28 April 2010

Tranh và phong thủy

Phong thủy trong tranh Garmash

Đầu năm nay tôi may mắn được một người bạn gửi cho xem một số những bức tranh của Michael Garmash, một họa sĩ người Nga. Mới đây tôi lại được thi sĩ Lan Đàm gửi cho xem cùng một PPS ấy. Một trong những bức tranh của Garmash thi sĩ Lan Đàm yêu thích là bức "Heart of the Village", hình bên cạnh.

Tôi tò mò coi lại một lần nữa chú ý nhiều hơn vào bức tranh này một phần vì thắc mắc tại sao thi sĩ Lan Đàm nhà mình lại thích nó, một phần khác vì bức tranh có bố cục lạ, hay nói cho cụ thể hơn, một bố cục ngược với khoa phong thủy.

Các chuyên gia phong thủy nói rằng một căn phòng mà cửa số hay cửa dài nhìn ra thấy phân nửa là một bức tường nửa còn lại nhìn ra xa hơn, căn phòng ấy không tốt cho người ở. Có lẽ là vì nó chướng mắt, án ngữ tầm nhìn khiến tâm hồn mình trở nên bực bội.

Bố cục bức tranh đúng ngay vào trường hợp này. Thế nhưng bức tranh vẫn đẹp vẫn hoàn mỹ là vì họa sĩ đã khéo tìm cách giải được những cái thế bất lợi phong thủy của bức tranh.

Hai bức tường dựng đứng án ngữ tầm nhìn. Lẽ ra chúng đã gây khó chịu cho con mắt, nhưng không, Garmash đã treo một chiếc đèn lồng ở khoảng giữa bức tường bên phải, và bức tường bên trái họa sĩ đã treo hai bồn hoa ở trên cao. và ở dưới thấp họa sĩ trồng hai cụn hồng xinh đẹp ở lan can khiến cho tầm mắt trước khi bị bức tường chận lại gây bực bội, thì tia mắt đã được những đóa hoa tươi mát mời gọi dừng lại.

Tâm lý chung, chẳng ai thích nơi tối tăm và chiếc đèn ban ngày là một món trang điểm, ban đêm chiếu rọi ánh sáng đem đến sinh khí. Bóng tối đồng lõa với ma quỷ, lạnh lẹo thuộc về cõi âm, chiếc đèn đưa sự vật trở về cõi dương. Và rồi ai lại không thích hoa? Hoa mời mọc vì sắc hương. Người ta ví mỹ nhân tựa đóa hoa. Thôi thì không có mỹ nhân bên cạnh ta vui với hoa cũng được lắm! Những đóa hoa ở đó, và không ai để ý tới bức tường nữa.

Bố cục bức tranh này chắc chắn phản ánh cuộc sống lang thang lếch thếch tuổi thanh niên của Garmash. Nhiều khi không còn đồng xu teng trong túi, Garmash phải ngủ đỡ trên ghế bố hoặc trên trường kỷ nơi nhà người bà con này đến nhà người bạn kia, hoặc sống trong những căn nhà chật hẹp thuộc những khu tồi tàn. Làm gì tìm thấy được qua những khung cửa ở những nơi này cái cảnh trí khoáng đạt, nói chi đến thơ mộng.

Ai ngờ được rằng cái quá khứ đen tối ấy đã là những nguồn hứng giúp nghệ sĩ tạo ra những bức tranh tuyệt vời mãi mãi lưu lại mai sau. Cái đã hà hơi tiếp sức để người thanh niên Garmash nghèo khổ vượt thắng chính là niềm khao khát tự do. Chúng ta hãy nhìn lại bức họa. Giữa hai bức tường "chầng dầng" làm bực bội đôi mắt là cả một vùng trời bao la, đồi núi thênh thang đang chờ đợi bước chân giang hồ của Garmash.

Điền Thảo
8/2008

No comments:

Post a Comment

Cái Đêm Hôm Ấy . . . Đêm Gì?

TTR: Chắc chắn không ai đọc được những bài ký sự như thế này mà còn có thể hình dung ra cảnh người dân bị bóc lột tàn bạo, phi nhân hơn nữa ...