25 June 2011

Cảo Thơm


Tác phẩm đầu tiên mà Diễn Đàn được hân hạnh giới thiệu trong mục Cảo Thơm Lần Giở là tùy bút nhan đề NHỚ QUÊ của Luật Sư Vương Văn Bắc- Cựu Giáo Sư Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Cựu Đại Sứ VNCH tại Anh Quốc, Cựu Bộ Trưởng Ngoại Giao Chính Phủ VNCH. Luật Sư Vương Văn Bắc, không ,Thầy Vương Văn Bắc, xin được phép xưng hô như vậy, viết tùy bút này vào đầu năm 1998 và tùy bút đã được đăng trên một số tạp chí xuất bản tại Pháp và Hoa Kỳ. Diễn Đàn hôm nay xin được đăng lại, có chút muộn màng, để Đồng Môn, nhất là những đồng môn đã từng say mê nghe Thầy thuyết giảng môn Lịch Sử Chính Trị, và Thân Hữu, có thể thấy tâm sự của một NGƯỜI THẦY, một KẺ SĨ, khả kính. Lan Đàm.

NHỚ QUÊ
Mùa đông năm nay ở Paris không rét lắm, từ đầu mùa đến giờ chỉ có một hai ngày có tuyết rơi trên vỉa hè. Tuy vậy, khi Trung bước từ hầm xe điện đô thành, trạm Madeleine, lên mặt đường, một làn gió lạnh thổi từ phía sông Seine qua quảng trường Concorde đã làm cho chàng rùng mình, bất giác đưa tay kéo cổ áo choàng phủ lên gáy. Cảm giác giá buốt này làm Trung đột nhiên nhớ lại những ngày thơ ấu sống trên quê hương nơi miền Bắc, khi cơn gió bấc từ mạn Đồng Đăng Kỳ Lừa thổi về Trung Du, làm run rẩy cậu bé học sinh gầy guộc đang cắp cặp đến trường Tiểu Học Phủ Lạng Thương, hoặc làm cho chàng thanh niên phải cố rảo bước trên mặt đê Sông Đuống cho bớt thấy lạnh, hơi thở thành những mảng khói vụn trước mặt, gót chân tê buốt trong đôi dép cao su giẫm lên đám cỏ mọng sương bên bờ đê. Lòng thương nhớ quê cũ bỗng tràn ngập tim óc chàng.

Khi mới đến cư ngụ trên đất nước này, ít khi tâm hồn Trung thấy bị ray rứt ám ảnh bởi nỗi sầu biệt xứ, không phải vì chàng vô tình, nhưng vì tất cả thời giờ và tâm tư của chàng khi ấy phải dành cho công việc làm ăn. Thực thế, vào thời ấy, Trung phải hết sức làm việc để tự thích ứng với hoàn cảnh mới. Tuy nghề luật là nghề cũ mấy chục năm của Trung, điều kiện hành nghề đã khác hẳn: không còn vừng hào quang nào, không còn có lòng kính nể nào bao quanh công việc chỉ bảo luật pháp và bênh vực pháp quyền cho thân chủ, khác với thời kỳ Trung còn là luật sư ở nước nhà. Ở đây và bây giờ, ranh giới giữa thầy và thợ không còn nữa, người làm nghề luật cũng chỉ là một người đem bán dịch vụ trên thị trường, như tất cả những người bán những dịch vụ khác, được đãi ngộ hoàn toàn tùy theo so sánh giữa lợi ích thực tế mà dịch vụ ấy đem lại cho người dùng với số tiền mà người này phải trả. Một khi dịch vụ đã được cung cấp, dưới hình thức một bài phân tích, một lời khuyên, một dự thảo khế ước, một đơn kiện hay một bài cãi, không những đối phương hăm hở tìm kiếm và tận tình khai thác những sơ hở có thể có, không những tòa án các cấp nghiêm khắc phê phán và thẳng tay bác bỏ những lập luận yếu ớt hay sai lầm, mà chính thân chủ của mình lại là người hăng hái nhất trong công tác bới lông tìm vết, với hy vọng có cớ đòi giảm tiền thù lao hay đổ trách nhiệm và đòi bồi thường. Trước trận giáp công ba mặt ấy, người luật sư ngày nay không thể dùng cái bóng bẩy của văn chương, uy quyền của sách vở hay thanh thế của cá nhân hòng che lấp những khuyết điểm sai lầm của mình. Trái lại, hắn phải chờ đợi rằng mỗi ý kiến, mỗi dòng chữ mà mình đưa ra đều phải chịu sự kiểm soát và đánh giá không nhân nhượng của thân chủ, của đối phương, của pháp đình, khi thất bại thì không thể nào núp sau những lời bào chữa hay khẩn cầu cho chính mình. Mặt khác, Trung cũng dư hiểu rằng, trong một văn phòng luật sư quốc tế tập hợp hàng trăm luật sư và sinh hoạt như một cơ sở kinh doanh tư bản, không có chỗ cho tình thương huynh đệ giữa các thành viên, lại càng không có chỗ cho lòng biết ơn những công lao quá khứ. Chỉ cần thua một vụ kiện quan trọng hay để mất một thân chủ cỡ lớn là đủ để thấy áp dụng ngay câu “anh đi đường anh, tôi đi đường tôi” của thi nhân!

Bởi thế, Trung đã phải lao động gấp bội so với những đồng nghiệp không có cái rủi phải xa lìa quê hương như chàng, sau khi được tạm thu nhận vào một văn phòng luật sư quốc tế, không những để chu toàn những hồ sơ được giao phó, mà còn để theo kịp biến chuyển của pháp luật, án lệ và học lý. Trung cố xem, cố đọc thật nhiều, vì mối lo sợ thường trực của chàng là thấy một đề nghị hay một dự thảo do mình đưa ra bị người ta vạch rõ là dựa trên một điều luật đã hết hiệu lực, một án lệ đã thay đổi hay một lý thuyết đã bị vượt qua. Có lúc mắt mờ đi vi cố đọc những dòng chú thích nhỏ li ti, óc hoa lên vì phải theo rõi những lý luận trừu tượng, Trung buồn bực nhớ đến câu châm biếm của người Pháp :”On perd sa vie en la gagnant” (Người ta để mất cuộc sống vì cố kiếm sống), nhưng lại vội xua đuổi ngay những ý nghĩ tiêu cực như thế để còn đủ can đảm tiếp tục làm việc.

Cũng như vậy, Trung đã phải dìm sâu xuống đáy lòng những tâm tình tiếc thương dĩ vãng hay nhung nhớ quê nhà, vì e rằng tâm trạng ấy sẽ như một dung dịch cường toan làm tiêu tan nghị lực phấn đấu để sống còn của mình. Tuy nhiên, cố gắng cất dấu ấy không bao giờ thành công trọn vẹn, khi chuyện trò vời người thân thuộc hay trong giấc ngủ chập chờn, những hình bóng quê hương ngày trước lại hiện ra trong đầu óc, như những tấm hình cong queo hoen ố bỗng hiện ra dưới đáy rương đựng những đồ vật mà mình không nỡ vứt đi.

Trung phải cặm cụi lao động như vậy vì những lo lắng thực tế đã đành. Chàng sợ bị thất nghiệp trên đất nước người, gia đình phải chịu cảnh thiếu thốn mà chính mình cũng mất hết tự tin, sau những ngày dài ngồi chơi trên ghế đá công viên hay đến ghi tên ở sở tìm việc làm. Nhưng ngoài những mối quan tâm thiết thực ấy còn có những lý do khác, phức tạp hơn nếu không muốn nói là trẻ con hơn. Đặc biệt, Trung không muốn mấy đồng nghiệp Mỹ và Pháp trong văn phòng có cớ và có dịp bàn tán với nhau: “Tưởng gì! Mới đọc bản lý lịch và tờ lược thuật thành tích trong hồ sơ thì tưởng hắn tài ba lỗi lạc lắm, nhưng khi vào việc thì, ôi thôi, quả là một thất vọng lớn!”, rồi sau đó tổng quát hóa và bông đùa về những danh bất hư truyền ở những nước đang mở mang. Trung tự nhủ:”Nếu không làm được gì hay cho đất nước thì ít nhất cũng đừng để cho người ngoài hiểu sai và nói xấu về dân mình!”.

Tuy bị dồn ép vào tiềm thức, tình quê hương vẫn như ngọn đèn soi lối cho những người phải đi xa nước, xa nhà.

Một hôm, người luật sư Mỹ phụ trách chi cục Paris của văn phòng bỗng mời Trung đến bàn giấy hắn và cẩn thận khép kín cửa trước khi trò chuyện:

“Tôi vừa điện đàm khá lâu với đồng nghiệp chủ tịch ban chấp hành ở Nữu Ước. Ban chấp hành muốn giao phó cho anh một công tác tế nhị và quan trọng, nếu anh đồng ý. Tôi cần thêm ngay rằng tôi tán thành một trăm phần trăm ý kiến này.

“Như anh đã biết, tuy Hoa Thịnh Đốn và Hà Nội chưa thiết lập quan hệ ngoại giao bình thường, luật lệ Hoa Kỳ về việc cấm công dân Mỹ thăm viếng và kinh doanh ở Việt Nam đã được nới lỏng nhiều. Bởi vậy một số công ty thân chủ của văn phòng mình đang dự tính đầu tư và hoạt động ở Việt Nam. Ưu điểm quan trọng nhất và cũng là lý do hiện hữu của một văn phòng luật sư quốc tế là sẵn sàng cung cấp cho thân chủ mình sự yểm trợ pháp lý hữu hiệu ở bất cứ nơi nào mà họ có cơ sở sinh hoạt, qua hệ thống chi cục và phòng đại diện. Bởi vậy, vấn đề đặt văn phòng đại diện ở Việt Nam đã được ban chấp hành thảo luận trong phiên họp vừa rồi, để đi đến quyết định nhờ anh đến tận nơi để ước lượng khả năng và điều kiện thực hiện dự án ấy.

“Nếu anh đồng ý- và tôi nghĩ rằng anh nên đồng ý- tôi sẽ chỉ thị cho bà quản lý dành chỗ máy bay và phòng khách sạn ở Việt Nam cho Chị Trung và anh, đồng thời dự thảo một lịch trình tạm cho chuyến đi này để đưa anh duyệt. Dĩ nhiên mọi phí tổn của chuyến đi sẽ được coi là sở phí điều hành của văn phòng, và như vậy trong mọi tình huống, kể cả trường hợp anh đi đến kết luận tiêu cực là dự án ấy không thể thực hiện được.”

Trong khi nghe người đồng nghiệp Mỹ nói chuyện, đầu óc Trung rộn lên với nhiều ý nghĩ và hình ảnh phức tạp. Khởi thủy là một cảm giác ngạc nhiên thích thú vì chàng thấy hiện ra một cơ hội thăm lại quê cũ miền bắc Việt Nam sau nửa thế kỷ xa cách, với một lý do nghề nghiệp chính đáng và với triển vọng thực hiện được một công tác hũu ích. Nhưng liền ngay theo đó lại hiện ra trong óc Trung vô số hình ảnh những người bà con bạn bè cũ- kẻ còn sống, người đã qua đời, hình ảnh những sinh viên chăm chú nghe chàng thuyết giảng chính trị học trong giảng đường đại học, hình ảnh những chiến sĩ Trung đã gặp ở các tiền đồn ngày trước để nói về ý nghĩa của cuộc chiến đấu gìn giữ tự do...

Những người ấy sẽ nghĩ sao nếu thấy Trung trở về quê hương trong hoàn cảnh hiện nay? Lòng khao khát thấy lại quê xưa, cũng như yêu cầu của nghề nghiệp, không thể nào biện minh được tất cả, không thể nào cho phép Trung làm thất vọng những người đã nghe và tin lời nói của mình.

Người luật sư Mỹ trước đó đinh ninh rằng Trung sẽ sốt sắng hân hoan nhận lời ngay, vì biết rằng Trung vẫn còn rất thiết tha với quê cũ. Bởi thế, anh ta khá ngạc nhiên khi thấy Trung lộ vẻ nghĩ ngợi đăm chiêu, thay vì vui mừng lúc nghe anh nói. Anh vội nói thêm để phá tan những thắc mắc có thể có trong đầu óc Trung:

“Anh đừng nghĩ lầm rằng chúng tôi muốn gửi anh sang Việt Nam để lo những việc nói năng chạy chọt cho thân chủ của văn phòng. Chúng tôi biết anh không làm nổi công việc ấy vì, ngoài những lý do đạo đức hay pháp lý, anh không phải là thân hữu của những người hiện thời nắm quyền hành ở Việt Nam. Hơn nữa, nói thực điều này anh đừng giận, nếu chúng tôi có ý định làm chuyện đó, nhưng đây không phải là trường hợp, thì chúng tôi cũng sẽ nhờ những người mà giá biểu giờ làm việc thấp hơn giá biểu của anh, nhưng lại có thể đắc lực hơn anh nhiều, về phương diện ấy. Không! Thân chủ chúng ta sẽ cần có người cố vấn hiểu biết tường tận, không những luật lệ, tập quán và ngôn ngữ địa phương, mà cả những dụng ý và tâm lý của người đối thoại, để có thể ước lượng chính xác những cơ hội và những cạm bẫy tiềm ẩn trong một dự án hay một đề nghị, rồi lại có thể diễn đạt lại cho thân chủ bằng những từ ngữ, khái niệm và hình ảnh mà thân chủ có thể hiểu được. Ban chấp hành nghĩ rằng anh đáp ứng được những đòi hỏi ấy!

“Anh cũng đừng ngại rằng văn phòng sẽ đòi hỏi anh hiện diện thường trực ở bên ấy. Chúng tôi hiểu rằng có thể có những nhu cầu gia đình hay nghề nghiệp không cho phép anh vắng mặt lâu dài ở Pháp. Một luật gia ở địa phương sẽ được tuyển mộ để thường xuyên phụ trách phòng đại diện, nếu chúng ta quyết định mở. Anh sẽ theo rõi và kiểm soát từ Paris. Mỗi năm anh chỉ cần đến tại chỗ một vài lần và mỗi khi có những cuộc hội họp quan trọng”.

Thấy câu chuyện đã đi vào chi tiết, Trung nghĩ cần chấm dứt ngay sự ngộ nhận bằng một lời từ chối dứt khoát:

“Tôi cảm ơn ban chấp hành đã tỏ lòng tín nhiệm tôi. Tôi tán thành chính sách của văn phòng nhằm tận dụng khả năng cá biệt của mỗi thành viên. Tuy nhiên, vì nhiều lý do: chính trị, hành chính, gia đình, cá nhân, tôi tiếc không thể nhận được công tác mà ban chấp hành muốn trao phó cho tôi. Tôi mong các anh thông cảm.”

Nhìn nét mặt chưng hửng và sa sầm của người đồng nghiệp Mỹ, để làm nhẹ bớt bầu không khí, Trung đưa ra một lời nửa nghiêm trang, nửa bỡn cợt:

“Hoàn cảnh và tâm trạng của tôi về điểm này có thể được minh họa bằng hai câu thơ của một thi sĩ lớn của dân tộc tôi, Cụ Nguyễn Du trong truyện Kiều:

Chữ trinh còn một chút này,
Chẳng cầm cho vững lại giày cho tan”
Trung cố thử phiên dịch và giải thích hai câu thơ ấy cho anh bạn Mỹ hiểu, nhưng chàng cũng không chắc rằng người bạn ngoại quốc ấy lĩnh hội được tất cả ý tế nhị và sâu sắc của lời thơ. Dù sao cũng thấy anh chàng này cười phá lên, có thể vì từ “trinh” làm cho anh ta nghĩ lầm rằng, cũng như nhiều người chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp, Trung đã ví von mọi chuyện với tình luyến ái nam nữ. Cũng có thể anh ta đã cười để thoát khỏi một câu chuyện nặng nề.

Khủng hoảng gây ra do sự khước từ của Trung rồi cũng qua đi, như bao nhiêu thăng trầm khác trong thời gian Trung cộng tác với văn phòng này. Hơn hai chục năm đã qua rồi, bây giờ Trung không thấy cần phải chứng tỏ gì nữa. Vả chăng, tuổi đã cao, con cái đã trưởng thành cả, chàng không còn chờ đợi gì mà cũng không còn quá lo về sinh kế như trước. Tâm hồn thanh thản bình yên hơn, nhưng đó là sự bình yên trong chán chường, vô vọng. Vì không còn trằn trọc với những viễn tượng dấn thân, Trung càng khắc khoải nhớ đến lũy tre xưa hay ngôi trường cũ, nhớ đến bà con bạn bè ngày trước để rồi cảm thấy thấm thía hơn nỗi cô quạnh hiện thời.

Những lúc như vậy, Trung thường tìm cách trở về quê hương bằng tưởng tượng: chàng tự tay pha cho mình một bình trà mạn sen, mở phong bánh đậu xanh Hải Dương do một người quen ở Cali gửi biếu, rồi cho chạy băng nhạc dân ca miền Bắc, mắt lim dim nhớ lại quê hương của quan họ và của trống quân.

Những âm thanh mộc mạc nhưng chan chứa tình cảm từ giàn máy cất lên, như vọng về từ một quá khứ xa xôi:

Tay bưng chén muối đĩa gừng
Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau
làm cho Trung nhớ đến một thời xưa chất phác và thanh bình, khi người thiếu phụ trong ca dao có thể vững tin ở lòng chung thủy của người tình vì mình đang tận tâm săn sóc. Chàng bỗng nghĩ ngợi lan man và tự nhủ: “Phải rồi! Quê hương mà ta hàng ngày hàng giờ thương quý nhớ nhung là một quê hương hiền hậu thực thà, môt quê hương chưa rơi ngã vào Dối Trá, Thù Hận, Chia Rẽ!”. Và Trung hiểu tại sao chàng không ngần ngại khước từ cơ hội trở về thăm quê do văn phòng đề nghị, mà sau đó cũng không cảm thấy hối tiếc gì. Đâu có phải chỉ để nhìn thấy lại một mảnh đất, một giòng sông, một mái nhà...mà đành chối bỏ chính mình?

Trong khi chàng chìm đắm trong những suy tư của mình, băng nhạc vẫn tiếp tục chạy. Bài hát ru con nổi lên, bảng lảng xa vắng như một cuối trưa hè miền trung du:
Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn...
Trung tưởng nghe thấy lòng mình thì thầm nhắn nhủ quê hương nay đã cách xa vạn dặm.

Luật Sư VƯƠNG VĂN BẮC
Paris, 15/01/1998

No comments:

Post a Comment

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...