30 April 2020

NÚI SÔNG TRỖI DẬY, thơ


Hỡi hồn thiêng, xin núi sông trỗi dậy
Bằng trái tim của giòng giống Tiên Rồng
Ta sẽ về... để Đất Trời sẽ thấy
Cờ vàng xưa: Nghiêm! Chào! Lặng thinh không
.
Ta chào kính vạn Anh Linh Tử Sĩ
Đã một thời áo trận bết đất bùn
Đã anh dũng, súng vọng canh: Hào khí
Giữ quê hương: Vạn tấc đất nghìn trùng
.
Ta cúi xuống hôn vành tang cô phụ
Tạ ơn người bao ngày tháng sắt son
Đợi chồng về bằng những đêm mất ngủ
Ru con ngoan: Em giọt lệ lăn tròn
.
Ta quỳ gối bên đôi chân đã mất
Người thương binh của Việt Nam Cộng Hòa
Áo Kaki, chiến hào ngày xung trận
Lỗ châu mai...Tưởng chừng như hôm qua!
.
Ta ôm con - Con "Nghĩa Tử Quốc Gia"
Cám ơn con đã chịu nhiều thua thiệt
Thiếu tình Cha. Mẹ kể chuyện lính xa
Đêm sương phụ..."Mai Cha về", mắt biếc
.
Ta sẽ về...nghe sớm mai chim hót
Thay vì nghe đạn pháo kích kinh hoàng
Sẽ không biết vạn lính canh, đồn bót
Không bao giờ thấy nhà cửa tan hoang
.Ta sẽ về...tìm lại dòng sông cũ
Dẫu cạn dòng vẫn đầy ắp yêu thương
Khói đốt đồng và những ngày chạy lũ
Lúa trổ đồng ngậm giọt sữa quê hương
.
Ta sẽ về như thuyền trên biển mặn
Như ngày xưa đào thoát chốn ngục tù
Để khấn thầm với nỗi lòng trĩu nặng
Những thuyền nhân chìm xuống cõi thiên thu
.
Ta sẽ về... ghé rừng xưa sót lại
Làm tiều phu đi mót củi cho em
Lửa bùng lên ấm lòng đêm lửa trại
Em vui chơi cùng bè bạn trong đêm
.
Ta sẽ về nghe tiếng đàn mừng rỡ
Yêu bé thơ bên tiếng Việt ê a …
Bé có biết: Sắc, hỏi, huyền bỡ ngỡ
Thành cung đàn để bé hát La... La...
.
Ta sẽ về và mơ thành họa sĩ
Vẽ quê hương bao sông núi nghìn trùng
Vẽ ranh giới của nước non hùng vĩ
Ngăn Bắc phương, lũ giặc ấy: Hãi hùng!

.
Ta không mơ...Đất nước mình đã khổ!
Bao trầm luân nỗi thống khổ tận cùng
Những Tháng Tư, những đạn bom đã nổ
Ai là người xóa lấp nỗi đau chung?

Như Thương
(Tháng Tư Quốc Hận 2020)

THÁNG TƯ, RƯỢU CHIỀU, thơ



29 April 2020

những bước chân lầm lũi

May the good Lord be with you down every road you roam
And may sunshine and happiness surround you when you’re far from home
And may you grow to be proud, dignified, and true
And do unto others as you would have done to you
Rod Steward, Forever Young
tôi rời nhà
mắt cay cay
môi mặn mặn
*
những chiếc áo trận
ai cởi bỏ bên đường
màu áo có thời tôi đã khoác
trong mấy tháng ngắn quân trường
vài người bộ hành vội vàng
đi qua cố tránh
ai nỡ dẫm lên
*
tiếng đại bác
lác đác từ xa
cao cao mấy vuông cờ đỏ
*
dòng sông Tân Thuận kia ơi
nước dưới cầu chảy siết
hãy cuộn lấy thân tôi
hãy cuộn lấy hồn tôi
dập dùi rữa mục
*
buổi sáng hôm nay
em khẽ đặt bàn tay nhỏ lên vai
trước khi tôi rời nhà đến sở
em không nói gì hơn
ngoài đôi mắt khác thường
*
môi mặn đường đi
môi khô lối về
cuộc sống có bao nhiêu điều
tôi không thể nào hiểu nổi
hôm nay từ đâu hiện ra câu hỏi
có thể nào làm lại khi nghĩ là đã hết
có thể nào ngày cuối cùng là ngày mới bắt đầu
*
một tia nắng soi lòng âm ấm
bàn tay nhỏ kia vẫy gọi tôi về
đôi mắt khác thường kia đã trao cả niềm tin
trong khoảnh khắc
tôi thôi là mình
cúi xuống đếm
những bước chân lầm lũi
*
rồi tôi lưu đày tù ngục
em lặn lội thân cò
một đàn con nheo nhóc
bụng không mấy khi no
*
ngày tháng nặng nề qua
tôi rời xa quê nhà
lời ca nào giục giã
lời ca nào nguyện cầu
lời ca nào bảo tôi hãy ngẩng đầu
như cây hoa sắp héo tàn
được tưới nước hồi sinh
từ tình thương đồng môn đồng đội
*
ba mươi tháng tư
bốn mươi lăm năm rồi
vết thương lòng chưa khép lại
tôi tiếp tục bước đi -- những bước đi nhanh và dài
nhưng vẫn những bước chân lầm lũi đó 
Lê Văn Bỉnh (ĐS 10)

Tin ngắn đáng chú ý

Liên minh Five Eyes chính thức điều tra hai nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Virus Vũ Hán

Phía sau cánh cửa của Viện nghiên cứu virus Vũ Hán
hiện ẩn chứa nhiều điều bí mật (Ảnh: DF).
Truyền thông Anh quốc đưa tin, cơ quan tình báo 5 quốc gia thuộc Liên minh Five Eyes bao gồm Australia, Canada, New Zealand, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ đang tiến hành điều tra nguồn gốc của virus Corona mới. 

Cuộc điều tra này được tập trung vào 2 đối tượng là Chu Bằng (Zhou Peng), nghiên cứu viên tại Viện nghiên cứu virus Vũ Hán, người đã du học và nghiên cứu, lấy bằng Tiến sĩ tại Australia và Thạch Chính Lợi (Shi Zhengli), Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm mới của Viện Nghiên cứ virus Vũ Hán.

Theo trang tin Đông Phương của Hồng Kông ngày 29/4, các cơ quan truyền thông Daily Mail của Anh và 7news (Tin tức Kênh 7) của Australia cho rằng hai cán bộ Viện nghiên cứu Virus Vũ Hán (Wuhan Institute of Virology) là Chu Bằng và Thạch Chính Lợi vốn đã tham gia vào một dự án nghiên cứu do chính phủ Australia và Trung Quốc đồng tài trợ. Chu Bằng, Trưởng nhóm của Viện chuyên nghiên cứu về virus của Dơi và miễn dịch, đã được gửi đến Phòng thí nghiệm động vật Australia để học tập, nghiên cứu từ năm 2011 đến 2014, tiến hành các công việc bao gồm mổ xẻ dơi sau khi trợ tử, để nghiên cứu loại virus chết người mà nó mang theo.

Mỹ yêu cầu Trung Quốc để thế giới tiếp cận phòng thí nghiệm ở Vũ Hán

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tiếp tục kêu gọi Trung Quốc cho phép thế giới tiếp cận phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, đồng thời nhấn m.ạnh Bắc Kinh có nghĩa vụ minh bạch.

Trong cuộc phỏng vấn với Fox News hôm 29/4, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Trung Quốc vẫn đang tiếp tục giữ kín các thông tin về virus tại phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.

“Bất chấp nỗ lực đưa các chuyên gia tới hiện trường của chúng tôi, họ vẫn tiếp tục cố gắng che giấu và gây hoang mang. Điều này là sai trái. Nó tiếp tục tạo ra mối đe dọa cho thế giới và tất cả chúng ta cần truy tới cùng những gì thực sự diễn ra ở đó”, ông Pompeo nhấn mạnh.

Ông Abe muốn công ty Nhật rời Trung Quốc

Thủ tướng Nhật Bản kêu gọi các doanh nghiệp nước này rời khỏi Trung Quốc, đa dạng hóa điểm sản xuất, giữa lúc những cuộc thảo luận tương tự diễn ra tại Mỹ.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
Giữa đại dịch virus corona, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đề xuất các biện pháp để xây dựng nền kinh tế ít phụ thuộc hơn vào Trung Quốc để đất nước "Mặt Trời mọc" có thể tránh được gián đoạn trong chuỗi cung ứng.

Chính phủ Nhật Bản đã dành 2,2 tỉ USD trong gói kích thích kinh tế 992 tỉ USD nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nước này rút khỏi Trung Quốc khi dịch Covid-19 phá vỡ chuỗi cung ứng giữa hai nước. Cụ thể, trong ngân sách nói trên, nhằm giảm thiểu tác động từ Covid-19, có 220 tỉ yen (2 tỉ USD) dành cho các công ty chuyển hoạt động sản xuất trở về Nhật và 23,5 tỉ yen cho những công ty tìm cách chuyển đến quốc gia khác, theo Bloomberg hôm 8.4.

Lời kêu gọi này đã dẫn đến cuộc tranh luận sôi nổi ở Bắc Kinh, theo Nikkei Asian Review. Bắc Kinh "đang có những lo ngại thực sự về việc các công ty nước ngoài rút khỏi Trung Quốc", một nguồn tin trong lĩnh vực kinh tế ở Trung Quốc cho biết.

Tháng Tư Còn Buồn, nhạc phổ thơ Ý Nga

Câu chuyện tháng 4

THÁNG  TƯ  VÀ  “NỬA  HỒN  XUÂN  LỘC”        

Trong những biến động đầy đau thương của đất nước, từng có một thế hệ những người trẻ tuổi miền Nam trải qua một thời  hậu chiến đầy ngang trái, để rồi cảm nhận xót xa những vần tuyệt bút của Tô Thùy Yên trong bài thơ Ta Về:
Ta về như lá rơi về cội, Bếp lửa nhân quần ấm tối nay, Chút rượu hồng đây xin rưới xuống, Giải oan cho cuộc biển dâu này.
để rồi ngẫm lại cuộc đời hiện tại của mình:
Ta về như đứa con phung phá, Khánh kiệt đời trong cuộc biển dâu, Mười năm, con đã già trông thấy, Huống mẹ cha đèn sắp cạn dầu…
Với Tô Thùy Yên, ta để lòng lắng lại sau bao nhiêu can qua đã ập xuống đời mình. Nhưng với Nửa Hồn Xuân Lộc của Nguyễn Phúc Sông Hương, ta lại có dịp sống với những hồi ức khắc khoải,  bi thương nhất. Đó là hồi ức về một quãng đời của tưng bừng máu lửa, của ruột thịt phân ly, của những hoài vọng tắt ngấm và sự tàn lụi của xuân thì!

Tôi vẫn nghĩ rằng những người lính trận VNCH từng trải qua những ngày cuối cùng của cuộc chiến bi thương, khi đọc bài thơ này, sẽ khóc. Mà cứ gì những người lính ngày đó, cả thế hệ của Nguyễn Phúc Sông Hương ở miền Nam, đọc chưa hết bài thơ này cũng sẽ rưng nước mắt. Bài thơ đó, từ cuộc tình đẹp và bi thương giữa người lính và cô gái làng quê Xuân Lộc, đã trở thành nỗi đau chung của cả một thế hệ trầm luân.

Tháng 4.1975 là ngày miền Nam trải qua những cơn địa chấn kinh hoàng. Những đoàn người, dân, quân, trẻ, già, trai, gái, tuôn rừng lướt bụi, vượt sông, vượt suối, từ Pleiku xuống Qui Nhơn, từ Quảng Trị xuôi về Huế, từ Nha Trang đu giây, nhảy sóng, giành nhau một chỗ đứng trên những chiếc tàu di tản không còn chỗ cho chỉ một bàn chân. Những đứa trẻ buông tay rơi xuống biển trong ánh mắt thất thần và tuyệt vọng của người mẹ đang kẹt cứng giữa rừng người!

Chưa bao giờ lịch sử dân tộc chứng kiến những cảnh tượng kinh hoàng đến như vậy! Vết thương đau âm ỉ trong tâm tưởng của mỗi người đã trải qua những giờ phút căng thẳng nhất, và phòng tuyến Xuân Lộc là cứ điểm cuối cùng không cỏn có thể giữ được nữa. Lệnh rút quân ban ra làm chùng lòng những con người gan góc nhất!

Trong tình huống đó, mỗi người một ý nghĩ, mỗi người một tâm trạng.  Riêng Nguyễn Phúc Sông Hương (một Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng) đã thể hiện những cảm xúc của mình trước tình yêu trong sáng và dạt dào mà người con gái Xuân Lộc đã dành cho anh. Đó là tình yêu thương không nói nên lời, là nỗi chia biệt không thốt lên thành tiếng, là sự uất nghẹn của trái tim người chiến sĩ trong giây phút căng thẳng nhất của một cuộc chiến tàn khốc đã đến hồi ngã ngũ!
Buổi chiều nhận lệnh rời Xuân Lộc Ta muốn tìm em nói ít lời Nhưng sợ em buồn, không nói được Nên đành lặng lẽ mà đi thôi!
Buổi chiều, anh nhận được lệnh thu quân, đêm nay rời cứ địa, nghĩ đến  em, muốn tìm em để nói lời chia biệt, nhưng anh, người lính trận từng xông pha giữa rừng bão lửa, lại không đủ dũng cảm để nhìn những giọt nước mắt của em rơi xuống trước giờ phút xa cách nghìn trùng. 

           Ngại phút rời xa em sẽ khóc
           Bao người vợ lính sẽ buồn theo
           Yếu đuối tim ta người chiến sĩ
           Loạn rừng, tội nghiệp tiếng chim kêu

Thôi thì, anh đành lặng lẽ thu quân, mỗi quân lệnh ban ra như một nhát cứa vào lòng. Rút quân, có nghĩa là anh đã bỏ lại nơi đây một quãng đời chinh chiến với bao nhiêu kỷ niệm không rời! Giờ này em đang làm gì trong  tiếng đại pháo ầm vang, giữa thị trấn Xuân Lộc sắp trở thành một trận địa hoang tàn?
Rút quân bỏ lại đời ta đóBảo Chánh, Gia Rai lửa ngút trờiLửa ngút, trái tim ta lửa ngútTrái tim người lính mới yêu người 

Vì bí mật quân, ta đành phụMối tình Long Khánh tội người ơiMất thêm Xuân Lộc tay càng ngắnNúm ruột miền Trung càng xa vời
Anh tưởng tượng đến ngày mai, khi đoàn quân đã lặng lẽ rút đi rồi, em sẽ bàng hoàng, ngơ ngác, và lòng em sẽ chùng xuống trong một nỗi bi thương không nói nên lời. Em sẽ thầm trách ta là người phụ bạc, hay em vẫn ôm ấp vào lòng những kỷ niệm khôn nguôi? Chỉ biết rằng trong phút giây này, lòng anh như trái sầu riêng nhà em, rơi vỡ làm đôi trên mảnh vườn đã từng chứng kiến những phút giây hò hẹn của chúng mình.
              
          Sáng mai chắc chắn em buồn lắm,
          Sẽ trách sao ta lại phụ người.
          Lòng ta như trái sầu riêng rụng,
          Trong vườn em đó vỡ làm đôi.

Những phòng tuyến vỡ vụn trên cao nguyên, những  cuộc di tản kinh hoàng trải dài trên từng đoạn đường máu lửa, để làm tròn sứ mạng của người chiến binh, anh đã trở thành người tình phụ:

          Cao nguyên bài học đầy cay đắng
          Lớp lớp người rơi, lớp lớp rơi…
          Ta chẳng muốn làm người bại trận
          Thành người tình phụ đó em ơi …

Trong giây phút chia lìa, không chỉ con người buồn, mà đến những vật vô tri, vô giác cũng đượm buồn. Chiếc cầu bắc qua con sông La Ngà cuộn đỏ  phù sa ghi đậm kỷ niệm những ngày hành quân vất vả, vạt nắng bìa rừng chờ đợi một ngày anh trở về, mang hong chiếc áo trận thấm đẫm mồ hôi. Tất cả  như có linh hồn, những linh hồn biết rung động và yêu thương!

          Đêm nay quân rút hồn ta ở
          Nhìn nước La Ngà pha máu sôi
          Thương chiếc cầu chờ cơn thác lũ
          Tràn qua Xuân Lộc cuốn theo người

          Ta đi áo nhuộm màu đất đỏ
          Cao su vướng tóc mãi thơm mùi
          Tội nghiệp nắng vàng chờ áo trận
          Khi tàn chinh chiến sẽ đem phơi

 Ta đã trải qua bao đêm sốt rét run người, những trận đánh mà ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ là một lằn chỉ mong manh. Những lúc đó, ta không ngã, vẫn dửng dưng cười trước mọi hiểm nguy. Nhưng đêm nay, trong  giờ phút sắp rút quân này, ta cảm thấy rờn rợn trong lòng ta nỗi nhục của người đi trận:
                
         Sốt rét đêm run, ngày không ngã
         Bao lần máu đổ dửng dưng cười

         Một phút này thôi, hừ lại ngã
         Bỏ thành, bỏ đất nhục nào vơi…

Trong những giây phút dầu sôi lửa bỏng ấy, trái tim người lính se lại khi nghĩ đến một ngày không định trước, khi anh không còn nữa, người con gái anh yêu sẽ côi cút giữa cuộc đời. Nghĩ đến những giọt nước mắt của em rơi dưới hầm tránh pháo, lòng ta quặn lại với mặc cảm của người đã phụ bạc một tình yêu:

         Tôi sợ một ngày mai bại trận
         Để em côi cút lại trên đời

         Nếu phải một ngày mai bại trận
         Đêm nay sao ta lại bỏ người!

         Em hỡi, dưới hầm ai đang khóc
        Thét gào pháo địch mãi không thôi

        Em hỡi em thương người lính trận
        Người lính đêm nay phụ bạc rồi!

Ta thông cảm với người lính Nguyễn Phúc Sông Hương, vì không muốn làm người bại trận nên đành trở thành kẻ tình phụ. Nhưng khi cuộc chiến tàn rồi, trở về với nỗi đắng cay của người bại trận, lòng anh còn đau đớn đến bao nhiêu! Đó cũng là tâm trạng chung của một lớp người ở cùng thế hệ với anh, lớn lên, oằn mình trong cuộc chiến, để rồi chứng kiến bao nhiêu vỡ vụn của cuộc đời.

Mỗi năm, tháng tư trở về với rất nhiều cảm xúc, ngùi thương một dân tộc phải trả giá quá nhiều mà cuộc sống vẫn phải tiếp tục đối mặt với những thử thách cam go.

         Lê Nguyễn
         22.4.2020

      ***
                            
        
NỬA HỒN XUÂN LỘC

Buổi chiều nhận lệnh rời Xuân Lộc
Ta muốn tìm em nói ít lời
Nhưng sợ em buồn, không nói được
Nên đành lặng lẽ mà đi thôi!

Ngại phút rời xa em sẽ khóc
Bao người vợ lính sẽ buồn theo
Yếu đuối tim ta người chiến sĩ
Loạn rừng, tội nghiệp tiếng chim kêu

Rút quân bỏ lại đời ta đó
Bảo Chánh, Gia Rai lửa ngút trời
Lửa ngút, trái tim ta lửa ngút
Trái tim người lính mới yêu người

Vì bí mật quân, ta đành phụ
Mối tình Long Khánh tội người ơi
Mất thêm Xuân Lộc tay càng ngắn
Núm ruột miền Trung càng xa vời

Sáng mai chắc chắn em buồn lắm
Sẽ trách sao ta lại phụ người
Lòng ta như trái sầu riêng rụng
Trong vườn em đó vỡ làm đôi

Cao nguyên bài học đầy cay đắng
Lớp lớp người rơi, lớp lớp rơi…
Ta chẳng muốn làm người bại trận
Thành người tình phụ đó em ơi

Đêm nay quân rút hồn ta ở
Nhìn nước La Ngà pha máu sôi
Thương chiếc cầu chờ cơn thác lũ
Tràn qua Xuân Lộc cuốn theo người

Ta đi áo nhuộm màu đất đỏ
Cao su vướng tóc mãi thơm mùi
Tội nghiệp nắng vàng chờ áo trận
Khi tàn chinh chiến sẽ đem phơi

Em hỡi, em thương đàn thỏ trắng
Bầy gà mất mẹ sống mồ côi
Em hỡi em thương người lính trận
Người lính đêm nay phụ bạc rồi

Bao năm ta trọn tình đất đỏ
Một phút này thôi hẹn với đời
Sốt rét đêm run, ngày không ngã
Bao lần máu đổ dửng dưng cười

Một phút này thôi, hừ lại ngã
Bỏ thành, bỏ đất nhục nào vơi
Nếu được đưa quân lên Định Quán
Cuối cùng một trận cũng là vui

Sáng mai chân bước qua Bình Giã
Cẩm Mỹ, nhìn lui luống ngậm ngùi!
Lửa cháy, cả lòng ta lửa cháy
Một trời Gia Kiệm nhớ khôn nguôi

Muôn năm em hỡi trời Xuân Lộc
Giữ nửa hồn ta mãi với người
Giữ nửa hồn ta bên chiếc võng
Dưới giàn thiên lý bóng trăng soi…

Đêm nay quân rút sầu riêng rụng
Trong vườn em và trong tim tôi!
Tôi sợ một ngày mai bại trận
Để em côi cút lại trên đời

Nếu phải một ngày mai bại trận
Đêm nay sao ta lại bỏ người!
Em hỡi, dưới hầm ai đang khóc
Thét gào pháo địch mãi không thôi

Xuân Lộc trời ơi Xuân Lộc cháy
Ai gọi tôi về trời Gia Rai!

Nguyễn Phúc Sông Hương

27 April 2020

Điểm sách: Inside Trump's White House

DOUG WEAD ĐÃ VIẾT GÌ VỀ TỔNG THỐNG TRUMP
Vanessa Quibelan
24.4.2020

🌺 Trong suốt gần một tháng ở nhà theo dõi tình hình hiện nay, tôi nhận ra một vấn đề mà trước giờ ít để ý tới đó là những bài viết về TT Trump hầu như đều là chê trách, đổ lỗi, rất khó tìm đọc được một bài viết nào có quan điểm tích cực về ông ấy. Ngồi xem live các buổi họp báo từ Toà Bạch Ốc, tôi ngạc nhiên khi nhiều nhà báo đặt những câu hỏi kiểu gài bẫy chờ Trump sơ hở lỡ miệng chỗ nào đó để làm mồi cho truyền thông nhảy vào xâu xé. Những câu hỏi, trả lời được cắt ghép cho những bài viết, những video bình luận tiêu cực đã được lên ý đồ sẵn để định hướng người xem ngập tràn trên YouTube, Facebook…

Thắc mắc với câu hỏi tại sao truyền thông ghét Trump như vậy? Sao nhiều người chửi ông? ông ấy đã làm những gì? Tôi tìm được một phần lớn câu trả lời cho mình qua quyển sách dài của Doug Wead: Inside Trump’s White House. Sách vừa được xuất bản tháng 11 năm 2019.

🌺 Doug Wead đã viết hơn ba mươi quyển sách và là một trong những tác giả có sách bán chạy nhất của New York Times. Wead đã phỏng vấn trực tiếp với sáu đời Tổng thống Mỹ (TT Trump là người thứ 6). Ông cùng là tác giả xuất bản chung một quyển sách với cựu TT George Bush. Ông từng là thành viên cố vấn cấp cao của Tòa Bạch ốc. Ông là một trong rất ít những nhà sử học hiện tại còn sống cùng viết về 44 đời Tổng Thống Mỹ. Đây là quyển sách ông viết về những gì TT Trump đã làm được trong ba năm qua. Với một tiểu sử sự nghiệp nổi bật như vậy, TT Trump đã thật sự đặc biệt như thế nào để nhà sử học Wead viết hẳn một đầu sách về mình?

🌺 Tác giả Wead được TT Trump đồng ý để ông ấy ghi âm lại tất cả những cuộc phỏng vấn giữa ông và Tổng thống cũng như với tất cả thành viên gia đình Trump và các tư vấn cấp cao khác. Đây là một yếu tố giúp Wead tiếp cận nguồn thông tin quan trọng và viết chính xác nhất những gì đang diễn ra. Lịch sử mà chúng ta đã đọc về Washington, Lincoln, Roosevelt, hay Kennedy…. đã được ghi lại xác thực ra sao thì giờ đây với Wead, ông ấy cần làm gì để thế hệ sau có thể tiếp cận được nguồn tư liệu đúng nhất về TT Trump? Tất cả sẽ nhờ vào những gì được ghi ngay lúc này và ông ấy muốn mình phải ghi lại sự thật một cách công tâm nhất.

🌺 Lý do gì mà một tỷ phú rất thành đạt trong cả hai lĩnh vực bất động sản và show truyền hình như Trump lại quyết định ra tranh cử Tổng thống. Trump đã gầy dựng lên một thương hiệu nổi bật cho chính mình, rõ ràng ông ấy không cần phải làm tổng thống để được nổi tiếng hay để giàu hơn.

🍀 Khi Wead phỏng vấn các con của Trump, Ivanka, Eric và Don Jr., Wead không ngạc nhiên khi họ kể về những lần nhìn thấy cha họ bực tức xé toạt bài báo khi biết chính phủ Mỹ vừa ký kết một hiệp định nào đó gây bất lợi cho Mỹ. Trump bực tức khi nhìn thấy hàng trăm ngàn công việc ở Mỹ được mang đi nơi khác. Trump nhìn thấy cái hố mà Mỹ đang từ từ lún xuống vì những ký kết ông thẳng thắn lên tiếng là rất nguy hại cho Mỹ từ những người đi trước (1 lý do bị ghét tơi bời là đây). Những ký kết mà lợi ích chỉ đem lại cho các nước khác từ Trung cộng cho đến Tây Âu, và càng đè gánh nặng lên vai tầng lớp trung lưu Mỹ khi cõng những lợi ích đó qua cái gọi là THUẾ.

🌺 Wead không ngạc nhiên vì sao, vì ông đã từng là thành viên tư vấn cấp cao ở Tòa Bạch Ốc ông hiểu rõ cơ chế đằng sau những ký kết đó, hiểu rõ những nhóm lợi ích đứng sau giật dây, hiểu rõ truyền thông đã bị mua chuộc như phương tiện tuyệt vời để đánh lạc hướng dư luận hay nói nặng hơn thì đó gọi là tẩy não.

Dù từng là cố vấn cấp cao của hai đời Tổng thống Mỹ thuộc đảng Cộng Hòa, Wead nhận định thẳng thắn rằng Tổng thống Mỹ ở cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ ít nhiều đều bị chi phối bởi các thế lực ngầm đứng sau, những thế lực có thể ôm trọn truyền thông và bắt nó hoạt động theo ý mình.

Nhưng Trump lại khác, ông ấy đã là tỷ phú, ông không cần tiền của những thế lực đó làm bàn đệm để nhảy lên, ông ấy cũng không cần phải lấy lòng những thế lực đó để dọn đường cho cuộc sống hưởng thụ an nhàn sau khi rời nhiệm kỳ.

🌺 Wead cho rằng là một doanh nhân thành đạt chưa từng bước vào con đường chính trị, ông Trump không bị dẫm vào lối nghĩ gò bó rập khuôn, không bị chui vào những cái hộp được đóng sẵn như các chính trị gia trước đây. Sự giải phóng này giúp ông nhìn rõ "bệnh tình" của nước Mỹ theo một hướng khác và rõ ràng đã có những kế hoạch phù hợp hơn.

Tuy nhiên việc TT Trump từng bước phá vỡ nhưng quy luật bất thành văn trong giới chính trị, gây đe dọa đến những lợi ích nhóm đứng sau đã khiến ông giống như một con sói đầu đàn đơn độc bị cả đàn vây hãm tấn công trong suốt thời gian qua.

Tôi tưởng TT Trump bị truyền thông và giới chính trị gia đánh tơi tả từ khi ông trúng cử nhưng thật sự thì ông đã bị "ném bom" từ khi mở lời ra tranh cử.

🌺 Tìm đọc lại những nguồn thông tin từ Wead ghi trong sách, tôi phải thật sự là nể sự phớt lờ của Trump với cánh truyền thông.

Bất kể phát ngôn nào của Trump cũng bị truyền thông moi móc. Khi Trump nói ông có kế hoạch sẽ mang việc làm về Mỹ, sẽ làm cho kinh tế Mỹ tăng lên, làm cho Mỹ hùng mạnh trở lại….

Cánh nhà báo giật tít chửi rủa, chính trị gia ở cả 2 đảng cười nhạo như "Heo thì làm sao biết bay"; "hắn có cây phép thuật à"; "bí mật ở các kế hoạch của hắn là hắn chả có kế hoạch nào cả"; "Trump đang mơ đấy"… Cả Hollywood, các giới tỷ phú, giới nghiên cứu học thuật đều chống lại Trump.

🌺 Bỏ ngoài tai tất cả những châm biếm, tấn công từ truyền thông, sự chống đối từ đảng đối lập và ngay cả những chính trị gia cùng đảng Cộng Hòa, cả 5 đời cựu Tổng thống Mỹ thời điểm đó đều không chọn Trump, nhưng cuối cùng ông đã thắng trước sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người khắp nơi.

Đó có phải là may mắn? Wead đã viết lại rất chi tiết về hành trình tranh cử đầy đơn độc và khó khăn của ông Trump. Nhờ đó mà người ta sẽ biết được sự thật TT Trump cùng những người con lớn đã tiếp xúc với các cử tri của mình như thế nào, sẽ biết được sự thật đảng đối lập đã dùng truyền thông đưa sai thông số dự báo về tỉ lệ bầu chọn để làm nhụt chí những người ủng hộ tin rằng Trump sẽ thua ra sao.

🌺 Lý do gì Wisconsin trong suốt 32 năm chỉ bầu cho ứng viên đảng Dân Chủ đã quay qua bỏ phiếu cho Trump.

Ông đã thắng Ohio như thế nào, 1 tiểu bang trong suốt 44 đời Tổng thống qua hễ ứng viên nào chiếm được phiếu bầu thì người đó sẽ thắng cử. Tại sao có những cử tri tự nhận rằng họ đã bỏ phiếu cho các ứng viên đảng Dân Chủ cả đời của họ, lý do gì làm họ thay đổi lần bầu cử này.

Làm thế nào Trump dành được phiếu bầu những nơi mà nhà Clinton còn không thèm đến vận động vì tin chắc phần thắng thuộc về mình. Tại sao Florida gần như nắm chắc phần phiếu về cho Hillary Clinton nhưng cuối cùng đã làm cho đảng Dân Chủ ngỡ ngàng ở phút cuối. Rõ ràng đó không phải là may mắn.

🌺 Nếu Wead không viết quyển sách này có lẽ chúng ta sẽ không biết rằng thật sự Mỹ đã gần như có chiến tranh với Triều Tiên ra sao. Khi cựu tổng thống Obama rời nhiệm kỳ, Obama thừa nhận rằng Kim Jong-un sẽ là vấn đề lớn nhất mà ông Trump sẽ phải đối mặt.

Thật thú vị khi đọc đoạn đối thoại của TT Trump và Kim qua cách kể lại từ Wead. Vấn đề Trump nhận ra ở Kim đó là những tên độc tài thường uy hiếp kẻ yếu, không phải kẻ mạnh hơn.

Tuy nhiên ông đã rất cẩn trọng và đã thành công trong việc đàm phán lần thứ nhất với Kim tại Singapore. Chấm dứt việc thử vũ khí hạt nhân, đưa con tin bị bắt giữ, đưa hài cốt lính Mỹ ở Triều Tiên từ cuộc chiến Nam Hàn về Mỹ, một kết quả tuyệt vời mà Wead cho biết phải mất 11 đời Tổng thống để thực hiện.

Hội nghị đàm phán lần thứ hai tại Sài Gòn lẽ ra có thể đã có kết quả tốt đẹp nếu như truyền thông Mỹ không cố tình “vạch áo cho người xem lưng”. Tại sao ngay thời điểm quan trọng của việc đàm phán, kênh truyền hình trên màn ảnh tivi được chia ra làm đôi với 1 bên là hình ảnh trực tiếp hội nghị Mỹ-Triều Tiên tại Sài Gòn, 1 bên là hình ảnh Hạ viện Mỹ đưa ra những cáo buộc khác về Trump?

Đó chẳng phải là một thông điệp cho cả thế giới biết nội bộ Mỹ đang bị chia cắt sao. Bằng cách nào đó Kim rõ ràng đã nhận ra thông điệp đó.

Trump muốn duy trì hòa bình thế giới ư, hãy quay về giải quyết xung đột nội bộ trong nước trước đi. Đó là kết quả vì sao ở lần đàm phán thứ 2 ông đã không đạt được một thỏa thuận nào với Kim.

🌺 Wead nhìn nhận thật chua xót khi sự thù ghét Trump đã làm cho những người chống đối ông sẵn sàng đạp lên danh dự và lợi ích của nước Mỹ để đạt được mục đích của mình.

Wead viết khi Trump tuyên bố Mỹ rút lui khỏi hiệp định biến đổi khí hậu Paris, giới hoạt động môi trường, truyền thông, đảng đối lập phản đối la ó. Dân chúng phần lớn cũng chửi ông mà không hiểu rõ cái hiệp định đó là về gì.

🌺 Vâng, cái hiệp định ấy là để Mỹ phải tham gia bỏ tiền, đầu tư công nghệ, máy móc để dọn dẹp việc ô nhiễm môi trường của các nước như Trung cộng, Ấn Độ, Nam Phi… Tiền từ đâu, từ tiền thuế dân Mỹ mà ra cả.

Những người chửi Trump liệu khi biết tiền thuế của mình trước giờ phải cõng luôn cái việc dọn dẹp vệ sinh cho những nước chuyên gây ô nhiễm đó thì có còn muốn la làng lên nữa không?

Khi Obama ký tham gia hiệp định Paris 2016, truyền thông đã không hề nêu rõ nội dung về nó cho dân Mỹ biết, tất cả chỉ được viết ngắn gọn rằng nó tốt cho việc bảo vệ môi trường. Nhờ truyền thông che đậy, Obama lại được thêm lòng dân qua phong cách quí ông lịch lãm biết yêu môi trường. Nhưng sự thật thì Obama đã vi phạm điều lệ Byrd-Hargel Resolution thông qua năm 1997 qui định rằng Mỹ không được ký kết bất cứ hiệp định nào về việc làm sạch môi trường ở các nước đã nêu ở trên mà không kèm theo những quy định bắt buộc những nước đó phải có biện pháp hạn chế việc gây ô nhiễm ở chính nước của mình.

Thế mà khi ông Trump rút lui khỏi hiệp định, nước Mỹ gào lên chửi.

🌺 Wead châm biếm, dường như truyền thông đã nhào nặn thành công một hình tượng Obama bóng láng không tì vết trong lòng hơn một nửa dân chúng Mỹ.

Vì mang danh là anh cả của thế giới, Mỹ phải đang è cổ bao bọc quân sự miễn phí cho các nước Hàn, Nhật, Ả rập, khối NATO… cho tới khi TT Trump đem bàn cân ra đặt lại. Ông cho rằng thật vô lý khi Mỹ phải bỏ ra hàng tỷ mỹ kim để tạo nên những đầu đạn, tên lửa, vũ khí và tặng không cho các nước đang được coi là siêu cường của thế giới.

🌺 Giới ngoại giao, báo chí, tướng tá lại nhao lên lo sợ Mỹ sẽ làm mất lòng các đồng minh Á- Âu. Trump đã thẳng thắng gọi đó là mối quan hệ lợi dụng và giữ vững lập trường của mình. Thông điệp của ông rất rõ;

Vâng, đồng minh quan trọng nhưng Mỹ vẫn quan trọng hơn.

Mỹ không thể bị bòn rút như vậy nữa. Đức, Nhật không còn là những nước lụi bại sau chiến tranh.

Rõ ràng hiện nay họ đã là các cường quốc. Hãy nhìn nền kinh tế và sự phát triển của Nam Hàn, Ả Rập xem, đó là những nước nghèo yếu cần bảo vệ miễn phí sao? Với tài thương lượng của mình ông lại thành công trong việc bớt đi một gánh nặng trên lưng tầng lớp trung lưu Mỹ. Không những thế, nhờ Trump mà hệ thống phòng ngự NATO đã trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Về kinh tế, Wead thừa nhận trong vài chục năm qua chưa có đời Tổng thống nào đưa Mỹ đạt được mức tăng trưởng kinh tế tới 4.3 như Trump vào thời điểm Wead kết thúc quyển sách.

🌺 Trump đã làm gì để thay đổi những luật lệ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong nước từ thời Clinton, Bush và Obama để khiến cho các hãng xưởng dần bốc hơi qua bên kia bán cầu.

Ông đã làm gì để mang các hãng xưởng về lại Mỹ? Là một nhà kinh doanh ông Trump hiểu rõ cái gọi là thương mại tự do hoàn toàn không mang lại lợi ích bằng nhau cho đôi bên, mà đó là cái bẫy bên được bên mất.

Hãy tưởng tượng với 1 hãng xưởng được mở ra tại Trung cộng từ doanh nghiệp Mỹ sẽ đồng nghĩa với việc 1 hãng xưởng tại Mỹ bị đóng đi.

Khi dân Trung cộng có việc làm, dân Mỹ sẽ bị mất việc. Chúng ta tin rằng việc mang việc làm sang những nước có giá nhân công thấp để đổi lại được mua sản phẩm rẻ hơn là điều có lợi cho đôi bên nhưng thật sự đó là cái bẫy.

Ngay lúc này, cái bẫy mà không riêng gì Mỹ mà cả thế giới đang mắc phải đã lộ rõ qua việc thiếu hụt đồ y tế do phụ thuộc vào khâu sản xuất từ nước nào thì mọi người đã biết. Thật tiếc khi TT Trump chưa kịp dẹp hết cái bẫy này thì lại đang bị chỉ trích từ nhiều phía về tình hình hiện tại.

🌺 Vì sao giới học thuật, các trường đại học Mỹ thường ủng hộ cho Dân Chủ?

Vì sao các ứng viên của đảng này luôn mang những vấn đề về súng, về việc xóa hết nợ cho sinh viên, về y tế, về dân nhập cư, về đường lối ngoại giao song phương mềm mỏng… để làm chủ đề chính cho những cuộc vận động tranh cử.

-Liệu những vấn đề đó có thật sự tốt như nó được hứa từ các ứng viên.

-Liệu nó giúp Mỹ đứng vững hay suy yếu thêm trên đấu trường thế giới.

-Đối tượng tầng lớp nào họ đang hướng đến để kiếm được sự ủng hộ.

-Tại sao lại trì hoãn ngăn chặn dân nhập cư bất hợp pháp?

-Tại sao đảng Dân Chủ đưa ra ý kiến đồng thuận việc cấp bảo hiểm y tế cho dân nhập cư lậu trong cuộc bầu cử sắp tới? (Ôi, lại tiền thuế!)

-Liệu có phải di dân lậu từ các nước Nam Mỹ thông qua cửa ngõ Mexico là một nguồn lợi nhuận dồi dào mà chỉ có dân chính trị gia, lợi ích nhóm ngầm thỏa hiệp với nhau mới hiểu rõ?… Hãy đọc và tìm câu trả lời qua lối viết lôi cuốn rõ ràng từ Wead.

Có nhiều những thành tựu khác mà TT Trump đã đạt được chỉ trong hai năm đầu nhiệm kỳ mà Wead phải thừa nhận rằng chưa có đời Tổng Thống gần đây nào đạt được như vậy.

Từ kinh tế, quân sự, đàm phán ngoại giao cho đến giải thoát con tin Mỹ, tiêu diệt khủng bố. Trump đều hoàn thành nhanh gọn.

Nhưng phần lớn truyền thông và đảng đối lập sẽ không dễ dàng thừa nhận những thành tựu đó.

TT Trump đang là cái gai đã gây tổn thất quá nhiều cho lợi ích nhóm mà họ sẽ phải dùng mọi thủ đoạn để nhổ bỏ đi.

Đó là lý do tại sao phải tạo ra giả thuyết tố cáo Trump đã bắt tay với Nga gian lận trong bầu cử (tốn 40 triệu $ để điều tra từ tiền thuế dân!) Khi không tìm được chứng cớ thì lại tạo ra phiên tòa luận tội vô lý mà kết quả như thế nào thì ai cũng biết rồi.

Chắc chắn ông Trump sẽ còn chịu nhiều chống đối khác cho đến khi đảng đối lập và các nhóm lợi ích đạt được mục đích của họ.

Kết thúc quyển sách của mình, Wead để người đọc tự tìm ra câu trả lời cho tương lai của nước Mỹ qua những con số xác thực, những vấn đề quan trọng ông đã đưa ra phân tích. Liệu những thành quả mà TT Trump đạt được sẽ được người sau tiếp nối hay dẹp bỏ? Wead cho rằng sẽ sớm thôi khi những cuộc tranh cử theo lối mòn cũ trở lại khi ông Trump ra đi, khi các ứng viên Tổng thống được đo ni đóng gót khác trong guồng máy chính trị được đưa lên, khi Mỹ lại dẫm vào những cái bẫy kinh tế ngoại giao khác.

Khi Mỹ đánh mất vị trí số 1 của mình, dân Mỹ sẽ tỉnh giấc nhìn ra sự thật về những việc Trump đã làm luôn hướng đến "America First" như thế nào.

Nhưng thật tệ là lúc đó đã quá muộn!

(Via "Chúng Tôi Muốn Tự Do")
(TTR highlight)

25 April 2020

Chiến lược của Hoa kỳ để đáp ứng mối đe dọa ngày càng tăng của Trung Cộng - (Tiến sĩ John Lenczowski)

Vào ngày 18 tháng 10 năm 2019, Defense Forum Foundation (Quỹ Diễn đàn Quốc phòng) đã tổ chức Congressional Defense and Foreign Policy Forum on Capitol Hill (Diễn đàn Chính sách đối ngoại và Quốc phòng của Quốc hội tại Capitol Hill). Tiến sĩ John Lenczowski, người sáng lập và Chủ tịch của Institute of World Politics, IWP (Viện Chính trị Quôc tế) đã bàn về mối đe dọa của Trung Cộng đối với Hoa Kỳ và những điều cần phải làm để triển khai một chiến lược tổng hợp toàn diện. Dưới đây là bản ghi lại cuộc thảo luận đó.

Suzanne Scholte: Chào quý vị, xin quý vị chú ý, chúng ta sẽ bắt đầu với chương trình. Tôi là Suzanne Scholte, Chủ tịch Quỹ Diễn đàn Quốc phòng. Tôi hân hạnh chào đón quý vị đến Diễn đàn Chính sách đối ngoại và Quốc phòng của chúng tôi. Xin cám ơn quý vị. Tôi biết tất cả mọi người đều có một lịch trình rất bận rộn, nhưng tôi muốn cảm ơn quý vị đã dành thời gian để tham gia với chúng tôi hôm nay. Trước khi giới thiệu diễn giả, tôi muốn ghi nhận nỗ lực của ông Ty McCoy, Phó Chủ tịch của chúng tôi, một trong những người có công trong việc thực hiện diễn đàn này ngày hôm nay.

 Tôi cũng muốn giới thiệu một anh hùng cho người dân Tàu; người là nguồn cảm hứng cho những người chiến đấu cho tự do trên toàn thế giới, ông cũng là một trong những anh hùng đối với cá nhân tôi, Tiến sĩ Yang Jianli, Chủ tịch và Người lập ra Citizen Power Initiatives for China (Sáng kiến Quyền lực Công dân cho Trung Hoa). Ông vừa về từ Prague nhưng đã vội đến đây chỉ để nghe diễn giả của chúng ta.


Tiến sĩ John Lenczowski
Diễn giả của chúng ta hôm nay, Tiến sĩ John Lenczowski, là Người sáng lập và Chủ tịch của Viện Chính trị Thế giới, là tổ chức học thuật duy nhất chuyên giảng dạy tất cả các nghệ thuật trị nước, từ chiến lược quân sự, đến chiến lược kinh tế, đến lãnh đạo tinh thần, và làm thế nào để hội nhập những điều này vào một chiến lược quốc gia. Thực vậy, ông là người đầu tiên đặt ra thuật ngữ full-spectrum diplomacy (ngoại giao toàn phổ) là một chiến lược tổng hợp bao gồm tất cả các công cụ nhập cuộc, bao gồm cả ngoại giao truyền thống và ngoại giao quần chúng, cũng như ngoại giao văn hóa, tức là tăng cường liên hệ với quần chúng – đó là điều mà tôi rất ưa thích, bởi vì như nhiều người trong quý vị biết chúng tôi có liên kết với Đài phát thanh Bắc Hàn, là đài tiếp súc với người dân ở Bắc Hàn.


Tôi muốn nói với quý vị một chút về những gì tiến sĩ John Lenczowski đã làm trước khi ông thành lập Học viện Chính trị Thế giới. Vào những năm 1980, ông phục vụ tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ với tư cách là Cố vấn đặc biệt cho Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách Chính trị. Trong nhiệm vụ này ông đã giúp cho Radio Free Europe và Radio Liberty có sự hỗ trợ cần thiết để phổ biến tin tức nhanh chóng và khắc phục những nỗ lực gây nhiễu của Liên Xô. Ông đã vận động Quốc hội chuẩn y 2.5 tỷ đô la để hiện đại hóa VOA và Radio Free Europe / Radio Liberty. Đồng thời, ông là thành viên của Active Measures Working Group (Nhóm làm việc về các biện pháp tích cực), nhắm vào thông tin sai lệch của Liên Xô.. Sau đó, ông là Giám đốc về Âu châu và Liên Xô Sự vụ tại Hội đồng An ninh Quốc gia, với chức vụ là Cố vấn chính về Liên Xô sự vụ cho Tổng thống Ronald Reagan. Trong vai trò đó, ông đã giúp phát triển chính sách giúp làm sụp đổ Đế quốc Liên Xô. Do đó, vì là một trong những người đã giúp Hoa Kỳ chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh chống lại Liên Xô, nên điều thích hợp nhất là tôi đã mời Tiến sĩ Lenczowski thảo luận về đề tài: Chiến lược của Hoa kỳ để đáp ứng mối đe dọa ngày càng tăng của Trung Cộng. Xin mời ông John.

**
Tiến sĩ John Lenczowski: Xin chào quý vị. Cảm ơn bạn Suzanne rất nhiều vì lời giới thiệu rất hay đó. Bạn thực sự đã tìm hiểu rất kỹ về quá trình hoạt động của tôi. Tôi rất biết ơn bạn đã làm công việc đó. Tôi muốn cảm ơn bạn vì những nỗ lực anh dũng không ngừng của bạn để bảo vệ tự do và an ninh cho đất nước này, và yểm trợ công cuộc tranh đấu của những người bị áp bức trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Bắc Hàn và Trung Cộng. Bạn đã là một trong những người kiên định hoạt động cho an ninh quốc gia của chúng ta trong nhiều năm. Chính bạn đã giúp tôi có vinh dự tham gia vào diễn đàn này.

Tôi cũng muốn cảm ơn Ty McCoy đã hỗ trợ cho Quỹ Diễn đàn Quốc phòng. Điều ngẫu nhiên Ty cũng là một thành viên của Hội đồng quản trị và ban Điều hành của Viện Chính trị Thế giới. Anh ấy là một người hỗ trợ tuyệt vời cho nỗ lực của chúng tôi, và vì vậy tôi muốn cảm ơn Ty vì sự phục vụ phi thường của anh ấy cho đất nước trong nhiều năm.

Hôm nay, tôi muốn nói về cách khai triển một chiến lược tổng hợp để đối phó với Trung Cộng. Trước khi bắt đầu nói về những gì chúng ta phải làm, tôi muốn thảo luận ngắn gọn nhất có thể về toàn bộ mối đe dọa của Trung Cộng đối với Hoa Kỳ và thế giới tự do.

Trung Cộng đã tiến hành Chiến tranh Lạnh chống lại Hoa Kỳ trong nhiều năm, hoặc có thể nói nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, chúng ta có rất nhiều trở ngại cho khả năng nhận thức thực tế này. Chúng ta có những ý nghĩ không tưởng về cách Trung Cộng sẽ tự biến đổi trong nội bộ. Chúng ta có đầy những suy nghĩ mơ ước, sự mù quáng cố ý – điều mà Solzhenitsyn gọi là “không muốn biết”. Chúng ta không muốn đối mặt với những thực tế đang diễn ra ngay trước mắt chúng ta.

Rồi, lẽ dĩ nhiên, có rất nhiều người đã có được những bài học rất hay phải tự kiểm duyệt mình để sống trong một chế độ toàn trị. Chúng ta thấy các doanh nghiệp của chúng ta cũng tự kiểm duyệt, cho dù đó là NBA (US National Basketball Association – Hội Bóng Rổ Hoa kỳ), tập hợp khách sạn, các hãng hàng không của chúng ta và mọi người khác. Đó là một cảnh tượng thảm hại và kinh tởm cho những người trong chúng ta tin rằng khi sống ở Mỹ, ta vẫn phải có đủ can đảm để nói ra một số sự thật. Nhưng điều đó trở nên ít có thể làm được, ngay cả ở đất nước chúng ta, khi các trường đại học của chúng ta cũng ở trong số những kẻ thù lớn nhất của tự do ngôn luận, và hiện tượng tránh né đụng chạm chính trị đang diễn ra tràn lan ở đất nước chúng ta.

Tôi xin kiểm điểm một số hành động Chiến tranh Lạnh mà Trung Cộng đã và đang thực hiện chống chúng ta.

Trước hết, có hoạt động gián điệp thực sự rất lớn chống đất nước chúng ta. Có ít nhất 50.000 người thu thập thông tin tình báo Trung Cộng ở đất nước này, nhưng chúng ta biết có thể gấp đôi số đó. Tôi không nghĩ rằng phản gián của Hoa Kỳ có thể cho chúng ta một số ước tính tốt. Tôi chỉ biết là bất cứ khi nào tôi nói chuyện với các cơ quan phản gián của chúng ta, mỗi khi tôi đưa ra con số đại khái là 10.000, hay 25.000 thì họ đều nói rằng tôi đánh giá quá thấp. Vì vậy 50.000 dường như là một con số chính xác hơn.

Có hơn 350,000 sinh viên Tàu tại đất nước này, trong số đó, và thêm vào đó, còn có hàng ngàn nhà nghiên cứu Tàu. Trong một năm người Tàu thực hiện 5.000 chuyến thăm tới các phòng thí nghiệm quốc gia của chúng ta, mỗi chuyến thăm có thể lâu từ hai tuần đến hai năm. Chúng ta để họ làm mhư vậy. Chúng ta chuyển giao cho họ kỹ thuật công nghệ của chúng ta. Tất nhiên, chúng ta không chỉ để họ lấy cắp; chúng ta thực sự đưa nó cho họ. Và trong khoảng ba đến bốn thập kỷ, chúng ta đã kín đáo và cố tình hỗ trợ Trung Cộng trong việc phát triển khoảng 10.000 kỹ thuật công nghệ khác nhau.

Hoa Kỳ đã cố tình xây dựng Trung Cộng thành một siêu cường và trở thành mối đe dọa sinh tử đối với sự tồn tại của chính chúng ta. Chúng ta đã làm như vậy trên cơ sở những gì tôi bây giờ tôi coi là – và ngay vào thời điểm đó – một chính sách rất thiếu sáng suốt khi cố gắng chơi trò cân bằng quyền lực chính trị thế kỷ 19 bằng cách dùng Trung Cộng chống lại Liên Xô. Rốt cục chính sách này đã tạo ra một sự ngộ nhận vừa về đạo đức vừa về chiến lược, coi Liên Xô cộng sản xấu và ngụ ý coi Trung Cộng tốt. Chính quyền Obama đã cấp thị thực 10 năm cho 2 triệu người Tàu. Trong số những người Tàu vào nước ta có những phụ nữ đang sinh con ở đây – để con thành công dân Mỹ – nhưng sau đó mẹ lại về Tàu.

Người Tàu Cộng đang tiến hành thu thập số lượng dữ liệu khổng lồ về người Mỹ. Tất nhiên, quý vị đã biết khoảng 21 triệu tập tài liệu về bản thân của những người được phép tiếp cận với tài liệu mật mà tình báo Trung Cộng đã đánh cắp từ Văn phòng Quản lý Nhân viên. Chúng ta biết rằng 78 triệu hồ sơ y tế đã bị hack và lấy trộm từ công ty bảo hiểm y tế Anthem. Một trong những công ty lớn có thể cho bạn biết bạn có tổ tiên là người Neanderthal không là một công ty của người Tàu, và họ đang thu thập DNA của chúng ta.

Họ đang tiến hành một công cuộc xây dựng quân sự khổng lồ, bao gồm cả vũ khí không gian. Người ta cho rằng họ đang đi trước chúng ta trong việc vũ khí hóa không gian. Vào năm 2007, họ đã tiến hành một cuộc thử nghiệm laser chống lại các vệ tinh của Hoa Kỳ để chứng minh khả năng làm mù các vệ tinh. Họ có vũ khí trực tiếp phóng lên chống vệ tinh. Chúng ta không có gì để chống lại các võ khí này. Họ đang nỗ lực tăng cường hải quân, trong khi các tàu của chúng ta bắt đầu lỗi thời và các hạm đội của chúng ta bị thu hẹp thì Trung Cộng tiếp tục đẩy mạnh xây dựng hải quân với tốc độ rất nhanh.

Trung Cộng đã xây dựng Vạn Lý Trường Thành ngầm, là một tập hợp các đường hầm được gia cố bằng thép và bê tông, trong đó bạn có thể lái một chiếc xe tải, phía sau có kéo một bệ phóng ICBM di động có vũ khí hạt nhân. Hệ thống đường hầm này lớn cỡ nào? Ước tính tốt nhất cho đến nay là vào khoảng 3,000 dặm đường hầm. Họ che giấu tên lửa hạt nhân trên đất liền của họ trong các đường hầm này. Người ta không biết điều này, bởi vì các cơ quan truyền thông lớn của chúng ta đã không phổ biến điều này. Trung Cộng đã phát triển một loại bom neutron. Họ đang phát triển và có thể đã sản xuất vũ khí siêu âm. Họ đã phát triển khả năng gửi một xung điện từ có thể quét sạch toàn bộ lưới điện của chúng ta. Chúng ta hầu như chưa làm được như thế. Có rất nhiều điều cần nói về quân sự. Nhưng đó chỉ là một vài điểm nổi bật.

Sau đó là các hoạt động gây ảnh hưởng và tuyên truyền của họ. Trung Cộng có các hoạt động tuyên truyền lớn đang diễn ra trên khắp thế giới. Họ có khoảng 3,000 đài truyền hình, 2,500 đài phát thanh. Họ kiểm soát hàng ngàn tờ báo, ít nhất sáu tờ báo tiếng Anh. Họ đang phát sóng bên trong đất nước này, từ trong biên giới của chúng ta và từ Mexico.

Họ đang lũng đoạn phương tiện truyền thông của chúng ta. Chúng ta đều biết về các kỹ thuật truyền thống để báo cáo từ các nước toàn trị. Đó là trường hợp ở Liên Xô, ở Tàu cũng vậy, các nhà báo của chúng ta không viết về những gì tôi gọi là bốn điều cấm kỵ. Bốn điều cấm kỵ là gì? Đừng viết về quân đội Trung Cộng; đừng viết về gián điệp của họ; đừng viết về các biện pháp thi hành, tuyên truyền và hoạt động lén lút của họ; và đừng viết về vi phạm nhân quyền của họ. Nếu bạn tự kiểm duyệt tất cả những điều đó, nếu bạn không làm gì quá xúc phạm đối với các quan ở Bắc Kinh thì họ có thể để bạn báo cáo những điều tầm thường hơn nhiều.

Xin nói thêm là các học giả Mỹ cũng tự kiểm duyệt, bởi vì nếu họ viết về bất kỳ điều gì trong bốn điều cấm kỵ quá mức xúc phạm tới Bắc Kinh, thì họ sẽ không được cấp thị thực vào Trung Cộng. Vì vậy, cả nhà báo và các học giả đều bị chi phối bởi hạn chế thị thực và các hạn chế tiếp cận khác. Hiển nhiên các phóng viên sẽ phải tự kiểm duyệt, nếu họ không muốn văn phòng ở Bắc Kinh của họ bị đóng cửa. Nhưng những người giỏi nhất sau đó sẽ về Mỹ và có lẽ viết một cuốn sách với sự thật mà họ không thể báo cáo trên các trang nhất của tờ New York Times và The Washington Post.

Nói về hai tờ báo đó, hai tờ báo có ảnh hưởng nhất ở Hoa Kỳ: cả hai đều lấy hàng triệu đô la từ Bộ tuyên truyền Bắc Kinh để đăng tải phụ trương định kỳ China Watch, tài liệu tuyên truyền cố hữu của Cộng sản. China Watch ảnh hưởng mọi người đến mức nào? Tôi không dám nói chính xác. Tôi nghĩ rằng nó phải ảnh hưởng một phần nào. Điều nó thực sự làm là nó khai thác sức mạnh của phương tiện truyền thông để bỏ qua, và cơ bản là nó mua chuộc giới truyền thông để tuân thủ bốn điều cấm kị. Các phương tiện truyền thông lớn khác, chẳng hạn như các mạng truyền hình, cũng làm theo New York Times và The Washington Post. Nếu quý vị muốn tìm hiểu bất cứ điều gì về một số vấn đề trong số bốn chủ đề cấm kỵ này, quý vị phải đọc The Washington Times, The Epoch Times và các nguồn truyền thông khác không bị Bắc Kinh hủ hóa.

Bắc Kinh đang hủ hóa các tổ chức học thuật của chúng ta là nơi có lập 107 Học viện Khổng Tử. Đây là những trung tâm tuyên truyền nhằm tiêu diệt những chỉ trích của giới kinh điển về chính sách của Bắc Kinh. Các viện này bị người Tàu Cộng kiểm soát và phải tuân theo quy định phát biểu của Trung Cộng. Chúng ta có 20 trung tâm văn hóa Mỹ ở Trung Cộng do người Tàu Cộng kiểm soát chứ không phải chúng ta.

Trung Cộng đang cho rất nhiều tiền cho các trường đại học Mỹ. Họ đã tặng 250 triệu đô la cho Harvard, hàng triệu đô la cho Stanford. Báo cáo đáng tin cậy nói rằng một tổ chức trá hình của tình báo Trung Cộng đã cho tiền và tham gia vào các dự án chung với Atlantic Council, (Hội đồng Đại Tây Dương), East-West Institute (Viện Đông-Tây), the Carnegie Endowment for International Peace (Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế), the Carter Center (Trung tâm Carter) và the Brookings Institution (Viện Brookings). Còn có nhiều tổ chức khác nữa. Trường cũ của tôi, Johns Hopkins School of Advanced International Studies (Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp Johns Hopkins), đã lấy tiền từ tổ chức trá hình này. Tất cả đều bị hủ hóa. Đó là điều không thể dung tha được trong một xã hội tự do. Hình như không có ai nói nhiều về vấn đề này.

Trung Cộng đang ráo riết cố gắng hủ hóa các chính trị gia của chúng ta. Có tài liệu đầy đủ về các đóng góp rất lớn của họ cho các cuộc tranh cử ít ra là từ thập niên 1990, Họ nhắm vào các nhân viên của quốc hội, vào người trong gia đình của các chính trị gia. Họ thích làm giầu cho bà con của một số các chính trị gia nổi tiếng. Quý vị có thể đọc một chút về sự kiện này trên báo. Sau đó, họ nhắm mục tiêu vào các chính trị gia tiểu bang và địa phương, bởi vì họ biết rằng ủy viên hội đồng có thể trở thành thượng nghị sĩ tiểu bang và một thượng nghị sĩ tiểu bang có thể trở thành nghị sĩ Hoa Kỳ: đây là chiến lược được gọi là chiến lược triều cường.

Lẽ dĩ nhiên Trung Cộng hành động gây ảnh hưởng trong cộng đồng doanh nghiệp của chúng ta. Sự trung lập hoá chính trị giới doanh nghiệp Mỹ là một trong những hiện tượng ngoạn mục và có ý nghĩa chiến lược nhất mà chúng ta từng thấy trong bất kỳ hành vi kiểu Chiến tranh Lạnh nào trong suốt thế kỷ qua. Lenin, Stalin, Brezhnev, Andropov, Gorbachev – ngoại trừ Gorbachev hãy còn sống – chắc phải ghen ty dưới mồ khi thấy Trung Cộng thành công như thế nào trong việc trung lập hóa chính trị giới doanh nghiệp của chúng ta.

Nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp – thành viên hội đồng quản trị của các trường đại học và các think tank của chúng ta – đang kiếm được nhiều tiền nhờ kinh doanh với Trung Cộng. Một số trong các người đó đang kiểm duyệt các công việc phân tích đang diễn ra trong những think tank đó. Một ví dụ cụ thể, trong một think tank nổi tiếng ngay tại thành phố này, một nhà phân tích quân sự đã viết về sự phát triển của quân đội Trung Cộng một cách khách quan vô tư, dựa trên thực tế, không có tính cách mị dân. Một nhà lãnh đạo doanh nghiệp lớn có lợi ích kinh doanh lớn ở Trung Cộng và cũng là một nhà tài trợ chính cho think tank đó rất bận tâm về tài liệu phân tích của chuyên gia này, bởi vì nhà doanh nghiệp đó nghĩ rằng nếu nhiều người Mỹ bắt đầu lo lắng về việc tăng cường lực lượng quân sự của Trung Cộng, thì điều đó có thể là gây ra căng thẳng Mỹ-Trung. Ông ta tin rằng nếu có thêm căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng, thì sẽ gây ra tình trạng bất ổn ảnh hưởng bất lợi đến lợi ích kinh doanh của ông. Ông sắp xếp để chuyên viên phân tích đó bị sa thải và cho một số tiền lớn để bịt miệng. Chuyên viên bị sa thải đến một think tank khác. Hai ủy viên quản trị của think tank này là những người đóng góp tài chính lớn cho think tank đó dọa sẽ từ chức và ngưng hỗ trợ tài chính cho think tank nếu không sa thải chuyên viên này. Thế là ông chuyên viên đó lại bị sa thải.

Tôi có thể kể cho quý vị nhiều câu chuyện nữa như vậy, như chuyện một trong những giáo sư của chúng ta đã từng làm việc tại một think tank lớn khác. Ông bắt đầu phản đối công khai về việc có bao nhiêu cựu thành viên Nội các – Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng và Giám đốc Tình báo Trung ương – đều trực tiếp hoặc gián tiếp nhận thù lao của Bắc Kinh. Tuy nhiên, chính những người này đã tới Quốc hội, tới các tòa nhà như thế này, đến các phòng gần đó để điều trần với tư cách là các chính khách cao niên, bề ngoài là vì lợi ích của Hoa Kỳ, nhưng không tiết lộ mâu thuẫn về quyền lợi (conflict of interest) “ăn cây táo rào cây sung” của họ. Họ hầu như luôn luôn hạ thấp mối đe dọa của Trung Cộng. Đó là chủ đề chính: hạ thấp mối đe dọa Trung Cộng và khuyến khích mọi người tin rằng Trung Cộng sẽ cải tổ nội bộ và trở thành một nền dân chủ. Chà, chính một trong những thành viên nội các đó lại là thành viên trong hội đồng quản trị think tank, và chính ông ta đã sắp xếp việc sa thải anh chuyên viên phân tích. Rốt cục chúng tôi đã thu dụng anh chuyên viên đó vào Học viện Chính trị Thế giới.

Trung Cộng đầu tư nhắm vào các khu vực bầu cử mà Trung Cộng đặc biệt chú ý. Một trong những chiến lược chính của họ là liên doanh với một công ty địa phương của Mỹ. Nếu có một số mối đe dọa đối với lợi ích của Trung Cộng, mối đe dọa đó cũng sẽ ảnh hưởng tới nhân viên trong công ty Mỹ đó. Gần đây, chúng tôi đã thấy một trong những nhà lãnh đạo nổi bật của chúng ta tại Hạ viện này đứng ra bảo vệ một liên doanh Hoa Kỳ-Trung Cộng trong khu vực bầu cử trái với lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ.

Trung Cộng đang thực hiện các biện pháp tích cực. Các biện pháp tích cực là một thuật ngữ cũ của KGB dùng để chỉ thông tin sai lệch, giả mạo, hoạt động bí mật ảnh hưởng tới chính trị, khiêu khích, nghi binh, tuyên truyền đen, tất cả các loại “hành động có tính cách tuyên truyền”, kể cả khủng bố, v.v. Họ để Bộ phận Công tác Mặt trận Thống nhất của họ làm việc này. Đó là một hoạt động lớn. Tập Cận Bình đã bổ sung 40.000 nhân sự mới cho Ban Công tác Mặt trận Thống nhất Trung ương Đảng Cộng sản Tàu (United Front Work Department), thêm vào hàng ngàn người đã làm việc ở đó (nhưng tôi chưa thể có con số nhân sự chính xác). Những biện pháp tích cực này rất đa dạng. Hôm nay tôi không thể đi vào chi tiết: chỉ cần nói rằng người Tàu Cộng đang sử dụng phương tiện truyền thông xã hội như một phần trong công cụ tuyên truyền, những nỗ lực của họ cũng lớn như những nỗ lực của Nga đã được ghi nhận kỹ lưỡng trong Báo cáo Mueller. Nhưng dường như không ai quan tâm nhiều đến các hoạt động của Trung Cộng.

Người Tàu (cộng) đã xâm nhập vào cộng đồng người Mỹ gốc Tàu trên khắp thế giới và ở đất nước này, và đã cố gắng chiếm lấy và gây ảnh hưởng đến giới truyền thông Mỹ gốc Tàu. Họ cố gắng bịt miệng những người bất đồng chính kiến đang tị nạn ở Hoa Kỳ.

Tàu cộng đang ảnh hưởng đến Hollywood. Họ hạn chế số lượng phim có thể được phân phối bên trong Trung Cộng và họ khiến các nhà sản xuất Hollywood phải tự kiểm duyệt để làm các bộ phim, bao gồm cả những bộ phim chỉ được chiếu ở Hoa Kỳ, không xúc phạm tới Tàu Cộng – đây là một vấn đề rất lớn. Trung Cộng sở hữu toàn bộ chuỗi nhà hát AMC[1].

Sau đó, họ đã có chiến lược kinh tế. Đó là một chiến lược có đặc trưng ngắn gọn là sự hoàn toàn không có qua có lại. Nó không phải là tự do mậu dịch. Đó là chiến lược giao dịch trọng thương vơ lợi vào cho mình, nhằm ngầm phá hoại các tập đoàn Mỹ, khiến họ bị sập tiệm và chiếm thị phần của họ ở Hoa Kỳ. Họ mua các công ty Mỹ. Họ đã liên doanh với các công ty Mỹ. Họ tài trợ cho các công ty công nghệ cao của Mỹ. Họ sử dụng thị trường vốn của Mỹ để tiếp cận vốn để tài trợ cho sự phát triển công nghệ của chính họ và công cuộc tăng cường quân đội. Ngay bây giờ, có một số nỗ lực, tôi không biết chính xác chi tiết về điều này, có thể thay đổi một số quy định tại Hoa Kỳ cho phép các quỹ hưu trí liên bang và quỹ hưu trí quân sự của chúng ta, đổi từ mức 5% mức đầu tư vào các công ty Tàu Cộng, lên mức 20% hoặc 25%. Phải ngăn chặn mưu toan này. Có lẽ có một người trong phòng hội này có khả năng làm điều gì đó.

Tàu Cộng, tất nhiên, đặt điều kiện khi vào thị trường Trung Cộng: Bạn phải chuyển giao công nghệ của bạn. Bạn phải mang hoạt động nghiên cứu và phát triển của mình vào Trung Cộng. Họ không cho phép bạn tiếp cận với tất cả hàng tỷ người tiêu dùng của họ. Họ đang sản xuất hàng giả. Tất nhiên, họ đang sử dụng công nghệ đánh cắp được. Thành thật mà nói, tôi nghĩ rằng chúng ta cần bắt đầu sử dụng một số ngữ nghĩa tốt hơn về tất cả những điều này. Khi một người mua một sản phẩm của Trung Cộng, đôi khi người ta mua hàng hóa thực sự là “hàng ăn cắp”. Tôi không nghĩ rằng đó là danh dự hay đạo đức, và có lẽ nó không nên coi việc mua hàng ăn cắp là hợp pháp.

Họ đang mua chuộc nhiều nguời giỏi nhất và sáng giá nhất của chúng ta và thu dụng họ vào Kế hoạch Ngàn người (Thiên nhân Kế hoạch) của họ.

Họ cho người của họ nằm vùng trong các công ty kế toán quan trọng nhất ở đất nước này. Thế là tình báo Trung Cộng nắm được thông tin nội bộ của những đại công ty để giúp họ tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp trong thị trường chứng khoán. Những công ty kế toán nhìn thấy những sổ sách nội bộ của nhiều tập đoàn lớn của chúng ta. Vì vậy, tình báo Trung Cộng có được thông tin nội bộ về khiến họ tham gia vào các giao dịch bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán. Nhưng vì họ có lợi thế nhờ các dịch vụ tình báo giúp đỡ họ, họ có thể che giấu tất cả những điều này theo cách mà SEC (Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ – Securities and Exchange Commission) và các cơ quan thi hành luật khác không thể xử lý.

Trung Cộng đã đột nhập các giao dịch trên mạng của các của công ty Hoa Kỳ. Họ đã có thể hack vào các máy chủ của công ty nơi đặt hàng sản phẩm và giảm mức độ của những đơn hàng đó. Do đó, họ đã phá hoại sự thành công của các công ty công nghệ cao mới phát triển. Và sau đó, khi công ty bắt đầu lung lay, họ sẽ đến và mua công ty với giá rất rẻ.

Họ có một chiến lược chiến tranh kinh tế bao gồm các mánh khóe bất hợp pháp như naked short selling[2], và đã được phát hiện trong quá khứ, đặc biệt là trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nơi cả Trung Cộng và một số quỹ tài sản có giới cầm quyền ở Trung Đông đều tham gia bán, tất cả thông qua một công ty môi giới không có tiếng tăm gì ở Texas. Mặc dù thực tế điều này là bất hợp pháp, nhưng chúng ta dường như không chú ý nhiều đến nó, bởi vì chính phủ Hoa Kỳ không quan tâm nhiều đến chiến tranh kinh tế.

Tiếp đến là mối đe dọa 5G mà chính tôi cũng không thể bắt đầu mô tả mức độ bị tổn thương của đất nước chúng ta và toàn bộ thế giới tự do, nếu Trung Cộng thành công trong việc độc quyền 5G. Họ sẽ có thể dùng kỹ thuật đó như một vũ khí trong mọi lĩnh vực: mọi công nghệ được kết nối và không bảo mật đều có thể bị 5G khống chế.

Họ có một chiến lược chính trị toàn cầu. Tất cả quý vị đều biết về Sáng kiến Vành đai và Con đường, một nỗ lực tân thuộc địa để lôi kéo giới lãnh đạo chính trị ở các quốc gia trên thế giới. Trong nhiều năm, họ đã có một chiến lược toàn cầu để duy trì sự hiện diện về dân số và cơ sở hạ tầng tại mọi điểm then chốt chiến lược trên mặt biển lớn trên thế giới: tại Eo biển Malacca, Eo biển Hormuz, ở Eo biển Bab-el-Mandeb họ có căn cứ mới ở Djibouti, họ đã ở kênh đào Suez, họ ở Dardanelles, họ ở hai đầu kênh đào Panama. Tôi không biết về Gibraltar. Nếu có ai nghe nói về sự hiện diện của Trung Cộng tại Gibraltar, xin cho tôi biết và tôi có thể thêm vào bảng liệt kê.

Rồi còn có những hành động xâm lược linh tinh khác nữa. Dịch fentanyl ở đất nước này không phải ngẫu nhiên mà có. Người Tàu đã dính líu vào chiến tranh ma túy. Thực vậy, toàn bộ chương trình của Liên Xô được gọi là Druzhba narodov (hữu nghị giữa các dân tộc), là một chương trình được Nikita Khrushchev phát triển vào những năm 1950, để khiến cho không phải KGB và GRU, mà là các nước chư hầu của đế chế Liên Xô  đưa ma túy vào Tây phương để làm hỏng đầu óc của giới trẻ Mỹ; để kiếm được nhiều tiền – rất nhiều tiền – đến nỗi họ đã tài trợ cho toàn bộ dịch vụ tình báo của các quốc gia chư hầu bằng tiền bán ma túy bất hợp pháp; và nắm hồ sơ về các chính trị gia tham nhũng ở nhiều quốc gia khác để các người này có thể bị thao túng cho mục đích tình báo. Nikita Khrushchev đã làm tất cả những điều này như thế nào? Ông lấy cảm hứng từ việc người Tàu sử dụng ma túy như một vũ khí chiến tranh trong Chiến tranh Triều Tiên. Nó hiệu quả đến nỗi ông muốn làm theo y như vậy để phục vụ cho Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh.

Khoảng 15 năm trước – tôi không nhớ ngày chính xác – một trong những sinh viên của chúng tôi tại Học viện Chính trị Thế giới, người làm việc với đơn vị tình báo tại Hải quan Hoa Kỳ, nói với chúng tôi về cách Hải quan Hoa Kỳ vừa bắt vụ Trung Cộng mưu đồ xuất khẩu sung AK-47 cho các băng đảng đường phố Los Angeles. Vũ khí tiếp theo mà họ mưu toan gửi đến là những tên lửa phòng không vác vai mô phỏng loại Stinger.

Tất nhiên, rất nhiều mối đe dọa mà chúng ta phải đối mặt là kết quả của các nhược điểm chúng ta tự gây ra. Chúng ta phụ thuộc đáng một cách kinh ngạc vào Trung Cộng đối với các loại dược phẩm theo toa và các chuỗi cung ứng quan trọng khác.

Vậy phải làm gi? Tôi nghĩ điều số một là phải nói thật. Đã từ lâu, quá lâu, chúng ta đã không nói lên sự thật cho chính chúng ta. Điều này đã khiến chúng ta bị nguy hại không thể tưởng tượng được.  Đương kim Tổng thống, dù ta có thể cho ông là thế nào đi chăng nữa, là Tổng thống đầu tiên trong số các vị cầm quyền khác đã nói lên một số sự thật rõ rệt về mối đe dọa từ Trung Cộng. Tôi nghĩ rằng chính quyền này còn có thể làm nhiều điều hơn nữa.

Điều tiếp theo là chúng ta phải thiết lập phòng thủ. Tôi nghĩ rằng một trong những phòng thủ đầu tiên mà chúng ta phải xây dựng là một nỗ lực mới to lớn trong công cuộc phản gián. Hiện tại, chúng ta yếu về phản gián. Chúng ta đã yếu trong nhiều năm. Có rất nhiều lý do cho tình trạng này. Chúng tôi tại Viện Chính trị Thế giới nghiên cứu điều này rất cẩn thận. Những người bạn quan tâm đến vấn đề này nên đến học hỏi tại viện của chúng tôi. Ngoài chính phủ Hoa Kỳ, chúng tôi là tổ chức đầu tiên cấp bằng Thạc sĩ về Nghiên cứu Tình báo Chiến lược bên và chúng tôi có chương trình phản gián nghiêm túc nhất trên toàn quốc. Tất cả những gì tôi có thể nói là trận tấn công tình báo ào ạt chống lại đất nước chúng ta phải được ngăn chặn. Chúng ta cần đặt nhiều trí tuệ hơn vào cuộc phản công, và tiếp theo phải có nhiều nhân lực hơn, Sau đó, chúng ta cần ban hành một số chính sách mới, nhưng rất cơ bản.

Chúng ta phải bắt đầu hạn chế sự tiếp cận. Trong Chiến tranh Lạnh, chúng ta đã không để cho người Liên Xô đi hơn 25 dặm ngoài các cơ sở ngoại giao của họ tại khu vực thủ đô quốc gia, tại New York (tại trụ sở Liên Hiệp Quốc), và bất cứ nơi nào họ có một lãnh sự quán, như ở San Francisco, chẳng hạn. Người Tàu Cộng được đi bất cứ nơi nào trong đất nước chúng ta, điều này không thể tiếp tục. Chúng ta không được tự do đi lại trong Trung Cộng. Cần phải có qua có lại.

Đối xử tương đồng là điều then chốt. Nếu bất kỳ từ nào cần được lấy ra khỏi văn mạch của điều tôi đang trình bầy này, thì cần phải xác nhận rằng đối xử tương đồng trong quan hệ với Trung Cộng cần phải thi hành. Chúng ta không bao giờ thực sự có đối xử tương đồng với Liên Xô. Liên Xô có nhiều đặc vụ KGB ở Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Moscow hơn số người Mỹ làm việc ở đó. Không thể tưởng tượng lại có một biểu hiện nào quái dị hơn về sự ngây thơ, dại dột và thiếu thận trọng đó. Chúng ta muốn cho người khác hưởng điều bán tín bán nghi ngay cả khi không có nghi ngờ gì nữa. Đó là cách suy nghĩ bệnh hoạn. Nhưng bản tính của chúng ta là như vậy. Chúng ta phải suy nghĩ chín chắn hơn và nhận ra rằng quốc gia chúng ta sẽ không còn nữa, nếu chúng ta tiếp tục hành động như chúng ta đã làm trong hai thập kỷ qua.

Chúng ta cần hạn chế thị thực.  Đối với các phóng viên truyền thông chính thức, Trung Cộng cấp cho chúng ta hai thị thực nhập cảnh cho phóng viên của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ tại Bắc Kinh. Họ không cho chúng ta một thị thực nữa cho một phóng viên VOA ở Thượng Hải. Nhưng chúng ta cho họ 860 thị thực chính thức cho các nhà “nhà báo” tuyên truyền của họ đến với đất nước này.

Chúng ta phải hạn chế sự tiếp cận với các phòng thí nghiệm quốc gia, đến các trường đại học, hạn chế cho vào các cơ sở nghiên cứu của công ty. Mới vài tuần trước đây, tôi đã gặp một anh có bằng kỹ sư tại trường kỹ thuật của Đại học Maryland. Anh nói nơi này rất đầy rẫy các sinh viên kỹ thuật Tàu Cộng, và họ đã có bằng kỹ sư trước khi họ bắt đầu học để lấy bằng cấp mới giống hệt tại trường Đại học. Tại sao họ đã có bằng rồi? Vì như vậy, họ sẽ có thể nhận ra nghiên cứu tiên tiến của các giáo sư kỹ thuật của họ. Vì vậy, họ sẽ biết công nghệ nào để đánh cắp và đỡ mất thời giờ của họ. Vì vậy, họ đến học nhưng đã chuẩn bị rất kỹ càng.

Chúng ta cần hạn chế việc đi lại của những người Tàu Cộng được coi là di dân đang sống ở đất nước này và làm việc trong các ngành công nghiệp nhạy cảm. Tôi biết các ví dụ về những người nhập cư Tàu Cộng làm việc về phát triển phần mềm để truyền tin bảo mật dùng cho các lực lượng vũ trang của chúng ta trên chiến trường và họ về Trung Cộng mỗi năm. Họ đang làm việc trong các hoạt động mật, nhưng rồi chúng ta cho phép họ về Trung Cộng hàng năm. Quý vị nghĩ họ làm gì ở Tàu? Họ được MSS (Bộ Công An) thẩm vấn. Thật là ngoài sức tưởng tượng. Chúng ta phải cấm luật sư Mỹ công khai dạy các điệp viên Tàu Cộng cách lách luật kiểm soát xuất khẩu và các biện pháp an ninh công nghệ khác. Luật sư Mỹ làm điều này, và họ được trả rất nhiều tiền để dạy các điệp viên Trung Cộng cách làm điều đó.  Chúng ta cần một chiến dịch toàn quốc nâng cao ý thức của công chúng về mối đe dọa trên mạng. Hiện nay vấn đề này hãy còn là một điều đáng buồn.

Chúng ta cần tiến hành các hoạt động phản gián, có nghĩa là làm những việc sửa đổi các sơ đồ và thông số kỹ thuật để phát triển công nghệ cao, như vậy khi Trung Cộng lấy cắp tài liệu và kết hợp các tài liệu lại, họ sẽ lâm vào mê hồn trận.

Chúng ta cần khôi phục lực lượng vũ trang của chúng ta. Bắt đầu từ đâu? Một trong những vấn đề của chúng ta là chúng ta đã làm những gì Đức quốc xã đã làm. Họ luôn luôn có vũ khí chất lượng cao nhất, tiên tiến nhất. Nhưng chiến lược của Mỹ trong Thế chiến II là có những thứ chất lượng rất tốt, có thể không phải là tiên tiến nhất về máy bay, tàu thủy và xe tăng, v.v. nhưng vượt trội về số lượng. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần thêm số lượng lớn hơn nhiều cho Hải quân của chúng ta, cho Không quân của chúng ta và cho tất cả các quân chủng của chúng ta.

Chúng ta cần phát triển vũ khí không gian. Chúng ta cần phát triển hệ thống phòng thủ cho các vệ tinh của mình. Chúng ta cần phát triển hệ thống phòng thủ cho các tên lửa siêu thanh cao. Để bảo vệ chống lại mối đe dọa của một cuộc tấn công bằng xung điện từ, chúng ta cần phải kiện toàn lưới điện của chúng ta mà, theo thuật ngữ chiến lược quốc gia, lưới điện của chúng ta hãy còn ‘bết’. Chúng ta cần phát triển máy bay có tầm bay xa hơn vì hàng không mẫu hạm rất dễ bị tấn công khi phải tới quá gần trong tầm bắn của tên lửa chống hạm của Trung Cộng. Chúng ta cần khôi phục cơ sở công nghiệp quốc phòng và chấm dứt sự phụ thuộc vào các nước ngoài để cung cấp đồ phụ tùng cho các hệ thống phòng thủ của chúng ta.

Chúng ta cần tăng cường các liên minh, đặc biệt là ở Đông Á. Chúng ta cần giúp đỡ Đài Loan, chúng ta cần đảm bảo rằng Đài Loan có được vũ khí nghiêm túc. Chúng ta cần phải sát cánh với Philippines và giữ cho Trung Cộng không ăn hiếp họ trong cuộc chiến pháp lý quốc tế với Trung Cộng về quyền sở hữu những mỏm đảo đá này. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần suy nghĩ nghiêm túc về việc cho phép Hàn Quốc phát triển năng lực hạt nhân tới gần sát mức có thể có thể sản xuất võ khí hạt nhân, để nếu cần thiết bất ngờ, Hàn Quốc có thể có khả năng [sản xuất võ khí hạt nhân] trong vòng sáu tháng. Nhật Bản cũng vậy, tôi nghĩ Nhật Bản đã có khả năng đó.

Chúng ta cần khôi phục COCOM, Coordinating Committee on Multilateral Export Controls (Ủy ban Điều phối Kiểm soát Xuất khẩu Đa phương). Đây là một nỗ lực trên toàn liên minh, rộng khắp NATO (nhưng bao gồm cả Nhật Bản) để đảm bảo rằng một đồng minh không chơi xấu một đồng minh khác bằng cách bán các công nghệ cho Khối Xô Viết. Đó là một sự sắp xếp thành công đáng kể. Nó đòi hỏi rất nhiều nỗ lực hợp tác ngoại giao nghiêm túc.

Chúng ta cần thực hiện một chiến dịch thông tin toàn cầu để thông báo cho thế giới về các cách hành động của Trung Cộng. Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Cộng có yếu tố gây bất ngờ khi triển khai tại nhiều quốc gia.. Những quốc gia này cần được hiểu rõ hơn về nó. Trung Cộng không xứng đáng với danh tiếng mà nó có ở nhiều nơi trên thế giới. Nhưng Trung Cộng đã rất nghiêm túc trong ngoại giao văn hóa và các hoạt động tuyên truyền và thông tin của họ. Chúng ta cần cảnh báo các nước khác trên thế giới, trước khi quá muộn.

Chúng ta cần phát triển chiến lược kinh tế của riêng mình, và đây phải là một chiến lược đối xử tương đồng. Theo quan điểm của tôi, điều này có nghĩa sự giải kết dần dần giữa hai nền kinh tế. Trung Cộng sẽ không thay đổi thói quen của họ. Họ sẽ tiếp tục làm những gì họ đang làm vì bản chất của họ là như vậy. Như tôi thích giải thích với các sinh viên của tôi, có hai loại động vật khác nhau trong rừng. Có những động vật ăn thịt và có những động vật ăn cỏ, ta không thể thay đổi một động vật ăn thịt để nó từ bỏ thói muốn ăn động vật ăn cỏ. Bản chất của chế độ Tàu Cộng là hành xử như nó đang làm, và rốt cục chúng ta phải nhận thức như vậy.

Chúng ta chưa thi hành luật chứng khoán của chúng ta. Chúng ta phải thực thi sự minh bạch trong tất cả các loại quan hệ thương mại mà chúng ta có với Tàu Cộng. Chúng ta không làm tốt công việc này, và đây là một lĩnh vực lớn mà những người khác đã viết. Gần đây nhất, tướng Rob Spalding có cuốn sách mới của ông, Stealth War, mà tôi đề nghị quý vị để ý tới. Đó là một phân tích tuyệt vời của một nhà yêu nước Mỹ đáng kính, người đã phục vụ đất nước này theo nhiều cách tuyệt vời khác nhau. Ông bàn về các yếu tố then chốt của chiến lược cần thiết.

Chúng ta cần khuyến khích các nguồn cung cấp khác nhau từ các quốc gia khác và từ chính đất nước chúng ta. Chúng ta phải giảm sự phụ thuộc vào Trung Cộng. Và dù thuế quan có hại như thế nào chăng nữa – tôi nhận rằng thuế có thể có hại – nhưng không có cách nào khác. Thuế quan là cần thiết và có hiệu quả khi được nhắm vào mục tiêu chiến lược, nếu chúng ta muốn khôi phục sự đối xử tương đồng trong quan hệ thương mại.

Còn có những điều tích cực chúng ta có thể làm. Có toàn bộ ý tưởng của Hiến chương Thái Bình Dương. Paul Berkowitz, một nhân viên kỳ cựu của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, cũng có mặt tại đây với chúng ta hôm nay. Paul, tôi xin tỏ lòng ngưỡng mộ bạn về công việc mà bạn đã làm trong lĩnh vực này trong nhiều năm. Khi Paul làm việc cho Nghị sĩ Ben Gilman, Chủ tịch Ủy ban, Quốc hội đã thông qua luật thành lập Ủy ban về Hiến chương Thái Bình Dương, đây là phiên bản mới của Hiến chương Đại Tây Dương. Hiến chương Thái Bình Dương liên quan đến việc hợp tác với các đồng minh của chúng ta để thúc đẩy dân chủ, pháp quyền, nhân quyền và hợp tác kinh tế khu vực ở châu Á-Thái Bình Dương và để nâng cao uy tín của sự lãnh đạo Hoa Kỳ trong khu vực. Tôi nghĩ rằng chúng ta phải bảo vệ cho các nguyên tắc của chúng ta. Chúng ta vẫn còn đại diện cho những tư tưởng tuyệt vời. Dù người Mỹ đang đấu tranh chính trị kịch liệt trong nước, nhưng tôi nghĩ chúng ta vẫn tin vào luật pháp. Chúng ta vẫn tin vào các quyền bất khả nhân nhượng và phẩm giá của cá nhân con người. Tất cả những điều đó hoàn toàn không hợp với chế độ Tàu Cộng.

Đây là điều cuối cùng tôi muốn nói, đó có thể là một trong những điều quan trọng nhất nếu chúng ta thực sự muốn thắng Chiến tranh Lạnh với Trung Cộng. Đó là: chúng ta cũng phải bắt đầu tiến hành các chính sách Chiến tranh Lạnh, không chỉ thế thủ. Chúng ta cần phải có thế công. Chúng ta cần khôi phục tình trạng đối xử tương đồng trong mối quan hệ này. Trong chiến tranh, tấn công có nghĩa là tấn công trọng tâm của kẻ thù. Trọng tâm là yếu tố nếu không có nó thì địch không thể gây chiến, và không thể tồn tại được. Trọng tâm của Trung Cộng, và cũng là của Bắc Hàn, là gì? Ở Trung Cộng, Bắc Hàn và các chế độ tương tự, trọng tâm đó là hệ thống an ninh nội bộ của nhà nước.

Thực tế trung tâm của đời sống chính trị ở Trung Cộng và Bắc Hàn và các quốc gia chuyên chế khác là sự thiếu chính danh của chế độ; cai trị mà không có sự đồng ý người dưới quyền cai trị. Một chế độ không có chính danh thì có vấn đề an ninh nội bộ rất lớn. Chính quyền sợ chính người dân của mình, đó là yếu tố trung tâm của đời sống chính trị. Chính quyền sợ bất cứ điều gì có thể kích động người dân chống lại họ và thậm chí có thể lật đổ họ. Đó là lý do tại sao Trung Cộng sợ sự thật, tại sao họ phải kiểm soát tất cả thông tin và truyền thông, tại sao phải phá chương trình phát sóng nước ngoài, tại sao phải cấm tự do thông tin. Tất nhiên, hệ thống an ninh nội bộ có đội ngũ mật báo viên, Lao Cải – quần đảo Gulag của Trung Cộng – mà không ai biết, bởi vì báo New York Times và The Washington Post không bao giờ in chữ Lao Cải trên trang báo của họ. Bạn nên biết nó là gì. Tôi nhắc lại: Lao Cải là Quần đảo Gulag của Trung Cộng: lao động nô lệ và trừng phạt tù nhân lương tâm, các học viên Pháp Luân Công, tín đồ Kitô, Hồi giáo và các nhà bất đồng chính kiến.

Cộng sản Tàu là một bộ máy vi phạm nhân quyền khổng lồ. Và điều này là do chế độ sợ chính người dân của mình.

Một trong những nguyên tắc chiến lược hợp lý nhất là ta phải biết ai là đồng minh của mình. Theo quan điểm của tôi, các đồng minh lớn nhất của chúng ta trong tất cả các vấn đề này, các đồng minh tiềm tàng của chúng ta là người Tàu: những người có nhân quyền đang bị xâm phạm, những người không thuộc tầng lớp đặc quyền đặc lợi gồm những đại gia đang làm giàu và hưởng sự bao che của Đảng.

Họ là những đồng minh của chúng ta. Hàng năm có khoảng hơn 70.000 vụ xáo trộn dân sự ở Trung Cộng. Có những cuộc biểu tình, bạo loạn, bất cứ loại xáo trộn nào, thường là phản đối tham nhũng của Đảng Cộng sản địa phương. Dân chúng có biết về cũng có những xáo trộn khác không? Không. Bởi vì cách thức hoạt động của chế độ Cộng sản là khi có sự xáo trộn dân sự ở một số khu vực nhất định, chế độ sẽ cắt đứt mọi liên lạc đến địa phương đó… Và chỉ sau đó, khi các liên lạc bị cắt đứt, họ mới đi vào và nghiền nát tất cả mọi thứ. Vì vậy, nếu những người khác rốt cục biết rằng có một cuộc biểu tình, hoặc một cuộc đình công, hoặc một cuộc bạo loạn, hoặc một cái gì đó tương tự, thì thông điệp thực sự là nó đã bị nghiền nát, và do đó, chỉ cố gắng làm điều gì tương tự như vậy một lần nữa cũng là vô ích.

Toàn bộ chiến lược tâm lý của hệ thống an ninh nội bộ của Nhà nước Trung Cộng là đưa người dân vào tình trạng cam chịu. Để mọi người tin rằng kháng cự chống lại chế độ này là uổng công vô ích. Một khi họ chịu thua điều này, nó sẽ dẫn đến sự nguyên tử hóa của xã hội. Đó là gì? Đó là khi tách từng cá nhân khỏi mọi người khác. Cá nhân đơn độc chống lại nhà nước độc đảng toàn quyền. Thực hiện điều đó như thế nào? Bằng một hệ thống chỉ điểm viên bí mật khắp mọi nơi. Tôi không biết có bao nhiêu chỉ điểm viên bí mật ở Trung Cộng, nhưng ở Đông Đức – người Đức vẫn có thói quen làm thống kê tốt – nó chiếm tới 30% dân số, ba mươi phần trăm! Điều đó có nghĩa là ai đó trong gia đình bạn là người cung cấp thông tin, nhưng bạn không biết điều đó. Người ấy không thể nói với bạn. Và họ sẽ kiểm tra bạn. Anh ta có thể không muốn trở thành một người cung cấp thông tin. Anh ta có thể đã bị ép buộc phải làm. Họ sẽ kiểm tra xem anh ta có thông báo gì không bằng cách cho người phạm tội kinh tế, hoặc làm một cái gì khác ngay trước mắt anh ta. Và sau đó, nếu anh ta không báo cáo thì anh ta sẽ bị trừng phạt. Không khí ngờ vực tràn ngập khắp nơi: khi tình trạng thực sự trở nên tồi tệ, thậm chí bạn cũng không tin ngay cả người trong chính gia đình bạn.

Thêm vào đó lại có ý thức hệ làm nhịp trống cho những người lính diễu hành. Nó đặt tiêu chuẩn để đo độ lệch lạc.Đó là tiêu chuẩn đo sự tuân thủ. Đó là sự đúng đắn về chính trị, nó định nghĩa thế nào là đúng đắn chính trị. Mọi người phải đi theo nhịp trống đó, nếu không, bạn có thể bị trung sĩ lôi ra khỏi đội hình và bị kỷ luật. Vì vậy, tất cả được củng cố và tất cả được thu về một mối dưới sự độc quyền về thông tin và truyền thông này.

Nhiệm vụ chiến lược của chúng ta là phá vỡ sự độc quyền đó. Điều đó có nghĩa là giúp người dân Tàu giao tiếp với nhau, giao tiếp với họ trên quy mô lớn. Đó là lý do tại sao khi Suzanne giới thiệu tôi và nói về Radio Free Europe, Radio Liberty, đây là chiến lược mà chúng ta đã sử dụng. Chúng ta đã làm rất nhiều thứ trong lĩnh vực vật chất: chúng ta không cho Liên Xô dùng tiền tệ của chúng ta, không cho dùng công nghệ. Chúng ta đã làm các hoạt động phản gián. Chúng ta đã xây dựng quân đội của chúng ta. Chúng ta gây áp lực cho họ. Chúng ta đã phát triển SDI[3]. Đó là hành động răn đe khả năng tấn công trước  nhắm vào phi đạn SS-18 ICBM của họ. Chúng ta đã làm tất cả những điều này. Chúng ta đã giúp kháng chiến chống cộng ở Afghanistan, Nam Phi và Trung Mỹ.

Nhưng đó đều là những biện pháp vật chất. Và không có gì trong số những biện pháp vật chất đó giải thích tại sao một triệu người xuống đường ở Moscow, khi họ biết rõ rằng họ có thể bị bắt, bị tra tấn, đưa đi cải tạo. Thế mà họ đã có can đảm để làm điều đó. Chính ngoại giao quần chúng của chúng ta đã giúp cho họ can đảm như vậy. Chúng ta đã liên lạc với họ. Chúng ta thông cảm với họ. Chúng ta đã đứng ra bênh vực quyền con người của họ. “Các bạn bị áp bức dưới chế độ này không đơn độc! Chúng tôi sẽ không gửi quân đội của chúng tôi tới, nhưng chúng tôi đứng sau bạn và chúng tôi nghĩ rằng có thể thay đổi, nhưng quyết định là của các bạn”. Quyết định phải làm gì ở Hồng Kông ở trong tay người dân Hồng Kông. Những gì chúng ta đang thấy bây giờ hoàn toàn là một màn biểu lộ tuyệt vời về sự phản kháng của công chúng đối với chế độ toàn trị. Tôi không biết chế độ sẽ xử sự như thế nào… Nhưng đừng đánh giá thấp sức mạnh của lòng súng.  Chúng ta cần bắt đầu phát sóng trên một quy mô rất lớn, nhiều giờ hơn một ngày, nhiều băng tần hơn. Chúng ta đã bỏ nhiều băng tần của chúng ta. Chúng ta đã ngưng nhiều chương trình phát thanh lớn của chúng ta tại Đài tiếng nói Hoa Kỳ. Chính quyền trước đã định đóng cửa các chương trình bằng tiếng Quan Thoại và tiếng Quảng Đông. Nếu không có một số người anh dũng từ VOA đứng ra phản đối thì chương trình đó đã bị chấm dứt. Mọi người đều ủng hộ dùng Internet. Nhưng ở Trung Cộng có nhiều cảnh sát Internet hơn binh sĩ Quân đội Giải phóng Nhân dân. Bạn không thể dấu tên khi lướt Internet nhưng bạn có thể dấu tên khi nghe đài.

Nhưng còn có những kỹ thuật mới nữa. Có DRM, Digital Radio Mondiale[4]. Kỹ thuật này khai thác cuộc cách mạng kỹ thuật số để áp dụng vào ngành truyền thanh quốc tế bằng sóng ngắn.  Nói như vậy cũng chưa đúng, xin nói thêm  không chỉ bằng sóng ngắn, không chỉ bằng TV, không chỉ bằng Internet, không phải chỉ dùng mỗi loại phương tiện riêng rẽ, mà cuộc tấn công chống lại trung tâm quyền lực này phải là bằng kỹ thuật đa phương tiện (Multimedia). Có phương tiện nào dùng phương tiện đó. Ở Bắc Hàn, người ta bỏ những chiếc USB nhỏ vào một cái chai, trong chai có một bó gạo. Thả những chai này xuống sông. Những người Bắc Hàn đói tìm thấy cái chai, họ có một ít gạo và họ đã có một nguồn thông tin khác [nguồn tin của chính quyền]. Mọi phương pháp đều có thể dùng.

Trước đây chúng ta thường gửi máy fax, máy copy (sao chép), máy mimeograph (máy in rô-nê-ô). Thậm chí có nhiều người còn không biết máy mimeograph (máy in rô-nê-ô) là gì. Đó là máy in bài kiểm tra của chúng tôi khi còn ở trường tiểu học. Đặt một tờ giấy lên máy, quay cái cần quay máy, nó là một cái máy cơ khí in bản sao mà không cần máy photocopy. Chúng ta đã gửi hàng chục máy rô-nê-ô vào sau Bức Màn sắt. Chúng ta gửi cả giấy nữa, vì nhà nước nắm độc quyền về giấy. Trước kia ở Liên Xô, mọi máy photocopy đều có người canh có võ trang. Dùng mọi phương pháp, mọi phương tiện. DRM là một phương tiện. Xin nói thêm, DRM sẽ không chỉ truyền tiếng nói, nó còn gửi văn bản nữa.  Nó còn có thể gửi video, nhưng tôi đã được một số chuyên gia kỹ thuật cho biết rằng trên thực tế, chúng ta không có bandwidth  (băng thông) để gửi video. Nhưng có thể xem video mà không bị lộ tên. Vâng, cần phải có máy thu DRM. Vậy thì làm máy thu DRM. Máy thu DRM rẻ hơn rất nhiều so với máy bay chiến đấu. Có thể làm hàng triệu máy và gửi lan tràn khắp thế giới.

Còn có các vệ tinh phát sóng, và hình như có một số loại mới vệ tinh nhỏ như một cục pin có thể phát sóng, và ta có thể đưa hàng ngàn vệ tinh loại đó lên trời phát trực tiếp xuống các chế độ toàn trị. Chúng ta cần phải có chiến tranh thông tin toàn diện. Bởi vì họ đang tiến hành chiến tranh thông tin toàn diện chống chúng ta; họ đang nhào nặn nhận thức của chúng ta. Họ đang kiểm soát thông tin của chúng ta. Họ đang khiến chúng ta phải tự kiểm duyệt. Chúng ta đang mất tự do, và chúng ta không làm gì để thực sự chống lại ở cấp chiến lược quốc gia. Chúng ta phải ngưng việc quá coi trọng văn hóa thiên về vật chất trong chính sách đối ngoại. Người Nga hiểu điều này, người Tàu hiểu điều này. Người Nga nói rằng chiến thắng trong chiến tranh thông tin có thể mạnh hơn chiến thắng quân sự kinh điển. Nhận định đó xuất phát từ tham mưu trưởng Nga. Chính tham mưu trưởng Nga – một chiến binh động năng – lại nói rằng một cuộc chiến thông tin có thể tạo ra một chiến thắng tàn khốc hơn. Tôi có thể nói lâu hơn một chút nữa, nhưng tôi đã nói lâu quá thời hạn quy định.

 Cám ơn quý vị.

John Lenczowski
__________________________________

 [1] AMC (tên viết tắt của American Multi-Cinema) là một chuỗi rạp chiếu phim tại Hoa Kỳ lớn nhất trên thế giới.

 [2] short selling : một cách đầu cơ cổ phiếu không hơp pháp.

 Thí dụ :

Một nhà đầu tư tin rằng Cổ phiếu A – đang được bán ở mức 100 đô la một cổ phiếu – sẽ xuống giá khi công ty công bố thu nhập hàng năm trong một tuần lễ. Do đó, nhà đầu tư vay 100 cổ phiếu từ một nhà môi giới và bán cổ phiếu đó ra thị trường.

Một tuần lễ sau, giá cổ phiếu A giảm xuống còn 90 đô la một cổ phiếu. Lúc đó nhà đầu tư liền mua 100 cổ phiếu A với giá 90 đô la một cổ phiếu để trả lại số cổ phiếu đã vay của người môi giới. Do đó, nhà đầu tư được lời 10 đô la cho mỗi cổ phiếu, tổng cộng là 1.000 đô la cho vụ mua đi bán lại, không bao gồm tiền hoa hồng và tiền lãi..[ND] https://www.dummies.com/personal-finance/investing/short-selling-or-short-trading/

 [3] Sáng kiến phòng thủ chiến lược (SDI) là một hệ thống phòng thủ phi đạn nhằm bảo vệ Hoa Kỳ khỏi sự tấn công của vũ khí hạt nhân chiến lược

 [4] Digital Radio Mondiale (DRM):  Radio kỹ thuật số toàn cầu là một tập hợp các kỹ thuật phát sóng âm thanh bằng kỹ thuật số.
________________
Nguồn: VIETTUDOMUNICH: https://viettudomunich.org/2020/03/24/chien-luoc-cua-hoa-ky-cho-moi-de-doa-ngay-cang-tang-cua-trung-cong/

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...