20 April 2020

Học giả Hồng Kông: Trung Quốc muốn tồn tại thì phải cải cách

Minh Hòa

Một học giả Hồng Kông gần đây đã công bố một lá thư kiến nghị gửi tới giới lãnh đạo cầm quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), trong bối cảnh Bắc Kinh đang chịu áp lực gia tăng từ cộng đồng quốc tế vì dịch viêm phổi Vũ Hán.

Lá thư được công bố bởi ông Trần Bình (Chen Ping), một học giả, doanh nhân sáng lập TIDEiSun Group, chủ sở hữu của kênh truyền thông Sun TV có trụ sở tại Hồng Kông.

Được coi là “thế hệ đỏ thứ hai”, tức là con của đảng viên lão thành trong ĐCSTQ, học giả Trần Bình nói với Secret China rằng lá thư không phải tự tay ông viết, nhưng nội dung lá thư đại diện cho quan điểm của dư luận xã hội ở Trung Quốc, những người mong muốn có một sự chuyển đổi ôn hòa về mặt chính trị.

Bản kiến nghị được nhiều người ví như một “bức thư ép thoái vị”, nó kêu gọi “triệu tập khẩn cấp một cuộc họp mở rộng của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc”, để thảo luận về việc cầm quyền của Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Tập Cận Bình.

Lá thư cho rằng Trung Quốc đang ở thời khắc nguy hiểm, nó kêu gọi Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Tập Cận Bình chấp nhận sự thật đó và cần thực hiện một cuộc “chuyển đổi ôn hòa”, nếu không muốn lưu lại tiếng xấu muôn đời.

Trung Quốc bị kiện

Ông Trần Bình nói rằng trước khi virus Vũ Hán hoành hành trên khắp thế giới, quan hệ Trung – Mỹ vốn đã trở nên căng thẳng và không thể vãn hồi. Giờ đây, khi xảy ra bệnh dịch Vũ Hán thì mối quan hệ này “càng không thể trở lại được”. Ông Trần cho rằng sẽ có ngày càng nhiều vụ kiện của các nước nhắm vào chính quyền Trung Quốc để đòi bồi thường thiệt hại về Covid-19.

Dịch viêm phổi Vũ Hán đã cho thế giới nhận ra rằng tình trạng bưng bít, bóp méo thông tin của chính quyền Trung Quốc đã khiến cho dịch bệnh phát tán ra toàn thế giới, gây ra cái chết của hơn trăm ngàn người tại nhiều quốc gia. Mỹ, Anh và một số quốc gia khác đang xem xét phương án kiện Trung Quốc với số tiền đòi bồi thường lên đến hàng ngàn tỷ USD.

Học giả Trần Bình nói rằng ĐCSTQ sẽ phải tuân thủ các quy định quốc tế, họ sẽ không thể lý luận rằng các vấn đề nội bộ của Trung Quốc là không có liên quan gì đến các mối quan hệ quốc tế. Ông cho rằng các nước tự do dân chủ sẽ xem lại các chính sách đối với Trung Quốc và xu thế tẩy chay, trừng phạt Bắc Kinh sẽ không thay đổi.

Ông Trần cho rằng, sau dịch Covid-19, nền kinh tế toàn cầu sẽ trải qua cuộc đại suy thoái. Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và bệnh dịch đã khiến các công ty rút khỏi Trung Quốc đại lục. Thời đại mà Trung Quốc đóng vai trò là công xưởng của thế giới “đã kết thúc”.

Theo nhận định của ông Trần Bình, Trung Quốc đang ở thời điểm buộc phải thay đổi và cải cách.

Không thể thoái lùi

Học giả Trần Bình nói rằng ông Tập Cận Bình phải chịu áp lực không hề nhỏ với tư cách là người đứng đầu chính quyền. Một phần đó là hệ quả của việc thâu tóm quyền lực của ông Tập kể từ khi lên cầm quyền. Ông Trần Bình nói: “Ông Tập đã lâm vào một vòng luẩn quẩn và không thể thoát ra nếu như không gặp khúc ngoặt này”.

Ông Trần nhận định Trung Quốc không thể thoái lùi mà phải tiến tới một hệ thống chính trị mới, trao trả quyền lực cho người dân, nếu không nó sẽ không thể tồn tại.

Ông nói rằng những người thuộc đảng cầm quyền, các nhóm lợi ích, đông đảo quần chúng và kể cả các dư luận viên (thường được gọi là đội quân năm xu): “sẽ sớm hiểu rằng nếu không thay đổi, mọi người sẽ không thể sinh tồn!”.

Ông Trần Bình kêu gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nên thấu hiểu điều này. Ông Trần nói: “Tôi hy vọng ông Tập hiểu điều này, nếu ông ấy thực sự thấu hiểu, ông ấy có thể trở thành một nhà lãnh đạo anh minh; nếu ông ấy không hiểu, ông ấy có thể sẽ phải chịu ô danh muôn đời”.

Cuối cùng, vị học giả Hồng Kông thừa nhận rằng nhóm quan liêu cầm quyền của Trung Quốc có vẻ như không muốn thay đổi, vì nếu thay đổi thì họ sẽ không thể tham nhũng và lũng đoạn nữa. Tuy nhiên, nếu ông Tập dám cải cách, thì ông có thể thoát khỏi tình trạng bế tắc hiện nay.

Nguồn: Đại Kỷ Nguyên

No comments:

Post a Comment