08 June 2011

Giới thiệu sách hay

CHIẾN TRANH và BẤT BẠO ĐỘNG
Nguyên tác : " Religion and Society " by S. Radhankrishnan
do nhà xuất bản George Allen and Unwin LTD ấn hành
Dịch giả : Hòa Thượng Thích Quảng Độ

LỜI DỊCH GIẢ

Không ai có thể phủ nhận được rằng chiến tranh là một tội ác, là một hình thức dã man. Nó là hiện thân của đau khổ, chết chóc, tàn phá và hủy diệt. Ngôn ngữ loài người không đủ để nói lên nhũng hậu quả thảm khốc và tàn nhẫn của nó. Trên thế giới hiện nay, hơn bất cứ dân tộc nào, chỉ có dân tộc Việt Nam mới cảm nhận được một cách sâu xa và thấm thía tất cả những hậu quả đó. 

Nhưng, trong cái thời đại mà con người rất tự hào về nền văn minh của mình, đã đặt được chân lên nguyệt cầu, tóm lại, là đã chinh phục được thiên nhiên, đã lột bỏ được lôi sống của “rừng rú”, người ta có còn nên dùng hình thức chém giết, chết chóc và tàn phá để giải quyết những sự bất đồng về quyền lợi kinh tế, chế độ xã hội và ảnh hưởng chính trị nữa không? Những cái đó có giá trị gì cao hơn chính sự sống của chính con người? Đã đến lúc các vấn đề này cần được đặt thẳng với các nhà lãnh đạo thế giới còn chút lương tri, tự gán cho mình cái trách nhiệm đối với vận mệnh nhân loại (dưới, chiêu bài dân chủ, tự do, thường được dùng như một đàn cừu làm công cụ cho những tham vọng cá nhân). 

Về vấn đề này, S. Radhankrishnan đã bày tỏ nhiều trong tác phẩm Tôn giáo và Xã hội của ông. Cuốn sách này gồm những bài diễn thuyết ông đọc tại các đại học Caltutta và Benares vào mùa đông năm 1942. Tập sách này chúng tôi trích dịch tập I và II trong tác phẩm nói trên và đặt chung vào một tiêu đề Chiến Tranh Và Bất Bạo Động. Chúng tôi đã không dịch trọn bộ vì những đề mục kia phần nhiều chỉ nói về Ấn Độ, không có tính cách phổ biến. Độc giả nào muốn biết về tư tưởng, nếp sống cũng như những phong tục, tập quán của người Ấn, có thể tìm đọc trong cuốn “Religion and Society” by S.Radhankrishnan do nhà xuất bản George Allen and Unwin LTD ấn hành. 

S. Radhankrishnan là một nhà triết học nỗi tiếng của Ấn Độ hiện đại; ông đã viết rất nhiều sách, trong đó bộ lớn nhất là bộ Triết Học Ấn Độ (Indian Philosophy). Ông cũng là một chính khách có tài. Sau khi Ấn Độ thu hồi thống nhất, ông được bầu làm phó Tổng thống và khi bác sĩ Rajendra Prasad từ trần, ông lên kế vị làm Tổng thống. Năm 1966, vì già yếu, ông đã rời bỏ chính trường để tịnh dưỡng.
Sàigon mùa xuân Canh Tuất
Thích Quảng Độ.


I. CUỘC KHỦNG HOẢNG HIỆN TẠI

Chúng ta đang ở vào trong một giai đoạn quyết liệt nhất của đời sống nhân loại. Chưa bao giờ trong lịch sử loài người lại có quá nhiều người phải mang những gánh nặng đau đớn dày vò tâm can đến như thế. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà những thảm trạng đã trở thành phổ biến. Mọi truyền thống và tập tục đang bị lung lay tận gốc. Những tư tưởng cho đến hôm qua vẫn còn là “khuôn vàng thước ngọc”, đã có thể hướng dẫn và qui định hành vi con người hàng bao nhiêu thế kỷ, thì hôm nay đã bị quét sạch. Thế giới rách nát vì những hiểu lầm, nghi kỵ, tranh giành. Bầu không khí tràn đầy những bất trắc và lo âu cho tương lai. Những khổ thống và cực nhọc của con người ngày càng tăng, sự khó khăn về kinh tế, các cuộc chiến tranh trên một quy mô lớn, sự bất đồng ý kiến trong các cuộc hội nghị cấp cao và tính lì lợm của những kẻ cầm quyền đang muốn và kéo dài một trật tự đang sụp đổ, muốn cứu một nền văn minh khập khễnh bằng bất cứ giá nào, tất cả những thứ đó đang thức tỉnh một tinh thần, mà bản chất là cách mạng, trên khắp toàn cầu. Danh từ “cách mạng” không phải luôn luôn chỉ các cuộc bạo động của quần chúng và tàn sát giai cấp thống trị. Bất cứ sự đòi hỏi cấp bách nào về sự thay đổi triệt để nền tảng của đời sống văn minh đều là đòi hỏi cách mạng. Tiếng cách mạng dùng theo hai nghĩa: 1. Sự nổi dậy đột nhiên và bạo động kết quả đưa đến một cuộc chính biến, chẳng hạn như cuộc Cách Mạng Pháp cuộc Cách Mạng Nga; 2. Sự chuyển tiếp dần dần qua một thời kỳ từ một chế độ xã hội này qua một chế độ xã hội khác, chẳng hạn như cuộc Cách Mạng Kỹ Nghệ Anh. Cái làm cho một thời kỳ có tính chất cách mạng không phải là sự thật thay đổi thường thấy trong lịch sử, mà là do mức độ thay đổi. Sở dĩ thời đại hiện tại là thời đại cách mạng là vì cái mức độ thay đổi quá nhanh. Xung quanh ta, đâu đâu cũng nghe tiếng đổ vỡ, những đòi hỏi thay đổi trong cơ cấu xã hội, chính trị và kinh tế, trong những lĩnh vực tín ngưỡng, tư tưởng, trong những phạm trù căn bản của con người. Các nhà trí thức, sáng suốt và tỉnh táo, nhận thấy cái gì sai lầm ngay từ nền tảng của những cơ cấu chính trị, kinh tế và kỹ nghệ hiện tại, và người ta phải sửa đổi những khuyết điểm đó nếu muốn cứu vãn nhân loại. 

Các nhà khoa học cho ta biết, trái đất có thể tiêu diệt bằng nhiều cách. Nó có thể bị hủy diệt khi nguyệt cầu tiến lại gần trong một tương lai xa vời, hay bởi mặt trời nguội lạnh đi. Một vì sao chổi có thể va vào trái đất, hay một thứ hơi độc có thể thoát ra từ chính trái đất. Tuy nhiên tất cả những cái đó chỉ là những khả-năng-tính xa vời, trong khi ấy rất có thể con người sẽ tự diệt bởi chính những hành động có tính toán của chính con người, bởi tính xuẩn động và ích kỷ đã “thâm căn cố đế” trong bản tính của con người. Thật mỉa mai, chua chát, lẽ ra chúng ta đã được sống một cuộc sống sung sướng trên trái đất này và biến nó thành một lạc cảnh cho tất cả mọi người nếu chúng ta chỉ dành một phần rất nhỏ những năng lực hiện đang dùng vào việc kiện toàn bộ máy chiến tranh [1] thì, ngược lại chúng ta đã để mặt cho chết chóc và tàn phá hoành hành. Một khuynh hướng tàn phá mù quáng hình như đã ám ảnh con người, và nếu không chặn đứng kịp thời, chúng ta nhanh chóng đi đến tiêu diệt hoàn toàn và sửa soạn cho một thời đại trí thức tăm tối, đạo đức man rợ, trong đó tất cả những thành quả cao đẹp của con người ở quá khứ chỉ còn là một đống tro tàn. Cái thảm trạng ấy chắc chắn sẽ làm cho chúng ta đau đớn, vò xé cả thể chất lẫn tâm hồn. Chúng ta đang sống trong một thời kỳ đầy lo âu. Cả thế giới đang chìm trong trạng thái hôn mê. 

Chúng ta đặt tất cả hy vọng tương lai vào những người có tâm hồn cao cả sẽ mang lại cho thế giới niềm hoan lạc và tươi sáng hơn. Trong mấy chục năm gần đây, không những chúng ta đã có sự phát triển về vật chất mà ngay cả ý thức đạo đức và tình cảm xã hội cũng đã tiến bộ một cách rõ rệt. Ước vọng đem áp dụng thành quả của công cuộc phát minh khoa học vào việc cải thiện đời sống càng ngày càng tăng. Ý thức trách nhệm và quan hệ giữa người với người cũng đã phát triển trông thấy. Những chiến dịch chống lại việc bắt trẻ con làm việc nặng nhọc, quy luật lao động, trợ cấp người già cả và bồi thường cho những tai nạn v.v… là một vài thí dụ cho thấy ý thức về nghĩa vụ đối với mọi người trong xã hội đang tăng gia. Chưa bao giờ trong lịch sử thế giới người thấy ước vọng hòa bình lại tha thiết và lòng thù ghét chiến tranh lại mãnh liệt như hiện nay. Lòng dũng cảm bao dung và sự hy sinh không vụ lợi của hàng triệu con người trong cuộc chiến tranh này đã chứng minh sự tiến bộ về ý thức đạo đức và tình thương nhân loại. 

Sự đang xảy ra hiện nay không phải chỉ ảnh hưởng đến vận mệnh của một quốc gia, Anh, Đức, Nga hay Hoa Kỳ mà liên quan đến toàn thế giới. Nó không phải chỉ là một cuộc chiến tranh, nhưng là một cuộc cách mạng xã hội trong đó chiến tranh là một cục diện, một sự thay đổi toàn thể tư tưởng và những cơ cấu, một cuộc khủng hoảng đến tận nền tảng của nền văn minh của chúng ta. Lịch sử đã đặt thế hệ chúng ta vào một thời kỳ như thế và chúng ta phải cố gắng hướng dẫn cuộc cách mạng để phận sự lý tưởng chung. Chúng ta không thể xoay ngược cuộc cách mạng. Nền trật tự cũ, cha đẻ của những Hitlers, Mussolinis và Tojos, phải được đạp đổ. Những ai chiến đấu chống lại bọn họ phải nhận chân rằng, ngay bây giờ và tại đây, mình đang đặt cơ sở cho một nền trật tự tự do mới. Chúng ta phải can đảm nếu chúng ta muốn hòa bình và chặn đứng mọi mầm móng gây ra tai họa cho tương lai. Để có được hòa bình lâu dài, chúng ta phải diệt trừ những yếu tố gây ra chiến tranh, và phải thành thật trong cách sống mới, có nghĩa là chúng ta phải gạt bỏ những quan niệm cố chấp sai lầm. Chúng ta đừng vì lòng căm thù, vì những nỗi thống khổ bởi sự xâm lăng mà phán đoán kẻ thù một cách bất công. Ngay với kẻ tàn bạo chúng cũng phải tình nhân đạo; chúng ta hãy nhìn về tương lai và đừng để lòng thù hận nhỏ nhen vô ý thức làm lu mờ cái viễn tượng huy hoàng của nó. 

Thế giới đang đứng giữa ngã ba đường và chỉ có hai lối để lựa chọn: đó là tổ chức nó thành một khối hoặc là những cuộc chiến tranh định kỳ. Chúng ta tạo ra xã hội trong đó chúng ta sống. Ta là chủ nhân ông của các chế độ mà vốn đã đi theo một đường hướng sai lầm và ta phải tìm ra một phương thuốc để cứu chữa cái xã hội bệnh hoạn này. Nếu, cho tới giờ đây, nền văn minh đã tiến bộ mà nhân loại hiện đang quằn quại trong đau khổ, điều đó không có nghĩa là nó đang bị một tiến trình lịch sử tàn bạo đưa đến sự tự diệt. Những thời kỳ sáng tạo lại là những thời kỳ nhiều thống khổ [2]. Thế giới sẽ phải trải qua một giai đoạn nhiều khủng hoảng trước khi tiến tới sự quân bình mới. Mặc dầu chậm chạp, đôi khi còn tụt lùi nữa, nhưng nhất định nhân loại sẽ phải đi đến một thế giới tốt đẹp hơn. Nhưng tiến trình ấy còn tùy thuộc vào lòng dũng cảm và trí khôn ngoan của con người. Những mục đích xây dựng có thể cứu vãn nhân loại thường đã bị bỏ quên, không phải vì thiếu thiện chí, nhưng vì đầu óc hỗn loạn và tính rụt rè của con người. 

(còn tiếp)
_______
Chú thích:
[1] Cp. Samuel Butler: “Chỉ trừ loài người, còn tất cả động vật đều biết rằng mục đích của cuộc sống là hưởng thụ nó”.
[2] Cp. “Con người hiện đại đã đến điểm cao nhất, nhưng ngày mai họ sẽ bị vượt qua; thật vậy họ là sản phẩm cuối cùng của một thời kỳ triển khai lâu dài, nhưng, đồng thời, cũng là mối tuyệt vọng đau đớn nhất của niềm hy vọng của loài người. Chính họ cũng nhận thấy điều đó. Họ đã thấy khoa học, kỹ thuật và tổ chức đã mang lại lợi ích như thế nào nhưng chúng cũng gây ra tai biến như thế nào rồi. Họ cũng đã thấy những chính phủ “mạnh” dọn đường đến hòa bình theo nguyên tắc “trong hòa bình, chuẩn bị chiến tranh”. Giáo Hội Thiên Chúa, Tình Huynh Đệ nhân loại, nền Dân Chủ xã hội quốc tế, và sự “liên đới” những quyền lợi kinh tế, tất cả đều đã thất bại trong cuộc thử lửa – đối diện với cái thực tế… Rốt cục, đằng sau biện pháp hòa dịu ấy vẫn có một mối hoài nghi đang nhấm gặm. Tóm lại, tôi tin rằng tôi không phóng đại khi tôi nói rằng, về mặt tâm lý, con người hiện đại hầu như đã hứng chịu một đòn chí mạng, và kết quả, đã rơi xuống vực thẳm hoài nghi” – C.G. jung, Modern Man in Search of a Soul, E.T. (1993), pp. 230-31.

No comments:

Post a Comment

Cái Đêm Hôm Ấy . . . Đêm Gì?

TTR: Chắc chắn không ai đọc được những bài ký sự như thế này mà còn có thể hình dung ra cảnh người dân bị bóc lột tàn bạo, phi nhân hơn nữa ...