18 March 2022

Kết Quả Khả Dĩ Của Chiến Tranh Nga – Ukraine Và Lựa Chọn Của Trung Quốc

Tác giả: Hồ Vĩ 
U.S. – China Perception Monitor ngày 5/3/2022 
Biên dịch: Lưu Việt Hà

Chiến tranh Nga – Ukraine là xung đột địa chính trị nghiêm trọng nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ 2 và sẽ gây ra nhiều hậu quả mang tính toàn cầu hơn sự kiện 11/9. Ở thời điểm này, Trung Quốc cần nghiên cứu và đánh giá đúng chiều hướng của chiến tranh và ảnh hưởng của nó tới cục diện thế giới, linh hoạt ứng biến, đưa ra lựa chọn chiến lược phù hợp với lợi ích dài hạn của dân tộc Trung Hoa, phấn đấu vì một môi trường bên ngoài tương đối thuận lợi cho Trung Quốc.

“Hành động quân sự đặc biệt” của Nga nhằm vào Ukraine gây ra bất đồng rất lớn trong nước (Trung Quốc), phe ủng hộ và phe phản đối “không đội trời chung”. Bài viết này không đại diện cho phe nào, là phân tích khách quan trên danh nghĩa cá nhân của một học giả về các hậu quả có thể xảy ra của cuộc chiến, từ đó đề xuất đối sách, gửi tới giới ra quyết sách tối cao của Trung Quốc nghiên cứu, đánh giá và tham khảo.

I. Dự báo chiều hướng chiến tranh Nga – Ukraine

1. (Tổng thống Nga) Putin khó đạt được mục đích đã định, nước Nga sẽ lún sâu vào khó khăn. Mục tiêu của hành động lần này của Putin là đánh bại Ukraine thông qua chiến tranh chớp nhoáng, thay thế giới lãnh đạo Ukraine, xây dựng một chính phủ thân Nga, giải quyết triệt để vấn đề Ukraine, qua đó chuyển hướng chú ý khỏi cuộc khủng hoảng trong nước. 

Tuy vậy, kế hoạch chiến tranh chớp nhoáng đã thất bại. Nga không thể duy trì một cuộc chiến kéo dài, trong khi chi phí mở rộng chiến tranh sẽ rất lớn. Nếu Nga phát động một cuộc chiến hạt nhân, nước này sẽ hoàn toàn đứng về phía đối lập với thế giới và sẽ không thể giành chiến thắng. Tình hình cả ở trong lẫn ngoài nước đều đang ngày càng bất lợi. Kể cả khi quân đội Nga trả giá cao để chiếm Kyiv và thiết lập một chính phủ bù nhìn, điều này không đồng nghĩa với thắng lợi cuối cùng. 

Ở thời điểm hiện tại, lựa chọn tốt nhất của Putin là kết thúc chiến tranh trong danh dự thông qua hòa đàm. Kịch bản này yêu cầu Ukraine phải có nhượng bộ mang tính thực chất. Tuy vậy, những gì không đạt được trên chiến trường khó giành được trên bàn đàm phán. Dù sao đi chăng nữa, hành động quân sự lần này gây ra sai lầm không thể vãn hồi.

2. Chiến tranh có thể leo thang, không loại trừ nguy cơ phương Tây bị dính líu. Dù chi phí của việc mở rộng chiến tranh là rất lớn, Putin khả năng cao sẽ không chịu lép vế – nếu xét đến tính cách và quyền lực của ông. Chiến tranh Nga – Ukraine có thể leo thang bên ngoài lãnh thổ Ukraine, thậm chí bao gồm cả lựa chọn tấn công hạt nhân. 

Nếu điều này xảy ra, Mỹ và châu Âu không thể đứng ngoài, từ đó dẫn đến chiến tranh thế giới, thậm chí là chiến tranh hạt nhân. Kết quả sẽ là thảm họa to lớn cho nhân loại. Mỹ và Nga sẽ có cuộc quyết đấu cuối cùng – điều này sẽ còn tồi tệ hơn với Putin, xét đến thực lực quân sự của Nga không thể so sánh với NATO.

3. Dù Nga dồn hết sức, “được ăn cả ngã về không” để chiếm được Ukraine, đây sẽ vẫn là một điểm nóng phức tạp. Nga sẽ phải mang một gánh nặng lớn, không chịu đựng được. 

Trong tình huống này, dù (Tổng thống Ukraine) Zelensky còn sống sót hay không, Ukraine khả năng cao sẽ thành lập chính phủ lưu vong để đối phó với Nga trong thời gian dài. Nga sẽ phải đối phó với cả các lệnh trừng phạt từ phương Tây và các cuộc nổi dậy ở Ukraine, chiến tuyến sĩ bị kéo dài. Tình hình kinh tế trong nước khó ổn định, về lâu dài sẽ đi xuống. Giai đoạn này không kéo dài quá một vài năm.

4. Tình hình chính trị tại Nga có thể thay đổi, hoặc bị phương Tây làm tan rã. Sau khi cuộc tấn công chớp nhoáng của Putin thất bại, hy vọng chiến thắng của Nga trở nên mù mịt, còn các lệnh trừng phạt của phương Tây đã đạt tới mức chưa từng có. Khi nền kinh tế trong nước và cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các lực lược chống chiến tranh, chống Putin sẽ tập hợp lại, không loại trừ khả năng cục diện chính trị Nga phát sinh một cuộc nổi loạn. 

Do kinh tế Nga đã đang trên bờ vực sụp đổ, Putin sẽ khó có khả năng chống đỡ, kể cả khi Nga không gặp thất bại trong chiến tranh với Ukraine. Nếu Putin “rớt đài” do nội loạn, chính biến hay một nguyên nhân nào khác, Nga sẽ ít có khả năng đối đầu với phương Tây hơn. Nga sẽ khuất phục trước phương Tây, thậm chí phân tách, địa vị nước lớn của Nga sẽ chấm dứt.

II. Đánh giá tác động của chiến tranh Nga – Ukraine tới cục diện quốc tế

1. Mỹ sẽ giành lại quyền lãnh đạo thế giới phương Tây, còn nội bộ phương Tây sẽ đoàn kết và thống nhất hơn. Hiện tại, dư luận cho rằng cuộc chiến tại Ukraine hàm ý sự sụp đổ hoàn toàn của bá quyền Mỹ. Tuy vậy, trên thực tế, chiến tranh Nga – Ukraine sẽ đưa Pháp và Đức – các nước muốn “thoát Mỹ” – trở lại khuôn khổ phòng thủ NATO. Giấc mơ thực hiện tự chủ ngoại giao, tự chủ phòng vệ của Châu Âu sẽ tan vỡ.

Đức sẽ tăng đáng kể ngân sách quốc phòng. Các nước như Thụy Sĩ, Thụy Điển sẽ từ bỏ địa vị trung lập. Với việc dự án Nord Stream 2 bị hoãn vô thời hạn, sự phụ thuộc của châu Âu vào khí tự nhiên của Mỹ chắc chắn sẽ tăng lên. Mỹ và châu Âu sẽ hình thành “cộng đồng chung vận mệnh” chặt chẽ hơn, và địa vị lãnh đạo của Mỹ trong thế giới phương Tây sẽ phục hồi.

2. “Bức màn sắt” sẽ lại ập xuống, không chỉ từ biển Baltic tới Biển Đen, mà còn hình thành cuộc quyết đấu cuối cùng giữa phe nhóm do phương Tây làm chủ đạo và các đối thủ cạnh tranh. Phương Tây sẽ vạch ra ranh giới giữa các nước dân chủ và độc tài, đồng thời xác định sự khác biệt với Nga là cuộc đấu tranh giữa dân chủ và độc tài. 

“Bức màn sắt” mới sẽ không được vẽ ra giữa hai phe xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa, cũng không giới hạn trong Chiến tranh Lạnh, mà là cuộc chiến sinh tử giữa nền dân chủ phương Tây và lực lượng chống lại nền dân chủ phương Tây. 

Sự thống nhất của thế giới phương Tây dưới “bức màn sắt” sẽ gây hiệu ứng lan truyền đến các quốc gia khác. Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ sẽ được củng cố. Các nước như Nhật Bản sẽ tiếp tục gắn bó với Mỹ. Mỹ sẽ tạo dựng được mặt trận thống nhất dân chủ rộng rãi chưa từng có.

3. Sức mạnh của phương Tây sẽ tăng trưởng đáng kể. NATO sẽ tiếp tục mở rộng, ảnh hưởng của Mỹ tới thế giới phi phương Tây sẽ gia tăng. Sau chiến tranh Nga – Ukraine, dù Nga có đạt được chuyển biến chính trị thế nào đi nữa, lực lượng chống phương Tây trên thế giới sẽ suy yếu nhiều. 

Cảnh tượng sau cuộc biến động năm 1991 ở Liên Xô và Đông Âu có thể sẽ lặp lại. Lý luận “sự kết thúc của hệ tư tưởng” có thể xuất hiện trở lại, sự trỗi dậy của “làn sóng dân chủ thứ ba” sẽ mất đi động lực, nhiều nước thuộc thế giới thứ ba sẽ đón nhận phương Tây. Phương Tây sẽ có nhiều “bá quyền” hơn, cả về quân sự, giá trị quan tới thể chế. Quyền lực cứng và quyền lực mềm của phương Tây sẽ đạt đến tầm cao mới.

4. Trung Quốc sẽ bị cô lập hơn trong khuôn khổ đã được thiết lập. Vì các lý do trên, nếu không có các biện pháp ứng phó tích cực, Trung Quốc sẽ bị Mỹ và phương Tây bao vây nhiều hơn nữa. Sau sự sụp đổ của Putin, Mỹ sẽ chuyển từ việc phải đối mặt với hai đối thủ chiến lược là Trung Quốc và Nga sang chỉ nhằm vào Trung Quốc để thực thi chiến lược ngăn chặn. Châu Âu sẽ tiếp tục tự tách mình khỏi Trung Quốc, Nhật Bản sẽ trở thành “tiên phong” trong chống Trung Quốc, Hàn Quốc sẽ rơi thêm vào vòng tay của Mỹ, các nước còn lại trên thế giới sẽ phải chọn phe và sinh ra hiệu ứng bầy đàn, và Đài Loan cũng sẽ tham gia điệp khúc chống Trung Quốc. Trung Quốc không chỉ đứng trước việc bị Mỹ, NATO, QUAD, AUKUS bao vây quân sự, mà còn bị tấn công bởi giá trị quan và thể chế phương Tây.

III. Lựa chọn chiến lược của Trung Quốc

1. Trung Quốc không thể bị trói buộc vào Putin và cần nhanh chóng tách ra. Việc xung đột giữa Nga và phương Tây leo thang có thể giúp chuyển dời sự chú ý của Mỹ nhằm vào Trung Quốc. Theo ý này, Trung Quốc nên vui mừng, thậm chí ủng hộ Putin. Tuy vậy, điều kiện là Nga không gục ngã. Nếu Putin thất thế mà Trung Quốc vẫn “cùng hội cùng thuyền” với Putin, Trung Quốc chắc chắn sẽ bị liên lụy, trừ phi Putin có thể giành chiến thắng với sự hậu thuẫn của Trung Quốc. Viễn cảnh này đang rất ảm đạm và Trung Quốc cũng không có đủ sức mạnh để chống đỡ Nga. 

Quy tắc cơ bản của chính trị quốc tế là “không có bạn bè vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích vĩnh viễn”. Đứng trước tình thế quốc tế này, Trung Quốc buộc phải bảo vệ lợi ích quốc gia của mình một cách tốt nhất, lựa chọn trường hợp “đỡ xấu” hơn, nhanh chóng thoát khỏi “gánh nặng” Nga. Hiện tại (tác giả viết ngày 5/3), ước tính rằng Trung Quốc còn 1-2 tuần trước khi hết cơ hội quay đầu và cần hành động dứt khoát.

2. Trung Quốc cần tránh cảnh “hai mặt đều không xong”, từ bỏ việc giữ trung lập, lựa chọn lập trường chủ đạo trên thế giới. Hiện tại, Trung Quốc đang tính toán chọn con đường trung gian, không đắc tội với bên nào, bao gồm cả việc bỏ phiếu trắng trong Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, cũng như cố gắng ủng hộ Nga đồng thời xoa dịu Ukraine. 

Tuy vậy, lập trường này thực tế không thỏa mãn nhu cầu của Nga, mà còn khiến Ukraine và những người đồng tình, ủng hộ với quốc gia này tức giận. Điều này khiến Trung Quốc đứng ở thế đối lập với đa số quốc gia trên thế giới. 

Trong một số trường hợp, tỏ ra trung lập là lựa chọn sáng suốt. Tuy vậy, điều này không áp dụng với cuộc chiến tranh này, khi Trung Quốc không thể “ngư ông đắc lợi”. Với việc chủ trương nhất quán của Trung Quốc là tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, Trung Quốc chỉ có thể đứng cùng phe với đại đa số quốc gia trên thế giới để tránh bị cô lập thêm. Lập trường này cũng có lợi cho việc giải quyết vấn đề Đài Loan.

3. Trung Quốc cần thực hiện đột phá chiến lược hết khả năng của mình và không thể để phương Tây cô lập thêm. Việc cắt đứt với Putin và từ bỏ lập trường trung lập sẽ giúp Trung Quốc xây dựng hình ảnh trên trường quốc tế, cũng như tận dụng cơ hội để nỗ lực hòa dịu quan hệ với Mỹ và phương Tây. Dù điều này là khó khăn và đòi hỏi phải rất sáng suốt, đây là lựa chọn tốt nhất trong thời gian tới. 

Có quan điểm cho rằng cuộc chiến tại Ukraine sẽ dẫn đến cạnh tranh địa chính trị tại châu Âu, làm trì hoãn đáng kể sự chuyển dịch chiến lược của Mỹ từ châu Âu sang khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Không nên quá lạc quan vào khả năng này. Trong lòng nước Mỹ đã có những tiếng nói cho rằng Châu Âu quan trọng, nhưng Trung Quốc còn quan trọng hơn, và mục tiêu chính của Mỹ là ngăn Trung Quốc trở thành thế lực thống trị ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. 

Trong hoàn cảnh này, ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc là lợi dụng cuộc chiến Nga – Ukraine để điều chỉnh chiến lược phù hợp, làm mọi cách để thay đổi thái độ thù địch của Mỹ với Trung Quốc, thoát khỏi cục diện bị cô lập. Điểm mấu chốt là ngăn Mỹ và phương Tây cùng tiến hành trừng phạt Trung Quốc.

4. Trung Quốc cần ngăn chặn chiến tranh thế giới, chiến tranh hạt nhân bùng phát và có cống hiến không thể thay thế với hòa bình thế giới. Do Putin rõ ràng đã yêu cầu đặt lực lượng răn đe chiến lược của Nga vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu đặc biệt, cuộc chiến Nga – Ukraine có thể vượt khỏi tầm kiểm soát. Chính nghĩa sẽ nhận được nhiều ủng hộ, còn phi nghĩa thì không. Nếu Nga kích động một cuộc chiến tranh thế giới – thậm chí là chiến tranh hạt nhân – đây sẽ là hành động trái lại với mong muốn của thế giới. 

Trước nguy cơ này, để thể hiện vai trò tích cực với tư cách nước lớn có trách nhiệm, Trung Quốc không những không thể đứng về phe Putin, mà còn phải hành động rõ ràng, dồn toàn lực ngăn chặn khả năng Putin mạo hiểm. Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới có khả năng này và cần phải phát huy lợi thế có một không hai này. Nếu không còn sự ủng hộ của Trung Quốc, Putin nhiều khả năng kết thúc chiến tranh, hoặc ít nhất là không tùy tiện leo thang. Do đó, Trung Quốc chắc chắn sẽ nhận được sự khen ngợi rộng khắp từ cộng đồng quốc tế. Điều này không chỉ giúp Trung Quốc thoát khỏi cục diện bị cô lập hơn nữa, mà còn có công đầu trong bảo vệ hòa bình thế giới, cũng như có thể tìm thấy cơ hội cải thiện quan hệ với Mỹ và phương Tây.

Tác giả là giáo sư, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách công trực thuộc Văn phòng Cố vấn Quốc vụ viện Trung Quốc, hội trưởng Hội Nghiên cứu Chính sách công Thượng Hải, chủ nhiệm ủy ban học thuật thuộc Viện Charhar.

Lưu Việt Hà là cộng tác viên phụ trách chuyển động Trung Quốc của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông.

—————

Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đang nỗ lực duy trì tri thức mở, độc lập và phi chính trị. Mỗi sản phẩm của Dự án đều được thực hiện với thái độ nghiêm túc, khoa học dù trong giới hạn thời gian cá nhân của các thành viên và cộng tác viên Dự án. Nếu độc giả thấy sản phẩm của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông hữu ích, hãy chung tay với Dự án để Dự án có thể duy trì hoạt động. Xem hướng dẫn tài trợ ở đây: https://dskbd.org/tai-tro-cho-du-an/. Báo cáo tài chính sẽ được tổng kết vào cuối năm. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn. 

No comments:

Post a Comment

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...