30 April 2010

Nhân NAF gẫy cánh, nhớ người ra đi

Nhà thơ Lãm Thúy vừa gởi cho tôi "bài viết của Hùng Vũ" cách nay đã 4 năm nói rằng "đọc để nhớ người đã ra đi"

Như chúng ta đã biết, Hùng Vũ hay có tánh vui nhộn, thích chọc ghẹo bạn bè để "câu độ" bài viết cho Diễn Đàn "xôm tụ". Lần này Hùng Vũ chọc ghẹo anh NNLiên, và dĩ nhiên, anh Liên không giận mà còn thân thiết hơn từ đó trở về sau.

Cũng xin cám ơn và hết lời khen ngợi nhà thơ Lãm Thúy, đến giờ này mà còn giữ được Email rất xưa của Hùng Vũ gởi Lãm Thúy, xem như "tài liệu quý giá" để nhớ về người đã khuất.

Dương Quân
4.30.10
**

ĐÃ CÓ KHEN THÌ PHẢI CÓ ...!

>>>Đúng nhà thơ Dương Quân có mắt "tinh đời"! Trong số 60 bài trong tập Ngã Lãng Du Thời của anh NNLiên, anh đã chọn đúng bài "Nhớ Mẹ" để khen. Nếu khen vần điệu chỉnh tề như trước đây, thì hơi thừa, nhưng khen sự chơn phương giản dị, như lần này, thì thật là tinh tường thâm thuý!. Nhưng, nếu chỉ đi tìm cái "hay" để mà khen, và khen cho đúng, như DQuân làm, thật là khó; còn nếu muốn tìm cái "dở" để mà chê, nhất là chê thơ anh Liên, thì chỉ chẳng qua chỉ là để điền vào chỗ trống của Tittle bài post này, cho vui mà thôi.
>>>Chuyện là như thế này: Trong bài thơ ngũ ngôn "Đa Sự" như post dưới đây, có 4 đoạn, tác giả lần lượt diễn tả: 'Tôi có một bộ óc, một trái tim, hai cái chân và hai bàn tay'. Cái khéo, cái hay, chính là ở chỗ đối chọi giữa một nửa bộ óc để nhớ, một nửa để quên; một nửa trái tim để thù chế độ, nửa kia để yêu dân lành; một bàn tay để cho và bàn tay kia để nhận. Nghe như thơ Haiku của Nhật, nói ít hiểu nhiều, bao hàm triết lý sâu sắc, tha hồ mà suy luận.
>>>Nhưng riêng đoạn 3 nói về hai bàn chân thì quả thật MaoTôn tôi không có thể tưởng tượng hay suy diễn gì cả, khi mà tác giả nói "Một chân để duỗi ra - Một chân để co lại"!? Đó là hai động tác cơ học thông thường, không ẩn dụ như nhớ hay quên, như cho hay nhận, như thù ghét hay yêu thương ... Giá mà đề cập đến một chân trong (lao lý) một chân ngoài (tự do) chẳng hạn, thì dễ lãnh hội hơn.
>>>Thêm nữa, liệu có cần phải nói rõ và lập đi lập lại một chân lý "Tôi có hai cái chân - Chân phải và chân trái", khi mà những hình ảnh bộ óc, trái tim và bàn tay của ba đoạn khác được sắp xếp tài tình và đang gây nhiều ấn tượng trong lòng người đọc?!
>>>Xin anh Liên tha thứ cho sự mạo phạm và xin mời Anh và các bạn, đọc lại nguyên văn bài thơ nói trên và xin chú ý những chỗ highlighted:

ĐA SỰ

Tôi có một bộ óc
Nó chia thành hai bên
Bên này dùng để nhớ
Bên kia dùng để quên

Tôi có một trái tim
Nó chia làm hai ngăn
Một ngăn thù chế độ
Một ngăn để yêu dân

Tôi có hai cái chân
Chân phải và chân trái
Một chân để duỗi ra,
Một chân để co lại ...

Tôi có hai bàn tay
Bàn tay trái để cho
Bàn tay phải để lấy
Thế là vừa đủ hòa

Nguyễn Ngọc Liên

Pha chè:
MaoTôn viết: "Nhưng riêng đoạn 3 nói về hai bàn chân thì quả thật MaoTôn tôi không có thể tưởng tượng hay suy diễn gì cả, khi mà tác giả nói "Một chân để duỗi ra - Một chân để co lại"!? Đó là hai động tác cơ học thông thường, không ẩn dụ như nhớ hay quên, như cho hay nhận, như thù ghét hay yêu thương ... Giá mà đề cập đến một chân trong (lao lý) một chân ngoài (tự do) chẳng hạn, thì dễ lãnh hội hơn".

Thật ra thì thi sĩ NNL không muốn nói toạc ra thôi. Thi sĩ hẳn muốn nói như thế này:
Tôi có hai cái chân
Chân phải và chân trái
Một chân duỗi ra, để mời
Một chân co lại ... để đạp

A.C.La

No comments:

Post a Comment