31 August 2017

Thân Phận Tay Sai

Người Buôn Gió

Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Đức đưa về Việt Nam đã phát sinh ra nhiều thứ khiến dư luận phải suy nghĩ. Từ tầm quan hệ ngoại giao quốc tế đến những mối quan hệ trong nội bộ cao cấp của đảng cộng sản Việt Nam. Dư luận đã có nhiều phân tích xoay quanh các vấn đề như vậy.

Ở bài viết này xin đưa thêm phần về những kẻ tay sai đã giúp cộng sản Việt Nam thực hiện vụ bắt cóc này.

Người thứ nhất là quan chức đại sứ quán Việt Nam tại Đức ông Nguyễn Đức Thoa, là quan chức ngoại giao của chế độ CSVN, ông Thoa chỉ bị trục xuất về nước, ông ta không có gì là buồn. Trước sau thì ông ta cũng hết nhiệm kỳ và phải trở về nước. Cú trục xuất này không ảnh hưởng nhiều đến ông Thoa, việc trục xuất ông Thoa chỉ có tính chất tượng trưng về mặt uy tín của chế độ Việt Nam.

Nhưng số phận của hai kẻ liên quan không phải là cán bộ Việt Nam trong vụ này mới thật hẩm hiu. Đó là Hồ Ngọc Thắng và Nguyễn Hải Long.

Nguyễn Hải Long sinh sống tại Praha của Séc làm dịch vụ chuyển tiền. Cảnh sát Đức, Séc xác định Long là người thuê chiếc xe đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Ngày 12 tháng 8 Nguyễn Hải Long bị cảnh sát Séc bắt giữ và giao cho Đức theo lệnh bắt giữ của toàn án tôi cao liên bang Đức vì hai tội làm gián điệp và bắt cóc người.

Với hai tội danh này, người ta ước đoán nêú xét xử Nguyễn Hải Long sẽ chịu mức án tù khá dài. Từ khi Nguyễn Hải Long bị bắt đến giờ, phía nhà cầm quyền Việt Nam không hề có một thái độ nào lên tiếng, bênh vực hay can thiệp cho công dân của mình hay ''người'' của mình.

Nguyễn Hải Long đang ở độ tuổi 46, độ tuổi mà người đàn ông vào thời điểm cần có nhất trong gia đình để làm trụ cột. Anh ta đã đánh đổi cuộc sống của gia đình mình với cái giá rẻ mạt là những lời khen của chế độ cộng sản Việt Nam. Lẽ ra anh ta có cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc, yên bình với gia đình tại Praha, nhưng vì những lời ma mị nào đó của chế độ CSVN, anh ta đã làm một việc phạm pháp mà mục đích chỉ làm hài lòng sự tức tối của ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cái giá mà đất nước Việt Nam trả cho vụ Trịnh Xuân Thanh không hề nhỏ, cái giá mà Nguyễn Hải Long trả quá lớn so với anh ta. Giờ anh ta ở trong tù, những kẻ sai khiến và nhờ vả anh ta làm việc khiến anh ta vào tù không hề có thái độ quan tâm gì. Chúng như không biết gì đến anh. Chẳng có bài báo nào gọi anh là người tình báo vĩ đaị, người chiến sĩ cách mang đã dũng cảm hy sinh cuộc sống cả gia đình để phụng sự công cuộc chống tham nhũng của đảng CSVN. Chúng coi anh như vô vàn người Việt phạm tội trộm cắp, buôn thuốc lá lậu, đưa người lậu bị Đức bắt được mà thôi.

Có lẽ bây giờ Nguyễn Hải Long và vợ con anh ta thấm thía nỗi đau này hơn cả.

Còn Hồ Ngọc Thắng thì sao? Nỗi ê chề và nhục nhã của Hồ Ngọc Thắng không có gì sánh nổi. Bởi tính chất ngạo mạn, khoe khoang bấy lâu nay. Thắng thường xuyên khoe mình là chuyên viên luật, làm công chức trong bộ máy hành chính của Đức. Thắng liên tục viết bài chỉ trích, chê bai nước Đức trên báo Nhân Dân, tờ báo lớn nhất của đảng CSVN mỗi năm ngốn 60 tỷ tiền ngân sách. Sự cống hiến của Thắng cho đảng CSVN được coi trọng, Thắng được nhận bằng khen từ trưởng ban tuyên giáo trung ương, uỷ viên bộ chính trị Đinh Thế Huynh, giải thưởng từ tổng biên tập báo Nhân Dân, uy viên trung ương đảng Thuận Hữu.

Thắng là của hiếm của chế độ cộng sản trong việc tuyên tryền, có gì quý hơn một kẻ làm cho Đức , ăn lương Đức, sống nhờ trên nước Đức mà lại ca ngợi chế độ cộng sản Việt Nam, lên án Đức đã sai trái khi đòi nhân quyền và tự do ở Việt Nam. Làm được việc cho cộng sản VN như thế, Thắng được những cấp cao nhất trong đảng phụ trách về tuyên truyền khen ngợi. Thắng lên mây trong mắt bạn bè ở Việt Nam như môt vị anh hùng.

Thắng có vợ con ở Đức, có lẽ con của Thắng không biết việc Thắng làm. Những đứa con của Thắng đã lớn, chúng sinh ra và lớn lên ở đây, chúng thấm nhuần văn hoá và suy nghĩ của người Đức. Chúng không hề biết bố chúng Hồ Ngọc Thắng đang làm những điều nhục nhã là phỉ báng nước Đức để kiếm chút danh vọng quê nhà. Con người của Hồ Ngọc Thắng thật ích kỷ, chỉ vì muốn chút danh hão ở quê nhà mà hắn đang tâm chửi lại nơi đang nuôi dưỡng gia đình hắn. Hắn từ nơi khác đến đây rồi ăn vạ ở lại, nước Đức đành cưu mang vì tính nhân đạo, nuôi dưỡng và cho hắn công ăn việc làm. Vậy mà hắn chửi, nếu quê hương và chế độ cai trị quê hương của hắn tốt, tại sao hắn không đưa cả gia đình về làm việc và phụng sự chế độ cai trị ở quê nhà? Không, hắn không về cũng như không đưa gia đình hắn về. Hắn cứ bám ở Đức để có cuộc sống tôt đẹp và chửi nước Đức để ở nhà bọn cai trị ca ngợi hắn.

Cái giá mà Hồ Ngọc Thắng trả lớn rất nhiều, vì tính ích kỷ mà hắn không quan tâm đến. Đó là nỗi đau của con cái hắn, những thanh niên người Đức gốc Việt. Ở Đức bị đuổi việc là một sự nhục nhã, nhất là đuổi vì lý do tiết lộ nghề nghiệp mang tính chất phản bội. Nước Đức đề cao tính kỷ luật và trung thành, đó là những yếu tố làm nên con người Đức, là những giá trị cơ bản thiêng liêng mà mỗi công dân Đức đều ý thức rõ. Những đứa con của Hồ Ngọc Thắng sẽ cảm thấy sao khi đọc báo thấy tin về bố mình bị đuổi việc, bị nhắc đến một cách khinh bỉ vì những hành động đê tiện mà y đã làm phản lại nước Đức và công việc của y. Y bị gọi là kẻ hai mặt, hai mang trên báo chí Đức như sau.

Một bài báo của Đài Deutsche Welle (Làn sóng Đức) ngày 22.08.2017 còn ghi rõ: Ban ngày thì làm việc trong cơ quan Đức, ban đêm thì hoạt động phục vụ cho Đảng Cộng sản Việt Nam? Hình như đó là cuộc sống hai mặt của một nhân viên bị buộc phải thôi việc, có lẽ người này đã có những "chỉ dẫn" giúp đội đặc nhiệm của mật vụ Việt Nam đến Berlin hồi tháng Bảy để bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

Hồ Ngọc Thắng đã để lại vết thương lòng cho gia đình y, cho con cái y trên đất Đức. Không có lý lẽ nào để bảo vệ những việc hắn làm, nếu y cho rằng đó là lý tưởng khiến ý phải làm thì lý tưởng ấy phản lại ý tưởng con cái hắn, những công dân Đức đang sống trên nước Đức.

Chắc chắn Hồ Ngọc Thắng đang sống trong cảnh ê chề với mọi người chung quanh hắn, gia đình hắn và đồng nghiệp và hàng xóm của hắn. Hàng ngày hắn lên gân trên Facebok của mình để che đậy sự ê chề này, một cách yếu ớt và đáng thương. Lúc này báo chí của đảng, các quan chức đã từng khen ngợi hắn đều dửng dưng trước nỗi đau mà hắn đang phải gánh. Đảng cộng sản coi hắn như một kẻ cơ hội, muốn nịnh bợ đảng để được chút danh, và đảng CSVN đã ban cho hắn cái danh đó bằng những tấm bằng khen, những hình ảnh tiếp đón mỗi lần về nước. Đảng CSVN không dại gì đứng ra bảo vệ hay lên tiếng trước những mất mát ê chề mà Hồ Ngọc Thắng đang gánh.

Những kẻ như Hồ Ngọc Thắng, Nguyễn Hải Long còn có rất nhiều ở châu Âu, chúng luôn xu xoe quanh những quan chức Việt Nam để mong được lời sai bảo, để thực hiện cung cúc và đổi được lời khen hoặc những tấm giấy mời dự những sự kiện do sứ quán tổ chức, chúng dùng những hình ảnh đó loè với đồng bào chúng là những người có vai vế, có quan hệ. Chúng sẵn sàng mạt sát, phỉ báng mảnh đất mà chúng tìm mọi cách để trốn vào đó và bám lại để đổi được chút hư danh mà đảng CSVN ban cho chúng. Thân phận tự nguyện làm tay sai như chúng khi có sự việc gì xảy ra, chỉ chúng và gia đình chúng gánh chịu cùng với nỗi nhục nhã ê chề cho con cái chúng phải gánh theo.

Tấm gương của Hồ Ngọc Thắng và Nguyễn Hải Long sẽ là lời cảnh tỉnh cho những kẻ đang sống bám xứ người ta nhưng muốn làm tay sai cho chế độ CSVN kiếm chút hư danh. Sự bội bạc và ngoảnh măt làm ngơ của chế độ CSVN cho dư luận thấy quan hệ giữa những kẻ này chỉ mang tính trục lợi lẫn nhau, không có tình nghĩa hay lý tưởng nào trong đó hết, đó mới thực sự thể hiện bản chất quan hệ của giống loài cộng sản với nhau.

Mối quan hệ và cách hành xử của chế độ CSVN với Hồ Ngọc Thắng, Nguyễn Hải Long cũng cho người dân Việt đang sống ở nước ngoài hết ngộ nhận về vị thế những kẻ tay sai lăng xăng quanh các cán bộ sứ quán Việt Nam. Giờ họ nhận ra rằng chúng không phải là nhân vật quan trọng, người có vai vế mà chỉ là những kẻ tay sai thời vụ, lúc yên lành thì trưng ảnh ăn nhậu, bắt tay, cờ hoa rượụ hoành tráng. Đến lúc bị sao mới ê chề nhục nhã phận tôi đòi. Thân phận tay sai để kiếm chút hư danh là vậy. Bài học của những tên như Hồ Ngọc Thắng, Nguyễn Hải Long sẽ làm những kẻ khác phải ngẫm nghĩ, dù chúng không bị bắt hay đuổi việc, nhưng chúng cũng không còn huênh hoang tự hào khoe khoang quan hệ với cán bộ cộng sản nữa.

Khi một người dân chủ bị bắt, những người cùng chí hướng lên tiếng vận động đòi thả tự do, lên tiếng bênh vực thì bị những kẻ như Hồ Ngọc Thắng, Nguyễn Hải Long chửi bới, mạt sát. Như Hồ Ngọc Thắng đã nhiều lần chỉ trích người Đức đã đòi tự do cho Nguyễn Văn Đài.

Nay đến lượt chúng bị, đồng chí của chúng, cấp trên của chúng, tổ chức của chúng đối xử với chúng thế nào?

Chỉ có một từ - nhục nhã.

Với thân phận tay sai cho chế độ cộng sản, chỉ có nhục nhã là xứng đáng thôi.

Theo FB Người Buôn Gió

Họp Mặt Gia Đình Hành Chánh Boston-Connecticut ngày 26/8/2017

Vài hình ảnh họp mặt Gia Đình Hành Chánh Boston-Connecticut ngày 26/8/2017 tại nhà anh chị Lê Văn Bảy, Andover, Massachusetts.











30 August 2017

Cột trụ suy yếu nhất của Lâu đài Độc đảng

Bùi Tín

Trong chế độ cộng sản độc đảng, 3 quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, 3 cột trụ của Nhà nước, đều bị Đảng thâu tóm, nắm chặt, không chia sẻ cho ai.

Đó là một Quốc hội của đảng, do đảng, vì đảng, được "đảng chọn, dân bàu", gần 90% là đảng viên cộng sản, luôn cầm quyền theo chỉ thị của đảng.

Đó là một Chính phủ từ Chủ tịch Nước, Thủ tướng, Bộ trưởng, Thứ trưởng … đều là Ủy viên Bộ Chính Trị, Ủy viên TƯ đảng, điều hành theo các Nghị quyết và luật pháp do đảng quyết định, không có một chính đảng nào khác tham gia.

Đó là một ngành Tư pháp do đảng nắm trọn, các Tòa án mà các thẩm  phán, Hội đồng xét xử đều do đảng cử ra, xét xủ theo chỉ thị của đảng, tuyên án theo ý kiến và xét duyệt của đảng.

Tại đó không có trường Luật một thời gian dài, khi có cũng là đào tạo theo mô hình một nền tư pháp đảng trị, theo tinh thần Cương lĩnh đảng cao hơn Hiến pháp, nghị quyết đảng cao hơn luật pháp. Theo đó, người công dân yêu nước, lương thiện, chống bành trướng - xâm lược có khi bị tù tội nặng nề, bất công.

Trong xã hội văn minh, pháp quyền chặt chẽ, 3 ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp luôn phân lập, tách riêng, kiềm chế, kiểm sóat lẫn nhau, do đó không có quyền nào bị lạm dụng, làm thiệt hại cho người công dân luôn bình đẳng trước pháp luật. Trong xã hội độc đảng tòan trị, ngành tư pháp là ngành tàn bạo bất công phi lý nhất, gây oan ức cho ngừoi dân nhất.

Trong 3 cột trụ của Nhà Nước cộng sản, ngành nào cũng lạc hậu, bất minh, quay lưng lại với nhân dân, nhưng ngành tư pháp luôn bênh vực bọn quan tham cầm quyền, ưu ái với bọn bành trướng xâm lược, độc ác với công dân kiên cường yêu nước, yêu dân chủ và nhân quyền, rộng lượng với bọn cường hào mới ăn cướp đất của nông dân, là ngành đáng chê trách và đáng lên án mạnh mẽ nhất.

Cũng cần chỉ rõ, ngành tư pháp đảng trị trong thời hội nhập là ngành phơi bày những nhược điểm, những tội ác tệ hại nhất, làm mất hết uy tín của chế độ đảng trị, thúc đẩy công dân đứng lên đấu tranh cho một chế độ dân chủ - tự do, một chế độ pháp quyền công minh hiện đại, có 3 quyền phân lập, buộc đảng Cộng sản phải ‘’sống trong khuôn khổ của Hiến pháp và luật pháp’’ ,- như được ghi rõ trong Hiến Pháp, không được vượt rào, ra khỏi sự ràng buộc ấy.

Gần đây, 2 vụ án liên quan đến pháp luật quốc tế văn minh, hiện đại đang diễn ra sốt dẻo, là thời cơ hiếm có để nhân dân ta hiểu rõ thế nào là một nền tư pháp  quốc tế dân chủ công bằng, bình đẳng, thế nào là một phiên tòa liêm chính, thượng tôn luật pháp, không có một uy quyền hay số tiền nong nào có thể mua chuộc, làm cho kẻ gian bị lọt lưới, người ngay bị án oan.

Đó là vụ án ngang nhiên tổ chức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trên lãnh thổ một nước phương Tây có pháp quyền vững mạnh bất chấp luật pháp quốc tế, phơi bảy bản chất lạc hậu phi pháp của một chế độ liều lĩnh dám xuất khẩu bạo lực hung hãn trên đất lạ, lại còn không biết điều để nhận lỗi, xin lỗi, còn cho bộ hạ lên án ngược phía CHLB Đức là phản ứng vô lối, quá đáng.

Đó là vụ doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình kiện lần thứ 2 Nhà nước CH XHCN Việt Nam về tước đọat tài sản của ông và giam ông trong nhà tù nghiệt ngã thiếu dưỡng khí, không cho tắm vào mùa hè, bị xiềng xích kéo dài theo kiểu khủng bố…

Trong vụ án này, Nhà nước độc đảng lần đầu phải ngồi vào ghế bị cáo, cúi đầu phải nghe và trả lời quan tòa một cách lễ phép, để rồi phải cúi đầu nghe các bản luận tội đanh thép. Đây là bài học nhớ đời cho những kẻ quen xử án theo uy quyền tuyệt đối – pháp luật là ta .

Chính vì cái lẽ đó mà Bộ Chính Trị suốt 1 tháng nay, nghiêm cấm mọi sự bàn tán về 2 vụ án liên quan đến 2 ông họ Trịnh trên đây, không cho nhà báo nào sang Paris tường thuật về vụ xử án quốc đang diễn ra.

Càng cấm bao nhiêu thì xã hội càng tò mò tìm hiểu kịp thời cặn kẽ bấy nhiêu. Đây xứng đáng là mẫu mực sinh động của một nền tư pháp quốc tế hiện đại, quan tòa thât sự vô tư, độc lập, các luật sư bênh vực thân chủ của mình bằng lý lẽ, bằng chứng, bằng các điều luật rõ ràng minh bạch.

Đây cũng nên là bộ phim sinh động về nền tư pháp quốc tế văn minh trong thế kỷ 21 cho các sinh viên trường Luật ở Việt Nam đang khao khát hội nhập quốc tế, tham gia xây dựng nền tư pháp Việt Nam hiện đại, độc lập công bằng, thóat khỏi sự lũng đọan của đảng Cộng Sản phạm quá nhiều bất công, tội ác, chuyên dùng các tòa án bất công của mình để trị tội các công dân đáng quý trọng như Trần Hùynh Duy Thức, Nguyễn Văn Đài, Mẹ Nấm - Như Quỳnh, Trần Thị Nga, Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh  … Từ nay, các phiên tòa mờ ám phi lý, trơ tráo như thế sẽ rất khó xảy ra trước sự giám sát cảnh giác của xã hội và thế giới.

Cái cột trụ Tư pháp độc đảng là cái cột trụ yếu ớt nhất trong 3 cột trụ của «lâu đài Cộng sản»  độc đảng đã mọt ruỗng từ gốc đền mái.

Cái cột trụ mọt ruỗng ấy đang bị sấm sét của thời đại bủa vây và đang có ánh chớp báo hiệu một đòn sét quyết định, làm cho cả cái lâu đài oanh liệt hão một thời đổ sập tiêu tan, nhường chỗ cho một chế độ dân chủ - pháp trị mới xuất hiện trong niềm hân hoan của toàn dân.

Bùi Tín
Nguồn: voatiengviet.com
________________________________________________
Tác giả Bùi Tín là cựu đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam,
cựu Tổng Biên Tập báo Nhân Dân, và cựu đại tá trong
quân đội NDVN (quân đội CS Miền Bắc)

29 August 2017

Bão Lụt Harvey, Texas

Nhìn hình ảnh thì khiếp!
Nhưng theo tin tức từ các bạn bè sống tại Texas thì tình hình không đến nỗi. . .
"Cả quận hạt hơn 4.5 triệu dân mà chỉ có khoảng 10 ngàn phải đến các nợi tạm trú thôi." (NTQ)


Thư của anh Nguyễn Trần Quý, Houston:

Anh Nguyễn Trần Quý, CH4, đã ngụ chung trại tỵ nạn với tôi khi xưa (1985) cách nay cũng gần 32 năm rồi. Anh Quý và tôi có nhiều kỷ niệm vui buồn của “đời tỵ nạn”, nhất là lúc chúng tôi ở trại chuyển tiếp Singapore trước khi đi định cư tại Mỹ.


**

Chào bạn Nguyễn Nhật Ngọ,

Cảnh bão lụt ở Houston được chiếu trên TV thấy kinh khủng quá, làm những người ở xa Houston nghĩ rằng toàn thành phố ngập lụt.

Quả thực có lụt rải rác khắp thành phố, nhất là ở những giao lộ Freeway có tầng thấp dưới mặt đất và những nơi ở gần những bayou và gần 2 con sông lớn Brazos và Trinity làm giao thông bị gián đoạn.

Tuy nhiên có lẽ 90% nhà cửa không bị nước tràn vào nhà, chỉ ở ngoài đường thôi, nên tôi chưa nghe tin có anh em QGHC nào phải rời nhà vì ngập nước. Khu Bellaire buôn bán đông nhất của người Việt cũng chỉ 1 đoạn chừng vài trăm thước bị nước ngập làm gián đoạn giao thông trong mấy tiếng thôi, chứ các chợ và tiệm ăn vẫn mở cửa như thường.

Cả quận hạt hơn 4.5 triệu dân mà chỉ có khoảng 10 ngàn phải đến các nợi tạm trú thôi.

Lâu lâu lại đọc thấy "tác phẩm" của bạn trên email QGHC mà chưa có dịp gặp lại, có lẽ cũng hơn 20 năm rồi?

Chúc an vui mạnh gỉoi

Nguyễn Trần Quý, Houston

27 August 2017

Du thuyền mắc cạn?


Không, đó là khách sạn Sun Cruise Hotel ở Jeongdongjinin, Nam Hàn.

Đan Mạch - Ông Trọng Lú

“…Ôi, cái đất nước thuốc ung thư cũng giả, mà hạnh phúc cũng giả nốt. Cái gì cũng giả, chỉ có sự giả dối là thật. Đau ghê gớm…”

Đừng suy diễn nhé. Tôi đang ở Đan Mạch và nhớ đến lời ông Trọng: “Không biết một thế kỷ nữa chủ nghĩa xã hội đã có ở Việt Nam chưa?”

Nếu cứ chiểu theo những gì mà ông tổng đang mơ tờ lờ mờ thì chủ nghĩa xã hội đã có ở Đan Mạch.

Này nhé: người dân Đan Mạch được chăm sóc y tế miễn phí, con em được hưởng một nền giáo dục miễn phí. Mọi sinh viên đều được cấp 70 tháng học bổng trong cả một đời. Giả sử một sinh viên đã dùng 30 tháng học bổng nhưng lĩnh vực đó anh không thấy phù hợp thì anh có quyền dùng tiếp 40 tháng còn lại để học một ngành khác. Hoặc một sinh viên đã dùng 35 tháng để học xong đại học và anh ta đi làm. Sau đó, lúc nào anh muốn học tiếp nâng cao anh vẫn còn 35 tháng còn lại. Tóm lại cả một đời người nhà nước cho 70 tháng học bổng anh muốn dùng lúc nào cũng được. Hề hề, khoái thật thảo nào người ta chọn Đan Mạch là một trong những nước hàng đầu người dân sống hạnh phúc nhất.

Còn nhiều thứ nữa ở Đan Mạch, sợ kể ra đây thêm ông lại tâng lên hai thế kỷ.

Hình như đã có lúc ông Trọng tự sướng bằng cách hùng hồn "chưa bao giờ rực rỡ" như cái thời đại oẳn tà là oằn này. Hình như trong cơn mơ của ông, người dân Việt Nam cũng thuộc loại hạnh phúc nhất hành tinh. Ôi, cái đất nước thuốc ung thư cũng giả, mà hạnh phúc cũng giả nốt. Cái gì cũng giả, chỉ có sự giả dối là thật. Đau ghê gớm.

Nếu cái đất nước này vẫn nằm trong sự cai trị của ông và những người như ông, thì hàng trăm năm nữa Việt Nam cũng đừng mơ bằng Đan Mạch, ông Trọng lú ạ.

Đan Mạch cộng sản.

Copenhague, 25/8/2017
Đặng Xương Hùng
Theo FB Đặng Xương Hùng

Vuốt Hờn Nè, thơ cảm đề Á Nghi


NGƯỜI VIỆT ANH HÙNG

Một Người Việt Anh Hùng trong vụ khủng bổ ở Phần Lan

Tôi nghĩ Nguyễn văn Ngọc là một người Việt có hành động anh-hùng. Khi vụ khủng bố chém giết man rợ xẩy ra ở Turku, Phần Lan, anh là một trong vài người đã cố ngăn chận hung thủ để bảo vệ sinh mạng những người khác.

Nguyễn văn Ngọc, 46 tuổi, có vợ và ba cô con gái, là chủ một sạp hoa đặt tại quảng trường thành phố Turku. Người Việt ở đây thường gọi là khu chợ trời, nơi xẩy ra vụ khủng bố làm thiệt mạng 2 phụ nữ, 2 đàn ông và 5 phụ nữ khác bị thương vào ngày 18/8/2017 vừa qua. Ở một đất nước, nơi hầu như mọi người đều tránh sát hại từ những sinh vật nhỏ bé, thì hung thủ, một người Ma Rốc Hồi Giáo 18 tuổi, đã giết người bằng cách chém đứt cổ họng của một trong hai phụ nữ vô tội, tất cả các nạn nhân đều không có khí giới.

Anh Ngọc kể lại rằng sau khi hung thủ “la lối thánh thần gì đó rồi đâm người đàn bà Phần Lan quị xuống, rồi lại vác dao chạy, vừa la lối vừa tiếp tục đâm loạn đả” anh đã xách một chiếc ghế, cố chận hung thủ, và cũng la lên để báo động cho mọi người biết hung thủ có dao. Anh nói lúc ấy cũng có vài người khác bán hàng gần chỗ anh, “mấy người Iraq, Afghanistan bán hàng ở đây” đã cùng anh cố ngăn hung thủ nhưng không được, "hắn buộc dao ở tay, tôi xách ghế lên, nhưng hắn tránh đi, không đánh với mình, hắn lách sang hướng khác, theo không kịp".

Mấy hôm nay truyền thông Anh quốc vẫn đang tường thuật khá nhiều về ông Hassan Zubier, nguyên quán Dartford, vùng Kent. Là người quốc tịch Anh, và là một nhân viên cứu thương hiện sống ở Thụy Điển sang thăm Phần Lan, ông Zubier đã cố cứu người đàn bà bị đâm đầu tiên. Giữa lúc ông đang ôm người này để tìm cách cứu nạn nhân thì hung thủ quay lại chém ông bốn nhát vào cổ, ngực, và lưng ông. Tuy bị thương, ông vẫn ôm lấy người phụ nữ Phần Lan đang tắt thở trong tay ông.
Báo chí, truyền thông Anh quốc gọi ông Hassan Zubier là “Một người anh hùng của Anh quốc ở Turku”.

Còn chúng ta, tôi nghĩ giản dị là chúng ta cũng có một người anh hùng. Người anh hùng của chúng ta không bị thương, việc ngăn chận hung thủ không thành công, nhưng anh là người đã không chần chừ ra tay trước sự việc dã man thô bạo. Người anh hùng ấy thấy chuyện bất bình không làm ngơ, nhanh chóng can thiệp mà không e tổn hại đến bản thân mình.

Hành động của Nguyễn văn Ngọc là điểm son cho cộng đồng Việt Nam nhỏ bé tại một thành phố Phần Lan, nơi đã nhen nhúm những tổ chức kỳ thị và tinh thần chống người di dân có thể dâng lên.

Anh là một người anh hùng của cộng đồng người Việt ở Turku.


(Theo FB Nguyễn Bá Trạc)

26 August 2017

Vị Tỳ kheo khác thường…

Tỳ kheo bỏ việc, xuất gia, mang Phật Giáo và thiền vào nhà tù. Một vị Tỳ Keo rất khác thường

Tỳ Kheo Thích Thiện Tâm. (Hình: 
Quốc Dũng/Người Việt)
ROSEMEAD, California (NV) – Lúc đầu định đi vào các nhà tù cho biết, vậy mà suốt bốn năm qua, ròng rã hằng tuần, ông vào những nơi này để giúp cho các tù nhân. Từ lúc chỉ đi hai, ba nhà tù, đến nay ông đã đi bảy nơi ở Nam California. Dù đoạn đường từ nơi ông ở đến các nhà tù phần lớn đều trên 200 dặm, nhưng cứ mỗi lần rong ruổi, ông thầm cảm ơn Đức Phật đã đưa đường chỉ lối cho ông.

Không như những người xuất gia khác, Tỳ Kheo Thích Thiện Tâm dù xuất gia nhưng không tu tập tại chùa nào. Ông từng nghĩ sẽ lập chùa, làm trụ trì, giảng pháp, hướng dẫn chúng tăng, độ đệ tử bên ngoài, nhưng trong nhiều chuyến thăm tù, ông quyết định cuộc đời này ông sẽ đem giáo pháp của Đức Phật vào các nơi tối tăm để giúp người – những thành phần bất hảo nhất của xã hội.

Thông thạo tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Việt, có bằng tiến sĩ Phật học, ngoài tâm nguyện mang ánh sáng Phật pháp đến những nơi khó khăn, cần sự giúp đỡ, xem các trại tù như những ngôi chùa và đạo tràng để tự tu, hướng dẫn người, ông còn dạy môn Tâm Lý Học Phật Giáo tại đại học University of The West, Rosemead.

Làm bạn với tù nhân

25 August 2017

Vụ kiện của Trịnh Vĩnh Bình: như một chuyện thần thoại

Huỳnh Ngọc Chênh

"…nạn nhân Trịnh Vĩnh Bình đã dạy cho họ một bài học đích đáng. Buộc nhà cầm quyền này ra tòa đã là thắng lợi rồi dù phiên tòa chưa biết kết thúc như thế nào…”

Như một câu chuyện thần thoại, bụt đã hiện ra lôi một nhà cầm quyền đầy quyền lực, nắm quyền sinh sát 90 triệu con người trong tay, qua tận Paris xa xôi để hầu tòa bình đẳng với một cá nhân bé nhỏ mà trước đây suýt bị họ giày chết như giày một con kiến nếu muốn.

Nếu ông Trịnh Vĩnh Bình không phải là người có quốc tịch nước ngoài và nếu không có thế giới bên ngoài tự do văn minh thì không hề có phiên tòa xét xử vụ kiện của một cá nhân bé nhỏ đối với một nhà nước có bộ máy cầm quyền khổng lồ.

Bụt ở đây là quan tòa của thế giới văn minh dân chủ tôn trọng nhân quyền và công lý.

Bụt đã cho nhà cầm quyền VN thấy rằng một nhà nước quyền lực với hàng trăm ngàn binh lính, hàng vạn công an mật vụ trong tay cũng bình đẳng với một cá nhân đơn lẻ trước phiên tòa của lẽ phải.

Không còn được sự hỗ trợ của súng đạn, của an ninh mật vụ, của hội thẩm nhân nhân và của chánh án tay sai, nên ra hầu tòa hôm nay ở Paris, phía nhà cầm quyền Việt Nam đành phải bỏ tiền ra thuê hãng luật rất nổi tiếng và cực đắt tiền của Mỹ để dùng vũ khí là sự thật và lý lẽ công bằng chống lại đối thủ là hãng luật cũng rất nổi tiếng ở nước Anh mà bên nguyên đơn Trịnh Vĩnh Bình thuê bảo vệ quyền lợi của mình.

Hai giàn đại pháo số một này sẽ chĩa nòng trực diện vào nhau mà bấm nút. Cuộc đại chiến trị giá trên 1 tỷ đô la hẳn sẽ long trời lở đất và vô cùng thú vị.
Mỉa mai đến cay nghiệt, nhà cấm quyền VN vốn quen hành xử theo Mao, lẽ phải nằm trước mũi súng, luật lệ là phán quyết của đảng, đã giải thể các trường dạy luật, hắt hủi luật sư, rồi sau này vội vã đào tạo gấp rút trở lại cho có, cũng chỉ để làm cảnh, làm tay sai, nên sau 40 năm vẫn không có được một luật sư tài năng nào đủ sức ra đương đầu với những cuộc đụng độ luật pháp quốc tế như thế này.

Cũng giống như khi phải đối diện với sự an nguy một mất một còn của tính mạng, những kẻ đứng đầu cao nhất của hệ thống không ngần ngại lột truồng ra, vất bỏ đi mọi sự giả dối, để tuyệt đối gởi thân vào nền y tế mà họ rêu rao là thù địch hầu cứu vớt tính mạng mình, thì bây giờ đứng trước nguy cơ mất mặt và mất mát bạc tỷ họ lại cầu cứu đến hệ thống tư pháp thù địch.

Không biết trong những ngày này, những người đại diện cho nhà cầm quyền VN đang ngồi tại phiên tòa hoặc đang ngồi tại nhà có can đảm đối diện vào sự thật để rút ra chút hiểu biết gì đó từ thế giới văn minh hay không? Có thấy rằng quyền lực của mình hoàn toàn vô nghĩa trước sự công minh của nhân loại văn minh. Bởi quyền lực đó chẳng tác động gì được đến kết quả phiên tòa Paris, không như nó đã tác động trong hàng vạn phiên tòa xét xử trong nước, trong đó có phiên tòa xét xử công dân Hà Lan Trịnh Vĩnh Bình để đưa đến hậu quả ngày hôm nay nhà cầm quyền phải ra trước phiên tòa do nạn nhân của họ đứng đơn.

Bao nhiêu công dân VN bị xét xử sai trái, đặc biệt là những công dân hoạt động XHDS, đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền.

Một doanh nhân trẻ tài năng như Trần Huỳnh Duy Thức bị tù đến 16 năm chỉ vì đưa ra những kế hoạch chấn hưng kinh tế đất nước, một luật sư tài năng tầm quốc tề như Lê Công Định bị tù nhiều năm chỉ vì muốn xây dựng hệ thống tư pháp hiện đại và một đề án hiến pháp mới. Một nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải bị đi tù chỉ vì biểu tình chống Trung cộng thành lập thành phố Tam Sa. Một Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, một Trận Thị Nga bị đày ải đến 10 năm tù chỉ vì muốn đấu tranh cho nhân quyền. Một Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh bị đi tù chỉ vì muốn đấu tranh cho một nền báo chí tự do. Những Nguyễn Văn Đài, Phạm Văn Trội, Lê Thu Hà, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức, Vịnh Lưu, Đức Độ, Hoàng Bình, Nguyễn Văn Oai, Nguyễn Trung Trực, Lê Đình Quyền...vừa bị bắt hàng loạt vì hoạt động XHDS ôn hòa.

Rồi hàng trăm công dân khác vì tham gia biểu tình, vì phổ biến kiến thức dân chủ, vì đấu tranh nhân quyền, vì lên tiếng phản biện...đã bị cấm xuất cảnh, bị bao vây tại nhà, bị đánh đập vô cớ, bị trục xuất ra khỏi chỗ ở, bị xử phạt sai trái...

Hầu như không có ai kiện lại nhà cầm quyền hay kiện những cá nhân trong bộ máy cầm quyền gây ra sai trái.

Ngay cả việc chỉ kiện hành chánh một phó công an quận mà đã rất khó khăn rồi. Đó là vụ kiện của công dân Đặng Bích Phượng với viên trung tá phó công an quận Hoàn Kiếm về quyết định xử phạt hành chánh quá thời hạn. Ấy thế mà bà Phượng phải vượt qua hàng núi thủ tục, vô số lần lên tòa, kéo dài nhiều tháng mới lôi được viên trung tá ấy ra hầu tòa. Một phiên tòa hy hữu mà ngay cả ông chánh án cũng phải thừa nhận là phiên tòa hành chánh đầu tiên diễn ra tại tòa ông. Dĩ nhiên bà Phượng đã thua kiện vì cả tòa đứng về một phe dưới quyền lãnh đạo của đảng ủy quận.

Hôm nay, nạn nhân Trịnh Vĩnh Bình đã dạy cho họ một bài học đích đáng.

Buộc nhà cầm quyền này ra tòa đã là thắng lợi rồi dù phiên tòa chưa biết kết thúc như thế nào. Nhà cầm quyền VN hiểu điều đó nên lén lút đến dự tòa và ra lệnh cho 800 cơ quan ngôn luận trong nước phải câm như hến.

Nhưng làm sao bịt miệng được cả thế gian.

Huỳnh Ngọc Chênh
Nguồn: huynhngocchenh.blogspot.com

24 August 2017

Loài Chó, thơ cay


Tao bảo vệ đảng ...(cướp)
Vì nó cho tao quyền
Hành dân còn xơ mướp,
Moi đâu cũng ra tiền.

Tao đâu có nợ  nước,
Vì tao gốc con hoang.
Chúng dậy tao thề ước:
Giữ đảng đến hoang tàn.

Theo đảng diệt thù địch,
Địch diệt, đảng mới yên
Hầu bao sẽ chắc nịch,
Đảng nguy, túi sẽ phiền.

Bộ điên sao chống đảng
Đảng cho tao sang giàu
Có ngu mới bỏ đảng,
Bỏ đảng rồi đi đâu?

Phải bám chặt vào nó
Dù nó có hôi tanh
Đừng chửi tao là chó
Vì chó mới trung thành

Chó không chạy theo tiền,
Theo chủ dù khốn khó,
Ngay cả sắp lật thuyền.
Tao quả thua cả chó ...
... thì đã sao !

Cận Chiến

Siêu thực ?

Đừng tưởng lầm đây la bức tranh siêu thực nhá! Đó là bức hình chụp một cột điện không bị cháy hết tại Rudnya, Nước Nga.

23 August 2017

Khủng hoảng Venezuela, tỉ lệ cá cược của Trung Quốc và Nga

Gérard Latulippe
Nguồn: Le Huffington Post (Pháp)
Ngày 8 tháng 8, sau cuộc bầu cử Hội đồng Lập hiến ở Venezuela, đại diện của 17 nước châu Mỹ Latin đã gặp nhau ở Peru. Hầu hết những người dự họp đều lên án sự sụp đổ chế độ dân chủ và đã tiến hành một số bước nhằm chống lại chính phủ Maduro. Như vậy là, sự chống đối được mọi người nhất trí càng làm cho Venezuela thêm cô lập hơn nữa.


Ảnh hưởng tất yếu của Trung Quốc và Nga

Nhưng, Maduro không lùi bước. Ông ta kiên quyết thiết chế hóa chế độ độc tài. Nga và Trung Quốc đang cung cấp cho chính phủ của ông ta những khoản trợ giúp to lớn. Trung Quốc và Nga có vai trò gì trong cuộc khủng hoảng ở Venezuela? Đâu là mục tiêu chiến lược của họ?

Trong một thông báo chính thức, Trung Quốc tuyên bố rằng cuộc bầu cử Hội đồng Lập hiến được tổ chức trên cơ sở pháp luật và kêu gọi các nước khác kiềm chế, không can thiệp vào công việc nội bộ của Venezuela. Đáng chú ý là, Trung Quốc đã nhiều lần nói đến ý nghĩa của sự ổn định ở đất nước đang làm cho họ lo ngại.

Vấn đề dầu mỏ và tiền

Từ năm 2014, Trung Quốc đã cấp cho Venezuela gần 30 tỷ USD. Điều khoản của thỏa thuận không hoàn toàn minh bạch và không được Quốc hội chấp thuận. Nợ được thanh toán bằng dầu mỏ. Đây là một cam kết đấy rủi ro, vì sau khi giá dầu giảm vào năm 2016, các khoản thanh toán đã gia tăng đột ngột.

Trong khi đó, sản lượng dầu khai thác giảm mạnh. Từ khi Chavez được bầu, sản lượng khai của nước này đã giảm một triệu thùng mỗi ngày. Nếu năm 2013 Venezuela cung cấp cho Trung Quốc 12,5 tỷ thùng, thì năm năm 2016 chỉ còn 4,5 tỷ thùng. Đất nước này không thể cung cấp cho Trung Quốc đủ số lượng dầu để trả nợ. Ở Venezuela, cuộc khủng hoảng vẫn đang hoành hành và Trung Quốc rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Trung Quốc - ngoại giao tài chính và ảnh hưởng trên khắp thế giới

Sự bành trướng trên khắp thế giới của Trung Quốc dựa trên những khoản vay lớn mà nước này cung cấp cho những quốc gia mà họ quan tâm về mặt chiến lược. Nhân quyền, bảo vệ môi trường, tham nhũng – không phải là mối bận tâm của Trung Quốc. Trung Quốc cung cấp các khoản vay mà không đòi hỏi bất kỳ điều kiện nào. Trung Quốc cũng không quan tâm đến khả năng thanh toán của các nước nhận được “viện trợ”. Trên thực tế, Trung Quốc chỉ quan tâm tới việc mở rộng thị trường của mình, tiếp cận với nguồn nguyên liệu thô và ảnh hưởng chính trị nhằm củng cố quyền lợi địa-chiến lược trên thế giới.

Mỹ Latin là khu vực ưu tiên về chiến lược của Trung Quốc. Năm 2015, các ngân hàng phát triển Trung Quốc đã cho các nước Mỹ Latin vay 30 tỷ USD, nhiều hơn khoản vay của cả Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển liên Mỹ cộng lại. Năm 2015, các vị tổng thống của tất cả các nước châu Mỹ Latin đã tới thăm Trung Quốc và Tập Cận Bình hứa trong mười năm tới sẽ đầu tư vào khu vực này 250 tỷ USD. Brazil, đối tác chiến lược của Trung Quốc trong khối BRICS, gồm cả Trung Quốc và Nga. Chile, Peru, Bolivia và Venezuela đã trở thành thành viên của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB), do Trung Quốc đứng đầu. Sự hội nhập ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ Latin đã làm suy giảm thế thượng phong mang tính lịch sử của Mỹ trong khu vực. Học thuyết Monroe được lặng lẽ đưa vào kho lưu trữ.

Trong khuôn khổ sáng kiến “Một Vành đai Một Con đường”, Trung Quốc dự định đầu tư 5 ngàn tỷ USD, thông qua các khoản cho vay và xây dựng cơ sở hạ tầng trong những nước độc tài và đáng ngờ như Pakistan, Sri Lanka và một số nước khác. Bằng chính sách cho vay không giới hạn và xây dựng cơ sở hạ tầng khổng lồ, Trung Quốc đang gia tăng sức mạnh toàn cầu của mình nhằm hoàn thành giấc mơ khôi phục “Đế chế Trung Hoa”.

Nhưng Trung Quốc có sẵn sàng mất hàng tỷ USD do chính sách ngoại giao phiêu lưu của mình?

Tình thế tiến thoái lưỡng nan của Trung Quốc

Suốt nhiều năm qua, Trung Quốc đã ủng hộ chính phủ sử dụng các nguồn tài chính vô trách nhiệm và tham nhũng của Venezuela. Đây là lúc phải đối diện với sự thật. Dự trữ ngoại hối của nước này chưa tới 10,5 tỷ USD, trong khi nợ phải trả là 7,2 tỷ USD. Chẳng bao lâu nữa, nước này sẽ cạn kiệt tiền mặt.

Trung Quốc luôn khuyến khích quyền xoá nợ của các nước đang phát triển, với điều kiện đấy là các khoản vay của các nước phương Tây. Nhưng khi nói đến những khoản vay của chính mình, Trung Quốc có chấp nhận quyền này hay không? Không có gì chắc chắn. Nếu Trung Quốc xoá một phần hay toàn bộ món nợ khổng lồ của Venezuela, họ có thể tạo ra hiệu ứng domino trong các chính sách cung cấp những khoản tín dụng khổng lồ và thiếu trách nhiệm của mình cho các nước độc tài. Đề nghị sửa đổi thời hạn và điều kiện trả nợ đang được gửi tới từ tất cả các phía. Trung Quốc có thể phải sẽ gặp những hậu quả nặng nề về ngoại giao và tài chính.

Trung Quốc cần ổn định chính trị ở Venezuela. Nước này có những lựa chọn nào?

Trung Quốc và cuộc khủng hoảng ở Venezuela

Ít có khả năng là Trung Quốc sẽ dính líu vào vụ xung đột này. Mối quan tâm về địa chiến lược của Trung Quốc: mở rộng ảnh hưởng của nước này trên khắp Mỹ Latin làm cho họ không thể đứng hẳn về phía băng đảng của Maduro.

Những người đại diện của phe đối lập Venezuela nói rằng tất cả các khoản cho vay từ Trung Quốc là vô giá trị, do không minh bạch và không được Quốc hội chấp thuận. Nếu ở Venezuela có thay đổi chế độ thì Trung Quốc sẽ tìm cách thỏa hiệp để thu hồi tất cả các khoản nợ. Không loại trừ khả năng là Trung Quốc đã chuẩn bị để hướng các nhà lãnh đạo phe đối lập tới bước ngoặt như thế.

Cũng không loại trừ khả năng là Trung Quốc đang tìm cách gây ảnh hưởng tới một số nước châu Mỹ Latin mà họ đã phát triển được các mối quan hệ hợp tác về kinh tế và tài chính như Brazil, Chile và Pêru nhằm thảo luận một thỏa hiệp mà không lật đổ chính phủ hiện nay ở Venezuela. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không ủng hộ Tuyên bố Lima. Mô hình Trung Quốc không tương thích với sự trở lại của chế độ dân chủ.

Gérard Latulippe
Nguồn: Le Huffington Post (Pháp)
Phạm Nguyên Trường dịch Nguồn: phamnguyentruong.blogspot.com

22 August 2017

Liệu Việt có giao Trịnh Xuân Thanh cho Đức?

Người Buôn Gió
Theo blog Người Buôn Gió

Quan hệ ngoại giao giữa CHLB Đức và Việt Nam sau vụ Trịnh Xuân Thanh đến giờ chưa có gì tiến triển, đài VOA cho biết họ có một nguồn tin nói rằng phía Việt Nam đề nghị đàm phán với Đức để giải quyết vấn đề này.

Với cách tiếp cận kiểu đề nghị không chính thức như vậy, có thể hiểu chế độ cộng sản Việt Nam không thực lòng, trái lại họ đang âm mưu kéo dài thời gian để tìm biện pháp đối phó tráo trở trước những cáo buộc của nhà nước Đức.

Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2017

Bố ơi, hồi ấy bố đã làm gì?

Năm 2020!

Con trai yêu quý của bố. Hồi ấy bố đi làm thêm để có nhiều tiền. Rồi bố đưa cả nhà mình đi du lịch nước ngoài, đi tắm biển Phú Quốc. Bố đi tìm trường tư tốt nhất cho con, bố chở con tới trung tâm ngoại ngữ tốt nhất để con học. Sau này lớn lên có nhiều kiến thức con sẽ đi du học và sinh sống ở nước ngoài, nơi có môi trường sống và làm việc tốt hơn.

– Bố ơi, sao hồi ấy bố không lên tiếng cùng với mọi người về môi trường ô nhiễm?

À, bố nghĩ rằng bố lên tiếng cũng chẳng ai nghe. Đi tuần hành để bày tỏ cùng mọi người thì mất thời gian, không khéo sẽ gặp nguy hiểm, đánh đập, bắt bớ. Mà việc ấy đã có những người khác họ làm rồi, thiếu mình bố nghĩ cũng không sao. Mai này môi trường ở đây không an toàn thì bố sẽ đưa cả nhà mình sẽ ra nước ngoài sống.
Con cố gắng lên, bố đang nhờ các bạn bố liên hệ với bệnh viện nước ngoài để điều trị khối u của con, cho dù có bán hết mấy biệt thự, cả ô tô của bố mẹ cũng bán hết để chạy chữa cho con.

– Bố ơi, con nghĩ là muộn rồi. Bạn Phú Trọng lớp trưởng ấy. Bố mẹ bạn ấy đều là Giáo sư – bác sĩ, cũng đưa bạn ấy đi bệnh viện ở Pháp – Mỹ mà các Giáo sư bên ấy cũng lắc đầu trả về không chữa được.
– Hay con có đề nghị thế này. Bố mẹ không phải bán nhà, bán xe, lo chạy chữa cho con nữa đâu. Bố mẹ hãy sinh em bé, em sẽ thay con sống với bố mẹ.

Không, không con yêu ạ. Bằng bất kỳ giá nào bố mẹ cũng phải chạy chữa cho con. Bố mẹ đã quyết định nghỉ việc để đưa con ra nước ngoài chạy chữa rồi…
Với… lại, mấy năm trước bố mẹ cũng muốn sinh thêm em bé để con có anh có em cho vui, nhưng…bác sĩ khuyên không nên, vì nguy cơ em con sinh ra sẽ bị ảnh hưởng hệ thần kinh…

À, con trai yêu, tiếng Anh của con vẫn tốt chứ. Con hãy nói một câu tiếng Anh mà con muốn nói lúc này xem nào?

– H…E…L…P…M…E…

Ôi, con trai đừng thế. Cố lên, bố yêu con!
__________________________________
Nguồn: caubay.wordpress.com
Via Blog Sầu Đông

19 August 2017

Về Với Biển, thơ cảm đề NT



VỀ VỚI BIỂN

Hải âu về lại trùng dương
Hay về với đá vô thường trăm năm
Để con sóng vỗ, bọt tăm
Đùa trên cọ vẽ thăng trầm biển khơi
Cũng mây và nước lưng trời
Biết chăng đời cuộc đổi dời đá ơi...
Nói đi sao biển nghẹn lời
Sóng cuồng phong có đầy vơi sắc màu
Rồi như trăm nỗi bể dâu
Hải âu vỗ cánh về đâu hỡi tình
Chốn nào trú ngụ riêng mình
Biển, trời, mây, đá ... dặm nghìn vút cao


Như Thương

Chiến tranh xâm lược của Tàu được đưa vào sách Lịch sử Việt Nam

Dưới nhan đề "Chiến tranh xâm lược của Trung Quốc được đưa trong sách Lịch sử Việt Nam" tác giả Hoàng Phương điểm qua một số sự kiện lịch sử đã được bộ sử mới do nhà xuất bản Khoa học Xã hội xuất bản đánh giá lại như:  1.Thực thể Nước Việt Nam Cộng Hòa, 2. Cuộc chiến xâm lược của Nước Tàu vào các thời đại đặc biệt cuộc chiến biên giới bắt đầu từ năm 1979. 3. Công ổn định và cải cách của Nhà Mạc, 4. Công tội của Nhà Nguyễn. Bài viết đăng trên VietExpress có LINK sau đây:

http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/chien-tranh-xam-luoc-cua-trung-quoc-duoc-dua-trong-sach-lich-su-viet-nam-3629609.html

17 August 2017

Đá Của Hải Âu, tranh mới A.C.La


Đá Của Hải Âu
(Rocks of Seagulls)
 Oil on canvas, 24x30 in (61x76cm)
by A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh
**

Đá Của Hải-Âu

Hải-Âu vờn sóng biển
Ửng hồng áng mây trôi
Ngàn năm ôm phiến đá
Âm vang một góc trời
 *
Nơi này triệu năm trước
Là vách núi thiên nhai
Bây giờ là hải giác
Sơn dã đã phôi phai
*
Cánh chim tung lướt gió
Hải-Âu vui có đôi
Nghệ nhân tìm họa hứng
Phóng bút vẽ tranh thôi!


Mến tặng HS A.C.L.A
Một đọc giả
**

"Bố có thể vẽ đẹp hơn thế"

Mệt mỏi nhiều khi là cơ hội cho tính lười biếng của tôi trỗi dậy. Đôi khi vội vã cũng đồng lõa với tính lười biếng nữa. "Thôi kệ nó đi". "Vậy cũng được rồi" v.v... Ai mà chẳng muốn phè ra và một lời khuyên, một nhận xét biết đón nhận giúp ích rất nhiều khi phải xua đuổi tính dễ dãi buông bỏ.

Người phê bình nghệ thuật đúng nghĩa của mình, cũng như người mẫu, thật sự là không có. Phần lớn họa sỹ tài tử và ngay cả họa sỹ thực thụ thường có những người bên cạnh giúp nhắc nhở hay theo cái kiểu "xía mũi vào" phê bình. Những lời phê bình ấy không chuyên nghiệp nhưng lại rất thành thực. Họa sỹ John Robinson (1932-2008) trong một CD hướng dẫn có nói rằng vợ ông một hôm đi vào phòng họa của ông thấy ông đang vẽ mây, bà ấy nói "Sao trông giống Micky Mouse" quá vậy(!). Ông cười và sửa lại.

Nhiều khi những người chung quanh có những nhận xét mộc mạc nhưng lại bộc lộ những ý lạ, những khuyết điểm mà người vẽ không nhìn ra hay không nghĩ tới, hoặc nhiều khi có nghĩ tới mà bỏ qua. Thái độ bỏ qua như vậy thường có những nguyên do:

1. Người vẽ không cho rằng đó là lỗi quan trọng.
2. Có khi cho rằng người xem tranh chắc không đến nỗi khắt khe hay, tệ hơn, sẽ không nhìn thấy hoặc nhận ra (!!).
3. Người vẽ nhận ra khiếm khuyết không điều chỉnh ngay và sau đó quên đi.
4. Chỉ theo cảm tính hứng thú mà không suy nghĩ kỹ trước khi vẽ nên thiếu mục tiêu rõ ràng.

Bức tranh "Đá Của Hải Âu" cách đây hai tuần trước tưởng đã xong. Một người bạn nhìn thấy nói "Có cái gì bất ổn nơi những hòn đá, sóng thì đẹp". Thế là bức tranh được xem xét lại toàn bộ. Nhìn kỹ và suy xét mới thấy tất cả đều còn có những chỗ có thể làm đẹp hơn, kể cả sóng nước. Bức tranh tốn thêm hai tuần lễ nữa nay mới được trình làng.

Cháu gái lớn của tôi không phải là họa sỹ, nhưng có thiên khiếu rõ ràng về mỹ thuật. Thiên khiếu này lại tăng lên sau khi cháu lấy chứng chỉ "Visual arts history" như một môn nhiệm ý để hoàn tất bốn năm đại học. Những năm tháng đầu tiên tôi khởi sự nghiên cứu và vẽ sơn dầu, cháu chưa lập gia đình, vẫn còn ở chung với tôi. Tôi tưởng rằng cháu không để ý đến những bức tranh tôi vẽ, nhưng không phải vậy. Thường thì cháu không có nhận xét gì trước khi tôi ký tên vào bức tranh hiểu là tranh đã hoặc sắp hoàn thành. Một số những nhận xét này gợi nhớ những nguyên tắc (quan trọng) trong hội họa hay nghệ thuật.

Sau này khi tôi vẽ và trình làng được khá nhiều tranh, bạn bè nhìn thấy cũng cho những nhận xét, hoặc những cảm nghĩ quý giá khi xem tranh. Tôi đúc kết lại những nhận xét và cảm nghĩ đã nhận được để dễ nhớ:

- Bố có thể làm đẹp hơn nữa. "You can do better, Dad" (Quá dễ dãi với mình)
- Bức tranh trông như là hai bức tranh ghép lại. (Bố cục lỏng lẻo hay không nhất quán)
- Màu sao có vẻ lạt quá. (Thiếu Intensity)
- Background có vô số chi tiết. (Rườm rà)
- Đá trông giống hòn non bộ. (Thiếu quan sát hiện trường).
- Sóng không lớp lang. (Nếu đúng vào trường hợp, thì thiếu drawing trước khi painting)

Việc nào cũng vậy, không có phê bình không tiến được.

Nghề chơi cũng lắm công phu, cha ông nói chẳng sai chút nào. Có phải vậy không quý bạn?

A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh.

Huyền Thoại Việt, thơ Như Thương

Đất nước tôi mai trở thành huyền thoại?
Huyền thoại Rừng trong vang vọng thẳm sâu
Tiếng nghẹn ngào từ bạt ngàn hoang dại
Mất rừng rồi, trăng cô quạnh đêm thâu

Huyền thoại Biển từ bình minh sóng vỗ
Ngóng con tàu, ngư phủ lướt trùng khơi
Đợi cá tôm, mẹ trùng dương đãi ngộ
Nuôi dân lành, nghề hạ bạc người ơi

Huyền thoại Sông chở phù sa ngọt lịm
Như màu da con gái nước dừa xiêm
Bông điên điển chiều lòng lục bình tím
Mênh mông sông, thương Bậu bước nổi chìm

Huyền thoại Núi giữa âm vang khai phá
Núi đổ rồi, ai người tượng Vọng phu
Hồn thần núi nhìn dáng xưa xa lạ
Thác xuôi nguồn đâu dáng núi nghìn thu

Mất tất cả quê hương thành huyền thoại
Trang sách nào vẽ lại chốn thân thương
Rừng núi ơi, có nghe lời van vái
Biển sông đau, lòng quê mẹ đoạn trường

Như Thương

Hình ảnh sinh hoạt Hè 2017: Hành Chánh Montréal có Ban Chấp Hành Mới



Hình ảnh sinh hoạt Hè 2017: Hành Chánh Toronto họp mặt

Tại nhà anh chị Nguyễn CK Nam, Mississauga









Diệp văn Cẩm hỏi: Cái gì dài dữ vậy ông Vĩnh?
Nguyễn Thế Vĩnh hồi âm: 

Bầu tôi chẳng phải bầu tròn
Mà dài lủng lẳng thon thon cái chầy
Nhìn lên lá phủ giàn cây
Ngó xuống hoa cỏ hây hây mượt mà
Nắng hè pha chút sương sa,
To lên như thổi ai mà không ham.

Hình ảnh sinh hoạt Hè 2017: HCMĐ picnic

Hành chánh Miền Đông picnic:










Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...