25 February 2022

Bóng đá

Phạm Đức Thân

Covid 19 đã hoành hành trên thế giới mấy năm rồi, hy vong từ nay đến cuối năm 2022 sẽ đủ an toàn để FIFA tổ chức Giải Túc Cầu Thế Giới tại Qatar từ 21/11 đến 18/12, sau khi vì dịch bệnh đã phải hoãn từ mùa hạ sang mùa đông.Trong khi chờ đợi đuợc xem các trận đấu vào chung kết của 32 đội, thiết tuởng cũng nên tìm hiểu bóng đá để tham dự (mặc dù đa số qua TV) đuợc thông suốt hơn.

Bóng đá (bóng tròn) là môn thể thao đại chúng phổ biến nhất trên thế giới - mặc dù tại Mỹ chưa duợc rầm rộ như bóng rổ, bóng ném (bóng bầu dục) - với trung bình 250 triệu nguời chơi tại khoảng 200 nuớc lớn nhỏ duới mọi hình thức, vui chơi giải trí cũng như chuyên nghiệp. Mỗi 4 năm đều có tổ chức Giải Túc Cầu Thế Giới (32 đội năm 2018) thuờng gây những cơn sốt cho hàng trăm nuớc tham dự (dĩ nhiên kể cả những nuớc đã bị loại từ vòng ngoài). Cầu thủ nổi tiếng không thua các ca nhạc sĩ, minh tinh màn bạc, chính khách....

Bóng đá hết sức đơn giản, luật chơi dể dàng lãnh hội, già trẻ nam nữ đều có thể tham dự Bóng đá nghĩa là phải có bóng để đá và chỗ để chơi. Trận đấu chính thức thuờng gồm 2 đội (11 cầu thủ) diễn ra trên sân cỏ hình chữ nhật, rộng khoảng 70m, dài khoảng 110m, khung thành rộng khoảng 7,5m, cao khoảng 2,5m, và chơi trong 2 hiệp (45 phút), nghỉ 15 phút giữa 2 hiệp. Đôi khi đá thêm giờ (30 phút) và luân phiên đá trực tiếp vào khung thành để quyết định thắng thua. Nhưng để giải trí hoặc thể dục, bóng đá có thể chơi trên bất cứ chỗ nào (ngoài đuờng phố, góc công viên, sân sau nhà, ngay cả trên sân thựợng, trên cát ngoài bãi biển...) Số người chơi có thể chỉ là vài nguời, miễn là chia thành 2 phe, cố gắng đá lọt khung thành phe kia. Trái banh tròn bằng da, chu vi khoảng 70cm. Nếu không có bóng, chơi giải trí vẫn có thể dùng bất cứ vật tròn nào lăn đuơc, đá đuợc, có khi tự chế, làm bằng giấy, vải cuộn tròn lại.

Bóng đá là hơi thở cuộc sống, nhất là đối với dân châu Phi, Mỹ Latin. Nhiều thanh niên ở Brasil ban ngày làm việc vất vả, nhưng đêm đến là phải ra ngoài đuờng quần nhau, tranh banh ghi bàn; khung thành có khi chỉ đánh dấu bằng 2 cục gạch. Cuộc sống hình như thiếu ý nghĩa khi không có bóng đá. Các học trò xưa ở VN tan học thuờng tụ tập góc sân nào đó, quần thảo đến mệt lả mới ngưng, sau đó lại còn rôm rả bàn về trận đấu vừa qua.

Bóng đá có khi chỉ là ý nghĩ, là tưởng tượng, là một khả hữu mà thôi. Cụm từ xứ Chile rayando la cancha có nghĩa là "vạch sân chơi" khi muốn biến chỗ nào đó thành sân đá banh; nhưng nó đã trở nên thành ngữ chỉ sự bắt đầu của bất cứ việc gì. Trong một phim thời sự thấy chiếu quân Hồi Giáo vừa chiếm đóng một thành phố ở Trung Đông, ra lệnh cấm thể thao, và tịch thu banh của đám trẻ đang chơi. Không có banh, chúng vẫn tiếp tục chặn banh, lừa banh, tranh banh trong tưởng tượng....và ngay cả đá lọt khung thành đối phương cũng như ăn mừng chiến thắng!
          
Bóng đá xuất hiện đầu tiên ở Anh thế kỷ XIX tại các trường và đại học, có tính cách tài tử, không phải chuyên nghiệp, được coi như một phương tiện để huấn luyện con cháu quý tộc và tư sản có sức khỏe, năng lực, can đảm, ý chí của người lãnh đạo tương lai, ngõ hầu đạt được thắng lợi trong chính trường, quân đội, kỹ nghệ, thương mại...Nhưng phải tranh đua trong tinh thần thể thao, công bằng (fair play), không phải cố thắng bằng mọi giá, mọi thủ đoạn. Cho nên năm 1863 các thủ quân đội bóng đá các trường đã nhất trí về Luật Chơi (Laws of the Game) và thành lặp Hội Túc Cầu Anh Quốc (English Football Association). Sinh viên thường nói tắt "association" thành "soc-er", cho nên "soccer" được dùng chính thức tại Mỹ để phân biệt với American Football (bóng ném bầu dục). Nhiều nước vẫn dùng chữ "football, futbol..." để chỉ bóng đá. Vd. Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha...

Đế Quốc Anh hiện diện khắp lục địa, lại thêm các công ty Anh hoạt động toàn thế giới, cho nên cuối thế kỷ XIX đã xuất hiện bóng đá ở châu Âu, Mỹ Latin, Đông Nam Á, châu Phi...Rồi bóng đá phát triển, dần dần trở thành môn thể thao dân chủ nhất, đại chúng nhất, ai cũng có thể tham gia. Dĩ nhiên mỗi địa phương có pha chút tính bản địa, giống như tiếng Anh nói khắp nơi, nhưng thường có giọng điệu (accent) địa phương đi kèm. Anh thực sự là nước khai sinh, giống như đối với quyền Anh, nhưng nay bóng đá là của đại chúng toàn cầu, nước Anh chẳng có được một chút đặc quyền nào trong thi đấu, cho thấy bóng đá rất công bằng, dân chủ. Liên Đoàn Bóng Đá Thế Giới (gọi tắt là FIFA) trụ sở ở Thụy Sĩ, hiện quản lý bóng đá thế giới.

Bóng đá cũng dân chủ ở chỗ không phân biệt thể hình, vóc dáng. Khá ngạc nhiên là nhiều tay làm bàn nổi tiếng không phải đô con, lực lưỡng. Khả năng nhìn biết và di chuyển thông minh, chạy nhanh, sút như chớp quan trọng hơn thể hình.

Lionel Messi người hơi thấp nhỏ, nhưng được công nhận là cầu thủ bứt phá, tấn công hạng nhất.

Manuel Francisco dos Santos đi chân vòng kiềng, nhưng di chuyển, lừa banh, dẫn banh tài tình, thường vượt qua được hàng phòng vệ của đối phương, gây ngạc nhiên.

Diego Maradona bảo bóng đá thật đẹp, thích nghi cho mọi người, dù là thấp lùn như anh. Anh từng bị chủ tịch hội túc cầu Juventus chê là thể hình của anh sẽ chẳng bao giờ đưa tới thành công trong thể thao.

Đặc biệt bóng đá đón nhận cả những cầu thủ khuyết tật. Đã có đội banh cho người ngồi xe lăn, người khiếm thị; và còn tổ chức tranh giải nữa. Mặt khác bóng đá không cứng nhắc, mà linh hoạt chấp nhận vài hình thức dị biệt có tính thường xuyên, chứ không phải ứng phó đột xuất tùy trường hợp, như đã nói ở một đoạn trên (chỉ vài người và có thể chơi ngoài đường, góc phố,,,,).
Vd. Bóng đá mini có nhiều hình thức, tên gọi, luật tắc hơi khác nhau; có thể diễn ra ngoài trời hay trong nhà, cầu trường có mái; sân cỏ thật (hay bằng chất tổng hợp) hay sân cứng; giầy có đinh hay không...

Chúng có đặc điểm chung là kích thước cầu trường nhỏ hơn, cầu thủ mỗi đội có thể chỉ từ 3 đến 7 người, thời lượng chơi ngắn hơn, quả bóng nhỏ hơn...Nêu ra đây để chứng minh bóng đá hết sức dân chủ, đa dạng, đáp ứng mọi thành phần xã hội về các mặt tuổi tác, giới tính, giai cấp... Không thể đi vào chi tiết của những loại hình bóng đá mini này vì khuôn khổ bài không cho phép. Chỉ ghi nhận ở đây các đội Mỹ Latin cũng là hàng đầu trong các giải loại bóng đá mini nói trên.

Tuy nhiên tưởng cũng nên biết một kiểu bóng đá đặc biệt do Asger Jorn (Đan Mạch) khởi xướng thập niên 1960. Đó là "Bóng Đá Ba Đội" (Three-Sided Football hay 3SF) còn gọi là "Bóng Đá Vô Chính Phủ" (Anarchist Football), chơi trên cầu trường hình lục giác, với 3 đội, 3 khung thành, không có trọng tài, không có việt vị, đá phạt góc, ném biên, đá phạt trực tiếp. Trận đấu quay cuồng, phức tạp. Hai đội có thể tạm thời hợp tác, chống lại đội kia; nhưng tùy hoàn cảnh có thể thay đổi chiến thuật cũng như đồng minh.. Đội thắng không phải là đội ghi bàn nhiều nhất, mà là đội bị thủng lưới ít nhất. Kiểu bóng đá này được thấy thường xuyên ở châu Âu, vài năm cũng tổ chức Giải Quốc Tế, và ở Mỹ cũng đã thấy manh nha. (Lưu ý: 3SF khác three-a-side football - kiểu sau là bóng đá mini mỗi đội 3 cầu thủ.)         
         
Bóng đá là của mọi nguời, cho mọi nguời, không phân biệt giới tính. Truớc đây có thành kiến bóng đá nhiều bạo động, là địa hạt của phái nam. Phái nữ yếu đuối, không nên xen vào. Nhưng dần dần phái nữ chứng tỏ đuợc khả năng của mình, nhất là với phong trào nữ quyền, đòi bình đẳng với phái nam về mọi mặt. Các trận đấu nữ đã lôi cuốn được đông đảo khán giả, nhất là số khán giả nữ cũng gia tăng gấp bội. Một số nước như Mỹ, Nhật...có những đội bóng đá nữ nổi tiếng, và cũng có Giải Quốc Tế cho đội nữ.. Bóng đá hấp dẫn cả nam lẫn nữ, trừ một vài nuớc Hồi giáo vẫn cấm khán giả nữ, và bắt phạt nếu vi phạm.

Bóng đá là một ngôn ngữ phổ quát, hơn cả tiếng Anh, Arab, Trung Hoa... môt loại Esperanto bằng chân mà văn phạm thống nhất từ bắc xuống nam, từ đông sang tây, cho nên ai cũng hiểu. Hai ngoại nhân gặp nhau, không biết tiếng nói của nhau, chỉ cần nêu tên vài cầu thủ nổi tiếng, là gật gù thông cảm nhau ngay. Esperanto bằng chân này viết nên những câu chuyện mà không một loại hình nghệ thuật nào có thể viết hay hơn.

Thật vậy, mỗi trận đấu ví như một vở kịch không kịch bản, mở ra những bất ngờ thích thú, không thể tiên đoán, với đầy đủ hỉ, nộ, ái, ố, ai, lạc, cụ...là một hùng ca, một bi kịch, có khi là hài kịch. Bóng đá khêu gợi nhiều cảm xúc, thông qua tuơng tác của các cầu thủ, với những tấn công, phòng vệ, bứt phá, ghi bàn...Cảm nghiệm sống động, đúng lúc, đúng chỗ, như một bừng tỉnh, không phải kiểu giải trí như đọc truyện, xem kịch, nghe nhạc...

Khán giả xem bóng đá để giải trí thì chỉ là nửa vời. Muốn cảm nhận đến nới đến chốn phải nhập cuộc, phải chọn phe, hòa mình với cầu thủ và khán giả phe mình, vui buồn theo đuờng banh lên xuống...Bóng đá cho nhiều thích thú, bất ngờ vì là một thế giới căng thẳng, một cuộc đấu tranh của 2 đội diễn ra trong một thời gian nhất định, với những thay dổi chiến thuật, đội hình. Khán giả đầu tư tình cảm vào đó, không biết kết quả thế nào, mong đợi có những pha đẹp mắt, sôi động, ghi bàn...nhưng cuối cùng lại có thể là thất vọng, tức giận, vì phe ta thua, hoặc trận đấu tẻ nhạt, cầu thủ chơi bạo, câu giờ....
          
Đám đông là lý do tồn tại của bóng đá. Phải đi vào đám đông, hít thở không khí cầu truờng, ca hát, phất cờ, ngả ngớn theo lớp lớp sóng nguời ủng hộ, nhẩy nhổm hét lên khi có cú ghi bàn ngoạn mục (như bay nguời đá nguợc từ trên không, hoặc rót banh từ xa vuợt qua đầu phòng ngự...) Có nguời ví lúc đó cực khoái như làm tình. Chả thế mà nó thuờng đuợc diễn tả qua lối nói "xâm nhập vùng cấm địa, chọc thủng màn luới trinh bạch..." Đời nguời chỉ đôi lần đuợc sống những lúc nhớ đời này. Trận bóng đá chơi liên tục trong 90 phút khiến 2 đội phải cố gắng không ngừng để ghi bàn, và khán giả cũng phải dồn tâm trí theo dõi với cảm xúc mãnh liệt. Thảo nào đám đông ăn mừng thắng Giải Túc Cầu Thế Giới như một quốc lễ. Các cầu thủ đem vinh quang về cho xứ sở đuợc hoan hô như các anh hùng, nhất là đối với truờng hợp nuớc nhỏ.

Nguời ngoài cuộc không hiểu tại sao chuyện 22 cầu thủ tranh nhau 1 trái banh 430 gram trong 90 phút mà nhiều phần chỉ là chạy tới chạy lui, lại có thể tác động mạnh như vậy. Thật ra, bóng đá không cần giải thích, đó là sở thích riêng của mỗi nguời. Có nhiều lý do riêng tư để chọn ủng hộ một hội, và có khi nồng nhiệt đến mức cuồng tín, mất lý trí, gây nên bạo động, xung đột chết nguời. Gọi họ là "fan" do chữ "fanatic" (cuồng tín). Họ đánh nhau, hoặc gây bạo loạn đuờng phố để ăn mừng khi chiến thắng cũng như trút cơn giận lúc bị thua. Nhiều nuớc đã vất vả với đám du đãng bóng đá này (gọi là football hooligan). Ngay tại VN cũng diễn ra cảnh chạy xe bấm kèn inh ỏi, nhẩy nhót hò hét, phất cờ náo loạn ngoài đuờng phố (có cô còn khỏa thân chạy nhông nhông) để mừng đội tuyển VN thắng, hoặc khóc vật vã trên sân cỏ khi đội nhà thua, trong các trận tranh giải khu vực hoặc quốc tế. Đủ thấy bóng đá gây cảm xúc thật mãnh liệt, nối kết mọi nguời trong một liên đới, gần gũi nhất thời, chia sẻ vui buồn với nhau.
          
Muốn thuởng thức nhạc đến nơi đến chốn, phải biết chút nhạc lý. Vậy mà nhiều khán giả bóng đá ít chịu tìm hiểu ngôn ngữ bóng đá để thông suốt trận đấu. Ngoài đội mũ, mang huy hiệu hay T-shirt của đội để ủng hộ thiết tuởng cũng nên tìm hiểu lịch sử đội và cầu thủ, luật lệ bóng đá (vd. lỗi việt vị, bẫy việt vị, cách tránh bẫy...) các đội hình (vd. 4-4-1-1, 4-4-2, 4-3-3, 4-5-1....) để hiểu khi chúng thay đổi trong trận đấu. Cũng như các chiến thuật tấn công, phòng ngự (vd. la nuestra - kiểu của chúng tôi - của Argentina thích tấn công; verrou, catenaccio - then cửa- của Thụy Sĩ, Ý phòng thủ chặt chẽ; repenitización - ứng tác - của Argentina, Chile thiên về ngẫu hứng, đột xuất.)

Đặc biệt là chiến thuật Total Football (Bóng Đá Toàn Diện) của Hà Lan 1970 có tính cách mệnh, ảnh huởng về sau đối với nhiều nứớc. Theo đó, cầu trường không phải là sân cỏ cố định, mà sẽ mở rộng ra để ta tấn công mọi phía khi banh thuộc phe ta, và khép chặt lại cùng với truy cản ráo riết và giăng bẫy việt vị, khi banh thuộc về địch. Cầu thủ không có vị trí cố định (tiền đạo, trung phong, hậu vệ...) mà linh động tiến thoái, mở khép theo nguyên tắc trên. Dĩ nhiên cầu thủ phải rèn luyện để có nhiều kỹ năng đa dạng, áp dụng thích nghi khi cần. Có nguời cho đây là ảnh huởng của tư tuởng cấu trúc luận (structuralism) trên sân cỏ, sắp xếp lại các cấu trúc không gian theo cách mới. Lối chơi này linh hoạt tạo đuợc nhiều pha đẹp mắt.

Về chiến thuật cũng nên biết huấn luyện viên bóng đá khác bóng chầy. Bóng chầy ngắt nghỉ liên tục và HLV có thể đổi chiến thuật soành soạch. Bóng đá chơi không ngừng nghỉ, HLV không có quyền xen vào suốt trận đấu trừ lúc nghỉ 15 phút giữa trận và cùng lắm chỉ có quyền thay tối đa 3 cầu thủ. Thành thử Sartre cho rằng mỗi cầu thủ cần tự do và sáng tạo để quyết định di chuyển, chuyền banh, làm động tác giả...sao cho có ý nghĩa góp vào nỗ lực chung của nhóm, là thay đổi không ngừng đội hình, chiến thuật nhằm cuối cùng đạt thắng lợi. HLV nghiên cứu chiến thuật truớc trận đấu, nhưng nhóm cầu thủ áp dụng linh hoạt thay đổi tùy tình huống.
       
Không phải ai cũng có điều kiện để dự trận đấu tại cầu truờng. Nhờ kỹ thuật hiện đại, có thể ngồi nhà theo dõi qua trực tiếp truyền hình trên TV. Mặc dù thiệt thòi không đuợc huởng bầu khí sôi động của cầu truờng, nhưng có lợi điểm hiểu rõ hơn trận đấu, vì những pha vi phạm, ghi bàn...thuờng đuợc chiếu lại ngay sau đó để mọi nguời thấy rõ. Nhờ vậy những vi phạm quá nhanh, khó thấy (như lỗi việt vị...) đuợc xác định rõ ràng hơn. Cảm xúc cũng thuờng đuợc vun trồng thêm nhờ tài ăn nói của bình luận viên. Họ có một ngôn ngữ riêng, giọng điệu lên bổng xuống trầm, nhanh chậm theo sát đuờng banh, để gây thích thú. Ai xem đài Sì đều thấy những cú ghi bàn đuợc diễn tả bằng kêu lớn ngân dài: "Goooooal!" Nguời có tuổi không thể nào quên ký giả thể thao Huyền Vũ, là linh hồn của các tuờng thuật trận đấu bóng đá thời VNCH, với ngôn ngữ phong phú, giọng nói hào hứng sôi nổi, nguời nghe có cảm giác như đuợc tận mắt xem đấu, với đủ cung bậc tình cảm hồi hộp, khoái hoạt, lo lắng...Ngoài TV, ngày nay còn có chơi game bóng đá, khiến cho bóng đá phổ cập thêm một bậc.

Bóng đá đôi khi không phải thuần túy thể thao, mà có nhuốm mầu sắc chính trị. Một số khán giả đã mang cờ ngũ sắc cầu vồng của dân đồng tính, chuyển giới (LGBT) vào cầu truờng phất lên để ủng hộ quyền giới tính. Ở Đức có xuất hiện nhiều khẩu hiệu "Hoan Ngênh Di Dân" tại cầu truờng để cổ võ cởi mở di dân. Nếu bóng ném bầu dục Mỹ có Colin Kaepernick không chịu đứng mà quỳ gối khi quốc ca cử hành, để phản đối phân biệt chủng tộc và cảnh sát bạo hành, thì bóng đá có nữ cầu thủ Mỹ Megan Rapinoe cũng quỳ gối khi nghe quốc ca để biểu lộ thái độ tương tự cho dù đang trên một sân quốc tế.

Điển hình khác là truờng hợp Algeria khoảng 1958 đang còn đấu tranh kịch liệt để giành độc lập từ Pháp. Mohamed Boumezrag đã lập đội bóng đá (tuyển lựa từ các cầu thủ gốc Algeria ở Pháp) để đại diện Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc Algeria (FLN) đi khắp nơi phất cờ giuơng cao chính nghĩa. Đội không được FIFA công nhận, nhưng đuợc cảm tình của các nuớc Trung Đông, Đông Nam Á và khối Soviet. Đội có đến Hanoi và đuợc Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp chiêu đãi. Đội FLN thắng các đội tuyển VN và Giáp nhận định: "Chúng tôi đã đánh thắng Pháp, và các bạn đã đá thắng chúng tôi, cho nên các bạn sẽ đánh thắng Pháp." Quả nhiên 1962 Algeria giành đuợc độc lập.

Bóng đá còn dính líu đến di dân. Các tài năng bóng đá thuờng xuất thân từ các nuớc châu Phi, Mỹ Latin có truyền thống sâu đậm về bóng đá. Thanh niên say mê rèn luyện bóng đá từ nhỏ, hy vọng thành công như các đàn anh Pelé, Maradona, Messi, Ronaldo....Các nuớc lớn như Anh, Pháp, Mỹ, Đức...thuờng tuyển cầu thủ giỏi từ những xứ này với hứa hẹn cho nhập tịch. Thật ra, ngoại trừ một số nhỏ da mầu nổi tiếng với thù lao ngất nguởng hàng chục triệu, các cầu thủ trẻ da mầu khác vẫn chưa đuợc bình đẳng về thu nhập như các đồng đội da trắng, nếu không muốn nói là bị bóc lột. Mặt khác các nữ bóng đá cũng than phiền về phân biệt đối xử, thù lao và tiền thuởng vẫn thua kém các cầu thủ nam. Không biết đến bao giờ con nguời mới cải thiện đuợc phân biệt chủng tộc và giới tính trong mọi mặt cuộc sống. Một dấu hiệu khích lệ là vừa qua đội bóng đá nữ Mỹ đã đuợc dàn xếp trả 33 triệu cho khiếu nại thù lao bất công.

Bóng đá cũng có những mặt tiêu cực. Phát triển rộng khắp bóng đá trên thế giới với số luợng khán giả hàng tỷ nguời, mang đến những lợi nhuận khổng lồ khiến bóng đá trở thành một món hàng, và phát sinh những đi đêm, tham nhũng hối lộ trong các liên đoàn bóng đá; ngay cả FIFA cũng bị tai tiếng về chuyện chọn lựa nuớc đăng cai tổ chức Giải Túc Cầu Thế Giới. Mặt khác, cá độ bóng đá cũng trở thành tệ nạn giống như cờ bạc là bác thằng bần, làm táng gia bại sản, tan cửa nát nhà nhiều gia đình. Chưa kể ở VN còn có cán bộ thụt két lấy cả tỷ tiền công quỹ đi cá độ bóng đá, khiến lâm vào vòng tù tội.

Tuy nhiên xét cho cùng bóng đá là một cái gì hơn là chuyện thắng bại. Nếu không nguời ta đã chẳng theo đuổi nó sít sao, kiên trì và say mê như vậy. Mọi nguời từ huấn luyện viên, cầu thủ, ký giả đến khán giả đều công nhận nó quan trọng vì tạo ra cái đẹp, qua diễn ra thay đổi các đội hình, các chiến thuật, các diễn biến bất ngờ thích thú, cũng như tài vớn banh, lừa banh, chuyền banh, bộc phá... của cá nhân cầu thủ.

Trung phong Johan Cruyff (Hà Lan) lừa banh, chuyền banh tài tình và đẹp mắt đến mức vũ viên ballet Rudolf Nureyev ngây nguời và bảo Cruyff phải nên là vũ viên.

Didi (Brasil) có cú đá phạt nổi tiếng folha seca (lá khô) khiến thủ môn địch bó tay vì không biết đâu mà mò: banh rời mặt đất, xoay tròn, xoay tròn trên cao, lượn lờ đổi huớng, như chiếc lá rơi trong gió, và sau cùng rơi đúng chỗ thủ môn ít ngờ nhất.
    
Bóng đá là nguồn của những cảm xúc tinh tế, phức tạp, thích khoái hết sức tuyệt vời, sâu sắc, đầy ý nghĩa. Thắng lợi tuyệt thật đấy, nhưng chả có bao giờ chung cuộc. Thắng đấy, thua đấy, hoặc nguợc lại, và cứ thế trong cái vòng luẩn quẩn không dứt. Thắng rồi, rút cục chỉ là đuợc chơi tiếp trận khác. Chỉ có các cảm xúc là nhớ đời. Xem trận đấu làm nguời ta sống động hẳn lên, khác với tẻ nhạt của cuộc sống thuờng ngày.

Trên hết cả, bóng đá là nhân bản. Nó có lẽ là văn hóa chung nhất của hành tinh, như thế nó kết nối con nguời với nhau, tạo nên những ý nghĩa của cuộc sống. Bài này hy vọng giúp độc giả hiểu rõ ngôn ngữ bóng đá, để tham dự bóng đá với một cảm nghiệm đẹp hơn, thích khoái hơn và phong phú hơn.

Phạm Đức Thân 

No comments:

Post a Comment