần. Lập tức người cầm máy ảnh cười lớn :
- Xin cảm ơn nhạc sĩ Phù Du đã cho một tấm hình đẹp để lên báo tuần này...
Tôi chưa biết phản ứng thế nào thì anh ta, tên là Jack Bui, làm nghề báo trong cộng đồng, đã bước tới gấn hơn, cười :
- Xin quý vị làm ơn cho biết danh tánh để tôi đăng báo cho chính xác, kẻo rồi tôi có lỗi vì đăng sai tên tuổi quý vị.
Tôi gạt ngang :
- Thôi, anh Jack ơi, anh khỏi cần biết tên các vị này, vì tôi cũng chưa biết mà...
- Ủa. Nhạc sĩ ra đón những vị này mà nhạc sĩ không biết tên ? Sao lạ vậy nhỉ ?
- Có gì lạ đâu... cũng giống như tôi gặp anh ở đây, đều là tình cờ gặp nhau thôi... Anh ra phi trường làm gì đấy ?
Jack Bui không trả lời tôi mà hỏi tiếp :
- Tình cờ ? Vâng, tôi cứ đăng cái hình này vói cước chú là “Những người tình cờ gặp nhau”, được chứ ạ ? Vậy, xin hỏi thêm, qúy vị từ Việt Nam sang ? Quý vị đi du lịch hay có công việc kinh doanh gì không ạ ?
Tôi phải cố hòa nhã :
- Họ đi du lịch thôi, anh Jack ơi. Tôi ra đón ông bạn này của tôi thì mới gặp ba cô này... Mà sao anh quan tâm thế nhỉ ?
Jack Bùi cười hì hì :
- Thì cũng vì nhạc sĩ nổi tiếng qúa nên viết tin về nhạc sĩ là hấp dẫn độc giả... Xin hỏi thêm, các chị ở Sài gòn hay ở Hà Nội, và có làm ca sĩ hay tài tử điện ảnh không ?
Tức thì ba cô líu ríu trả lời :
- Dạ không... chúng em chỉ là người dân thành phố Hồ à à... Sài gòn  thôi ạ.
Từ nãy đến giờ không nghe tiếng Hoàng tôi đảo mắt tìm, thấy anh đang dùng điện thoại thu hình Jack Bui. Anh nhà báo này nhìn theo tôi, vừa đúng lúc Hoàng chĩa máy vào thẳng mặt anh ta, khiến anh ta xua tay lia lịa :
- Thu hình tôi làm chi vậy, cha nội ?
Hoàng bình tĩnh trả lời :
- Kỷ niệm thôi. Tên anh là cái gì Jack ?
Jack Bùi nhún vai, cười cười rồi bỏ đi. Hoàng  nói :
- Tớ nghĩ thằng cha này  thuộc loại ít tử tế...
- Ừ. Có lẽ từ chuyện một số người ở đây vẫn chửi tớ là Việt cộng nằm vùng, là ăng ten...
- Sao vậy ?
- Thì dạo ở trong tù với cậu đó, lúc đầu bọn quản giáo bắt mình làm quản ca, “cầm càng” tức là bắt nhịp cho anh em hát những bài “cách  mạng” kiểu “như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”... Rồi sau đó nó bảo những bài hát của “cách mạng” không thể cho ngụy quân nguỵ quyền hát. Một cấp chỉ huy của họ nói với tớ  “chúng nó chưa được phép gọi Bác của chúng tôi bằng Bác”. Rồi ông ta chỉ thị tôi phải sáng tác những bài ca thích hợp cho tù cải tạo hát, chủ đề là hối hận đã làm tay sai Mỹ ngụy, hối hận là đã giết dân, đã làm chậm sự thành công của cách mạng....
Hoàng thấy tôi kể lể như muốn xả bầu tâm sự thì gạt ngang :
- Thôi, mấy vụ đó tớ biết rồi. Bây giờ về nhà cậu chơi, hai thằng mình nằm ngủ với nhau một đêm cái đã, mọi chuyện tính sau. OK ?
Khi ngồi lái xe, nhìn vào tấm gương chiếu hậu, tôi lại bắt gặp khuôn mặt của cô gái mang nhiều nét quen thuộc với tôi. Nhất khi khi cô ta cười, cái miệng hơi mở rộng và đầu ngửa ra phía sau một chút, tưởng làm sao mà quên được vẻ say đắm ngây thơ đó, thế mà, tôi thở dài, tuổi tác đã làm chết đi một phần bộ nhớ trong óc mình rồi... Tôi lẳm cảm nghĩ, khi mới chào đời, con người có thể chưa có bộ nhớ, cũng như chưa có răng, sau đó ông Trời cho “lease”, và khi về già tức là lúc hết hạn thuê thì lấy lại... Tôi cứ nhìn trộm cô gái trong chiếc gương nhỏ mà cảm thấy một sự rạo rực trong con tim vì hình bóng những ngày tháng xa xưa lởn vởn hiện về. Trong khi đó thì chẳng một ai chú ý tới tôi. Họ mải mê nhìn qua khung kính, xem nhà cửa bên đường, xem dòng xe cộ ngược xuôi, mọi thứ hấp dẫn đến độ làm mặt họ khi thì đờ dẫn khi thì sảng khoái...
Hoàng chợt hỏi :
- Cậu cũng nên về Việt Nam chơi một chuyến đi...
- Tớ chẳng có nhu cầu gì ..
- Chơi.
- Thiếu gì chỗ chơi hấp dẫn hơn.
- Chắc cậu vẫn còn dị ứng với nón cối dép râu ?
- Làm sao mà quên được cho dù mấy thứ đó giờ chúng nó xuất cảng hết rồi. Cậu có đoán được khi nào thì chúng nó  làm lễ đốt xác “Bác” để lấy đất bán cho tư bản Singapore xây khách sạn năm sao ở Ba Đình Hà Nội không ?
- Chắc không đâu. Vì lăng đó chính là bùa hộ mạng của bọn họ.
- Tớ thì tớ tin số phận của cái lăng đó cũng như như Bức Tường Bá Linh thôi. Khi nào “Lăng Bác” bị đập bỏ thì tớ bay về ngay, đến Ba Đình lấy cảm hứng sáng tác ngay một bản nhạc “Cơn ác mộng đã qua”.
- Cậu là nghệ sĩ gốc Hà Nội mà không nhớ  Hà Nội sao ?
- Làm sao được Hà Nội những ngày xa xưa... Bây giờ thì còn gì đâu để nhớ, nhỉ ? Mỗi lần nghe họ hát ca ngợi Hà Nội với hình ảnh bông hoa sữa nở, bông hoa sữa rơi, thú thực mình chăng biết hoa sữa nó màu sắc thế nào vì Hà Nội ngày xưa của mình không có thứ này... Mấy thằng bạn trở về du lịch, nó nói bây giờ đi giữa Hà Nội mà không gặp người Hà Nội thanh lịch, không nghe giọng nói êm ái của người Hà Nội dù đó là chị bán hàng, không nghe tiếng cười đài các của người Hà Nội vốn đã quen cung cách giấy rách vẫn giữ lấy lề... Thành ra muốn tìm nghe giọng Hà Nội nguyên thủy, ta phải tới khu Little Saigon.
Hoàng nói :
- Vì thế mà cậu sáng tác bản nhạc “Nhớ về Hà Nội xưa” ?
Tôi gật đầu rồi vừa lái vừa lục chiếc ngăn ở cánh cửa, kiếm chiếc CD có bản nhạc này, bỏ vào máy. Khi tiếng đàn violon bắt đầu vang lên réo rất thì Hoàng vỗ tay cho mọi người chú ý rồi nói :
- Tất cả im lặng để nghe bản “Nhớ về Hà Nội xưa” của nhạc sĩ Phù Du.
Đêm đó, Hoàng sắp đặt ba cô gái ngủ chung trong căn phòng của vợ tôi, mà từ ngày bà ấy mất, bỏ trống cho tới nay. Tôi cũng ít khi vào căn phòng này nên đồ đạc, quần áo của bà ấy vẫn còn nguyên như lúc bà ấy còn sống. Kể cả những lọ thuốc cao máu nằm quay lơ trên chiếc bàn ngủ ở đầu giường mà bà ấy phải uống mỗi ngày một viên nhưng cứ quên hoài. Tự nhiên mỗi lần bước vào phòng này tôi đều cảm thấy ớn lạnh rùng mình, vì theo tôi, đó không phải là cái lạnh rét của thời tiết mà nó là cái lạnh lẽo của nơi vương vấn âm khí u uất. Ba năm qua, trong tôi thường nẩy sinh đầy rẫy những ý nghĩ mâu thuẫn  vừa mong bà ấy về với tôi trong giấc ngủ, nhưng đồng thời lại sợ bà ấy hiện về lúc tôi đang thức.
Ba cô gái nằm chung một giường nhưng yêu cầu tôi cho mỗi người một cái mền để đắp riêng. Tôi cứ thắc mắc không hiểu họ liên hệ với Hoàng như thế nào. Không lẽ cả ba cô đều là “người yêu” của Hoàng ? Nghe nói ở trong nước bây giờ, dân có tiền thì mặc sức mà bao gái, bao nhiêu cô cũng được. Bởi vì quan niệm của các cô là dù làm gái bao của “ông chủ” còn sung sướng trăm lần hơn là phải dự các cuộc thi tuyển lấy chồng Nam Hàn, có nhiều ông già bằng tuổi cha mình, và nhiều ông dị tật, bệnh hoạn, xấu xí.
Tôi nhìn cô gái có nét mặt quen quen rồi bạo dạn nói :
- Tôi là nhạc sĩ Phù Du, xin các cô cho biết quý danh.
Cô gái đó nhìn tôi cười khiến tôi lúng túng vì, ôi sao, tưởng như một buổi nào đó trong dĩ vãng xa xôi, người thiếu nữ có miệng cười mở rộng và gương mặt hơi ngửa ra đằng sau như cô gái này, tôi đã được ôm trong vòng tay . Tôi chợt nhớ ra là tôi chưa thể quên được, khi hôn nhau, miệng nàng vẫn há to như muốn ngoạm cắn, như muốn nuốt chửng một miếng gồm cả lưỡi , môi và miệng tôi. Cô gái xưng tên là Quỳnh Tiên.  Còn hai cô kia là Hoa và Ngọc An. Cả ba cô đều xinh đẹp khiến tôi nghĩ anh chàng Hoàng này giống  nhân vật Vi Tiểu Bảo trong chuyện Kim Dung. Đang lúc hứng chí tôi tự hỏi nếu anh chàng Hoàng cho mình được quyền chọn một trong ba em này thì mình chọn em nào đây ?
Tôi vừa tính hỏi chuyện thêm thì nghe tiếng Hoàng gọi nên bước ra khỏi phòng sau khi giơ tay lên chào và chúc các cô ngủ ngon.

Trở về phòng, tôi hỏi Hoàng :

- Này cậu, ba cô kia là thế nào với bạn ?
Hoàng cười :
- Cậu có vẻ tò mò hơi nhiều đấy nhé. Nhưng xin lỗi cậu, tớ chưa nói chuyện các em đó lúc này vì tớ làm việc theo chương trình. Đêm nay là tiết mục ngủ với cậu, nói chuyện về những ngày trong trại tù cộng sản. Khi nào tới mục ba em đó thì cậu không yêu cầu, tớ cũng nói.
Thái độ kín đáo của Hoàng khiến tôi hồi hộp, tự hỏi chuyến này anh ta sang Mỹ làm gì đây ? Lần tới Mỹ trước đây của Hoàng là anh đi trong phái đoàn của một ông lớn cộng sản  tới Mỹ kêu gọi Việt kiều về nước làm ăn. Buổi tối, Hoàng bỏ khách sạn của phái đoàn, về nhà tôi ngủ. Lúc đó bà vợ tôi còn sống nên Hoàng nằm ngủ trên chiếc sofa ở phòng khách sau khi hai đứa ngồi tâm sự vụn.
Chuyện chỉ có thế mà rồi không hiểu từ đâu, một số báo trong cộng đồng loan tin tôi “đi cửa hậu” gặp phái đoàn cộng sản và lái xe đưa mấy tên Việt cộng gộc đi tham quan Little Saigon. Một vài tờ báo viết thêm rằng tôi đã là cộng sản nằm vùng từ trước năm 1975, cụ thể là viết những ca khúc phản chiến để lính bỏ ngũ và nhân dân chống lại cuộc chiến tranh của chính quyền Việt Nam cộng hòa. Hậu qủa của những dư luận chống đối tôi là tôi phải ăn hamburger và mì gói cả tháng vì ngại bước vào các nhà hàng Việt Nam ăn phở ăn hủ tíu.
Bây giờ Hoàng thì có vẻ khoái trá khi leo lên giường nằm với tôi. Tôi đùa “tụi Mỹ nó thấy hai thằng mình nằm chung thế này là nó bảo mình đồng tính đấy”. Hoàng trả lời : “Thế là giết, là diệt tình cảm con người, biến con người thành những cái máy, những robot. Người Việt mình từ ngàn xưa, bọn đàn ông con trai đi ngoài đường khoác vai nhau, nắm tay nhau, rồi ngủ chung giường với nhau là  biểu tỏ sự thân mật, tình thương yêu rất bình thường, rất trong sáng... Có vấn đề gì đâu ?”.
Tôi quen biết Hoàng vào ngày 24 tháng 6 năm 1975, khi đi trình diện “học tập cải tạo” tại trường trung học Nguyễn Bá Tòng Sài gòn. Giữa lúc cả ngàn sĩ quan cấp úy của quân lực Việt Nam cộng hòa ùn ùn kéo vô “đăng ký” với vẻ háo hức, gọi nhau ơi ới, cứ tưởng như tham dự buổi cấm trại thì một thanh niên đứng bên tôi trên hành lang tỏ ra đăm chiêu suy nghĩ. Ánh mắt anh ta đang theo dõi mấy tên bộ đội cộng sản ở khu cổng trường, có trách nhiệm trông coi đám “chiến hữu” của chúng tôi. Hễ ai tự nguyện bước vào thì sẵn sàng nhưng đã vào rồi mà muốn trở ra thì dù với bất cứ lý do gì cũng đều bị từ chối. Bỗng anh ta nói, không biết nói với tôi hay nói một mình rằng : “Giống như đàn cá lòng tong chui vô rọ”. Tôi hỏi chuyện làm quen :
- Tôi là Thắng, trung úy, xin lỗi anh tên gì ?
- Hoàng, trung úy.
- Tôi ở Tổng cục chiến tranh chính trị, còn anh ?
- Tôi là lính tác chiến ở sư đoàn 9 dưới Vĩnh Long.
- Sau khi mãn khóa học mười ngày cải tạo, anh tính làm gì ?
Anh ta nhếch môi cười khinh bạc :
- Anh tin là Khóa học chỉ dài mười ngày thật à ?
- Tôi chỉ nghe thông cáo của nhà nước, mang tiền ăn mười ngày...
- Sao lại không thể là sau mười ngày ăn bằng tiền của mình thì tới giai đoạn chúng nó nuôi ?
Tôi chưng hửng buột miệng :
- Nếu nghĩ như thế thì sao anh còn vô đây ?
- Không vô thì đi đâu ! Tôi từ Vĩnh Long trốn về nhà bà cụ ở Bàn Cờ. Chỉ vài giờ là bọn chó “ba lẻ bốn” đã ào vô nhà đe dọa. Đêm nay thế nào bọn chó cũng đến xét nhà mẹ tôi và sẵn sàng còng tay tôi nếu tôi còn ở nhà.
Vì tôi và Hoàng ở chung một phòng nên cùng danh sách do bộ đội lập. Tối đó, khoảng hai giờ sáng, chúng gọi từng phòng xuống điểm danh rồi giải ra dẫy xe vận tải nhà binh phủ bạt kín bịt bùng, dây nhợ xiết chặt. Mỗi xe do vài ba tên bộ đội võ trang phụ trách. Đã thế còn có lệnh cấm không  được vạch bạt nhìn ra ngoài. Tôi thì thầm hỏi Hoàng :
- Tại sao không học ngay ở trường Nguyễn Bá Tòng mà họ phải chở mình đi đâu vậy ?
Hoàng cười khẩy :
- Ông làm sĩ quan tâm lý chiến mà ngây thơ tới mức đó thì bọn tác chiến chúng tôi bỏ mẹ là phải.
Tôi trả lời cho đỡ ngượng :
- Ai thì tôi không biết chứ tôi chạy về ngành tâm lý chiến chỉ là để mua chữ “thọ” thôi... Nhưng mà theo anh đoán thì họ chở mình tới đâu ?
- Thì tới “trường học”.
- “Trường học” ở đâu ?
- Thì ở đâu có hàng rào kẽm gai rào chung quanh, lý tưởng nhất là cái trại lính nào của mình để nội bất xuất và ngoại bất nhập.
Quả nhiên sau một hồi chạy vòng vo trong thành phố nhằm đánh lạc hướng những sĩ quan ngồi trên xe và một số thân nhân chờ trực ngoài cổng trường Nguyễn Bá Tòng đã phóng xe đuổi theo để biết nơi chồng con mình bị đưa tới, chúng tôi được chở vào căn cứ Trảng Lớn của sư đoàn 25 Bộ Binh.
Ở đó đến  cuối năm thì có đợt “biên chế”, Hoàng và tôi tiếp tục dính với nhau trong danh sách ra đi. Họ chở chúng tôi  tới bến Tân Cảng Sài gòn, lên tàu HQ 501 đưa ra trại tù An Thới trên đảo Phú Quốc. Vài tháng sau, tôi theo Hoàng trốn trại.
Đang miên man nhớ lại những ngày tháng cũ thì Hoàng hỏi, tưởng như anh ta đọc được ý nghĩa của tôi :
- Cậu có khi nào mơ thấy cảnh tù cải tạo không ?
Tôi thú nhận :
- Chẳng những có mà còn nhiều  nữa ấy chứ. Ngay lúc này, trước khi cậu hỏi, tớ cũng đang nhớ ngày tháng đó.
- Hình ảnh nào mà cậu nhớ nhất ?
Tôi trả lời ngay :
- Lúc cái bửng chiến hạm HQ 501 được kéo lên, đóng ập mạnh vào sườn tàu. Mình không biết cái bửng đó đóng có thiệt mạnh như thế không nhưng cái âm thanh của nó vang lên nhức nhối, tiếng vọng của nó ngân oang oang, hình như nó làm cả con tàu lắc lư và làm mình chao đảo muốn té dù lúc đó đã ngồi bệt dưới sàn tàu rồi.
Hoàng cười :
- Cậu là một nhạc sĩ nên tâm hồn đa cảm thế thôi, còn tớ lúc thấy cái bửng kéo lên thì kể như là mình đã “vĩnh biệt Sài Gòn” từ đây. Cái hình ảnh văn minh cuối cùng mà mình được nhìn là cầu tàu Tân Cảng với những ánh đèn điện sáng trưng. Cái không khí tự do cuối cùng mà mình hít thở được là những làn gió mát lạnh từ mặt dòng sông Sài gòn, tất cả đều  hết, đều không còn nữa. Tấm bửng đã cô lập mình, một đám tàn binh ngồi lúc nhúc bên nhau, mặt mũi ngơ ngác vừa đau buồn vừa sợ hãi trong cái ánh sáng tù mù và trong cái bóng của mấy thằng bộ đội với khẩu AK trong tay, lố nhố quan sát đám tù từ căn phòng ở tầng trên đầu, thỉnh thoảng quát lớn khiến cái loa vượt công xuất kêu ồm ồm mấy tiếng ra lệnh và răn đe, ai ngồi chỗ nào thì ngồi yên chỗ đó, cấm không được di chuyển. Ai cãi lệnh sẽ bị bắn chết lập tức... Nhớ lại lúc xe rời Trảng Lớn, hướng về Sài gòn đã thấy nhiều anh hớn hở reo hò vui mừng tíu tít vì tưởng được thả về nên rủ nhau tới nhà ăn tết. Có anh oang oang cái miệng đóng vai bói  toán, tưởng tượng ra cảnh đoàn xe tù sẽ chạy vào vận động trường Cộng Hòa đêm nay để sáng mai tham dự lễ phát chứng chỉ mãn khóa học tập cải tạo.. Không hiểu khi ngồi trong chiếc tàu nặng nề âm khí này, những người đó đã đấm ngực và xám hối rằng lỗi tại tôi, tại tôi ngu mọi đàng không.  Ngu thật.
- Cậu  có nhớ cái thằng béo trắng ngồi bên mình nó hu hu khóc không ?
- Quên sao được ! Nó nức nở gọi vợ gọi con gọi cha gọi mẹ than thở là nó đang bị đưa ra ngoài khơi và sắp bị tàn sát tập thể rồi vứt xác xuống biển cho cá mập nó ăn. Tớ còn nhớ lời bàn luận, có thể gọi là “cuộc hội thảo bỏ túi” của mấy anh sĩ quan biệt phái với chủ đề mình sẽ bị chúng nó tàn sát bằng cách nào. Anh thì bảo  nó đứng từ tầng trên, ria đạn AK xuống. Anh thì bảo nó ném xuống vài chục trái lựu đạn. Anh kia cãi nếu ném lựu đạn thì tàu bị phá thủng, chìm liền, không lẽ họ cũng chịu chết theo sao. Hay là có chiếc tàu chạy theo để bộ đội chuyển sang. Một anh ra điều thông thái phán, nhất định là chúng nó xử dụng hơi ngạt để giết toàn bộ tù cải tạo...
- Lúc đó cậu nghĩ gì ?
- Tớ đoán nó chở mình ra Bắc. Nhưng khi anh em quan sát ánh nắng trên cửa kính khoang tầu thì biết tàu đang chạy về hướng Nam, như thế là đi Côn Đảo, nơi đó sẵn kẽm gai và nhà tù.
- Tại sao cậu không nghĩ nó chở đi Phú Quốc ?
- Thứ nhất, Phú Quốc gần Cam Bốt và Nam Vang nên sẽ kích thích nhiều sĩ quan trẻ vượt ngục. Thứ hai, biết đâu chẳng có “quân ta” hay đồng minh một đêm nào đó bất ngờ đổ bộ lên đảo, bốc hết sĩ quan “ngụy” để mở một cuộc chiến mới như lời nhận định của một ông tướng Do Thái khi tới Việt Nam rằng muốn thắng cộng sản vĩnh viễn thì hãy để cộng sản chiếm được miền Nam trước.
Nhớ lại mấy ngày ở trên chiếc chiến hạm HQ 501, dù đã hai chục năm rồi mà tôi vẫn cảm thấy kinh khiếp. Tôi không hiểu địa ngục nó thế nào chứ mấy ngày ở trên tàu thì chính là địa ngục rồi.
Khi xe chở chúng tôi vào Tân Cảng thì  có lệnh xuống xe. Hình ảnh đập vào mắt tôi đầu tiên là đám bộ đội cộng sản mặc quân phục, đội nón cối, dây đạn cột quanh bụng, súng AK cầm tay, đứng thành hai hàng, dọc theo lối xuống chiến hạm HQ 501. Đám cải tạo từ những xe trước đang được lùa đi vào giữa hai hàng bộ đội đó. Tất cả đều im ắng, người sau theo chân người trước, được phát cho mấy bọc nylông đựng cơm xấy và nước lã. Những ngày ngồi trong hầm tàu, đám cải tạo chúng tôi sống bằng mấy túi đó, nghĩa là đổ nước lã vào cơm xấy chờ cho hạt cơm nở ra thì bốc bỏ vô miệng. Cái túi ny lông dùng hết nước hết cơm thì dùng để đi tiểu, đi cầu vào đó. Đến ngày hôm sau thì mọi người mệt lả vì say sóng và vì khói và mùi xăng dầu từ máy tàu xông lên và vì đói, vì ói do mùi nước tiểu, mùi phân khai thối nồng nặc. Nước tiểu đã lênh láng sàn tầu, cao hơn cả đế giầy đế dép làm ướt nhẹp đít quần và hai bàn chân. Thỉnh thoảng lại vang lên nhiều tiếng la “Báo cáo cán bộ, có người xỉu”. Không thấy tên bộ đội nào bước xuống khoang tầu. Chỉ có những đôi mắt lấp ló sau tấm cửa kính ở phòng quan sát trên cao. Tôi nghĩ chắc nó nhìn đám tù cải tạo như nhìn chuồng heo.
Tôi thì thầm nói với Hoàng :
- Nếu chẳng may tớ chết, cậu làm ơn báo tin cho vợ con tớ nhé. Để tớ viết địa chỉ nhà tớ cho cậu giữ.
Hoàng cười đùa :
- Sao cậu không nghĩ là tớ chết trước nhỉ ?
- Không. Cậu không chết đâu.
- Cậu biết xem tướng à ?
- Không. Tớ thấy cậu mưu mẹo khôn ngoan lắm chứ không như tớ...
Có lẽ chúng tôi nói chuyện hơi lớn nên một người ngồi gần chúng tôi quay đầu lại, vẻ mặt dữ tợn, nói với giọng hằn học :
- Này, chết là chết tụi tao chứ mày thì làm sao chết ! Đứng lên, cầm càng bắt nhịp cho anh em hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” đi. Mẹ kiếp. Còn hò hét “Hát to lên”  nữa chứ !
Tôi nóng mặt nhưng cố dằn cơn giận xuống :
- Này anh bạn, thế họ bảo anh khiêng thùng cứt ra bón vườn rau muống, anh bạn có từ chối không ?
- Nhưng tao không hò hét anh em đang đói bỏ mẹ mà phải gân cổ hát to lên !
- Thì cũng giống như anh bạn hối hả múc nước giếng lên, pha cho cứt loãng ra rồi mới tưới bón để rau mọc vượt chỉ tiêu “thu hoạch rau xanh” vậy... Anh bạn ơi, thằng nào cũng như con chó trong chuồng cả mà còn sủa ẳng ẳng với nhau làm gì.
Nói xong, tôi ngồi thừ người vừa chán nản vừa mỏi mệt. Miệng khô, môi khô nhưng uống nước thì ngại rồi phải đi tiểu vào cái bao nylông. Cũng thế, bụng thì đói nhưng chẳng thà đừng ăn để không mót đi cầu. Với lại, nhìn gói cơm xấy lạnh lẽo từng hột rời rã thế kia thì dù có đói cồn ruột chưa chắc đã nuốt nổi. Tôi lại nghĩ đến cái chết. Chúng nó đầy đọa thế này thì khác chi cảnh bức tử. Không chết hôm nay thì  ngày mai, ngày mốt sẽ chết tại trại tù sắp tới. Nếu mình chết ở trên tàu bây giờ, chúng nó sẽ quẳng xác xuống biển, vợ con người tù đâu có hay nên cứ tiếp tục mơ ngày chồng  và cha trở về đoàn tụ thật thảm...
Nhớ lại khi mới vào Trảng Lớn, không biết chúng nó khi đọc lý lịch mình, hay ai báo cáo mà nó biết mình là nhạc sĩ,  là sĩ quan ngành tâm lý chiến nên buổi tối nó gọi mình lên phòng quản giáo làm việc. Căn phòng âm u, chỉ mỗi ngọn đèn dầu càng tạo cho khuôn mặt tên quản giáo càng thêm hung ác. Hắn nhìn mình hằn học dằn mặt mình với câu : “Cảnh sát quân đội thì tha, Thông tin tâm lý lột da đóng giầy”. Sau đó nó yêu cầu mình làm vài bản nhạc cho cải tạo hát, vì những người này chưa có quyền gọi “Bác” bằng bác. Thấy mình ngần ngừ hắn đe dọa  : “Nói cho anh biết nhé. Khi Mỹ ngụy đầu hàng, không có súng trong tay thì tướng cũng như tá mà tá cũng như úy mà úy cũng như binh nhì thôi, không còn vấn đề gì nữa. Nhưng sở dĩ cách mạng phải mở ra các khoá cải tạo  chính là vì bọn thông tin tâm lý các anh đấy. Các anh đã nhét vào đầu nhân dân những tư tưởng phản động, chống đảng chống nhà nước nên giờ mới phải có kế hoạch tẩy não nhân dân. Biết chưa ?”. Mình đã thấy cảnh họ giết người một cách khơi khơi, họ đánh người mà cứ như trò chơi nên mình phát sợ, thôi thì nín thở qua sông, đành nghe theo họ để yên thân.
Hoàng nhìn tôi đang “ngất ngư con tầu đi”, hỏi :
- Cậu đang nghĩ gì vậy ? Biết đâu cậu sẽ có một tác phẩm để đời do cảm hứng lúc này đấy nhé.
Cảm hứng ư ? Dường như để trả lời tôi, mùi cứt đái thối bỗng khai nồng nặc hơn, mùi khói mùi dầu của con tầu bỗng choáng váng hơn, và tiếng la khản giọng ở đâu đó “Báo cáo cán bộ có người xỉu” xen với tiếng chửi lộn, tiếng ho, tiếng nôn thốc nôn tháo, tiếng oẹ khan, liệu những âm thanh này có thể diễn tả bằng những nốt nhạc hay bằng dàn đại hòa tấu không nhỉ ?
Tôi nói với Hoàng :
- Cậu có tin số mệnh không ?
- Khi nào thất bại thì tin.
- Chẳng hạn như bây giờ ?
- Ừ.
- Tớ thì tin số mệnh từ hồi nhỏ. Để tớ kể cho cậu nghe, cuộc đời mình lúc nào cũng... có chuyện hết, mà không phải như người ta nói, sinh sự thì sự sinh đâu. Mình cứ như bị đẩy tới những rắc rối  thôi. Đó chẳng hạn như cậu đã thấy, vào trại cải tạo Trảng Lớn, mình bị đẩy lên làm quản ca, dạy anh em hát nhạc cách mạng, bị ép phải sáng tác nhạc cải tạo. Rốt cuộc mình bị mọi người chửi là “sư đoàn 304”, là trở cờ, thậm chí có người còn cho là mình làm ăng ten...
Hoàng hỏi cho có chuyện:
- Cậu viết nhạc từ bao giờ ?
- Hồi trung học. Lúc đó mình “thầm yêu trộm nhớ” một cô gái học cùng lớp. Cô ta đẹp lắm nên có thể nói không thằng nào trong lớp mà không ao ước được cô ta chú ý.  Những thằng con nhà giàu thì trình diễn bằng quần áo ăn diện, xe cộ... Có thằng to con thì tuy mặc áo ngắn tay rồi mà vẫn còn sắn thêm một nấc để trình diễn bắp thịt ... Có thằng thì trình diễn bằng cách học giỏi. Trong khi đó thì mình chẳng có gì. Thân thể thì vừa nhỏ vừa thấp, học cũng làng nhàng, chúng nó đi mobylette, velosolex thì mình đi xe đạp... Vì thế mình làm thơ, gửi tới các nhật báo xin đăng...  Một lần mình mang cả tờ báo có đăng bài thơ của mình dâng lên cô bé. Có bé cười thật là đẹp nhưng với mình thì thật là tê tái. Cô ấy nói : “Sao nhiều anh làm thơ thế nhỉ ? Các anh ấy cứ tặng em hoài, có anh còn đề cả tên em trên bài thơ nữa chứ. Nhưng em không thích thơ”. Rồi cô ta nói : “Em thích ca lắm, nếu anh có giỏi thì làm bài nhạc cho em hát đi”. Lời cô em  có lẽ nói chỉ để mà nói thế thôi, nhưng với mình, nó cứ như là “quân lệnh” ấy. Thế là mình đi học đàn guitare, học sáng tác ca khúc. Nhưng chưa làm được bài nào thì thi tú tài rớt, có giấy gọi nhập ngũ. Vốn đã sợ đi lính mình quyết chí tìm cách trốn.  Lợi dụng thân hình đã ốm yếu, mình bèn nhịn ăn cho xuống cân thêm nữa. Đã thế, mình còn uống thật nhiều cà phê đen vì nghe bạn bè thuộc phe trốn lính nói, là cà phê sẽ làm phổi có vết nám, khi chụp hình phổi trong buổi khám sức khoẻ nhập ngũ là coi như được hoãn tới khóa sau. Mình đã thành công được hoãn liên tiếp mấy kỳ liền.
Nhịn đói nhịn khát mãi khiến mình hom hem tiều tụy tới mức mình không dám tìm gặp cô gái kia nữa. Mà không gặp thì nhớ. Chẳng lẽ để người đẹp rơi vào tay đứa khác một cách dễ dàng thế sao ? Mình muốn không nhịn nữa, kệ, đi lính thì đi, thời buổi này hầu hết thanh niên vô quân đội cả, với lại trong quân đội cũng thiếu gì chỗ có chữ thọ to tổ bố cho mình.
Lúc đó mình có một ông chú họ làm đại tá quân cảnh. Gặp nhau trong buổi giỗ, ông ta hỏi chuyện thì mình nói thật là mình không thích đi lính nên tìm cách giảm cân cho hợp lệ hoãn dịch. lập tức ông ấy lên mặt dạy dỗ mình là phải làm bổn phận công dân, phải đủ thứ... Nhưng đến khi tiệc tàn, ông ấy lại nói với mình : Thông cảm với chú nên tôi nghĩ ra cách giúp chú đây : “Chú hãy tới cư xá sĩ quan, dạy kèm mấy đứa con tôi vì tôi không có thì giờ. Tôi sẽ trả cho chú một số tiền để chú khỏi phải xin bà cụ. Và khi nào chú bị quân cảnh của tôi tóm thì tôi sẽ tìm cách thả chú ra. OK ?”.
Mình bằng lòng. Thời gian dạy kèm mấy đứa con nít này, mình bắt đầu sáng tác ca khúc với sự dìu dắt của ông thầy. Chính ông thầy này đã lăng xê tác phẩm đầu tay của mình diễn tả tâm trạng của chính mình, đó là tâm trạng của một thanh niên trước cuộc chiến mà mình gọi là cuộc nội chiến. Đó là bản nhạc “Chuyện hai dòng sông”. Sông Gianh và sông Bến Hải. Người Việt giết người Việt. Không ngờ bài nhạc đó được nhiều người thích. Báo chí gán cho mình cái mác phản chiến. Mấy nhà sản xuất băng nhạc lại khuyến khích mình khiến mình hứng chí viết liên tiếp mấy bài nữa là bài “Nơi đồng lúa xưa” dạt dào hương thơm khi lúa trở đòng đòng đến khi từng bông lúa vàng tươi nay thành chiến trường nghẹn thở mùi khói súng và hạt gạo ăn vô cảm thấy nhờn nhợn vì được bón bằng máu xương của con cháu Lạc Hồng..
Thế rồi trong một buổi ra mắt dĩa nhạc mới của hãng Nhạc Việt, quảng cáo là có phóng viên đài truyền hình CBS và NHK của Nhật tới làm phóng sự vì trong đó có bài chống chiến tranh của mình, mình đã bị lính quân cảnh chặn bắt ngoài cửa rạp. Mình cầu cứu ông chú nhưng ông chú không những đã không giúp  như từng hứa hẹn mà còn mắng chửi mình một hồi là ngu, là ăn phải bả tuyên truyền của Việt cộng nên làm nhạc phản chiến, làm nản lòng người lính, vì thế nếu ông dính tới mình thì chắc chắn sẽ  hại cho địa vị của ông.
Những ngày nằm ở trong Trung Tâm 3 Nhập ngũ là những ngày căng thẳng bởi vì tính mình rất nhát. Mình vốn đã sợ đi lính giờ còn nghe là mình sẽ bị đưa ra tòa án quân sự về tội trốn trình diện nhập ngũ, sẽ bị đưa vào quân lao, sẽ bị đưa ra chiến trường khuân đạn và đào công sự chiến đấu... Đang lúc hoamg mang đó thì một người đến gặp mình, tự xưng là Đại tá, nói là rất mến mộ nhạc của mình và đề nghị nếu mình viết một vài bài ca về các chiến thắng của quân đội Việt Nam cộng hòa thì ông ta có thể can thiệp cho mình về phục vụ tại ngành chiến tranh tâm lý sau khi thụ huấn khóa sĩ quan trừ bị.
Nói thật là lúc đó mình chấp nhận đề nghị đó với tất cả sự vui mừng. Không có đàn mà mình cũng sáng tác ngay bản “Sinh Bắc Tử Nam” ý nói đám cộng sản Bắc Việt hễ vào miền Nam đứa nào là chết đứa đó vì người Miền Nam quyết bảo vệ cuộc sống tự do... Chỉ vài ngày sau khi mình trao bản nhạc cho ông đại tá mới 31 tuổi, tên là Kim, thì mình bất ngờ đã nghe tác phẩm của mình được trình bầy hợp ca từ chiếc radio. Thế là mình được đưa vào Trường Bộ Binh Thủ Đức, rồi trở thành sĩ quan Tâm lý chiến, nhiệm vụ tối thiểu mỗi tháng nạp cho sếp một bản nhạc mới.... Nhạc thì phải hô hào chiến đấu, phải ra mặt trận nhưng bản thân mình thì rất là phè, được mặc đồ thường dân đi làm, giờ giấc không ai kiểm soát, cứ tà tà ở Sài gòn, lấy vợ đẻ con. Thỉnh thoảng đưa đoàn văn nghệ đi tới hát tại các đơn vị ở các tỉnh xa nhưng được các đơn vị trưởng lo chỗ ăn chỗ ở tươm tất. Khi nào có mục du dương với bồ bịch thì nói với vợ là đi công tác của sở, nói với sếp là đi tìm cảm hứng cho bản nhạc mới...
Hoàng hỏi tôi :
- Tớ cũng đã ngồi trong hội trường ở Trảng Lớn, học hát mấy bài của cậu.  Lúc nghe cậu hăng say dạy hát, tớ cũng như mấy thằng trong đội đều bực bỏ mẹ. Có thằng chửi thầm, có thằng chửi lớn, có thằng còn tính chuyện đập cậu một trận mà cậu đâu có hay. Chúng nó bảo giết cậu cũng dễ thôi, cứ đợi lúc cậu ngủ, mấy thằng xông vô, ập chặt cái gối vào mặt cậu một lúc là ngạt thở, coi như trúng gió chết. Nhưng rồi một hôm, ngồi trong nhà cầu, mình chợt nhận ra mình đang vô tình, vô tâm hát nghêu ngao bài hát của cậu. Mình tự nói trong lòng, bản nhạc này nếu đổi lời ca đi thì âm điệu của nó cũng được đấy chứ ...
- Mình nghĩ chắc chỉ có mình mình biết nó không phải do cảm hứng hay nặn óc bóp tim gì. Mình đã gặp một đứa trẻ có mẹ là cô gái bị cưỡng hiếp, thế mà nó vẫn xinh đẹp, vẫn thông minh.


Nhìn chiếc đồng hồ điện tử, thấy đã gần 12 giờ khuya, tôi nói :
- Thôi ngủ đi, mai nói tiếp.
- Cậu buồn ngủ rồi ?
- Mọi ngày thì cứ mười giờ là mình leo lên giường. Bật ti vi lên chờ giấc ngủ nhưng có nhiều đêm ngủ quên luôn, có nhiều đêm coi ti vi tới sáng...
- Cậu sống một mình từ khi bà ấy qua đời ?
- Ừ. Một mình.
- Sao chung tình thế ?
- Không biết có phải là như vậy không. Nhưng riêng mình thì có điều chắc chắn là  thứ nhất,  gặp mấy bà thuộc loại “trời đã về chiều” mình chẳng thấy  mình chút hứng khởi nào mà còn làm cho chút “lửa lòng” của mình tất ngấm luôn. Thứ hai là phần của  mình, bây giờ già yếu rồi, các cụ nói càng già thì càng dẻo càng dai chứ có bảo là càng già càng cứng đâu, thành ra mình cũng có chút mặc cảm tự ti, đâu còn dám mang  cái gọi là “của quý” ra trình diễn với ai nữa....
Vừa lúc đó thì từ phòng bên vang lên tiếng cười của mấy cô gái. Tôi chợt nhột cả người, tưởng như họ có thứ máy móc gì nghe lén được câu tôi vừa nói. Tôi thăm dò Hoàng :
- Mấy nàng còn thức kìa. Sao họ ngủ trễ vậy ?
- Tớ cũng đâu có buồn ngủ. Chắc là thay đổi giờ giữa Việt Nam và Mỹ đấy thôi.
- Họ là thư ký, nhân viên hay bạn gái của cậu ?
Hoàng gạt ngay :
- Tớ đã nói với cậu là chưa tới lúc nói chuyện đó. Đêm nay hai thằng mình  nằm với nhau để nhớ những ngày trong tù cải tạo mà. Cậu nhớ lúc chiếc tàu húc vào bờ cát An Thới đảo Phú Quốc không ? cái bửng hạ xuống, bọn tù như đàn vịt lao ra, nhẩy xuống biển cho sạch mùi hôi thối. Mình thì suốt mấy ngày trên tàu không đi cầu, tưởng là ị được ngay thế mà mót thì cứ mót, không ra là không ra...
- Nó đưa mình vào khu trại mà trước năm 1973, là trại tù binh cộng sản nên có nhà, có sàn xi măng sẵn nên cũng đỡ khổ. Chỉ phải cái là không có nước dùng. Cậu nhớ không, cái giếng nào cũng cạn tới đáy. Bọn nó phải dán giấy cảnh cáo rằng chỉ được múc nước để đánh răng thôi, ai mà tắm giặt là nhốt ngay lập tức... Hàng ngày bắt lên rừng lấy củi, hay khai hoang mấy cánh đồi để trồng sắn mà không được tắm rửa nên dơ bẩn, ngứa ngáy như hủi...
- Mình nhớ ngày nó dẫn bọn tù cải tạo tới sườn đồi um tùm cỏ tranh, ra lệnh phát quang để “làm kinh tế” mà không có dao có dựa, cuốc sẻng gì hết. Một anh tù trước là trung úy quân cảnh trông coi trại tù này mới nói :  “Thưa cán bộ, mấy cái sườn đồi này gài rất nhiều mìn. Có hai loại, loại nhỏ là mìn cóc tức mìn chống cá nhân và mìn râu tức chống xe tăng. Tôi sợ chúng tôi bước vô phạt cỏ là dẫm phải mìn thì nguy hiểm lắm. Đề nghị là cán bộ kiếm bản sơ đồ gài mìn cho chúng tôi”. Tên bộ đội người Nùng trợn mắt : “Cách mạng không chôn mìn nên không có sơ đồ. Mìn đó là do các anh chôn thì giờ các anh gỡ vứt đi để lấy đất trồng sắn”. Rồi nó ra lệnh cho tù cải tạo dàn hàng ngang tiến vào nhổ cỏ tranh. Một anh nào đó giơ tay định nói nhưng tên quản giáo nạt ngay : “Không phát biểu linh tinh nữa. Yêu cầu tất cả khẩn trương nhổ cổ tranh”. Nhưng anh kia cứ nói : “Nhổ cỏ bằng tay thì biết bao giờ mới hết được sườn đồi này. Tôi đề nghị cán bộ cho  chúng tôi đốt vừa nhanh và lại có tro để bón cây”. Thấy hợp lý nên tên quản giáo đồng ý. Cánh đồng cỏ tranh bắt lửa, gặp gió thổi nên bùng bùng cháy. Chợt thấy anh tù cải tạo đưa đề nghị đi ngang, mình khen anh ta vừa can đảm vừa thông minh. Anh ta nói : “Tôi đề nghị đốt đồng cỏ là tính khi lửa cháy tạo nên sức nóng nó sẽ làm mìn nổ, như thế bọn mình  đỡ nguy hiểm...”. Thế nhưng có thấy tiếng nổ nào đâu. Sáng hôm sau, bọn cải tạo lại dàn hàng ngang tiến vào sườn đồi, lúc này thì không còn cỏ nữa, mặt đất phủ một lớp tro xám nhạt.
Một anh cải tạo nguyên là trung úy công binh  hốt hoảng kêu lên : “Anh em coi chừng mìn !”. Nhiều tiếng hỏi : “Sao biết ?”. Anh ta trả lời : “Nếu thấy hai cái mẩu đen đen dài khoàng hai phân như cái tăm từ dưới đất đâm lên thì đó là hai cái râu của trái mìn chống chiến ra đó. Đạp trúng nó là banh xác đấy”. Đám tù cải tạo kinh hoàng rón rén lùi ra ngoài rồi nhìn nhau thảm não, thì thầm nghi hoặc : “Chắc là nó muốn giết mình rồi”.  Mấy tên vệ binh thấy đám cải tạo đứng ngơ ngác thì vội tháo súng AK khỏi vai, cầm trên tay hướng mũi súng về phía tù, hét lớn : “Yêu cầu tất cả lao động khẩn trương lên”.  Đám tù cải tạo đứng trước cái chết nên cũng bớt sợ, trả lời : “Báo cáo cán bộ là vùng đất này có mìn”. “Mìn ở đâu ? Sao các anh biết ?”. “Dạ mìn chôn từ trước năm 1973 vì đây là trại tù mà”. “À thì ra thế. Nhưng nhất trí là mìn này không phải do chúng tôi chôn nhá. Các anh chôn thì bây giờ các anh gỡ đi. Yêu cầu khẩn trương”.
Tôi nói tiếp lời Hoàng :
- Tớ nhớ là lúc đó cậu bước ra khỏi hàng, tới gần mấy tên vệ binh khiến chúng chĩa nòng súng AK vào cậu trong tư thế sẵn sàng bóp  cò. Cậu nói rằng :
“Tôi đề nghị cán bộ bảo vệ chúng tôi vì Đảng đã khoan hồng không đòi chúng tôi trả nợ máu mà cho chúng tôi đi cải tạo để thành con người mới xã hội chủ nghĩa. Bây giờ vô bãi mìn, chẳng may đạp trúng mìn thì banh xác rồi, làm  gì còn cơ hội cải tạo nữa”. Tên vệ binh hỏi : “Vậy anh muốn nói cái gì ?”.  Cậu đáp : “Cán bộ cho chúng tôi ít cuộn dây kẽm gai”. Nó ngạc nhiên nhắc lại : “Dây kẽm gai ?”. Cậu giảng giải : “Đúng.  Chúng tôi sẽ cắt dây kẽm gai thành những chiếc đũa, rồi anh em cải tạo ngồi hàng ngang,  dùng cái cây đũa sắt đó xâm chênh chếch xuống đất chừng 45 độ. Nếu trúng mìn thì chỉ trúng vào thành trái mìn chứ không đụng bộ phận kích hỏa ở phía trên nắp trái mìn. Lúc đó sẽ lấy tay bới đất, lấy trái mìn lên.”. Tên cán bộ chạy đi gặp quản giáo đang ngồi xổm dưới bóng cây đấu láo với quản giáo của mấy đội tù khác. Ít phút sau tên quản giáo tới, nói rất trịnh trọng: “Nhân danh chính sách khoan hồng của đảng, tôi chấp thuận đề nghị hợp tình hợp lý của các anh.  Mong rằng các anh nhìn rõ bản chất nhân đạo của bác và đảng mà phấn đấu bản thân, học tập tốt, lao động tốt để sớm được đảng cho về đoàn tụ với vợ con, hoặc được đảng cho phép mang vợ con ra đây theo chính sách đi  khu kinh tế mới  làm lại cuộc đời”.
Hoàng nối lời tôi :
- Thế mà rồi mìn vẫn nổ. Trúng mìn cóc thì một cái chân nát bét, có thằng bị thổi bay mất cả tròng con mắt. Thằng nào đạp trúng mìn râu thì thịt nát xương tan. Cậu nhớ không, mỗi sáng, bước ra cổng trại là anh em nhìn nhau như nói thầm một lời vĩnh biệt...
- Cậu nhớ thằng Vĩnh chứ, nó kể lại là nó ngồi xổm như anh em, cũng xiên 45 độ thế mà đất ở dưới chân nó bỗng phụt lên với một tiếng nổ làm nó ngất xỉu luôn. Anh em khiêng nó về bệnh xá trại. Phụ trách  bệnh xá là một anh trung úy quân y phe ta nhưng chỉ có một thứ thuốc là xuyên tâm liên để chữa tất cả mọi thứ bệnh trên đòi. Anh ta cứ riễu thuốc này là Kpmycine. KP là khắc phục mà. Khi đón “đồng môn” bị mìn nát một bên chân, anh ta chỉ biết ôm  nạn nhân mà khóc. Vì làm cách nào mà chữa đây ? Sau đó một “bác sĩ” tại chức của  cách mạng là sếp của anh bác sĩ trung úy ngụy tới. Anh ta ra lệnh cắt chân anh chàng Vĩnh. Hỏi thuốc khử trùng đâu ? Anh ta đi đâu một lúc rồi mang cho một chai bia 33 đựng thuốc đỏ. Hỏi thuốc mê. Anh ta trả lời “bầy vẽ”. Hỏi cưa thì cha mẹ ơi, anh ta xuống nhà hậu cần, mang lên chiếc cưa củi. Thế là phải ‘tiến hành phẫu thuật” thôi. Thằng Vĩnh nó tả, bị cưa đau qúa thì nó hét lên rồi xỉu. Xỉu rồi đau qúa lại tỉnh. Tỉnh rồi lại xỉu. Khi cưa xong khúc xương ống chân, tưởng là rồi thì hỡi ơi, trước lúc cưa vì mất hồn mất vía nên quên tính phần da để gói chỗ cưa lại....
Cứ vài ngày lại có một anh đạp phải mìn. Tiếng mìn nổ, tiếng la hét giữa khuya của những anh bị mìn tàn phá cơ thể nằm chung một nhà trong cơn đau đớn đã không thuốc phen chữa trị mà bụng còn đói meo reo đã gây cho mọi người những giấc mơ kinh hoàng khi mở mắt cũng như khi nhắm mắt. Ai cũng sợ ngày mai sẽ tới lượt mình. Nằm thao thúc trong bóng tối, tôi nghĩ phải viết một bản nhạc, rồi phải hòa âm cho một dàn đại hòa tấu trình diễn chứ tiếng hát của một ca sĩ dù thiên tài cũng không cách chi diễn tả nổi cái đau, cái uất, cái sợ, cái tuyệt vọng của trại tù chúng tôi.
Một buổi sáng thức dậy, tôi cảm thấy người mệt mỏi rã rời bèn khai bệnh xin nghỉ lao động. Anh cựu trung úy bác sĩ biết tôi lả nhạc sĩ tác giả của mấy bài ca mà tôi mới viết theo lệnh của trại, khi thẩy cho tôi vài viên xuyên tâm liên đã nói một câu mà tôi tưởng như anh ta lụi vào hông tôi một mũi lưỡi lê : “Mấy thằng vệ binh quản giáo nói hễ cứ tin vào đảng và bác là kẻ thù nào cũng đánh thắng, trở ngại nào cũng vượt qua, sao mày còn đi khám bệnh xin thuốc vậy ?”.
Rồi anh ta phê vào sổ khai bệnh là tôi có thể lao động linh tinh ở trong trại được.  Buổi trưa một vệ binh tới kiếm tôi, ra lệnh đi theo anh ta. Nhìn thấy tên này mới khoảng mười mấy tuổi, mang súng theo, tôi chột dạ nghĩ, sao nó lầm lầm lì lì thế, không lẽ nó mang mình đi bắn ? Tôi cố trấn an cho khỏi rung chân rằng mình có làm gì phạm nội quy trại hay ăn nói linh tinh phản động gì đâu mà sợ. Chợt nhớ mấy tuần trước, có một anh trốn trại chẳng may bị bắt lại. Toán vệ binh chừng hơn mười tên điệu anh tù cải tạo sa cơ này ra giữa sân, chúng đứng quây thành vòng tròn, và người tù ở giữa. Thế là một màn đùa giỡn của bầy ác thú bắt đầu. Chúng đấm chúng đá anh tù trốn trại. Chúng cười hả hê, chúng cười khoái lạc. Người tù bị đạp lảo đảo giạt sang bên kia thì một tên vệ binh phía đó đập hay đấm hay đá thật mạnh làm anh tù lại bật sang phía đối diện để lại bị tên vệ binh đứng chỗ đó hứng lấy, tống cho một phát dội ngược sang chỗ tên vệ binh khác. Cứ thế một hồi cho tới khi người tù  chỉ còn là một đống thịt nằm bất động dưới đất thì trò chơi của đám vệ binh mới chấm dứt.  Hai đứa nắm hai tay anh tù kéo lê  cái thân xác tơi tả đó vể văn phòng trại để khai thác tìm bắt “đồng bọn”, “trong tổ chức phản động”.
Do qúa lo sợ nên tôi đã nối liền chuyện anh tù trốn trại với chuyện tôi đang bị tên bộ đội cầm súng AK dẫn đi. Tôi hồi hộp nghĩ không  biết anh tù trốn trại có khai nhắng nhít rằng tôi là đồng bọn không đây ? Tôi từng nghe nói những anh em cải tạo cứng đầu trong trại, mỗi khi bị cán bộ bắt vì vi phạm nội quy  thường hay khai mấy người bị ghim là làm ăng ten là bọn phản động cho bõ ghét.  Tôi cuống quít tự tìm cách trấn an rằng chắc không có chuyện gì  xấu xẩy ra cho tôi đâu, bởi vì giản dị là chỉ có một tên vệ binh non choẹt thế này, chứ nếu nó định tẩn mình thì nó phải đi một bầy một đàn như hôm chúng nó đánh anh tù trốn trại kia chứ... Qủa nhiên tôi đoán đúng. Tên vệ binh dẫn tôi tới giếng nước, chỉ tay xuống giếng, ra lệnh : “Anh múc nước cho tôi tắm”. Hắn cởi hết quần áo, đứng tồng ngồng trước mặt người xa lạ là tôi mà sao hắn thản nhiên vô tư đến thế. Tôi thở phào khoẻ khoắn, vội cầm chiếc gầu nhỏ, kéo nước lên, tạt vào người nó làm nó khoái trí. Nó ra lệnh tiếp : “Kỳ lưng”. Nó đứng khum khum chổng mông cho tôi kỳ lưng. Cao hứng nó đưa cả mảng đít vào mặt tôi, hỏi : “Anh có thấy tôi có đuôi đâu nào ? Thế mà bọn ngụy nó tuyên truyền là cộng sản có đuôi. Bố láo đến thế là cùng”. Khi ưỡn cái bụng cho tôi kỳ cọ, hắn nói : “Tôi thế này mà bọn ngụy nó tuyên truyền là ba thằng bộ đội bám vào cành đu đủ mà cành đu đủ không gẫy. Bố láo đến thế là cùng !”.
Vài phút sau hắn hỏi tôi :
- Anh là người dân tộc nào ?
- Tôi là người Hà Nội.
- À anh là dân di cư năm tư ?
- Dạ.
- Vậy là thành phần phản động, nợ máu của nhân dân rồi.
- Tôi di cư theo gia đình vì tôi còn đi học, chưa biết gì  về chính trị.
- Tại sao anh vô lính ngụy ?
- Thời chiến tranh, đến tuổi là phải vô lính. Các anh ở miền Bắc cũng vậy thôi...
- Anh nói láo. Không ai bắt chúng tôi vô lính hết. Chúng tôi tình nguyện đi đánh cho Mỹ cút ngụy nhào để giải phóng miền Nam... Chỉ có các anh tham tiền mới làm lính đánh thuê cho đế quốc Mỹ.
Tôi cúi mặt nhịn nhục vì nói cũng bằng thừa với những đứa này. Vào trong tù có câu rất hay do cộng sản nói ra mà mình nên áp dụng là “nín thở qua sông”.
Tắm xong, trong lúc  mặc quần áo, hắn bỗng hỏi tôi :
- Thời gian ở trong lính ngụy anh giết bao nhiêu chiến sĩ cách mạng rồi ?
- Tôi không ra trận nên không giết ai.
- Thế anh làm gì ?
- Tôi ở ngành tâm lý chiến.
Nghe thấy mấy tiếng “tâm lý chiến” tôi thấy bản mặt hắn thay đổi hẳn. Ánh mắt hắn dữ như mắt cọp và miệng hắn bạnh ra, tay chỉ thẳng vào tôi :
- Mày là thành phần đại phản động đấy ! Thảo nào mày bị ra đảo này lãnh án tù. Bố nói cho con biết là con sẽ tù vài chục năm đó con. Chính mấy thằng tâm lý chiến chúng mày tuyên truyền láo lếu rằng chúng ông có đuôi chứ ai ! Bây giờ có còn chối không ? Lần sau tao không cho mày tắm cho tao nữa mà mày chỉ được tắm cho lợn thôi, biết chưa !
Buổi tối, tôi kể chuyện cho Hoàng nghe. Hoàng  trầm ngâm rồi nói :
- Vì thế mình nghĩ rằng phải chơi một ván bài, nhất chín nhì bù thì cũng phải chơi thôi nếu không muốn sống như con heo trong chuồng chờ ngày bị thọc huyết.
- Ờ... ờ.. Khi cậu rủ tớ trốn trại, tớ sợ bỏ mẹ. mà sao cậu không đi trốn một  mình cho khoẻ ?
- Một mình thì quan sát không hết được, với lại không có người bàn bạc, dễ chủ quan...
Hai chúng tôi bỗng im lặng như bị chìm đắm vào trong những hình ảnh cũ đang ùn ùn sống dậy.. Trong một buổi toàn trại bị xua lên rừng lấy củi cho nhà bếp, Hoàng đã ra hiệu cho tôi đi sát bên anh. Tôi không thể quên được lúc đó, đôi mắt Hoàng sáng rực tưởng như một ánh dao loé lên giữa khuôn mặt lạnh tanh như một pho tượng. Tôi tin tưởng Hoàng vì anh ta đã từng kể cho tôi nghe những lần dẫn theo vài ba người đột  nhập mật khu địch mà tử thần luôn luôn bám gót anh, nhưng tôi vẫn sợ hãi đến độ cứ muốn nói với Hoàng là thôi, tôi bỏ cuộc, tôi ở lại trại tù còn hơn là trốn. Mà trốn thì liệu có thoát không, thoát thì đi đâu, làm gì, mà lỡ bị bắt lại thì mình sẽ như cái mền rách vì trận đòn thù của đám vệ binh sắt máu này. Nhưng tôi như bị thôi miên bởi ánh mắt  Hoàng.  Tôi nghĩ nếu tôi không đi với Hoàng, chẳng may anh bị bắt thì thế nào anh ta cũng  cho là tôi khai báo vì tổ trưởng biết là tôi và Hoàng thân nhau...
Chúng tôi làm như đi tìm củi, mỗi lúc một xa đội.  Khi không còn nghe tiếng nói của đám tù nữa thì Hoàng ra hiệu cho tôi, hai đứa lẩn vào rừng rậm, chạy thật nhanh ra phía biển. Hoàng thì thầm : “Mình nằm chỗ này cho đỡ mệt, chờ đêm tối sẽ đi dọc bờ nước về phía nam đảo. Cậu nhớ không, hôm mà chúng nó cặp tàu đổ mình xuống, ở gần chỗ đó là làng chài. Mình sẽ đánh cắp một chiếc ghe, bơi qua Cam Bốt hay Thái Lan”.
Trời vừa tắt ánh nắng thì Hoàng  ra hiệu cho tôi lên đường. Hoàng giảng giải : Ban đêm, mình không thể đi trong rừng vì nhiều chướng ngại. Nhưng đi dưới bãi biển thì dễ bị lộ.  Cho nên phải nép vào bìa rừng. Đừng nói. Đừng gây tiếng động. Lúc nào cũng phải cảnh giác.
Vừa đi vừa chạy, không biết bao lâu thì thấy nhà cửa, tàu bè của làng chài đã lờ mờ hiện ra trước mắt. Phải thành thật nói rằng cả đời tôi, từ khi nhỏ bé tới ngày nay, chưa bao giờ tôi sống trong kinh hoàng như những giờ phút lúc đó. Tôi đã trải qua không ít những lần hối hận, tự trách mình sao không dứt khoát từ chối đề nghị của  Hoàng mà dính vào cuộc phiêu lưu một trăm một nhìn phần chết, chỉ có một phần sống này làm gì. Đánh bài cũng chỉ một là tài hai là xỉu, một là sắp hai là ngửa, một là trắng hai là đen thì người ta mới chơi. Mà nếu có thua thì cũng chỉ mất tiền thôi. Đằng này sao mình lại ngu dại tới múc mang cả sinh mạng của mình đặt lên chiếu bạc mà phần ăn chỉ một phần chết thì trăm thì ngàn... Bây giờ làm sao đây, đâu còn đường rút nữa rồi. Quá hoảng kinh, tôi lạy xin trời phật nếu chẳng may thì cho tôi chết ngay chứ đừng bị bắt để tránh đau đớn..
Bước vào xóm chài, tôi phải thầm phục khi thấy Hoàng thoăn thoắt lẩn từ bóng tối này sang bóng tối khác. Sóng biển thổi vào người tôi mát rượi làm tôi tỉnh táo đôi chút và bớt rung chân rung tay. Mấy chiếc ghe chỉ còn cách chỗ chúng tôi ẩn nấp một khoảng cách ngắn khiến tôi bắt đầu bị quyến rũ. Hoàng thì thầm : “Phải lấy chiếc ghe máy. Bây giờ mỗi thằng phải kiếm một khúc cây để khống chế chủ ghe. Nhớ là gặp người ta là phải bằng mọi cách không cho nó có cơ hội la lên, không cho nó chạy thoát. Trong hoàn cảnh này bất cứ người nào cũng đều là kẻ thù của mình hết, nghe chưa”.
Tới gần một căn nhà, Hoàng ra hiệu cho tôi quan sát và canh gác để anh tìm cách đột nhập. Chỉ vài phút sau Hoàng đã vọt ra, tay cầm hai con dao và một nồi cơm nguội. Hai thằng chúng tôi trốn vào bóng tối, bốc cơm ăn ngon lành vì cả hai đều đói rã họng và khát khô cổ. Hoàng nói : “Phiền quá. Vấn đề là không có chiếc ghe nào có người cậu ạ. Làm sao mà kiếm được chủ ghe đây ?”. Hoàng nhìn trời rồi nói vội : “Mình không còn nhiều thì giờ nữa, chắc đã bốn năm giờ sáng”...
Bỗng thấy một nhà vừa bật đèn. Không nói không rằng, Hoàng lúp xúp chạy tới bên cửa sổ, tìm một khe hở để nhìn vào.  Chừng như nắm được đầy đủ yếu tố cần thiết, Hoàng quay lại chỗ tôi đang nấp. Anh nói : “Chủ nhà là thằng mới theo cộng sản”. “Sao biết ?”. “Nó đeo cái băng đỏ trên tay áo. Nếu nó là cộng sản thứ thiệt thì nó đội nón cối, mang xà cốt..”. “Bây giờ làm sao ?”. “Nó mới theo cộng sản tức là nó người ở làng này. Mình khống chế nó, hy vọng lấy được ghe”. “Khống chế cách nào ?”. “Cậu chuẩn bị nhé, tớ dụ nó ra ngoài nhà, hai thằng mình nhào tới, cho nó một nhát cảnh cáo buộc nó im miệng và làm theo lệnh mình”.
Mọi chuyện diễn ra y chang kịch bản của Hoàng. Tên đeo băng đỏ khi nghe tiếng động, vội bước ra ngoài, lập tức Hoàng gí lưỡi dao vào cổ, còn tôi vì cuống quít, mất bình tĩnh, chỉ nhớ lời Hoàng dặn là cho nó một nhát, thế là tôi lao mạnh con dao vào người hắn khiến máu phọt ra. Hắn đổ xuống đất như một thân cây chuối, miệng thì thào :
- Các anh là ai mà giết tôi ?
Hoàng nói  rít trong kẽ răng:
- Mới cảnh cáo thôi chứ chưa giết. Muốn đi nhà thương cứu cấp gấp để khỏi chết thì đưa chúng tao xuống ghe của mày để chúng tao sang Thái Lan.
- Đi Thái Lan ? Bộ các anh là lính ngụy hả ?
Hoàng trả lời  với giọng đanh thép:
- Tao không thèm dấu gì mày, chúng tao là sĩ quan quân đội Việt nam cộng hoà, bị bắt đi tù cải tạo ở An thới đây. Chúng tao trốn trại...
Bất ngờ, tên đeo băng đỏ đưa hai tay lên như muốn ôm lấy Hoàng :
- Anh ơi, tôi cũng là hạ sĩ quan ngụy đây.  Tôi phải lập kế theo chúng nó để có cơ hội giúp đưa người của mình vượt biên. Mấy tháng nay tôi đã đưa được cả trăm người rồi...Các anh khiêng tôi vào nhà để tôi gọi con cháu nó lấy ghe chở các anh đi cho lẹ kẻo trời sắp sáng rồi...
Cả hai chúng tôi nhìn nhau chưng hửng. Thành ra cái băng đỏ trên cánh tay anh đã khiến anh lãnh nhát dao đầu tiên trong đời tôi.. Tôi ân hận qúa. Giá như tôi bình tĩnh như Hoàng, chỉ gí lưỡi dao vào bụng anh ta là đủ, cần gì phải đâm lút cán như thế... Nếu anh ta chết thì tôi là kẻ giết người rồi... Tôi không dám nhìn  vào vết thương ở trên bụng anh mà máu vẫn tuôn ra. Tôi cũng không biết phải làm gì bây giờ để cho máu ngưng chảy nữa.
Chúng tôi đặt anh ta lên tấm phản. Anh ta ngóc đầu gọi vào phòng trong:
- Hiền ơi ! Hiền ! Dậy chưa cháu ?
Một cô gái thoắt chạy ra, tóc tai rối bời, mắt nhắm mắt mở. Cô ta nhìn thấy máu thì hoảng sợ, miệng há lớn nhưng không có âm thanh nào thoát ra, có thể thấy  người đàn ông thân yêu của cô xua tay ra hiệu cho cô đừng sợ.
- Chú không sao đâu, đau một chút thôi. Chú nhờ con đưa hai sĩ quan này sang Thái Lan ngay lập tức. Hai sĩ quan này đang ở trong tình trạng nguy hiểm vì mới trốn trại cải tạo đấy. Thế nào trời sáng là chúng nó sẽ kéo tới đây lục soát để tìm bắt. Cháu đi ngay lúc trời còn tối để hàng xóm không biết...
Rồi người đó nắm tay chúng tôi :
- Xin kính chúc hai sĩ quan thượng lộ bình an. Đàn em tính đi nhưng  cũng muốn ở lại giúp những đàn anh đi thoát xong đã...
Anh ta nhìn chúng tôi thật thành khẩn :
- Em xin lỗi thượng cấp em không đứng nghiêm để chào được. Mong hai sĩ quan đừng quên nhiệm vụ của người lính đối với tổ quốc...
Tôi cố nói lời cuối cùng với nạn nhân của tôi :
- Xin anh hiểu cho là hành động của tôi chỉ vì thấy anh đeo tấm băng đỏ của cộng sản, chứ giữa anh và tôi không có điều gì phải dùng tới dao tới súng...
Anh ta gật gật :
- Tôi biết. Ở đây không thiếu người khinh khi tôi là thuộc sư đoàn 304, là nằm vùng... Thực ra bây giờ  tôi mới nằm vùng...
Tôi cảm động nhìn vết thương trên bụng anh ta, giọng tôi rung lên :
- Anh ơi, nhà có bông băng hay thuốc gì không để tôi bó vết thương cho anh...
Anh ta suy nghĩ rồi lắc đầu :
- Chắc không có... Tại... đâu có ai ngờ thế này...
Tôi hỏi lại :
- Ở đây không có nhà thương hay bệnh xá gì sao ?
- Đây chỉ là một cái ấp nhỏ thôi.
Tôi kêu lên trong cổ họng “Như vậy thì anh làm sao sống ? Trời ơi ! Tôi đã giết anh sao ?”. Anh ta mỉm cười đau đớn :
- Thôi, các sĩ quan đi lẹ lên.
Tôi vội vã quay đi nhưng được vài bước thì quay lại :
- Anh tên gì ?
- Quốc.
- Anh là địa phương quân ?
- Vâng...
Bỗng như chợt nhớ ra điều gì,anh nói :
- Anh tháo cái băng đỏ ở trên tay áo tôi ra hộ... Nếu tôi có chết thì tôi ... là người lính Việt Nam cộng hòa...
Cô gái tên Hiền nhìn người chú ái ngại nhưng người chú khoát tay giục chúng tôi ra khỏi nhà. Cô gái dẫn chúng tôi đi phía cửa sau, chạy thẳng xuống bãi ghe. Khi ánh mặt trời lên thì chiếc ghe đã lênh đênh giữa biển và màu nước còn đen xẫm. Tổ quốc của tôi đã hút khỏi tầm mắt  tôi rồi. Tổ quốc của tôi giờ chỉ còn thấy qua hình dáng mảnh mai của cô gái đang điều khiển chiếc ghe máy. Trông cô ta không có vẻ gì là dân đi biển đánh cá mà giống như một nữ sinh tỉnh lẻ chân chất, mắt không nét bút chì đen, lông mày chưa nhổ bớt những chiếc lông mọc vô hàng lối và hai gò má và hai làn môi dường như chưa làm quen với phấn son... Tôi vừa có ý nghĩ tới làm quen cô gái thì đã thấy Hoàng lừng lững đến bên cô ấy . Từ giây phút đó tôi không nhìn thấy cô gái nữa vì bỗng có cảm tưởng thịt da tôi sau những giờ căng thẳng bây giờ dãn ra và chùng xuống làm trong tôi không còn một chút sức lực nào. Tôi nằm xuống, nhắm mắt lại để tìm sự thư giãn nhưng không thể, bởi đầu tôi đang đầy ắp những câu hỏi về dĩ vãng và về tương lai. Vợ và hai con tôi rồi đây sẽ ra sao ? Ngày đi trình diện tập trung cải tạo tôi lâm vào cảnh “họa vô đơn chí” khiến bà ấy ngất xỉu, chắc hẳn giờ đây chưa thể quên mối hận  người chồng phụ bạc... Lại còn người đàn bà mà tôi dính líu kia nữa lúc này ra sao ? Mấy tháng nay, sống quần quật nhục nhã trong trại tù, qủa tình là tôi không nhớ, không nghĩ gì tới bởi cái bụng đói lúc nào cũng sôi réo đòi giải quyết. Nay bỗng nhiên tất cả ào tới, sống động như mới diễn ra trong ngày hôm qua khiến tôi thiếp đi.
 Hiền thả chúng tôi vào một bờ biển hoang vu của Thái Lan. Cô giải thích : “Hai anh hỏi thăm đường tới trại tỵ nạn cũng dễ thôi, còn em nếu họ thấy họ sẽ không cho em về nữa”. Hoàng tán tỉnh : “Thì em đi với anh”. Hiền e lệ, ửng hồng đôi má : “Thôi, em không dám đâu. Em nhà quê nhà mùa”... Hoàng nói : “Anh là lính mà gẫy súng rồi thì cũng là trai làng thôi. Trai làng với gái quê là đẹp đôi qúa rồi, phải không em ?”.
Tôi thấy Hoàng khoác vai Hiền với dáng điệu rất thân mật và ngạc  nhiên là Hiền không có ý phản đối gì cả. Bỗng Hoàng nói với tôi : “Cậu ở đây trông ghe cho Hiền, mình tâm tình với ân nhân một chút trước khi mỗi đưa một nơi, nhé”. Thế là bóng hai người dìu nhau khuất vào trong cánh rừng còn vẻ nguyên sinh hiẹn ra vẻ quyến rũ và bí hiểm. Tôi sót xa muốn kêu lên : “Thôi, thế là cô này bị thằng Hoàng sơi tái rồi”. Tôi nổi giận tính đuổi theo Hoàng, làm kỳ đà cản mũi không cho anh ta phá hoại đời cô gái. Rồi tôi cũng giận cũng trách cô gái sao mà có loại người bồng bột, nhẹ dạ tin người đến thế.




Sáng hôm sau, một chiếc xe SUV tới nhà tôi kiếm Hoàng. Hoàng vô phòng ba cô gái mà chẳng cần gõ cửa, chẳng cần biết người ta đã thay quần áo, đã trang điểm xong chưa. Thái độ tự nhiên của anh ta khiến tôi tin rằng ba cô này chắc chắn là gái bao của anh ta chứ không thể là nhân viên, cộng sự viên hay bạn bè gì khác.
Khi ra xe, tôi chưa biết ngồi như thế nào thì Hoàng đẩy tôi lên ghế trên, còn anh ngồi chung với ba cô. Xe chạy khoảng một giờ thì tới khu Huntington Harbor sang trọng của thành phố Huntington Beach mà tôi cũng đã đôi lần ghé do được bạn bè có nhà ở đây mời dự tiệc tùng văn nghệ và khiêu vũ. Tôi hơi ngạc nhiên vì cứ tưởng xe sẽ tới một khách sạn nào đó. Người tài xế cứ như là người máy, đưa chúng tôi tới một căn nhà với kiến trúc rất đẹp mà theo thời giá chắc phải vài ba triệu đô la. Ông ta bấm chuông, người trong nhà chạy ra mở cửa rất nhanh, có thể vì họ đã chuẩn bị và chờ đợi. Đó là một bà khoảng năm chục mà thoạt nhìn vẻ người, quần áo, tôi nghĩ ngay bà này mới ở Việt Nam sang. Và bây giờ nhìn người tài xế, tôi cũng tin chắc ông ta không phải là người sinh sống nhiều năm trong cộng đồng người Việt hải ngoại.
Khi hai người đàn ông và đàn bà này xách va ly cho Hoàng và ba cô gái lên lầu, sắp đặt phòng ngủ, tôi lững thững đi qua phòng khách ra phía sau căn nhà, đứng trên khoảnh sân đóng bằng gỗ nằm trên mặt nước, nhìn trời bao la, nhìn rạch nước thông với biển nổi sóng êm ả, nhìn những căn nhà dọc hai bên bờ nước nhiều nhà có thuyền cột vào cầu tàu... Cảnh trí trước mắt tôi đẹp như một bức tranh in trên những tờ lịch.
Một lúc sau, Hoàng đập vào vai tôi :
- Bộ tìm thấy cảm hứng sáng tác rồi hay sao mà suy tư dữ vậy ?
- Chẳng qua là nhìn cuộc sống của người ta mà thương dân tộc mình thôi. Bao giờ cái làng chài An Thới được một phần thế này, nhỉ ?
Hoàng cười :
- Thì được một phần rồi đây nè.
- Cậu nói gì ?
- Này, giữ bí mật nhé. Chủ tòa nhà này là người An Thới đấy. Cậu nhớ cô lái đò ở An Thới năm xưa không ? Hình như tớ có kể cho cậu nghe mấy lần rồi mà..
- Cô gái tên Hiền...
- Ừ. Sau khi đưa mình sang Thái Lan thì Hiền trở về An Thới.. Nhưng chuyện không giản dị như vậy, bởi Hiền đã chở luôn cả hồn mình về với Hiền rồi.
- Đoạn này cậu nói hoài, nói như thằng điên rồi.  Tớ nhớ lúc mới sang Mỹ, hai thằng gia nhập làng cắt cỏ thuê, ban ngày chủ cắt đặt mỗi thằng một thành phố, tối về nằm bên nhau là tớ nghe cậu lảm nhảm nói chuyện em Hiền. Cậu còn yêu cầu tớ viết một bản nhạc, phỏng theo bài “thơ thẩn” của cậu “lắp ráp” trong lúc đẩy máy cắt cỏ. Thú thật, tớ không ngờ cậu mê gái còn hơn cả mấy thằng nghệ sĩ như tớ đấy. Mới gặp nhau có buổi trên đò mà thành thiên tình sử. Này, thế lúc cậu dẫn em vào khu rừng cậu có hại đời em không ?
Hoàng trợn mắt :
- Hại đời tớ chứ sao lại nói là hại đời em. Chính vì ở với em mà tớ say khướt, tớ mê mẩn tơ tưởng ngày đêm cái mùi da thịt của em. Lúc ấy tớ thấy cái anh chàng nào làm bản nhạc có câu yêu em ngực ngải môi trầm là tuyệt vời. Ngực em còn quyến rũ hơn vạn bội lần ngải, môi em còn là thứ trầm nghìn năm nên mê hoặc tớ, không còn biết ngày đêm sáng tối. Cậu cứ trách tớ là thằng mắc bệnh tâm thần thì cũng đúng thôi. Cậu không thấy tớ yêu em à ? Tớ cảm thấy tớ không thể xa em được nữa nên tớ mới trở về nước tìm kiếm em. Nhưng lúc đầu tụi sứ quán Việt cộng nó đếch cho mình về. Nó còn bảo về là công an nó cum thì ráng chịu vì mình thuộc thành phần xấu, ngụy quân ngụy quyền đã trốn trại cải tạo còn vượt biên ra nước ngoài..  Thành ra ba bốn năm sau, lúc cậu cưới vợ  mới thì tớ cũng đâu có dính một em nào bởi vì tớ thành người không tim rồi.
- Tớ nhớ cậu cứ hay nói là trái tim của cậu, em Hiền đã lấy mất  ...
- Nói thì có vẻ cải lương nhưng sự thật đúng y chang như vậy.
- Cậu nói với tớ là vì qúa nhớ em Hiền, sợ em đi lấy chồng mất nên cậu đã bồng bột đầu hàng tụi nó để được phép trở về mà ?
- Ừ thì đúng vậy. Khi mình lên máy bay về kiếm Hiền thì cũng đã sáu bẩy năm sau nên mình hồi hộp lắm, lỡ em lấy chồng rồi thì mình sống làm sao đây. Tới xóm chài An Thới, hỏi thăm Hiền, chẳng ai biết Hiền ở đâu. Không chấp nhận bỏ cuộc, mình nằm lì ở cái xóm chài đó, hỏi hết người này đến người khác. Cuối cùng  một bà cho biết Hiền không phải là người có hộ khẩu ở đây. Trước tháng Tư bẩy lăm cô ấy ở Rạch giá, học trường  Nguyễn Trung Trực, thỉnh thoảng về đây thăm ông bố nuôi cũng là ông chú ruột thôi. Hỏi tin ông bố nuôi thì người đó trả lời ông ấy chết vì trở cờ theo cộng sản sau ngày 30 tháng Tư nên bị “phe ta” ám sát.. Tớ bèn hỏi bà này rằng thời gian Hiền học ở Rạch giá, bà có biết Hiền ở khu phố nào không,  bà có biết người nào quen Hiền không... Hôm sau mình tới Rạch Giá với một tâm trạng rối beng, vừa không biết làm sao kiếm ra Hiền vừa sợ khi gặp Hiền thì cô bé bồng vài đứa con với ông chồng nón cối ra tiếp... Và liệu Hiền có thương có nhớ gì mình không ? Như thế chẳng thà không gặp nhau trên cõi đời này  còn hơn phải lâm vào cảnh chua xót bẽ bàng mà mình biết mình sẽ là người gục ngã..
- Qủa nhiên là khi theo dấu chân nàng, cậu mò ra Hà Nội kiếm nàng thì nàng đã có chồng là sếp xòng công an ?
- Ừ ! Từ đó cho đến ngày nay, và rồi cho đến chết, tới chắc chắn là không thể quên cái gây phút gặp lại nhau. Hiền đẹp qúa cậu ạ. Lúc Hiền khóc còn đẹp hơn nữa chứ... Ngồi bên mình, Hiền cứ nói hoài : “Em cứ trách em hoài là bị ma qủy ám hay sao mà lúc ở Thái Lan em không đi theo anh luôn. Em ngu qúa trời làm cho anh khổ thế này. Mà em cũng chẳng sung sướng gì đâu. Chỉ khi nào ăn nằm với chồng mà em tưởng tượng là với anh, em nghĩ tới anh thì em mới sướng được...”. Tớ rủ Hiền vô khách sạn nhưng Hiền không chịu. Cô ấy van xin tớ : “Em không còn gì để tiếc anh đâu. Nhưng hai đứa mình gần nhau rồi sau đó ra sao ? Có giải quyết được gì không ? Hay là chỉ làm tăng thêm thương nhớ, làm khổ cho nhau thêm mà thôi ?”. Rồi cô ấy đùa : “Ngọn hỏa diệm sơn trong lòng tưởng đã tắt rồi, bây giờ nó bùng lên là ... lửa cháy Thiếu Lâm Tự đấy à”. Trong khi đó thì mình cứ xấn tới, đòi ăn nằm với Hiền, đòi ôm Hiền trần trưồng mà hít hà mùi da thịt của nàng, vì cái buổi ân ái với nhau trong khu rừng Thái Lan sao mà tớ thấy nó ngắn ngủi qúa khiến phát thèm phát khát... Hiền an ủi : “Ở đây nhiều gái chân dài lắm, anh ơi. Anh muốn bao nhiêu cũng có, để em kiếm cho”. Mình từ chối : “Hiền hiểu lầm anh rồi. Anh thương yêu Hiền chứ không phải anh đi tìm thú vui xác thịt.. Bằng cớ cho đến nay anh vẫn chưa lấy vợ, chưa có bạn gái...”. Hiền nghe tôi nói thế thì xúc động : “Tội nghiệp anh qúa à! Thôi để em đền bù cho anh nhá. Em sẽ giúp anh trở thành một doanh nhân nổi tiếng giàu có miễn là anh  không yêu em nữa, nhá”.
Thế là Hiền dựng mình thành một Việt kiều về nước đầu tư, tham gia trong đường dây của Hiền. Em luôn luôn cảnh cáo là chồng của Hiền thuộc lọai nham hiểm, từng giết người như ngoé nên đừng để lộ tình cảm. Nếu có kẻ ton hót với chồng nàng thì mình sẽ bị cum với tội phản động do xịa gài về nước hoặc cho chết vì bị băng đảng thanh toán ngay. Tuy nhiên mình với Hiền trở thành đối tác kinh doanh, Hiền thì tay trong cung cấp các dự án quy hoạch còn mình thì Việt kiều sẵn sàng góp vốn đầu tư. Hai người có dịp đi chung nơi này nơi nọ, trong khi chồng của Hiền lánh mặt những nơi làm ăn của vợ để được tiếng thanh liêm. Có những lần hai đứa đi máy bay vào tận miền Nam, mình năn nỉ Hiền “cho anh một lần nữa thôi” vì thú thực là mình vẫn mê Hiền quá, nhưng Hiền cương quyết từ chối. Cô ấy nói : “Anh không biết em bị ung thư vú, phải cắt rồi sao ? Giờ anh mà nhìn thấy ngực em là anh hết yêu em liền”.  Lần khác cô ấy nói : Lần đẻ vừa rồi em phải mổ nên ôi chao, cái bụng em xấu đến nỗi chính em còn chẳng muốn nhìn nữa là anh”.  Một lần, cô ấy ngồi đối diện mình trong bàn ăn của một nhà hàng ờ Sài gòn, cô ấy ngắm mình đến độ ngây dại,  hình như nước miếng chẩy ra nữa, nên không thể chối rằng cô ấy không còn yêu mình say đắm. Thế nhưng cô ấy vẫn từ chối đòi hỏi của mình. Mình nhớ, cô ấy mang theo hình đứa con trai cho mình xem : “Anh thấy không ? Nó giống anh qúa trời ! Nếu nó có mặt ở đây thì thiên hạ tưởng anh với nó là hai bố con”.. Mình đùa : “Còn mẹ nó ngồi chung với hai bố con nó nữa sao không tính vô, em ?. Hình ảnh đó là giấc mơ của anh đó, Hiền ạ”. Hiền nhìn xa vắng : “Em cũng không hiểu tại sao nó lại giống anh đến thế. Có phải tại em nhớ anh không, anh ?”.  Cậu biết không, sau đó cô ta khóc. Khóc không muốn để ai biết rằng mình khóc nên cái khóc nó thảm thiết bội phần một cái khóc tự nhiên thoải mái.
Hai đứa im lặng nhìn ra dòng nước lặng lẽ. Tôi nghĩ chắc Hoàng cũng như tôi, chúng tôi đều đang tưởng nhớ tới bãi biển An Thới.
Tôi hỏi Hoàng :
- Vậy là cậu... không lấy vợ  luôn ?
- Tớ với Hiền tuy không ở với nhau nhưng hai đứa đã thề nguyện với nhau là vợ chồng.
- Lãng mạn qúa nhỉ !
Một lát sau, tôi hỏi :
- Ban nãy cậu nói cái nhà này là của em Hiền à ?
Hoàng gật đầu :
- Hiền mua cái nhà này để cho phe cánh làm ăn khi sang Mỹ chơi thì đến đây ở. Có tài xế, có xe, có người nấu bếp... Nhưng chỉ ở hai ba tuần thôi. Với những bà muốn đóng quân sáu bẩy tháng để sinh con hầu kiếm cái quốc tịch Mỹ thì Hiền môi giới kiếm chỗ kín đáo khác...
- Tụi nó nhiều tiền qúa hả ?
- Nhờ Hiền mà tớ bây giờ cũng thuộc loại tư bản đỏ trong ngành địa ốc ở Vịêt Nam đấy. Tiếc rằng cậu cực đoan qúa, chứ chấp nhận về nước, cứ long nhong đi theo tớ, hễ khi nào chuẩn bị quy hoạch lấy đất ruộng của dân ở đâu thì Hiền cho biết trước để mình ra tay, thế là đô la đầy túi...
Tôi hỏi :
- Bây giờ cậu giầu, cậu chơi một lúc ba em ?
- Ba em là con số tẻ thôi đấy cậu ạ. Cậu có biết con gái đi lấy chồng Nam Triều Tiên, Đài Loan, bố mẹ được chú rể trả bao nhiêu không ? Trung bình khoảng năm trăm đô là mua đứt. Cho nên nếu mỗi tháng cậu chi một hai trăm đô thì các em vui sướng chấp nhận làm gái bao cho cậu ngay lập tức. Tụi tư bản đỏ với tụi lãnh đạo khi rượu vô rồi còn nói đùa với nhau rằng như thế là mình làm công tác “xóa đói giảm nghèo” và  giúp một cô gái khỏi phải xuất ngoại bán thân.
- Tớ hỏi thật, cậu uống sữa voi hay sao mà dám cặp tới ba mạng ?
Hoàng lắc đầu :
- Không phải thế đâu.
- Vậy mang theo ba cô sang đây làm gì ?
Hoàng mỉm cười tinh nghịch:
- Thì để cậu lựa lấy một.
Tôi ngạc nhiên nhìn Hoàng :
- Hả ? Cái gì ?
- Câu chuyện nó như thế này : Nhiều lần tớ rủ cậu về Việt Nam để kiếm cho cậu một em, chứ vợ đã về với Phật  mấy năm rồi mà cứ nằm không mãi, trong khi qũi thời gian của mình không còn nhiều, một ngày trôi qua là mất đứt một ngày, thiệt lắm, hoàn toàn không hợp tình hợp lý. Thứ hai là có ba em này tớ nuôi đã lâu, thành ra cũng có tình cảm, muốn giúp đỡ cho các em có nơi yên ấm khỏi đi làm gái bao cho thằng khác, nếu chẳng may tới đi đoong. Thứ ba là các em này đều mơ ước được đi Mỹ để đổi đời, và sau là để bảo lãnh cho anh cho em cho cha cho mẹ sang Mỹ, thoát khỏi cuộc sống cơ cực.. Cho nên tớ nghĩ tới cậu.
- Này, tớ vừa nghe hình như cậu nói  cậu... đi đoong ?
- Ừ... Tớ đang tính nói thì cậu hỏi nên nói luôn. Tớ bị ung thư phổi rồi, cậu ạ. Bác sĩ trong nước nó chê vì khám phá quá trễ. Tớ uống linh chi ba bốn trăm năm, mua hàng chục con mãng xa vương cắt lấy máu vào chén rượu rồi uống mà xem ra không ăn thua gì...
Tôi kêu lên :
- Sao cậu không kiếm bác sĩ Mỹ ?
- Thì tớ đang ở Mỹ đây này. Nhờ cậu giúp tớ, sưu tra tìm kiếm một nhà thương hay bác sĩ hàng đầu của Mỹ chuyên trị ung thư phổi để cứu tớ. Cậu đừng quan ngại vấn đề tiền bạc...




Ăn cơm tối với sơn hào hải vị và rượu loại thượng hạng xong, Hoàng nói với tôi và ba cô gái “Chúng ta ra ngoải sân sau ngồi uống cà phê, ăn bánh ngọt, nhìn trời sao khuya và hưởng những làn gió mát của biển mà  dòng nước mang về...”. Ba cô gái qủa là xinh đẹp, tràn trè nhựa sống, cánh tay cô nào cũng trắng muốt và thon như ngà voi. Nhớ lại lời Hoàng vừa nói là tôi được chọn một trong ba cô này làm vợ, khiến tôi rạo rực trong lòng, đưa mắt nhìn chăm chú hơn và trong đầu đã có sự so sánh giữa các cô  tuy tôi chưa quyết định có chấp nhận đề nghị của Hoàng không. Bởi vì tôi có một nỗi lấn cấn là cả ba cô này đã ngủ với Hoàng thì làm sao trở thành vợ tôi được.
Hoàng mở đầu câu chuyện bằng cách nói với ba cô gái :
- Trước khi làm giấy tờ đi Mỹ, anh đã nói với các em là anh có một người bạn thân, thuộc hàng tri kỷ, là anh Phù Du. Chị ấy mất đã mấy năm rồi, hiện anh ấy sống độc thân, cho nên anh muốn làm mai cho anh ấy với một trong ba em. Và các em đều thích được làm vợ anh ấy, có phải thế không ?
Cả ba cô đều nhìn tôi, tỏ vẻ e lệ. Có cô đáp tiếng “Dạ” mà tôi chỉ thấy cái môi trề ra một cách nũng nịu. Hoàng nói tiếp :
        - Nhưng vấn đề là mình không có nhiều thời gian để hai bên tìm hiểu nhau cho đầy đủ. Thôi thì ta cứ bắt chước mấy anh Nam Triều Tiên sang Việt Nam mua vợ. Nghĩa là có cuộc thi tuyển cho các em được cơ hội công bình và cho bạn anh  chọn lựa chính xác. Theo sự sắp đặt của anh thì từ đêm nay, anh Phù Du sẽ ở với một em để tâm tình, tìm hiểu. Đêm mai tới em khác.
       Cùng một lúc, ba cô đều bụm miệng cười. Tôi thì... ngượng nhưng vui truớc đề nghị bất ngờ của Hoàng. Đã ba năm nay tôi không gần đàn bà nên câu nói của Hoàng đủ khiến cả người tôi rạo rực.  Tuy đã bảy mươi tuổi nhưng tôi vẫn thích nhìn, thực ra phải nói là “mơ” được yêu những cô gái trẻ trung duyên dáng, tràn trề sinh lực, xuất hiện trên ti vi, trên sân khấu hay ngoài đường phố. Đã nhiều lần tôi từng say đắm ngẩn ngơ thả hồn theo một khuôn mặt đẹp, một thân hình hấp dẫn để rồi thở dài tiếc nuối cho đời mình không còn thời gian để bắt đầu một cuộc chinh phục. Thế nhưng ý nghĩ đầu tiên của tôi về đề nghị của Hoàng là tôi sẽ từ chối, tôi sẽ không chơi kiểu đàn ông Nam Hàn tuyển chọn vợ Việt Nam một cách lộ liễu vô văn hoá. Nhưng Hoàng không để tôi nói, anh tiếp tục trình bầy những điều mà tôi đoán là anh đã suy nghĩ từ trước khi sang Mỹ :
        - Và, để thật sự công bình, vì đối với ba em thì anh đều thương như nhau, nên anh cho ba em rút thăm. Anh làm ba cái thăm viết ba số một, hai và ba rồi đây này. Em nào bắt trúng thăm số 1 thì đêm nay, số 2 đêm mai và số 3 thì đêm chót. Sau đó, anh Phù Du sẽ cho anh biết là anh ấy chọn lựa ai.  Nhất trí cả chứ ?
        Tôi nói :
- Xin lỗi bạn Hoàng nhé. Tôi chưa sẵn sàng để lấy vợ.
- Không sao. Nhưng tôi với anh là bạn thân thì anh phải giúp tôi chứ. Tôi nhớ bà cụ tôi ngày xưa thường hay nói “Dù xây chín đợt phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người”. Bạn là người nghệ sĩ mà nghệ sĩ là người có tâm hồn vị tha, phải không ?
Hoàng cứ xúc tiến cuộc rút thăm. Người được thăm số 1 là cô Hoa. Thăm mang số 2 vào tay Quỳnh Tiên và số 3 là Ngọc An. Anh nhìn tôi vừa cười vừa nói :
- Mọi chuyện là do ông Trời sắp xếp cả. Tất cả chúng ta hãy chờ ba ngày nữa. Thôi, bây giờ hai em Ngọc An và Quỳnh Tiên vào phòng anh, còn em Hoa vào phòng anh Phù Du.
Căn phòng mà Hoàng sắp xếp cho tôi có cửa sổ hướng ra phía dòng nước. Xa xa, bên kia bờ, những căn nhà im lìm từng khối đen thẫm, chỉ có những ánh đèn trên cao thả bóng xuống dòng nước tối thui. Hình ảnh đó làm tôi nhớ lại buổi ở cầu tầu Tân Cảng bị lùa ra Phú Quốc. Tiếng chiếc bửng kéo lên đập vào thân tàu tuy không lớn nhưng nó cứ âm ỉ trong hồn tôi như một đòn khảo tra của đám công an đập vào ngực tôi cái chày vồ to tổ chảng, cái chầy vồ không hề làm trầy da bầm thịt bởi ngực tôi đã được quấn một chiếc bao bố, nên  sức mạnh của cái chầy vồ đã đánh âm ỉ vào lục phũ ngũ tạng để sau đó tôi ho ra máu, đằng hắng cũng ra máu.
Đó là chuyện của tôi hồi mới di cư  vào Nam. Để kiếm thêm tiền ăn học, tôi và một số bạn phải đi bán báo buổi tối. Giá tờ báo chỉ có 20 xu, thì mình được 6 xu. Một hôm có người cho biết tờ Tự Quyết mới ra, cho hoa hồng tới 8 xu. Thế là chúng tôi nhào tới kiếm ăn. Bất ngờ ít ngày sau, chúng tôi bị công an hốt về bót. Bị công an tra khảo về tổ chức đảng Đại Việt. Chúng tôi trả lời không biết. Người công an trợn mắt, đập vào mặt một cái như trời giáng : “Đù má mày, ngoan cố hả ? Có chịu khai không thì nói ?”. Biết gì đâu mà khai. Thế là thằng thì “đi máy bay” tức là bị trói hay tay ra đằng sau rồi bị sợi dây thừng thòng sẵn từ sà nhà xuống, kéo lên cho chân dời khỏi mặt đất, ngực bị quấn một chiếc bao bố, thằng nghi can khác cầm cái chầy vồ bằng hai tay, đứng tấn, vung đập vào ngực vào bụng mình. Thằng thì “đi tàu ngầm” tức là bị đặt nằm trên một cái ghế như ghế tập tạ, hai tay trói quặt xuống dưới, miệng mũi bị bịt kín bằng một miếng vải hôi thối, chắc là từng bịt miệng nhiều người khác bao nhiêu năm tháng nay,  rồi một thằng lấy cái lon múc nước pha xà bông trong thùng, đổ chầm chậm lên miếng vải bịt miệng đó. Khi hít không khí là hít nước xà bông vào ruột. Khi cái bụng chứa nước phình lớn thì một thằng đạp vô một cái cho nước ộc ra. Đánh hôm nay chưa khai thì mai đánh tiếp. Đánh đến khi nào khai ra, công an nghe thuận tai mới thôi. Bị đánh đau  qúa, chúng tôi hỏi những người trong phòng giam về tổ chức đảng Đại Việt để khai. Thế nhưng khi công an hỏi vô chi tiết như tên người này người kia, tụi tôi mù tịt vì có là đảng viên Đại Việt đâu. Thành ra lại bị thêm những trận đòn ác liệt nữa vì ngoan cố không chịu khai...
Đang lơ mơ thì nghe tiếng khóa cửa phòng, tôi nhìn thấy Hoa đã xuất hiện trong bầu ánh sáng vàng nhạt với bộ đồ ngủ qúa mỏng mà lại không có đồ lót bên trong. Qủa thực tôi thấy máu trong người tôi vừa dội ngược lên làm hơi thở tôi muốn nghẹn. Tôi cũng thấy một luồng cảm xúc vừa chạy lướt trên da thịt tôi khiến tôi muốn rùng mình. Tôi nghĩ ngày xưa khi cụ Nguyễn Du tả cô Kiều là “một toà thiên nhiên” thì cô Kiều của cụ chắc chắn không thể đẹp hơn người con gái đang đứng trước mặt tôi đêm nay. Người con gái ấy mãnh liệt như một cục nam châm mà tôi chỉ là mảnh sắt vụn nên đã đã bị hút dính khắng. Chúng tôi lên giường nằm. Thực tình là tôi muốn choàng ôm lấy Hoa mà xiết chặt vào lòng nhưng  lại e ngại mai mốt Hoa sẽ thuật cho Hoàng nghe thì quê biết mấy. Thành ra tôi phải cố kìm hãm cơn xúc động, cơn thèm khát thì đúng hơn. Hoa lên tiếng trước :
- Chú, xin lỗi chú, em gọi chú bằng anh, nhé.
- Được... được. Các em gọi Hoàng là anh mà anh là bạn của Hoàng thì cũng vậy thôi.
- Em cảm ơn anh. Bây giờ anh chấm điểm em đi...
- Chấm điểm gì ?
- Cho em trúng tuyển.
Rồi Hoa nũng nịu :
- Anh phải thương em cơ. So với hai chị kia, em là người khổ nhất đấy. Đã mấy lần em tính dự thi lấy chồng Hàn quốc nhưng em sợ họ qúa á. Nghe họ xì xồ xì xào sao mà thô lỗ qúa chừng, có thể khi  họ nói yêu mà em cứ tưởng họ chửi em thì chết.
Hoa cầm tay tôi đặt lên ngực nàng. Có lẽ cảm thấy những ngón tay của tôi còn sượng cứng nên nàng ấn xuống, đồng thời nàng dướn bộ ngực lên trong một dáng điệu thật quyến rũ làm tôi không thể chịu đựng hơn được nữa.
Giọng Hoa năn nỉ :
- Xin anh thương em, giúp em một chút đi vì em cần lo cho gia đình em, nhất là các em của em. Nếu em sang được Mỹ, em hứa sẽ phục vụ anh hết mình và em cũng hứa sẽ không xin tiền anh. Lúc đó, nếu anh còn muốn em thì em cảm ơn, không muốn thì em thề là em sẽ đi khỏi anh, sẽ không làm phiền gì anh vì em đã có nghề làm nail làm tóc rồi...
Tôi cảm động, nói cho vui :
- Nếu em làm vợ anh thì còn gì vui bằng, nhưng em nhớ là anh bẩy chục tuổi rồi đấy nhé.
Hoa nhanh nhảu đáp :
- Em biết,  em biết. Nếu anh lấy em, em thề là sẽ phục vụ anh cho đến lúc anh chết chứ em không giống người ta đâu. Mẹ em bảo ngồi chung chuyến đò còn nên duyên nên nghĩa, phải không ?
Tôi nghĩ trong lòng, chà cô bé này cũng đáo để quá đi chứ. Ý em muốn nói khéo rằng ngồi chung một chuyến đò còn nên duyên nên nghiã thì nằm chung  một giường hẳn phải nặng duyên nặng nghĩa nhiều lần hơn đấy, anh hai ơi. Nhưng tôi lại vui thích với cô gái và, tôi chợt nhận ra rằng từ da thịt của cô này thoang thoảng một mùi hương kỳ lạ như mùi ngải. Đó có phải là mùi hương tự nhiên hay cô này đã xử dụng một mỹ phẩm nào đó mà tôi không biết chăng. Cô ta mỗi lúc càng sát vào người tôi, hai tay hai chân vắt lên người tôi giống như những vòi của con bạch tuộc bắt được con mồi. Đáng lý thì con mồi trong hoàn cảnh này phải vẫy vùng chống cự, nhưng tôi coi như đầu hàng ngay để hưởng cái khoan khoái do Hoa ôm ấp, sờ bóp, vuốt ve mơn trớn một thân thể đã thiếu chất đàn bà nhiều năm.
Nửa khuya, Hoa rúc mặt vào ngực tôi, thì thầm hỏi :
- Anh ơi, anh đã qua mấy đời vợ rồi ?
- Trên danh nghĩa thì hai, em ạ.
- Còn không danh nghĩa thì mấy ?
- Một.
- Chà ! Chắc anh nặng tình với người không danh nghĩa này lắm à. Em muốn được nghe chuyện đời anh quá, anh kể cho em nghe nhé. Người vợ đầu của anh tên gì ?
- Tuyết Hạnh.
- Mấy con ?
- Hai đứa, một trai một gái.
- Ở Mỹ hay ở Việt Nam ?
- Anh bảo lãnh sang Mỹ.
- Anh có bảo lãnh cho bà Tuyết Hạnh không ?
- Bà ấy lấy chồng khi anh đi cải tạo.
- Tại sao bà ấy không chung thủy với anh ?
- Chắc bà ấy gặp người đàn ông xứng đáng hơn. Bởi vì khi sống với anh, bà ấy không dấu gì thái độ coi thường, phải nói là coi khinh anh. Bà ấy là con nhà giàu, còn anh là thằng học sinh Bắc kỳ di cư nghèo khó, phải đi bán báo buổi tối, buổi chiều phải đi kèm trẻ, là mấy đứa em bà ấy, để kiếm tiền ăn học. Khi tới kèm trẻ, anh gặp bà ấy, rồi yêu bà ấy, nhưng bà ấy không ngó ngàng gì tới anh. Có một bà cô của bà ấy lại muốn anh lấy bà ấy nên đốc thúc cha mẹ bà ấy, bắt ép bà ấy phải lấy anh. Anh còn nhớ khi hai họ tổ chức lễ hỏi, giữa lúc ăn uống  thì bà ấy liếc xem đồng hồ tay rồi vội vàng bỏ đi. Anh nghi ngờ nên phóng xe đạp đi theo sau bóng chiếc velosolex, tất nhiên là không để bà ấy biết. Ồ, bà ấy tới rạp  Rex, tối này là buổi khánh thành của rạp cinema này. Một thanh niên đã chờ bà ở đầu đường, đưa bà ấy vô rạp. Sáng hôm sau, anh tới nhà bà ấy, hỏi : “Hôm qua là ngày lễ quan trọng của chúng mình, có ba má anh hiện diện, thế mà tiệc chưa tan, em bỏ đi đâu ? Bà ấy trả lời : “Tại tôi có cái hẹn trước”. Tôi bắt bẻ : “Đám hỏi cũng sửa soạn cả tháng, sao em không thay đổi cái hẹn của em ? Mà có cái hẹn nào quan trọng hơn ngày lễ hỏi của mình ?”.  Bà ấy giận dữ : “Này, anh chưa là chồng tôi mà đã hành hạ tôi như thế là không được rồi đấy nhé”.  “Nhưng em đi đâu thì em phải cho anh biết chứ !”.  Bà ấy lại chối nên tôi nói toạc ra luôn : “Anh thấy em đi với một thằng nào vô rạp Rex”.  Bà ấy to tiếng : “À thế ra anh đáo để nhỉ. Anh rình mò theo dõi tôi đấy hả ? Này, tôi thấy thứ nhất, anh không được gọi người ta là thằng nhé. Bây giờ tôi nói thẳng để anh biết về ngưởi vợ sắp cưới của anh nhé, đó là người yêu của tôi đấy”. Tôi hỏi : “Em đã nghe lời ba má lấy anh, em còn đi gặp người yêu của em nữa à ?”. Bà ấy trả lời : “Thì tại vì ba mẹ tôi ép tôi lấy anh nên tôi phải đi gặp người ta đễ chia tay chứ sao”.
Hoa sờ soạng mặt tôi, để những ngón tay lên môi tôi như  muốn  xóa bỏ những âm thanh bực bội mà tôi vừa thốt ra. Nàng hỏi rất tự nhiên :
- Thế mà anh vẫn cưới bà ấy ?
- Tại anh tưởng anh có khả năng cảm hóa bà ấy. Nhưng anh đã lầm. Bà ấy vẫn khinh anh ra mặt. Khi anh được một hãng dĩa Nhật Bản mua một bản nhạc vì nội dung chống chiến tranh, bà ấy không coi đó là một vinh dự cho anh mà dài miệng cho rằng anh chó ngáp phải ruồi... Thành ra hai vợ chồng cứ lục đục thường trực, “nội chiến từng ngày”. Rồi bà ấy bỏ nhà, bỏ con, ra đi, anh không biết đi đâu khi thì một tuần, khi nửa tháng. Một lần bà ấy bỏ ra đi lúc gần Tết. Đêm giao thừa, anh ôm hai đứa con, khi nó hỏi mẹ, anh dỗ ngọt rằng mẹ sẽ về bây giờ. Thật tình thì lòng anh cũng hy vọng như thế. Nhưng khi hai đứa con lăn ra ngủ, anh ngồi một mình, buồn hận vô tả.
Hoa kêu lên :
- Anh phải đập con mẹ đó một trận chứ !
- Tiếc là anh không vũ phu được. Một lần bà ấy bỏ đi trên hai tuần mới trở về. Anh hỏi : “Em đi đâu ?”. Bà ấy trả lời : “Anh không có quyền xía vào đời tư của tôi”. Tức nước vỡ bờ rồi, anh vội chở hai đứa con sang nhà ông bà nội rồi để chúng nó không phải chứng kiến cảnh cha mẹ cãi lộn. Với lại anh cũng cố ý câu giờ để hai người hạ hỏa. Trước đây đã xẩy ra trường hợp tương tự, nhưng lúc hai vợ chồng giằng co xô xát, tay chân đụng chạm nhau là bất ngờ nổi hứng, vật nhau xuống giường, làm tình một cái là... hòa bình được tái lập. Lần này thì bà ấy hùng hổ một cách ngạc nhiên. Bà ấy chửi anh ngoại tình vì ai đó cho tin. Nghe bà ấy nói thế thì anh lại nghĩ ngay rằng à thì ra bà ấy bỏ đi là vì ghen. Thấy bà ấy to tiếng, anh sợ hàng xóm nghe nên mang cái máy hình ra chụp để bà ấy không dám làm mặt dữ. Chẳng ngờ bà ấy xông vào cướp cái máy hình, đập mạnh xuống đất làm bể cái máy của anh. Tuy thế anh vẫn kiên nhận. Anh mang cái máy thu âm ra, cũng chỉ cốt để bà ấy không la lối chửi bới, vậy mà bà ấy cũng xông vô giật, cũng đập luôn xuống nền nhà, hết xài luôn. Tính diễn lại bài bản cũ, anh ôm bà ấy, bóp vú và đè xuống giường, tính “giở trò tồi bại” nhưng bà ấy vùng vẫy, tay cào cấu, miệng la lớn “Hàng xóm ơi, cứu tôi ! Tôi bị hiếp dâm”...
Hoa dường như nổi nóng :
- Con đàn bà như thế mà anh còn ở được thì phục anh thật.
Tôi ngậm ngùi tâm sự :
- Anh không muốn hai đứa con anh sớm chịu đau khổ cảnh không có mẹ.
Hoa ngắt ngang :
- Thôi, em không muốn nghe chuyện con  mẹ đó nữa. Anh kể cho em nghe người vợ thứ hai đi.
- Bà này tên là Vinh, tên Mỹ là Vinnie. Hai người gặp nhau ở bên Mỹ. Cuộc sống ở xứ này nó như một guồng máy, người nào lo trọn vẹn được công việc của mình là hết thì giờ, hết tiền bạc nên ít có cơ hội gây sóng gió trong gia đình. Bà ấy mới mấy cách đây ba năm...
Hoa hỏi :
- Ban nãy anh nói, anh có hai người vợ trên danh nghĩa, còn một người không danh nghĩa, tức là bồ của anh, phải không ?
Tôi đáp :
- Anh gọi cô ấy là “người yêu dấu” tức yêu rồi dấu, không cho ai biết...
- Tên cô ấy là gì hở anh ?
- Thanh Hải. Bùi Thanh Hải.
- Sao anh không cưới cô này mà cưới  bà Vinh ?
- Anh không biết người yêu dấu của anh sống  hay chết, nếu sống thì đang ở đâu...
- Anh bồ với cô ấy lúc nào ?
- Đầu năm 1975. Trong một buổi trình diễn nhạc của đoàn văn nghệ Tâm lý chiến ở Biên Hòa. Không hiểu định mệnh hay chuyện tiền kiếp có thật không mà ngay khi gặp anh, cô ấy đã dính chặt lấy anh, chẳng cần biết anh có vợ hay chưa, cũng chẳng cần biết anh có yêu cô ấy hay không... Cả ngày, bảy ngày trong tuần, cô ấy cứ đi kiếm tìm gặp anh, bỏ cả học hành thi cử... Hễ anh đưa đoàn văn nghệ đi công tác ở đâu là cô ấy xoay sở đi theo anh bằng được. Khi biến cố 30 tháng 4 xẩy ra, gia đình cô ấy có phương tiện di tản nhưng cô ấy trốn để ở lại với anh. Lúc đó, trong lúc anh còn ở trong đơn vị thì bà vợ anh đã đưa hai con ra Vũng Tầu để vượt biên với ba má, anh em họ hàng của bà ấy. Thành ra khi Việt cộng vô Sài gòn thì anh đưa Thanh Hải về nhà...
- Và hai người ăn ở với nhau ?
- Em nhầm. Cô ấy ngây thơ một cách tội nghiệp. Cũng đã có lần anh cởi quần áo cô ấy ra rồi đấy chứ, nhưng anh kịp dừng lại khi tự hỏi, cuộc đời cô ấy sẽ ra sao, thành ra hai đứa chỉ ôm nhau ngủ, ban ngày thì đèo nhau trên chiếc vespa đi dạo chơi thành phố Sài gòn hầm hập sốt trong cảnh đổi chủ. Đến đầu tháng 6, có lệnh sĩ quan cấp úy trình diện học tập cải tạo, mang theo tiền ăn cho mười ngày. Ngày 24 tháng 6 là ngày trình diện thì đêm 23 tháng 6, anh đã hết giữ nổi nên đã “có chuyện” với Thanh Hải. Trời ơi, ăn nằm với nhau xong, anh hối hận vô tả trong khi khuôn mặt Thanh Hải lại tươi vui rạng rỡ không thể tưởng tượng được. Cô ấy còn thích thú hỏi anh : “Như thế là em có con với anh, phải không ?”.  Lời nói của Thanh Hải như nhát dao đâm lút cán vào tim anh... Lỡ Thanh Hải mang bầu thì sao đây ?  Nên khi thấy Thanh Hải cứ mơ mộng “em có con với anh” anh đã tức giận gắt gỏng “Nhưng rồi lấy gì để sống ?” vậy mà Thanh Hải không ra khỏi cơn mơ sắp có con với anh.
Hoa cười khúc khích :
- Chắc cô này tửng tửng quá. Anh kể tiếp đi.
- Sáng hôm sau là ngày đi trình diện học tập cải tạo mười ngày, anh dặn Thanh Hải ở yên trong nhà, chờ anh về. Ngờ đâu, lúc anh bước ra cổng thì  bà vợ anh và hai đứa con xuất hiện. Bà ấy nói : “Đi không thoát. Ghe đi được một ngày thì mấy thằng tài công tài cáy nhẩy xuống biển trốn hết. Chiếc ghe lênh đênh trên biển mấy ngày rồi bị tàu của cách mạng bắt mang về Sóc Trăng nhốt trong tù”. Bà ấy nói tới đó thì khựng lại vì nhìn thấy Thanh Hải từ trong nhà bước ra.  Thế là loạn thôi. Anh phải che chở cho Thanh Hải không bị ăn guốc, ăn đấm ăn đá của bà vợ anh. Mà anh càng bảo vệ Thanh Hải thì cơn phẫn nộ của bà ấy bốc lên cứ như  là “hỏa thiêu Hồng Liên tự”.  Tình trạng đang không lối thoát thì bà vợ anh xỉu.
Hoa chêm vô :
- Chuyện đời anh mà cứ như tiểu thuyết ấy nhỉ. Rồi sao hả anh ?
- Thì anh bế bà ấy vô giường, vội vã ôm hôn con, nhưng tụi nó vùng vằng giận dữ, đứa con gái còn cầm cây chổi quất lên người Thanh Hải bồm bộp... Anh lủi thủi dắt Thanh Hải chạy ra ngoài thật lẹ vì sợ bà ấy tỉnh dậy. Lang thang ngoài đường một hồi, anh mới hỏi Thanh Hải : “Bây giờ em có nhà người quen nào để ở tạm không ?”.  Cô ấy nhìn anh rồi vừa khóc vừa nói “Em xin lỗi anh, em đã làm anh khổ thế này...”. Anh cáu kỉnh đáp : “Thôi, bây giờ vô thực tế cái đã. Ba má em đi hết rồi  thì em ăn ở đâu đây ?”. Thanh Hải cầm tay anh trấn an : “Anh đừng lo cho em, em tự lo được mà. Em chỉ lo cho anh thôi”. Rồi nàng mở bóp, lấy tiền nhét vào túi tôi. Tôi cảm động trả lại nàng, và giọng cũng sũng nước : “Lúc này em cần tiền hơn anh.. Tiếc là anh không giúp được em, anh xin lỗi em”. Thực sự lúc đó trong túi anh chỉ còn đủ  tiền để mua cơm dĩa trong mười ngày. Thanh Hải ghi cho anh hai ba địa chỉ để khi cải tạo về sẽ tới đón nàng. Nhưng...
- Nhưng anh đi luôn...
- Thì theo thằng Hoàng trốn trại sang Thái Lan. Khi sang Mỹ anh có gửi thư về hai địa chỉ mà Thanh Hải cho nhưng bặt tăm... Anh cũng viết thư cho vợ anh. Bà ấy trả lời rằng bà ấy đã lấy chồng là cán bộ cách mạng rồi, yêu cầu chấm dứt liên hệ.




Chiều hôm sau là chương trình đưa Hoàng tới Bác sĩ để khám bệnh. Lần này Hoàng lên ghế trên, để tôi ở băng sau với ba cô gái. Hoa ngồi sát bên tôi, dáng điệu thân mật vì dù sao cũng ăn nằm với nhau rồi. Tôi đưa mắt quan sát người tới lượt sẽ gặp tôi đêm nay là Quỳnh Tiên, cô bé ngồi phía bên tay trái Hoa, thì đụng ngay lúc cô ta cũng đang nhìn tôi một cách chăm chú. Khi bắt gặp tia mắt của tôi, Quỳnh Tiên bối rối quay xuống. Tôi mỉm cười trong lòng, hẳn là em thăm giò thăm cẳng anh đây. Thế nào em chẳng nghe Hoa thuật chuyện những gì vừa xẩy ra tối qua...
Tôi nhìn đi nơi khác, làm như lơ đãng ngắm cảnh vật rồi bất ngờ quay sang Quỳnh Tiên thì qủa nhiên bắt gặp đôi mắt cô nàng đã hướng về tôi từ lúc nào. Khi chạm ánh mắt của tôi thì cô ta lại bẽn lẽn cúi xuống. Tôi tự hỏi em đang đóng màn kịch gì đây hầu mong thắng điểm em Hoa chứ gì. Nhìn nàng, tôi phải khen anh chàng Hoàng chọn các em đều có thân hình tuyệt mỹ, khuôn mặt khả ái vô cùng. Mái tóc Quỳnh Tiên thà lơi xuống một bên má, trông cứ như cô bé đang diễn xuất vai cô Kiều trong cảnh lầu xanh đợi khách.  Tự nhiên tôi có cảm tình nhưng tội nghiệp nhiều hơn. Tôi cũng có hai đứa con gái với hai bà vợ, hai đứa cách nhau hơn chục tuổi, tôi tưởng tượng nếu con tôi phải làm gái bao như cô này, hẳn là tôi khóc hết nước mắt...
Buổi tối, cơm nước xong, Hoàng nói :
- Theo thứ tự rút thăm thì đêm nay Quỳnh Tiên ở với anh Phù Du nhé. Còn hai em vô phòng anh. OK ?
Cả ba cô đều dạ, xong Hoa và Ngọc An đứng lên, hai cô kèm hai bên Hoàng, dìu nhau lên lầu, giống như cảnh sống của ông chủ báo Playboy. Tới nửa cầu thang, Hoa quay lại, ngoắc tay ra hiệu gọi chúng tôi đi theo nên tôi nói với Quỳnh Tiên :
- Thôi, mình cũng đi luôn. Ngồi ở đây gió biển lạnh qúa.
Nhưng khi tôi đi được mấy bước mà Quỳnh Tiên vẫn bất động trên ghế. Tôi ngạc nhiên quay lại, ngồi đối diện với nàng, âu yếm hỏi :
- Em mệt hả ?
Quỳnh Tiên lắc đầu. Nhìn cô gái cúi mặt, dáng điệu ủ rũ làm tôi không hiểu gì hết. Có phải cô ta không thích tham dự cuộc thi tuyển để lấy một ông chồng già và nghèo như mình ? Hay cô ta chung tình với Hoàng ? Hay cô ta có kinh ? Một cơn gió ào tới làm tôi rùng mình. Tôi hỏi Quỳnh Tiên :
- Em cho anh biết, em đang nghĩ gì ?
Quỳnh Tiên nhìn tôi, mắt chớp liên hồi chứng tỏ cô đang bối rối ghê lắm. Tôi không giục cô trả lời. Tôi đợi. Vài phút sau, đôi môi cô ta mấp máy và giọng run rẩy vì mất bình tĩnh :
- Em xin lỗi... chú. Chú cho em hỏi chuyện, được không ?
Tôi khuyến khích Quỳnh Tiên :
- Em cứ hỏi, nếu trả lời được, anh sẵn sàng...
- Đêm qua... đêm qua... chú ở với chị Hoa... ?
- Có. Và đêm nay thì với em...
Bỗng Quỳnh Tiên nói như hét lên :
- Không ! Không có chuyện đó...
- Ơ ơ... Em không thích anh hả ?
- Khoan. Chú cho em hỏi : Có phải đêm qua chú kể cho chị Hoa nghe chuyện chú có một người tình tên là Thanh Hải không ?
Tôi gật đầu, hứng chí nói một hơi mà không suy nghĩ xem cô gái này hỏi với mục đích gì :
- Có. Bà ấy tên là Bùi Thanh Hải. Lúc anh và bà ấy gặp nhau thì bà ấy mới hai mươi hai tuổi. Hôm ở phi trường, nhìn em, anh thấy em có nhiều nét giống bà ấy, nhất là khi cười, cái miệng luôn luôn há rộng và mặt hơi ngửa lên...
Quỳnh Tiên mở bóp, đưa cho tôi tấm hình :
- Thưa chú, có phải người này không ?
Vừa mới nhìn tấm hình, tôi đã thảng thốt kêu lên :
- Thanh Hải !
Cả một trời kỷ niệm chua xót hiện về ào ào trong đầu tôi với buổi chia ly trên đường phố Sài gòn, tôi leo lên chiếc xích lô tới điểm trình diện cải tạo, bỏ Thanh Hải đứng môt mình, đứng như tượng giữa cuộc sống hối hả quay cuồng chóng mặt. Ngồi trên xe, tôi ngoái cổ nhìn lại, và tôi khóc như đứa trẻ khi nghĩ không biết tối nay nàng ở đâu, ngày mai nàng sống thế nào... Giá tôi không ăn ờ với nàng thì tôi đã không quan tâm tới nàng như thế bởi vì tôi chưa một lời hứa hẹn, chưa một lần bầy tỏ tình yêu với nàng, mọi chuyện đưa tới hoàn cành bế tắc này là do chính nàng ngang bướng tạo nên... Nhưng giờ thì khác tất cả rồi.
Tôi ấp tấm hình vào ngực, và vừa thở hổn hển vừa hỏi Quỳnh Tiên :
- Quỳnh Tiên và Thanh Hải liên hệ thế nào ?
Quỳnh Tiên òa khóc nức nở :
- Bà ấy là mẹ em.
- Thế bố em là ai ?
- Mẹ em nói người ấy tên là Phạm Thắng.
Tôi kêu lên một tiếng “hả” thật lớn trong lúc cảm thấy cảnh vật quay cuồng và có tiếng hú của cơn gió lớn vào đầu nhà, tiếng còi tàu xe lửa hét lên khi chạy vào sân ga :
- Trời đất ơi ! Trời đất ơi !
- Đây là giấy chứng minh nhân dân của em, với tên mẹ là Bùi Thanh Hải, cha mà Phạm Thắng. Tên em là Phạm Quỳnh Tiên sinh ngày 4 tháng 4 năm 1976... tức là 10 tháng sau ngày bố em đi trình diện cải tạo. Em xin lỗi được hỏi, có phải chú là Phạm Thắng, là bố của em không ?
Hai bố con tôi ôm lấy nhau, khóc như mưa như gió, con lau nước mắt cho bố, bố lau nước mắt cho con, vừa lau xong thì những giòng lệ nóng đã tuôn xuống môi xuống má...
- Con ơi !
- Bố !
- Bố xin lỗi con là bố không hề biết rằng bố có thêm một đứa con ở trên thế gian này... Bố có viết thư về những địa chỉ mẹ con ghi cho bố nhưng không thấy trả lời, từ đó bố không biết mẹ con ra sao nữa...
Quỳnh Tiên nức nở :
- Mẹ con khổ lắm, bố ơi !
- Con nói cho bố nghe đi...
- Theo lời mẹ con nói thì sau khi bố đi trình diện cải tạo, thì mẹ biết mẹ mang bầu. Tứ cố vô thân, không cơm ăn nhà ở, nhiều người bảo mẹ phá thai để đỡ gánh nặng và để còn cơ hội làm lại cuộc đời, nhưng mẹ chẳng những không nghe ai hết mà còn vui sướng chờ đợi ngày sinh con. Lúc đầu mẹ xin vô được làm công nhân viên nhà nước. Rồi khi bố trốn trại, sang tới Mỹ, bố nói trên đài của Mỹ, mẹ ở Sài gòn nghe được, mẹ vui sướng quá, cứ nói um xùm về bố thế là mẹ bị qui tội phản động, bị đuổi việc luôn. Mẹ  nói mẹ từng bế con đi ăn xin ở ngoài chợ rồi đấy bố. Mẹ khổ ghê lắm, nhưng con thì lúc nào cũng là số một của mẹ. Mẹ đói chứ con không bao giờ đói. Bố biết không, đã không có cơm ăn mà mẹ còn mua đồ chơi cho con, mua quần áo mới cho con mặc ngày tết nữa. Rồi mẹ còn đến nhà bà vợ cũ của bố để hỏi thăm tin tức về bố. Họ xua đuổi mẹ ra khỏi cửa, chửi mắng mẹ tục tĩu nhưng mẹ vẫn cố chịu đựng để mong biết tin bố... Mẹ khổ lắm bố ơi ! Khi mười mấy tuổi, con phụ mẹ buôn bán ngoài lề đường kiếm sống. Tối tối mẹ bắt con học. Con thì thấy có tương lai gì đâu mà học. Khi con lười biếng  thì mẹ khóc, mẹ kể rằng ba con là người giỏi lắm, nổi tiếng ai cũng biết, mai mốt gặp nhau, thấy con ngu dốt, nhất định là ba sẽ trách mẹ không chịu dạy con..Thành ra thương mẹ, con phải cố gắng học. Thấy con học giỏi mẹ bèn xin cho con vô trường thế nhưng không được nhà nước chấp thuận vì không có hộ khẩu. Mẹ thất vọng nên buồn rầu đến mất ngủ. Con nghe mẹ lẩm bẩm : Thế này thì rồi tương lai con gái mẹ ra làm sao ? Thế này thì mẹ trả lời sao với ba của con ?”.... Rồi mẹ ngã bệnh luôn.
Tôi lại òa khóc nức nở. Tuổi già, mắc chứng cao máu vốn đã yếu, nay bị cơn xúc động mãnh liệt qúa khiến toàn thân tôi bải hoải muốn ngộp thở. Đáng lẽ tôi nên tạm dừng câu chuyện ở đây nhưng nghĩ tới hoàn cảnh thương tâm của Thanh Hải nên tôi lại giục con tôi kể tiếp.
- Con chở mẹ vô nhà thương. Họ bắt đóng tiền mới cho nhập viện thì con làm gì có. Đành phải đưa  mẹ về thôi rồi kiếm thuốc nam, lá cây rễ cây cho mẹ uống đỡ. Ít ngày sau thì sức khoẻ của mẹ sa sút qúa rồi. Con sợ mẹ chết. Mà muốn mẹ không chết thì phải có tiền để mẹ được vô bệnh viện. Bố ơi... Xin bố tha tội cho con vì con không có gì để bán lấy tiền chữa bệnh cho mẹ ngoài cái trinh tiết của đứa con gái mới mười bốn tuổi đầu. Bán trinh rồi thì tiếp tục bán dâm vì tiền nhà thương nặng lắm. Cuối cùng thì mẹ cũng chết. Con phải bán dâm nhiều hơn đề có tiền lo ma chay chọ mẹ... Bố ơi, mẹ chết rồi. Con trở thành đứa trẻ không cha không mẹ, không nhà không cửa, không nghề không nghiệp, vì thế chỉ còn cách duy nhất để sống là bán trôn nuôi miệng thôi...
Đến đây thì tôi hãi hùng khinh khiếp nên không dám nhìn thêm vào sự thực nữa. Tôi bảo con tôi lau mắt rồi gọi mấy người kia xuống, kể vắn tắt cho họ nghe chuyện bố con tôi. Hoàng lên tiếng :
- Chà ! Tớ chúc mừng  cậu. Từ hôm nay, tớ giao trả con gái của cậu cho cậu chứ tớ không chịu làm rể của cậu đâu đấy nhé. Tuy nhiên, tớ hứa là sẽ phụ giúp cậu ít trăm ngàn đô để xây dựng tương lai cho Quỳnh Tiên...  Nhưng vấn đề đầu tiên cần giải quyết là phải lo giấy tờ cho Quỳnh Tiên sang Mỹ. Vụ này có vẻ khó khăn và lâu dài à nghe. Chỉ có diện kết hôn thì nhanh thôi chứ bảo lãnh cho con thì phải chứng minh đủ thứ giấy tờ mà chắc chắn là cậu không có, rồi lại phải chờ vài năm...
Hoa xía vô:
- Anh lo giấy tờ cho em luôn chứ ?
Mọi người ngạc nhiên nhìn Hoa, Hoa nói tiếp thật tự nhiên :
- Thì anh Phù Du lấy em làm vợ mà. Tối qua anh ấy với em ăn ở với nhau, và em còn giúp anh ấy tìm được đứa con thất lạc nữa..
Tôi xua tay lắc đầu :
- Tôi xin cảm ơn cô Hoa...Giờ thì tôi phải dành thì giờ lo cho đứa con gái bất hạnh của tôi trước đã...
Hoa năn nỉ :
- Thì em sẽ phụ với anh lo cho Quỳnh Tiên... Anh Phù Du, tối qua em đã xin anh giúp em, anh nhớ không ? Em còn đàn em bé nhỏ, nếu em không có tiền thì chúng nó sẽ chỉ còn đường gia nhập cuộc thi tuyển vợ Nam Triều Tiên hay chạy chân xuất khẩu lao động thôi....
Hai tuần sau, bố con tôi cùng ra phi trường tiễn đưa Hoàng và hai cô bạn gái về nước. Quỳnh Tiên ở lại vì visa cho 6 tháng. Sự vui sướng của tôi chưa được trọn vẹn thì phiền phức đã nhanh chóng ập tới. Chả là khi tôi đưa con gái tôi đi đây đi đó, mua sắm, ăn uống, chợ búa ở khu phố Việt, một số người trông thấy tôi đi với một thiếu nữ đã xán lại :
- Xin chào anh chị. Anh chị đi chơi ?
Tôi xua tay phủ nhận hai tiếng “anh chị” và giải thích :
- Đây là con gái tôi mới ở Việt Nam sang...
- Ồ ! Chúc mừng nhạc sĩ. Vậy nhạc sĩ có còn con ở Việt Nam nữa không ?
- Không, tôi chỉ có cháu gái này...
- Dạ... con gái nhạc sĩ đẹp qúa. Nếu không phải là vợ mới cưới của nhạc sĩ thì nhạc sĩ cho em làm rể đi...
Vậy mà vẫn có người đã lén chụp hình bố con tôi, bỏ lên net, viết “tin chấn động” nhạc sĩ Phù Du có vợ mới rồi đánh dấu hỏi. Thế là thiên hạ góp ý vung vít, lý luận cột buộc như đinh đóng cột rằng tôi mới về Việt Nam cưới vợ.
Hai đứa con tôi với bà vợ trước từ tiểu bang Florida bay về, mời hẹn gặp “chỉ một mình bố  thôi” ở tiệm ăn Steak House trên đường Burbank mà “ngày trước bố con mình hay tới ăn” để hỏi chuyện tôi vì chúng nói mới đọc tin ở trên net rằng tôi vừa có cô vợ trẻ từ Việt Nam.  Tôi hỏi sao hai đứa không về nhà ? Chúng trả lời “Tại vì hai chúng con đều lớn tuổi hơn “dì” nên không biết xưng hô ra sao”.  Tôi vội cải chính “Không, không phải” nhưng chúng nó cố tình không nghe nên chào “Bye” một tiếng rồi cúp máy. Khi ngồi đối diện với chúng, tôi giải thích :
- Đó là những tin thất thiệt, láo lếu. Các con có thấy bố đi Việt Nam bao giờ đâu, mà chúng nó viết rằng bố về Việt Nam cưới vợ.
Đứa con gái của tôi cười nhếch mép :
- Thế bố có công nhận là bây giờ trong nhà bố có một phụ nữ ở chung với bố không ?
- Có.
- Tại sao ở chung ?
- Chuyện khá dài dòng, các con cứ hiểu rằng đó là đứa con gái của bố mà bố mới tìm được.
- Con gái của bố ? Thật ư ? À thì ra mãi tới ngày nay chúng con mới biết thêm về bố của chúng con đấy. Thôi, bây giờ chúng con đều trưởng thành cả rồi, bố chẳng cần giấu giếm nữa, bố cứ cho chúng con biết bố ăn ở ngoại hôn từ  bao giờ, với ai, trong bao lâu ?
Tôi lúng túng  vì rất khó nói với con  câu chuyện mà nó phơi trần sự bê bối của mình nên đành ấp úng đáp :
-  Chuyện dài dòng lắm...Hôm nào hai đứa về nhà, bố kể cho nghe.
Đứa con gái hằn học bắt bẻ :
- Như thế có thể hiểu là bố chưa sắp đặt xong câu chuyện cho có đầu có đuôi để thuyết phục người nghe, phải không ?
Đứa con trai tiếp lời :
- Con nghĩ chuyện bố lấy vợ thì đâu có gì quan trọng mà bố phải quanh co. Bố đã để tang vợ của bố hơn ba năm rồi.. Bây giờ bố lấy vợ là có người chăm sóc bố, đáng lẽ tụi con còn phải cám ơn cô gái chịu làm vợ bố mới đúng là con nhà gia giáo như lời bố dạy ấy chứ...
Nghe thằng con xỏ xiên châm chọc tôi không còn giữ được bình tĩnh nữa :
- Này, bố nói lần chót nhé. Bố không có lấy vợ. Người con gái này là con của bố...
Đứa con gái nhún vai :
- Con đã có nghe nhiều bà vợ gọi chồng là bố... Nên bố có gọi người vợ quá trẻ là con để che mắt thế gian thì cũng không có gì mới lạ. Vấn đề của chúng con đặt ra với bố không phải là bố lấy vợ hay không lấy vợ mà là chúng con muốn bảo vệ căn nhà này vì chúng con đã đóng góp những đồng tiền mà chúng con có được qua những ngày tháng  bán rẻ mồ hôi nước mắt của mình khi làm bồi cho tiệm hamburger, làm saleman cho tiệm bán quần áo. Vì thế bố không được sang tên cho bất cứ ai, dù người đàn bà đó là vợ hay là con của bố...
Thôi, nói với con rưột của mình   mà chúng nó cũng không tin. Viết e mail đính chính những bản tin kèm theo cái dấu hỏi trên net, rằng tôi không cưới vợ từ Việt Nam xem ra đã không thành công mà trái lại, còn gây sự bàn tán rộng thêm ra khiến tôi rất ngại không muốn đưa con tôi ra phố, đi ăn uống hay đi xem hát nữa. Tôi nghĩ mai mốt khi visa hết hạn, con tôi trở về Việt Nam, thiên hạ sẽ nói gì về tôi khi thấy tôi lủi thủi vô tiệm phở một mình ? Không lẽ họ xì xào đồn thổi rằng cô vợ nhí của nhạc sĩ Phù Du sau khi sang được xứ Mỹ, đã vĩnh biệt ông già hom hem để theo một chàng trai trẻ giàu có nào rồi ? Cũng dám lắm vì chuyện này đã xẩy ra  khá nhiều  trong cộng đồng. Rồi tôi lẩn thẩn nghĩ xa hơn, mai mốt tôi chết đi liệu có ai biết sự thật về cuộc đời tôi, hay chỉ theo báo chí và dư luận để viết rằng  Phù Du là một nhạc sĩ thân cộng, hoặc tay sai cộng sản, và là người vợ nọ con kia, thậm chí khi về già còn cưới thêm cô vợ trẻ hơn cả con mình. Tôi phát rùng mình khi nhớ lại bao lâu nay mình đã đọc và đã tin vào những sách vở, những sử liệu viết về những nhân vật nghìn năm trước đến độ mình đã coi những sự hiểu biết đó như là kiến thức của riêng mình.

 Đỗ Tiến Đức
(Trích trong truyện dài cùng tên)



















No comments:

Post a Comment

Cái Đêm Hôm Ấy . . . Đêm Gì?

TTR: Chắc chắn không ai đọc được những bài ký sự như thế này mà còn có thể hình dung ra cảnh người dân bị bóc lột tàn bạo, phi nhân hơn nữa ...