23 February 2015

CHIẾN THẮNG NGỌC HỒI – ĐỐNG ĐA



(Tranh A.C.La "Quang Trung Đại Phá Quân Thanh") 


MỘT BÀI HỌC CHO BANG GIAO VIỆT - TRUNG

Cuộc xăm lấn Đại Việt năm 1788 của nhà Thanh là cuộc xâm lấn bành trướng cuối cùng của phong kiến Trung Hoa và nếu Nguyện Huệ đã chọn hướng giải quyết khác đi thì lịch sử và địa lý của dân tộc Việt Nam ngày nay sẽ ra sao?

Chính sử Việt Nam ghi lại năm ấy mượn cớ vua Lê Chiêu Thống cầu viện, nhà Thanh đã giao cho Tôn Sỹ Nghị một đạo quân đông đảo gần 30 vạn, ào ạt kéo vào nước ta chiếm đóng Thăng Long. Thế yếu, các tướng Tây Sơn Ngô Văn Sở, Ngô Thời Nhiệm rút về Tam Điệp cố thủ và bảo toàn lực lượng. Trong Nam Nguyễn Ánh đã gia tăng được lực lượng sẳn sàng uy hiếp Qui Nhơn trong lúc Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc lâm trọng bệnh. Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ trên thực tế chỉ kiểm soát được một vùng lảnh thổ khá hẹp thừ Thuận hóa đến Nghệ An, trong tay huy động chưa có được 1/10 quân số nhà Thanh đang xâm lược Bắc Hà!

Thử tường tượng vì thế yếu Nguyễn Huệ chọn một hướng khác, trước vận mệnh hiễm nghèo của đất nước, làm ngơ trước đoàn “quân lạ” đang xâm nhập miền Bắc, quá đông, quá hùng hỗ. Nguyễn Huệ chỉ nghĩ đến quyền lợi của nhà cầm quyền, chỉ lo đương đầu với Nguyễn Ánh ở Gia Định và Nguyễn Nhạc trong Nam, sau đó chọn giải pháp thúc thủ, giao lại đất Thanh Hóa Nghệ An cho nhà Thanh và vua Lê Chiêu Thống, tóm lại chỉ lo mưu cầu chiếc ghế vương quyền tại phương Nam.

Như vậy lịch sử và địa lý Viêt Nam sau này sẽ ra sao?

Nước ta có lẽ chỉ còn lại từ sông Gianh cho đến Hà Tiên khi người Âu sau này bắt đầu xâm nhập vào Đông Nam Á! Giả thiết này có tính khả thi cao khi ta biết, ngoài Bắc vua Lê Chiêu Thống đã phản bội tổ quốc dùng niên hiệu nhà Thanh mặc nhiên công nhận nền đô hộ của người Tàu. Trong Nam lịch sử còn nghi lại từ Gia Định cũng năm 1788, Nguyễn Ánh đã gởi đoàn thuyền chở gạo ra Bắc chi viện cho quân nhà Thanh mà không thành vì gặp bão. Ông vua sáng lập ra triều đình nhà Nguyễn này có nhiều khả năng cũng sẽ để yên cho nhà Thanh ở đất Bắc sau khi lấy lại giang sơn từ tay nhà Tây Sơn vì chẳng may cho dân tộc Việt, người anh hùng áo vải sẽ phải mất sớm.

Nếu lịch sử đã theo hướng đó thì làm gì ta còn Thăng Long mà tổ chức lễ hội ngàn năm?

May thay, Nguyễn Huệ, được sự trợ giúp tư vấn của tầng lớp sỹ phu chân chính lúc bấy giờ, những Ngô Thời Nhiệm, Phan Huy Ích, Nguyễn Thiếp, Đoàn Nguyễn Tuấn, Vũ Huy Tấn, Nguyễn Nễ, Nguyễn Huy Lượng, Bùi Dương Lịch… đã chọn lựa hướng khác, hướng chính danh yêu nước thương dân, hướng bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và độc lập dân tộc: Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế, minh định chính danh, cũng cố chính nghĩa dân tộc, theo lẽ trời, thuận lòng người, thống nhất ý chí toàn dân toàn quân, tự mình thống lĩnh thủy bộ đại binh ra Bắc đánh giặc Thanh, chấp nhận lấy một chọi mười:

“Chúng nó sang phen này là mua cái chết đó thôi. Ta ra chuyến này thân coi việc quân đánh giữ, đã định mẹo rồi, đuổi quân Tàu về chẳng qua 10 ngày là xong việc. Nhưng chỉ nghĩ chúng là nước lớn gấp 10 nước ta, sau khi chúng thua một trận rồi, tất chúng lấy làm xấu hổ, lại mưu báo thù, như thế thì đánh nhau mãi không thôi, dân ta hại nhiều, ta sao nỡ thế. Vậy đánh xong trận này, ta phải nhờ Thời Nhiệm dùng lời nói cho khéo để đình chỉ việc chiến tranh. Đợi mươi năm nữa, nước ta dưỡng được sức phú cường rồi, thì ta không cần phải sợ chúng nữa.”

Chúng ta biết phần còn lại của lịch sử, số phận của người anh hùng bách chiến bách thắng Quan Trung – Nguyễn Huệ.

Sau mồng năm Tết Kỷ Dậu 1789, Ngô Ngọc Du, một nhà thơ đương thời, đã ghi lại không khí tưng bừng của ngày chiến thắng oanh liệt như sau:

“Mây tạnh mù tan trời lại sáng

Đầy thành già trẻ mặt như hoa,

Chen vai khoác cánh cùng nhau nói:

“Kinh đô vẫn thuộc núi sông ta”

Nhà cầm quyền Trung Công thường thách thức cả dân tộc Việt : “hợp tác (với Trung Quốc) sẽ phát triển, (Việt Nam) đấu tranh sẽ thất bại. Họ quên rằng  cách đây chỉ 227 năm dân tộc Việt Nam nào có thất bại khi phải bắt buộc chấp nhận hướng đấu tranh dù phải một chống mười!

Nguyễn Đăng Hưng
Sài Gòn, Mồng 5 Tết Ất Mùi!

No comments:

Post a Comment

Câu Chuyện Đêm Giáng Sinh

Buổi chiều ngày 24 tháng 12 năm 2004, Wendy, cô sinh viên năm thứ hai đại học Dược khoa đang đứng đợi chuyến xe lửa dưới subway của thành ph...