22 June 2011

Hình ảnh GS Vương Văn Bắc

Một Vài Kỷ Niệm

Trước tiên chúng ta cám ơn bạn Vũ Minh Ngọc đã đưa lên mạng một đoạn video nhân dịp gặp gỡ của Giáo-Sư Vương Văn Bắc với các anh chị em Cựu SV/HVQGHC Miền Đông Hoa-Kỳ.( Năm 2007)

Nghe giọng nói trầm ấm, khúc triết của Giáo-Sư, chúng ta như sống lại thời sinh viên Hành-Chánh mấy chục năm trước. Đây là thời gian mà cả Thầy và Trò đều mang những hoài bão đóng góp được một cái gì thiết thực cho Quê-Hương dù còn trong thời chiến và nhất là một mai khi hoà bình. Nhưng hoài bão đó thật tiếc đã tan như mây khói. Nợ áo cơm chưa trả được mà còn thất tán, trôi giạt khắp phương hay lạc lõng ngay trên quê hương mình. Tưởng đâu có hòa bình để được phát triển, ai ngờ tình trạng đất nước nói chung lại tệ hại hơn thời chiến tranh.

Giáo sư Vương Văn Bắc đã dạy tại Học-Viện Quốc-Gia Hành-Chánh hai mươi năm từ 1954 đến 1974, tham dự Hoà đàm Ba-lê trong phái đoàn Việt-Nam Cộng-Hòa, làm đại-sứ Việt-Nam tại Anh và Áo rồi Tổng-Trưởng Bộ Ngoại-giao.

Giáo-Sư dạy môn “Định-Chế Chih-Trị Việt-Nam”. Môn này được coi như lịch-sử về các thể-chế chính-trị của Việt-Nam nhất là giai-đoạn sau 1945 cho đến trước 1975. Đây là giai-đoạn mà Giáo-Sư và phần đông sinh viên đã lớn lên, từng trải, đóng góp,và gắn bó. Ban Đốc-Sự 16 đã được Giáo-Sư diễn giảng môn trên vào những năm 1968-1971. Với kiến thức của một học-giả, một chính-khách, và tài hùng biện của một luật-gia, Giáo-Sư đã lôi cuốn sinh viên từ đầu đến cuối giờ học một cách chăm chú khác thường. Điều làm các sinh viên khâm phục là giáo sư đã nhớ từng chi tiết ngày tháng, sự kiện lich sử, các nhân vật, một cách cặn kẽ. Cũng như giáo sư viện trưởng Nguyễn Văn Bông, Giáo-Sư Vương Văn Bắc vào lớp với tay không. Không tài liệu, không bài vở quay roneo phát trước. Giáo-Sư nói liên tục như kể chuyên cổ tích hay một cuốn phim lịch sử các định chế chính trị Việt-Nam. Sinh viên lấy “notes” một cách hăng say và dễ dàng. Bài chép của sinh viên Nguyễn Xuân Tuấn, với nét chữ đẹp, rõ ràng, đầy đủ, được Giáo-Sư mượn lại, coi như bài giảng cho toàn khóa. Nếu tôi không lầm, Giáo-Sư tặng Tuấn một cây viết máy. Nhờ vào kiến thức uyên bác và cách trình bày rành mạch của Giáo-Sư, sinh viên như bị lôi cuốn vào từng giai đoạn khó khăn cúa nước nhà.Khi trình bày, hình như Giáo-Sư chỉ đứng trên quan điểm một nhà giáo hơn một chính khách. Sinh viên tiếp nhận bài giảng một cách khoa học và khách quan.

Một chuyện khó quên với tôi là hôm Giáo-Sư thấy một đoạn giây rơi ở cuối lớp mà không ai chịu nhặt lên.Chắc Giáo-Sư đã thấy đoạn giây khi đi lên đi xuống lúc giảng bài. Nhưng sinh viên thì lo chép bài hoặc làm biếng hoăc coi thường sợi dây mà chẳng ai nhặt lên cả. Gần hết giờ học, Giáo-Sư hỏi: “Bộ không ai thấy sợi giây rơi đó sao ?” Tôi quay lại thì sợi giây vẫn còn đó.

Giáo-Sư nói như có ý trách: “ Các anh chưa có kinh nghiệm. Sợi giây tuy nhỏ nhưng có lúc cần kiếm không ra.” Sau này ra đời, tôi mới nghiệm lại : có những cái tuy nhỏ, tuy tầm thường, nhưng vẫn có giá trị của nó, vào một thời điểm nào đó. Chúng ta đã đươc một bài học thực tế, cần kiệm và biết lo xa.

Khi nói về ngoại giao của Việt-Nam Cộng-Hòa trước đây, Giáo-Sư cho biét vào thời điểm đó, ngành ngoại giao không có ai biết tiếng Tây-ban-nha! Câu nói của Giáo- sư làm sinh viên ai cũng ngạc nhiên. Có lẽ vì đó, Việt-Nam Cộng-Hòa đã không được các nước nói tiếng Tây-ban-nha biết đến nhiếu, nói chi đến yểm trợ hay hậu thuẫn. Ngoài Tây-ban-nha, đa số các nước Trung-Nam-Mỹ đều coi Spanish là ngôn ngữ chính. Việt-Nam đã bỏ quên các nước này. Một khía cạnh khác là nhân viên ngoại giao đã không được đào tạo đúng mức. Muốn cho một “ông tướng” về vườn, cho đi làm đại-sứ. Cách chức một nhân viên cao cấp, cho đi làm Tuỳ-viên, Tham-vấn… Học-Viện Quốc-Gia Hành-Chánh kể từ Cao-Học 8 đã mở thêm Ban Cao-Học Ngoại-Giao. Không biết có sự đề bạt nào của Giáo-Sư Vương Văn Bắc khi Học-Viện mở ban Ngoại-Giao hay không?.....

Trên đây là trích lược bài đăng trên diễn đàn DS/16 khi Giáo sư Bắc thăm viếng Hoa-Kỳ vào năm 2007. Nay xin được nhắc lại như một nén hương lòng của một sinh viên nhớ đến một vị giáo-sư khả kính vừa từ trần cách đây vài ngày. Xin thành kính phân-ưu cùng tang quyến và cầu nguyện hương-hồn Giáo-Sư sớm tiêu-diêu miền cực-lạc. “Sống khôn, thác thiêng” xin Giáo-Sư cầu nguyện cho quê hương Việt Nam sớm được thanh bình và thịnh-trị.

TĐT 
(Đs16/Ch8)

No comments:

Post a Comment

Cái Đêm Hôm Ấy . . . Đêm Gì?

TTR: Chắc chắn không ai đọc được những bài ký sự như thế này mà còn có thể hình dung ra cảnh người dân bị bóc lột tàn bạo, phi nhân hơn nữa ...