Cùng Một Lứa Bên Trời
Sầu Đông
(nhớ Nguyễn Tử Lộc)
Nhìn bề ngoài không ai có thể đoán được ba người đàn ông đã qua cái tuổi 'tri thiên mệnh' khá xa rồi. Cũng khó ai đoán được họ đã qua những thăng trầm lạ lùng của kiếp người. Và tuy vậy, nhìn cách họ ăn, họ nói, họ đùa nghịch với nhau quanh chiếc bàn bằng kim loại đúc mà lưng ghế là hình dáng những lá, những hoa sơn màu xanh lá cây xậm của một quán cà phê có cái tên Tây "La Parisienne" vào một buổi chiều mùa hè Bắc Mỹ ( mà 8giờ chiều vẫn còn nắng vàng đẹp ) ta có thể đoán được họ cũng đã từng có một thời biết đến những thú vị đậm đà của cuộc sống giản dị nơi quê nhà.
Người đàn ông có nước da xạm nắng, tóc muối tiêu, lông mày lưỡi mác và cặp mắt sáng đặc biệt ẩn dưới hốc mắt sâu - vốn là một cựu đại tá bộ binh - vỗ vai ông bạn có mái tóc trắng như cước, nụ cười hóm thoáng một nét buồn:
- Bạn hiền của triết gia đi bên kia đường sao không thấy chào nhau lấy một tiếng! Những nhà tư tưởng lớn hình như khó gặp nhau trong lãnh vực tư tưởng đã đành, lại còn khó gặp nhau ngoài đường phố nữa đấy nhỉ?!
- ...
Người đàn ông thứ ba, khuôn mặt khắc khổ như còn ghi lại những năm tháng tù đầy dài dặc tại VN , là một nhà báo kỳ cựu trong quân đội cũ, vuốt nhẹ chòm râu bạc, điểm một câu nhẹ nhàng:
- Tưởng ai, té ra là ông chủ bút báo X. Hắn ta và bạn hiền của tôi là bạn nhau thật à?
Người đàn ông được hai ông bạn già gọi là 'bạn hiền' lúc này mới lên tiếng:
- Vâng, hắn có học chung với tôi vài năm ở một trường đại học ở Sàigòn, nhưng học chung là học chung vậy thôi chớ chúng tôi ít khi nói chuyện với nhau. Hắn là loại người có biệt tài.
Ông bạn nhà báo:
- Người ta vẫn bảo là các triết gia đều thâm trầm, hiểu đời, và hiền lành cả mà. Đâu có như đám lính tẩy thấp kém chúng tôi.
- Xin ngài nói năng phải chăng cho con nhờ. Ngài đùa con như vậy tội nghiệp cho con quá. Con có là triết gia hồi nào đâu. Hồi còn đi học, các giáo sư buộc chúng con phải đọc nào là Mặc tử, với Tuân tử;... rồi Plato, với Aristotle; Hegel, với lại Marx,...Thú thật với các ngài lúc ấy các cụ bắt đọc thì phải đọc vậy thôi chớ tiếng Tây, tiếng 'U', và nhất là tiếng Hán con chỉ nhìn mặt chữ cũng đủ thấy choáng váng rồi, còn nói hiểu thì ngay đến lúc này tóc đã bạc phất phơ mà vẫn cứ như đi lạc trong rừng ấy, chẳng nhớ các tổ sư ấy viết những gì nữa.
- Bạn tôi lại khiêm tốn nữa rồi.
- Thật đấy mà. Ông thầy dạy triết của con, ba bốn cái bằng tiến sĩ, trong lúc thân mật bị lũ đệ tử chậm hiểu gặng hỏi những câu chẳng đâu vào đâu, đã có lúc la toáng cả lên: "Ối giời ơi! Triết mà !! Toán cao cấp học cũng còn dễ hơn học triết nữa đấy!!!... Các chú mày tao cho đậu là đậu, mà tao đánh trượt là...trượt tuốt!"
- Thế có anh nào bị rớt không?
- Rớt sao được. Bọn này tên nào cũng có dáng dấp triết gia cả!
- Đấy nhá, các triết gia gặp nhau ngoài đường, lại cùng lớp, sao tớ chẳng thấy vi. nào chào nhau lấy một lời.
- Thôi mà, cợt nhau làm chi. Chơi với ngài ấy mệt lắm. Lạng quạng, ngài cho một giò lái, thì thuốc của Mỹ tuy tốt thật nhưng cũng lâu lành.
Nhà báo kỳ cựu vuốt lại chòm râu bạc, trước khi nhắp một ngụm cà phê, hào hứng phán một câu:
- Đùa bạn tôi tí chút thôi mà , chớ cái gã ấy ngay từ dạo ở VN tôi đã biết hắn. Lúc hắn kẹt ở Thủ Đức, hắn năn nỉ tôi giúp cho hắn về chỗ tôi làm. Tuy quân số cơ hữu của đơn vị chưa đủ, nhưng biết hắn khá nhiều trò ma mãnh, tôi quên hắn luôn cho tiện. Chúng hắn một lũ với nhau, nửa khệnh khạng, nửa láu cá, gom nhau ra một tờ báo, chuyên vạch lá tìm sâu, lại bày đặt trưng dẫn những triết gia lớn của nhân loại như thể chúng đã đọc và hiểu đến tim, gan, phèo, phổi của những bậc đại hiền ấy làm mình thấy nhợm quá. Dẫu sao mình cũng phải nhận là chúng hắn to mồm chửi Mỹ, nhưng chúng hắn đã thành công phần nào trong việc áp dụng những bài học thực dụng của Mỹ ngay từ khi chúng hắn còn ở bên nhà. Nói cho ngay thì chúng cũng có tài xào nấu những bài viết của bọn nhà báo bình dân Âu Mỹ, bày trò ca tụng nhau, và quan trọng nhất là kiếm khách hàng cho nhau. Chúng có một bọn chuyên nghề kiếm quảng cáo yểm trợ.
- Tôi có một kinh nghiệm cụ thể: không bỏ ra vài chục đồng mua báo cho chúng, hay góp tiền đăng quảng cáo cho chúng thì ...chẳng bạn bè gì ráo!!!...
**
Đang chăm chú xem những tựa báo trên kệ sách ông nhà báo quân đội nghe có tiếng chào phiá sau:
- Chào bác.
- Ủa!?..chào cha; cha cũng đến đây mua báo à?
- Dạ, cháu thỉnh thoảng cũng ghé ngang qua đây xem mấy tựa báo.
- Xin lỗi cha, hình như mình đã gặp nhau hồi ở trên đảo.
- Dạ, cháu còn nhớ là ghe của bác tới trước ghe của cháu một ngày, và sau đó bác có dạy tiếng Anh giúp cho Văn phòng cao ủy.
- Xin giới thiệu với cha ông bạn tôi là giáo sư trung học trước kia dạy môn triết ở Sàigòn.
- Kính chào bác.
- Kính chào cha.
Nhà báo:
- Dạo ấy, cha chưa làm linh mục?
- Dạ, cháu vừa xong trung học, xin đi dạy ở một trường trong vùng Xuân Lộc được hai năm thì năm 75 Cộng Sản vào. Sau khi đi thanh niên xung phong về, nếu gia đình đừng bị nhòm ngó, cũng như những sinh hoạt của giáo xứ đừng bị làm khó dễ quá có lẽ anh em chúng cháu đã không vượt biên.
-Tôi không phải là người Công giáo, tôi muốn hỏi cha một vài điều, không biết cha có tiện trả lời không?
- Dạ, xin bác cứ hỏi, nếu trả lời được cháu xin trả lời bác.
- Cha có thể cho biết nguyên do nào khiến cha đến đất Mỹ rồi cha mới đi tu?
- Thưa bác, mọi chuyện đều do Chúa quan phòng: Gia đình chúng cháu đã không tính cho chúng cháu vượt biên, vì dầu gì ở Xuân Lộc gia đình chúng cháu cũng đã có nương, rãy, và vẫn sống bằng hoa màu mà gia đình canh tác; nhưng như bác đã rõ, chế độ mới nghiệt ngã quá, nhất là về mặt sinh hoạt tôn giáo, nên cuối cùng chúng cháu đã ra đi, có phần chậm trễ hơn nhiều gia đình cùng trong xứ.
- Cha có gặp những khó khăn trên biển?
- Thưa bác, chắc bác đã dư biết là những chiếc ghe đến trong cùng tuần lễ với chiếc ghe bác đi, cũng như ghe của chúng cháu, đều đã gặp tai nạn nhiều lần. Cháu đã trải qua và chứng kiến tất cả những hãi hùng, đau đớn khi gặp hải tặc. Cháu may mắn còn sống sót là nhờ vào phép lạ của Đấng Bề Trên. Ngay những người thân trong gia đình cháu cũng đã phải gánh chịu những tai họa nặng nề.
- Sau những tai nạn ấy, cha không hận thù gì những kẻ đã gây nên những tai họa cho gia đình cha sao?
- Thưa bác, những đớn đau mà người khác đem lại cho mình và gia đình của mình, mình làm sao không căm hận được khi mình là một con người. Cháu đã nhiều đêm khóc thầm trong trại, rồi nguyền rủa những kẻ cầm quyền bên nhà, và đã nhiều lúc nghĩ như nếu có cách nào giết cho sạch bọn cướp biển Thái Lan.
- Tôi cũng không khác gì cha, và cho tới lúc này, tôi không sao nguôi được nỗi căm hận bọn bạo quyền bên nhà. Còn bọn cướp biển Thái Lan phải băm chúng nó thành trăm, ngàn mảnh. Chúng nó tàn tệ hơn cả những ác thú. Chúng không còn lấy chút lương tâm và tình người . Chúng lợi dụng ngay chính tình trạng hoạn nạn của người khác để gây thêm tội ác. Chúng nó là một lũ quỉ. Nhưng tôi vẫn không sao hiểu nổi một thanh niên như cha, sau những biến động lớn như thế, đến đất Mỹ rồi cha lại đi tu ngay được?
- Thưa bác không phải vậy. Khi được bảo lãnh qua Mỹ, cháu đã đi học một thời gian, đã đi làm, và trong thời gian này cháu gặp một linh mục là thầy dạy cũ của cháu ở Biên Hoà khi trước. Vị linh mục này là linh hướng của cháu. Ngài cũng đã giới thiệu cháu với một linh mục người Mỹ. Vị sau này ngoài việc dạy thêm tiếng Mỹ cho cháu cũng là người đã chỉ dẫn thêm cho cháu nhiều điều trong thực tế sinh hoạt của một số giáo xứ bên Mỹ.
- Tôi quên khuấy đi mất, mình đứng đây nói chuyện lâu không tiện, xin mời cha qua phiá bên kia đường, mình vào tiệm cà phê nói chuyện thêm với nhau. Chắc cha không ngại và cũng có chút thời gian?
- Dạ, cám ơn bác, cháu xin lãnh ý của bác.
Ba người vào quán cà phê mà người uống phần lớn là Mỹ trắng. Nhà báo quân đội tiếp tục:
- Cái này tôi phải xin lỗi cha trước: Tôi có nghe một vài người nói là một số thanh niên qua đến Mỹ sau khi gặp những chấn thương tinh thần về nhiều mặt tại VN và trên đường vượt biển, học hành và làm việc trên đất Mỹ quá cực, không thích nghi được với điều kiện và nhịp sống ở Mỹ, cuối cùng đã chọn con đường nhẹ nhàng hơn là trở thành nhà tu. Cha thấy có phải vậy không? Tôi hỏi thế này có phần khiếm nhã , nếu cha không trả lời cũng không sao.
Giáo sư trung học nhìn nhà báo có vẻ không vui; ông đá nhẹ vào chân nhà báo phiá dưới bàn.
- Như cháu đã thưa với bác : Mọi chuyện đều do Chúa quan phòng; và hẳn bác cũng đã thấy là nhiều thanh niên cũng đã trải qua những kinh nghiệm không mấy tích cực như cháu trong quá khứ. Khi đến Mỹ họ vẫn đi học bình thường, vẫn có nghề nghiệp và gia đình đàng hoàng. Phần cháu sau những trao đổi với cha linh hướng của cháu, sau những chiêm nghiệm về cuộc sống, cháu thấy mình được ơn riêng kêu gọi vào hàng ngũ những tôi tớ của Chúa, truyền đạt phúc âm đến đông đảo những người cần đến ơn cứu chuộc, nhất là với những người đã từng đem đến đớn đau, phiền muộn cho mình và những người thân của mình.
- Cha có tin là có thể cảm hoá được những người Cộng Sản?
- Không điều gì có thể ra ngoài tầm tay của Đấng Quan Phòng.
Linh mục liếc nhìn vào đồng hồ trên tay và sau khi cạn đến nửa ly cà phê, thong thả nhìn nhà báo, và nhà giáo:
- Đã tới lúc cháu phải về nhà xứ cho kịp buổi họp. Cháu xin kiếu hai bác, và xin hẹn hai bác một dịp khác. Khi nào thong thả kính mời hai bác đến giáo xứ M.; cháu thường có mặt hàng ngày tại đây. Ở đó có lẽ chúng ta có thể nói với nhau được nhiều chuyện.
Nhà báo:
- Xin chào cha.
Nhà giáo:
- Con xin chào cha. Thỉnh thoảng con cũng có đi lễ ngày chủ nhật ở nhà thờ M.
Linh mục trẻ:
- Kính hai bác.
Quay qua nhà giáo, linh mục tiếp lời:
- Con hy vọng được gặp lại bác vào chủ nhật tuần này.
Khi linh mục trẻ đã khuất hẳn ở lối ra của cửa chính, ông nhà báo đổi chỗ ngồi đối diện với nhà giáo:
- Tôi thấy không thoải mái khi nghe các ông lớn tuổi xưng con với các ông linh mục chỉ vào hàng tuổi con, cháu của mình. Linh mục thì cũng là người phàm, được huấn luyện để giảng lại những gì giáo quyền qui định mà thôi. Cái ông linh mục mà ông xưng con với ông ta hồi ở trên đảo tôi nhìn ông ấy thấy nản lắm.
Nhà giáo:
- Ngài ơi! Linh mục là một chức thánh. Trong Hội Thánh Công Giáo của chúng tôi khi gọi "cha" và xưng "con", chúng tôi coi đó là điều tự nhiên, vì linh mục là đại diện của Chúa Cha trên Trời. Nhưng ngài cũng thấy đấy, ông ấy vẫn gọi chúng ta là bác và xưng cháu mà. Ông ấy cũng khiêm tốn, đàng hoàng đấy chứ.
- Tôi vẫn thấy kỳ kỳ sao đó. Tôi có cảm tưởng mấy ông đã bị điều kiện hoá theo thực nghiệm kiểu Pavlov.
- Không nên nói như vậy, thưa ngài. Những kinh nghiệm tâm linh không thể diễn giải bằng những diễn giải của khoa học thực nghiệm được. Có lẽ chúng ta nên ngưng những bàn loạn về tôn giáo tại đây.
- Tôi hiểu và tôn trọng bạn hiền, nhưng tôi vẫn còn khó chịu về đôi điều mắt thấy, tai nghe và muốn bày tỏ cho bạn tôi được rõ.
- Vâng, tôi đang kiên nhẫn đây, nhưng chỉ một hai câu thôi nghe ngài.
- Tôi có lần vào nhà thờ vì nể một người bạn. Nhưng hôm ấy bất ngờ tôi nghe được một trích đoạn trong Kinh Thánh về việc người nào muốn theo Đấng Cứu Chuộc thì phải sẵn lòng từ bỏ cha, mẹ, anh, chị, em của mình. Thú thật tôi thấy những trích đoạn như vậy đi ngược lại với tâm tình con người, kể cả lòng nhân đạo nữa.
- Theo chỗ tôi hiểu, đó là tiếng gọi cách riêng dành cho những người muốn tận hiến đời mình cho việc rao giảng công cuộc cao cả của Đấng Toàn Năng.
- Tôi không hiểu nổi, chưa kể là nhìn thấy nhiều ông, nhiều bà mặt cứ nghệt ra như người mất hồn, và hễ có dịp nói chuyện với ai thì bất kể thân, sơ lúc nào cũng "Chúa thương tôi thế này, Chúa cho tôi thế kia,... " và "Nhờ Mẹ thương xót, nên gia đình chúng tôi được thế này, được thế nọ,...". Tôi thấy họ có vẻ như ở trong tình trạng mộng du của những người đang 'phê'. Chả trách nào có đứa dám bảo : "Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân".
- Tôi thì tôi thấy ngược lại: Chính những tên ấy mới là những kẻ chích thuốc phiện vào não những người cùng khổ. Còn những người mà ông khó chịu khi ông có dịp vào nhà thờ ; ông có thấy họ làm gì hại cho ai không nào? Họ có quyền sống đời sống tâm linh thích hợp với tâm hồn của họ. Theo kinh nghiệm riêng của tôi tỉ lệ những kẻ tội phạm ở những xóm đạo thấp hơn hẳn ở những nơi khác. Mới đây tôi được biết rõ thêm về điều này khi một vài người bạn ở VN cũng công nhận những nhận xét này dưới mắt nhìn của chính những kẻ cầm quyền hiện nay.
Nhà giáo tiếp lời:
- Phần riêng tôi, tôi dứt khoát tin có một Đấng Toàn Năng và mỗi người trong chúng ta mỗi gặp những thử thách mà Ngài đặt ra. Mình hãy vui lòng chấp nhận những thử thách ấy dẫu là nặng nề cách nào chăng nữa, vì nói cho ngay mình muốn tránh cũng chẳng được nào. Chi bằng vui lòng trước cho nhẹ.
Nhà báo:
- Ý bạn hiền muốn nói là chén thưởng không uống lại muốn chén phạt đó phỏng.
- Thôi nhé. Không bàn thêm nữa nha. Nhà báo đâu cần phải thắc mắc về những chuyện xa xôi ấy, chỉ cần những truyện xảy ra hàng ngày, ngay trước mặt, và càng nhiều 'chó cắn xe,...' thì càng ăn khách mà.
- Chà! bữa nay bạn hiền chơi lại nhau ác nhỉ.
Hai người đàn ông cùng cười và thong thả kéo nhau ra khỏi quán.
**
Nhà báo quân đội trước đây ngồi thu mình ở hàng ghế sau của hội trường. Nghề làm báo đã thành cái nghiệp. Hồi còn ở VN ông vừa làm trong tòa soạn, vừa lặn lội ngoài mặt trận; vừa viết phóng sự, vừa viết truyện, nhưng phần lớn viết về những cuộc hành quân của các đơn vị quân đội vào giai đoạn ác liệt, gay gắt nhất tại Miền Nam. Trong đám nhân sự viết cho tờ báo, nhiều anh là những gã trẻ bị động viên vào Thủ Đức. Họ khó có thể là cộng sản nằm vùng. Thỉnh thoảng cũng có anh có cái giọng cay đắng ra vẻ như một tay muốn cải cách xã hội; nhưng mà những anh chàng này cùng lắm chỉ có thể là những anh chàng bi phẫn về những tệ nạn xã hội không thể tránh khỏi, do cuộc chiến quá dài trên một xứ sở đã cạn kiệt về tài nguyên.
Ông đã kẹt trong tù sau 75 một thời gian khá dài và cũng chỉ đến Mỹ một vài năm gần đây. Một vài nhân viên cũ trong toà soạn của ông nay làm một hai tờ báo ở vài nơi trên Bắc Mỹ còn nhớ đến tình xưa, vẫn đều đặn nhờ ông góp bài. Nhưng cái gã cùng học lớp triết với người bạn thân của ông rõ ràng là không chơi được. Hễ dèm pha và đè được ai là hắn không từ.
Ông quay qua ông bạn, nói đùa:
- Triết gia thấy buổi hội ngày hôm nay thế nào?
- Thưa ngài, ngài còn gọi con là triết gia thì từ nay con nghỉ chơi với ngài.
- Thôi, thế thì tớ gọi cậu là triết nhân vậy.
Nhà giáo cười:
- Nghe có vẻ nhẹ hơn là 'triết gia' một tị; nhưng mà vẫn thấy thế nào ấy.
Nhà báo:
- Phải nhận là thành công khi buổi hội ở một khu vực cả trăm ngàn dân qui tụ được vài trăm mạng đến nghe. Chúng nó bắt chước kỹ thuật làm ăn của Mỹ, qua Mỹ sớm, lại mang tâm tính Mỹ trong người, chúng nó thành công cũng là phải. Nhiều người kẹt lại, qua trễ, phải lòn cúi chúng nó thấy mà tội nghiệp! Trâu chậm uống nước đục mà!!
Bên cạnh có tiếng một bà:
- Xời ơi! Trên bàn chủ tọa có cả cái nhà ông hồi còn ở trên đảo đã từng tuyên bố ầm ĩ là "Đi xứ nào thì đi, chớ đi Mỹ hổng thèm; ông là ông cứ đái vào nước Mỹ chúng mày".
- Ông nào ngon vậy bà?
- Đó, cái nhà ông ngồi ngay cạnh cái ông chủ tọa ấy.
Nhà báo quân đội:
- Té ra là bạn hiền của bạn. Mà bạn thì cũng tưới cả đống vào nước Mỹ hàng ngày đấy nhá.
Bà bên cạnh mỉm cười. Bà quay qua phiá khác.
Ông nhìn sang người phụ nữ:
- Bà chị ơi, bà chị có quen biết gì đó với ông ta, phải không bà chị?
- Chả cùng dạy học với thằng em tôi ở một tỉnh ngoài Trung. Thằng em tui và tui gặp chả ở Guam sau khi tan hàng. Lúc đầu tui tưởng chả sẽ ở lại VN như đám văn nghệ sĩ nằm vùng mà nhiều người đã biết. Qua Guam, tưởng hắn sẽ đi Tây hay Canada vì chả vẫn thường nói là dân Tây văn minh hơn dân Mỹ nhiều, và Canada là xứ sở dân tình có văn hoá hơn Mỹ; vậy mà lại thấy chả xin đi Mỹ. Chả lại còn tuyên bố : "Bọn Mỹ nhiều lần mời tôi mới chịu đi, chớ những người làm văn hoá như chúng tôi phải đến đất Pháp may ra mới thở được; không khí xứ Mỹ bị 'ô nhiễm' quá sức. Mỹ làm chi mà có văn hoá! chúng nó mới chỉ có hai trăm năm lập quốc thôi mà; nhưng chúng nó cần nhân tài, chúng nó cần mình; mình cũng nên giúp chúng một tay."
Ông cựu đại tá thường cặp kè với ngài giáo sư trung học dạy triết ghé vào tai bạn:
- Đấy, bạn thấy không? Những nhà văn hoá như bạn cần cho nước Mỹ lắm đấy nhá. Vùng này đã có tờ báo Mỹ có ấn bản tiếng Việt; cỡ như bạn, bạn làm đơn cho tờ Washington Post thì có đến mười phần chúng nó phải dành đất cho bạn cắm dùi.
- Lỡm nhau làm gì bạn già ơi! Bọn chủ báo xứ này chúng nó tinh lắm: đi xin việc với chúng, lại là việc báo bổ...chúng nắn giò, nắn cẳng kỹ càng còn hơn tuyển nô lệ da đen thời lập quốc. Chúng thí cho tí cơm... thì cũng phải làm... hộc máu cho chúng! Con chẳng dại. Con đang lãnh tiền già thì tội vạ gì mà con lại phải lụy chúng nó nhỉ?
**
Chủ bút nhìn một lượt những nhân viên người Việt hiện diện trong buổi họp vào sáng thứ hai mỗi tuần. Cạnh gã là một anh chàng người Mỹ-gốc-Mỹ thứ thiệt, mắt lim dim như những ngày cuối tuần ngủ chưa đã giấc.
Gã hài lòng thấy phần lớn đám nhân viên là những học trò cũ khi còn ở VN. Lũ này là một lũ dễ bảo. Mà cũng chẳng có gì là quan trọng lắm. Cái quan trọng nhất là làm sao lấy được cho thật nhiều quảng cáo của các tiệm buôn Hoa ,Việt trong vùng. Phần này đã có người lo. Chủ nhiệm cần hắn vì dẫu sao hắn cũng có tí tên tuổi trong giới viết văn, làm báo người Việt; hắn có cái vẻ của một gã trung lập không quá khích, hay quá nham nhở như vài gã làm báo ít học, hoặc dở điên dở khùng trong vùng. Một cây viết xã luận cho cứng, rồi tí văn chương, tí phê bình, tí tư vấn tình cảm, ...mỗi- thứ -mỗi- tí; thêm vào đó khá khá tin tức VN, điểm vào vài loại 'xe cán chó, chó cắn xe' thì mấy tờ báo kia chỉ có nước...ngáp!
Trước khi lên tiếng, gã quay qua nhìn gã Mỹ-gốc-thiệt; gã này vẫn lim dim cặp mắt. Chủ bút lên tiếng:
Qua thăm dò trong tuần vừa qua, báo của chúng ta đã được đồng bào trong vùng đón nhận nồng nhiệt. Những bài phóng sự của các anh X, chị Y,... đã phản ánh sinh động sinh hoạt của cộng đồng người Việt trong vùng. Chúng ta cũng đã có thêm những tin tức rất đầy đủ và chính xác về sinh hoạt của nhiều cộng đồng người Việt khác trên khắp nước Mỹ. Rồi đây ta sẽ thêm phần sinh hoạt của các cộng đồng ở Canada và Tây Âu, nhưng có một vấn đề tôi yêu cầu các bạn suy nghĩ cho kỹ, và đóng góp ý kiến cho sự phát triển tờ báo của chúng ta là mỗi người trong chúng ta khi có cơ hội, phải tìm cách kiếm thêm khách hàng cho tờ báo, nhất là về mặt quảng cáo. Sinh mệnh của chúng ta tùy thuộc chính yếu vào khiá cạnh này.
Đám nhân viên lau nhau ngồi phiá dưới cảm thấy lạnh người. Có điều gì không ổn đây. Tại sao bữa nay chủ bút lại nói chuyện quàng xiên qua lãnh vực quảng cáo thế này? Điệu này thì thế nào cũng có kẻ được nghỉ chơi thong thả.
Cô phóng viên xinh đẹp thường hay cười cầu tài với chủ bút:
- Em sẽ cố gắng. Em quen biết nhiều người. Em sẽ tìm cách.
- Cám ơn cô. Tiện đây xin nhắc các bạn là tất cả chúng ta đều là thành viên tích cực của tờ báo này. Sự sống còn của chúng ta tùy vào sự sống còn của tờ báo. Chúng ta không chỉ cố gắng trong phạm vi những bài viết của mình. Chúng ta cần phải chinh phục thêm khách hàng. Mà khách hàng chịu chi tiền là những người quan trọng nhất. Một kỹ thuật quan trọng của ngành bảo hiểm ta cần phải thuộc lòng là tranh thủ khách hàng trước hết qua những người thân của mình: ai chẳng có cha, mẹ, anh, em, họ hàng, bạn bè. Phải bám vào những người đó trước. Và nhớ là phải biết bán mình. Cách bán mình hay nhất là biết cách ca ngợi mình. Nếu thấy ai sẵn có cảm tình với mình ta phải khai thác ngay lập tức. Đừng có ương ương, gàn gàn như mấy ông lão bị tù lâu năm, lúc nào cũng có cái bộ mặt u ám, xa xôi. Phải biết cười nghe các bạn, cứ như con em ở trường khi cô giáo trước khi chụp hình bảo "Chii-zờ"
Những tiếng 'vâng', 'dạ' nho nhỏ nghe loáng thoáng khắp phòng.
Bước chân ra khỏi phòng. Thanh niên quay qua cô gái đẹp lúc nãy đã lên tiếng trong phòng:
- Điệu này xin nghỉ trước cho khoẻ!
- Thanh niên gì mà yếu xìu?
- Phải yếu thôi, đâu có được như cô. Tờ báo này đã ra nhiều quái chiêu nhưng không quất xụm được những báo khác thì chính nó...phải cẩn thận.
- Được ngày nào hay ngày ấy, lo gì.
- Cô khác, cô có người đỡ đầu, cô không ra bên ngoài thì cũng còn việc văn phòng; ở đâu mà chẳng có việc. Chỉ cười không cũng có việc mà.
- Lại tính giở giọng gì đây?! Bồ nhớ rằng đây cũng nhà báo đấy nhé.
- Thanh niên khoát tay:
- Rồi! Chịu thua rồi!! O.K.?
Thiếu nữ mở cửa xe, mở máy, rồ ga và lái xe về hướng cổng chính của bãi đậu xe phiá sau toà nhà chính của toà soạn.
**
Đại tá:
- Trưa nay mời bạn hiền cùng phu nhân đi dùng cơm 'chùa' với chúng tôi. Nhà hiền triết của chúng ta đã nhận lời rồi.
Nhà báo quân đội cười nhẹ nhàng ở đầu giây bên kia:
- Bữa nay mẹ đĩ nó đi nhà thờ, không cùng đi ăn 'chùa' được.
- Ủa, tôi cứ tưởng...!
- Chúng tôi là những người hòa đồng tôn giáo, 'hồn ai nấy giữ' mà.
- Thời thế lạ lùng nhỉ. Xứ tự do có khác, tâm hồn con người khoáng đạt, ai muốn tin gì thì tin, chẳng ai ép ai, mà cũng chẳng anh nào bẻ hành bẻ tỏi anh nào.
- Ép cũng không được, mà bẻ hành bẻ tỏi cũng chẳng xong, chi bằng chung sống hoà bình là an lành hơn cả. Nhưng mà này, quên mấy chuyện lỉnh kỉnh này, nọ đi cái đã. Gặp nhau ở chùa Z. nghe bạn hiền.
- Cơm chùa thứ thiệt!
- Thì thiệt chớ giả sao.
- Vậy mà lại tưởng được mời đi dự đại tiệc miễn phí.
- Đại tiệc này hiền lành hơn đại tiệc ở các nhà hàng cả ngàn lần. Mình ăn mặn nhiều rồi, cũng nên ăn chay cho bớt tội, và cái đầu của mình cũng nhẹ đi nữa. Từ nhà tôi cũng như nhà bác lên chùa chỉ khoảng 20 phút, mình nói chuyện với nhau thong thả cái đã.
- Được.
- Có gì mới không nào.
- Triết gia của bọn mình sao mấy bữa nay buồn buồn thế nào ấy nhỉ. Cả chục năm nay, từ ngày mình gặp bạn hiền ấy, bạn ấy vẫn cứ độc thân tại chỗ. Tôi ái ngại dùm cho bạn tôi đấy.
- Thôi đi ông cụ ơi. Chúng ta rán sống cho qua kiếp người nhọc nhằn này. Mỗi người mỗi cảnh ngộ mà. Đừng có chèo kéo, gài đặt bạn hiền cho một thần nanh nào nữa. Mợ cả nhà tôi hiền lành như vậy mà tôi cũng không dám hẹn đến kiếp sau. Một kiếp thôi cũng đủ thấy ông bà ông vải tôi rồi!!
- Còn mợ hai?
- Một mợ đã thấy tiá rồi, đâu dám nhúc nhích, cựa quậy gì nữa. Với lại bác cũng biết tôi là con nhà lành, cũng dân lính tráng, đâu có dám chơi chịu như bác.
- Định hạ nhau đấy phỏng? Miệng nhà báo lượn ngang, lượn dọc như bạn thì cũng còn nặng viá lắm đấy. Rủ nhau đi dùng cơm chùa cho bớt tội, sao không nghĩ đến mấy gã đại ma láu cá như bạn học cùng lớp của nhà hiền triết của chúng ta nhỉ?
- Đừng kéo ma đến phá chùa bạn ơi! Nói lỡ dại, chúng nó tới chùa thấy em nào xinh xắn đến làm công quả, nó thả thơ ... mình mang tội chết.
- Bạn chả phải vẽ đường cho hươu chạy đâu. Mấy bài tủ ấy, chúng nó thuộc cả rồi. Có điều là hồi còn chiến tranh, chúng nó chưa tán tận đến độ mượn áo nhà tu trốn quân dịch, lại còn xuống đường biểu tình nữa.
Đại tá cười lớn qua máy:
- Thôi, sửa soạn đi đi là vừa. Có lẽ triết gia của chúng ta đã ra khỏi nhà rồi. Tôi chưa thấy ai đúng hẹn như bạn hiền của chúng ta đấy.
- Này, trước khi đến ăn phải hỏi nhỏ nhau cái đã: trụ trì là nhà tu hành thứ thiệt chớ?
- Khỏi phải nói. Có kiểm tra kỹ lưỡng rồi. Các bà, các cô kỹ tính còn phải công nhận là cao tăng mà.
**
- Cám ơn đại tá thật nhiều. Nhờ đại tá mà chúng em hôm nay được một bữa cơm chay ngon lành.
- Phải cám ơn nhà chùa, rồi bà chủ của tôi đây chứ. Bà ấy là một trong những chuyên gia nấu chay hàng đầu của chùa đấy.
Triết gia:
- Nhà chùa không đãi cà phê sau bữa ăn tôi thấy thiêu thiếu cái gì ấy.
- Ai lại đi uống cà phê sau bữa cơm chay bao giờ. Trà ngon trong chùa thiếu gì.
- Cám ơn chị, tôi cũng đã uống trà nhiều rồi, nhưng bị cái nghiền cà phê nên vẫn cứ nhớ đến nó.
Đại tá:
- Ngữ này thì cơm no hẳn vẫn nhớ đến cưỡi bò, vậy mà vẫn sống như nhà tu hành kể cũng lạ thật! Thôi thì bữa nay mình chiều triết gia, đưa ngài lại Starbucks ngay trong cái mall gần nhà tôi.
Bà vợ của đại tá:
- Các ông muốn cà phê cà pháo chi xin cứ tùy tiện, nhưng phải cho tôi về nhà trước. Tôi còn phải lo vài việc lặt vặt ở nhà cho xong. Chiều nay mấy đứa con kéo về chơi.
Nhà báo:
- Chỉ có ông đại tá là sướng hơn cả. Ông lai rai viết bài tiêu khiển, bà thong thả chuyện nhà, và cuối tuần con cháu đầy nhà.
Bà vợ ông đại tá:
- Chúng tôi cũng khổ vì bọn quỉ quá rồi. Lúc ông ấy trong tù, tôi một nách một lũ con, nhà cửa có gì cũng đem ra chợ trời sạch sẽ; tôi cũng phải lê lết ngoài chợ vài năm. Được cái may là mấy chú em của ông ấy thoát đi được sớm, mà ngày xưa ông ấy lại đã giúp các chú ấy nhiều, nên rồi quà cáp gởi về tôi mới đi thăm nuôi ông ấy thường được, và từ từ cho các cháu vượt biên. Nay thì ông trời có mắt, ông ấy nghĩ lại mà cho mình hậu vận không đến nỗi nặng nề.
- Thôi, mình đi chứ, kẻo bạn tôi bị cà phê hành. A, mà còn điếu nào thì đưa đây một điếu coi nào.
- Đã bảo là bỏ thuốc đi mà cứ hút hoài, bác sĩ nhắc hoài ông không nhớ sao.
- Một điếu thôi mà...
- Các bác ra trước, để tôi đưa bà chủ của tôi về rồi tôi sẽ ra liền.
Đại tá lái xe đưa phu nhân về tới nhà, rồi quay xe ngược trở lại cái mall quen thuộc gần nhà.
Khi cả ba đã an vị trong những chiếc nệm da êm ái của cà-phê Starbucks nằm ở cánh phải của mall, nhà báo hắng giọng:
- Bác này là ác lắm đấy nhá; cho nhau thưởng thức cơm chay ngon lành, rồi lại dẫn nhau đến chốn này thì ngược ngạo quá. Các bác thấy không, trời mới vào hè, mà chúng nó ăn mặc như thế kia; thịt da cứ ngộn lên như thế, cứ mỡ màng như thế, mà mình lại đi nói chuyện ăn chay với tập thiền cho thế giới chóng có hoà bình thì không khéo chúng nó bảo mình là lũ hoá...dại mất.
Triết gia:
- Thỉnh thoảng suy nghĩ vẩn vơ tôi thấy mình...dại thật! Cả tuổi thanh xuân mình cứ vớ vẩn những gì đâu đâu ấy, tu chẳng ra tu, học chẳng ra học, và hễ thấy gái là...sợ. Tệ nhất là chiến tranh tràn lan, giặc giã tứ tung, mà mình cứ như người đi... trên mây ấy. Mình sống như thể quanh mình không có bom đạn, không ai đói khổ, thương tật, chết chóc cả!!
Nhà báo đùa:
- Giây phút nói thật đây. Biết ăn năn, đấm ngực xám hối thì ta cũng...tha cho.
Đại tá:
- Thật cứ như nhà báo chứ?
Nhà báo:
- Nhà báo phải viết thật chớ. Nghề của chúng tôi là thông tin trung thực mà, dẫu có phải hy sinh cả tính mạng của mình. Bạn không biết là xếp lớn của tôi ăn bẩn, tôi cũng đâu có tha.
Triết gia:
- Nhà báo can đảm nhỉ. Tôi thì tôi chả dám dây dưa vào những chốn gió tanh, mưa máu.
Nhà báo cười:
- Này bạn hiền, bạn đọc sách đã nhiều mà bạn vẫn chưa thuộc bài học ‘‘ bụt trên toà, gà mổ mắt’’ hay sao ? Chúng tôi bị chúng nó đì cũng là vì những người như bạn đấy; nhưng mà thôi, đã qua đến đây thì tha tào hết.
Đại tá:
- Các triết gia khôn tổ mẹ: súng đạn các ngài ấy chẳng sờ tới nhưng các ngài ấy vẽ ra đủ thứ học thuyết xúi lũ ăn cứt gà xông vào nhau. Nếu đếm cho đủ những xác chết và những thống khổ do cái học thuyết của lão Marx đem lại thì lão ta phải đời đời kiếp kiếp nằm trong ngục a-tì.
Triết gia:
- Xin quí vị thông cảm cho. Lịch sử nhân loại thiếu gì những hiền triết; chỉ tại thời đại của chúng ta rối rắm quá và trời xui đất khiến trên xứ sở chúng ta nảy nòi một lũ ngu dốt cầm chịch, vừa gian lại vừa ác.
Nhà báo:
- Thôi cho qua đi quí cụ. Vào đến đây mà không chiêm ngưỡng các đại diện của thần vệ nữ thì uổng quá; chúng nó diễu trước mặt mình chả kém các kiều nữ ở bãi biển Daytona Beach ở Florida.
Đại tá:
- Chúng ta bị cụ Khổng kèm sát mà còn phát biểu linh tinh thế này thì nói gì mấy lão già dịch trên đời. Gần nhà tôi có cái cà phê Tim Hortons mà sáng nào cũng thấy mấy gã da trắng xấp xỉ bảy bó cà phê với nhau, đọc báo, và tán nhảm. Chúng nó nói bậy gớm lắm!
Triết gia:
- Họ sống tự nhiên lắm, nhất là bọn nhà giàu. Nhưng mà tôi vẫn phải nể nhà binh các bác. Hồi còn ở VN, tôi biết nhiều ngài đi đến đâu là để lại kỷ niệm ở đó. Còn tôi, đến giờ này tôi nhìn tôi mà thấy chán cho mình.
Đại tá:
- Đừng tự thán nữa bạn hiền ạ; kiếm đỡ một mợ, bắt về hầu tuổi già. Bạn tôi còn thế giá lắm mà.
- Các bác nói sao nghe dễ dàng quá.
Đại tá:
- Miệng nói, tay làm như nhà báo đây thì mới xong việc được. Chớ cứ viễn mơ, đọc thơ trữ tình cho các nàng mà...ngước mắt nhìn trời, thì chỉ được... hít không khí quanh các nàng thôi.
Nhà báo nhìn đại tá 'hứ' một tiếng:
- Bạn hiền thù dai thế.
- Thế tại sao lại có những nhà thơ đi đến đâu là con rơi, con rớt cả đàn vậy các bác?
- Triết gia ngây thơ... cụ quá! Tớ đã bảo: "Miệng đọc thơ, và những chi khác trên người phải hoạt động tích cực cùng một lúc mới được. Bạn cứ quan sát bọn học sinh trung học ở đây khi chúng tan trường là thấy liền"
- Khó quá! Thôi, chừng này tuổi mình...ở vậy cho khoẻ.
Nhà báo và đại tá nhìn nhau bò ra cười:
- Tớ đã bảo mà !!!...
Nhà giáo cũng lăn ra cười, nước mắt nước mũi dàn dụa trên khuôn mặt vốn hiền lành mà hóm hỉnh sao ấy!
Rồi cả ba bỗng nhiên ngừng bặt. Sáu cặp mắt nhìn nhau sững sờ. Ba người bạn già trong cùng giây phút bỗng như thấy cơn buồn sũng từ đâu kéo về, như những tảng mây đen dầy đang ùn ùn từ phiá tây đổ lại.
Sầu Đông
No comments:
Post a Comment