29 June 2018

Trung Quốc đã bắt Sri Lanka khạc ra cho một cái hải cảng như thế nào


• HAMBANTOTA, Sri Lanka – Cứ mỗi lần Tổng thống Sri Lanka, Mahinda Rajapaksa, quay sang các đồng minh Trung Quốc để vay vốn và xin hỗ trợ cho một dự án cảng đầy tham vọng, câu trả lời là được.

Được, mặc dù các nghiên cứu khả thi cho biết là cảng sẽ không thể nào hoạt động được. Được, mặc dù những người cho vay thường xuyên khác như Ấn Độ đã từ chối. Được, mặc dù nợ của Sri Lanka đang phình ra nhanh chóng dưới thời ông Rajapaksa.

Qua nhiều năm xây dựng và đàm phán lại với China Harbor Engineering Company (Công ty Kỹ thuật Cảng Trung Quốc), một trong những doanh nghiệp nhà nước lớn nhất của Bắc Kinh, dự án Phát triển Cảng Hambantota được nổi tiếng chủ yếu bằng thất bại, như đã dự đoán. Với hàng chục ngàn tàu đi dọc theo một trong những tuyến đường vận chuyển đông đúc nhất thế giới, cảng này chỉ thu hút 34 tàu vào năm 2012.

Và rồi cảng trở thành của Trung Quốc.

Ông Rajapaksa bị mất ghế sau cuộc bầu cử năm 2015, nhưng Chính phủ mới của Sri Lanka phải vất vả để thanh toán các khoản nợ ông đã gánh ra. Dưới áp lực nặng nề và sau nhiều tháng đàm phán với Trung Quốc, vào tháng 12 Chính phủ đã giao cảng và 15.000 mẫu đất xung quanh nó cho Trung Quốc trong 99 năm.

Việc chuyển nhượng nầy đã giao cho Trung Quốc quyền kiểm soát một mảnh đất chỉ một vài trăm dặm ngoài khơi bờ biển của một đối thủ, Ấn Độ, và một chỗ đứng chiến lược dọc theo một con đường thủy thương mại và quân sự quan trọng.

Các cảng do Trung Quốc tài trợ

Sự việc nầy là một trong những ví dụ sinh động nhất về tham vọng của Trung Quốc sử dụng các khoản cho vay và viện trợ để đạt được ảnh hưởng trên toàn thế giới – và sẵn sàng chơi mạnh để thắng.


Sự thỏa thuận về món nợ cũng làm nổi mạnh thêm một số lời buộc tội gay gắt nhất về Sáng kiến Vành Đai và Con Đường (Belt and Road Initiative) của Tập Cận Bình: rằng chương trình cho vay và đầu tư toàn cầu là một cái bẫy nợ cho các nước có thế yếu trên khắp thế giới, thúc đẩy tham nhũng và chuyên chế ở các nơi dân chủ đang tranh đấu vươn lên.

H: Cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa của Sri Lanka, ở giữa, đang tán gẩu tại một đám cưới ở Colombo vào tháng Sáu. Ảnh của Adam Dean cho The New York Times

Những cuộc phỏng vấn với các quan chức người Sri Lanka, Ấn Độ, Trung Quốc và phương Tây qua hàng tháng trời cùng với những phân tích các tài liệu và thỏa thuận về dự án cảng cho thấy rõ cách thức mà Trung Quốc và các công ty thuộc quyền kiểm soát của họ đảm bảo quyền lợi của họ ở một quốc gia nhỏ khao khát tiền.

• Trong cuộc bầu cử năm 2015 ở Sri Lanka, các khoản thanh toán lớn từ quỹ xây dựng cảng của Trung Quốc đã được trực tiếp chuyển sang hỗ trợ cho hoạt động tranh cử của ông Rajapaksa, người đã đồng ý với các điều khoản của Trung Quốc ở mỗi khía cạnh và được xem là một đồng minh quan trọng trong nỗ lực của Trung Quốc đẩy xa ra ảnh hưởng của Ấn Độ ở Nam Á. Các khoản thanh toán đã được xác nhận bằng các tài liệu và ngân phiếu trả tiền được mô tả chi tiết trong một cuộc điều tra của Chính phủ mà The New York Times nhìn thấy.

• Mặc dù các quan chức và nhà phân tích Trung Quốc khẳng định rằng sự quan tâm của Trung Quốc đối với cảng Hambantota là hoàn toàn thương mại, các quan chức Sri Lanka nói rằng ngay từ đầu, tình báo và khả năng chiến lược của vị trí cảng là một phần của các cuộc đàm phán.

• Các điều khoản cho dự án cảng vay lúc ban đầu thì phải chăng nhưng trở nên nặng nề hơn khi các quan chức Sri Lanka yêu cầu đàm phán lại tiến độ và bổ sung thêm tài chính. Và khi các quan chức Sri Lanka trở nên tuyệt vọng muốn gỡ bỏ được khoản nợ trong sổ sách của họ trong những năm gần đây, các đòi hỏi của Trung Quốc tập trung vào việc bàn giao vốn chủ sở hữu tại cảng thay vì cho phép giảm nhẹ các điều khoản vay.

• Mặc dù thỏa thuận đã xóa được khoảng $1 tỷ đô la nợ cho dự án cảng, Sri Lanka hiện đang nợ Trung Quốc nhiều hơn bao giờ hết, vì các khoản vay khác vẫn tiếp tục và lãi suất vẫn cao hơn nhiều so với lãi suất từ các nhà cho vay quốc tế khác.

Ông Rajapaksa và các trợ lý của ông đã không trả lời nhiều yêu cầu bình luận, được gửi đến trong nhiều tháng trường, cho bài viết này. Các quan chức của China Harbour cũng không bình luận gì.

Các ước tính của Bộ Tài chính Sri Lanka vẽ ra một bức tranh ảm đạm: Năm nay, Chính phủ dự kiến ​​sẽ có được $14,8 tỷ đô la doanh thu, nhưng nợ phải trả theo lịch trình cho một loạt các nhà cho vay trên toàn thế giới lên tới $12,3 tỷ.

“John Adams đã có câu nói nổi tiếng rằng một cách để chinh phục một quốc gia là thông qua hoặc thanh kiếm hoặc nợ nần. Trung Quốc đã chọn cách sau”. Brahma Chellaney, một nhà phân tích thường hay tư vấn cho Chính phủ Ấn Độ và có liên hệ với Center for Policy Research (Trung tâm Nghiên cứu Chính sách), một thinktank ở New Delhi, nói.

Đặc biệt là các quan chức Ấn Độ lo ngại rằng vì Sri Lanka đang phải vật vã rất nhiều, Chính phủ Trung Quốc có thể đưa nhử việc giảm nợ để đổi lấy việc đưa cảng Hambantota cho quân đội họ sử dụng – mặc dù hợp đồng thuê cuối cùng cấm hoạt động quân sự ở đó nếu không có lời mời của Sri Lanka.

“Cách duy nhất để biện minh cho việc đầu tư vào Hambantota là từ quan điểm an ninh quốc gia – là họ sẽ mang Quân đội Giải phóng Nhân dân vào”, Shivshankar Menon, Bộ trưởng Ngoại giao và sau đó là Cố vấn An ninh Quốc gia của Ấn Độ khi cảng Hambantota được xây, nói.

H: Cảng Hambantota chỉ được một tỷ lệ nhỏ trong kinh doanh cảng của Sri Lanka, nó bị làm lu mờ bởi khu công nghiệp liên hợp chính ở thủ đô. Ảnh của Adam Dean cho The New York Times.

Một đồng minh đã được đính ước

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Sri Lanka đã nhu mì từ lâu, với Sri Lanka là một nước thừa nhận Chính phủ Cộng sản Mao sớm sau cuộc Cách mạng Trung Quốc. Nhưng trong cuộc xung đột gần đây hơn – cuộc nội chiến tàn khốc 26 năm của Sri Lanka với những người ly khai dân tộc Tamil – Trung Quốc trở thành không thể không có.

Ông Rajapaksa, người được bầu vào năm 2005, chủ trì những năm cuối của cuộc chiến, khi Sri Lanka ngày càng bị cô lập bởi những cáo buộc vi phạm nhân quyền. Dưới thời ông, Sri Lanka phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc để được hỗ trợ kinh tế, trang thiết bị quân sự và sự che chở chính trị tại Liên Hợp Quốc để ngăn tránh các lệnh trừng phạt.

Cuộc chiến kết thúc vào năm 2009, và khi đất nước trổi lên từ hỗn loạn, ông Rajapaksa và gia đình đã củng cố thế lực. Ở đỉnh cao nhiệm kỳ của ông Rajapaksa, Tổng thống và ba anh em của ông đã kiểm soát nhiều bộ của Chính phủ và khoảng 80% tổng chi tiêu của Chính phủ. Các chính phủ như Trung Quốc đã đàm phán trực tiếp với họ.

Do đó khi Tổng thống bắt đầu nêu ra một dự án phát triển cảng mới rộng lớn tại Hambantota, nơi im lìm mà ông đang sống, một ít rào chắn chặn đường không có hiệu quả gì.

Ngay từ đầu, nhiều quan chức đã đặt câu hỏi về sự khôn ngoan của việc có một cảng lớn thứ hai, ở một nước có diện tích bằng một phần tư nước Anh và dân số 22 triệu người, khi cái cảng chính ở thủ đô đang phát triển mạnh và có chỗ để mở rộng. Các nghiên cứu khả thi do Chính phủ ủy nhiệm nghiên cứu đã kết luận rõ ràng rằng một cảng ở Hambantota không khả thi về mặt kinh tế.

“Họ tiếp xúc với chúng tôi về vấn đề cảng ngay từ đầu và các công ty Ấn Độ nói không”, ông Menon, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ nói. “Nó là một đồ vô dụng về kinh tế khi ấy, và nó là một đồ vô dụng về kinh tế bây giờ”.

Tuy nhiên, ông Rajapaksa đã bật đèn xanh cho dự án, sau đó còn rêu rao trong một thông cáo báo chí rằng ông đã bất chấp mọi lời cảnh báo thận trọng – và rằng Trung Quốc đang lên tàu để tham gia.

Theo một quan chức có tham gia dự án, năm 2007 Sri Lanka Ports Authority (Ban Quản lý Cảng Sri Lanka) bắt đầu hoạch ra những gì mà họ tin là một kế hoạch cẩn thận về kinh tế. Kế hoạch đó kêu cho mở cửa hạn chế để kinh doanh trong năm 2010, và sẽ đợi đến khi có doanh thu rồi sẽ cho mở rộng.

Khoản vay lớn đầu tiên của dự án đến từ Export-Import Bank, hoặc Exim, (Ngân hàng Xuất nhập khẩu) của Chính phủ Trung Quốc, với số tiền $307 triệu đô la. Nhưng để có được khoản vay đó, Sri Lanka bị yêu cầu phải chấp nhận một công ty được ưa thích của Bắc Kinh, China Harbour, với tư cách là người xây dựng cảng, theo như một cáp của tòa Đại sứ Mỹ khi đó do Wikileaks rỏ rỉ.

Đó là một đòi hỏi điển hình của Trung Quốc cho các dự án của họ trên thế giới, thay vì cho phép một quá trình đấu thầu mở. Theo các quan chức trên khắp khu vực, trên toàn khu vực, Chính phủ Bắc Kinh đang cho vay hàng tỷ đô la, phải được hoàn trả với giá cao hơn bình thường để thuê các công ty Trung Quốc và hàng ngàn công nhân Trung Quốc.

Ngoài ra, cũng có những điều kiện khác gắn liền với tiền vay, đó là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đã nhìn thấy giá trị chiến lược của cảng Hambantota ngay từ đầu.

Nihal Rodrigo, cựu Bộ trưởng Ngoại giao và Đại sứ Sri Lanka tại Trung Quốc, nói rằng các cuộc thảo luận với các quan chức Trung Quốc lúc đó đã đưa rõ ra rằng sự chia sẻ tình báo là một phần không thể thiếu, dầu không công khai, trong toàn bộ của thỏa thuận. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Times, ông Rodrigo đã mô tả cách nói của Trung Quốc là, “Chúng tôi hy vọng các bạn cho chúng tôi biết ai sẽ đến và dừng lại ở đây”.

Trong những năm sau đó, các quan chức Trung Quốc và công ty China Harbour đã nỗ lực giữ mối quan hệ chặt chẽ với ông Rajapaksa, người đã trung thành chấp nhận những điều khoản đó trong nhiều năm.

Trong những tháng cuối cùng của cuộc bầu cử năm 2015 ở Sri Lanka, Đại sứ Trung Quốc đã phá vỡ các tiêu chuẩn ngoại giao và đi vận động cử tri, thậm chí đến cả những người phụ lượm gôn cho người đánh gôn tại sân gôn hàng đầu của Colombo, để hỗ trợ ông Rajapaksa chống lại phe đối lập đang dọa sẽ xé bỏ các thỏa thuận kinh tế với chính quyền Trung Quốc.

Khi cuộc bầu cử vào tháng Giêng đến gần, các khoản thanh toán lớn bắt đầu chảy về phía phe phái của Tổng thống.

Ít nhất $7.6 triệu đô la từ tài khoản của China Harbour tại Ngân hàng Standard Chartered được phân phát cho các người có liên hệ tới chiến dịch tranh cử của ông Rajapaksa, theo như một tài liệu từ một cuộc điều tra nội bộ của Chính phủ mà The Times thấy.

Tài liệu ghi chi tiết số tài khoản ngân hàng của China Harbour – quyền sở hữu tài khoản đã được xác minh – và các tin tức lượm được từ các cuộc thẩm vấn những người nhận được ngân phiếu trả tiền.

Trong vòng 10 ngày trước khi cuộc bầu cử bắt đầu, khoảng $3,7 triệu đô la được phân phối bằng ngân phiếu: $678,000 đô la để in áo thun vận động và các tài liệu quảng cáo khác và $297.000 đô la để mua quà tặng cho những người ủng hộ, kể cả saris cho phụ nữ. $38.000 đô la khác đã được trả cho một nhà sư Phật giáo có tiếng, người ủng hộ bầu ông Rajapaksa, trong khi đó hai ngân phiếu tổng cộng $1,7 triệu đô la đã được các tình nguyện viên giao cho Temple Trees, nhà ở chính thức của ông.

Hầu hết các khoản thanh toán là từ một tài khoản phụ được kiểm soát bởi China Harbor, tên là “HPDP Giai đoạn 2”, viết tắt của Hambantota Port Development Project (Dự án Phát triển Cảng Hambantota).

H: Đoạn đường cao tốc nối dài dẫn đến Cảng Hambantota. Các nhà phân tích Trung Quốc đã không từ bỏ quan điểm rằng cảng có thể sinh lợi nhuận. Ảnh của Adam Dean cho The New York Times.

Mạng lưới của Trung Quốc

Sau gần năm năm mở rộng tán loạn Sáng kiến Vành Đai và Con ​​Đường của Trung Quốc trên toàn cầu, các quan chức Trung Quốc đang lặng lẽ cố gắng kiểm điểm xem có bao nhiêu thỏa thuận đã được thực hiện và mức độ rủi ro tài chính (financial exposure) của họ là bao nhiêu.

Giống như nhiều quan chức khác nói về chính sách của Trung Quốc chỉ nói với điều kiện được giấu tên, một nhà hoạch định chính sách kinh tế của Trung Quốc nói là chưa thấy được một bức tranh toàn diện nào.

Một số quan chức Trung Quốc đã lo ngại rằng sự tham nhũng gần như cả hệ thống xung quanh các dự án này là rủi ro cho Trung Quốc, và nâng cao rào cản cho lợi nhuận.

Tập Cận Bình đã thừa nhận sự lo lắng trong một bài phát biểu năm ngoái, nói rằng, “Chúng ta cũng sẽ tăng cường hợp tác quốc tế về chống tham nhũng để xây dựng Vành Đai và Con ​​Đường với tính chính trực”.

Ở Bangladesh chẳng hạn, các quan chức cho biết hồi tháng Giêng là China Harbor sẽ bị cấm tham gia các hợp đồng trong tương lai vì có cáo buộc là công ty đã cố hối lộ một quan chức Bộ Đường bộ, nhét $100.000 đô la vào một hộp trà, theo các quan chức chính phủ cho biết trong các cuộc phỏng vấn. Và công ty mẹ của China Harbour, China Communications Construction Company (Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc), trong năm 2009 đã bị cấm trong tám năm không được đấu thầu các dự án của Ngân hàng Thế giới vì các hoạt động tham nhũng tại Philippines.

Kể từ khi lấy được cảng ở Sri Lanka, các quan chức Trung Quốc đã bắt đầu nói rằng Vành Đai và Con Đường không phải là cam kết không có giới hạn của Chính phủ để tài trợ cho sự phát triển trên ba lục địa.

“Nếu chúng ta không thể quản lý rủi ro tốt, các dự án Vành Đai và Con Đường không thể đi xa hay tốt”, Jin Qi, chủ tịch của Silk Road Fund (Quỹ Đường tơ lụa), một quỹ đầu tư lớn của nhà nước, cho biết vào cuối tháng Ba tại China Development Forum (Diễn đàn Phát triển Trung Quốc).

Trong trường hợp của Sri Lanka, các quan chức cảng và các nhà phân tích Trung Quốc cũng không từ bỏ quan điểm rằng cảng Hambantota có thể mang lại lợi nhuận, hoặc ít nhất là tăng cường năng lực thương mại của Trung Quốc trong khu vực.

Ray Ren, đại diện của China Merchant Port tại Sri Lanka và là thủ trưởng cho các hoạt động của cảng Hambantota, nhấn mạnh rằng “vị trí của Sri Lanka là lý tưởng cho thương mại quốc tế”. Và ông bác bỏ các nghiên cứu khả thi tiêu cực, nói rằng họ đã được thực hiện cách đây nhiều năm khi Hambantota là “một làng chài nhỏ”.

Hu Shisheng, giám đốc nghiên cứu Nam Á tại China Institutes of Contemporary International Relations (Viện Quan hệ Quốc tế đương đại Trung Quốc), cho biết Trung Quốc đã nhận rõ ra giá trị chiến lược của cảng Hambantota. Nhưng ông nói thêm: “Khi Trung Quốc muốn phát huy giá trị địa chiến lược (geostrategic value), giá trị chiến lược của cảng sẽ biến mất. Các nước lớn không thể đánh nhau ở Sri Lanka – nó sẽ bị xóa sổ. “

Mặc dù cảng Hambantota được khai trương một cách hạn chế lần đầu tiên vào năm 2010, trước khi dự án Vành Đai và Con Đường được công bố, Chính phủ Trung Quốc nhanh chóng xếp dự án vào chương trình toàn cầu.

Ít lâu sau lễ bàn giao Hambantota, hãng thông tấn quốc gia Trung Quốc đã phát hành một video khoe khoang trên Twitter, tuyên bố thỏa thuận này “một cột mốc quan trọng khác trên con đường của #BeltandRoad”.

H: Sân đánh cricket quốc tế Mahinda Rajapaksa ở Hambantota. Sân vận động có nhiều ghế hơn là số dân số của thành phố chính ở đó. Ảnh của Adam Dean cho The New York Times.

H: Các nhà sư hành hương đến thăm sân bay quốc tế Mattala Rajapaksa, phần lớn trống toan, chỉ 150 dặm về phía đông nam của sân bay chính của Sri Lanka. Ảnh của Adam Dean cho The New York Times.

Bến cảng chẳng đưa đi đến đâu

Cái cảng biển không phải là dự án lớn duy nhất được xây dựng với các khoản vay của Trung Quốc ở Hambantota, một khu vực thưa thớt dân cư trên bờ biển phía đông nam Sri Lanka, phần lớn còn tràn đầy rừng.

Một cái sân đánh cricket với nhiều ghế hơn dân số của quận lỵ Hambantota đánh dấu đường chân trời, cũng như thế, một sân bay quốc tế rộng lớn – mà trong tháng Sáu đã mất chuyến bay thương mại hàng ngày duy nhất khi hãng hàng không FlyDubai dứt bỏ lộ trình đó. Một quốc lộ cắt ngang qua khu vực này được voi dùng để đi và được nông dân sử dụng để cào phơi và sấy khô lúa đã hái tươi từ đồng lúa của họ.

Các cố vấn của Rajapaksa đã vạch ra cách tiếp cận cẩn thận để cảng có thể mở rộng sau khi khai trương, đảm bảo sẽ có một số doanh thu trước khi lấy thêm nhiều nợ.

Nhưng trong năm 2009, ông Tổng thống mất hết kiên nhẫn. Năm sau là sinh nhật thứ 65 của ông ta, và để đánh dấu dịp nầy ông ta muốn khai trương hoành tráng cảng Hambantota – bao gồm việc bắt đầu mở rộng đầy tham vọng, 10 năm trước thời hạn hoạch định ban đầu của Port Authority (Cơ quan Cảng).

Theo các quan chức cho biết các công nhân người Trung Quốc làm việc suốt ngày đêm để cho cảng được sẵn sàng. Nhưng khi các công nhân nạo vét đất và làm ngập nước vào để tạo ra lưu vực cảng, họ không màng để ý đến một tảng đá lớn nằm chắn ngang một phần của lối vào, ngăn chặn sự ra vào của các tàu lớn, như tàu chở dầu, mà mô hình kinh doanh của cảng đã dựa vào.

H: Gặt lúa tại một cánh đồng sẽ là nơi xây khu công nghiệp. Ảnh của Adam Dean cho The New York Times.

Các quan chức của Cơ quan Cảng không muốn làm phật lòng Tổng thống, cứ thế nhanh chóng làm tới. Cảng Hambantota được khai trương trong một buổi lễ ăn mừng linh đình vào ngày 18 tháng 11 năm 2010, ngày sinh của ông Rajapaksa. Sau đó, nó ngồi chờ buôn bán trong khi tảng đá vẫn nẳm chặn đường.

Một năm sau đó China Harbour phá nổ tảng đá, với chi phí $40 triệu đô la, một giá cắt cổ làm các nhà ngoại giao và các quan chức chính phủ quan tâm. Một số người công khai suy đoán liệu công ty có đơn giản chỉ tính giá quá mức hay giá đó đã bao gồm lại quả (kickback) cho ông Rajapaksa.

Đến 2012, cảng vất vả thu hút tàu ghé vào – các tàu thích ghé bến cảng Colombo ở gần đó hơn – và chi phí xây dựng tăng lên vì cảng bắt đầu mở rộng trước thời hạn dự kiến. Vào cuối năm đó Chính phủ ra lịnh rằng các tàu chở hàng nhập khẩu xe hơi cho cảng Colombo sẽ phải dỡ hàng tại Hambantota để cảng đó bắt đầu kinh doanh. Tuy nhiên, chỉ có 34 tàu neo đậu tại Hambantota vào năm 2012, so với 3.667 tàu tại cảng Colombo, theo một báo cáo thường niên của Bộ Tài chính.

H: Một gian hàng cá tại khu vực sắp được chuyển thành khu công nghiệp lớn xung quanh cảng Hambantota. Ảnh của Adam Dean cho The New York Times.

“Khi tôi đến Chính phủ, tôi gọi Bộ trưởng kế hoạch quốc gia và hỏi sự biện minh cho cảng Hambantota”, Harsha de Silva, Bộ trưởng cho các chính sách quốc gia và các vấn đề kinh tế, cho biết trong một cuộc phỏng vấn. “Bà ấy nói, ‘Chúng tôi được yêu cầu làm điều đó, vì vậy chúng tôi đã làm điều đó’”.

Quyết tâm tiếp tục mở rộng cảng, ông Rajapaksa quay lại với Chính phủ Trung Quốc vào năm 2012, yêu cầu $757 triệu đô la.

Người Trung Quốc lại đồng ý. Nhưng lần này, các điều khoản vay đã khó hơn nhiều.

Khoản vay đầu tiên, ở mức $307 triệu đô la, ban đầu có lãi suất biến động (variable rate) thường trên 1% hoặc 2% sau vụ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. (Để so sánh, lãi suất cho vay tương tự của Nhật Bản đối với các dự án cơ sở hạ tầng thấp hơn nửa phần trăm).

Nhưng để đảm bảo được nguồn vốn mới, khoản vay ban đầu được thương lượng lại với lãi suất cố định (fixed rate) ở mức cao hơn nhiều 6.3%. Ông Rajapaksa đã chấp nhận.

Sự tăng cao của món nợ và chi phí dự án, ngay cả khi cảng đang gặp khó khăn, đã trao cho phe đối lập ở Sri Lanka một vấn đề to lớn, và họ vận động tranh cữ mạnh dựa vào những nghi ngờ về Trung Quốc. Ông Rajapaksa đã thất cử.

Chính phủ mới, do Tổng thống Maithripala Sirisena đứng đầu, được ủy nhiệm rà soát các giao dịch tài chính của Sri Lanka. Chính phủ cũng phải đối mặt với một khoản nợ khó xử: Dưới thời ông Rajapaksa, nợ của đất nước đã tăng gấp ba lần, lên tới $44,8 tỷ đô la khi ông rời chức vụ. Và chỉ tính riêng năm 2015, $4,68 tỉ đô la phải được tranh toán trước cuối năm.


H: Công nhân xây dựng Trung Quốc, phía dưới bên trái, đang đi bộ về nhà trước đường
chân trời luôn thay đổi của Colombo. Ảnh của Adam Dean cho The New York Times.

Ký tên bỏ đi

Chính phủ mới muốn định hướng Sri Lanka trở lại, về phía Ấn Độ, Nhật Bản và phương Tây. Nhưng các quan chức sớm nhận ra rằng không một quốc gia nào khác có thể lấp đầy không gian tài chính hay kinh tế mà Trung Quốc đã có tại Sri Lanka.

“Chúng tôi thừa kế một nền kinh tế có mục đích chạy xuống – doanh thu không đủ để trả lãi, chứ đừng nói gì đến chuyện trả món nợ gốc”, theo ông Ravi Karunanayake, người từng là Bộ trưởng tài chính trong năm đầu tiên của Chính phủ mới.

“Chúng tôi đã tiếp tục vay tiền”, ông nói thêm. “Một chính phủ mới không thể ngừng vay. Đó là một cách tiếp sức (relay); bạn cần phải lấy chúng cho đến khi kỷ luật kinh tế được thiết lập”.

Ngân hàng Trung ương ước tính rằng Sri Lanka nợ Trung Quốc khoảng $3 tỷ đô la năm ngoái. Nhưng Nishan de Mel, một nhà kinh tế học tại Verité Research, cho biết một số khoản nợ đã được lấy ra khỏi sổ sách của Chính phủ và thay vào đó được đăng ký như là một phần của các dự án riêng rẻ. Ông ước tính rằng nợ Trung Quốc có thể lên tới $5 tỉ đô la và đang tăng lên hàng năm. Vào tháng 5, Sri Lanka đã vay một khoản nợ mới $1 tỷ đô la từ China Development Bank (Ngân hàng Phát triển Trung Quốc) để giúp họ trả món nợ sắp phải trả.

Vào năm 2016 các quan chức chính phủ bắt đầu họp với các đối tác Trung Quốc để đạt được thỏa thuận, với hy vọng rút cảng ra khỏi bảng cân đối kế toán (balance sheet) của Sri Lanka và tránh vỡ nợ hoàn toàn. Nhưng người Trung Quốc đòi là, để đổi lại, phải cho một công ty Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn vốn chủ sở hữu của cảng, theo như các quan chức Sri Lanka nói – xóa bớt nợ không phải là một lựa chọn mà Trung Quốc sẽ chấp nhận.

Khi Sri Lanka được cho một lựa chọn, đó là lựa chọn công ty nhà nước nào sẽ nắm quyền kiểm soát: hoặc là China Harbour hoặc China Merchants Port, theo thỏa thuận cuối cùng, mà The Times có được một bản sao, mặc dù nó chưa bao giờ được phổ biến đầy đủ một cách công khai.

H: Công nhân của China Harbor đi làm việc tại Colombo. Ảnh của Adam Dean cho The New York Times.

Công ty China Merchants có được hợp đồng và ngay lập tức họ đòi hỏi thêm: Các nhân viên công ty đòi 15.000 mẫu đất xung quanh cảng để xây dựng một khu công nghiệp, theo như hai quan chức có kiến ​​thức về các cuộc đàm phán cho biết. Công ty Trung Quốc lập luận rằng cái cảng tự nó không đáng giá $1,1 tỷ đô la họ sẽ trả cho vốn chủ sở hữu – số tiền để khóa sổ khoản nợ cảng của Sri Lanka.

Một số quan chức chính phủ phản đối một cách cay đắng các điều khoản, nhưng họ không thể làm gì khác, theo như các quan chức đã tham gia vào các cuộc đàm phán. Thỏa thuận mới đã được ký kết vào tháng 7 năm 2017 và có hiệu lực trong tháng 12.

Thỏa thuận để lại một chút diện mạo của quyền sở hữu của Sri Lanka: Trong số những vấn đề khác, nó tạo ra một công ty liên doanh để quản lý hoạt động của cảng và thu doanh thu, với 85% thuộc sở hữu của China Merchants Port và 15% còn lại do Chính phủ Sri Lanka kiểm soát.

Nhưng các luật sư chuyên về việc mua cảng cho biết số cổ phần nhỏ của Sri Lanka chẳng có ý nghĩa gì, vì China Merchants Port giữ các quyết định về nhân sự trong ban quản trị và về việc điều hành. Và Chính phủ không giữ chủ quyền trên vùng đất của cảng.

Bản thỏa thuận được đàm phán lúc ban đầu đã để ngỏ vấn đề là cảng và vùng đất xung quanh có thể được sử dụng bởi quân đội Trung Quốc hay không, vấn đề mà các quan chức Ấn Độ yêu cầu Chính phủ Sri Lanka phải ngăn cấm một cách rõ ràng. Thoả thuận cuối cùng ngăn cấm các quốc gia nước ngoài sử dụng cảng cho mục đích quân sự trừ khi được Chính phủ tại Colombo cho phép.

Điều khoản này có được là vì các tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc đã có ghé vào Sri Lanka rồi.
Cảng Colombo, Sri Lanka. 
Ảnh của Adam Dean cho The New York Times.
Những quan tâm về chiến lược

Trung Quốc cũng có đặt cọc phần trong cảng chính của Sri Lanka: China Harbour đang xây dựng một nhà ga mới ở đó, lúc đó được gọi là Colombo Port City. Cùng với thỏa thuận đó là khoảng 50 mẫu đất, do công ty Trung Quốc chiếm giữ một mình, và Sri Lanka không có chủ quyền gì vào đó.

Điều này đã được biểu hiện một cách ấn tượng vào cuối nhiệm kỳ của ông Rajapaksa, năm 2014. Tàu ngầm Trung Quốc cập cảng vào cùng ngày mà Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật Bản đến thăm Colombo, một điều mà người trong khu vực coi như một tín hiệu đe dọa từ Bắc Kinh.

Khi Chính phủ mới Sri Lanka lên cầm quyền, họ muốn có đảm bảo là cảng sẽ không bao giờ chào đón tàu ngầm Trung Quốc nữa – mối quan tâm đặc biệt vì chúng rất khó bị phát hiện và thường được sử dụng để thu thập thông tin tình báo. Nhưng các quan chức Sri Lanka có rất ít kiểm soát thật sự.

Ngày nay, việc giao Hambantota cho người Trung Quốc đã duy trì các lo ngại về khả năng nó được sử dụng cho mục đích quân sự – đặc biệt là khi Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các đảo trên Biển Đông bất chấp những cam kết trước đó là sẽ không làm như thế.

Các quan chức Sri Lanka nhanh chóng chỉ ra là thỏa thuận đó có quy định rõ ràng ngăn cấm Trung Quốc sử dụng cảng cho mục đích quân sự. Nhưng nhiều người khác cũng lưu ý rằng Chính phủ Sri Lanka, vì vẫn còn nợ Trung Quốc rất nhiều, nên có thể bị áp lực để cho phép điều đó.

Và ông de Silva, Bộ trưởng về các chính sách quốc gia và các vấn đề kinh tế, đã nói, “Chính phủ có thể thay đổi”.

Hiện ông và nhiều người khác đang theo dõi kỹ lưỡng ông Rajapaksa, đối tác ưa thích của Trung Quốc tại Sri Lanka, người đang cố gắng để trở lại chính trường. Đảng đối lập mới của cựu Tổng thống đã thắng thế trong các cuộc bầu cử thành phố vào tháng Hai. Cuộc bầu cử Tổng thống sắp đến sẽ vào năm tới, và các cuộc tổng tuyển cử sẽ vào năm 2020.

Mặc dù ông Rajapaksa không thể tranh cử một lần nữa vì bị giới hạn nhiệm kỳ, em trai của ông, Gotabaya Rajapaksa, cựu Bộ trưởng quốc phòng, dường như sẵn sàng cầm lấy vai trò thay thế.

“Đó sẽ là quyết định của Mahinda Rajapaksa. Nếu ông ta chọn một trong những anh em của ông, người đó sẽ có một cái thế rất mạnh”, Ajith Nivard Cabraal, Thống đốc Ngân hàng Trung ương dưới quyền của Chính phủ Rajapaksa, người vẫn làm cố vấn gia đình, cho biết. “Ngay cả khi ông không còn là Tổng thống, như hiến pháp đã qui định, Mahinda vẫn sẽ là cơ sở quyền lực chính”.

H Xây dựng Colombo Port City.
Ảnh của Adam Dean cho The New York Times.

Báo cáo do Keith Bradsher và Sui-Lee Wee từ Bắc Kinh, và Mujib Mashal và Dharisha Bastians đến từ Sri Lanka đóng góp.

M.A.

Nguồn: https://www.nytimes.com/2018/06/25/world/asia/china-sri-lanka-port.html
Via Bauxit Niet Nam

No comments:

Post a Comment

Người Bỏ Lễ Đêm Đông, thơ

Dạo:        Đêm nay Thiên Chúa giáng trần, Xin thương cứu giúp người dân khốn cùng. Người Bỏ Lễ Đêm Đông Đêm đất Bắc, gió mài da tím ngắt, N...