05 February 2015

BỊNH THẦN KINH, THIÊN TÀI VÀ NHÀ BÁC HỌC BẤT ĐẮC DĨ

BS Hồ Văn Hiền.

Hiện nay, ngành thần kinh trong y khoa xem những biểu hiệu khác thường của hệ thần kinh như chứng động kinh như là những “bịnh” cần chữa trị, thường bằng thuốc men, lúc khẩn cấp lên cơn động kinh, hoặc trị liệu lâu dài hơn để ngừa những cơn động kinh tái hồi (epilepsy). Những tổn thương khác trên hệ thần kinh có thể gây ra do chấn thương, nhiễm trùng. Trong đa số trường hợp sau cơn bịnh, hệ thần kinh sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều theo ngã tiêu cực, nghĩa là bộ óc có khả năng hoạt động kém hơn trước trong một số lãnh vực nào đó.

Một hiện tượng trái chiều được để ý tới từ lâu là trong một số trường hợp ngoại lệ, một số bịnh thần kinh lại đi kèm theo, hoặc để lại những biểu hiện theo ngã tích cực. Một số người đã nhận xét có sự liên hệ giữa thiên tài và bịnh thần kinh. Theo Wikipedia, bác sĩ người Pháp thế kỷ thứ 17 đã lập nên một danh sách những "người động kinh nổi danh của Aristotle" gồm những nhân vật tăm tiếng thời cổ đại mắc chứng động kinh như Hercules, Socrates, Plato. Gần đây hơn, nhà văn Nga Dostoyevsky, thuộc một gia đình có 'truyền thống " động kinh. Cha ông cũng như con ông đều mắc chứng này. Ông liên hệ bịnh này trong các tác phẩm nổi tiếng của mình. Cơn động kinh của ông được báo trước bằng một aura có tính cách ngây ngất (ecstatic), khác với những aura khó chịu của động kinh thông thường.

Một số người do những tổn thương hay rối loạn của hệ thần kinh xảy ra trong lúc còn trong bụng mẹ hoặc sau khi chào đời có những triệu chứng của bịnh tự kỷ. Trong thuật ngữ y học hiện nay , những người này được thu tóm trong định bịnh gọi là 'quang phổ tự kỷ" (autism spectrum). Trẻ em mắc chứng tự kỷ có triệu chứng thuộc 3 nhóm sau đây, xảy ra trước 3 tuổi:


1) Ngôn ngữ tiếp nhận hay diễn tả như được dùng trong giao tiếp xã hội. Có nghĩa là bé thiếu khả năng hiểu lời nói cũng như khả năng nói chuyện lúc tiếp xúc với người khác.

2) Phát triển được sự gắn bó có lựa chọn xã hội hay tương tác xã hội. Có nghĩa bé có "đeo", gắn bó theo một số người thân, quen thuộc với mình như cha mẹ, anh em, hay không. Các bé bị tự kỷ có thể gặp ai cũng đòi nhưng không đeo ai cả. Sự tương tác giữa bé bình thường và người khác cần phải là một tác động hai chiều, "reciprocal"; ví dụ các bé tự kỷ có thể nói được nhiều, nhưng theo kiểu đọc bài, không phải đối thoại, và không thay đổi theo phản ứng của ngưởi nghe.

3) Chơi trò chơi có tính cách chức năng . Chơi chức năng (functional play) là những trò chơi giản dị nhất trẻ vui thú lúc dưới 24 tháng: lúc lắc đồ chơi phát tiếng động, thả trái banh, đập nước bồn tắm văng tung toé, cứ thế lập đi lập lại. Bất cứ động tác nào mà bé thích thú lập đi lập lại để học hỏi về đồ vật, thế giới vât thể chung quanh đều xem như "chơi chức năng". Sau đó là chơi biểu tượng. (1) Chơi có tính cách biểu tượng (symbolic play) là dùng một đồ vật, một động tác hay một ý tưởng nào đó để thay thế một đồ vật, một hành động hay ý tưởng khác trong lúc chơi. Ví dụ trẻ đẩy cục gỗ trên sàn nhà, giống như đẩy một chiếc xe chạy, hay trẻ cầm trái chuối áp lên tai và nói chuyện để bắt chước động tác dùng điện thoại

Một trong những đặc điểm hay gặp, nhưng không phải luôn luôn có, ở những bịnh nhân tự kỷ là chúng có những năng khiếu về trí nhớ đặc biệt (mnemonism) và chúng rất thích thu thập các con số, các dữ kiện. Một ít bịnh nhân hiếm hơn (10%), có những khả năng vượt trội về trí nhớ (nhớ toàn bộ cuốn từ điển, nhớ các số điện thoại trong niên giám), về toán, về vẽ (nhớ và vẽ ra với một số lượng chi tiết phi thường), âm nhạc (hầu hết là chơi piano, nhớ một bản nhạc sau khi chỉ nghe một lần , chơi bản nhạc đó như là một máy thu âm rồi phát lại). Những khả năng này tương phản với trí thông minh rất bị giới hạn trong những lãnh vực khác, nhất là trong 3 lãnh vực nêu trên: ngôn ngữ, tương tác xã hội, và hiều cũng như sắm vai trò có tính cách biểu tượng.

Những bịnh nhân ngoại hạng, "có tật, có tài" này trước đây được gọi là " đần độn bác học" hay "đần độn thông thái" (idiot savant; John Landon Down, 1887). Nguyên thuỷ, Down có ý chỉ những bịnh nhân có chỉ số IQ rất thấp, dưới 40, và "savant" có nghĩa là hiểu biết, theo từ "savoir" tiếng Pháp nghĩa là biết trong một số lãnh vực eo hẹp, tương phản với trí thông minh tổng quát rất thấp kém, chứ không phải bác học.

Tuy nhiên gần đây, vì nhận xét không phải ai cũng có chỉ số thông minh IQ thấp ở mức đần độn, và để tránh hàm ý miệt thị của từ idiot, người ta chỉ gọi họ là "savant" (trong dấu ngoặc) và chúng ta theo đó tạm gọi họ là "thông thái", trong "hội chứng nhà thông thái". Tôi thích từ thông thái hơn là bác học để dịch từ savant, vì từ "bác" nghĩa là rộng có lẽ không phù hợp để mô tả khả năng tuy đặc biệt nhưng khá eo hẹp của các nhân vật "quý hiếm này". Trong chừng 10% trường hợp, bịnh nhân có "giác quan thứ sáu" hay ESP (extrasensory perception) nhận thức ngoài giác quan), có nghĩa là họ có khả năng "thấy", cảm nhận những điều mà ngũ quan chúng ta không ghi nhận được, khả năng "thầy bói" (psychic) hay bị số đông nghi ngờ (Treffert).(2)

Riêng về ESP, đây là một lãnh vực thú vị trong nghiên cứu về một số bịnh nhân tự kỷ. Chúng ta nhìn họ như những người bị khiếm khuyết trong khả năng thuyền thông với người khác, ví dụ khó khăn đọc được cảm xúc trên nét mặt người đối diện, hay diễn tả bằng lời nói. Thay vào đó, chúng ta có thể xem họ như những người có những khả năng cảm nhận khác chúng ta, và có nhửng giác quan chúng ta không có mả họ có. Cũng như con cá mập có khả năng "đánh mùi" màu cách xa từng mấy dặm, hay con chó có khả năng ngửi và phân biệt được người chủ của nó bị bịnh ung thư. Trang bị về hệ thống giác quan (sensory system) cũng như về khả năng cảm nhận (perception) của óc các thú vật này khác chúng ta, và những khả năng của chúng không có gì siêu nhiên (supernatural) cả. Cũng như vậy, bộ óc người savant có thể có những trang bị về giác quan mà người "thường"( "normal") không có, nên họ có những khả năng có vẻ như "siêu nhiên", như thần giao cách cảm (telepathy) hay biết trước chuyện chưa xảy ra ("psychic abilities) làm chúng ta nghi hoặc, nhưng thật sự có thể giải thích hoàn toàn như những hiện tượng tự nhiên, chỉ có là chúng đi ngoài chuyện thường tình mà thôi (Bogdashina).(4)

Bác sĩ khoa tâm thần Darold Treffert ở Wisconsin, Mỹ, từng nghiên cứu về hiện tượng "thông thái" trong 40 năm qua và viết nhiều sách về vấn đề này. Ông nhận thấy những "nhà thông thái" này cho ta thấy có một ký ức dựa trên di truyền (genetic memory) và tiềm ần đâu đó trong mỗi người trong chúng ta. Thêm nữa, hiện tượng một số trường hợp, còn hiếm hoi hơn nữa, mà ông sưu tầm cho thấy một tổn thương trên não bộ đôi khi lại có khả năng gở bỏ những rào cản nào đó trong bộ óc chúng ta và 'phóng thích", mở cửa cho những khả năng đặc biệt, những kiến thức người bịnh chưa bao giờ học hỏi được "phát tiết", biểu lộ ra ngoài. Cuốn sách của ông "Ốc đảo thiên tài" (Islands of Genius: The Bountiful Mind of the Autistic, Acquired and Sudden Savant) nói về những điểm sáng chói trong trí óc khá u tối còn lại của những bịnh nhân tự kỷ; hay hội chứng Asperger (tự kỷ nhẹ cộng với khả năng đặc biệt); hay những trường hợp cực hiếm về hội chứng thông thái thứ phát (acquired savantism).

Những người "savant" được ghi nhận từ trước tới nay phần lớn biệt tài được biểu lộ từ những năm đầu đời của những trẻ em tự kỷ mà cuộc sống bị chứng tự kỷ giới hạn trong những lãnh vực khác. Những trường hợp đó gọi là "hội chứng thông thái bẩm sinh" (congenital savant syndrome). Gần đây hơn, người ta chú ý đến những trường hợp mà tài năng xuất hiện trên những người mà từ trước tới nay chẳng có tài năng gì đặc biệt cả, cho đến khi họ bị bịnh, hay chấn thương não bộ. Những trường hợp này gọi là "hội chứng thông thái mắc phải" (acquired savant syndrome), hay thứ phát.

Sau đây là trích đoạn của một bài viết của bác sĩ Treffert nói về những trường hợp "thông thái" hay tài năng mắc phải (acquired savant, (3)), đi theo sau một biến cố mà, bình thường, chúng ta xem như là một sự huỷ hoại đau đớn hơn là một cơ hội "xuất thần", cho con sâu tầm thường lột xác thành con bướm rực rỡ.

“Một em bé 10 tuổi bị trái banh đập vào đầu và sau đó bé bắt đầu làm tính toán lịch ngày tháng. Từ hôm đó, cháu có thể nhớ lại thời tiết từng ngày, và những gì xảy ra trong đời mình mỗi ngày. Một người đàn bà chưa bao giờ học về hội hoạ bắt đầu trở thành một hoạ sĩ thật tài hoa sau khi bà mắc chứng dementia, bịnh làm lú lẫn, và bịnh càng ngày càng nặng thêm. Một bịnh nhân khác bị lú lẫn, nhưng lại khởi sự chứng tỏ khả năng đặc biệt về âm nhạc. Một người xây nhà cửa 56 tuổi, chưa bao giờ có năng khiếu gì về nghệ thuật trở thành một thi sĩ, hoạ sĩ và điêu khắc gia sau khi bị một cơn đột quỵ mạch máu não mà ông ta thoát chết như nhờ một phép lạ. Một trẻ em bị chứng kinh phong nặng không chữa được, sau đó phải cắt bỏ bán cầu não trái của em; sau khi giải phẫu, em có khả năng tính toán lịch. Đấy là những trường hợp "thiên tài bất đắc dĩ" (accidental genius), hoặc " thông thái thứ phát" (acquired savant).

Có thể nào những khả năng tiềm ẩn, "nằm ngủ" như vậy có sẳn trong mỗi người chúng ta, nhưng không thể hiện ra ngoài, trừ trường hợp một tổn thương nào đó trên hệ thần kinh trung ương? Trường hợp "nhà bác học thứ phát" làm chúng ta có thể nghĩ như vậy. Tất nhiên, nếu đúng như vậy, thì làm thế nào chúng ta khai thác được những khả năng bị che dấu đó mà không phải thông qua một đại hoạ nào đó xảy đến cho hệ thần kinh chúng ta?

Trước năm 1996, đa số những trường hợp " thông thái" mà tôi gặp, ngoại trừ Alonzo Clemens, là những người sinh ra đã bị bịnh tự kỷ hoặc một rối loạn nào đó về phát triển, và ở những người đó một biệt tài huyền diệu nào đó xuất hiện đột ngột trong thời thơ ấu, thường lúc chừng 3-4 tuổi. Hội chứng bác học thứ phát, ngược lại, là những trường hợp những biệt tài tiềm ẩn nay xuất hiện, đôi khi ở một mức độ thiên tài, sau khi một tổn thương hoặc một bịnh xảy đến cho một người trước đó bình thường về thần kinh, và những người đó trước khi bị thương tồn hay mắc bịnh, chẳng có bao nhiêu tài hoa gì cả. Tất nhiên, những hoàn cảnh như vậy, đặt ra câu hỏi là liệu những khả năng tiềm ẩn như vậy tồn tại ở mọi người, và sau khi bị tổn thương hay bịnh hoạn, chúng xuất hiện như một loại cơ chế ‘back up”, để thay thế những khả năng bị mất mát.

Alonzo Clemens là một trường hợp như vậy. Theo mẹ anh ta, sau khi bị té và bị chấn thương đầu lúc còn là một trẻ nhỏ, anh ta mới phát ra năng khiếu điêu khắc tài tình như vậy. Sau khi gặp Alonzo năm 1984, tôi mới khảo sát y văn về đề tài này xem có những trường hợp nào đã được công bố hay không. Và thật vậy, có nhiều báo cáo trước đó. Minogne (1923) kể lại trường hợp thiên tài âm nhạc xuất hiện sau khi một đứa trẻ bị bịnh viêm màng óc. Và Brink (1967) mô tả trường hợp bịnh nhân , Ông Z., biểu hiện những khả năng "bác học", những hành vi và những khả năng biểu lộ sau khi, lúc 9 tuổi, bịnh nhân bị một viên đạn bắn vào óc bên trái, làm bịnh nhân liệt bên phải, và bị câm và điếc. Sau khi bị tổn thương trên não bộ, bịnh nhân phat triển được một số khả năng cơ học đặc biệt và những khả năng " bác học" khác. Năm 1991, Dorman báo cáo trong "Brain and Cognition" (Não bộ và tri thức) trường hợp một bé trai 8 tuổi chứng tỏ khả năng tính toán lịch ngoại lệ sau khi bị giải phẫu cắt bỏ bán cầu não trái.

Sau đó, đến tháng 12 năm 1996, tôi đọc một trường hợp trong báo Lancet trong đó Bs Bruce Miller và cọng sự mô tả 3 bịnh nhân "trở thành hoạ sĩ thành đạt sau khi họ bị bịnh lẫn". Họ mô tả một trong ba trường hợp rất chi tiết, một người đàn ông 68 tuổi không để ý hay có năng khiếu tí nào vào lãnh vực nghệ thuật, vậy mà những khả năng nghệ thuật rực rỡ lại xuất hiện ngay đang khi bịnh lẫn càng ngày càng nặng thêm.”

Những khảo cứu y học mới nhất cho thấy nguyên nhân có lẽ do cơ năng bán cầu não trái là bán cầu trội bị rối loạn cho nên bán cầu phải của bộ óc tìm cách bù đắp vào (left hemisphere dysfunction with right hemisphere compensatory processes). Và vì bán cầu phải có những khả năng tiềm ần của nó không được biểu lộ trong sinh hoạt bình thường, sự can thiệp của bán cầu não phải mở ra những chân trời mới cho đời sống tinh thần.

14hvhien --- btk2

Trường hợp nữ tiến sĩ Jill Bolte Taylor, có người anh/em trai bị bịnh tâm thần phân liệt, trước đây chuyên môn về thần kinh cơ thể học ở Đại học Harvard, được nhắc đến nhiều trên nhiều loại truyền thông, trong nhiều thứ tiếng.Lúc bà mới 37 tuổi (1996), một mạch máu trong óc trái bị vỡ gây đột quỵ trong phòng tắm, bà tự mình gọi được cấp cứu mặc dù mất khả năng đọc chữ và số, và sau khi phẫu thuật và một khoảng thời gian điều trị, phục hồi hoàn toàn. bà trở thành một con người khác, ý thức về vai trò của bán cầu não phải và cách "tư duy " của nó, và viết sách, diễn thuyết được dịch ra mấy chục thứ tiếng (chưa thấy bản dịch tiếng Việt).

Nhờ kiến thức của một nhà khoa học chuyên trong ngành thần kinh, Taylor ghi nhận được từng biến chuyển trong tiến trình bộ óc của chính mình bị tai biến mạch máu huỷ hoại phía bên bán cầu não trái, là bán cầu trội (left brain hemisphere, dominant), so với bên phải (right brain). Bán cầu trái phụ trách về lối suy nghĩ phân tích, phân loại, tổ chức, phán xét (judging, critical thinking), với các trung tâm phụ trách ngôn ngữ và ý thức về bản ngã. Trong lúc bán cầu trái hồi phục qua giải phẫu và vật lý trị liệu, vì phải vận dụng bán cầu não phải, cách suy nghĩ của tác giả đi vào hướng khác: tư duy căn cứ trên khoảnh khắc, giây phút hiện tại, trên từng "lát" thời gian, và cảm giác hoà đồng với Vũ trụ (“present moment thinking”, “at one with the universe” experience).

Sách của bà, "My Stroke of Insight" (Cơn Đột Quỵ Soi Sáng Tôi) có tham vọng giúp chúng ta "săn sóc khu vườn tâm trí" của chúng ta và sống bình yên hơn, nhân ái hơn. Với những lời lẽ mà chúng ta thường nghe hơn từ những bậc tu hành khi họ nhắc đến cuộc sống tôn giáo và tu tập về tâm linh, bà Taylor xem bán cầu phải của bộ óc như là cội nguồn của bình an, an lạc và hoà đồng với vũ trụ: :"Tôi tin rằng chúng ta càng cho nhiều thời gian vận dụng mạch thần kinh sâu thẳm phụ trách về bình an trong não bộ bên phải, thì lúc đó chúng ta sẽ phóng toả ra nhiều bình an hơn vào thế giới, và chung cuộc, chúng ta sẽ được nhiều bình an hơn trên hành tinh."

“I believe the more time we spend running the deep inner peace circuitry of our right brain, then the more peace we will project into the world, and ultimately the more peace we will have on the planet.” (5)

Tuy nhiên có thể có những cơ chế khác giải thích hiện tượng "nhà thông thái bất đắc dĩ" này.

Năm 2002, Jason Padgett chỉ là một người bán bàn ghế, chỉ lo ăn chơi, không thiết gì đến học hành, nói gì đến ngành toán. Vậy mà sau khi 14hvhien --- btk3bị tấn công dã man trong một quán karaoke, anh ta phục hồi và ngạc nhiên thấy mình đột nhiên biến thành một người nhìn mọi hiện tượng tự nhiên xảy ra chung quanh mình với một cái nhìn phân tích của nhà toán học.

Nào là tam giác, hình tròn, số Pi, fractals chiếm lĩnh toàn bộ cách anh ta nhìn ngoại vật, và thêm nữa, anh ta trở thành ẩn dật, và nghiên cứu toán. Năm 2014, anh viêt cuốn hồi ký "Struck by Genius" (Sét đánh trở nên thiên tài).

Berit Brogaard, một giáo sư về tâm lý tại Miami cho Jason Padgett vào máy fMRI (MRI chức năng). Bộ óc cho thấy hoạt động nhiều nhất bên não TRÁI, ở thuỳ đỉnh (parietal lobe), nơi các tin tức về cảm giác quy tụ và tổng hợp, cũng như ở thuỳ tái dương (temporal lobe) phụ trách về trí nhớ thị giác, xử lý các cảm giác và càm xúc , và thuỳ trán phụ trách chức năng thi hành, dự liệu và chú ý. Giả thuyết được chứng minh trong một nghiên cứu khác của cho rằng, trong bán cầu não trái, là bên bị tổn thương, khi những tế bào thần kinh chết trong vùng não bị hư hại, thì chúng gởi những hoá chất kích thích đến những vùng chung quanh, và những vùng đó hoạt động mạnh một cách khác thường; và hiện tượng này có thể trở thành thường trực.

Thách thức đối với nhà khoa học là làm sao tiếp cận với chững khả năng tiềm ẩn huyền diệu đó của bộ óc chúng ta, khai thác những tiềm năng bị che dấu mà không cần đến những tai biến như bịnh tật hay chấn thương ghê gớm xảy ra để làm ngòi nổ đẩy chúng lên mặt. Nhưng quan trọng hơn nữa là có cần đào lên không?

Khách du lịch trầm trồ trước những công trình nguy nga, những khung cảnh hùng vĩ và thương tiếc những cảnh điêu tàn do thiên tai tàn phá. Nhưng đôi khi một lâu đài tầm thường sụp đổ để lộ ra một ngôi đền cổ kính bị nó che dấu, hay sau một cơn động đất chúng ta phát hiện một khối kim cương trong lòng đất. Đôi khi, sau một cơn bịnh tật, sau một chấn thương, bộ óc con người bất đắc dĩ bị lột bỏ lớp vỏ bình thường, nhưng tầm thường, của nó, đễ phơi bày những bí ẩn sâu thẳm mà chúng ta không ngờ và chưa hiểu thấu. Ngoại trừ trong trong hoạt động tâm linh, từ trước tới nay vẫn có niềm tin rằng trí thông minh của vũ trụ mênh mông tồn tại sẳn trong tâm hồn của mỗi người. Trái với khoa học thực chứng, tôn giáo, nghệ thuật hay triết học tiếp cận thực tế qua những ngã khác, nhưng biết đâu, qua những con đường khác nhau, chúng ta sẽ được dẫn dắt đến gần hơn với cùng một chân lý.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Ngày 14 tháng 6 năm 2014

(1) Theo ICD 10: Childhood autism

1) receptive or expressive language as used in social communication;

2) the development of selective social attachments or of reciprocal social interaction;

3) functional or symbolic play.)

(2) Darold Treffert: Savant Syndrome: An Extraordinary Condition

https://www.wisconsinmedicalsociety.org/_WMS/savant/pdf/resources/articles/savant_article.pdf

(3) Darold A. Treffert: The Acquired Savant: Could such dormant potential exist in us all?

https://www.wisconsinmedicalsociety.org/professional/savant-syndrome/resources/articles/the-acquired-savant/

(4) Olga Bogdashina

Autism and the Edges of the Known World: Sensitivities, Language and Constructed Reality

http://www.jkp.com/blog/2010/07/olga-bogdashina-explores-autism-and-the-edges-of-the-known-world/

(5) Đây là bài  nói chuyện của Jill Taylor trên Youtube, có thể đọc phần transcript ở dưới (TED Channel)

https://www.youtube.com/watch?v=UyyjU8fzEYU

No comments:

Post a Comment

Cái Đêm Hôm Ấy . . . Đêm Gì?

TTR: Chắc chắn không ai đọc được những bài ký sự như thế này mà còn có thể hình dung ra cảnh người dân bị bóc lột tàn bạo, phi nhân hơn nữa ...