Nguyễn Xuân Thọ
Cologne, Đức
Đế quốc nào bành trướng thì cũng sẽ lụn bại. Nga từng là một để quốc lớn và từ 1991 đến nay đang là một đế quốc thất bại.
Nó thất bại không phải vì thiếu tiền, thiếu vũ khí, thiếu máu người, mà vì thiếu văn minh. Dân tộc Nga vĩ đại có một nền văn hóa rực rỡ. Nhưng điều đó không tránh được việc họ đã để những tên độc tài khát máu thống trị mình.
Nền độc tài của Stalin đã đưa nước Nga và Liên Xô thành một siêu cường.
Cuối cùng đẳng cấp thấp sẽ thua
Nhưng kho hạt nhân lớn nhất thế giới, nền công nghiệp vũ trụ hàng đầu cũng như trữ lượng dầu khí tưởng như vô hạn đã không giữ được đế quốc Liên Xô khỏi bị sụp đổ. Nó sụp đổ vì thiếu vắng những giá trị của thời đại. Đó là dân chủ, tự do, nhân đạo.
Những kẻ độc tài kiểu Putin hay Tập Cận Bình chỉ nghĩ đến được những việc như thay đổi hiến pháp để cầm quyền suốt đời. Họ chỉ thích tập hợp quanh mình những kẻ khiếp nhược mà ta thấy trong cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia của Putin.
Vì vậy mà khi kẻ độc tài lên cơn điên thì không có ai cản được, khi vua cởi truồng mà tất cả vẫn phải nhắm mắt khen đẹp.
Tổng thống Donald Trump ở Mỹ có thể muốn làm nhiều việc động trời. Nhưng quanh ông ta là cả một thiết chế dân chủ, là quốc hội, là tòa án, là những con người có tư tưởng dân chủ nằm ở mọi nơi. Người đảng Cộng hòa, do ông ta đưa vào các vị trí quan trọng cũng vẫn hành động theo lương tâm và luật pháp. Đó chính là sự khác nhau về đẳng cấp văn minh.
Giờ đây Putin nuối tiếc vị thế của hoàng đế, khi có cảm giác là mình đã bình định được thiên hạ ở Nga và các nước Trung Á. Những cuộc chiến ông ta phát động ở Georgia (Gruzia) hay nay ở Ukraine là để thỏa mãn mộng bá vương cá nhân ông ta chứ không liên quan gì đến lợi ích của 140 triệu người Nga. Mọi câu chuyện về lịch sử Ukraine mà ông ta kể ra hôm nọ chỉ để lừa bịp những kẻ nhẹ dạ.
Cho dù chúng có đúng đi nữa thì việc dùng bom đạn để sửa lại lịch sử cũng giống như giả sử người Đức đòi lại vùng Đông Phổ nằm ở Ba Lan và kể cả thành phố Kaliningrad của Nga, hay giả sử người Hungary, người Tiệp đòi lại các lãnh thổ họ bị mất trong hai cuộc đại chiến. Người Việt còn nhớ đến các vùng đất Champa, Chân-Lạp, Cao Lãnh, Trà Vinh từng là của ai?
Cái lý người Nga bị tàn sát ở Ukraine thì rõ là bốc mùi của vụ Nạn kiều mà Đặng Tiểu Bình dựng ra năm 1978-1979 hay Hitler dựng ra vụ Sudeten ở Tiệp Khắc 1938 để đưa quân vào.
Tất nhiên Putin không tấn công sang ba nước CH Baltic bé tí tẹo, mặc dù cộng đồng Nga ở đó cũng không nhỏ. Ba nước này tuy nhỏ nhưng hơn Nga về đảng cấp văn minh. Người ta vẫn nhớ đến cuộc nổi dậy bất bạo động của người dân ba nước Estonia, Latvia và Litva trong năm 1990 đã khiến cho hàng chục sư đoàn Liên Xô đóng ở các lãnh thổ đó phải im lặng và rút lui.
Quân Nga dù chiếm đóng các nước này nhưng vẫn ngước nhìn lên (lính Nga ở CHDC Đức khi xưa cũng vậy). Người Nga vẫn kiềng nể hai nước nhỏ có biên giới với mình ở phương bắc là Phần Lan và Na Uy.
Người Phần Lan với trình độ phát triển hơn, không dựa vào chiến tranh lấy thịt đè người nên với 200.000 quân ít trang bị hơn, đã cầm chân 600.000 quân Liên Xô trong cuộc chiến Lappland 1939-1940.
**
(H1) Phần Lan đã tập trận cùng Thụy Điển để tăng khả năng sẵn sàng chiến đấu năm 2017
(H2) Hai nữ quân nhân Phần Lan. Sống cạnh nước Nga to gấp nhiều lần, quân đội Phần Lan luôn đề cao cảnh giác
**
Ukraine là mắt xích yếu nhất
Putin đánh vào Ukraine vì đó là mắt xích yếu nhất của cái gọi là "vòng vây dân chủ" thắt quanh nước Nga. Tại sao Ukraine, nước đông dân nhất, to nhất và và có nền công nghiệp năng, công nghiệp quốc phòng mạnh nhất trong các nước cộng hòa Xô Viết, chỉ sau Nga, lại là mắt xích yếu nhất?
Không thể đem quan hệ Nga-Ukraine so với quan hệ Trung-Việt. Khác hẳn với bang giao đầy thù hận Trung-Việt, hai dân tộc Nga-Ukraine có huyết thống với nhau, có văn hóa và ngôn ngữ rất cận kề. Trong lịch sử, hai dân tộc này đã từng thống nhất với nhau và gần đây nhất là hơn 70 năm Xã hội Chủ nghĩa. Hàng triệu gia đình Nga-Ukraine đã xóa nhòa nhiều mỗi hận thù lịch sử để lại. Do đó kích động hận thù giữa hai dân tộc này là một tội ác kinh khủng.
Không biết có phải vì mối quan hệ huyết thống này hay không mà khi Liên-Xô tan vỡ, Ukraine độc lập đã không đi con đường riêng mà tiếp tục dính vào nước Nga một cách dị thường, từ thể chế, từ nền kinh tế đến văn hóa.
Khác với các nước vùng Baltic, Tiệp, Slovakia hay Ba Lan, người Ukraine đã ngủ quên trong 24 năm liền, từ 1990 đến 2014.
Thời kỳ đầu của chế độ hậu cộng sản, Nga cũng lúng túng trong vũng bùn của chính mình, đó là cơ hội mà Ukraine đã bỏ qua. Kiew vẫn duy trì một nhà nước phi dân chủ, bị đám tài phiệt lũng đoạn. Quân đội và công an vẫn làm việc theo kiểu Nga và chịu ảnh hưởng của Nga. Vì vậy nên khi Nga đưa quân vào lấy Crimea và gây hấn ở hai tỉnh miền Đông (Donesk và Luhansk), Ukraine thua toàn tập. Quân đội có mà như không.
Sau cách mạng Maidan và vụ Crimea, Ukraine thay đổi 180°, hướng về phương tây và hoàn toàn cự tuyệt với Nga. Các trường học đã không dạy tiếng Nga, các viên chức liên quan đến Nga bị đào thải. Tất nhiên việc đó dẫn đến nỗi bât bình và lo sợ trong cộng đồng Nga, một lý do cho các phần tử ly khai phất cờ.
Giờ đây Ukraine đang rơi vào tình trạng rất nguy hiểm. Mọi cải cách dân chủ từ 2014 đến nay đã làm cho những kẻ độc tài như Putin và Lukaschenko khó chịu. Những ông vua mới thay đổi hiến pháp này không thể chấp nhận việc một tỷ phú Petro Poroscheko chúc mừng một danh hài như Volodymir Zelenskiy lên làm tổng thống. Cái gai này phải nhổ để ngai vàng của họ không bị "Bọn khi quân" đe dọa.
Nhưng các bước tiến dân chủ đó không đủ để vực dậy một nền kinh tế tuy đầy công nghiệp nặng, nhưng lạc hậu vài chục năm, không làm lành mạnh được một xã hội đầy tham nhũng, vẫn bị thao túng bởi đám cá mập (oligarch).
Điểm yếu nhất của Ukraine là quân đội bị Nga thao túng quá lâu, bị rút ruột thảm hại - hạm đội của Ukraine hầu như mất hết về tay Nga. Lo ngại rằng quân Nga sẽ đè bẹp quân Ukraine trong những ngày đầu là có cơ sở.
Những ai phê phán Phương Tây bỏ rơi Ukraine cũng nên hiểu rằng: Sự sống còn và nền độc lập của dân tộc nào cũng phải do dân tộc đó tự lo. Vũ khí phương tây có đổ vào cho một quân đội không được chuẩn bị thì cũng vô nghĩa. Chẳng người Mỹ hay người Đức nào có thể chết thay để bảo vệ nền độc lập của Ukraine, dù có thương tiếc nó.
Việc Putin có chiếm được Kiew và thành lập chính phủ thân Nga hay không, phụ thuộc vào sức đề kháng của quân Ukraine. Đó là trước mắt, nhưng về lâu về dài Putin sẽ sa vào một cuộc chiến dai dẳng, vì Ukraine khác Afghanistan một trời một vực. Đế quốc đang lụn bại sẽ càng lụn bại thêm.
Vấn đề của Ukraine hiện tại là đã bỏ lỡ mất mấy chục năm, không hiện đại hóa, đưa đất nước mình lên một thang bậc văn minh hơn. Chưa kể đến sức sống và khả năng đề kháng cao của xã hội dân chủ, mà ngay cả người Nga ở các nước Baltic hay ở Bắc Âu cũng mừng vì được sống trong xã hội đó hơn là để ông Putin vào làm phiền.
Có lẽ đây là điểm mà người Việt nên học từ câu chuyện Nga với các láng giềng.
Nguyễn Xuân Thọ
_____________________________
Bài đã đăng trên Facebook cá nhân, thể hiện quan điểm riêng của tác giả Nguyễn Xuân Thọ, thường trú tại Cologne, Đức (Via BBC)
No comments:
Post a Comment