03 April 2020

“Quán Khóc”: Có lẽ Đóng Cửa Hết Rồi!

Do ảnh hưởng chết chóc  lây lan của vi khuẩn Vũ Hán, nhiều hàng quán bên Tàu phải đóng cửa.  Nay nghe nói bên đó tình hình bệnh dịch cải tiến, và chính quyền ra lệnh cho các hoạt động kinh tế bắt đầu trở lại, tôi tự hỏi không biết các quán khóc mở cửa lại chưa.  Có lẽ độc giả tò mò muốn hỏi tôi đang muốn nói  gì đây.  Vâng, tôi muốn nói về mấy cái quán khóc (crying bars).

Khi đói, người ta vào quán ăn, gọi hủ tíu, mì, điểm xấm, bánh bao vv.  Chủ quán cung cấp thức ăn, và thực khách sau khi no bụng thì đứng lên trả tiền. Còn ở đây quán khóc, khi buồn muốn khóc, khách hàng cứ vào mà khóc, khóc cho đã, hết nước mắt rồi đứng lên, chủ quán coi giờ và tính tiền.  Chủ quán cung cấp những gì? Một cái quán nhỏ với vài ba phòng mà phần trên mỗi cánh cửa phòng được làm bằng kính, để chủ nhân có thể nhìn vào kịp thời can thiệp: an ủi, ngăn ngừa tự sát vv.  Trang bị là một cái ghế ngồi để ngồi thoải mái mà khóc; một cái sofa vì đôi khi khách vào đây một cặp; một cành hoa hồng để hồi tưởng ngày xưa đẹp đẽ, mà khóc rống lên thêm;  môt hai hộp khăn giấy lau mặt (facial tissue) để tha hồ lau nước mắt tuôn tràn vì chuyện đau buồn, chuyện tức tưởi của quá khứ, hiện tại và tương lai của mình, của thế gian thiên hạ.

Google cho biết cái quán khóc đầu tiên do Luo Jun, lập ra ở thành phố Nanjung, vào khoảng năm 2004, sau khi nghe vài người nói muốn khóc quá mà không có chỗ kín đáo để hu hu. Đàn ông con trai Tàu mà khóc nơi thanh thiên bạch nhật thì bị coi là ... nhi nữ ươn hèn!  Còn phái nữ mà  khóc lóc bù lu bù loa nơi công cộng hay ở nhà mình thì sẽ dễ bị kẻ bất lương dở trò an ủi rồi dụ dỗ lường gạt!  Luo Jun tính thù lao 50 Nhân Dân Tệ, tương đương 6 đô la Mỹ mỗi giờ --giá hồi mới mở. Ông ta còn tiết lộ mỗi ngày trung bình quán đón được 10 vị khách vào, nhưng không nói rõ bao nhiêu nam bao nhiêu nữ, và  mỗi vị khóc trung bình, tối thiểu, tối đa mấy tiếng đồng hồ. Ông ta còn cho biết mình không được huấn luyện chuyên môn về tâm lý, nhưng lời an ủi chân thành cũng giúp ích cho khách hàng ít nhiều.  Mô hình kinh doanh quán khóc này đã “nhiễm truyền” sang vài thành phố khác , như Heifei tỉnh Anhui, và đến tận thủ đô Bắc Kinh nữa, nơi ắt phải đắt hàng. 

Có đìều bí mật mà các websites về quán khóc bên Tàu không nói ra. Đó là ở đây, có nhiều trường hợp người ta buồn khổ mà không được phép khóc, nếu Đảng ủy, hay phường khóm địa phương ... không cho phép.  Vì khóc là ... làm mất khí thế nhân dân đi, tạo cơ hội cho thiên hạ trút mọi  lỗi lầm cho đảng và nhà nước.  Tôi biết điều này nhờ phương pháp loại suy, ngay hồi còn ở Việt Nam. Số là đồng nghiệp dạy ESL của tôi, một Đại úy tên PCN,  trước 1975 dạy ở Trường Sinh Ngữ Quân Độị.  Sau khi anh đi tù cải tạo về là lúc con anh “trúng tuyển nghĩa vụ quân sự” rồi không may tử trận ở chiến trường Campuchia.  Trong lúc làm đám tang cho con ở Saigon, anh “được” phường khóm kè kè bênh cạnh, khuyến khích dặn dò, ngăn cản không cho khóc... Tôi không rõ họ có đưa giấy tờ cho anh ký vào hứa không đi Mỹ theo diên H.O. hay không (thuở đó chúng tôi ai mà chẳng đã làm đơn), mà sau đó đến đầu những năm 1990, anh vẫn còn ở lại Saigon.  VC hay dùng chiêu trò ký kết kiểu này khi ... người ký đang gặp bối rối, vì có thì giờ đâu mà đọc cho kỹ. Một vài bạn tôi đã “dính bẫy” này.
 
Ngoài ra ai cũng biết rằng, khi khóc lóc, người ta lại hay kể lể, không kềm chế và dễ nói toạc ra mọi thứ trên đời.  Cho nên khóc nơi công cộng thật là nguy hiểm nếu người ta lỡ mồm lỡ miệng mà kết tội, chửi rủa Đảng và Nhà Nước. Chính vì lý do “chính đáng” này các quán khóc mới được lập ra.  Và cũng chính vì lý do này mà tôi nghĩ là ngày nay các Quán Khóc đã đóng cửa hết rồi.  Hẳn độc giả không quên là cách đây vài năm, Nhà nước Tàu đã trang bị máy nhận dạng cũng như thu âm khắp hang cùng ngõ hẽm, thì làm sao họ lại có thể bỏ qua các quán khóc này.  Quán khóc còn mở cửa thì công an còn tìm ra bọn phản động, tay sai ngoại bang, bọn mưu toan lật đổ chính quyền.  Bề nào thì công an cũng chụp lấy cơ hội để nâng cao thành tích. Cho nên quán khóc nếu tiếp tục mở cửa thì chỉ ...có đói mà thôi.

Trong mấy tháng đầu của trận đại dịch, dân Tàu phẫn uất công khai khóc lóc và chửi rủa, không cần phải tìm chỗ kín đáo cho mất thì giờ, lại còn tốn tiền, lại còn cả gan phổ biến trên mạng nữa. Vả chăng, phố phường cũng bị phong tỏa, cách ly cả rồi, làm sao mà đi đây đi đó để mà tìm quán khóc.  Cho nên các quán khóc không kiếm chác gì được, chắc đành phải đóng cửa thôi.  Nay, với tình hình công an rảnh rổi hơn, dân Tàu không còn dám liều lên mạng khóc chửi nữa. Chắc chắn là trong nhiều triệu điện thoại di động “mất tích” sau biến cố dịch Vũ Hán vừa qua đã ghi lại vô số điều bí mật, đau thương. Hơn nữa, vào các quán khóc ngày nay --nếu còn mở cửa-- thì lại bị máy móc nhận dạng, nghe lén. Tội nghiệp dân Tàu! Tội nghiệp những chủ nhân quán khóc.  Tội nghiệp thay cho một ngành kinh doanh có tiềm năng đi lên nay lại phải đột tử! 
  
Tại Hoa Kỳ cũng có những quán khóc karaoke. Kẻ có tâm sự buồn vào đây nhâm nhi vài ly rượu, hát karoke, rồi tự do ... khóc cho đến khi cảm thấy hết buồn thì ... trả tiền ra về.  Có điều là ... khá tốn kém -- $150.00 hay hơn.  Quý độc giả lẫn người viết nay không còn trẻ trung gì, cho nên chúng ta thường dễ kìm chế cảm xúc.  Độc giả và người viết đã qua quá nhiều năm đau khổ --và đau khổ cùng cực-- rồi!  Mỗi khi nhìn lại những ngày tháng cuối cùng của Miền Nam, những ngày tháng tù đày và những ngày tháng cơ cực sau đó của mình, của gia đình, của thân nhân bằng hữu vv.  làm sao cầm được nước mắt. Bao giờ còn sống trên đời thì còn nước mắt để khóc. Thường khi người già lại còn dễ xúc động hơn những người trẻ nữa.  Lý trí lắm khi nhường chỗ dễ dàng cho những xúc động có thể bị người trẻ tuổi duy lý xem là ... trẻ con, vô lý, lẩm cẩm, tinh thần ... có vấn đề.  Khi nghe tin một người bạn thân vừa ra đi, khi đứng lên chào cờ trong một buổi hội họp nghiêm trang, khi đọc bản tin thấy có người già xin nhường máy trợ thở cho bệnh nhân trẻ, khi biết quá nhiều người chết trong trận đại dịch này,  vv., bạn hay tôi ứa nước mắt.  Đó là một điều tự nhiên khi chúng ta không kiềm chế được, hay không phải giấu diếm  như những người Trung quốc đau khổ trong những quán khóc bên kia bờ đại dương. 

Để kết luận, tôi tạm  trích một đọan thơ (stanza) trong bài thơ dài  có  tựa đề “An End or a Beginning” của Wuer Kaixi , một nhà thơ người Uy Ngô Nhĩ (Uyghur), đã từng tham gia cuộc biểu tình phản  kháng của sinh viên ở Thiên An Môn năm 1989, sau đó phải bỏ chạy sang HongKong, Pháp, rồi Hoa Kỳ học ở Harvard University, nay sinh sống ở Đài Loan.  Đoạn thơ đó được dịch sang tiếng Anh như sau: 
Here I stand
Replacing another, who has been murdered
I have no other choice
And where I fall
Another will stand
A wind rests on my shoulders
Stars glimmer in the wind.

(Tạm dịch: Tôi đứng đây
Thay cho một người
Vừa bị sát hại
Không có sự chọn lựa nào khác
Và nơi tôi ngã xuống
Người khác sẽ đứng lên thay
Một làn gió đọng trên đôi vai
Những vì sao nhạt nhòe trong làn gió ấy.
Sau khi làm xong, đọc lại ... có lẽ Wuer Kaixi đã khóc.  Nhưng chắc chắc là anh ta không phải vào...  quán khóc để tuôn đôi dòng lệ.  May thay cho anh ta! Anh ta may mắn hơn những người Uy Ngô Nhĩ, cũng như bao nhiêu triệu người Tàu khác, còn ở lại.

Riêng chúng ta, năm nay là năm thứ 40 kể từ ngày miền Nam rơi vào tay Cộng Sản Việt Nam, một đảng luôn theo lệnh Cộng Sản Tàu, sẵn sàng hy sinh xương máu của đồng bào mình để cho nước Tàu được yên ổn mà phát triển kinh tế,  để  cho đảng mình được tồn tại như họ đã từng hãnh diện, để cho đảng viên mình được “vinh thân phì gia” như họ đang khoe khoang, không hề giấu diếm.  Nay khi dịch phương Bắc tràn sang như thác lũ, họ không dám tự tay đóng sớm cửa khẩu, mà lại mạnh và nhanh tay đóng cửa làng mạc, phường khóm nhốt đám dân đen đói khổ vào những căn nhà nhỏ bé, thiếu vệ sinh, trong khi các đảng viên vui sướng nghỉ ngơi trong các tòa biệt thự ngất ngưởng, bề thế.  Chỉ riêng hoàn cảnh trái ngược này cũng khiến chúng ta không cầm được nước mắt rồi --cần chi phải kể thêm những điều khác nữa, kể cả tang tóc toàn cầu do vi khuẩn Vũ Hán gây ra. Đảng Cộng Sản Việt Nam vốn là một dị dạng bẩm sinh (birth defect) của xã hội ta. Càng lớn nó càng trở nên xấu xí, tham lam, độc hiểm và hung ác.  Chúng ta đã tránh xa được nó.  Khi buồn thì cứ tự nhiên mà khóc lóc kể lể, chửi rủa, không cần phải sợ sệt đến nỗi phải tìm đến quán khóc trả tiền mà khóc! 

Những quán khóc –dù dưới hình thức giản đơn rẻ tiền như những quán khóc bên Tàu, hay rườm rà tốn kém như những quán khóc karaoke như bên Mỹ-- cũng có thể khó tìm được đất đứng ở Việt Nam, mặc dù nơi đây, người nghèo khó rất cần chỗ khóc --miễn là chưa hết nước mắt, và nhất là quán phải kín đáo, kẻo dễ gặp nhiều rủi ro khi kể lể, không khéo lựa lời. Kẻ giàu có cũng cần chỗ khóc, để khoe là mình tuy đã  “vinh thân phì gia” rồi, nhưng cũng còn một chút tấm lòng –trong chốn đại gia. Nhưng than ôi, “tai vách mạch rừng”, máy móc chụp hình, thu âm khắp nơi khắp nẻo, ai dám vào đây khóc than kể lể.  Vậy thì quán khóc có mở ra chăng nữa, cũng phải là quán khóc do đảng kinh doanh, hay ít ra cũng do “dư luận viên” điều hành.  Vào đây để mà chết à?

Hành trình nghèo đói, gian khổ, nô lệ không dễ thay đổi.  Hay nếu thay đổi, thì sẽ theo hướng tệ hơn mà thôi.

Lê Văn Bỉnh
(ĐS 10)

No comments:

Post a Comment

Người Bỏ Lễ Đêm Đông, thơ

Dạo:        Đêm nay Thiên Chúa giáng trần, Xin thương cứu giúp người dân khốn cùng. Người Bỏ Lễ Đêm Đông Đêm đất Bắc, gió mài da tím ngắt, N...