17 June 2013

MỘT HOÀI NIỆM VỀ BA TÔI

Nhân Ngày của Cha, những hoài niệm ngày cũ cứ tràn về. Tôi muốn gởi đến các bạn đôi dòng tản mạn về Ba tôi.

Số là ngày hôm qua, tôi nhận được một cái thư của bạn Quê Hương gởi qua có một link dẫn nói về Tình Cha do giọng đọc của Bích Huyền diễn đạt. Nhưng do đang có chút việc tôi chưa mở ra nghe.

Sáng nay vừa thức dậy mở hộp thư ra thì nhận được một thư nữa của bạn Song Kim nói về Ngày của Cha. Tôi quay lại mở thư của bạn Quê Hương coi Bà Bích Huyền nói gì ở trỏng. Chỉ một đoạn đầu thôi đã nhắc tới câu nói của một văn hào đã viết: “Nơi chốn bình an nhất của đứa trẻ trên thế giới nầy là căn phòng của Cha nó…”. Với tôi, nghe bao nhiêu đó cũng đã đủ dậy lên trong tâm hồn tôi những hoài niệm về Ba của mình. Tôi tắt máy.

**

Dù đã có chủ định, nhưng sáng nay trời bỗng rơi lất phất mấy hạt mưa nhỏ nhưng cũng đủ làm ướt áo. Nhìn về phía Bình Dương nơi chôn nhau cắt rốn của Ba tôi thì cả một bầu trời đầy mây xám u ám mịt mù nên cứ lần khân ngồi ở quán cà phê.
“Mưa thì mưa chắc tôi không bước vội
Nhưng chậm thế nào rồi cũng phải xa nhau…”
Câu thơ của ai đó thiệt hợp tình hợp cảnh với tôi trong một buổi sáng tháng sáu nầy. Dùng dằng nửa ở nửa đi rồi cuối cùng cũng phải nhổ neo thôi.

Cứ mưa nhỏ rồi lại tạnh làm tôi phải dạt vào hiên nhà người ta đụt mưa tới mấy lần. Sáng chủ nhựt được nghỉ làm mà trời lại mưa lâm thâm nên những người có thói quen dậy sớm cứ chôn chân ở quán cà phê, còn những người thích ngủ nướng chắc là còn đang quấn mền trong căn phòng ấm cúng nên dọc đường đi tương đối vắng vẻ. Quang cảnh đó dễ khiến nỗi cô quạnh cùng những hoài niệm trong lòng cứ lớn dần thêm theo những vòng xe lăn.

Ngang qua Bình Nhâm vẫn còn nghe hương bưởi hương cau thoang thoảng bay theo những cơn gió sớm ôm ấp những xúc cảm tươi nguyên đầu ngày của mình, tuy rằng bây giờ hầu hết các miền quê đã bị đô thị hóa không còn nhìn thấy được những cành bưởi trĩu những bông hoa trắng vươn mình ra tới tận lề đường lả lơi với khách đường xa bằng mùi hương thơm ngát của mình như rất nhiều năm đã xa trước kia.
“Hương cau còn ngát trên môi lụa…”
Tôi tự hỏi những đôi môi lụa ngày nào biết có còn không hay đã bị phấn son che lấp cho hợp thời?

Khu trái cây nổi tiếng một thời Cầu Ngang của Lái Thiêu bây giờ cũng đã biến đổi ít nhiều. Dọc mé sông hơn nửa cây số đã được chỉnh trang gọn gàng, người ta đã lắp một dãy hàng rào thấp bằng sắt chặn lại, lề đường được lát gạch con sâu rất sạch sẽ. Hiện người ta đang mở Lễ Hội trái chín ở đây với những kiosque dã chiến khung bằng sắt và mái lợp tấm phủ bằng nhựa có in hình những viên ngói vảy cá truyền thống với nhiều màu sắc pha trộn nên trông cũng hay hay. Còn sớm quá vả lại đang mưa nên chưa thấy ai đem sản phẩm của mình ra trưng bày.

Lên tới Thủ Dầu Một, tôi ghé ngang tiệm hủ tiếu Cây Me để ăn một tô hủ tiếu với dầu-chấu-quảy cho đủ bộ trong những hoài niệm về Ba tôi mặc dù tôi biết hương xưa không còn nữa. Vẫn chiếc xe hủ tiếu bằng gỗ truyền thống với những tấm kiếng tráng thủy vẽ những hoạt cảnh trong truyện Tam Quốc đã gây biết bao nỗi tò mò thích thú trẻ con ngày xưa còn đó, nhưng cái thì đã bị nứt rạn được dán lại bằng băng keo, cái thì bể lớn quá nên đã bị tháo bỏ và thay thế vào đó bằng một tấm cạt-tông ám khói úa vàng như tuổi thơ của tôi đã tàn phai.

**

Xin trở lại câu chuyện của tôi. Một điều chắc chắn đối với tất cả những người con, không ai là không có những niềm tự hào về Ba của mình dù ít dù nhiều. Nhứt là bây giờ người ta lại phát hiện cái gien di truyền gọi là DNA nên ai cũng cố mà tìm những ưu điểm của Ba mình để soi rọi lại bản thân, càng có nhiều mình càng tự hào. Có phải thế không các bạn?

Ba tôi là một người trắng trẻo, nho nhã, đẹp trai (cái vụ nầy thì tôi chẳng hưởng được chút tẹo nào di truyền), biết làm thơ, viết văn hay, vẽ đẹp, thích một cuộc sống giang hồ nay đây mai đó, nói chuyện thu hút người khác…nhất là đối với phụ nữ!?!? Ngắm nghía lại mình, tôi xém ẵm “trọn bộ huy chương” chỉ thiếu cái vụ đẹp trai. Nhưng tôi lại nghe có câu: “Đẹp trai không bằng chai mặt”.

Nhân câu đọc của Bà Bích Huyền ở trên, gợi nhớ đến cái nơi chốn an toàn của người Cha đối với đứa trẻ, tôi xin kể chuyện của mình cho các bạn nghe.

Trước năm 1962, nhà tôi nằm trên sát Quốc Lộ 13 đường đi Bến Cát. Đó là một ngôi nhà thôn quê có phần đất thổ cư chung quanh rất rộng trồng toàn những cây ăn trái rất rậm rạp. Ông Nội tôi đã xây lên ở trên đó một cái nhà to lớn rất kiên cố, nhưng phong trào tiêu thổ kháng chiến của Việt Minh đã biến thành một đống gạch vụn. Đến lượt ba tôi trở về dựng lên một cái nhà mới khá lớn rồi mở trường dạy học cho bà con chòm xóm cùng những đứa trẻ trong phong trào Bình Dân Học Vụ thời Ngô Đình Diệm. Cuộc sống thôn quê nhàn nhã và bình lặng không níu được cánh chim giang hồ, Ba tôi đi làm công chức một thời gian rồi đổi lên Banmêthuột. Dân Nam Bộ thời đó mà chịu lên chốn rừng thiêng nước độc cũng thiệt “gan cùng mình”.

Vậy là anh em tôi cũng phải đi theo Ông, để nhà lại cho một mình ông Anh hai đang học dỡ dang ở Bình Dương trông coi. Tôi nhớ những năm đó, cứ mỗi dịp nghỉ hè Ông lại cho tôi về ở với Anh Hai cho vui. Hơn mười tuổi mà dám một mình đi xe đò lên xuống Sài Gòn-Banmêthuột cũng “gan cùng mình” phải không?

Thời đó Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam mới thành lập nên cũng muốn phô trương lực lượng. Khổ nỗi nhà tôi lại nằm hơi gần đồn Bảo An và ngay trục lộ giao liên giữa Phú Hòa Đông-Củ Chi và mật khu ở Dương Minh Châu. Thấy tận mặt người sống kẻ chết hàng ngày và nghe tiếng súng nổ đạn bay hàng đêm. Còn con nít, nhưng tôi hiểu rất rõ sự nguy hiểm của mũi tên hòn đạn nên chẳng đêm nào có thể ngủ yên giấc, trong khi ông anh tôi nằm kế bên thì cứ ngáy khò khò, đến nổi thỉnh thoảng tôi phải bóp mũi ổng lại cho ổng cựa quậy để mình yên tâm chút đỉnh. Nhưng điệp khúc ấy cứ tiếp tục mãi. Mới đầu hai anh em còn nằm trên bộ ván gõ, sau sợ quá tôi bàn nên nằm xuống đất ngay cạnh mép hầm trú ẩn. Rồi cũng chưa thiệt yên tâm, tôi lại bàn nên lấy lá dừa đan lại thành một tấm đệm lót dưới hầm rồi chui xuống đó ngủ luôn cho…chắc ăn. Được vài bữa, hơi đất ẩm làm sinh ra những con mạt trên lá dừa cắn ngứa không chịu được đành trồi lên mặt đất. Thiệt là một khoảng thời gian kinh khủng đối với tuổi thơ tôi vì sợ và thiếu ngủ.

Đâu hơn một tháng sau nhân có dịp đi công tác về Sài Gòn, Ba tôi ghé thăm hai thằng con coi sự tình ra sao. Đêm đó, tôi được ông cho nằm trong lòng ông trên bộ ván gõ mà ngủ.

Thiên đường ở tận nơi đâu và đẹp tới cỡ nào tôi không biết, nhưng được nằm trong lòng Ba tôi ngủ một mạch tới sáng không một chút lo âu quả thiệt tôi đã thấy thiên đường!

HÙNG BI

No comments:

Post a Comment

Cái Đêm Hôm Ấy . . . Đêm Gì?

TTR: Chắc chắn không ai đọc được những bài ký sự như thế này mà còn có thể hình dung ra cảnh người dân bị bóc lột tàn bạo, phi nhân hơn nữa ...