06 February 2022

Lầm

Huỳnh Chiếu Đẳng 

Xin kể quí vị nghe câu chuyện ngây thơ của tôi. 

Vài tuần trước, tôi chở gia đình người bạn phương xa dạo Little Saigon, ghé vào khu thương xa Phước Lộc Thọ. Đậu xe ở sân sau xong, tôi tà tà đi vào gần tới cửa thương xá thì thấy một nhà sư áo vàng chừng khoảng 30 tới 40 tuổi đang đứng khất thực. Thấy hay hay nhân có máy ảnh tôi chụp ổng vài tấm hình. Nhà sư mặc áo khá mới, đi chân đất, đứng nghiêm chỉnh bất động, mắt nhìn xuống, thật là đúng sách vở. Tôi tò mó đứng nhìn một hồi. Ông đi qua bà đi lại khá đông nhưng chẳng thấy ai ngó tới nhà sư. Lúc nầy cũng đã 11 giờ trưa, tôi thấy chẳng ai cho gì, nghĩ cũng lạ, không lẽ mình lầm, cứ tưởng đời nay thiên hạ mến mộ Phật pháp. 

Chờ một hồi chợt nghỉ bụng thôi thì đi vào thương xá mua cho ông sư cái gì để ăn kẻo quá ngọ tội nghiệp ổng, dầu gì mình cũng mắc nợ ổng mấy tấm hình mà. Vào quầy bánh trái, bụng phân vân không biết mua gì, chỉ e mình mua phải món có đồ mặn trong đó (thí dụ dùng mở súc vật đề làm bánh) là điều không nên, dầu rằng ổng có ăn vào cũng không phạm giới ăn chay vì ổng đâu có biết. Cuối cùng tôi mua cây bánh in $1.25 đem ra mở bình bác ông sư đang ôm và định bỏ bánh vào. Tôi chợt thấy mình lầm, tưởng ông sư nhìn xuống đất cách phía trứoc chừng ba thước (giới luật bảo vậy mà), nhưng ổng nhìn cái xấp chi nhỏ nhỏ như xấp "bùa" của thí sinh đem vào trong phòng thi đang cầm trong hai ngón tay ôm bình bác, chẳng biết đó là kinh kệ hay viết cái chi trong đó. Mà tôi cũng học chưa tới là đứng khất thực như vậy thì có được đọc kinh hay đầu óc được nghỉ lẩn quẩn chăng, để hỏi thiện tri thức sau. Nhưng khi nhìn vào bình bác tôi mới tá hoả, gần nửa bình là đô la giấy, hình như đa số là 1 đồng đô la, nếu nhìn kỹ coi kỳ quá tuy tôi hơi tò mò (bắt gặp quả tang là tâm chưa thanh tịnh). Ngoài đô la xanh, chẳng thấy thực phẩm gì. Tay cầm phong bánh thấy ngỡ ngàng, nghĩ bụng món nầy đâu còn xứng với nhà sư nửa, trong bụng lại nghĩ hay mình ăn thay vì cho ổng, tôi thấy nó cũng ngon mới mua biếu ổng (lại bắt gặp là còn tham ăn, chưa tu được đâu, ủa mà tôi đâu có tu). Thôi thì cứ bỏ đại vào bình bác cho xong, lỡ mở bình bác ra rồi.

Tới đây mà hết chuyện thì vô duyên quá. Tôi vào thương xá với mấy người bạn đi loanh quanh một lúc lại ra cửa, tò mò nhìn lại nhà sư, ông vẫn đứng yên ngay ngắn, nhưng lần nầy thấy có một nhóm người mở bình bác bỏ vào, không phải thực phẩm mà là đô la, rồi xá nhà sư một cái. Quả là các vị nầy tân tiến và thức thời hơn tôi. Tôi lại phân vân không biết các vị nầy bỏ tiền vào bình bác là muốn giúp nhà sư có thực phẩm để sống, hay là họ đang đầu tư như người ta chơi stock high tech mấy năm trước, một vốn mang về cả triệu tiền lời. Người sau cùng là một cô khá trẻ mở bình bác bỏ tiền vào rồi xá. 

Từ xa tôi thấy cổ lấy phong bánh in ra khỏi bình bác và xăm xăm đi lại gốc cây. Khi cổ vừa định bỏ phong bánh xuống gốc cây gần cửa thì tôi cũng vừa ra tới, còn xa vội nói :"Cô đưa cho tôi đi". Cổ cầm phong bánh đưa tôi. Không lẽ ông già ăn mặc đúng kiểu "Việt Nam ngày xưa" nầy lại đi xin ăn, mà tội nghiệp thiệt, nếu không vậy sao lại xin phong bánh. Cô gái nói ông sư nhờ tôi bỏ bánh ở đây, lát nửa ổng về ổng sẽ lấy. Lại lầm lần nửa. Không phải nhà sư bảo bỏ thùng rác. Cho rồi không lẽ lấy lại, mà liệu ổng có thèm ăn cái bánh nầy như tôi không. Ờ mà sao phải đem bánh bỏ vô gốc cây y như bỏ thùng rác, sao nhà sư không giữ nó trong bình bác... Quí vị trả lời giùm, tới nay tôi không đoán ra nỗi.

Tôi kể lại thì thằng con tôi bảo có lần nó cho một nhà sư khất thực đứng ở cửa chợ, khi mở bình bác ra nó thấy gần đầy đô la. Chắc nó cho tiền, nó đâu có đọc kinh điển lỗi thời như tôi mà cúng dường thực phẫm và biết là sư khất thực đâu được giữ tiền. Trong vòng có một tiếng đồng hồ mà tôi lầm tới mấy lần, vậy ra tôi không những đã ngây thơ mà còn lạc hậu nửa. Thời buổi nầy đâu phải như hồi một ngàn năm trước mà còn cúng dường thực phẫm và còn lo sợ quá ngọ sư phải nhịn đói tới ngày hôm sau. Tôi đúng là “ông từ giữ tàng kinh các” như các bằng hữu gọi. Cuối cùng đó chỉ là chuyện trước cửa chợ, chẳng ăn chịu chi với qúi vị sư khất thực đâu nghe, xin đừng gôm lại chung như gôm đủa thì chắc là tôi phải chịu thêm khẩu nghiệp.

Ít hàng gởi quí vị đọc cho vui, xin đừng rầy tôi làm nhàm tai qúi vị. 

(HCD)

No comments:

Post a Comment

Thất Bại Nhục Nhã Của Truyền Thông Định Hướng

TTR: Cho đến năm 2015 khi Donald Trump ra tranh cử tổng thống Mỹ thì chưa có một ứng viên tranh chức tổng thống nào, hay rộng hơn, một chức ...