17 July 2014

Giàn khoan HD 981 đang được kéo về đảo Hải Nam

Trung Quốc rút giàn khoan gây tranh cãi ra khỏi khu vực Việt Nam có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và thả 13 ngư dân Việt bị bắt giữ ở đảo Hải Nam về nước giữa những chỉ trích mạnh mẽ từ quốc tế lên án các hành động gây hấn của Bắc Kinh trong khu vực.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm nay xác nhận giàn khoan Hải Dương 981 ngày 15/7 đã hoàn tất công tác thăm dò ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa ‘đúng kế hoạch.’

Tập đoàn dầu khí quốc gia CNOOC của Trung Quốc loan báo rút giàn khoan về Hải Nam sau khi đã thăm dò ‘suông sẻ’ và tìm thấy các dấu hiệu dầu khí tại vùng biển có tranh chấp. Các bước kế tiếp sẽ là phân tích những dữ kiện địa chất và đánh giá các lớp dầu khí.

"Chắc chắn là khó mà có hòa bình lâu dài với
Trung Quốc được, bởi vì họ khoan được 1 mũi
chỗ này rồi, họ sẽ khoan mũi thứ 2 ở chỗ khác.
Không phải yên đâu, rồi họ sẽ làm những việc khác nữa...".
Nhà nghiên cứu Biển Ðông Dương Danh Dy.

Reuters dẫn nguồn tin từ lực lượng cảnh sát biển của Việt Nam cho biết giàn khoan nước sâu trị giá 1 tỷ đô la đang được di chuyển về tỉnh đảo Hải Nam của Trung Quốc.

Diễn tiến này xảy ra giữa lúc truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin 13 ngư dân Quảng Bình, Quảng Ngãi bị Trung Quốc bắt giữ lần lượt hôm 23/6 và 3/7 đã được phóng thích. 

Khi đưa giàn khoan Hải Dương vào khu vực Hoàng Sa hồi đầu tháng 5 năm nay, Trung Quốc thông báo kế hoạch thăm dò của Hải Dương sẽ kéo dài tới giữa tháng 8.

Chưa rõ lý do vì sao giàn khoan chấm dứt thăm dò sớm trước 1 tháng theo hoạch định giữa lúc các áp lực quốc tế đả kích Trung Quốc không ngừng gia tăng và cơn bão Rammasun đang tiến thẳng vào Biển Đông sau khi tàn phá Philippines gây thiệt mạng ít nhất 10 người. (VOA)

**

Theo các chuyên gia phân tích quốc tế, động thái dịch chuyển giàn khoan này của Trung Quốc nhiều khả năng có liên quan đến vấn đề thời tiết, bởi đây là khởi đầu của thời kỳ mưa bão trên Biển Đông với nhiều cơn bão lớn dự kiến sẽ càn quét qua đây trong thời gian tới.

Tuy nhiên, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia phân tích an ninh thuộc Học viện Quốc phòng Úc cho rằng việc Trung Quốc dịch chuyển giàn khoan này cũng chứa đựng những toan tính chính trị của Bắc Kinh.

Theo chuyên gia này, việc Trung Quốc rút sớm giàn khoan trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị các chứng cứ pháp lý để kiện nước này lên tòa án quốc tế là một động thái nhằm giữ cho vấn đề vẫn nằm trong phạm vi song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc, tránh bị quốc tế hóa.

Ông Thayer nói: “Đây là động thái nhằm tác động đến Việt Nam, ngăn chặn Việt Nam có hành động pháp lý chống lại Trung Quốc, và ngăn chặn Việt Nam ngả về hay tăng cường hợp tác an ninh với Mỹ.”

Hôm qua, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Trung Quốc không tái diễn hành vi hạ đặt trái phép giàn khoan cũng như các hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên vùng biển của Việt Nam.

Trong một cuộc phỏng vấn với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ ngày 16/7, cựu Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Trung Quốc Dương Danh Dy đã nói rằng Việt Nam sẽ không bao giờ chịu nhượng bộ trong vấn đề chủ quyền và sẽ tìm cách giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình với Bắc Kinh.

Ông Dy nhấn mạnh: “Nhiều khả năng Việt Nam sẽ tìm cách ‘giải quyết hòa bình’ với Trung Quốc. Tuy nhiên, để có được hòa bình lâu dài với Trung Quốc là một vấn đề thực sự khó khăn. Tất cả vẫn chưa chấm dứt, Trung Quốc sẽ có thêm các hành động mới.”

Trong khi đó, ông Wang Zhen, người đại diện Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc thì tuyên bố rằng việc dịch chuyển giàn khoan 981 là một “quyết định về hậu cần” và rằng việc khoan thăm dò “đã được tiến hành theo kế hoạch bất chấp sự phản đối của Việt Nam”.

Việc kéo giàn khoan tỉ đô Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam được coi là một trong những hành động ngang nhiên nhất của Trung Quốc để phục vụ cho tham vọng độc chiếm Biển Đông của họ.

Ngày 16/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki tuyên bố Mỹ hoan nghênh việc Trung Quốc dịch chuyển giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam, và Washington muốn các bên giải quyết vấn đề bằng con đường ngoại giao.

Bà Psaki nhấn mạnh: “Vụ giàn khoan đã cho thấy các bên tuyên bố chủ quyền phải làm rõ tuyên bố của mình theo các quy định của luật pháp quốc tế để đạt được nhận thức chung về cách hành xử và các hoạt động thích hợp trong khu vực tranh chấp.”

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho rằng Tuyên bố các bên về Ứng xử trên Biển Đông được ký kết giữa Trung Quốc và ASEAN năm 2002 phải là văn bản hướng dẫn cho mọi hành động cho các bên ở Biển Đông.

(Khampha.vn)

No comments:

Post a Comment