29 April 2010

Nhân 30 tháng Tư

TƯỚNG TED SERONG (1915-2002)
MỘT ANH HÙNG VÔ DANH
CỦA MIỀN NAM VIỆT NAM
Trong một cuộc điều trần trước Ủy Ban Quan Hệ Quốc Tế của Quốc Hội Hoa Kỳ vào tháng 1 năm 1976, về sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) trước sự xâm lăng của quân Cộng Sản Bắc Việt, Graham Martin, cựu Đại Sứ Mỹ tại Nam Việt Nam đã phúc trình rằng "Quốc Hội cấm chỉ các nhân viện Hoa Kỳ trong mọi hoạt động cố vấn cho phía Việt Nam, họ chỉ giữ vai trò cung cấp các dịch vụ hậu cần (logistical) mà thôi" Do đó, những nhân vật chủ chốt trong chính phủ VNCH đã phải mời một vị Tướng lỗi lạc đã về hưu của một quốc gia khác để cố vấn về kế hoạch rút quân đội từ các Tỉnh phía Bắc thuộc Vùng I và II nhằm bảo vệ các vùng trọng điểm kinh tế phồn thịnh xung quanh Saigon. Giới lãnh đạo miền Nam Việt Nam đã không thể quyết định dứt khoát về kế hoạch này. Sau đó đến tháng 3 năm 1975, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã đích thân mời vị cố vấn không phải là người Mỹ này và hỏi rằng “Liệu bây giờ có quá trễ để thực hiện kế hoạch đó hay không?”

Vị Cố Vấn này chính là Tướng “Ted” Serong của quân đội Hoàng Gia Úc, là một cố vấn quân sự Tây Phương phục vụ lâu đời nhất của các chính phủ Việt Nam Cộng Hòa.

Tốt nghiệp từ Trường Huấn Luyện Quân Đội Hoàng Gia tại Duntroon vào năm 1937, trải qua các kinh nghiệm già dặn về chiến trường khắp vùng Đông Nam Á Châu, Thiếu Tá Serong được các sĩ quan tham dự khóa huấn luyện về phưong thức chống quân phiến loạn bỏ phiếu chọn làm Cố Vấn Chiến Thuật Quận Sự cho Miến Điện. Vai trò này của Serong đã khiến giới quân sự và tình báo Mỹ lưu ý, do đó vào năm 1961 Bộ Trưởng ngoại giao của Mỹ lúc bấy giờ là Dean Rusk đã yêu cầu Canberra gởi Serong đến Nam Việt Nam. Thiếu tá Serong chỉ huy một nhóm gồm 30 sĩ quan, có lẽ là những sĩ quan xuất sắc nhất đã được tuyển chọn trong việc tác chiến, để giữ những vai trò trọng yếu của Lực Lượng Đặc Biệt tại Quảng Ngãi thuộc Quân Khu I.

Vào đầu tháng 9 năm 1962, Tướng Serong đưa ra nhận xét rằng các báo cáo của Cố Vấn Quận Sự Mỹ quá lạc quan về các biến chuyển quân sự tại Nam Việt Nam. Trên thực tế lúc đó miền Nam mất dần các vùng lãnh thổ của mình, chính sách Ấp Chiến Lược tại nông thôn không đạt được kết quả mong muốn vì chính quyền cho phát triển chương trình này quá nhanh mà không có thời gian để củng cố cho vững chắc. Trong khi đó các quan điểm của ông trình bày trước Hội Đồng An Ninh Hoa Kỳ về việc huấn luyện và áp dụng các chiến thuật chống du kích được Hội Đồng tán thưởng và chấp thuận.

Sau cuộc chính biến tháng 11 năm 1963 đưa đến cái chết của Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, tình hình Nam Việt Nam trải quan một giai đoạn cực kỳ bất ổn. Nhiều cuộc đảo chính xảy ra liên tiếp, đem đến sự thay đổi các tướng lãnh trung thành của các chính phủ trước. Dưới một hoàn cảnh như thế, hiển nhiên không có một sách lược an ninh xã ấp nào có thể thực hiện hữu hiệu được trên quy mô toàn lãnh thổ. Đến năm 1964, tình hình cuộc chiến trở nên nguy ngập, 9 tiểu đoàn trừ bị của miền Nam Việt Nam hầu như không còn tồn tại vì không đủ túc số, hoặc vì một phần lớn do các binh sĩ đào ngũ hoặc do sự tổn thất nặng nề trên chiến trường. Điều này đã đưa đến việc Tổng Thống Lyndon Johnson quyết định đem quân đội Mỹ vào Việt Nam.

Vào tháng 10 năm 1964, Thiếu Tướng Walter Cawthorn, chỉ huy Lực Lượng Tình Báo Úc, trong chuyến khảo sát tình hình các nước vùng Đông Nam Á, đã chỉ thị Serong tiếp tục ở lại Việt nam với lời nhắn nhủ “Hãy cố đem lại cho tôi 10 năm”. Trong 10 năm như thế sẽ đủ cho các chính phủ của Singapore, Mã Lai, Nam Dương và Thái Lan củng cố lực lượng quốc phòng để ngăn chặn làn sóng của các tổ chức phiến loạn thuộc khối Cộng Sản Quốc Tế. Điều đó cũng được chính Tướng Serong đã xác nhận những nỗ lực của chính mình và nhiều nhân vật khác của Nam Việt Nam nhằm đem đến sự củng cố và phát triển kinh tế cũng như tăng cường khả năng phòng vệ của khối Đông Nam Á trước hiểm họa Cộng Sản tại Á Châu.

Tướng Serong được bổ nhiệm vào chức vụ Cố Vấn Cao Cấp về chiến lược chống quân phiến loạn cho các Tướng lãnh chỉ huy của Quân Đội Mỹ tại Việt Nam, từ thời của Tướng Paul Harkins cho đến William Westmoreland. Serong đã được đặc phái đến phục vụ cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ để làm Cố Vấn cho Chính Phủ VNCH về việc việc thành lập Lực Lương Cảnh Sát Dã Chiến trong các hoạt động về quân sự và chính trị.

Serong chính thức rời khỏi quân đội Úc vào năm 1968 với chức vụ Thiếu Tướng (Brigadier). Về sau này nói đến lý do tại sao ông đã rời quân đội Úc, Serong cho rằng “Tôi rời quân đội Úc vì tôi đã tìm được một đường hướng phục vụ cho đất nước hữu hiệu hơn bằng cách hoạt động bên ngoài quốc gia mình hơn là bên trong hàng ngũ của chính nước mình. Đó là sự lựa chọn giữa việc hoặc ngồi lại trong chiếc xe của mình và từ đó cố lèo lái nó hoặc nhẩy ra khỏi xe và đẩy nó đi, thì tôi đã quyết định nhẩy ra và đẩy nó đi”. Do đó, ông tiếp tục lưu lại phục vụ ở Việt Nam trong vai trò Cố Vấn An Ninh và Tình Báo cho chính Phủ VNCH, cũng như Cố Vấn cho Ngũ Giác Đài trong việc thành lập các chính sách của chính phủ Mỹ dưới thời của ba vị Tổng Thống J. Kennedy, L. Johnson và R Nixon.

Tướng Serong cũng đã từng giảng dậy tại Trường Cao Đẳng Quốc Phòng của VNCH dưới sự lãnh đạo của Tướng Vĩnh Lộc với mục đích huấn luyện các sĩ quan Quân Lực VNCH trở nên một quân đội chuyên nghiệp và hữu hiệu hơn. Thế nhưng từ Sài Gòn nhìn ra đại cuộc, Tướng Serong trở nên bàng hoàng khi Quốc Hội Mỹ bắt đầu thay đổi cái nhìn của họ về cuộc chiến Việt Nam, đưa đến việc cắt tài trợ và sau cùng là cuộc kết thúc cay đắng vào năm 1975 khi quân đội VNCH không còn đủ đạn dược để tiếp tục chiến đấu với quân Cộng Sản Bắc Việt.

Tháng 12 năm 1974, Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm yêu cầu Tướng Serong thiết lập kế hoạch để cứu vãn VNCH. Serong đã đề nghị di tản quân đội từ Quân Khu I và II, dựa trên lập luận 2/3 của các lực lượng chiến đấu được huy động và bố trí tại đây, trong khi khả năng kinh tế của vùng chỉ vào khoảng 1/3 của quốc gia và khối dân số chỉ bằng 1/10 của toàn quốc. Hy vọng sinh tồn của VNCH là rút ngắn các tuyến tiếp vận trên một mặt trận quá dài kéo ra tận phía Bắc của lãnh thổ, cũng như việc rút quân về miền Nam sẽ làm chậm bước tiến của quân thù vì họ cần phải ổn định các khu vực chiếm đóng và gặp nhiều khó khăn hơn. Điểm quan trọng là việc di tản quân đội và dân chúng phải được thực hiện ngay trong vài tuần lễ nếu chúng ta thực sự muốn có cơ hội tiếp tục cuộc chiến đấu. Vào lúc đó, Tổng Thống Thiệu đã không thể chấp thuận kế hoạch này, lý do chính vì điều này có nghĩa là bỏ rơi Cố Đô Huế.

Đầu năm 1975, Tướng Serong thông báo cho Tổng Thống Thiệu thời hạn chót cho việc tái phối trí quân đội phải kết thúc nội trong Tháng Hai này và ông cũng đã nói với Đức Tổng Giám Mục Thuận rằng ngài nên chuẩn bị vì sẽ tái diễn một chuyến di tản như năm 1955. Vào giữa tháng 3, BộTrưởng Ngô Khắc Tĩnh thông báo rằng Tổng Thống Thiệu muốn tham khảo ý kiến với Tướng Serong. Serong nói với Ngô Khắc Tĩnh rằng cuộc chiến đã kết thúc, chỉ kéo dài trong vòng ba tuần lễ nữa thôi. Tổng Thồng Thiệu từ chức và rời khỏi Việt Nam vào ngày 21 tháng 4.

Đêm hôm đó, một nhóm các sĩ quan VNCH đến tư dinh của Tướng Serong ở đường Phan Đình Phùng để tham khảo ý kiến của ông khi vị lãnh đạo của họ đã đào tẩu. Serong khuyên các sĩ quan này rằng họ không có hy vọng gì để chiến thắng. Ông sẽ cố gắng can thiệp để các lực lượng quân đội đang chiến đấu ở phiá Bắc và Tây Nam của thành phố Sài Gòn tìm cách tháo lui ra cửa biển để gặp Hạm Đội Thứ Bẩy của Hoa Kỳ hầu cứu lấy mạng sống của mình. Tướng Serong là một trong những người sau cùng đã rời khỏi Việt Nam trên chiếc trưc thăng di tản trên nóc của Toà Đại Sứ Mỹ vào ngày 29 tháng 4 năm 1975.

Tướng Serong đã quyết định tiếp tục phục vụ cho sứ mạng do chính mình đặt ra sau khi Chính Phủ Úc đã rút quân đội của họ ra khỏi Việt Nam. Sự quyết tâm của ông trong việc cứu vãn miền Nam Việt Nam có thể gói ghém trong một giả thuyết do chính ông đặt ra trong cuộc Hội Thảo tại Tổ Chức Nghiến Cứu và Phát Triển (RAND) vào năm 1970 như sau: Trường hợp có hai người leo núi , một người treo ở phía dưới sợi dây và tùy thuôc vào người leo phía trên. Tuy nhiên chiếc cuốc cắm vào vách núi của người phía trên không còn vững nữa vì vách đá sắp tan vỡ, câu hỏi là khi nào thì người phía trên sẽ cắt dây? Cuộc Hội Thảo đưa ra nhiều giả thuyết để giải đáp. Câu hỏi này sau cùng được đưa ra cho Tướng Serong và câu trả lời là: Chúng ta không cắt dây mà cả hai đều cùng rơi với nhau.

Nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày Quốc Hận, bài viết này nhằm bày tỏ lòng cảm phục, kính trọng và tri ân đến một vị Tướng lỗi lạc đã hết lòng với chính nghĩa tự do dân chủ của quân dân cán chính miền nam Việt Nam. Câu hỏi sau cùng còn lại là nếu Tổng Thống Thiệu thực hiện cuộc di tản chiến thuật vùng I và II 6 tháng trước khi quân đôi Cộng Sản bắt đầu đánh chiếm Ban Mê Thuột thì liệu có thể thay đổi được tình thế của Miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ hay không?

Nhan Tử Hà


(Viết dựa trên tài liệu từ “ There to the bitter End” By Anne E. Blair , và “ Ted Serong: The Life of an Australian Counterinsurgency Expert” Beede, Benjamin R.)

No comments:

Post a Comment

Thất Bại Nhục Nhã Của Truyền Thông Định Hướng

TTR: Cho đến năm 2015 khi Donald Trump ra tranh cử tổng thống Mỹ thì chưa có một ứng viên tranh chức tổng thống nào, hay rộng hơn, một chức ...