Mark Kitto – Anh
Thuế khóa và cái chết. Bạn biết nghĩa hai từ này rồi chứ? Tôi muốn thêm một sự mệt mỏi nữa: thành người Trung Quốc.
Phải, chuyện lên trời rồi. Tôi đã từng muốn thành người Trung Quốc. Không phải kiểu mặc áo lụa, đi dép vải, nhuộm tóc đen, hay ghê sợ thì chụp khăn mùi soa vào mũi đâu. Tôi muốn Trung Quốc ngày càng tươi đẹp để tôi sống và làm việc. Cách đây 16 năm, chính là tôi muốn như thế đấy. Còn bây giờ, tôi đầu hàng....
16 năm trước, khi tôi rời Đại học London năm thứ 2, đến Bắc Kinh theo khóa tiếng Trung, thì so với phương Tây, Trung Quốc lạc hậu lắm. Chẳng thấy ô tô trên đường phố, mà rặt xe đạp hoặc xe bò, chỉ tiện cho đám sinh viên có thể trèo lên cả khi chúng đang chạy. “Cô giáo chủ nhiệm” của tôi, nửa như bảo mẫu, nửa lại giống người đại diện, là một bà Hồng quân đáng sợ có biệt danh là Hou Rồng. Thức ăn, nước uống, quần áo, xe đạp… chả mua thì chúng tôi cũng được dùng. Tiền chả biết để làm gì, vì quanh vùng chỉ có mỗi một cửa hàng Hữu Nghị bán cà phê đen trong cốc thiếc.
Chúng tôi sống đời sinh viên, nhưng chẳng biết gì nhiều (tất nhiên ấy là nói theo quan điểm bây giờ), ngoài tầm nhìn từ đỉnh Mạc Can Sơn cách Thượng Hải trăm dặm về phía tây.
Nếu phải chọn một từ để nói về Trung Quốc thời đó, tôi sẽ bảo đó là “lạc quan”. Chợ búa đơn giản như hồi mới sinh ra. Lần đầu tiên sau 35 năm, Trung Quốc mới gặp lạm phát. Và người dân lại thích thú vì họ nghĩ đó là dấu hiệu của tiến bộ, nghĩa là bắt đầu có nhu cầu, mà lại cao hơn khả năng đáp ứng. Năm 1949, từ nóc Thiên An Môn, Mao Trạch Đông tuyên bố: “Nhân dân Trung Quốc đã đứng dậy”. Giữa thập kỷ 80, họ mới bắt đầu đi học và thảo luận. Một đêm tháng giêng 1987, tôi đứng trên ban công xem sinh viên tuần hành qua những con đường ngập tuyết, đổ về quảng trường thành phố. Kiểu tuần hành ấy tồn tại được đến tháng 6/1989, khi xảy ra sự kiện Thiên An Môn.
Người có công lớn nhất để Trung Quốc lớn mạnh như ngày nay là Đặng Tiểu Bình. Nhưng ông ta cũng chính là người đã gọi xe tăng vào nghiền nát sinh viên. Sự kiện Thiên An Môn trùng đúng vào dịp chúng tôi đang làm báo cáo tốt nghiệp. Và lũ bạn cùng lớp với tôi cứ băn khoăn mãi: 4 năm học tiếng Trung chỉ để gọi đúng tên những tang tóc này sao?
Nhưng Đặng không mất nhiều thời gian về chuyện đó. Ông ta thuyết phục thế giới rằng, hãy tha lỗi cho Thiên An Môn, và hãy chơi với Bắc Kinh, chứ đừng coi Trung Quốc là một xã hội man rợ. Ông ấy vừa vật nài vừa nỗ lực. Thế giới không thù dai, và người Trung Quốc nắm lấy cơ hội ông ấy trao. Cả hai đều có phần, ít nhất là về mặt kinh tài.
Khi tôi trở lại Trung Quốc năm 1996 để sống và làm việc như mơ ước bấy lâu, tôi nhận thấy bầu không khí lạc quan tương tự như trước kia, nhưng đã có những dấu hiệu hơi khác: Hơi thở thương mại đã phả khắp cộng đồng. Cứ ký được một hợp đồng là vui, chả cần biết gì hơn. Tôi làm đại lý thép, và ký hợp đồng với người Trung Quốc liên tục.
Đất nước này đã ký được một hợp đồng lớn. Đặng nói: “Hãy tự tin, và mọi việc sẽ tốt”.
Nhưng hai mươi năm sau, người Trung Quốc đã tự tin, mà không phải cái gì cũng tốt.
Tôi phải nói rõ rằng bản cáo trạng ấy chẳng liên quan gì đến quỹ đạo thực hành tiếng Trung của tôi, vốn bắt đầu từ đại lý thép, qua xuất bản tạp chí chuyên ngành, rồi làm nhà hàng, giúp vợ (người Trung Quốc) xây khách sạn cho thuê. Việc nào cũng khiến tôi chạm mặt với hàng lô sự vụ, nhiều đến mức tôi có thể liệt kê ra hàng trăm giai thoại.
Khi tôi làm tạp chí, kẻ cạnh tranh (đối thủ thì chính xác hơn) khoác áo nhà nước rỉ tai tôi rằng, ông ta học được nhiều kinh nghiệm từ cách làm báo của tôi. Ông ta tâm đắc với những đóng góp của tôi cho ngành truyền thông Trung Quốc. Nhưng rồi cũng chính ông ấy dùng quyền để hủy hoại công sức chúng tôi. Ở vùng Mạc Can Sơn, chính quyền địa phương nhiều lần gọi máy cảm ơn tôi về việc biến những khu làng xơ xác thành địa chỉ du lịch hấp dẫn. Nhưng cũng chính họ bảo rằng, tôi là trường hợp ngoại lệ duy nhất của quy định bất thành văn: Người nước ngoài (những người đã khai phá vùng đất ấy đầu thế kỷ XX) không được chào đón sinh sống ở đây, trừ những ngày cuối tuần.
Tuy nhiên, bài viết này không nhằm nói những chuyện cá nhân. Tôi muốn nói những điều khác kia, sau nhiều tháng sống ở Trung Quốc, những điều khiến tôi phải bỏ đi.
Xã hội Trung Quốc hiện đại là nơi mọi thứ đều xoay quanh tiền và những thứ để làm ra nó. Chính trị nơi đây cũng chỉ nhằm giành giật kinh tế. Họ đã lớn mạnh gấp nhiều lần so với 25 năm trước. Văn hóa gia đình sau 60 năm chủ nghĩa xã hội, rồi 30 năm chính sách một con, đã dần biến thành văn hóa “Tôi”.
Trừ những gì vì quyền lợi kinh tế, trong cộng đồng giờ đây chẳng ai muốn hợp tác với ai. Cái gì cũng phải được trả công, dù nhơ bẩn, bất chấp đạo lý, bất kể ngày mai. Người Trung Quốc bây giờ đánh giá nhau qua tiền của, ô tô, căn hộ, đồ trang sức, quần áo, thú cưng…cái gì cũng phải sáng bong, mác ngoại. Ở những vùng làng quê bé nhỏ nơi tôi sống, tôi không được hỏi thăm về sức khỏe hay niềm vui gia đình, mà được hỏi thu nhập thế nào, ô tô mác gì, rồi con chó cảnh có đắt không? Nếu bạn nghèo, hay giấu giếm thu nhập, những người xung quanh sẽ chán bạn ngay. Do chỗ nhà nước phát động chủ trương “xã hội hài hòa”, rất nhiều dự án tốt đẹp ở nông thôn lẫn thành thị bị xóa bỏ. Dân tình thi nhau bán quyền sử dụng đất lấy tiền, thay vì sản xuất ra của cải, hàng hóa và nộp thuế. Có tiền rồi, bạn mua hàng tiêu dùng, rồi đầu tư vào đâu đó an toàn, để lo dưỡng già hoặc chuyện học hành con cháu. Nhưng không có chỗ nào như thế, trừ việc cất dưới gối hoặc mua bất động sản. Thị trường chứng khoán thì đầy rủi ro, các ngân hàng chả có cam kết gì chắc chắn. Những kẻ có tiền hoặc có quan hệ tốt thì được chuyển tiền ra nước ngoài, bỏ mặc dân chúng hồi hộp với mớ tiền mặt hoặc vài căn hộ đang trong cơn mưa bong bóng. Tóm lại, giá bất động sản Trung Quốc đang tăng như tên lửa. Việc sở hữu một căn hộ đã trở thành không thể đối với những lao động trẻ ở thành thị, và các dự án xây dựng nhà tiếp tục bung ra, để bán chứ không phải để ở. Nếu bạn được gọi là có tài sản, bạn phải có ít nhất 3 căn hộ. Còn nếu không, bạn là thằng đần. Khi bong bóng vỡ (sớm hay muộn), gian dối ác độc nảy nở (kiểu vụ sữa melamine năm 2008), chất lượng các công trình đi xuống (kiểu thảm kịch đường cao tốc Bắc Kinh- Thượng Hải), hoặc tham nhũng hoàn hành (điển hình như vụ Tân Châu năm 2011), những cơ hội dần mất giá…thì các sự thịnh vượng mà chính phủ đem lại cho dân cũng tự nhiên xẹp xuống. Lời hứa thì sẽ bị quên, chứ những nhu cầu của con người như thực phẩm, thuốc men, điện nước, hay học phí của con trẻ thì làm sao quên được! Một khi những nhu cầu tối thiểu đó của người dân không được đáp ứng, thì xã hội “hài hòa” ở điểm nào?
Ở nông thôn Trung Quốc, các quyết định cấp làng xã vốn cần có sự chịu trách nhiệm cao thì giờ đây bị đẩy đưa theo cả một chuỗi các khâu, đôi khi đến tận Bắc Kinh, để rổi bị trả lại với lời chú: “Tùy hoàn cảnh”. Bộ máy chỉ ra tay mỗi khi quyền lực hoặc quyền lợi của các cá nhân có ghế bị đe dọa trực tiếp. Đất nước bị điều khiển từ đằng sau những cánh cổng khép kín, hoặc một vài số điện thoại bí mật.
Để lên đỉnh, bạn phải nhờ đường, đừng có quan điểm nổi bật. Các đối thủ chính trị sẽ nghĩ rằng bạn sẽ vô hại với họ. Khi làm xuất bản, tôi thường xuyên phải tiếp xúc với các quan chức. Họ chỉ nghe dân tình lấy lệ thôi, còn chủ yếu lắng nghe động tĩnh từ cấp trên. Họ luôn thì thào, cứ như thể ở phòng bên cạnh có một con quái vật vô cùng thính nhạy. Trong các tòa ngang dãy dọc là những người – theo các học giả – chịu trách nhiệm về cái gọi là “thế kỷ Trung Hoa”. “Trung Quốc sắp tới sẽ là lãnh đạo siêu cường thế giới”, họ bảo chúng tôi như thế. “Hãy chấp nhận đi, và sống với nó”. Nhưng làm sao bạn biết cách sống với những kẻ đang dấu mặt? Những kẻ lúc nào cũng “hảo…hảo” mà chẳng ai biết trong đầu họ nghĩ gì?
Người Trung Quốc thích bảo: “Trước kia đã có thời Trung Hoa văn minh nhất thế giới, mà có làm sao đâu. Giờ Trung Quốc chỉ muốn lấy lại những gì đã mất”. Vấn đề là họ đã mất những gì?
Đầu tiên, phải thừa nhận Trung Quốc có kích thước lớn, trước đây cũng như ngày nay. Và người Trung Quốc thích chữ “lớn” ấy lắm. Họ thích hỏi người nước ngoài nghĩ gì về họ. Và khi bạn bảo Trung Quốc “lớn”, lại thêm chữ “rất” đằng trước, thì họ khoái vô cùng. Khi người ta từ “bé” thành “lớn”, họ sẽ có tham vọng thống trị. Cho nên trong lịch sử, Trung Hoa từng bắt các nước khác trong vùng phải cống nạp nếu họ không muốn bị làm phiền. Tất nhiên cái ngày xưa đó, “thế giới” không bao gồm Châu Âu phục hưng, Bắc Mỹ hùng mạnh, Châu Phi hoang dã, thậm chí cả Ấn Độ tiềm lực ngay bên kia dãy Himalaya hiểm trở. Thế giới lúc đó trong mắt người Trung Quốc chỉ quanh vùng Viễn Đông. Và người Hán sớm bằng lòng với địa vị “trung tâm”, rồi quay về “xử lý” lẫn nhau. Cho nên người Hán chẳng thống trị được ai. Ngược lại, họ còn hai lần bị người nước ngoài thống trị, người Mông Cổ với nhà Nguyên (1271-1368) và người Mãn Châu với nhà Thanh (1644-1911). Đến mức dần dần họ ngại yếu tố “ngoại”, cứ “ngoại lai” là đáng ghét, “ngoại nhân” là đáng ngờ… Giờ đây, lãnh đạo Trung Quốc nhận ra sự khờ dại của những người tiền nhiệm. Họ động viên dân chúng “đoàn kết” để ứng phó với chữ “ngoại”. Việc này có hai lợi ích, một là nội bộ giảm thiểu hiềm khích, hai là vươn tay tới được những mục tiêu mới mẻ. Cứ xem vụ Bạc Hy Lai thì rõ, vừa dẹp được đối thủ chính trị, vừa tước đoạt được tài sản của “ngoại nhân”, mà chính phủ lại không phải chịu trách nhiệm gì.
Một kẻ lãnh đạo thì phải ban ra được những phần thưởng xứng tầm. Hãy xem xưa nay những “nhà lãnh đạo thế giới” trưng ra những gì. Đế chế La Mã mang của cải về tặng Châu Âu. Người Anh tặng tự do và hệ thống dân chủ nghị viện cho các thuộc địa. Nước Mỹ đung đưa “giấc mơ Mỹ” trước mũi thế hệ mới lớn. Nhưng còn Trung Quốc? Họ không thể hứa với ai về cơ hội thành người Trung Quốc (!) được. Họ bảo họ sẽ loại trừ kiểu bóc lột của phương Tây, nhưng họ lại khuyến khích các ông chủ người Hán bóc lột chính đồng bào của họ để tạo nên sự “bùng nổ Trung Quốc”. Họ vẽ ra “công lý kiểu Trung Quốc”, nhưng cái cơ chế của cỗ xe công lý ấy hoạt động rất mập mờ. Cứ khi nào đuối lý thì họ bảo họ thừa căn cứ nhưng bảo trưng ra thì họ hoặc lờ đi, hoặc… thời điểm chưa thích hợp! Tôi có lần thử tìm công lý kiểu ấy ở Tòa Tối cao Bắc Kinh. Các luật sư của tôi được rỉ tai rằng, chúng tôi sẽ thắng. Nhưng khi phán quyết sắp được ban ra, một cú điện thoại khẽ rung. Và tình thế sẽ hoàn toàn đảo ngược.
Lý do cuối cùng thế giới không muốn “được” người Trung Quốc dẫn dắt trong thế kỷ XXI là ở chỗ, lãnh đạo đất nước này đầu cơ quá mức vào chủ nghĩa dân tộc. Họ lúc nào cũng nhắc nhau “một thế kỷ thua thiệt” (từ Chiến tranh thuốc phiện đến Đại chiến thế giới lần II). Họ hậm hực phương Tây khi bị Bát cường xâu xé, cay cú với sự thống trị của người Nhật, rồi kèn cựa với Liên Xô về vai trò lãnh đạo phong trào cộng sản. Cho nên nếu có ai đó nhắc đến Cao Hành Kiện với giải Nobel văn chương, hay Đạt Lai Lạt Ma với tiệc trà công khai, thì họ lại rên rỉ rằng bị “can thiệp công việc nội bộ”, hoặc bị “xúc phạm đến danh dự dân tộc”. Dường như bất cứ vụ việc gì không được như ý, là họ lại vật mình mẩy đau đớn, rồi hô hét sẽ “đáp trả đích đáng”.
Viễn cảnh được người Trung Quốc dẫn dắt thật khó tưởng tượng, trước hết bởi, chẳng lẽ thế giới lại muốn được cột vào mớ bùng nhùng nội bộ Trung Quốc? Khi đống bất động sản kia đổ vỡ thì sao? Khi hệ thống y tế và an sinh xã hội vượt quá sức chịu đựng của người dân thì thế nào? Năm 1911, cuộc cách mạng của Tôn Dật Tiên xảy ra chỉ vì có người vấp phải trái bom. Còn giờ đây thì mọi thứ đang sưng tướng lên. Liệu đống tiền chính phủ mua trái phiếu Mỹ có kịp quay về cứu việc nội bộ? Bởi điều đó lập tức sẽ khiến đồng đô la mất giá, dẫn đến xuất khẩu của Trung Quốc khó khăn, hàng loạt xí nghiệp sẽ đóng cửa, hàng triệu công nhân Trung Quốc sẽ ra đường.
Tôi hy vọng nếu có bề gì, thì mọi việc cũng sẽ êm đềm, và Bắc Kinh không mù quáng tấn công Đài Loan hay Philipines. Nhưng kiểu gì chăng nữa, thì Trung Quốc cũng sẽ đi đến cuối con đường tăng trưởng kinh tế, và giấc mơ cứu vớt loài người chỉ còn ý nghĩa mỉa mai.
Với riêng tôi, trước khi lo bị đối xử bất công vì là người nước ngoài, tôi thấy bất lực với việc đảm bảo cho gia đình mình an toàn. Từ thức ăn, nước uống không sạch, đến khí quyển ngoài đường, quanh nhà cũng bị ô nhiễm, sự vô cảm trong quan hệ với tất cả mọi người…Người lớn đã vậy, nhưng các con tôi thì thế nào? Hệ thống giáo dục cơ sở của Trung Quốc chả thấy có gì là giáo dục. Đó đơn thuần là hệ thống của các trung tâm thi cử. Các thầy cô chỉ nhăm nhăm luyện cho con trẻ vượt qua các kỳ thi. Ở nông thôn, nơi chúng tôi sống 7 năm, tình hình tưởng ít phức tạp hơn, hóa ra cũng vậy. Học sinh nào cũng cố ôn luyện, hy vọng đỗ đại học, để sau này kiếm việc nơi các thành phố lớn. Chẳng còn đâu là tình yêu thương, trách nhiệm công dân, sự tự tin hay hoài niệm nhân cách. Tất cả chỉ còn hai chữ “đỗ” và “trượt”. Đỗ thì sẽ trở thành “quan nhân”, trượt thì về ruộng đồng, các phân xưởng địa phương, nơi bố mẹ chúng cũng đang vùng vẫy để thoát khỏi. Cũng có một ít hoạt động thể chất. Nhưng môn thể dục chính là để tìm ra những đứa trẻ có tố chất hầu gửi đến các trung tâm học cách đoạt huy chương Olympic. Những bạn có năng khiếu âm nhạc thì sao? Sẽ bị nhồi vào mấy nhạc viện bảo thủ, suốt ngày phải tập đàn cho đến lúc kiệt quệ cả tình yêu âm nhạc mới thôi (vợ tôi chính là một nạn nhân kiểu đó).
Rồi còn cái sự tuyên truyền nữa chứ. Ngày đầu tiên đến lớp, con gái tôi được xem một bộ phim có tiêu đề: “Cách nhân dân Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo trực tiếp và không khoan nhượng của Đảng, được sự giúp sức của quân giải phóng nhân dân anh hùng, đã đánh bại thiên tai động đất ở Tứ Xuyên”. Đến tận ngày nay mà người ta vẫn lấy Lôi Phong ra dẫn dụ bọn trẻ, bảo rằng nhờ dẹp bỏ được cái tôi ích kỷ, anh ấy đã đạt được rất nhiều thành tích phi thường, mà những thành tích ấy chỉ được phát hiện khi anh ấy chết, đơn vị tìm thấy cuốn nhật ký ghi chép tỉ mỉ. Áp lực khiến lũ trẻ phát ốm. Các con tôi đạt điểm dưới 9,5 đã là loại kém của lớp, bị phạt. Bài về nhà hầu hết là những đề thi thử, ngày nào cũng một tập dày. Cuối tuần hoặc ngày lễ là dịp để học thêm. Lũ trẻ phờ phạc, đần độn vì học. Đám bạn của các con tôi rất sợ học, nhưng không còn cách nào khác. Tôi thấy mình không thể bắt các con chịu cảnh ấy mãi. Buồn nhất là ánh mắt ghen tị của đám trẻ địa phương, khi chúng tôi rời đi.
Một lựa chọn là về các thành phố lớn, cho các con vào học trường quốc tế. Nhưng tại đó cũng tệ không kém. Tiền học đắt vô cùng, đã đành, nhưng chính quyền vẫn bắt các trường này phải dạy quan điểm Trung Quốc. Rồi thì những sự làm tiền đủ kiểu của cán bộ, giáo viên. Tôi thương lũ trẻ người Trung Quốc quá. Chúng không thể học các trường quốc tế (dù vẫn tệ như đã nói) vì bố mẹ chúng không thuộc đối tượng được ưu tiên. Cũng không thể đi du học, vì vừa tốn tiền, vừa phải đảm bảo lý lịch đặc biệt. Lãnh đạo Trung Quốc nói chung không muốn nhiều người dân tiếp xúc với văn minh phương Tây, trừ một điều họ học rất nhanh khi giao thương, mà thật mỉa mai, đó lại là tệ tham nhũng. Sống ở Trung Quốc mà từ chối được tham nhũng thì thực là không thể. Trong đội ngũ của mình, Đảng Cộng sản Trung Quốc có hàng triệu đảng viên sáng suốt biết rằng phải làm gì đó để tránh khủng hoảng. Tôi đã gặp vài người như vậy. Họ muốn giúp nước giúp dân lắm, nhưng khó khăn chồng chất, mà hình như họ cô đơn. Tôi cũng đếm được hàng trăm trí thức Trung Quốc có kiến thức tốt, có tấm lòng với hình ảnh dân tộc. Nhưng hình như, họ hiếm khi được trao cơ hội.
Và như thế, cái ngày tôi muốn, và có thể, thành người Trung Quốc vẫn còn xa lắm.
Lã Thanh Tùng lược dịch từ Prospectmagazine.co.uk
Nguồn: báo Văn Nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam, số 22 ngày 01-06-2013
Được đăng bởi bauxitevn
No comments:
Post a Comment