31 October 2014

Tâm tình của Điếu Cày tại Hội luận Truyền thông - Nam California 31/10/2014


Kính thưa quý đồng hương, đồng nghiệp truyền thông cùng bạn bè quý mến,

Tôi đã đến Hoa Kỳ được 10 ngày. Nơi đầu tiên tôi đến thăm là SBTN để cám ơn nhạc sĩ Trúc Hồ, người đã sáng tác nhạc phẩm, cũng như phát động chiến dịchTriệu Con Tim Một Tiếng Nói để tranh đấu cho những tù nhân lương tâm tại Việt Nam. Một kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên được trong chuyến viếng thăm này là cảm xúc của tôi khi đứng trước bàn thờ và thắp nhang tưởng niệm cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng và Việt Dũng. Dù anh Thiêng và anh Dũng đã không còn, nhưng tôi vẫn cảm được sợi dây kết nối giữa những con người Việt Nam yêu nước, dù chưa bao giờ gặp mặt nhưng đã luôn luôn cùng bước với nhau trên hành trình của những "Bước Chân Việt Nam". Trong khoảnh khắc đó, tôi biết tôi không cô đơn trên con đường mình đi.

Tôi đã trải qua 6 năm 6 tháng 2 ngày trong 11 nhà tù cộng sản. Suốt thời gian ấy, tôi mơ ước giây phút được ngồi quay quần với gia đình, với những món ăn thanh đạm quen thuộc và nghe thấy giọng cười, tiếng nói của các con tôi. Bị áp giải từ trại tù ra thẳng phi trường tôi đã không đạt được giấc mơ đơn sơ ấy. Tuy nhiên, bữa ăn tự do đầu tiên của tôi tại vùng đất này là do con gái của tôi nấu. Trong tình yêu thương của đứa con gái ít nói, tôi biết tôi sẽ không đơn độc trong những ngày tháng sắp tới.

Cũng trong vài ngày ngắn ngủi qua, một vài kỷ niệm khó quên với tôi là tình cờ ngoài phố đã có chị đồng hương bất ngờ đến chào hỏi tôi, chia sẻ tấm lòng quý mến của chị với một người tù vừa mới được tự do. Chị ái ngại giúi vào tay tôi món quà nhỏ bé nhưng đầy tình người. Tôi xúc động đón nhận tình cảm quý báu của chị dành cho một người xa lạ như tôi. Khi nhìn chị quay lưng bước đi, tôi thấy ở chị là hình ảnh của cộng đồng người Việt hải ngoại, một cộng đồng mà kể từ ngày hôm nay tôi đang được trở thành một thành viên. Và tôi biết, từ chị đã cho tôi niềm tin rằng, tôi sẽ không cô đơn bên cạnh những đồng hương của tôi ở đất nước Hoa Kỳ Này.

Cũng trong 10 ngày qua, tôi đã được sống trong tình thương yêu của gia đình, của bạn bè tại Việt Nam, của các thành viên trong Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do, và của bằng hữu ở khắp nơi trên thế giới. Đây là phần thưởng lớn nhất của đời tôi. Tình yêu thương của mọi người chính là liều thuốc đã làm hồi phục thể xác của một người tù đã trải qua 28 ngày và 33 ngày tuyệt thực trong lao tù.

Kính thưa quý đồng hương, đồng nghiệp truyền thông cùng bạn bè quý mến,

Có thật nhiều điều để nói, để tâm sự, để chia sẻ cho một người tù mà 6 năm rưỡi qua đã rất thèm khát tự do. Tôi chỉ xin phép được nhân dịp này cám ơn gia đình, bạn bè trong nước cũng như đồng bào hải ngoại đã thương mến và tranh đấu không ngừng nghĩ cho tự do của tôi và của bạn bè tôi. Tôi tâm niệm rằng không một lời cám ơn nào, một thái độ đền bù nào có thể tương xứng với những gì mà quý vị đã dành cho tôi hơn là sự dấn thân và đóng góp của cá nhân mình cho mục tiêu chung của tất cả chúng ta; đó là tự do, dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam. Đó cũng là lời cam kết của tôi gửi đến tất cả. (SBTN)

Cửa hàng bán chồng

Trên phố nọ vừa mở một 'Cửa hàng bán chồng', nơi chị em phụ nữ có thể chọn mua cho mình 1 người chồng. Ngay lối ra vào cửa hàng có treo một bảng nội quy với nội dung sau đây:
1. Bạn chỉ có thể vào cửa hàng một lần duy nhất.
2. Cửa hàng có 6 tầng, càng lên cao thì hàng càng chất lượng.
3. Bạn có thể chọn bất cứ người đàn ông nào trên tầng bất kỳ hoặc leo lên tầng cao hơn.
4. Chỉ được phép chọn từ tầng dưới lên, không cho phép leo trở xuống để chọn lại.
Một chị nọ sau khi dừng chân trước tấm biển trước lối vào cửa hàng liền quyết định vào trong để thử vận may. Sau khi đọc dòng chữ: 'Những người đàn ông có công ăn việc làm' trên tấm biển treo trên lối vào tầng một, chị nọ liền đi thẳng lên tầng 2.

Tấm biển trên lối vào tầng 2 ghi: 'Những người đàn ông có công ăn việc làm và yêu trẻ con'. Chị đi tiếp lên tầng 3.

Tấm biển trên lối vào tầng 3 ghi: 'Có công ăn việc làm, yêu trẻ con và đẹp trai'.
- Ái chà, được đấy!

Chị nọ nghĩ bụng, nhưng chân vẫn bước lên tầng 4.
Trên lối vào tầng 4, tấm biển đề: 'Có công ăn việc làm, yêu trẻ, đẹp trai vô cùng và biết giúp đỡ việc nhà'.
- Tuyệt vời! - chị thốt lên - Thật là khó mà không 'đổ'. Nhưng, miệng nói vậy, chân chị vẫn bước lên tầng 5.

Trên lối vào tầng 5 là tấm biển: 'Có công ăn việc làm, yêu trẻ, rất đẹp trai, biết giúp đỡ việc nhà và hết sức lãng mạn'. Chị nọ đã muốn dừng chân trên tầng 5 để chọn cho mình một người chồng lắm rồi, nhưng cuối cùng, chị vẫn vượt qua được chính mình để bước chân lên tầng cuối cùng - tầng 6.

Trên lối vào tầng 6, chị nhìn thấy tấm biển: 'Bạn là người khách số 61 446 034 của tầng này. Tầng này không có đàn ông, nó chỉ nhằm mục đích chứng minh cho bạn rằng không tài nào làm vừa lòng phụ nữ. Cám ơn bạn đã tới thăm cửa hàng chúng tôi!'.

30 October 2014

Thư mời tham dự buổi Hội Luận Truyền Thông với blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải


Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do và đài SBTN trân trọng kính mời quý vị đến tham dự buổi Hội Luận Truyền Thông với blogger Điếu Cày  - Nguyễn Văn Hải sẽ được tổ chức:
Thời Gian: 2 giờ trưa thứ Sáu, ngày 31 tháng 10, 2014
Địa Điểm: Đài Truyền Hình SBTN
10517 Garden Grove Blvd. Garden Grove, CA 92843
Trong buổi sinh hoạt này, blogger Điếu Cày, người vừa bị áp giải ra khỏi nhà tù để đến Hoa Kỳ sẽ chia sẻ những gì đã xảy cho ông qua 11 trại giam trong 6 năm rưỡi qua, những hướng hoạt động sắp tới, đồng thời cảm tạ những nỗ lực tranh đấu của cộng đồng người Việt trong và ngoài nước cho tự do của cá nhân ông cũng như tất cả những tù nhân lương tâm khác.

Sự hiện diện của quý vị sẽ là niềm khích lệ lớn lao đối với blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải và đó cũng là bước đầu cho chặng đường đồng hành cùng nhau tranh đấu cho tự do báo chí cũng như dân chủ tại Việt Nam.

Trân trọng kính mời,
Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do và đài SBTN

*

Đài STBN sẽ tuyền hình trực tiếp toàn bộ buổi hội luận truyền thông trên hệ thống SBTN toàn thế giới và online tại sbtn.tv

Lãnh đạo Đảng Hồi giáo ở Bangladesh bị tuyên án tử hình

Các thẩm phán ở Bangladesh vừa tuyên án tử hình lãnh đạo đảng Hồi giáo lớn nhất của nước này vì tội ác chiến tranh.

Tòa án đặc biệt gồm 3 thành viên ở Dhaka hôm nay đưa ra bản án được chờ đợi lâu nay để treo cổ ông Motiur Rahman Nizami, 71 tuổi, một cựu Bộ trưởng trong Nội các Bangladesh.

Hồi tháng 6, tòa từng trì hoãn bản án sau khi các giới chức y tế nói rằng ông Nizami bệnh nặng không thể ra tòa.

Ông Nizami, người đứng đầu đảng Hồi giáo Jamaat-e-Islami, bị buộc tội diệt chủng, giết người, tra tấn, cưỡng hiếp, và hủy hoại tài sản vì vai trò của ông trong cuộc chiến dành độc lập từ Pakistan kéo dài 9 tháng hồi năm 1971.

Bangladesh nói những kẻ tiếp tay ở địa phương và binh sĩ Pakistan đã giết chết 3 triệu người, cưỡng hiếp 200.000 phụ nữ, và khiến khoảng 10 triệu người bị thất tán phải chạy vào các trại tị nạn ở nước láng giềng Ấn Độ. Đảng Hồi giáo Jamaat-e-Islami phản đối phong trào đòi độc lập ra khỏi Pakistan.

Kể từ khi được Thủ tướng Bangladesh, Sheikh Hasina, thành lập vào năm 2010, các tòa án đặc biệt đã xét xử ít nhất 10 lãnh đạo đối lập về các tội ác chiến tranh. (VOA)

Tại Nhật : Biển cảnh báo trộm cắp in quốc kỳ Cộng Sản Việt Nam

Thông tin trực tiếp từ một bạn học viên KYODAI tại Nhật Bản...

Sáng nay, một biển báo mới được dán tại khuôn viên Học viện Matsuyama, thành phố Matsudo, Chiba.

Biển cảnh báo được ghi hẳn bằng tiếng Việt cùng một dòng chữ tiếng Nhật với nội dung: Trộm cắp, Stop. Lao động là vinh quang. Không những vậy, trên tấm biển này còn vẽ hẳn lá cờ đỏ sao vàng, quốc kỳ Cộng Sản Việt Nam.


29 October 2014

Ấn Độ thách thức Bắc Kinh khi tăng cường quan hệ với Việt Nam

Báo chí Ấn Độ hôm nay, 29/10/2014, đã bình luận rất nhiều về việc New Delhi và Hà Nội tăng cường quan hệ song phương, đặc biệt là trong hai lĩnh vực quốc phòng và dầu khí, xem đây là một hành động thách thức Bắc Kinh.
Tờ nhật báo The Times of India đưa tựa trên trang nhất: «Bất chấp sự bực tức của Trung Quốc, Ấn Độ giúp Việt Nam tăng cường phòng thủ». Tờ báo viết thêm rằng Ấn Độ cũng có thể sẽ bán cho Việt Nam tên lửa diệt hạm siêu thanh Brahmos.

Về phần tờ Hindustan Times thì cho rằng quan hệ quân sự chặt chẽ hơn với Việt Nam có thể là một cách để Ấn Độ đối phó với những sự kiện, như một tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc gần đây đã neo đậu tại Sri Lanka.

Tờ Deccan Chronicle thì cho rằng, khi đồng ý giúp Việt Nam thăm dò dầu khí ở hai lô mới trên Biển Đông, ngoài ba lô mà hai nước hiện đang hợp tác, Ấn Độ đã «thách thức con rồng Trung Quốc».

Tuy nhiên, tờ Telegraph lại cho rằng thật ra Thủ tướng Narendra Modi đã « lặng lẽ kéo Ấn Độ ra khỏi một cuộc đối đầu ngoại giao ». Tờ báo lưu ý rằng hai dự án thăm dò dầu khí mới không nằm trong vùng biển mà Việt Nam và Trung Quốc đang tranh chấp. Theo Telegraph, New Delhi sẽ chấm dứt vai trò của họ trong một dự án dầu khí tại vùng biển đang tranh chấp trên Biển Đông.

Mặc dù vậy, tờ First Post quan ngại là Trung Quốc sẽ trả đũa việc chính phủ Modi tăng cường quan hệ với Việt Nam qua chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Vấn đề là xem Trung Quốc sẽ phản ứng nhanh như thế nào và mạnh cỡ nào.

Tờ báo này nhắc lại là Bắc Kinh đã từng phản ứng mạnh chưa từng có khi Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee viếng thăm Việt Nam vào tháng trước và đã ký nhiều hiệp định song phương với Hà Nội vào ngày 15/09/2014.

Đúng ngày hôm đó, Trung Quốc đã đưa quân xâm nhập lãnh thổ Ấn Độ ở vùng biên giới, thậm chí còn đưa thêm quân vào đây ngay vào lúc tổng thống Mukherjee mở chuyến viếng thăm đầu tiên tại Trung Quốc từ 17/09 đến 19/09. Việc xâm nhập này chỉ kết thúc vào cuối tháng 9.

Cũng theo tờ First Post, điều làm Bắc Kinh bực tức đó là New Delhi và Hà Nội không những đã tăng cường quan hệ trong hai lĩnh vực quốc phòng và dầu khí, mà còn có lập trường tương đồng về vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông.

Thanh Phương
(RFI)

28 October 2014

Hoa Thanh Quỳnh nở rộ



Ảnh LH

Cô giáo Ngụy, truyện ngắn

Thần Long

Cô giáo Ngụy, cô giáo Ngụy sắp vô lớp đó nghe tụi bay ...'

Một đứa học trò la lớn. Bọn con trai mấy đứa con trai đang quây quần cuối lớp khác chơi trò 'dích' hình, đứa nào đứa nấy tóm vội vã thâu tóm lại mấy tấm hình màu bằng bìa cứng có in hình sặc sỡ. Bọn con gái đang tụm ba tụm bảy nói chuyện nô đùa cũng vội vàng quay về chỗ cũ. Cô giáo Mai lễ mễ ôm phần chia nhu yếu phẩm của cô tháng này, gồm mấy trăm gam thịt, mấy trăm gam đường bước vào lớp. Cô bước vào lớp, tất cả học sinh đứng lên chào. Sau khi để gói thịt, gói đường cẩn thận vào trong giỏ. Cô mĩm cười:
- Cô cho các trò ngồi xuống. Các trò làm chi ồn rứa bộ định làm loạn giống...

Mai định nói làm loạn giống 'Việt Cộng' như thói quen cô vẫn nói khi la rầy học trò trước kia, nhưng cô ngưng lại kịp. Sau khi nghe em lớp trưởng điểm danh, cô bắt đầu khảo bài. Học trò của cô phần nhiều thuộc những gia đình mà chính quyền mới gọi là thành phần có nợ máu với nhân dân hoặc có vấn đề với 'cách mạng'. Hầu hết cha của các em đang bị cầm tù trong các trại tập trung cải tạo. Thêm vào đó có khoảng một vài em thuộc gia đình cán bộ Cộng Sản cao cấp mới vào Nam. Phần đông các học trò miền Nam những năm đầu sau khi bị 'giải phóng' các em học trò miền Nam còn rất ngoan và kính trọng thầy cô, và ngược lại thầy cô miền Nam cũng còn coi công việc gõ đầu trẻ là một thiên chức chứ không phải thuần túy là một để sinh nhai. Mai ra trường Sư Phạm Đà Nẵng đi dạy được hai năm thì miền Nam mất. Cô được chính quyền mới cho đi dạy lại vì theo họ lý lịch của cô tương đối khá sạch, từ ông bà xuống tới cha mẹ không có ai làm lớn trong chính quyền cũ.

Sáng nay như thường lệ sau khi khảo bài cũ cô bắt đầu dạy bài mới. Trước bảng đen Mai nắn nót viết bài học Pháp văn cho tiết học hôm nay trên bảng đen.

Mardi 26 Septembre 1977
Conjuguez le verbe "Etre" Je suis Tues Il est ...

Bỗng một tiếng thét lớn:
- Thưa cô trò Hùng cú đầu con!

Mai nhịp nhịp cái thước gỗ vào bảng không trả lời, cả lớp lại im lặng như tờ chỉ có tiếng bút mực sột soạt trên giấy. Cô tiếp tục viết bài học lên bảng đen.Elle est ...

... Thưa cô trò Hùng bóp… cu con...!

26 October 2014

Mạc Khải, tranh A.C.La

Mc Khải
(Revelation)
*
24x36 inch (61x89 cm)
Oil on canvas
by A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh

**

Thế nào là một vầng trán thơ ngây? Thế nào là một đôi môi bốc lửa? Thế nào là một cặp mắt đa tình? Khó lòng mà giải thích. Nhiều điều có lẽ chỉ để cảm nhận mà không thể giải thích. Cũng như thi nhân để lòng mình tuôn chảy theo ngòi bút, người cầm cọ cứ để lòng mình tuôn chảy theo cọ vẽ ...là xong!

Nhiều dân tộc mang dòng máu nghệ sĩ. Giữa sa mạc nóng bức họ ngồi quây thành vòng tròn, say sưa với nhịp điệu. Những cánh tay xậm màu đưa lên và buông xuống vừa gõ vừa vỗ đều đặn và chính xác, tạo thành cái âm thanh mê hoặc, nhưng bay bổng. Những chiếc lưng trần bóng loáng gật gù cùng với nét mặt say sưa. Nhìn họ mà nhận ra đúng là một dòng máu đã thấm nhiễm âm nhạc.

Người phương Tây đến thăm chúng ta nói rằng dân Việt là một dân tộc giầu thi ca. Người Việt nào bẩm sinh cũng đã là một nghệ nhân. Không là thi nhân thì ít ra cũng nhạy bén với thi ca. Kinh sách thường viết theo văn vần, ca dao, đồng dao, ca trù, hát nói, những câu hát tỏ tình, hỏi ý cũng vậy. Nét đặc trưng tuyệt vời và tao nhã ấy đi theo dòng sinh mệnh dân tộc. Và đó không phải là gì khác hơn là một điều cần trân quý.

Có lẽ sinh ra từ quê hương "giầu thi ca" ấy mà tôi mang theo đời mình cái tính mơ mộng, lâu lâu thích nằm dài ra nghe nhạc tình ca, rung động như thời còn xuân. Tranh mình vẽ bạn bè nhìn thấy nói "sao mà tươi trẻ và yêu đời". Yêu đời thì chưa biết nhưng yêu mến phụ nữ thì chắc có. Tháng ngày hay luẩn quẩn với vầng trán ngây thơ, với đôi môi bốc lửa, với... nhiều thứ khó nói ra.

Cuộc đời mở dậy nhiều điều nhưng chẳng có chỗ nào khẳng định người đàn ông dù ngốc nghếch cũng cần một người đàn bà. Mà cho dù có được dậy bảo như thế cũng vẫn không tin cho đến một ngày bỗng thấy căn phòng thiếu chiếc áo của một người khác phái...

A.C.La 
 __________________

Người ngắm tranh góp ý

Bức tranh đã khiến cho người thưởng ngoạn có vô vàn cảm nghĩ. Người ta suy nghĩ miên man về những gì mà tác giả đã suy nghĩ và đã đưa nó thành những đường nét thần kỳ trên canvas. Những suy nghĩ siêu hình, vượt không gian và vượt cả thời gian!

Bởi lẽ đó, những suy nghĩ cuối cùng cũng chỉ là những suy nghĩ mà thôi vì khó có thể thốt chúng ra thành lời trên trang giấy! Cái huyền diệu là ở chỗ đó

Nói ra thành lời sẽ mất đi cái tuyệt vời, cái mê đắm, cái thanh cao của nó! Hơn nữa, có thể sẽ làm phiền lòng một số độc giả khó tính vì cho rằng người viết đã mắc phải tội "công xúc tu sĩ" chăng! (dù chỉ bằng lời nói mà không phải bằng hình thức)

Nếu như em "mờ ảo" thêm một chút xíu của những tháng ngày quá khứ ngập hương say thì chắc sẽ còn làm điêu đứng thêm lòng người tới cỡ nào!

Thôi thì xin chờ đợi điều đó ở bức tranh kế tiếp của Anh vậy. Nó sẽ là bức " Ảo Ảnh" chăng?

Người Ưa Thích Ngắm Tranh
 

Bên sông Yarra nhớ Sài gòn, thơ


Dư luận về việc Blogger Điếu Cày (tức Nguyễn Văn Hải) được thả


Giáo sư Jonathan London hiện đang giảng dạy tại Đại học Thành thị Hồng Kong nhận định với VOA Việt Ngữ về lý do Việt Nam trả tự do cho ông Hải:

“Hàng ngũ lãnh đạo cấp cao ở Việt Nam hiện đang bị chia rẽ, và họ sử dụng các tù nhân chính trị để đạt được mục đích chính trị của mình. Đó là điều không còn phải nghi ngờ gì nữa. Việc thả các tù nhân chính trị là để nhận được các ân huệ của Hoa Kỳ, trong khi việc bắt giữ các tù nhân chính trị bởi các nhân vật bảo thủ là để ngăn chặn tiến bộ trong quan hệ với Hoa Kỳ. Tôi lấy ví dụ là chuyến thăm Mỹ của Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Việt Nam Đỗ Bá Tỵ năm ngoái, và đã xảy ra chuyện bắt bớ trước chuyến đi của ông này, nên tôi kết luận rằng họ làm điều đó để cản trở việc mở rộng quan hệ với Mỹ”. 

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Ban Việt ngữ-VOA, Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho rằng việc Điếu Cày được thả khỏi nhà tù là một tin vui, không những cho ông, mà còn cho Phong trào Dân chủ nói chung. Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nhận định: 

 “Mặc dù chúng tôi đã dự báo trước về chuyện này nhưng vẫn là một niềm vui. Vấn đề Điếu Cày không chỉ là vấn đề riêng của Điếu Cày mà đó còn cho phong trào dân chủ ở Việt Nam nói chung nữa. Đơn giản là một điều thế này: tù nhân lương tâm quan trọng nhất như là Điếu Cày mà được thả, thì theo tôi đã có một sự nhượng bộ đáng kể từ phía nhà nước Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế và đối với đòi hỏi của Hoa Kỳ.” 

Blogger Đoan Trang mới viết trên trang cá nhân rằng việc Việt Nam “trục xuất” blogger Điếu Cày “một lần nữa cho thấy chính quyền Việt Nam sử dụng công dân mình, nhất là những người bất đồng chính kiến, như con bài để mặc cả, đổi chác như thế nào”. Người có tiếng nói trái chiều với nhà nước và từng có nhiều năm làm báo ở Việt Nam viết: “Biến công dân thành tù nhân lương tâm rồi đem ra mặc cả quả là có lợi: Vừa có cái để đổi chác với Mỹ và Tây phương, vừa gây hao tổn nguồn lực của giới đấu tranh dân chủ (nhất là cộng đồng người Việt ở hải ngoại), lại vừa phân tán, đánh lạc hướng sự tập trung của họ khỏi các vấn đề có tính chất tử huyệt của chế độ.”

(TTR tổng hợp)

Nơi trú mưa lý tưởng


Tượng đài kỷ niệm Marilyn Monroe ở Chicago, Hoa Kỳ. 
**
"Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa!"

25 October 2014

Người Trong Gương, thơ

Dạo:
        Miện vàng áo gấm lung linh,
Soi gương chẳng biết chính mình là ai.

 鏡 中 人

著 錦 戴 金 冠,
鏡 前 振 玉 杆.
心 驚 茫 自 問,
誰 是 鏡 中 蠻.
        陳 文 良

Âm Hán Việt:
   Kính Trung Nhân

Trước cẩm, đái kim quan,
Kính tiền chấn ngọc can.
Tâm kinh mang tự vấn,
Thùy thị kính trung man. 
   Trần Văn Lương

Dịch nghĩa:
Người Trong Gương 
Mặc (áo) gấm, đội mũ vàng,
Chống gậy ngọc (đứng) trước gương soi.
Lòng lo sợ hoang mang tự hỏi,
Cái gã Mán ở trong gương là ai.

Phỏng dịch thơ:
Trong Gương Là Ai
       Mão vàng áo gấm loi choi,
Tay ôm gậy ngọc đứng soi gương đồng.
       Hoang mang lòng chợt hỏi lòng,
Trong gương chẳng biết là ông Mán nào!   
       Trần Văn Lương
       Cali, 10/2014

 Lời bàn xuôi của Phi Dã Thiền Sư:
      Than ôi! Chỉ mới khoác có cái manh áo gấm và đội lên cái mão vàng kia mà đã không còn nhận ra mình nữa, huống chi là sau khi đã gắn lên người không biết bao nhiêu là thứ lỉnh kỉnh, bao nhiêu là danh vị chức tước v.v...
      Làm sao để thấy lại được cái "bản lai diện mục" hay cái con người thật của mình đây?
      Hỡi ơi, há chẳng phải là chuyện đáng buồn lắm ru?

Lời tán ngược của Thiền Sư Không Mật:
      Ối dào, buồn với chả bực!
      Thiên hạ khoác lên mình đủ thứ danh hiệu tước vị thì đã làm sao cơ chứ? Xem ra há chẳng phù hợp với nhân tình thế thái và giúp nhiều người được mát lòng mát dạ nở mày nở mặt ra đấy ư?
      Cái gã họ Trần và cái lão Phi Dã này quả thật là lắm chuyện!

Bệnh chứng Nguyễn Cơ Thạch

Ngô Nhân Dụng
Ông Ðặng Xương Hùng mới dùng một từ tôi được nghe lần đầu: “Hội chứng Nguyễn Cơ Thạch.” Ông Hùng, từng giữ chức “vụ phó” trong Bộ Ngoại Giao tại Hà Nội, hiện đang tị nạn chính trị tại Thụy Sĩ, chắc ông biết rõ chuyện ông Nguyễn Cơ Thạch mất chức bộ trưởng sau Hội nghị Thành Ðô năm 1990 giữa giới lãnh đạo hai đảng Cộng Sản Trung Quốc (Trung Cộng) và Cộng Sản Việt Nam (Việt Cộng). Hai chữ “hội chứng” hơi trừu tượng không quen thuộc với đa số độc giả cho nên tôi tạm dùng chữ “bệnh chứng,” dù không chính xác bằng.
Ðảng Cộng Sản Việt Nam đã mắc một căn bệnh nặng, gọi bằng tên ông Nguyễn Cơ Thạch, vì triệu chứng căn bệnh phát lên rõ nhất trong thời gian hai đảng chuẩn bị Hội nghị Thành Ðô mà sau đó ông Nguyễn Cơ Thạch bị mất chức.

Ở hải ngoại, giới truyền thông gần đây không quan tâm đến Hội nghị Thành Ðô. Nhưng đồng bào trong nước còn rất thao thức về câu chuyện này. Cô Nguyễn Phương Uyên cùng các ông Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Xuân Nghĩa trong phong trào “Chúng Tôi Muốn Biết” đã yêu cầu “Bạch hóa Hội nghị Thành Ðô.” Không những thế Ban Tuyên Giáo đảng Cộng Sản còn đưa ra lời giải thích về hội nghị này để các đảng viên học tập. Trong bài trước, mục này tỏ ý nghi hoặc không biết bản tuyên bố trên có thực hay không, vì thấy nó chỉ “vạch áo cho người xem lưng” mà thôi. Ông Nguyễn Khắc Mai, cựu vụ phó Dân Vận Trung Ương Ðảng mới xác nhận với đài BBC rằng: “Văn bản của Ban Tuyên Giáo… thì nó có thật đấy… Nhưng chúng tôi hoài nghi sự giải thích… không biết là có đến nơi, đến chốn không…” Muốn hiểu “Hội chứng Nguyễn Cơ Thạch” thì phải nhắc lại chuyện ở Thành Ðô năm 1990.

Năm đó, sau khi đảng Cộng Sản Liên Xô sụp đổ, Việt Cộng mất chỗ dựa chính trị, ngoại giao, cũng như nguồn viện trợ kinh tế. Như người sắp chết đuối cần một cái phao bám, Việt Cộng kết thân lại với Trung Cộng. Sau cuộc chiến năm 1979 hai đảng từng coi nhau là tử thù. Mối tranh chấp lớn trong mười năm trước là cuộc chiến tranh ở Campuchia, Trung Cộng ủng hộ Khờ Me Ðỏ còn Việt Cộng bảo trợ chính quyền Hun Sen. Biết Việt Cộng đang tuyệt vọng, muốn cầu thân, nên Trung Cộng lợi dụng; buộc Việt Cộng phải giải quyết cuộc chiến ở xứ Khờ Me theo dự án của Bắc Kinh.

Năm 1990, quân Hun Sen đang mạnh hơn; cả thế giới đều ghét Khờ Me Ðỏ vì chúng đã giết hàng triệu người dân vô tội. Nguyễn Cơ Thạch không chấp nhận “đầu hàng” ở Campuchia trong khi phe Hun Sen đang thắng. Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh nghĩ khác, sẵn sàng nhượng bộ ở Campuchia, chỉ mong được kết thân với Trung Cộng. Nguyễn Văn Linh đã cho sửa lại bản Hiến Pháp Việt Nam, xóa bỏ nhưng đoạn kể tội Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp của dân Việt. Linh và Lê Ðức Anh, bộ trưởng Quốc Phòng đã tự hạ mình đến gặp đại sứ Trung Cộng tại Hà Nội xin cho được gặp giới lãnh đạo Bắc Kinh.

Trong hoàn cảnh đó, Trung Cộng đã đưa ra mồi nhử, và toàn thể ban lãnh đạo Việt Cộng rơi vào bẫy. Mồi nhử là chấp nhận thảo luận chuyện lâu dài, theo lời Linh yêu cầu là “hợp tác với Trung Quốc để bảo vệ chủ nghĩa xã hội chống đế quốc.” Nhưng họ đặt điều kiện sẽ chỉ bàn chuyện đó sau khi hai bên thỏa thuận một giải pháp cho Campuchia. Việt Cộng phải chiều ý. Suốt trong thời gian hai bên bàn bạc, chuẩn bị, Trung Cộng đã bày trò chia rẽ nội bộ Việt Cộng. Họ không thèm nói chuyện gì với Nguyễn Cơ Thạch và Bộ Ngoại Giao của Việt Cộng mà nói chuyện thẳng tới tổng bí thư, hoặc qua Ban Ðối Ngoại thuộc Trung Ương Ðảng.

Khi chính thức gặp Thứ trưởng ngoại giao Trung Cộng Từ Ðôn Tín, Trần Quang Cơ, cũng giữ chức thứ trưởng ngoại giao sau này viết hồi ký, ghi lại: “Tôi nhớ như in cái giọng ngạo mạn kiểu ‘sứ giả thiên triều’ của Từ…” Từ Ðôn Tín nói: “Lần này tôi sang Hà Nội chủ yếu để bàn với các đồng chí Việt Nam về vấn đề Campuchia, đồng thời cũng xem xét nguyện vọng của các đồng chí…,” ý nói đã gặp Nguyễn Văn Linh và Lê Ðức Anh. Trần Quang Cơ nhận xét: “Ðây là cuộc đàm phán giữa hai quốc gia bình đẳng, làm sao Trung Quốc có thể nói đến chuyện xem xét nguyện vọng của giới lãnh đạo Việt Nam được?” Nguyễn Cơ Thạch không được đi họp ở Thành Ðô, dù là ủy viên Bộ Chính Trị và đang giữ chức bộ trưởng Ngoại Giao. Ông Trần Quang Cơ nói thẳng trong hồi ký Hồi ức và Suy nghĩ: Trung Quốc muốn ta phải thay đổi bộ trưởng Ngoại giao. Tại Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc họp ở Nữu-ước tháng 9 năm đó Ngoại Trưởng Trung Cộng Tiền Kỳ Tham từ chối không cho Nguyễn Cơ Thạch được gặp.

Cuối cùng, tại Thành Ðô Việt Cộng đã phải đồng ý công thức của Trung Cộng về một hội đồng lãnh đạo xứ Campuchia. Việt Cộng trước đó yêu cầu mỗi phe cộng sản ở Campuchia có sáu người trong hội đồng này. Trung Cộng đòi mỗi phe có sáu người, thêm người chủ tọa là Sihanouk, một ông hoàng sống thường xuyên ở Bắc Kinh, vẫn cộng tác với Khờ Me Ðỏ, tức là phe Khờ Me Ðỏ có bảy người! Bản tuyên cáo sau Hội nghị Thành Ðô ghi tám điểm thì bảy điểm chỉ nói chuyện Campuchia, điểm thứ tám nói đến việc hợp tác giữa hai đảng Cộng sản cũng nhấn mạnh tới việc Campuchia. Những yêu cầu “hợp tác bảo vệ chủ nghĩa xã hội chống đế quốc” của Nguyễn Văn Linh trở thành mơ tưởng hão huyền. Ông Dương Danh Dy, nguyên tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc, cho biết thêm rằng trong thời gian hội nghị Trung Cộng xếp cho Phạm Văn Ðồng, Nguyễn Văn Linh, Ðỗ Mười ở ba biệt thự khác nhau, không thể bàn gì với nhau được.

Nhưng đau đớn cho Việt Cộng là những đòn ngoại giao của Trung Cộng sau đó. Trong hội nghị, hai bên đồng ý là sẽ cùng giữ bí mật. Nhưng ngay sau khi họp xong, Trung Cộng tiết lộ hết. Báo chí ở Thái Lan loan tin Việt Cộng đã chịu theo giải pháp của Trung Cộng ở Campuchia. Ngoại trưởng Mỹ gặp Nguyễn Cơ Thạch cũng nói rằng đã được nghe Trung Cộng báo tin đầy đủ. Việt Cộng uất ức nhưng phải im miệng, như gái ngồi phải cọc.

Người ức nhất là Hun Sen, vì thấy phe Khờ Me Ðỏ có bẩy người, mình chỉ được có sáu. Hun Sen uất hận nhất là cảnh Việt Cộng đi đêm với Trung Cộng, đâm sau lưng mình. Từ đó Hun Sen dần dần lánh xa Hà Nội, tiến gần Bắc Kinh. Vì thà đi thẳng với ông chủ lớn còn hơn đi qua một anh đầu nậu. Trung Cộng cũng bỏ rơi Khờ Me Ðỏ, sau khi bắt được Hun Sen ích lợi hơn nhiều. Cuối cùng, Việt Cộng vừa mất chân trên đất Campuchia, vừa không được Trung Cộng hứa hẹn gì về hợp tác lâu dài bảo vệ chủ nghĩa xã hội!

Hội nghị Thành Ðô là một thảm bại ngoại giao của đảng Cộng Sản Việt Nam. Nhưng nó cũng là triệu chứng hiện lên rõ nhất của một căn bệnh có gốc từ bên trong, gọi là “Hội chứng Nguyễn Cơ Thạch.” Ông Ðặng Xương Hùng giải thích: Hội chứng Nguyễn Cơ Thạch là việc Trung Quốc đã khống chế toàn bộ lãnh đạo Việt Nam để dần dần thực hiện những chính sách của Trung Quốc.” Hội chứng này bao gồm cảnh Trung Cộng “không chế về mặt đối ngoại, khống chế về mặt tổ chức nhân sự cũng như cơ cấu nhà nước của Việt Nam, làm sao có lợi nhất đối với Trung Quốc.” Ngoại giao, tổ chức nhân sự, cơ cấu nhà nước, cái gì cũng bị Trung Cộng khống chế. Phải thấy đây là một tình trạng bệnh trầm kha. Trên thế giới có quốc gia nào bị nước khác khống chế từ bên trong ra bên ngoài như vậy hay không?

Bệnh chứng Nguyễn Cơ Thạch khiến cho tất cả guồng máy cai trị của đảng Cộng Sản Việt Nam lúc nào cũng lo sợ không biết những gì mình nghĩ, mình làm, có hợp ý các “đồng chí” Trung Quốc hay không! Ông Ðặng Xương Hùng lấy thí dụ: “Nhiều nhân vật [chính quyền ở Việt Nam] sau này,… khi đụng chạm giải quyết vấn đề biên giới cũng như những vấn đề về tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Ðông cũng như thế, đều có những dấu hiệu của hội chứng Nguyễn Cơ Thạch. Tức là rất sợ những ý kiến cả nhân của mình về vấn đề quan hệ với Trung Quốc… rất sợ Trung Quốc sẽ xử lý làm ảnh hưởng đến chức vụ của mình với những quyền lợi và lợi ích của mình trong cơ cấu nhà nước [qua việc khống chế lãnh đạo cao nhất của Việt Nam].”

Ông Nguyễn Cơ Thạch đã kết luận về Hội nghị Thành Ðô: “Một thời kỳ Bắc thuộc rất nguy hiểm đã bắt đầu.” Bệnh chứng Nguyễn Cơ Thạch cũng là bệnh chứng “Bắc thuộc mới.”

Nguồn: Người Việt (online)

23 October 2014

Thu Bâng Khuâng, thơ


Tranh A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh "Cõi Riêng Của Sóc"

TÓM TẮT DIỄN TIẾN BUỔI ĐÀM PHÁN GIỮA ĐẠI DIỆN CHÍNH QUYỀN HỒNG KÔNG VÀ ĐẠI DIỆN SINH VIÊN HỌC SINH HỒNG KÔNG

 Facebook Nguyễn Ngọc Như Quỳnh
- Yvonne Leung: Các đại diện của chính phủ đang muốn bày trò với chúng ta, chúng ta không thể bỏ cuộc. Họ nói quyết định của NPCSC không thể thay đổi.


Buổi đàm phán giữa chính phủ và sinh viên Hong Kong đang diễn ra và được tường thuật trực tiếp.
Mỗi bên có 5 phút mở màn, 90 phút tranh luận (mỗi người nói từ 3-5 phút), và 10 phút dành cho phần kết luận của mỗi bên.


Post này mình sẽ edit khi lấy được hết tin, tạm thời ko hiểu sao đường truyền Internet quá chậm từ VNPT cho tới FPT.


** 


Trong buổi đàm phán hôm nay, trước các yêu cầu phổ thông đầu phiếu của sinh viên, bà Carrie Lam không ngừng nhắc nhở rằng Hong Kong không phải là một quốc gia độc lập.Các quy tắc của pháp luật là giá trị cốt lõi của HK, chính phủ tôn trọng quyền đòi hỏi của sinh viên nhưng họ (sinh viên) phải tuân thủ pháp luật.

Đại diện sinh viên, Shum đặt câu hỏi liệu chính phủ có xem xét chính thức lý do tại sao có rất nhiều người sẵn sàng ngủ trên đường phố trong 20 ngày qua, phải đối mặt với hơi cay và nước mắt. Đó là những gì mà họ muốn ư?

Khi đại diện chính phủ kêu gọi các sinh viên hãy trở về nhà, Alex Chow trả lời: Nếu các bạn đi đến các địa điểm thiền toạ, bạn sẽ thấy tất cả các thế hệ ở đây. Điều duy nhất mà chính phủ có thể đạt được mục tiêu kêu gọi mọi người trở về nhà là hãy chỉ ra cho họ một lộ trình, một thời gian biểu cụ thể để thực hiện mục tiêu dân chủ.

Các thủ lĩnh sinh viên trả lời khá nhịp nhàng, bám sát các mục tiêu, trong khi đại diện chính phủ đang nói lòng vòng, không xoáy vào yêu cầu cụ thể.

Bên ngoài hội trường diễn ra cuộc đàm phán lịch sử này, hàng ngàn người đang theo dõi trực tiếp. Một phóng viên đã phải thốt lên: “Phải lâu lắm rồi mới thấy người Hong Kong say mê một chương trình ti vi mà ko phải là phim Hàn Quốc như vậy”.

Thủ lĩnh sinh viên Yvonne Leung nói rõ quan điểm của phong trào là không muốn chỉ có 4 ứng cử viên. (Đoạn này có thể mình dịch sai…). Cô cũng phản bác ý kiến của bà Carrie Lam khi cho rằng nguyên tắc dân chủ được tôn trọng trong bầu cử. Cô nói bà Lam đã không phản ánh đúng sự thật, ví dụ như kết quả cảc cuộc thăm dò công khai cho thấy người dân không muốn 2-3 ứng cử viên được chỉ định từ Bắc Kinh.

Alex Chow xoáy vào câu hỏi: Chính phủ nên trả lời rõ ràng tại sao chỉ có 2-3 ứng cử viên được lựa chọn?

Bà Carrie Lam đang gỡ bí bằng cách hứa sẽ xem xét việc thống kê các báo cáo và đề đạt dân chủ đã diễn ra tại đặc khu Hong Kong và Ma Cao từ tháng 8 năm nay.

Alex Chow đặt luôn câu hỏi: Liệu giá trị mà các báo cáo này đem lại là gì?

Carrie Lam trả lời: Có thể nó sẽ có kết quả vào 2017.

Đêm nay số người tham dự OCLP ở Admiralty rất đông.

Nhà báo Tom Grundy nhận xét: Học sinh nói rõ ràng hơn, cho thấy có chuẩn bị tốt hơn và hùng hồn hơn. Bên phía chính phủ ít có người có khả năng gắn kết các câu nội dung tranh luận, nói ít hơn, thiếu tự nhiên và lòng vòng.

Bà Carrie Lam cho biết, cuộc bầu cử năm 2017 chưa phải là bước kết thúc. Phổ thông đầu phiếu đã bị hoãn lại trong năm 2007, năm 2012 là năm trao trả Hong Kong, và hiệu lực này sẽ hết hạn vào năm 2047.

Thủ lĩnh sinh viên Law kêu gọi chính phủ phải đưa ra thời gian biểu nghiêm túc bởi vì mọi người đã quá mất lòng tin vào chính phủ.

Eason Chung cũng cho rằng chính phủ đang nói loanh quanh. Cái cần thiết mà chính phủ phải làm là có những giải pháp cụ thể cho năm 2017 nếu không nó sẽ không đáp ứng được nhu cầu của mọi người.

Alex Chow hỏi: Nếu pháp luật là công lý như đại diện các chính phủ nói nãy giờ, tại sao không sửa đổi Luật cơ bản theo ý muốn của người dân?

Bà Carrie Lam: Luật cơ bản không thể được sửa đổi, đề xuất để thay đổi nó không phải là giải pháp để giải quyết những vấn đề chúng ta phải đối mặt.

Law Nathan một lần nữa yêu cầu chính phủ cung cấp cho người dân một lịch trình vững chắc để giải quyết vấn đề này.

Eason Chung bồi thêm: chính phủ đã lặp đi lặp lại những gì đã nói trong 2 năm qua mà không làm gì.

Bà Carrie Lam: chúng tôi sẽ xem xét việc thiết lập một nền tảng đa phương để thảo luận về cải cách chính trị và báo cáo sẽ là nguồn tài liệu tham khảo tốt.

Thủ lĩnh sinh viên Lester Shum: Nãy giờ, sau 105 phút, các đại diện chính phủ chỉ muốn đi tới thoả thuận riêng. Thế hệ được đánh thức như chúng tôi không thể làm điều đó, không thể có sự nhượng bộ trong tình huống này. Shum cũng nói thêm: lịch sử đã chọn chúng tôi, thế hệ này, nhưng nó cũng chọn các bạn (các đại diện chính phủ). Bạn sẽ có can đảm để cam kết thay đổi nó hay là chấp nhận làm tội nhân trong tương lai.

Alex Chow nói tiếp: chúng ta biết Trưởng đặc khu Lương Chấn Anh không có uy tín nhưng tôi hy vọng các bạn có thể là những viên chức có đủ can đảm để đáp ứng nguyện vọng của người dân Hong Kong.

Trong phần kết thúc buổi đàm phán hôm nay, bà Carrie Lam nói: có ý tưởng không chưa đủ, phải xem xét tình hình thực tế, ngày 31 tháng Tám là một ngày quyết định, là một bước nhảy vọt về phía trước lịch sử. Chúng ta vẫn có thể nói chuyện về cuộc bầu cử năm 2022.(Đám đông bên ngoài đã ồ lên phản đối điều này).

Bà Carrie Lam nói tiếp, trong thực tế, trái ngược với những suy nghĩ của người dân, chúng tôi đã cho rằng cảnh sát được điều động khá hạn chế và hòa bình, chính phủ đã cố gắng không sử dụng vũ lực. Chúng tôi muốn các bạn hãy công bằng trong các mối quan hệ với cảnh sát. Bà Lam cũng nhấn mạnh: vấn đề Hồng Kông không thể được giải quyết ở Hồng Kông mà còn chịu trách nhiệm trước Chính phủ Trung ương. Chúng ta vẫn còn có không gian đối thoại để bàn đến các giải pháp trong cuộc bầu cử năm 2017, và cuộc bầu cử này không phải là cuối cùng, chúng ta có thể thay đổi nó trong tương lai. (Đám đông la lớn lần nữa).

Chính phủ hy vọng sẽ thảo luận và thiết lập một nền tảng cho các bạn trẻ và sinh viên để thảo luận về những thay đổi sau năm 2017, cũng như đang “tích cực xem xét” gửi một báo cáo về tình hình HK và Ma Cao cho chính phủ Trung ương.

Bà Carrie Lam bày tỏ thái độ hài lòng rằng cuộc đối thoại được tiến hành theo cách bình tĩnh và kiên nhẫn. Bà cũng hy vọng sẽ có nhiều cuộc họp hơn nữa.

Lần cuối cùng bà nhắc lại: các sinh viên nói “sẽ giải quyết vấn đề HK tại HK”, nhưng HK không phải là quốc gia độc lập, chính phủ trung ương có trách nhiệm.

Thủ lĩnh Lester Shum nói: chúng tôi không phải là trẻ em được lựa chọn bởi lịch sử, nhưng bạn là các quan chức được lựa chọn để quyết định xem liệu Hong Kong có dân chủ hay không? Chúng tôi đã hy sinh thời gian của chúng tôi, thậm chí đối mặt với nguy cơ bắt giữ để đấu tranh cho dân chủ, nhưng hôm nay chính phủ chưa cho chúng tôi biết các giải pháp thực tế, không thể chấp nhận được chuyện này.

Alex Chow: nếu chính phủ không giải quyết điều này một cách rốt ráo, các cuộc biểu tình sẽ tiếp tục. Sự tín nhiệm các thành viên NPC đang bị thử thách nặng nề. Một số sinh viên nói với tôi rằng khi họ đang ở Mong Kok, họ biết họ có nguy cơ bị bắn, tại sao xã hội chúng ta buộc họ phải nghĩ đến điều tồi tệ này?

* Buổi đối thoại kết thúc, các thủ lĩnh sinh viên sẽ có buổi nói chuyện ở Admiralty ngay sau đây.

- Một bạn sinh viên vừa nhận xét : Hai người trong số 5 thành viên của chính phủ hôm nay không mở miệng nói lấy một lời. Họ gọi đây là buổi đàm phán (tranh luận, đối thoại) ư? Tôi cho rằng phải gọi đúng tên là “cuộc gặp gỡ trong phòng” thôi mới đúng.

***

22 October 2014

Blogger Điếu Cày bị tống xuất sang Mỹ

Theo tin từ gia đình Blogger Điếu Cày thì lúc 10:40 phút tối ngày 21/10 ông từ Hong Kong gọi điện về gia đình thông báo ông đang quá cảnh ở Hong Kong trên đường sang Mỹ. 
 
Chị Dương Thị Tân xác nhận tin này với VOA Việt ngữ:
 
“Cuộc gọi lúc 10:40 phút giờ Việt Nam, ông ấy chỉ nói được mấy câu rằng ông vừa xuống Hong Kong và người ta đưa ông đi Mỹ. Ông chỉ kịp thông báo cho mọi người ở nhà biết như vậy thôi, không kịp thời gian để nói thêm. Ông bảo ông mượn điện thoại của người ta, ông chỉ nói được 3, 4 câu vậy thôi là cúp.”

Tổ chức Phóng viên Không biên giới chuyên bảo vệ quyền tự do thông tin và báo chí trên toàn cầu có trụ sở ở Pháp hoan nghênh việc blogger Điếu Cày được trả tự do, nhưng lưu ý thế giới đừng quên rằng tại Việt Nam vẫn còn hàng chục blogger, ký giả mạng, và các ngòi bút độc lập đang bị tù đày nghiệt ngã chỉ vì thực thi quyền tự do bày tỏ ý kiến và thể hiện quan điểm trái với nhà nước. (VOA)


21 October 2014

Chuyện Vợ Ông Nhà Thơ, truyện ngắn

Phạm Thành Châu

Ở hải ngoại, mười ông Việt Nam sồn sồn, cỡ trên dưới sáu mươi tuổi thì có đến chín ông là nhà thơ. (Xin bạn đồng ý với tôi, vì chính bạn cũng từng làm thơ, từ thời còn đi học ở quê nhà, nhưng không gửi đăng báo vì khiêm tốn đấy thôi). Những bài thơ thời niên thiếu đó, khi nhớ lại, bạn sẽ mỉm cười, gán cho chúng danh hiệu là thơ “con cóc”, ngây ngô nhưng rất đẹp, rất trong sáng và lãng mạn. Có ông “học giả” người Tàu, Lâm Ngữ Ðường, có lẽ suốt đời không biết làm thơ nên trong tác phẩm “Sống Ðẹp” (Nguyễn Hiến Lê dịch), ông ta kể các thói xấu của con người (Tàu) như nói dối, tự phụ, ăn cắp, xu nịnh... còn có thói xấu là làm thơ “con cóc” (trang 220). Tôi mạnh mẽ phản đối vì như thế là xúc phạm đến hồn thơ của tôi và của các bạn.

Ở hải ngoại, cuộc mưu sinh tuy bận rộn nhưng một lúc nào đó, những “rung động bất chợt của những nỗi nhớ, những kỷ niệm…”, khiến tâm hồn lãng mạn cảm hứng thành những vần thơ, phải ghi xuống để khi rảnh rỗi, đem ra ngâm nga, tự thưởng thức. Và "chủ đề" của các ông, bà hiện nay là "quê cũ và người xưa". Sự thực, với các ông, trong chín nhà thơ đó, hết tám ông, thời còn đi học không hề có người yêu, yêu thầm thì họa may. Lý do đơn giản là thuở học trò, cứ vác quả tim cô đơn đi cà lơ thất thểu ngoài đường chứ chẳng cậu nào dám tán tỉnh hay tỏ tình với người đẹp. Nhưng trong “thơ văn hoài niệm” ông nào cũng sắm cho mình một lô các cô nữ sinh, xinh đẹp, ngây thơ... và nhất là cũng yêu "chàng" (nhà thơ) say đắm. Nhưng đau khổ thay! Người yêu lên xe hoa với người khác khiến chàng thành “thi sĩ”.

18 October 2014

Ngày về

- Phạm Thị Hoài

“Chúng ta đang sống trong một hoàn cảnh thật khốn nạn. Sau hàng thế kỉ ngoại thuộc, sau ba chục năm trời nhiễu nhương, nay nước nhà được thanh bình, dân tộc bắt tay xây dựng đất nước, thì chđứng úng ta lại bỏ xứ ra đi, chúng ta lại vắng mặt, lại ngoài vòng.”

“Không về được, chúng ta tự thấy sống một đời vô duyên, lãng xẹt. Cần thì chưa chắc tổ quốc đã cần đến mình; chưa chắc mình sẽ có một đóng góp nào đáng kể. Những kẻ có ý thức cao nhất về mình cũng không bao giờ dám tự nhận mình là cả một cần thiết cho quốc gia. Tuy nhiên, nghĩ rằng ở cái xứ nghèo khó nhỏ bé của mình đồng bào đang rầm rập xây dựng mà mình không được dự phần vào, tự dưng có một cảm tưởng tưng hửng, dần dần ngấm thành một đau đớn.”

“Lòng chúng ta lúc nào cũng tha thiết với quê hương, nhưng quê hương lại không còn như xưa. Cho nên chúng ta lâm cảnh bẽ bàng.”

“Về ư? Dẫu có về được, ta đâu còn về để tiếp tục đời sống như trước, mà chỉ để tăng cường hàng ngũ nô lệ. Đành rằng sống chết không cần, nhưng đã sống ta lại cam chịu sống như vậy sao? Sống để răm rắp vâng lời, để suốt đời ca ngợi lãnh đạo sáng suốt, để đem thân trâu ngựa củng cố một chế độ độc tài, vun bồi quyền lợi của một tầng lớp thống trị?”

“Bị kẹt dưới chế độ độc tài là đáng thương; còn như quyết định tự nguyện nhảy vào cúi đầu phục vụ độc tài lại đáng nguyền rủa. Kẹt cứng! Đồng bào ta, có lớp bị kẹt lại trong nước, có lớp lại bị kẹt… ở ngoài nước!”
Những dòng trên đây là của một nhà văn miền Nam nổi tiếng, trong tùy bút “Ngày về” in năm 1987 tại California [1]. Hai mươi lăm năm sau những tâm sự khắc khoải này và ba mươi bảy năm sau khi rời quê hương, một phần nhỏ tác phẩm của ông đã trở về. Hai đầu sách, Quê hương tôi và Tạp văn được Nhã Nam xuất bản tại Việt Nam. Chỉ có điều bút danh nổi tiếng của ông, Võ Phiến, được thay bằng Tràng Thiên, một bút danh ít người biết đến.

Tất nhiên điều đó không bình thường. Nó để lại một dư vị không dễ chịu. Dư vị của ngụy trang. Nhưng ngụy trang là hành vi gắn liền với toàn bộ sự tồn tại Việt Nam, với tất cả những mặt khuất và điểm sáng của nó. Ở đây tôi thiên vị các điểm sáng. Chúng ta thử nhìn câu chuyện Võ Phiến cải tên này qua một sự cố khác, sự cố Chuyện ở nông trại, tác phẩm lừng danh về những con lợn làm cách mạng để rồi thiết lập chính cái nguyên trạng mà chúng lật đổ, cũng do Nhã Nam xuất bản không lâu sau Lolita [2] và Võ Phiến.

*

Trong vụ tác phẩm chống toàn trị cộng sản kinh điển của George Orwell lọt lưới kiểm duyệt ở Việt Nam, công đầu chắc chắn thuộc về những người làm sách. Tuy không thể cho Chuyện ở nông trại một sự hiện diện rầm rộ trên truyền thông như với tác phẩm nổi tiếng và tai tiếng của Nabokov [3], nhưng chỉ riêng việc nó được cấp phép xuất bản và bản dịch không bị cắt xén đã đủ ngoạn mục. Song trong trường hợp tác phẩm đặc biệt này, ngoài bản lĩnh và sự dấn thân khéo léo của những người làm sách, phải có những may mắn khác.

May mắn đáng kê ra đầu tiên là sự dốt nát của bộ máy kiểm duyệt văn hóa tại Việt Nam. Ai từng làm việc với nó đều vẫn phải sửng sốt dù đã được nhiều lần báo trước. Trình độ của đại đa số các cán bộ kiểm duyệt có một quyền quyết định nào đó thường thấp đến mức “hạn chế” còn là một mĩ từ quá rộng lượng để chỉ. Guồng máy công quyền ở mọi nơi đều là chốn nương thân lí tưởng cho sự tầm thường, nhưng ở đất nước này guồng máy ấy do một bàn tay vô hình ưa mỉa mai sắp đặt: hệt như ở các lĩnh vực khác, tiêu chuẩn của người quản lí văn hóa dường như trước hết phải là không biết gì về văn hóa. Nghe họ mở miệng – đúng ra phải gọi là mở băng – bạn sẽ chỉ có một cảm giác duy nhất là tuyệt vọng. Tuyệt vọng khi nghe họ giải thích, chẳng hạn vì sao Kafka là một “trường hợp có vấn đề”, và càng tuyệt vọng hơn khi một lúc nào đó, khoảng hai thập niên sau, trái đất vẫn quay dù chúng ta đứng im, lại nghe họ giải thích vì sao trường hợp ấy không có vấn đề nữa. Trước một thành trì u mê được dán kín tem quyền lực như vậy bạn không có cơ hội nào hết. Hoặc là bạn phát điên. Hoặc là bạn trở thành một nhà hiền triết. Ngoài hai khả năng khá gần nhau này, bạn còn có thể tê liệt như một lựa chọn dễ dàng hơn. Tôi từng liệt toàn thân khi lịch sự ngồi nghe một cán bộ tuyên huấn cỡ kha khá kể chuyện ông ấy đã liều bảo vệ một tác phẩm đang bị “đánh” của tôi như thế nào. Tư duy của ông ấy – nếu có thể gọi đó là tư duy – không hề bị xúc phạm trước một chân lý đại loại như: một nhà văn rửa tay trước khi viết là một nhà văn trong sạch, nhân đạo và tiến bộ. Còn sự đổi mới tư duy táo bạo của ông ấy nằm ở nhận thức rằng tôi tuy không rửa tay nhưng vẫn trong sạch, nhân đạo và tiến bộ, vì tay tôi có bẩn đâu mà phải rửa. Mạng lưới kiểm duyệt thỉnh thoảng thủng ra một hai lỗ, có khi cho cả một tác phẩm lớn chui vừa, từ sự dốt nát đó. Thuyết phục kẻ giáo điều thường vô ích. Nhưng một kẻ  giáo điều mù tịt đôi khi lại bất ngờ có một quyết định sáng sủa, vì hắn thậm chí không đủ hiểu biết để ý thức về quyết định đó của mình.

Những phẩm chất trứ danh khác của bộ máy nói trên là quan liêu, lười nhác và tắc trách. Tôi đảm bảo rằng nếu thay tên George Orwell bằng Eric Athur Blair, tên thật của ông, hay H. Lewis Always, một bút danh khác của ông, và đổi 1984 thành Tấm lòng của người Anh Cả; hoặc nếu thay Arthur Koestler bằng Kösztler Artúr và lấy tên bản gốc tiếng ĐứcSonnenfinsternis dịch thành Một vầng nhật thực thay vì dịch theo những nhan đề đã quá nổi tiếng của bản tiếng Anh Darkness at Noon hay bản tiếng Pháp Le Zéro et l’Infini, thì cả hai tác phẩm thuộc hàng chống toàn trị và chống cộng đầu bảng này đều được duyệt êm ru tại Việt Nam và báo Nhân dân sẽ nhiệt tình quảng cáo. Trong trường hợp Animal Farm, rất có thể vụ vỡ đê kiểm duyệt xảy ra vì bản thảo được mang một cái tên đồng quê hiền lành, Chuyện ở nông trại.

*

Vì thế tôi mừng cho một phần Võ Phiến đã chui lọt một trong những cái lỗ tất yếu ngày càng to ra trong bức tường kiểm duyệt ngày càng kém chất lượng ở Việt Nam. Một ngày không xa, Đêm giã từ Hà Nội có thể được xuất bản với tên tác giả là Nguyễn Đăng, một bút danh của Mai Thảo. Nếu phải đổi thành Hà Nội đêm tiễn biệt, Giọt nước mắt đêm chia tay Hà Thành, Thăng Long đêm biệt li… để Mai Thảo được trở về cố hương, tôi sẽ lựa chọn sự ngụy trang ấy. Bản thân tôi, không được thông báo trước, cũng có lần xuất hiện trên một tạp chí ít người đọc ở trong nước, với cái tên chỉ dùng trong gia đình và một nhóm nhỏ bạn bè.

Trong số những nhà văn miền Nam được mệnh danh là "những tên biệt kích của chủ nghĩa thực dân mới trên mặt trận văn hóa-tư tưởng“ thì Duyên Anh ngồi tù 5 năm rưỡi, mất tại Pháp; Hồ Hữu Tường ngồi tù 5 năm, ra tù thì qua đời tại Việt Nam; Nguyễn Mạnh Côn chết trong tù; Vũ Khắc Khoan di tản, mất tại Hoa Kỳ; Mai Thảo vượt biên, mất tại Hoa Kỳ; Doãn Quốc Sỹ ngồi tù 14 năm, hiện sống ở Hoa Kỳ; Nhã Ca đi tù 2 năm, hiện sống ở Hoa Kỳ; Võ Phiến di tản, hiện sống tại Hoa Kỳ; Nhất Hạnh đã ra nước ngoài từ 1967; Dương Nghiễm Mậu ngồi tù 2 năm, hiện sống tại Việt Nam… Năm 2007, 4 tập truyện ngắn của Dương Nghiễm Mậu vừa được in lại ở trong nước thì biến mất, rất nhanh, sau khi những pháo đài à la Vũ Hạnh khạc đạn, loại đạn tồn kho quân khí tư tưởng từ vài chục năm trước, thô sơ cổ lỗ nhưng vẫn đủ sức sát thương. Nhưng từ khi Võ Phiến alias Tràng Thiên tái xuất, không thấy ông Vũ Hạnh, người đích thân phụ trách phần viết về Võ Phiến trong tác phẩm chống "biệt kích văn hóa“ khét tiếng nói trên, đem súng ra lau. Một dấu hiệu tích cực. Như thể dù phải len lén đi đêm, văn học miền Nam và văn học hải ngoại cuối cùng cũng gửi được một đại diện đáng kể của mình đến dự cuộc tọa đàm không chính thức và đã rất trễ giờ về hòa giải dân tộc.

*

Song ngày vui ngắn chẳng tày gang. Bây giờ chúng ta được biết cái giá phải trả cho tấm vé ngày về của Võ Phiến. Hóa ra việc cải tên chỉ là một động tác rất phụ. Con trai ông, cũng một nhà văn, bút danh Thu Tứ, người đã "chọn lựa và biên tập“ hai tác phẩm Quê hương tôi và Tạp vănnói trên, tuyên bố rõ trong bài "Trường hợp Võ Phiến“: "Chúng tôi cố chọn những tác phẩm vừa giá trị nhất vừa hoặc không chứa hoặc chứa rất ít nội dung chính trị. Nếu có nội dung chính trị, khi biên tập chúng tôi loại bỏ hết. Mục đích của việc chọn và bỏ như thế là đưa những thành tựu văn học đỉnh điểm của văn nghiệp Võ Phiến đến với người đọc mà không gây hại cho nước. “Trong phần còn lại của bài viết khá dài này, ông Thu Tứ phê phán toàn bộ hành trình tư tưởng chống cộng của cha mình để đi đế kết luận về giá trị của Võ Phiến: "Văn nghiệp Võ Phiến vừa tích cực vừa tiêu cực. Tích cực, đáng lưu truyền, là phần văn học. Tiêu cực, đáng bỏ đi, là phần chính trị“ cũng như điều kiện để Võ Phiến có thể trở về: "Sai lầm chính trị đã đưa tác phẩm Võ Phiến ra khỏi lòng dân tộc. Đất nước đã độc lập, thống nhất lâu rồi. Nay đến lúc, nhân danh bảo tồn những giá trị văn hóa Việt Nam, đưa tác phẩm Võ Phiến trở về, sau khi lọc bỏ nội dung chính trị.“

Tuyên bố của ông Thu Tứ xuất hiện trên trang Góc nhìn vào tháng 8/2014, song đến khi được Tuần báo Văn nghệ TP HCM đăng lại cuối tháng 9 và đầu tháng 10/2014 nó mới thực sự được chú ý. Như có thể đoán trước, nó cũng vừa được báo Nhân dân và báo Tuyên giáo đăng lại. Còn thiếu báo Thanh tra, báo Quân đội và báo Văn nghệ của Hội Nhà văn là thành trì tư tưởng chính thống điểm danh xong. Năm ngoái, cái liên minh già nua ấy đã khoe cơ bắp trước tác giả trẻ Nhã Thuyên. Tương lai thuộc về ai, điều ấy không cần bàn cãi. Nhã Thuyên có rất nhiều tài năng, rất nhiều lao động cả học thuật và nghệ thuật. Cái liên minh ấy có những chiếc răng kiểm duyệt cuối cùng. Ông Thu Tứ chỉ góp thêm một chiếc lá vàng vào mùa thu của các vị trưởng lão.

Tôi không coi việc làm của con trai nhà văn Võ Phiến là hành động "đấu tố cha“ hay "bất hiếu“, như phần lớn phía dư luận đang phẫn nộ, đặc biệt ở hải ngoại. Máu mủ không phải là tiêu chuẩn để xác định đúng sai thiện ác. Chẳng lẽ chúng ta phải ca ngợi từ Kim Chính Nhật đến Kim Chính Ân, những người con trung thành nhất với cha ông? Lịch sử quá nhiều điên đảo và phân cực của Việt Nam tất yếu chia cắt và chia rẽ, thậm chí con người này đả đảo con người kia ngay trong một con người. Con cái Phạm Quỳnh bất hiếu chăng, khi tận trung phục vụ cho chế độ đã giết cha mình? Cù Huy Hà Vũ là một nghịch tử chăng, khi chống lại cái chế độ mà cha mình là một trong những công thần khai quốc? Chúng ta ấy quyền gì mà đem những quả tạ đạo đức ra đặt ùm ùm, lúc thì lên cán cân bên này, lúc thì lên cán cân bên kia, chỉ để lẩy cho được cái kết quả trọng lượng đang cần cho sổ sách trong những trường hợp như thế? "Trường hợp Thu Tứ“ chỉ là điển hình cho những xung đột đã và đang giằng xé người Việt trong mọi quan hệ và trên mọi bình diện. Nạn nhân là tất cả mọi thứ, riêng gì đâu tình phụ tử.

Nếu ông Thu Tứ chỉ đoạn tuyệt với cha mình về quan điểm chính trị, tôi không chia sẻ, nhưng đó là quyền tự do của ông, như của bất kì ai, mà tôi thấy tranh luận là vô ích. Song điều khiến tôi sởn gai ốc là ông biến cái quyền tự do tư tưởng ấy của bản thân thành quyền tự do thanh trừng tư tưởng của người khác, và người đó là thân phụ ông, nhà văn Võ Phiến, với tất cả lòng tin cậy ruột thịt đã cấp cho ông tấm giấy ủy quyền. Giấy phép gọt Võ Phiến cho vừa khuôn Thu Tứ. Không thể trớ trêu hơn. Đội quân đấu tranh tư tưởng của chính quyền Việt Nam có thể cả cười: nó sẽ tế nhị rút lui, khi gia đình đã đủ là trận tuyến.

Quả thật có những nghệ sĩ lớn đã nhỏ hẳn đi khi làm chiến sĩ tư tưởng và ngược lại. Người ngưỡng mộ nhà thơ Pablo Neruda ước gì bài tụng ca Stalin của đồng chí đảng viên cộng sản Pablo Neruda chỉ là một cơn ác mộng lạc đường. Người yêu thơ Lê Đạt muốn tống khứ 626 dòng Trường ca Bác năm 1970, viết ngày giỗ đầu Hồ Chủ tịch (Mây trắng đền Hùng/Râu Bác ung dung. Suối Lê Nin/ Núi Mác… Ôi/ Đến cả hình hài/ Bác/ cũng chẳng mang đi… Bác để lại/ cho ta/bốn biển/ sâu xa/ tình đồng chí. Bác để lại/ cho ta/ tất cả/ Bác Hồ), sau tất cả những sỉ nhục dành cho Nhân văn-Giai phẩm. Biết đâu một ngày nào hậu duệ của Tố Hữu sẽ đòi đốt sạch di sản của cha, một nhà thơ không phải là không có năng khiếu, chỉ giữ lại bài thơ „Khi con tu hú“, với tên tác giả là Lê Tư Lành, để giữ gìn nghệ thuật chân chính. Như ông Thu Tứ tin rằng phải cắt phăng khối nọc độc, phần tác phẩm chứa tư tưởng chống chế độ cộng sản của Võ Phiến, thì mới bảo toàn được giá trị sự nghiệp văn học của cha mình.

Những quan niệm lang băm trung cổ như thế vẫn sống sót trong thời hiện đại, nơi văn chương đã lặng lẽ rút lui khỏi ý thức xã hội. Ngày về âm thầm của một tác giả lớn có dấy lên được một chút dư luận cũng chỉ vì tiếng động của dao kéo kiểm duyệt. Trong „trường hợp Võ Phiến”, kiểm duyệt tại gia đã đi trước kiểm duyệt quốc gia.

© 2014 pro&contra
[1] Võ Phiến, Tùy bút, quyển 2, Văn Nghệ, California 1987, tr. 317-318, 323-324
[2] Bất chấp sự tranh cãi về dịch thuật, việc Lolita chính thức xuất hiện trong tiếng Việt là một bước tiến đáng ghi nhận của đời sống văn học tại Việt Nam.
[3] Cả Nhã Nam lẫn NXB Hội Nhà văn đều không đưa thông tin về cuốn sách lên mạng. Lời đồn cuốn sách đã bị thu hồi cũng không được phía nào xác nhận hay bác bỏ.

Lực lượng "quần chúng tự phát", họ là ai?


(RFA)

Kim Thu


17 October 2014

“Hương Tràm Trà Tiên”

Đôi giòng:

Tác giả Hoàng Long Hải viết rất sống động về hoạt động của một số chức sắc tôn giáo, đặc biệt là về một hai linh mục thuộc Giáo hội Công giáo La-Mã, trong giai đoạn ông công tác ở miệt Cái Sắn. Những bạn nghiên cứu về lịch sử cận, và hiện đại của Việt Nam không thể bỏ sót những tình tiết mà tác giả đã ghi lại. SĐ-NTC
**
 *hoànglonghải
Sau hiệp định Paris 1973 một thời gian ngắn, tôi nhận được một văn thư từ trung ương gởi về, lưu ý rằng Việt Cộng đang âm mưu giết các cha, các thầy rồi đổ vấy cho nhau, cố gây mâu thuẫn giữa các tôn giáo, nhất là Phật giáo và Thiên Chúa giáo, để tạo ra những xáo trộn xã hội, tạo điều kiện cho chúng len lỏi hoạt động, phá rối trị an.Đọc xong văn thư đó chưa được mấy ngày thì vào ngày ba mươi Tết, tôi nhận được một tấm card, lớn bằng nửa trang giấy học trò. Tấm card ghi như sau, phía trên, bên góc trái:Linh mục An-tôn Nguyễn Bá Lộc Chánh xứ Kinh 1 Hà Nội.Hiệu trưởng trường Trung Học Kinh 1 Hà Nội

Bên phải, Linh mục viết tay:

Kính gởi ông chỉ huy trưởng

Trong kinh, hiện có một người có ý muốn giết cha. Nhờ ông chỉ huy trưởng giúp đỡ.

 (Bên dưới là chữ ký của cha Lộc)

Tôi biểu nhân viên lấy tắc ráng đưa tôi vào gặp cha Lộc ở kinh 1 ngay.

Cha Lộc niềm nở tiếp tôi. Chưa được năm phút, cha gọi anh trung đội trưởng nghĩa quân lên. (Chi khu Kiên Tân biệt phái một trung đội đóng thường xuyên trong nhà thờ kinh 1 của cha Lộc, đặt dưới quyền chỉ huy của ông. Thực chất, phần đông các nghĩa quân nầy là lính kiểng).

Cha Lộc nói với tôi; “Ông đi theo anh nầy – chỉ anh trung đội trưởng – Nó chỉ nhà thằng đó cho ông.”

“Thằng đó”, có lẽ là thằng có ý đồ giết cha Lộc.

Anh trung đội trưởng dẫn tôi đi, lặng lẽ, không nói gì.

Tới nhà “thằng đó”, tôi đi thẳng vào nhà. Một ông già khoảng năm hay sáu chục tuổi tiếp tôi, mời vào nhà, rót nước, nói chuyện.

Trong khi tôi đi thẳng vào nhà thì mấy anh em nhân viên đi theo tôi, tỏa ra chung quanh nhà. Một lúc, anh Nguyễn Xuân Dương, chỉ huy toán nhân viên, vào nhà, kề tai tôi nói nhỏ: “Múm được thằng bé rồi, nó trốn trên nóc chuồng bò.”

Tôi tưởng “thằng đó” là một người lớn. Người lớn mới có gan tính chuyện giết linh mục. Sao ông Dương gọi “thằng bé”. Tuy nhiên, tôi vẫn giữ nét mặt tự nhiên, ngồi nghe ông già thuật chuyện:

- “Thưa ông! Cha Lộc muốn làm cho to chuyện chớ có gì đâu. Thằng con tôi dại dột. Nó cầm cây súng pháo đi chơi, rồi xuống tắm ở bến kinh. Thấy cây súng, bạn nói hỏi. Nó nói: “Có cái súng nầy, tao bắn cha Lộc.” Chuyện chỉ chừng đó mà cha báo cáo với Cảnh Sát.”

Tôi không nghĩ là chuyện chỉ chừng đó. Nó phải có một nguyên nhân sâu xa nào đó, cần phải tìm hiểu. Vả lại, cha Lộc đã thưa thì không thể làm qua loa được. Mấy ông cha, như người ta thường nói, “phiền lắm.”

Tôi nói với chủ nhà:

16 October 2014

Hoa Kỳ oanh tạc phiến quân ISIS


Trọng Đạt

Lực lượng Hồi giáo quá khích ISIS thuộc hệ phái Sunni bành trướng nhanh mạnh từ mấy tháng qua, chúng thành lập Nhà nước Hồi Giáo gồm một phần tại Syrie và một phần tại Iraq . ISIS bắt đầu từ Syria rồi tràn qua Iraq từ đầu tháng 6-2014. Nguyên do cuộc chiến một phần từ chính sách phân biệt tôn giáo của chính phủ Iraq . Phiến quân tiến rất nhanh, lính Iraq sợ hãi bỏ chạy nên nhiều tỉnh đã lọt vào tay đối phương, nay chúng đã chiếm hơn một phần ba đất nước nằm ở phía tây bắc Iraq . ISIS quá tàn ác, chúng sát hại tù binh và cả thường dân vô tội đã bị thế giới lên án là phạm tội  chống nhân loại. Mối nguy Đế chế Nhà nước Hồi giáo đang đe dọa các nước trong khu vực mà cả Hoa Kỳ và các nước Tây phương.
   
Tin mới nhất ngoại trưởng Pháp và Thổ đã nhận định kế hoạch oanh kích ISIS đã thất bại không ngăn cản được đà tiến quân của chúng. Nay địch  đã chiếm được 2/3 tỉnh Kobani tại Syria sát biên giới Thổ sau 3 tuần vây hãm.

VOA cho biết những vụ không kích của liên minh do Hoa Kỳ dẫn đầu nhắm vào phiến quân ở Kobani đã giúp cho người Kurd cố thủ ở thành phố này. Tuy nhiên, các giới chức Mỹ nói rằng Kobani bị thất thủ chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.
   
Ngoài ra phiến quân ISIS đã chỉ còn cách Baghdad vài chục cây số.
   
Các nước trong liên minh yêu cầu Thổ tham gia chống phiến quân nhưng Thổ nói Hoa Kỳ chưa có chính sách rõ ràng về chiến dịch chống Nhà nước Hồi giáo. 
   
Trước nguy cơ Iraq sụp đổ, Tổng thống Obama cho oanh tạc phiến quân để yểm trợ cho chính phủ Iraq bắt đầu từ 7-8-2014. Cuộc oanh kích kéo dài hai tháng qua, mới đầu tại Iraq nhưng nay không kích sang cả Syria . Lực lượng phiến quân được ước lượng vào khoảng 80,000 người (Cơ quan thông tin nhân quyền Syria) gồm 50,000 tại Syria và 30,000 tại Iraq . Theo ước lượng của CIA, có từ 20,000 phiến quân tới 31,000 (1). Tin tức tình báo của Mỹ và các nước Liên minh còn quá yếu, rất giới hạn, hiện chưa thấy nói chúng lấy đạn dược tiếp liệu từ đâu? được ai yểm trợ thế nào? đã giết được bao nhiêu tên địch?
   
Nói về nguyên nhân Hoa Kỳ lãnh đạo cuộc chiến chống phiến quân ISIS  không phải vì chúng tàn ác hoặc vì đã chặt đầu ký giả mà vì nó đe dọa an ninh nước Mỹ. Từ 1975-1979, Khmer đỏ tàn ác gấp trăm lần ISIS, chúng đã “cáp duồn” gần hai triệu người Miên nhưng Tòa Bạch ốc  đã không ra lệnh oanh kích vì chúng không gây ảnh hưởng gì tới an ninh, kinh tế Mỹ, cho dù Khmer đỏ “cáp duồn” hết 7 triệu dân xứ Chùa Tháp cũng không khiến họ ra tay.
   
ISIS hay Nhà nước Hồi giáo, Al- Qaeda.. là những tập thể khủng bố coi Mỹ là kẻ thù, chúng chỉ rình cơ hội để tấn công phá hoại Mỹ. Hoa Kỳ tham chiến tại Âu châu, Á châu, Trung Đông… hay tại bất cứ nơi nào trên thế giới để bảo vệ an ninh hoặc quyền lợi của đất nước mình.
   
Kết quả các cuộc oanh tạc trong hai tháng qua được ghi nhận phá hủy được 162 xe cộ, 21 hệ thống vũ khí nhưng không biết đã giết được bao nhiêu tên địch (2), điểm này cho thấy tin tức tình báo còn yếu kém.
   
Có hai phương thức oanh tạc yểm trợ của Mỹ: oanh tạc chiến thuật gồm các chiến đấu cơ oanh tạc nhưng với lượng bom trung bình dành cho những cuộc chiến nhỏ; oanh tạc chiến lược do các oanh tạc cơ hạng nặng B-29 hoặc B-52 trải thảm một số lượng bom rất lớn và tàn phá rất nặng dành cho những chiến dịch lớn như trong chiến tranh VN. Vì cuộc chiến chống ISIS chưa có tầm vóc lớn nên người ta chỉ xử dụng máy bay chiến thuật với một số ít phi cơ.
   
Từ tuần trước, Mỹ chính thức cộng nhận oanh kích thất bại không đạt được kết quả, địch vẫn mạnh, chúng vẫn chiếm được nhiều làng, nhiều tỉnh của người Kurd tại Syria . Mấy tuần trước, mặc dù Hoa Kỳ không tập phiến quân đều đặn nhưng chúng vẫn tiến đánh chiếm được 60 làng của người Kurd tại Syria . Pháp cũng tham gia oanh kích ngày 19-9 nhưng Nhà nước Hồi giáo vẫn vững mạnh. Chúng hiện chiếm giữ  phía tây bắc Iraq một diện tích khá rộng lớn, hơn một phần ba đất nước và vẫn tiếp tục đánh chiếm các làng, tỉnh tại Syria , Iraq . ISIS thực hiện Nhà nước Hồi giáo tại những vùng có nhiều người thuộc hệ phái Sunni, nay phiến quân vẫn tấn công tới tấp các tỉnh do ngưới Kurd trấn giữ, oanh kích của Hoa Kỳ coi như không có hiệu quả.
   
Hai tuần trước đã có người bi quan nói cuộc chiến của Obama có thể sẽ sa lầy như tại VN.
   
Chiến dịch không kích ISIS của Mỹ thất bại cũng không có gì khó hiểu. Oanh tạc không có sự phối hợp bộ binh hoặc lực lượng lục quân dưới đất yếu sẽ không có kết quả như tại cuộc chiến Triều Tiên 1950-1953 (3), oanh tạc không diệt được địch sau đó phải đưa bộ binh vào. Cũng tương tự tại cuộc chiến VN, đầu tháng 3-1965, Tổng thống Johnson cho oanh tạc giới hạn Bắc Việt ngăn chận CS xâm nhập và  vận chuyển tiếp liệu vào miền nam để Hà Nội phải từ bỏ cuộc chiến, ngồi  vào bản hội nghị. Cuộc oanh tạc không có kết quả nên Johnson và các cố vấn phải thay đổi kế hoạch bằng đưa thêm quân vào VNCH để có thể thắng bằng cuộc chiến dưới đất nếu không chỉ 6 tháng là mất (4)
   
Trong trận mùa hè đỏ lửa từ tháng 3 tới tháng 9 năm1972 bộ binh quân đội VNCH được Hoa Kỳ yểm trợ B-52 đã tiêu diệt khoảng 100,000 cán binh CS (5) .
   
TT Nixon nói chúng ta biết chắc là nếu chỉ có oanh tạc (không có bộ binh) sẽ không thể thắng được địch (6).
   
Chủ quan khinh địch là bệnh vốn dĩ của người Tây phương, Mỹ. Năm 1954 tại Điện Biện Phủ cũng như năm 1971 tại Hạ Lào người ta cứ tưởng địch chỉ có cao lắm là hai chục ngàn quân nhưng dè đâu chúng kéo tới năm, sáu chục ngàn. Nay thiếu tin tình báo, Hoa Kỳ tin vào kỹ thuật quốc phòng cao nên đã thất bại, họ đánh giá quá thấp phiến quân ISIS tưởng  chỉ ném vài quả bom là chúng sợ hết hồn bỏ chạy hết !!
   
Các nước liên minh hiện nay gồm Úc, Bỉ, Canada, Đan Mạch, Pháp, Đức, Hòa Lan, Anh và các nước Hồi giáo như Jordan, Qatar, Saudi Arabia, United Arab Emirates... Cũng như các cuộc chiến đã qua trong quá khứ như Triều Tiên, Việt Nam , Iraq , A Phú Hãn.. . các nước Liên minh chỉ đóng góp tượng trưng, Mỹ vẫn phải đứng mũi chịu sào vì sự ảnh hưởng kinh tế, an ninh của nó đối với họ là chính.
   
Trên thực tế cuộc oanh tạc của Mỹ và các nước liên minh phần chưa đủ mạnh, nhất là bộ binh Hồi giáo đươi đất yếu hơn phiến quân nhiều nên đã không đạt được mục tiêu như trên. Trước mắt cuộc chiến bằng không lực đã  thất bại, trong những ngày tháng tới nếu phiến quân ISIS tiếp tục tiến mạnh người Mỹ có đứng nhìn chúng tiến chiếm Baghdad, Iraq như Việt Cộng tiến chiếm Sài Gòn, VNCH năm 1975 không? Chắc là không vì năm 1975 Mỹ đã hòa được với CS quốc tế còn ngày nay người ta vẫn ghi nhớ ác mộng 11-9-2001, khi chiếm được Iraq khủng bố ISIS sẽ không tha nước Mỹ.
   
Nay thất bại, nếu TT Obama tiếp tục oanh kích kéo dài chiến tranh có thể sẽ đi vào vết xe đổ của TT Johnson giữa thập niên 60
   
Vậy TT Obama sẽ giải quyết chiến trường bằng phương thức nào? hoặc  viện trợ quân sự cho Iraq , người Kurd hoặc đưa quân trở lại Iraq ? Cách thứ nhất có lẽ không còn kịp vì nhịp độ chiến trường cấp bách, vả lại còn phải đưa Quốc hội chuẩn chi, bàn thảo. Có thể chính phủ sẽ phải đổ quân nếu không còn con đường nào khác, người dân Mỹ thường chống đưa quân ra ngoại quốc nhưng lúc nguy khốn họ cũng sẽ ủng hộ, anh nhà giầu hay sợ chết.
   
Muốn can thiệp bằng bộ binh TT Obama sẽ phải đưa ra Quốc hội. Đạo luật War Powers Act ngày 7-11-1973 dưới thời Nixon qui định TT phải tham khảo Quốc Hội trước khi tham chiến. Sau đó TT có quyền tham chiến trong 60 ngày không cần sự chấp thuận của Quốc Hội và thêm 30 ngày nữa nếu chứng minh bằng văn thư cho biết sự cần thiết về an ninh cho quân ta. Nếu Quốc Hội sau đó không chấp thuận sự tham chiến bằng tuyên chiến, TT phải đem quân về nước (7)
   
Nguyên do khủng bố Hồi giáo chiếu cố Hoa Kỳ nhiều nhất phần lớn do họ bênh vực Do Thái từ bao lấu nay, gần đây người ta chỉ trích Mỹ bênh vực Do Thái  mù quáng khiến họ lộng hành. Người Mỹ đã công khai nói lý do bảo vệ Do Thái như lời cựu TT Nixon:
   
“Do Thái không có dầu hỏa,  nhỏ hơn tiểu bang Massachusetts, dân số chỉ có 4 triệu (năm 1985) giữa vùng Trung đông hàng 100 triệu người, Do Thái không phải là đồng minh chính thức của Mỹ, không phải là quyền lợi sinh tử của Mỹ thế nhưng khi Do Thái bị tấn công , tất cả các Tổng thống Mỹ đều xử dụng quân sự để bảo vệ họ. Quyền lợi của chúng ta trong sự tồn tại của Do Thái nằm ở bên kia một vấn đề tinh thần, Do Thái là một hải đảo dân chủ giữa một biển cả các nước độc tài.” (8)
   
Lý lẽ mà vị cựu Tổng thống nêu ra như trên không có tính thuyết phục gì nhiều cho lắm. Do Thái đã bị Hitler “cáp duồn” thê thảm hồi Thế chiến thứ hai, đã được loài người dang vòng tay nhân đạo giúp đỡ nhưng đã lợi dụng sự che chở của Mỹ để lộng hành càn dỡ như biến cố dải Gaza gần đây. Do Thái chơi dại khi không biết rằng mình đang nằm giữa một biển cả mênh mông những kẻ thù.
   
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang hối thúc và kêu gọi các nước liên minh tích cực góp phần chống bọn Nhà nước Hồi giáo. Lời kêu gọi có phần làm giảm vị thế một siêu cường bởi lẽ Hoa Kỳ không đủ sức mạnh đè bẹp nhóm phiến quân phải kêu gọi liên minh. Lãnh đạo cuộc chiến phải xử dụng sức mạnh chứ không thể bằng xin xỏ
   
Trong thời gian tranh cử cũng như khi đã làm Tổng thống, Obama đã lên án cuộc chiến Iraq của cựu TT Bush là sai lầm và ngu xuẩn, ông cũng tuyên bố nếu đắc cử sẽ rút quân về nước ngay. Cuộc chiến Iraq 2003 có sai lầm hay không chưa nói đến nhưng việc Obama rút quân khỏi Iraq (cuối năm 2011) bây giờ là một sai lầm lớn. Khi đã bắt tay vào việc ông mới biết rằng đứng ngoài phê phán là chuyện quá dễ, năm 1975 người ta rút bỏ VN êm thắm vì đã bắt tay “Mao Chủ Tịch” từ 1972, còn ông chưa hòa được với thủ lãnh khỏng bố cực đoan mà đã vội rút. Qua thử thách này mới thấy tài lãnh đạo cuộc chiến của Obama còn quá non kém so với các vị tiền nhiệm.
   
TT Obama sai lầm ở chỗ cho rằng ông mới chính là người yêu hòa bình, tìm hòa bình. Ông tin tưởng cứ rút quân về là xong nhưng vấn đề không quá đơn giản như thế, nếu vậy thì ai cũng có thể làm Tổng thống được.
   
Nhiều người Mỹ nói chiến tranh Việt Nam và chiến tranh Iraq là sai lầm, sự thực thì chẳng có cuộc chiến nào sai lầm vì nó đều đã góp phần bảo vệ an ninh nước Mỹ yên lành cho tới ngày hôm nay. Không có hai cuộc chiến  ấy người Mỹ có được sinh sống an toàn như thế này không? Ai người ta để cho các anh yên?
     Hòa bình không thể tự trên trời rơi xuống, muốn hòa bình phải có chiến tranh. Nhiều người Mỹ không muốn đổ một giọt máu, mất một tên lính mà vẫn được hưởng thái bình của thời Nghiêu Thuấn!!.
   
Cựu Bộ trưởng quốc phòng McNamara nói chiến tranh trên thế giới sẽ không bao giờ chấm dứt (9) hết nội chiến sẽ tới ngoại chiến, Tổng thống Obama nay không còn ngồi mơ ước hòa bình.
    
Khán giả hồi hộp theo dõi những bản tin hàng ngày thấy phiến quân đang giao tranh dữ dội và tiến nhanh tại Syria , Iraq .  Người ta nhớ lại những năm cuối thập niên 40 khi Hồng quân  chiếm được Hoa Bắc đang tiến xuống Hoa Nam và cũng như tại miền nam VN năm 1975  khi CSBV tiến chiếm hai quân khu I, II và đang hướng về Sài Gòn.
   
Hoa Kỳ có cố gắng tránh xa vết xe đổ của những năm 1949, 1975 hay không để còn vớt vát được chút niềm tin của các quốc gia trong Liên minh chống phiến quân của Đế chế Nhà nước Hồi giáo cực đoan?
   
Trọng Đạt

Chú Thích

(1) Islamic state of Iraq and the Levant , Wikipedia
(2) 2014 American-led intervention in Iraq , Wikipedia
(3) Bernard Fall, Hell In A Very Small Place , The Siege of Dien Bien Phu trang 311
(4) Stanley Karnow. Vietnam A History trang 435
(5) Nguyễn đức Phương, Chiến TranhViệt Nam ToànTập trang 587
(6) Richard Nixon, No More Vietnams trang 151
(7) No More Vietnams trang 181
(8) Sách kể trên trang 220, 221
(9) In Retrospect, The Tragedy and Lessons of Vietnam trang 324

14 October 2014

Góc Riêng Em.., thơ


Vô Tình, truyện ngắn

“Con tim trốn vào nụ cười để khóc”
(thơ Nguyễn Dương Quang)
 Phạm Thành Châu

Cái khó của phái nữ là làm sao cho người mình để ý hiểu được tình cảm của mình dành cho anh ta, nhất là người mà mình mới gặp lần đầu. Thứ tình cảm bất chợt đó bao giờ cũng rất mãnh liệt và sâu đậm. Tỏ tình sao cho khéo để khỏi vuột mất nguời đó? Xin theo dõi “người nữ” xoay xở cách nào (?) trong câu chuyện sau đây. Trường hợp nầy cũng có thể đã từng xảy ra cho nhiều cô.

*
      
Ông Tâm, tuổi trên năm mươi, vóc dáng, gương mặt không có gì đáng để phái nữ chú ý. Ông Tâm nghỉ phép thường niên (vacation), từ miền đông Hoa Kỳ qua Texas, thăm các bạn. Ông có nhiều bạn ở các tiểu bang Texas, California. Ông đến bạn nầy vài hôm, qua bạn khác vài hôm. Ở Mỹ, nhà nào cũng có nhiều phòng cho con cái. Khi chúng lớn, như những con chim rời tổ, chúng có gia đình, ở nhà riêng. Thành thử, nhà bố mẹ có những phòng trống, dành cho bà con, bạn bè đến thăm, ở lại. Ông Tâm cũng biết đến nhà người ta, dù bạn thân cũng làm xáo trộn nếp sống thường ngày của gia chủ, nên ông thường ở motel, bạn đến mời về nhà ăn bữa cơm gia đình hoặc đưa đi thăm viếng địa phương. Ðôi khi, bạn thật tình, khẩn khoản thì ông cũng chỉ ở nhà bạn vài ngày là tối đa. Khi người trong nhà đi làm thì ông lang thang một mình, ngắm cảnh hoặc ra siêu thị nhìn thiên hạ. Ở Texas và California, nhiều người Việt nên ông cảm tưởng như đang ở quê nhà thời trước. Một buổi trưa, đi mỏi chân, ông vào tiệm McDonald's, sắp hàng mua bánh. Vào giờ đông khách, ông Tâm đứng cuối một dãy dài. Ðang nhìn vơ vẩn, ông thấy một cô, (ông đoán là người Việt) bước vào, đứng sau lưng ông. Ông bước lùi lại, nhường chỗ “Mời cô!” Cô bước tới, nói nhỏ “Cám ơn chú!” rồi ngước nhìn ông Tâm, nhoẻn miệng cười. Cô đứng gần đến độ hai gương mặt như muốn chạm nhau. Bỗng cô quay lại, nhìn sửng ông, ánh mắt sáng lên, như vui mừng được gặp lại bạn thân. Tự nhiên, ông Tâm vui lây với cô. Niềm vui và hạnh phúc đơn giản mà ông chưa hề cảm nhận được lần nào trên đời. Ông thấy hình như cô đang thở mạnh. Ông nói “Cô cho tôi được mời cô, nghe!” Cô không quay lại “Cám ơn chú!” Tuổi cô khoảng bốn mươi nhưng cô gọi ông bằng chú, có lẽ để khỏi ngại ngùng.                                          

Hai người ngồi ăn cùng bàn. Chuyện trò cũng chỉ mưa nắng, những nhận xét về cộng đồng người Việt, về thời sự. Cả hai, đôi khi có nói về mình như một cách tự giới thiệu. Ông Tâm cho biết. Ông làm việc ở một thành phố miền đông Hoa Kỳ. Nghỉ vacation hai tuần. Ông cũng được biết cô tên Trang, có một tiệm buôn nhỏ ở thành phố Austin, về Houston mua hàng “Từ Austin, cháu về đây hết mấy tiếng lái xe. Cháu lái xe chậm lắm. Chú có biết Austin không?”

12 October 2014

Tin rút ngắn

Báo chí Hoa Lục lên án Mỹ đứng sau các cuộc biểu tình ở Hồng Kông 

Ðảng Cộng sản Trung Quốc đang lập lại cáo buộc rằng Hoa Kỳ đứng sau các cuộc biểu tình đòi dân chủ đã làm tê liệt nhiều khu vực ở Hồng Kông trong hai tuần qua.

Bài xã luận trên trang nhất của tờ Nhân dân Nhật báo do nhà nước điều hành một phần, số ra hôm thứ Bảy, nói rằng các giới chức Hoa Kỳ, các tổ chức phi chính phủ và truyền thông đang tích cực xúi giục một “cuộc cách mạng màu" trên lãnh thổ bán tự trị này của Trung Quốc.

Bài xã luận nói Hoa Kỳ ra vẻ bênh vực dân chủ và nhân quyền, nhưng thực chất là “bảo vệ cho lợi ích của Mỹ và làm suy yếu các chính phủ mà Mỹ xem là không chịu phục tùng.”

Nhật báo thường phản ánh các ý kiến ủng hộ Ðảng Cộng sản này trích dẫn các “tin tức truyền thông” ngụ ý rằng bà Louisa Greve của tổ chức ủng hộ dân chủ National Endowment for Democracy có trụ sở ở Washington đã gặp gỡ với các sinh viên biểu tình cách đây vài tháng.

Đây được xem là lên án trực tiếp nhất của Bắc Kinh về sự dính líu của Mỹ trong phong trào biểu tình đòi hỏi phải để cho người dân Hồng Kông tự chọn lãnh đạo của họ trong cuộc bầu cử năm 2017. (VOA)

11 October 2014

Thu đã về

Hình ảnh: Hương Kiều Loan
Nhạc nền: Tình Khúc Mùa Thu -PAD
qua tiếng hát Ý Lan

Mây


 Hình thi sĩ LĐ gửi từ California.

Chất đạm WHEY cho người lớn tuổi

GS Phạm Hiếu Liêm - một đồng nghiệp, một người bạn thân tình và là một giáo sư y khoa chuyên về điều trị bệnh lý các người lớn tuổi (Geriatric Medicine) tại Hoa Kỳ có nhiều công trình khảo cứu giá trị. Bài viết sau đây của BS Liêm chú trọng về một đề tài vô cùng thực tế: Làm sao người lớn tuổi - nhất là người cao niên việt nam - có thể thay đổi dinh dưởng với chất đạm Whey (có vào khoảng 20% trong sữa ) mà chúng ta có thể mua dễ dàng , không tốn kém, tại nhiều nơi bên Hoa Kỳ tại Walmart , Costco và nhiều nơi khác nửa và online. Tôi nghĩ các anh chị bên Pháp, Đức hay bên Úc cũng có thể kiếm mua rất dễ dàng. Xin cám ơn anh BS Liêm rất nhiều. (BS Nguyễn Thuợng Vũ)


** 
 BS Phạm Hiếu Liêm

WHEY tốt hơn sâm và nhung mà rẻ như bèo

       Làm người ai cũng muốn được mạnh khoẻ và sống lâu. Ở phương Đông trước thế kỷ thứ 20, các đạo sĩ vào núi luyện cách trường sinh và có tuổi thọ cao hơn người thường (70-80 tuổi thay vì 50-60 tuổi). Theo khoa học ngày nay, các đạo sĩ Lão Giáo đạt được tuổi thọ nhờ dinh dưỡng tốt vì ăn nhiều trái dâu và những loại quả nhỏ mọng nước không có hạt (berries) mọc hoang trong núi chứa nhiều chất kháng oxy hoá và tập thể dục (quyền Võ Đang) thường xuyên.    

       Ngày nay nhờ vệ sinh thường thức và y khoa tân tiến, tuổi thọ trung bình ở các nước tiên tiến đã đạt đến gần 80 cho nam giới và hơn 80 cho các cụ bà. Than ôi, với số tuổi đời chồng chất, người già thường bị các bệnh kinh niên và chứng lão suy nên trong nhiều trường hợp, có thọ nhưng không mấy vui vì bệnh tật và ốm yếu. Vì vậy, tại các cộng đồng người Việt ở hải ngoại, báo chí, truyền thanh và truyền hình có nhiều quảng cáo kiểu lang băm bán thuốc dạo lừa đảo người Việt cao niên để bán các loại thuốc thực phẩm phụ gia vô căn cứ.   

       Ngoài ra, chúng ta vẫn thường nghe các cụ dùng Sâm và Nhung là các món đắt tiền để tẩm bổ chống lại lão suy theo truyền thuyết Đông Y. Nhân sâm Cao Ly có tác dụng kích thích làm người dùng cảm thấy hưng phấn nên vẫn được truyền tụng nhưng kết quả trên cơ thể, bắp thịt và tim mạch thì không có gì đáng kể; thậm chí dùng nhiều có thể làm tăng huyết áp, có hại cho tim mạch và não bộ.

       Khảo cứu tại Hoa Kỳ trong 30 năm trước cho thấy thú vật sống lâu và khoẻ mạnh khi chúng được nuôi ăn đủ chất dinh dưỡng nhưng với lượng calorie hạn chế hơn 30% của mức bình thường; đó là một điều không thực tế cho con người.   

       May thay, mấy năm gần đây, khoa học đã cho thấy ngoài dinh dưỡng tốt và tập thể dục thường xuyên, các cụ có thể dùng chất đạm Whey (phát âm là Guây) phụ gia để giúp tăng tuổi thọ, thêm lành mạnh và bớt bệnh tật.


Chất đạm Whey là gì?

       Sữa (trên thị trường là sữa bò) có nhiều chất đạm. 80% chất đạm trong sữa là casein; phần còn lại (20%) là Whey. Whey là một hỗn hợp của nhiều chất đạm hoà tan, đặc biệt là có rất nhiều chuỗi amino acids  phân nhánh (branched chain amino acids- BCAA) như leucine, iso-leucine và valine so với các chất đạm khác.  Các amino acids quan trọng này làm bắp thịt phát triển nẩy nở và lành lặn như có đề cập trước đây trong bài Chống Sarcopenia đăng mấy năm trước trên svqy.org (Aging well by fighting Sarcopenia; A tribute to  Jack LaLanne) http://www.svqy.org/agingwell.html

       Trong kỹ nghệ chế tạo phó mát (cheese), chất đạm Whey trở thành dung dịch phế thải tự nhiên sau khi casein được làm rắn (solid) trong phó mát. Ngày nay, chất đạm Whey được giữ lại để làm thực phẩm phụ gia cho các lực sĩ tập tạ vì có thể giúp họ trở nên lực lưỡng nhanh chóng.      

Tại sao chất đạm Whey phụ gia lại tốt cho người lớn tuổi?

       Đại đa số đàn ông gốc Âu và Á bắt đầu có đề kháng (resistance) Insulin ở tuổi 40 trở lên, phụ nữ thì ở khoảng tuổi 50 sau khi tắt kinh (menopause). Từ đó họ bắt đầu có nhiều mỡ trong bụng (phát tướng) dẫn đến một vòng  luẩn quẩn khắc nghiệt cuả Hội Chứng Biến Dưỡng (Metabolic Syndrome) với tăng huyết áp, lượng mỡ cholesterol và triglyceride trong máu cao, dễ bị Tiểu Đường loại 2 và các biến chứng tim mạch. Vòng luẩn quẩn này còn có liên hệ đến chứng teo bắp thịt, loãng xương và bệnh lãng trí của lão suy. Ngăn ngừa hội chứng biến dưỡng sẽ giúp cho người cao niên được lành mạnh sống lâu để hưởng thêm hạnh phúc ở tuổi già.  

       Trong các thí nghiệm gần đây trên thú vật và cả trên người già, chất đạm Whey đã chứng tỏ khả năng giúp người lớn tuổi ngăn ngừa và chế ngự sự  lão suy và Hội Chứng Biến Dưỡng vì giúp giảm mập phì, giảm mỡ trong bụng, xuống cân, giảm hiện tượng đói cồn cào, giảm cholesterol, điều hoà huyết áp, bớt đề kháng với insulin, bớt nguy cơ tiểu đường loại 2. Điều đáng chú ý là trong một thí nghiệm dùng hợp chất pha trộn các amino-acids cùng tỷ lệ như tìm thấy trong Whey đưa ra kết quả không tốt như chất đạm Whey thiên nhiên từ sữa, nhất là trên tác dụng giảm cholesterol. Chuột nuôi với chất đạm Whey phụ gia sống lâu hơn mặc dù chúng không bị hạn chế về calorie.      

       Bệnh nhân đã bị tiểu đường loại 2 có lượng glucose trong máu điều hoà tốt hơn sau khi dùng chất đạm Whey thường xuyên. Lượng insulin giảm xuống và các chỉ số về viêm (inflammation) và oxy hóa cũng giảm bớt nhiều. 

       Bệnh nhân vừa qua bệnh nặng (nhiễm trùng, sưng phổi, đột quỵ ….) hay sau một cuộc giải phẫu lớn, cơ thể lâm vào tình trạng thoái dưỡng (catabolism) sẽ bình phục nhanh hơn khi dùng chất đạm Whey phụ gia vì cơ thể sẽ tổng hợp protein dễ dàng đạt tới thế tiến dưỡng (anabolism) nhanh chóng trong phục hồi.     

Cách dùng chất đạm Whey trong Lão Khoa  

        Muốn ngăn ngừa Hội Chứng Biến Dưỡng thì nên bắt đầu dùng chất đạm Whey phụ gia ở tuổi 40, dùng khoảng 10 hoặc 20 gram một lần mỗi ngày (2 hay 4 muỗng cà phê, một muỗng cà phê là tương đương với 5 gram). 

       Các cụ trên 65 tuổi nên dùng 10 đến 12 gram, hai lần mỗi ngày (20 đến 24 gram mỗi ngày).  Đang phục hồi sau giải phẫu hay bệnh nặng nên dùng 15 gram mỗi lần, hai lần mỗi ngày (30 gram mỗi ngày). Thường thường các bệnh nhân này có dùng các bột sữa thực phẩm như Ensure, Sustacal vv…. có chứa chất đạm từ đậu nành hay sữa nhưng vẫn nên dùng Whey phụ gia để có tác dụng phục hồi nhanh chóng hơn như đã nói ở trên.   

      Chất đạm Whey isolate có bán tại các tiệm thông thường như General Nutrition, Wal-Mart, Costco etc… 15 tới 30 đô la Mỹ có thể mua một hay hai hũ to tướng cho các cụ khuấy bột Whey vào ly nước dùng mỗi ngày trong cả tháng.      

       Tóm lại, ngoài dinh dưỡng tốt và thể dục đều, chất đạm Whey được khoa học cho thấy có thể giúp chúng ta sống lâu và lành mạnh để hưởng Phước Thọ mà giá lại rẻ hơn Sâm và Nhung rất nhiều. Tài liệu thống kê cho thấy gần 23%  người Việt lớn tuổi ở California  bị Tiểu Đường loại 2; chất đạm Whey có thể giúp chúng ta tránh được cái đại nạn đó luôn.  

Phạm H. Liêm 

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...