12 September 2019

Xem Tranh « HOA MỘNG » Của A.C.La

Phiêu lãng trong cảnh mộng

Hoạ sĩ đã dùng một cách bố cục lạ để diễn tả cõi mộng mơ, theo như tên bằng tiếng Anh của bức tranh : The Dreamy Years.

Hoa thì dể thể hiện, người xem thấy trong Hoa Mộng có rất nhiều hoa, đủ màu sắc.

Để diễn tả thế giới mộng mơ, hoạ sĩ đã cắt nửa khuôn mặt của thiếu nữ từ chóp mũi trở lên, bởi vì đã là mộng thì không cần đến mắt để nhìn cảnh thực, chỉ cần nhắm mắt lại để ru hồn vào mộng. Cũng không cần đến cái đầu với bộ óc để suy nghĩ, phân biệt thực hư, phải hay không phải. Tuổi xuân là tuổi đang ươm hoa dệt mộng, nên người con gái chỉ cần chiếc mũi nhạy cảm để tiếp nhận hết những mùi hương dịu dàng hay nồng nàn của thời hoa mộng.

Tuổi hoa mộng cũng là tuổi sống với những đam mê bồng bột, nên hoạ sĩ đã bỏ đi nửa phần bên phải của thân người, chỉ giữ lại nửa thân bên trái, phía chứa trái tim, vẫn được xem là nơi xuất phát của tình cảm, nhứt là tình yêu.

Tôi có hân hạnh cùng với vài bạn trên Tiếng Thông Reo được hoạ sĩ cho xem 3 phiên bản của bức tranh Hoa Mộng từ đầu dến lúc hoàn chỉnh, nên ghi nhận được công phu của hoạ sĩ dành cho bức tranh nầy, nhứt là trong cách phối hợp các màu sắc để dẫn người xem vào cõi mộng với hoạ sĩ.

Trong Hoa Mộng, người xem tranh phân biệt được 4 màu chính : màu tím, màu xanh da trời, màu trắng và màu vàng cam. Màu tím ở đây là màu tím pha hồng. Khi nói tới mộng đẹp, người ta thường nghĩ tới màu hồng. Nhưng ở đây hoạ sĩ không dùng màu hồng tươi thuần nhứt, mà pha màu tím với nhiều biến điệu.

Người xem tranh ghi nhận hoạ sĩ đã chủ ý dùng màu tím-hồng để diễn tả tâm cảnh hồn nhiên, mơ mộng của thiếu nữ trẻ trung, tươi tắn, được biểu hiện với cánh hoa trắng muốt, kẹp giữa hai ngón tay thon dài, đài các.

Màu tím-hồng còn diễn đạt tâm hồn còn ngây thơ trong trắng của người con gái, chưa nếm vị đắng cay của một chuyện tình dở dang, qua màu tím đậm u hoài của cuộc chia tay đầy xót xa :
Nhắm mắt chỉ thấy một chân trời tím ngắt,
Chỉ thấy lòng nhớ nhung chất ngất.
Và tiếng hát và nước mắt.
( Nửa Hồn Thương Đau, PĐChương )
Tuy nhiên trong phiên bản đầu của Hoa Mộng, hoạ sĩ đã pha màu tím khá đậm, nhứt là màu tím của chùm hoa ở góc trên bên phải bức tranh, làm cho khung cảnh mộng giảm nét phiêu bồng.

Nhưng qua hai phiên bản sau, dùng kỹ thuật glacis* ( tôi đoán như vậy vì chỉ xem được hình chụp bức tranh qua internet ) – là cách dùng một hoặc nhiều lớp màu mỏng phết chồng lên lớp màu bên dưới, nhưng không xoá hẳn lớp màu bên dưới – hoạ sĩ đã dùng những lớp màu xanh da trời làm giảm sắc đậm của màu tím.

Thêm vào đó, hoạ sĩ còn sửa cho nét môi thanh mảnh hơn, màu son môi nhạt và tươi hơn, chiếc cằm nhờ hiệu ứng glacis trở nên thanh tú hơn, bờ vai và cánh tay được chỉnh lại cân đối và hài hoà hơn.

Trong phiên bản hoàn chỉnh của Hoa Mộng, màu xanh trở thành màu chủ, làm cho toàn thể bức tranh ẩn hiện trong một màu tím hồng, phiêu lãng như trong cảnh mộng.

Hoạ sĩ còn chăm chút diễn tả màu da thịt trên bờ vai trần, cánh tay và bàn tay của thiếu nữ, chừng như muốn đưa người xem tranh từ cõi mộng trở về cảnh thực để đừng quên ngắm nét đẹp từ làn da mịn màng của người con gái đang xuân. Nếu nhìn về phần kỹ thuật, màu da thịt tươi hồng của người con gái ở đây có tác dụng tương phản và tạo được chiều sâu cho bức tranh.

Sau khi dừng lại nhiều lần ngắm tranh Hoa Mộng và thả hồn vào cõi mộng với hoạ sĩ, người xem chợt nhận ra thấp thoáng trong tranh, cũng như ở khá nhiều bức tranh khác của A.C.La, dường như có ẩn một mẫu tâm sự của hoạ sĩ. Cùng với đôi môi hé mở của người con gái tuy lộ vẻ hồn nhiên, nhưng nét mặt vẫn đượm vẻ nghiêm trang, không thoáng hiện một nụ cười tươi, nhí nhảnh của tuổi hoa mộng, có phải hoạ sĩ chủ ý không dùng màu hồng tươi, mà pha màu tím hồng cho bức tranh, để gợi một chút hương xưa vẫn chưa phai nhạt vào dòng hoài niệm của mình ?

NQMINH Paris
____
(*) hay glaze trong Anh ngữ.

No comments:

Post a Comment

SƠN TINH & THUỶ TINH, tranh A.C.La

Sơn Tinh và Thủy Tinh (The Mountain Lord vs The Water Lord) Oil on canvas 24x24 inch (61x61 cm) by A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh  ** All rights res...