17 February 2015

Cuba của Ngư Ông và Biển Cả

Điền Thảo

Trong truyện nổi tiếng "The Old Man and The Sea", tác giả Earnest Hemingway mô tả cuộc sống dân chài Cuba trong bối cảnh biển cả Cuba mênh mông. nhưng thật ra ông là người Mỹ  và sống ở Cuba trên hai mươi năm.  Chắc Earnest Hemingway phải yêu mến Cuba nhiều lắm mới có thể sống một thời gian dài như vậy ở xứ người. Chính khung cảnh và tình người ở Havana đã gợi hứng cho ông thai nghén và viết nên tác phẩm để đời  này.

Dân du lịch thăm Cuba hiện nay

Cuba xưa nay là một địa điểm du lịch bình thường nhưng sau khi nước này và Mỹ tuyên bố tái lập bang giao bỗng được dân hay đi đây đi đó chú ý. Hình như người ta muốn đến thăm cái thiên đường xã hội chủ nghĩa này một lần xem nó ra sao trước khi nó biến đổi sau khi tiếp xúc với chế độ tư bản.

Từ tập "Tuyên Ngôn Cộng Sản" của Karl Marx ra đời năm 1848 đến nay đã gần hai trăm năm mà tư bản chủ nghĩa cứ dẫy chết nhưng vẫn chưa ngủm cù tèo. Hình như càng dẫy chết, nó càng vung vãi ra dollar thơm phức và hấp dẫn đến độ các nước cộng sản cũng phải thèm thuồng.

Hướng dẫn viên du lịch Cuba nói rằng Tầu rồi Liên Xô và nay là Nga đã đến giúp dò tìm dầu khí mà chẳng có kết quả thực tế nào. Nhân viên này nói thêm chắc Cuba phải nhờ đồng dollar của Mỹ mới khấm khá được.

Tòa nhà quốc hội Cuba
đang được tu sửa

Thật ra thì một số nước tư bản cũng đã có bang giao với Cuba. Cờ Canada phấp phới bay tại nhiều địa điểm xứ Cuba. Hướng dân viên đưa tay chỉ về một trạm biến điện có lá cờ với chiếc lá phong đỏ đang bay nói rằng siêu cường năng lượng này đã đến và giúp xây dựng nhiều công trình cho Cuba. Một số nước khác cũng đã có mặt và hợp tác nhưng tình thế không thay đổi bao nhiêu. Thế mới biết thể chế chính trị không phù hợp thì phát triển kinh tế khó tiến và khó tiến một cách vững vàng.

Chưa thấy công dân Mỹ trong số du khách đến Cuba, tuy rằng hai nước đang tiến hành những bước cần thiết để tái lập bang giao.

Dân Âu châu đến thăm Cuba khá đông nhưng nếu tính theo từng nước thì du khách chính vẫn là dân Canada (từ Quebec và đặc biệt từ Ontario).  Sau này khi chính phủ Mỹ xả lệnh cấm du lịch Cuba chắc nhiều thường dân Mỹ sẽ sang nghỉ ngơi ở nước láng giềng phía nam này. Ngoài cái khí hậu ấm áp... thì lý do dễ hiểu nhất là Nước Mỹ rất gần vói Cuba. Mũi Key West, Florida, chỉ cách bờ biển thủ đô Havana của  Cuba, có 160 km.

Thời gian ở Cuba tôi gặp vài chuyện bất ngờ. Chuyện thứ nhất là một phụ nũ đã nếm tất cả năm thẫu sốt mà lại dùng muỗng lấy thức ăn chung để nếm. Chị ta người da trắng nhưng tôi nghĩ chắc chắn 100% không phải dân Canada. Trường hợp thứ hai cũng xẩy ra tại restaurant. Hai cặp cũng da trắng không muốn xếp hàng đợi vào của chính vì hàng đã khá dài. Họ chờ đúng giờ của chính mỏ bèn tông của hông thường khép hờ chạy vô xếp hàng lấy thức ăn. Chẳng lẽ đây là dân Đông Âu, những người vẫn chưa tẩy hết cái "dzin" nhiễm từ thời bao cấp đói khát thực phẩm?

Một cặp vợ chồng da trắng (vì người địa phương da rất đậm) bước xuống khỏi chiếc xe ngựa, người vợ tươi cười trả lời về giá cuốc xe. "Giá một người là 6 đô nhưng hai người là 10 đô. Nhưng nhớ là có thể trả giá được đấy nhá. Tôi trả có 6 đô cho cả hai vợ chồng!"

Dân Canada bỗng mắc thói kỳ nèo thêm bớt có thể chỉ vì . . . hối suất và tiền tệ lủng củng của Cuba!!

Hai thứ tiền

Chuyện đầu tiên du khách đến Cuba gặp phải và hơi ngỡ ngàng, bối rối là Cuba có hai thứ tiền mà giá trị lại khác xa nhau. Cả hai được lưu hành song song và đều là tiền chính thức chứ không có tiền nào giống như Dollar Đỏ lưu hành trong quân đội Mỹ trước kia ở Việt Nam.

Đó là Đồng Peso CUP (the Cuban Peso) và Đồng Peso CUC (the Cuban Peso convertible). Một cách để phân biệt nhanh:  trên mặt Đồng Peso CUC có ghi chữ "Pesos Convertibles".

Đồng Peso CUC
có hàng chữ
Pesos Convertibles
trên mặt

Đồng Peso CUC có thể hoán chuyển và định giá ngang giá đồng dollar Mỹ và như vậy với hối suất hiện thời, một dollar Canada ăn 82 xu đồng CUC. Còn đồng Peso CUP có giá trị 25 lần thấp hơn đồng CUC tức có giá khoảng 4 xu dollar Mỹ (và không thể hoán đổi sang dollar). Dân địa phương hay gọi đồng Peso CUC hoán đổi được là đồng Dollar (Cuba)  Chú ý: Đồng Peso này cũng chỉ hoán đối được ở Cuba, không có giá trị gì ở ngoài Cuba.

Khi cần mua hàng kỷ niệm du khách lúng túng vì chưa quen phân biệt hai thứ tiền này: nhận diện, so sánh giá trị, và đổi ở đâu. Chân ướt chân ráo vừa tới đã phải chi một vài thứ mà đôi khi đúng lúc ngân hàng đã đóng cửa nên nhiều người đổi ngay ở quầy tiếp đón trong khu nghỉ mát và như vậy sẽ thiệt thòi khá nhiều. Chẳng hạn hối suất hiện thời dollar Canada ăn 82 xu Mỹ, nghĩa là theo nguyên tắc đến ngân hàng một Đô Mỹ ăn 1 Peso và một dollar Canada ăn 0.82 Peso. Thế nhưng nếu đổi tại quầy tiếp tân bạn chỉ nhận được 72 xu (thay vì 82 xu) cho một dollar Canada.

Chuyện đổi tiền dollar - CUC trên đây giúp chúng ta hiểu cách kiếm tiền của nhóm nhân viên du lịch và kỹ nghệ khách sạn Cuba ra sao. Thành ra du khách rút kinh nghiệm chỉ đổi vừa đủ đề trả cho những dịch vụ hay những nơi không lấy tiền Đô. 

Tại sao lại có chế độ hai đồng tiền trong một xứ như vậy? 

Trong đoạn viết sau đây nói Peso là nói đồng Peso CUP, là thứ tiền không hoán đổi được dùng cho đại đa số dân chúng Cuba. 

Hệ thống phức tạp này Cuba đã dùng kể từ khi Khối Liên Xô sụp đổ. Cuba từng được rất mực ưu đãi trong giao thương với khối Đông Âu, khiến Cuba tránh né được hậu quả chuyện Mỹ phong tỏa. Thế nên khi Liên Xô tan rã Cuba bỗng bị bỏ rơi không thể tiếp cận được với những đồng tiền mạnh, kinh tế bị cô lập và gặp phải khó khăn.

Fidel Castro khi ấy buộc lòng phải hợp pháp hóa đồng dollar, đảo ngược một đạo luật dã có hàng chục năm trước, theo đó cất giữ dollar Mỹ có thể bị phạt tù. Đối với Fidel Castro thì đó là một quyết định nghiêm trong cả về ý hệ lẫn thực tiễn.

Quyết định hợp pháp hóa đồng dollar tạo ra hai phần ba nền kinh tế trong đó những người có thể tiếp cận đồng dollar tách ra khỏi những người chỉ tiếp cận được với đồng peso. Đặc biệt các công nhân nhà nước tiền lương ít ỏi và bị trả bằng peso cảm thấy bất mãn với chính sách này.

Với hệ thống hai thứ tiền, Castro cho phép hoán đổi ngoại tệ trên lãnh thổ Cuba mà đó chính là điều ông ta bài trừ trong một thời gian dài trước đó. Một đất nước đã bắt đầu phân liệt theo giai cấp trong đó thiểu số đặc lợi có thể mua sắm những thứ xa xỉ và hưởng lợi từ ngành du lịch nở rộ. Trong khi đó tầng dưới của công nhân nhà nước lại chỉ có thể tiếp cận với đồng peso yếu kém.

Hình ảnh biểu tượng  phân liệt
giai cấp ở Cuba hiện nay?

Đồng CUC có mặt (Dollar Cuba) có mục đích giúp chính phủ CS Cuba nắm giữ khối ngoại tệ du khách mang tới. Theo nguyên tắc bạn không thể mua hàng (cao cấp) bằng ngoại tệ mà phải đổi nó ra dollar Cuba (Đồng CUC). Mà những cơ quan đổi tiền đều do chính phủ kiểm soát. Thêm vào đó tư nhân muốn đổi tiền ở ngân hàng (nhà nước) phải xuất trình thông hành, nghĩa là chỉ dân nước ngoài và người Cuba được phép xuất ngoại mới giữ được dollar và đồng CUC.  Tuy nhiên biện pháp này vẫn có kẽ hở và người ta nghĩ nạn đầu cơ phải xẩy ra.

Các chuyên viên tài chánh quốc tế cho rằng hệ thống hai đồng tiền song hành chỉ gây ra phiền hà. Chính phủ Cuba hiện tại đang nghĩ đến việc thống nhất tiền Cuba, vì, như các chuyên viên nghĩ, càng để lâu không cải tổ vấn đề càng trở nên phức tạp và khó cải tổ hơn.

Thủ đô Havana 

Nhiều người nghĩ rằng đến Cuba mà không thăm thủ đô Havana, đặc biệt là khu Havana cổ, là một thiếu sót.

Lâu đài Real Fuerza,
cứ điểm của đạo quân viễn chính
Tây Ban Nha xây dựng để
canh giữ trung tâm Havana

Havana nhìn ra vịnh La Habana Bay ở bờ bắc đảo quốc. Havana là thành phố  lớn nhất trong vùng biển Caribê. Havana còn là một trong những kho tàng lớn nhất bảo lưu lịch sử thực dân ở tây bán cầu. Trước năm 1959 tức năm Fidel Castro lên cầm quyền, Havana là nơi hành hương của dân du lịch đến từ Hoa Kỳ nhờ khí hâu ấm, sinh hoạt vui tươi về đêm và đặc điểm lịch sử. Thế nhưng những năm sau đó, dù vẫn còn là trung tâm quan trong trong vùng, Havana mất dần sự rực rỡ vì Castro chuyển hướng tài nguyên quốc gia vào việc cải thiện nông thôn. Việc theo Liên Xô trở thành thù địch với Mỹ đã gây phương hại nặng nề cho kinh tế đảo quốc này.

Theo hướng dẫn viên du lịch, có đến 95% các nhà máy làm đường đóng cửa khi Mỹ không còn nhập cảng đường từ Cuba. Đang từ một nước xuất cảng đường mía lớn nhất thế giới nay Cuba phải nhập cảng đường từ Brazil.

Thành phố của quá khứ huy hoàng và sôi động

Cảm nghĩ đầu tiên khi thấy Havana là một ý nghĩ rất rõ nét: Một thành phố xưa kia hẳn là tráng lệ. Hai bên phố xá san sát những kiến trúc với những nét cổ kính từ thời thuộc địa bỗng trở thành đổ nát không bao giờ được tu bổ từ sau cách mạng cộng sản lật đổ nhà độc tài Fulgencio Batista. Cảm giác này đi liền với sự nuối tiếc một thời lỗng lẫy đã qua đi. Có đúng phần nào chăng khi nói người ta đi kiếm sự bần cùng để được bình đẳng?

Havana với vị trí chiến lược trung tâm vùng biển Caribê đã từng là cứ điểm bị bọn thảo khấu tấn công nhiều lần đến nỗi nhưng chiến hạm của triều đình Tây Ban Nha phải tập hợp lại thành hạm đội mới đủ sức bảo vệ và di chuyển an toàn. Rồi sau này Havana còn bị các cường quốc giành giật qua lại.

Havana được đế quốc Tây Ban Nha công nhận là thành phố vào cuối thế kỷ 16 và có những công trình xây dựng sau đó. Tuy trải qua nhiều thăng trầm đổi chủ: Qua tay Đế quốc Anh rồi trở lại với Tây Ban Nha rồi sau chót là Mỹ, nhưng dấu ấn người Tây Ban Nha để lại đậm nét nhất.

Nhiều di tích lịch sử, lối kiến trúc khá đặc biệt, và tác phẩm nổi tiếng The Old Man and The Sea đã biến Havana thành huyền thoại.

Thành phố của Ngư Ông và Biển Cả

The Old Man and the Sea là câu chuyện chiến đấu giữa một ngư phủ già đầy kinh nghiệm tên là Santiago và một con cá Marlin to lớn. Chuyện kể rằng Santiago đã trải qua 84 ngày đêm mà chẳng bắt được con cá nào, quá xui. Lão xui xẻo đến nỗi cha mẹ cậu bé Manolin  đang học nghề, cấm không cho cậu ra khơi với lão và bảo cậu đi đánh cá với những người khác. 
- "Santiago" Manolin nói với lão khi hai người kéo thuyền lên bãi, "Cháu có thể lại đi biển với bác. Chúng ta đang kiếm được tiền mà"

- "Không được", lão đáp, "Hãy đi với thuyền may mắn. Cứ đi với họ đi".
Lão già tiếp tục những ngày đánh bắt một mình, và chiều về tay không.

Lão dậy cho cậu bé đánh bắt cá và cậu bé thương lão. Những ngày như thế cậu bé kiếm cách có bữa ăn tối cho lão và kiếm mồi câu. Có một buổi sáng trời còn tối, lão giong thuyên ra khơi hướng bắc Havana, bỗng một vài con cá cắn câu. Lão già nghĩ chắc là điềm một ngày tốt.  Khoảng trưa quả nhiên một con marlin căn câu, con cá rất lớn. Nó lôi chiếc thuyền đi và lão kiên trì đợi cho nó mệt. Lão nghĩ "lần này mình giầu". Khi cặp nó vào được mạn thuyền lão thấy nó dài hơn thuyền 2ft. Sau nhiều giờ vật lộn với con cá lại đến lượt lão phải chống chọi và xua đuổi những đợt cá mập đuổi theo tấn công.. Khi về đến bãi con marlin chi còn là bộ xương với cái đầu nhọn như lưỡi kiếm.

Lão không bao giờ nghĩ đến người vợ đã xa cách, tuy có lần lão tự nhủ "Người già không nên sống đơn độc". Nhưng những gì gây ấn tượng sâu đậm nơi tâm khảm lại phảng phất tình đôi lứa.
"Lão nhớ lại lần kia lão câu dính một con trong cặp cá marlin. Con đực luôn nhường con cái ăn trước rồi thì con bị mắc câu, con cái, vùng vẫy vô vọng và khiến nó đuối sức mau chóng, và khi đó con đực luôn ở cạnh con cái bơi qua bơi lại đảo vòng trên mặt nước. Con đực tiến sát gần đến nỗi lão sợ nó dùng cái đưôi có hình thù, lớn và sắc như lưỡi hái cắt đứt dây câu. Khi lão đã móc được con cái lên đập nó và cùng với cậu bé kéo lên thuyền thì con đực vẫn còn bơi theo bên cạnh thuyền. Rồi khi lão thu dọn dây nhợ và chuẩn bi cây lao thì con đực bỗn phóng lên cao khỏi mặt nước nhìn con cái đang ở đâu và rồi lặn sâu xuống, hai cánh trên ngực của nó dang rộng ra để lộ tất cả các vạch tím hồng. Đẹp thật."
Thành phố của âm nhạc và hội họa




Không có thành phố nào tôi đã từng đi qua trưng bày bán tranh vẽ nhiều như ở Havana. Đủ thể loại, mọi đề tài. Từ lối vẽ hiện thực cổ điển đến tranh siêu thực. Tranh phong cảnh bên cạnh những bức chân dung. Nhưng gần như có một điểm chung: họa sĩ thường dùng màu bổ túc (hay đối chọi) nên tranh rất rực rỡ, vui tươi.

Các đề tài và lối vẽ phản ánh nền văn hóa và lối sống Cuba, một nền văn hóa đa tạp di sản thời thực dân: văn hóa da đỏ bản địa kết hợp với những nét văn minh Iberian nhưng đặc biệt mang đậm dấu ấn văn hóa Phi Châu da đen từ thời thực dân Anh chiếm giữ và phát triển chế độ nô lệ da đen ở đây.

Bên cạnh hội họa, âm nhạc đường phố cũng là một nét đặc thù của Havana. Trong quán ăn, quán cà phê, trong khu nghỉ mát, đâu đâu cũng vang lên tiếng đàn hát và các vũ điệu đặc thù Caribê, sinh động, trẻ trung.

Chúng ta còn nhớ bản nhạc nổi tiếng dã được dịch ra hàng trăm thứ tiếng đó là bản La Paloma, đã do Sebastián Iradier Salaverri, người Tây Ban Nha viết ra khi ông thăm Havana vào năm 1861. Sau đó bản nhạc trở nên rất nổi tiếng ở Mexico rồi lan rộng khắp Trung Nam Mỹ và Âu Chấu, đặc biệt trong quần chúng Tây Ban Nha. Nổi tiếng đến nỗi cả hai nước Mexico và Tây Ban Nha đều coi bản nhạc thuộc kho tàng văn hóa của nước mình.

Người ta tự hỏi nếu không có cuộc du hành sang Cuba liệu tác giả bài Paloma có sáng tác ra được ca khúc bất hủ này hay không? Dù sao thì cũng phải nhận chính khung cảnh và con người Havana đã gợi hứng cho người nghệ sĩ.

Cảm nghĩ sau cùng

Trước khi đến Cuba, một người đã từng sống hay thăm Việt Nam cộng sản hôm nay, nghĩ đến Cuba như một vùng đất đầy bất an và dễ bị sách nhiểu Nhưng không, đó là một nơi không rợp bóng cờ đỏ, không nhan nhản hình lãnh tụ Fidel Castro trong công viên, không nhiều khẩu hiệu rêu rao "đảng CS quang vinh" giăng đầy đường, và không nhiều công an đứng mọi ngóc ngách, xó xỉnh..

Nguyên một giải cát trắng xinh đẹp, thơ mộng chạy dài khoảng mười km ngày đêm ầm ì tiếng sóng, tôi không thấy có dấu vết than củi, dầu mỡ, những dồ dư thừa bị nhà bếp khách sạn hay người bán hàng rong tuông ra như trên bãi biển nhiều nơi ở Việt Nam hôm nay.

Khi la cà ngoài phố thăm các cửa hàng bán đồ kỷ niệm du khách không bị níu kéo, lườm nguýt. Tôi chú ý đến một con ngựa khắc gỗ, đẹp và tinh xảo. Tôi tính mua nhưng vì là ngày đầu tiên chưa quen giá cả, không biết đắt hay rẻ, mà cũng không đủ Peso (CUC). Sau này tôi biết rằng khách có thể trả bằng dollar, miễn là kín đáo, vì hiện nay dân chúng giữ dollar không còn là chuyện bị ở tù nữa. Và rồi dù không bán được hàng, người chủ vẫn tươi cười tiễn chào khách.

Bất ngờ sau chót là sau khi thăm Cuba về mới vỡ lẽ ra rằng chính quyền cộng sản Cuba dùng quốc kỳ là một lá cờ đã có từ năm 1848 chứ không dùng lá cờ cao ngạo nào khác để vinh danh, để kể công trạng cho đảng cộng sản Cuba. Cho đến giờ này tôi vẫn không tin chuyện này nhưng đó là sự thật. Xin đánh hàng chữ "history of Cuban flag" vào Google sẽ thấy ngay.

Điền Thảo
2.2015 


Use:                 National flag and ensign
Proportion:      1:2
Adopted:           June 25, 1848
Designed by  Narciso López and

                   Miguel Teurbe Tolón

No comments:

Post a Comment

Cái Đêm Hôm Ấy . . . Đêm Gì?

TTR: Chắc chắn không ai đọc được những bài ký sự như thế này mà còn có thể hình dung ra cảnh người dân bị bóc lột tàn bạo, phi nhân hơn nữa ...