06 March 2022

Mục tiêu tối hậu của Putin là gì

Francis Fukuyama
Dịch thuật: Lương Định Văn

Học giả ‘End of History’ vẫn kiên định chủ trương ủng hộ nền dân chủ tự do.

Khoa học gia chính trị Hoa Kỳ, Francis Fukuyama nói với Nikkei trong một cuộc phỏng vấn, việc Ukraine thúc đẩy để trở nên một thành viên của NATO không phải là lý do Putin xâm lược Ukraine, cho rằng động cơ của Vladimir Putin là ý định nhằm xóa bỏ nền dân chủ ra khỏi vùng Đông Âu.

Ông nói, điều thiết yếu là thế giới cần phải nhận ra điều này vì mục tiêu của Nga lớn hơn Ukraine rất nhiều.

Fukuyama – người đã lập luận trong tác phẩm kinh điển “The End of History and the Last Man” vào năm 1992 của mình rằng sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết, sau cùng đã khiến nền dân chủ tự do kiểu Tây Phương trở thành vô địch – giờ đây lưu ý rằng các chính phủ độc tài đang vươn lên và lực tiến cũng như sự mở rộng của nền dân chủ rõ ràng đã kết thúc. Ông cũng cho rằng nước Nga không hùng mạnh như Liên Xô trước đây và nếu có một cuộc chiến tranh lạnh khác, thì việc lưu tâm đến Trung Cộng sẽ quan trọng hơn. (H: Francis Fukuyama – Nikkei Asia)

Ông cho rằng quyết định của Putin được thúc đẩy bởi sự tức giận cũng như nỗi hoài niệm về vị thế cường quốc của Liên Xô trước đây. Tác giả bài viết cũng tin rằng Putin rất có thể đã phạm phải sai lầm lớn và sẽ thất bại trong nỗ lực khuất phục Ukraine.

Mặc cho các chế độ toàn trị đang ở trên đà vươn lên trên khắp thế giới, Fukuyama đã không khoan nhượng về luận điểm của mình và cho rằng không thể có hình thức chính phủ nào cao hơn chế độ dân chủ tự do. Để đẩy lui các chế độ chuyên chế hiện đang cai trị ở Nga và Trung Cộng, ông tin rằng các nền dân chủ tự do sẽ phải gia tăng thêm các biện pháp răn đe về quân sự.

Hỏi: Xin ông cho biết ý nghĩa quan trọng về lịch sử của việc Nga xâm lược Ukraine?

Đáp: Tôi nghĩ đó là một sự kiện rất quan trọng. Vấn đề của Nga đối với Ukraine không phải là tư cách thành viên NATO. Họ đã sử dụng điều này như một cái cớ. Không ai thực sự lưu tâm về việc Ukraine gia nhập NATO trong 15 năm qua. Vấn đề thực sự là ước muốn của Putin nhằm tái lập một Liên Xô trước đây và căn bản làm đảo lộn toàn bộ trật tự an ninh của châu Âu được thành hình sau khi Liên Xô tan rã.

Ông ta đã nói rất rõ rằng ông ta không coi Ukraine là một quốc gia độc lập. Bài phát biểu mà ông ta đã đưa ra ngay trước cuộc xâm lăng cho rằng đây chỉ là kết quả của những sai lầm của các quan chức cộng sản và Ukraine lẽ ra không bao giờ được cho phép bỏ phiếu cho nền độc lập của mình.

Các yêu cầu mà họ đưa ra cho NATO, về căn bản, là đẩy lùi quá trình dân chủ hóa toàn bộ khối Đông Âu. Họ muốn cấm đoán bất cứ sự hỗ trợ quân sự nào của bất kỳ một thành viên NATO nào, như ông biết, Ba Lan, Cộng hòa Tiệp, các nước Baltic. Đó thực sự là một nỗ lực để tháo gỡ tất cả mọi thứ đã xảy ra kể từ năm 1991. Và đó là lý do tại sao tôi nghĩ rằng chúng ta phải nhận thức rằng đây là một vấn đề lớn hơn là Ukraine.

Hỏi: Bài tiểu luận “Kết thúc của Lịch sử” năm 1989 của ông nói đúng về sự kết thúc của cuộc Chiến tranh Lạnh. Vậy liệu hiện nay chúng ta có đang trải qua sự khởi đầu của một lịch sử mới?

Đáp: Sự mở rộng của các nền dân chủ bắt đầu từ sự sụp đổ của Bức tường Berlin rõ ràng đã kết thúc. Đã có những thắng lợi của các chính phủ độc tài trên khắp thế giới trong 16 năm qua. Và tôi nghĩ rằng mối đe dọa không chỉ đến từ những nơi như Nga và Trung Quốc; nó cũng đến từ ở Hoa Kỳ, nơi chúng ta đã chứng kiến sự phát triển của phong trào dân túy.

Quả là một tiết lộ đáng ngạc nhiên khi cựu Tổng thống [Donald] Trump thực sự đã ca ngợi Putin và dường như thực sự ủng hộ Nga hơn là Ukraine, và đây là điều mà tôi thực sự không bao giờ tin là có thể xảy ra ở Hoa Kỳ. Rõ ràng là chúng ta đang sống trong một thời kỳ lịch sử rất khác biệt.

Có một câu hỏi sâu sắc hơn mà tôi đang cố tìm kiếm trong bài “The End of History” là việc liệu có một mô hình chính phủ tốt đẹp hơn dân chủ tự do hay không. Tôi vẫn nghĩ câu trả lời cho điều đó là không, nhưng hiện tại chúng ta đang sống trong thời đại suy thoái và yêú kém của chế độ dân chủ, và chúng ta cần phải đẩy lùi lại xu hướng này.

Hỏi: Đây có phải là sự khởi đầu của Chiến tranh Lạnh thứ hai không?

Đáp: Nó phụ thuộc vào ông định nghĩa Chiến tranh Lạnh là gì . Tôi nghĩ rằng Nga, cuối cùng thì, mặc dù rất mạnh ở địa phương, nhưng đi xa hơn thì hoàn toàn không mạnh bằng Liên Xô trước đây. Hơn nữa, họ không thực sự có một học thuyết hay một ý thức hệ nào để cổ võ.

Tôi nghĩ, về căn bản, đó là một chế độ được thúc đẩy bởi nỗi uất ức và mối hoài niệm về sức mạnh… mà Liên Xô cũ đã từng sở đắc. Và tôi nghĩ rằng rất có thể Putin đã phạm phải một sai lầm lớn trong cuộc xâm lăng này, vi ông ta đã cắn vào một miếng lớn hơn là ông ấy có thể nhai và ông ta sẽ thất bại trong nỗ lực khuất phục Ukraine.

Vì vậy, điều đó có nghĩa là nó sẽ không giống như một cuộc Chiến tranh Lạnh đã kéo dài suốt 50 năm. Tôi không nghĩ rằng Nga đại diện cho bất cứ điều gì như … một cường quốc. Tôi nghĩ rằng, trong trường kỳ, Trung Cộng là một mối đe dọa nghiêm trọng hơn

Quyền lực của Trung Cộng có tính đa chiều (multidimensional) hơn. Trên nhiều phương diện, chế độ [Trung Cộng] mạnh hơn so với Nga, và vì vậy nếu có một tình huống chiến tranh lạnh đang phát triển, tôi nghĩ rằng đó thực sự chính là quốc gia mà chúng ta cần trông chừng nhiều hơn.

Hỏi: Liệu vai trò của Tổng thống Putin có một ý nghĩa lịch sử nào không?

Đáp: Tôi không nghĩ rằng ông ấy đại diện cho một xu hướng lịch sử. Tôi nghĩ rằng bạn cần phải giải thích nhiều hơn về hành vi của ông ta dưới khía cạnh tâm lý cá nhân. Đã có rất nhiều suy đoán rằng ông ta đã trở nên điên rồ trong cơn đại dịch COVID. Ông ta rất cô lập, ông ấy chỉ nói chuyện với một nhóm người rất hạn hẹp.

Điều thú vị là … có rất nhiều người Nga ủng hộ Mạc Tư Khoa và đang thôi thúc quan điểm của Mạc Tư Khoa, nhưng họ hoàn toàn sửng sốt khi Putin thực sự phát động cuộc xâm lăng vì họ cho rằng điều đó thật điên rồ, đứng trên quan điểm lợi ích quốc gia của Nga.

Hỏi: Ông có nghĩ rằng điều này sẽ dẫn đến tình huống trong đó NATO sẽ phải kích hoạt Điều 5 – một cuộc tấn công vào một thành viên được coi là một cuộc tấn công vào tất cả – buộc Hoa Kỳ phải tham gia vào một cuộc xung đột quân sự?

Đáp: Đó là một tình huống có thể xảy ra. Tôi chỉ muốn nêu ra một trong những việc đã xảy ra trong vài tuần qua là Nga đã thực sự tái xáp nhập Belarus. Đây là một quốc gia độc lập, sau năm 1991, nhưng bây giờ thực sự đã trở thành một phần của Nga.

Tôi nghĩ rằng, xét về các mối đe dọa trong tương lai, thì những quốc gia vùng Baltic thực sự dễ bị can hệ nhiều nhất về mặt quân sự, NATO không thể bảo vệ Baltic trước một cuộc tấn công kiên quyết của Nga. Tôi nghĩ tình hình … gần giống như của Tây Bá Linh trong cuộc Chiến tranh Lạnh. Lúc đó, Tây Bá Linh là một tiền đồn, hoàn toàn bị bao vây bởi Đông Đức, không thể nào phòng thủ trước Liên Xô.

Những gì NATO đã làm trong trường hợp này là đưa một lượng vừa phải số binh sĩ của Mỹ và các nước khác vào đóng quân ở Tây Bá Linh để nếu người Nga, nếu Liên Xô, tấn công, họ sẽ phải sát hại rất nhiều lính Mỹ, và điều đó sẽ khởi động một phản ứng mạnh mẽ hơn của Hoa Kỳ.

Và tôi nghĩ đó là chiến lược hiện nay ở Estonia và Lithuania và Latvia, NATO đang cố gắng điều động số quân từ các vùng khác của liên minh, đặc biệt là quân đội Hoa Kỳ, ở những nơi này để nếu người Nga phát động cuộc chiến [ ở một trong số những nơi này ], họ sẽ phải sát hại một số người Mỹ. Và đó, hy vọng, sẽ là một yếu tố răn đe đối với một cuộc tấn công của nước Nga.

Tôi nghĩ rằng ở một địa điểm khác mà bạn nên theo dõi cẩn thận là Hắc Hải, vì Ukraine phụ thuộc rất nhiều vào việc xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng của mình ở Hắc Hải, và người Nga đang cố gắng phong tỏa vùng này, về bản chất đây là một hành động chiến tranh.

Hỏi: Theo ông, các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, EU và các quốc gia khác sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế Nga?

Đáp: Nền kinh tế Nga sẽ bị ảnh hưởng lớn lao. Các ngân hàng Nga không còn được phép huy động vốn trên thị trường tài chính Tây Phương nữa, và vì vậy, họ có thể sẽ trông cậy vào Trung Cộng và các nguồn khác. Nhưng nó sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế của họ.

Họ có hơn 600 tỷ đô la dự trữ, và do đó, trong ngắn hạn, tôi nghĩ, ảnh hưởng sẽ khá hạn chế. Nhưng thành thật mà nói, điều quan trọng mà mọi người nên theo dõi là cuộc xung đột quân sự “ở trận địa”, và liệu xem Ukraine có thể áp đặt một con số phí tổn lên người Nga vừa đủ để khiến cho cuộc chiến giống như một sự bế tắc hay thất bại về mặt quân sự hay không. Đó thực sự là những gì bạn cần xem xét.

Hỏi: Ông có nghĩ rằng việc Nga xâm lược Ukraine sẽ khiến Trung Cộng sẽ có hành động cứng rắn hơn ở eo biển Đài Loan?

Đáp: Tất cả tùy thuộc vào kết quả của cuộc chiến này trong trường kỳ. Tôi nghĩ rằng nếu Nga thành công trong việc tiếp thu Ukraine, điều đó sẽ diễn ra khá nhanh chóng và NATO và Hoa Kỳ không thể làm gì hơn để đảo ngược điều này. Và chuyện đó sẽ không có lợi cho Đài Loan vì tôi nghĩ Trung Cộng sẽ theo dõi các diễn biến này. Ngược lại, nếu Nga cuối cùng bị sa lầy, phải gánh chịu nhiều thương vong và thiệt hại về kinh tế vì các lệnh trừng phạt, thì điều này có lẽ sẽ đem lại cho Trung Cộng một lý do nào đó để thận trọng hơn về những gì họ sẽ làm đối với Đài Loan.

Hỏi: Trung Cộng và Nga sẽ hợp tác để chống lại các chế độ dân chủ ở mức độ nào trong tương lai.

Đáp: Vào ngày bây giờ họ đang hợp tác với nhau một cách đáng kể vì họ có một kẻ thù chung, đó là Hoa Kỳ và cộng đồng các nền dân chủ rộng lớn hơn. Tuy nhiên, họ không hoàn toàn có cùng chung những mối lợi ích. Trung Cộng đã gặp trở ngại trong vấn đề tôn trọng chủ quyền vốn là một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của họ. Và điều hơi khó cho họ trong việc ủng hộ chủ trương xâm lược trắng trợn một nước láng giềng có chủ quyền.

Trong trường hợp của Đài Loan, họ sẽ nói “Đó là một phần của Trung Quốc. Chúng tôi không xâm lược một quốc gia có chủ quyền.” Mặc dù, trên thực tế, tôi không nghĩ như vậy. Nhưng bạn không thể đưa ra lý do này trong trường hợp của Ukraine, một quốc gia đã bỏ phiếu với đa số áp đảo để trở thành một quốc gia độc lập.

Hỏi: Làm thế nào các chế độ dân chủ có thể đẩy lùi và tạo áp lực lên các chế độ độc tài như ở Trung Cộng và Nga?

Đáp: Tôi nghĩ rằng chúng ta đáng lẽ nên áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn nhiều đối với Nga, ngay cả việc phải quay trở lại từ năm 2014, khi họ chiếm đóng Crimea và Donbas. Nhưng chúng ta đã có một phản ứng khá yếu vào thời điểm đó. Các loại trừng phạt đang được áp dụng bây giờ có lẽ nên được đưa ra sớm hơn.

Tôi nghĩ, điều đáng buồn là, chúng ta sẽ phải cứu xét lại việc tăng cường lực lượng quân đội của mình. NATO thực sự đã không thực sự coi trọng ý nghĩ cho rằng họ sẽ là một tổ chức chiến đấu, mãi cho đến sau năm 2014.

Vì vậy, đã có sự gia tăng các cuộc tập trận chung, và đóng quân tại các quốc gia bị Nga đe dọa trực tiếp. Và tôi nghĩ rằng sẽ cần phải thực hiện nhiều hoạt động như thế. Tôi nghĩ, ở Đông Á, cũng cần phải đầu tư nhiều vào quân sự vì quân đội Trung Cộng đang tăng trưởng rất, rất nhanh. Khả năng của họ mạnh mẽ hơn rất nhiều so với cách đây 5 năm. Tôi không muốn phải chi nhiều tiền hơn cho quân đội, nhưng tôi nghĩ rằng điều đó có thể cần thiết.

Hỏi: Ông có nghĩ rằng chúng ta có thể thành công trong chiến thắng không?

Đáp: À ! Ý của tôi là, đã có rất nhiều bất đồng và những khuyết điểm rõ rệt trong cuộc Chiến tranh Lạnh, nhưng về căn bản thì liên minh Tây Phương đã liên kết gắn bó với nhau qua hai thế hệ. Cho nên, tôi nghĩ rằng vì sao điều đó lại không thể xảy ra thêm lần nữa.

Mikio Sugeno,
Trưởng văn phòng báo chí của Nikkei tại Washington

Mikio Sugeno, Source: “Vladimir Putin will fail at subduing Ukraine: Francis Fukuyama“, Nikkei Asia Review)

No comments:

Post a Comment

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...