Phạm Thành Châu
Khi còn ở Việt Nam, bà Tư là dâu trưởng trong tộc. Từ ngày về nhà chồng, bà thường phải quán xuyến mọi việc kỵ giỗ thay chồng vì chồng thường hành quân xa. Những tờ lịch trên tường chi chít những ghi chép về các ngày cúng kỵ, từ ông bà cao tằng cố tổ đến những người chết gần nhất. Công việc đó chiếm nhiều thời gian làm vợ, làm mẹ của bà. Bà vất vả nhưng rất vui vì bà con bên chồng thường tấm tắc khen bà đảm đang và xem bà như một thành phần quan trọng trong gia tộc.
Ông Tư bị tai biến mạch máu não, nằm liệt mấy năm nay, bà bận rộn suốt ngày bên cạnh ông để săn sóc, chuyện trò an ủi, đôi khi còn nói với ông những lời yêu thương, là những tình cảm, ý nghĩ tự quả tim bà, tự tâm hồn bà và tự cái tình vợ chồng đầu ấp tay gối mấy chục năm nay. Bà chỉ được dịp nghỉ ngơi trên chiếc giường nhỏ cạnh ông, khi các con từ sở làm, từ trường học về, thay phiên nhau săn sóc cha. Lúc đó bà mới có thể thiếp đi mươi phút để lấy sức thức đêm, canh chừng ông khi ông trở mình hay cần điều gì. Người bà càng ngày cứ gầy quắt đi, co rút lại như một xác ướp, vậy mà không thấy bà bịnh hoạn hay tỏ vẻ mệt mỏi bao giờ.
Hôm kia, trong khi các con tụ tập dưới nhà ăn cơm tối, bà ở trên lầu đút cháo cho ông. Theo lệ thường ông chỉ yên lặng, nhưng tối đó, ông ra dấu đòi ăn thêm. Bà mừng rỡ vì hy vọng, nhưng chợt thấy ánh mắt ông nhìn bà có vẻ khác thường, bà hốt hoảng khi linh cảm đến điều không may. Cái khăn vắt trên vai mà bà loay hoay tìm mãi không thấy, bà lấy tay áo chùi miệng cho ông vừa lập cập nói với ông.
- Anh đừng bỏ em, nghe anh!
Ông cố gắng mỉm cười, thều thào.
- Em đừng buồn!
Bàn tay ông tìm tay bà. Bà nắm tay ông với cả hai tay mình, vẫn thì thầm.
- Đừng bỏ em. Tội nghiệp em!
Ông nhìn bà, từ hai khóe mắt ông lóng lánh hai giọt nước mắt, lặng lẽ chảy xuống gối. Và bà khóc cùng với ông. Đã ba năm nay, đêm nào bà cũng ngồi nhìn ông thiêm thiếp và âm thầm khóc. Trong cuộc đời làm vợ, bà đã nhiều lần khóc với ông. Bà khóc khi tiễn ông đi hành quân xa, khóc khi nhớ ông, khóc khi nghe tiếng súng từ xa vọng về khiến bà lo lắng. Rồi bà cũng khóc khi mừng đón ông về nghỉ phép. Dù cách nào, những giọt nước mắt của bà bao giờ cũng được ông cảm thông, an ủi, vỗ về... và bà cảm thấy yên tâm, hạnh phúc. Đời bà đã gắn liền với ông, dù ông ở cách bà bao xa, bao lâu. Tình vợ chồng cùng với nỗi mong chờ gặp lại cho bà cảm tưởng như ông vẫn còn bên cạnh, nhưng từ nay, bà biết ông sẽ vĩnh viễn xa bà. Bà sẽ lẻ loi, bơ vơ.
Bà nhìn ông, nước mắt chan hòa và cúi xuống thì thầm điều gì đó với ông. Có thể ông không nghe, nhưng ông hiểu được, đó là những lời dặn dò với biết bao yêu thương của bà, như những lần trước, mỗi khi bà tiễn ông lên đường.
Trong ánh đèn lờ mờ, bà nhìn miệng ông, hy vọng ông sẽ nói với bà, nhưng lưỡi ông đã cứng đơ, các bắp thịt tê liệt, co rút lại khiến hai má của ông như tóp vào. Đôi môi ông cố động đậy một cách tuyệt vọng rồi giãn ra, bất lực. Mắt vẫn mở nhưng đã lạc thần. Bàn tay ông rời bàn tay bà, mấy ngón tay buông xuôi... Bà ngồi chết sững. Con tàu vô hình đã đưa ông đi xa. Nhà ga vắng lặng, chỉ còn mình bà đứng đấy. Lần nầy ông không quay về với bà nữa!. Bà đã ngưng khóc, cúi xuống vuốt mắt ông, xếp hai tay ông lên bụng, sửa hai chân ông cho ngay ngắn rồi bà cẩn thận đắp mền cho ông, như bà đã từng đắp mền cho ông khi ông ngủ say. Vừa lúc cô con gái lớn, ăn xong, lên thay cho mẹ để bà xuống nhà ăn tối. Nhưng cô vừa bước tới, bà đã ra dấu im lặng.
- Con xuống gỡ tờ lịch hôm nay cho mẹ, ghi rõ, ba đi lúc mười giờ tối.
Cô con gái hốt hoảng kêu lên.
- Ba đi rồi! Ba đi rồi!
Tiếng chân rầm rập chạy lên cầu thang. Lũ con đứng quanh giường và bắt đầu kêu khóc. Bà nói giọng điềm tĩnh.
- Các con đừng khóc, để ba đi được thảnh thơi.
Chúng vâng lời mẹ, quì bên giường, đặt tay lên người ông, sụt sùi nho nhỏ.
- Ba ơi, ba!
Bà lập cập đến chiếc giường nhỏ.
- Các con để mẹ nghỉ một lát.
Và bà nằm xuống, co quắp người lại và thiếp đi. Bà đã hoàn toàn kiệt sức.
Bà ngủ li bì suốt ngày hôm sau, các con lo sợ cho bà, nhưng hơi thở bà vẫn điều hòa. Khi thức dậy, bà như một người khác, không thấy khóc, chỉ lơ láo, ngơ ngác, miệng lầm bầm những lời không đầu, không đuôi. Việc tang ma, bà không hề biết, các con bà phải tự lo cả.
Trong lúc các con nấu nướng, bà cứ loay hoay bên bàn thờ, dùng khăn lau tấm hình ông Tư.
Cô con gái thắp một nắm nhang đưa cho bà.
- Mẹ cúng ba trước, rồi đến tụi con.
Hai tay bà cầm lấy nhang, đưa lên trán, và cứ thế đứng nhìn sững hình ông. Một lát sau, bà cắm nhang vào bát nhang rồi ngồi xuống, xếp chân trên chiếc chiếu và kính cẩn lạy. Bà lạy mãi, lạy mãi. Rồi bà đứng lên, bước giật lùi, đầu cúi xuống một cách lễ phép và bà quay về ngồi trên ghế xa lông.
Các cô lần lượt vào lạy trước bàn thờ, xong, ngồi xúm xít bên mẹ. Các cô cố nói những chuyện vui với mẹ để không khí bớt buồn thảm.
- Tết nầy mẹ về Việt Nam chơi nghe mẹ!
- Mẹ có thì giờ đâu mà về Việt Nam?
- Về làng ăn Tết vui lắm, mẹ! Về thăm bà con, chắc chắn ai cũng mừng rỡ. Mình còn đi Nha Trang, Đa Lạt nghỉ mát nữa. Nghe mẹ!
Các cô thay nhau tả cảnh Việt Nam đẹp ra sao, nơi nào đẹp nhất, khí hậu mát mẻ nhất, các cô còn nhắc tên các dì, các cậu để thuyết phục bà.
- Mẹ đi với tụi con, nghe mẹ! Đi nghe mẹ!
Bà Tư ngồi bất động, đôi mắt như đang dõi về một nơi xa xăm nào đó. Nghe con nói, bà chợt tỉnh, mỉm cười.
- Ừ, đi thì đi! Về làng thăm bà con. Lâu quá! Mẹ nhớ các dì, các cậu.
Các cô gái mừng rỡ vì thấy mẹ mình đã vui lên một chút. Nhưng đột nhiên bà nhìn các con rồi thảng thốt kêu lên.
- Trời ơi! Đứa nào cũng ngồi ở đây. Không lên lầu coi thử ba con có cần gì không?
Rồi bà nhỏm dậy, lảo đảo đi lên cầu thang.
Phạm Thành Châu
___________________________
* Tranh phụ họa:
"Còn Có Nhau", A.C.La
No comments:
Post a Comment