24 September 2019

Tôi Mất Cha Từ Đấy, hồi ký

Lần đầu, khi xem bức tranh Bóng Đen Tháng Tư của nhà họa sĩ A.C.La Nguyễn Thế-Vĩnh, tôi chỉ thuần nghĩ về cuộc chiến tương tàn vừa qua với những hậu quả khốc liệt của nó.

Sáng nay, tên bức tranh đã được đổi thành Tôi Mất Cha Từ Đấy. Cái tên mới nầy của bức tranh đã khiến cho tim tôi đau nhói. Hàng chữ Tôi Mất Cha Từ Đấy đã gợi lại trong tôi cả một ký ức đau thương, một nỗi mất mát lớn lao của cuộc đời mình từ thời thơ dại.

Tôi vốn hay tránh đọc những bài hồi ký viết về chiến tranh, về những trận chiến ác liệt mà chính các tác giả đó đã từng tham chiến, mà các trang mạng hiện thời đã đăng. Họ viết về Mùa Hè đỏ Lửa , về trận Hạ Lào,  Giải Tỏa Cổ Thành Quảng Trị và còn nhiều nữa...

Tôi đã có thử đọc một vài lần trên mạng một số bài viết khác nhau nhưng tôi không đủ sức chịu đựng những cảnh tượng thương tâm được diễn tả. Lồng ngực tôi như bị ép lại. Tim tôi như bị bóp nghẹt. Tôi như người bị chết ngộp

Biết được điểm yếu của mình, từ đó, khi gặp những tựa bài có nội dung chiến tranh, tôi thường lướt vội qua.

Hôm nay, cái tựa Tôi Mất Cha Từ Đấy quá ngắn, khiến cho tôi không thể nào "lướt" được. Tôi bị hạ đo ván! Cả một dĩ vãng đau thương của thời thơ ấu ập về.


Tranh và thơ vì quá cô đọng, đôi khi khiến cho người xem không nhìn thấy hết được chiều sâu của nó. Tôi sẽ dùng một cách khác để diễn tả, có thể nó sẽ khiến cho người xem dễ hiểu và dễ đồng cảm hơn. Đó là văn. Tôi sẽ dùng cái chất bình dân của văn chương để hy vọng lột tả hết được nỗi đau của những người con mất cha. Để hiểu được như thế nào cái đau thương tột cùng của Tôi Mất Cha Từ Đấy mà nhà họa sĩ đã muốn nói lên trong bức họa.

**

Năm đó, tôi mười bốn tuổi. Cái tuổi mà đối với những đứa trẻ khác, có thể đã hiểu biết việc đời đôi chút. Riêng tôi, có thể nói, tôi là một đứa trẻ quá khờ khạo và vô tư. Cũng vào năm đó, ba tôi bị Ám Sát

Trước đó gần năm, tôi chỉ hiểu lờ mờ rằng có một điều gì đó không ổn khi nửa đêm có người gọi cửa nhà tôi. Họ nói chuyện với má tôi. Tôi nghe được lõm bõm là họ khuyên ba tôi đừng làm việc cho quốc gia nữa. Họ cho rằng đó là cái bọn đã từng làm cho "Con phải xa cha, vợ phải xa chồng!" Sau nầy tôi biết được người đó là người mà ba tôi gọi bằng chú họ, (còn rất trẻ) đã đi theo Việt Cộng trong phong trào Đồng khởi.

Sau lần đó, ba tôi không ngủ nhà ban đêm. Và cũng từ đó phong trào Đồng khởi của bọn nằm vùng Cộng sản bắt đầu thành hình.

Bẵng đi một thời gian, thấy tạm yên, Ba tôi không lánh khỏi nhà ban đêm nữa!

Sau đó không lâu, phong trào khủng bố của bọn Việt Cộng nằm vùng bắt đầu. Họ giết những người làm việc cho chính quyền địa phương. Họ giết để người dân khiếp sợ mà không còn ai dám ra làm việc cho dân.

Ba tôi là người thứ hai bị giết, trong số không it người bị giết, làm việc cho chính quyền trong cái quận không mấy gì hẻo lánh của tỉnh Long An. Sở dĩ họ tìm giết được là do bọn chỉ điểm địa phương

Tôi còn nhớ như in, tất cả mọi sự việc xảy ra của ngày hôm đó, ngày mà Ba tôi bị ám sát.

Trước đó hai ngày, Ba tôi mời mấy người bên đo đạc về phân chia ruộng đất và thổ cư để phân ranh giới các phần ruộng vườn , thổ cư của đại gia đình, cho được rõ ràng. Đó là ý của tất cả mọi người

Sau hai ngày làm việc giữa trưa trời nắng, vì quá mệt mỏi, đêm đó Ba tôi không rời nhà để ra chợ ngủ nhờ nhà người quen. Ở đời, có lẽ cái gì cũng không qua được số mệnh. Ba tôi chắc cũng không ngọai lệ.

Hôm đó là ngày cuối tháng năm ta, cuối tháng sáu dương lịch. Mặt trời bắt đầu chen lặn. Ánh mặt trời còn tỏa những tia sáng đỏ ối cuối chân trời. Cả nhà đã cơm nước xong. Ba tôi nằm nghĩ. Bỗng tiếng con Mino, con chó nhà, sủa lên ở phía cuối vườn sát bờ sông. Tiếng sủa của nó di chuyển như có ai đó muốn đuổi bắt nên càng lúc càng dữ dội hơn. Má tôi bảo bà chị lớn tôi đi xuống phía cuối vườn, nơi con chó đang sủa để xem động tịnh. Bờ sông cách nhà chừng trăm thước.

Xóm tôi ở nằm dọc theo bên nầy nhánh của con sông Vàm cỏ tây, con sông chảy qua tỉnh Long an. Phía bên kia sông là một cánh đồng lúa hoang vu, không người ở gần. Trước đó nhiều lần bên quốc gia đã cho lính đi tảo thanh vùng nầy. Lúc đó lực lượng địa phương quân còn rất it. Nghĩa quân mà người dân hay gọi nôm na là Dân vệ cũng không nhiều. Vì vậy việc gìn giữ an ninh cũng không mấy chặt chẽ. Lợi dụng tình trạng đó, bọn nằm vùng thường về đây để hoạt động. Đó là những gì tôi biết được khi lớn khôn hơn đôi chút.

Sau khi xem xét tình hình, chị tôi nói với Má tôi là chẳng thấy gì hết. Sau nầy biết được thì đó là lúc bọn chúng dùng xuồng chở mấy thằng du kích sang sông để giết Ba tôi. Sau nầy tôi nghĩ lại, sao lúc đó ba tôi không thoát chạy ra trước nhà để trốn đi? Có lẽ tại số Ba tôi không khỏi chết.

Ngôi nhà mà gia đình tôi đang sống là ngôi nhà ngói năm gian, loại nhà chữ đinh. Ba tôi vừa xây xong trước đó vài năm, rất kiên cố. Nhà dưới thông với hai gian nhà bếp bởi một cái cửa chưa được làm cánh. Bọn Việt Cộng vào nhà bằng lối nầy.

Sau khi chị lớn tôi trở lại nhà một lát thì cánh cửa nhà bếp bị đạp tung. Bọn Du kích nằm vùng lúc đó chắc đã bao vây quanh nhà. Một thằng cầm súng từ nhà bếp bước lên bực thềm của nhà dưới, hỏi :"Ông HVS có nhà không?". Ba tôi trả lời là không có. Một thằng khác đứng sau lưng thằng nầy lên tiếng: "Nó đó". Sau nầy má tôi nói lại, đó là thằng chú họ của Ba tôi mà đã có lần ban đêm mò về xóm, nói chuyện tuyên truyền với má tôi lúc trước. Vì là người trong họ, quen biết nhau thì làm sao mà Má tôi không nhận ra giọng nó cho được!

Lúc đó, do phản xạ, Má tôi ngồi che cho Ba tôi. Chúng tôi tất cả bốn chị em ngồi che phía trước. Ba thằng em trai chót bị bịnh nằm trong buồng, vì đi theo Ba tôi ra đồng trong mấy ngày trước. Chỗ gia đình tôi ngồi ở về phía tay phải của bọn Việt cộng đang đứng. Phía trước mặt bọn chúng là bộ ván.

Lúc đó, mấy chị em tôi kêu gào, khóc như ri: "Ông ơi, xin đừg giết ba tôi! Ông ơi xin đừng giết Ba tôi". Cứ thế, chị em chúng tôi gào to, muốn khản cổ. Vừa gào, vừa khóc lớn lên như một bè hợp xướng

Có thể thấy tình thế bất ổn, không giống như dự tính là muốn lôi Ba tôi ra đồng để bắn như là người chúng giết trước đây. Bọn chúng yêu cầu ba tôi lên ngồi trên bộ ván để nói chuyện, ý là muốn bắn ngồi Ba tôi tại chỗ. Má tôi nói, muốn nói chuyện thì ngồi nói cũng được. Bọn chúng sợ kéo dài lâu  không tiện, hai thằng nhào vô, xách tay hai bà chị tôi lôi ra phía đối diện. Tôi thì bị đá tung ra phía khác.

Chúng tôi vừa mới lồm cồm, chưa bò dậy thì một tiếng súng nổ chát chúa bên tai. Tôi nhào vô chỗ Ba má tôi thì nghe tiếng "ộc, ộc". Đó là tiếng uất nghẹn của Ba tôi hay tiếng máu từ tim chảy ra?

Tôi nghe tiếng kêu" Trời ơi" thất thanh của Má tôi. Má tôi bế Ba tôi trên tay. Ba tôi đã lìa đời! Tôi bỗng vụt khóc rống lên và thất thanh kêu" Trời đất ơi, bớ làng xóm ơi, người giết Ba tôi rồi nè". Cứ thế, mấy chị em chúng tôi kêu khóc vang trời, không còn biết gì đến xung quanh.

Sau khi bắn Ba tôi xong, bọn chúng vào nhà trên, lục soát đồ đạc và lấy đi cái radio transitor rồi rút đi.

Má tôi vẫn ngồi ôm Ba tôi. Chúng tôi vẫn kêu khóc vang trời. Sau đó, Bà nội và hai chú của tôi, nhà gần đó, chạy đến. Cả đêm hôm đó chúng tôi vẫn cứ vật vã, la khóc.

Sáng hôm sau, có người trong xóm cho biết bọn chúng gắn bản án kể tội Ba tôi ngoài đám ruộng trước nhà, gần lối đi để cho mọi người nhìn thấy. Đó là việc mà bọn chúng hay làm sau khi giết người.

Hai ngày sau, buổi chiều, sau khi an táng Ba tôi xong trở về nhà thì thằng em trai sáu tuổi, được đưa từ bịnh viện Long an về. Nó đã chết. An táng nó xong. Hai ngày sau, một trong hai thằng còn lại, bốn tuổi, được đưa từ bịnh viện Nhi đồng Sài gòn về. Nó đã chết. Thằng út, hai tuổi, số còn dài, nên  sống sót. Chúng nó chết vì chứng sốt xuất huyết. Năm đó, bịnh sốt suất mới phát, bác sĩ chưa có kinh ngiệm về bịnh nầy. Trước đó hai tuần, trong xóm cũng có một đứa con trai chừng sáu tuổi cũng chết cùng một chứng.

Ba tôi chết, năm Người mới vừa bốn mươi, bỏ lại Má tôi và năm chị em chúng tôi mồ côi

Năm đó, không phải chỉ mình "Tôi Mất Cha Từ Đấy" mà tất cả năm chị em chúng "Tôi Mất Cha Từ Đấy" và còn hằng triệu triệu đứa trẻ Việt Nam khác mất cha từ đấy. Cho đến bây giờ và mãi mãi về sau, nếu như ngày nào bọn Việt Cộng dã man, độc ác còn ngồi trên đất nước Việt Nam và các nước khác trên thế giới thì số trẻ em mất cha vẫn còn tiếp diễn.

Sau khi Ba tôi bị giết, trong lớp tôi có thêm hai đứa bạn gái, chúng cũng chôn cha giống như trường hợp tôi. Một đứa cha chết trước. Chúng mời Ba nó đi họp ban đêm rồi biệt tăm luôn, không thấy về. Chúng bắn Ông rồi đạp xác xuống sông. Xác Ông nổi lên trôi về sau "xẻo" nhà nó. Một đứa khác, ba nó chết sau. Ông nầy lánh đi khỏi nhà vào ban đêm. Sáng sớm, vừa bước vào nhà, hai thằng du kích núp sẵn sau hè kè súng dẫn Ông đi. Những người đi chợ sớm, ai cũng nhìn thấy. Chúng trói thúc ké rồi bắt Ông quì trước một cái hố đào sẵn, bắn chết. Sau đó, đạp xác Ông xuống hố, lấp đất lại. Gia đình nó phải lạy gia đình mấy thằng du kích như tế sống để xin phép mang xác Ba nó về chôn.

**

Tôi viết lên những điều nầy, không phải để nói lên chuyện cá nhân của gia đình tôi. Sở dĩ tôi viết nó ra đây là để cho những ai, là người Việt Nam, còn có chút lòng đối với quê hương đất nước, còn nhớ đến những đau thương, mất mát mà giống nòi mình phải gánh chịu từ cuộc chiến tương tàn hai mươi năm vừa qua, suy nghĩ!  Những khổ đau mà chín mươi triệu đồng bào của mình, thay mình hứng lấy từ năm bảy lăm cho đến bây giờ và không biết đến bao giờ mới dứt, mà mình đã thoát được trong gang tấc, suy nghĩ.

Nếu như còn chút tình đối với quê hương và chút lòng nhân đối với đồng bào,  xin đừng về Việt Nam như ăn cơm bữa, mang tiền đô về củng cố chế độ, để bọn Việt Công có khả năng đàn áp, chém giết đồng bào mình thêm nữa! Họ đã khổ nhiều rồi, có nên tiếp tay làm cho họ khổ hơn nữa không?

Bayonne ngày 2 tháng tư năm 2014
Viết cho một người vừa nằm xuống

Ký tên
NGƯỜI TỊ NẠN CỘNG SẢN

No comments:

Post a Comment

Người Bỏ Lễ Đêm Đông, thơ

Dạo:        Đêm nay Thiên Chúa giáng trần, Xin thương cứu giúp người dân khốn cùng. Người Bỏ Lễ Đêm Đông Đêm đất Bắc, gió mài da tím ngắt, N...