29 April 2010

Tháng Tư Đen

Viện trợ khẩn cấp 722 triệu
để cứu miền Nam

Trọng Đạt

Sơ lược tình hình trước 1975

Năm 1964 miền Nam VN nhiều xáo trộn về chính trị, các tôn giáo, tướng lãnh, đảng phái… tranh giành quyền lực ảnh hưởng khiến cho CSBV lợi dụng gia tăng đưa quân xâm nhập hòng thôn tính vựa lúa miền Nam bằng mọi giá. Năm 1965 tình hình càng xấu hơn, năm 1969 khi đã thôi làm Tư lệnh, Tướng Wesmoreland nói nếu Mỹ không đổ quân vào giữa năm 1965 thì đã mất trong 6 tháng, Tướng Ngô quang Trưởng cũng cho biết năm 1965 trung bình một tuần VNCH mất một quận và một tiểu đoàn (Trận Chiến Trong Mùa Phục Sinh 1972), nếu Mỹ không đưa quân vào (khoảng 160 ngàn người) thì đã mất từ hồi đó.

Người Mỹ đổ quân vào miền Nam vì quyền lợi của chính họ, nước Mỹ phải đẩy biên giới của họ càng xa càng tốt, thập niên 60 các Tổng thống Hoa Kỳ Kennedy, Johnson và cả Nixon khi ấy chưa làm tổng thống đều ủng hộ việc can thiệp bằng quân sự vào Đông Dương, họ tin vào thuyết Domino có từ thời Tổng thống Eisenhower cho rằng nếu mất Đông Dương hoặc VN thì các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Miến Điện, Mã lai, Phi Luật Tân, Nam Dương …sẽ bị mất hết như trong ván cờ domino. Cả hai viện Quốc Hội đều ủng hộ hành pháp trong việc đưa quân vào miền Nam VN. Tháng 2 năm 1965 theo thăm dò của Viện Harris đại đa số hay 78% người Mỹ cho rằng nếu họ rút khỏi VN thì CS sẽ chiếm hết Đông Nam Á, chỉ có 10% là không tin như vậy, thuyết Domino kêu gọi hành động và Johnson phải đưa đại binh vào VNCH năm 1965. (theo answer.com, Domino theory).

Việc người Mỹ đưa quân vào Đông Dương 1965 là do sự đồng thuận của cả lập pháp, hành pháp, của đại đa số người dân trước nguy cơ CS quốc tế đang bành trướng thế lực nhất là tại Á châu, đó là một sự tất yếu lịch sử, hồi đó thuyết Domino là hoàn toàn đúng nhưng nay nhiều người Mỹ cho rằng đó là một quyết định sai lầm hoặc cuộc chiến VN là một sự sai lầm. Nhiều người Mỹ giả bộ ngây thơ khéo lắm, nếu không ngăn chận quyết liệt sự xâm lấn như tầm ăn dâu của CS hồi ấy thì nước Mỹ đã không duy trì được ảnh hưởng của họ tại Á Châu như ngày nay.

Năm 1965 Mỹ đổ quân vào VN trước sự thờ ơ của các nước đồng minh Tây phương Anh Pháp, họ không phụ giúp Mỹ tại Đông Dương vì cho rằng Mỹ can thiệp vào VN vì quyền lợi của nước Mỹ, ai cũng đều biết cả.

Những năm 1965, 66, 67.. chiến sự ngày một mở rộng, Quốc hội Mỹ chấp thuận cho Johnson tăng quân từ 184,300 người năm 1965 lên 385,300 người năm 1966, 485,600 người 1967 và 530,100 người năm 1968. Được nhân dân và quốc hội ủng hộ từ đầu nhưng sau gần 4 năm điều khiển cuộc chiến tranh Đông Dương, cặp Johnson-McNamara chẳng làm lên cơm cháo gì, số tổn thất nhân mạng đã lên cao, tổng cộng có 35,751 người chết trong số này khoảng 31,000 người chết tại trận địa (Killed in action, Battle dead), số còn lại chết vì những lý do khác như tai nạn, rủi ro, chết đuối, tai nạn xe cộ, cố sát, chán đời tự sát, bệnh tật, sốt rét…

Số người ủng hộ chính phủ tụt thang nhanh chóng nhất là sau trận Mậu Thân 1968. Từ cuối 1965 tới cuối 1966 số người ủng hộ giảm từ 61% xuống còn 51%, từ đầu 1967 tới cuối 1967 giảm từ 52% xuống còn 45%, từ đầu 1968 tới tháng 10-1968 giảm từ 42% xuống còn 37%, từ đầu 1969 tới tháng 10-1969 giảm từ 39% xuống 32%, từ đầu 1970 tới giữa 1971 giảm từ 33% xuống còn 28%. (nguồn Wikipedia)

Năm 1969 Nixon lên nhậm chức Tổng thống, trước áp lực mạnh của cử tri và quốc hội hứa bằng mọi giá đem quân về nước, tìm hoà bình trong danh dự, khác với Johnson trước đây được cử tri, Quốc hội ủng hộ cho tăng quân hàng năm nhưng Nixon bị áp lực phải rút quân về nước. Mặc dù hứa đem quân về nước nhưng ông vẫn không chịu bỏ Đông Dương như cử tri và quốc hội đòi hỏi, sự thực không phải vì tình nghĩa với đồng minh mà vì danh dự một siêu cường hay gọi là giữ thể diện quốc gia.

Từ cuối thập niên 60 và đầu 70 Tiễn sĩ Kissinger được Nixon giao nhiệm vụ móc nối đi đêm với Trung Cộng mà họ đã âm thầm thực hiện khi mà cả hai phe Mỹ và CS quốc tế nhất là Trung Cộng đã quá mệt mỏi vì cuộc chiến tranh Đông Dương quá tốn kém cho cả hai bên. Trước những đòn chống trả CS quyết liệt của Mỹ tại VN, Trung Cộng cũng như CS quốc tế phải chùn bước đi tới hoà giải chấm dứt chiến tranh. Ngày 9-7-1971 Kissinger bí mật gặp Chu Ân Lai tại Bắc Kinh, nửa năm sau ngày 21-2-1972 Nixon sang Tầu, cái bắt tay giữa TT Nixon và Mao Trạch Đông thay đổi cả một kỷ nguyên. Người Mỹ đã giải quyết tận gốc thuyết Domino, giải quyết tận gốc cuộc chiến Đông Dương bằng ngoại giao chứ không bằng quân sự như trước nũa. Sau đó dù Mỹ bỏ VN cũng sẽ không ảnh hưởng gì tới an ninh của Đông Nam Á như họ đã lo lắng trước đây. Từ 20 tới 29-5-1972 Nixon đi Nga để giải quyết toàn bộ cuộc chiến Đông Dương với CS quốc tế.

Tình hình 1975 Trước hết xin nói sơ về viện trợ quân sự của Mỹ và CS quốc tế cho hai miền Nam Bắc.

Quân viện tại miền Bắc: Theo bản tin của BBC.com ngày 10-5-2006, Viện Lịch sử Quân sự CSVN đã công bố những số liệu về nguồn chi viện của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa dành cho miền Bắc trong cuộc chiến. Khối lượng hàng quân sự Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN viện trợ từ năm 1955 đến 1975 qua từng giai đoạn như sau:

Giai đoạn 1955-1960: Tổng số 49,585 tấn gồm: 4,105 tấn hàng hậu cần, 45,480 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật
Giai đoạn 1965-1968: Tổng số 517,393 tấn, gồm 105,614 tấn hàng hậu cần và 411,779 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật
Giai đoạn 1969-1972: Tổng số 1,000,796 tấn gồm 316,130 tấn hàng hậu cần, 684,666 tấn hàng vũ khí, trang bị kỹ thuật
Giai đoạn 1973-1975: Tổng số 724,512 tấn gồm 75,267 tấn hàng hậu cần, 649,246 tấn vũ khí trang bị kỹ thuật
Về chủng loại vũ khí, đạn dược và phương tiện chiến đấu, các tác giả ở Viện lịch sử quân sự cho biết số liệu như sau:
Về súng bộ binh tổng số là 3,609,863 khẩu (Liên Xô, Trung Cộng, các nước XHCN khác)
Về súng chống tăng tổng cộng 65,590 khẩu,
Về súng cối tổng cộng có 27,969 khẩu,
Máy bay chiến đấu tổng cộng 458 chiếc
Đạn tên lửa (quả): Liên Xô 10,169.
Ngoài ra trong cuốn “5 Đường Mòn Hồ Chí Minh” của Đặng Phong trang 120 dựa theo Đại Tá CSBV Trần Tiến Hoạt trong bài “Nguồn viện trợ to lớn của Liên Xô, Trung Quốc và Các nước XHCN” có nói rõ thêm nhiều chi tiết, chúng tôi xin sơ lược như sau:

Pháo hoả tiễn: 2,430 khẩu (Liên Xô1,877, Trung Quốc 290, các nước khác 263)
Pháo mặt đất: 2,770 khẩu (Liên Xô 789, Trung Quốc 1,367, các nước XHVN khác 614)
Pháo cao xạ: 3,229 khẩu (Trung Quốc)
Tên Lửa SA 75M: 23 quả (Liên Xô)
Tên lửa VT 50v: 8,686 quả (Liên Xô)
Tên lửa Hồng Kỳ: 1 trung đoàn (Trung Quốc)
Tên lửa S125: Hai trung đoàn (Liên Xô)
Đạn tên lửa K681: 960 quả (Liên Xô 480, Trung Quốc 480).
Tầu chiến hải quân: 82 chiếc (Liên Xô 52, Trung Quốc 30).
Tầu vận tải hải quân: 148 chiếc (Liên Xô 21, Trung Quốc 127)
Xe tăng các loại: 1,249 (Liên Xô 687, Trung Quốc 552, các nước XHCN khác 10)
Xe bọc thép: 970 chiếc (Liên Xô 610, Trung Quốc 360.
Xe xích kéo pháo: 2,412 (Liên Xô 1,332, Trung Quốc 322, các nước XHCN khác 758).
Sau khi ký Hiệp định Paris, Hà Nội cho khởi công xây tuyến đường xa lộ Đông Trường Sơn hay hành lang 613, song song với đường mòn Hồ Chí Minh nhưng nằm trong địa phận Việt Nam Cộng Hòa từ Đồng Hới cho tới Lộc Ninh, đến đầu 1975 thì công trình hoàn thành dài 1,200 km. Dọc theo Đông Trường Sơn là hệ thống dẫn dầu từ Quảng Trị qua Tây Nguyên tới Lộc Ninh. Chiều dài toàn bộ hệ thống chiến lược Trường Sơn tới 1975 là 16 ngàn km gồm 5 hệ thống đường trục dài 5,500 km, 21 đường trục ngang dài 1,020 km, một đường hệ thống dẫn dầu dài 5,000 km. CSBV đã xử dụng 16,000 xe vận tải chuyên chở vũ khí đạn dược thoải mái vào Nam từ sau hiệp định Paris 1973, đường Trường Sơn không bị Mỹ oanh tạc như trước (Chúng tôi dựa theo Nguyễn Đức Phương trong Chiến Tranh VN toàn tập và Đặng Phong trong 5 Đường Mòn HCM)
Năm 1976 tại miền Nam báo Sài Gòn Giải Phóng tiết lộ số lượng vũ khí đạn dược năm 1975 của CSBV nhiều gấp ba lần năm 1972. Sở dĩ súng đạn của BV năm 1975 gấp bội năm 1972 vì họ mang vào Nam được nhiều hơn vì đường Trường Sơn không bị oanh kích như xưa, khối lượng hàng viện trợ vũ khí như ta đã thấy trong hai giai đoạn này (1969-1972 và 1973-1975) không thay đổi mấy, coi như tương đương.
Quân viện tại miền Nam
Trong cuốn “1969 Việc Từng Ngày” của ông Đoàn Thêm trang 338 có ghi.


“Ngày 4-11-1969.
Quân phí của Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Năm 1962: 287 triệu Mỹ kim
Năm 1963: 384,1 triệu MK
Năm 1964: 403 triệu MK
Năm 1965: 646,1 triệu MK
Năm 1966: 5,8 tỷ MK
Năm 1967: 20,1 tỷ MK
Năm 1968: 26,5 tỷ MK.
Năm 1969: 28,8 tỷ MK”

Trong cuốn Khi Đồng Minh Tháo Chạy, Giáo sư Nguyễn Tiến Hưng nói về quân phí và quân viện như sau.

“Để dễ so sánh, ta nên coi lại những chi tiêu và sự viện trợ quân sự những năm trước đó:
- Trong thời gian 1966-1970: Mỹ tiêu 25 tỷ đô la một năm.
- Trong hai năm 1970-1971: tiêu 12 tỷ một năm (vì đang rút quân).
- Sau khi Mỹ rút, viện trợ quân sự cho Việt Nam Cộng Hòa:
- Tài khóa 1973: hai tỷ mốt (2,1 tỷ)
- Tài khóa 1974: một tỷ tư (1,4 tỷ)
- Tài khóa 1975: bẩy trăm triệu (0,7 tỷ).
(Trang 223)
Tổng thống Nixon từ chức ngày 9-8-1974, phó Tổng thống Ford lên thay, hạ tuần tháng 9-1974 Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu cử bộ trưởng ngoại giao Vương Văn Bắc đi Mỹ để vận động xin thêm 300 triệu quân viện để phục hồi một tỷ như cựu Tổng thống Nixon đã ký trước đây. Ông Vương Văn Bắc mang bức thư đề ngày 19-9-1974 của Tổng thống Thiệu sang trình Tổng thống Mỹ Gerald R. Ford.

Tại Hoa Thịnh Đốn, bộ trưởng ngoại giao Kissinger đưa ông Vương Văn Bắc và đại sứ Phượng vào gặp Tổng thống Ford. Ngày 24-10-1974 sau khi ông Bắc đã về VN hơn một tháng, Tổng thống Ford gửi thư phúc đáp TT Thiệu nói vẫn ủng hộ chính phủ VNCH. Ngày 2-1-1975 hành pháp đưa ra Quốc hội ngân khoản phụ trội 300 triệu.

Đầu tháng 3-1975 một phái đoàn quốc hội Mỹ được cử tới Việt Nam để thẩm định tình hình trước khi quyết định viện trợ thêm, thành viên đa số có lập trường chống đối viện trợ cho VN. Phái đoàn Mỹ vừa rời Sài Gòn thì CSBV tấn công Ban Mê Thuột ngày 10-3-1975. Mấy ngày sau 13-3-1975, khi ấy mất Ban Mê Thuột, Quốc Hội Mỹ bỏ phiếu với đại đa số chống bất cứ viện trợ nào thêm cho VNCH. Ngày 10-3-1975 Chủ tịch Thượng viện Trần văn Lắm trở về Sài Gòn sau chuyến đi Mỹ vận động, ông nói không hy vọng gì đối với khoản 300 triệu mà sẽ không bao giờ còn viện trợ quân sự nữa.

Ngoài ra một đề nghị khác xin viện trợ khẩn cấp vào giờ chót cũng đã bị Quốc hội bác. Ngày 25-3-1975 Tướng Weyand và Đại sứ Martin họp với Tổng thống Ford tại tòa Bạch Ốc, sau đó Tổng thống Ford cử Weyand đi Việt Nam. Bộ trưởng quốc phòng Schlesinger đã dặn dò Weyand đừng hứa hẹn nhiều, đừng để cho VNCH hy vọng Mỹ sẽ đảo ngược tình thế, họ cho rằng không thể đảo ngược được. Weyand tới Sài Gòn ngày 28-3-1975 để quan sát tình hình rồi trở về Mỹ ngày 4-4-1975. Ngày 5-4-1975 Kissinger họp báo về chuyến đi công tác của Tướng Weyand biện hộ cho việc cứu xét 722 triệu Mỹ kim tiền viện trợ khẩn cấp cho Việt Nam mà Weyand đề nghị.

Kissinger cũng muốn “bán cái” cho Quốc hội vì thực ra ông cũng không ủng hộ đề nghị trên. Ngày 9-4-1975, một ngày trước khi Ford ra Quốc hội Kissinger khuyên Tổng thống Ford hãy đưa nước Mỹ ra khỏi VN, các thầy dùi cố vấn của Ford đều khuyên ông bỏ Đông Dương và VN.

Gerald Ford ra trước Quốc Hội ngày 10-4-1975, ông nói Mỹ đã cắt giảm viện trợ VNCH để cho CSBV lộng hành mà chưa có biện pháp trừng phạt. Tổng thống yêu cầu Quốc hội chấp nhận ngân khoản 722 triệu và ấn định thời hạn 10 ngày, hạn chót để Quốc hội biểu quyết là ngày 19-4-1975. Sự thực Ford chỉ đưa ra Quốc hội cho có lệ, ông đoán biết trước không đi tới đâu, ngân khoản viện trợ khẩn cấp 722 triệu đã bị bác bỏ ngày 18-4-1975 cùng ngày với cuộc rút quân của Sư đoàn 18 ra khỏi Long Khánh.

Báo Times số ngày 21-4 nói ông Ford yêu cầu Quốc hội viện trợ nhưng chính ông lại chẳng hy vọng gì, họ cho rằng ông đã “bán cái” cho Quốc hội. Mười năm sau Brent Scowsroft, phụ tá của tổng thống Ford đã trả lời rõ ràng trong một cuộc phỏng vấn của GS Nguyễn Tiến Hưng như sau:

“Thực ra, không một ai trong chúng tôi tin rằng sẽ xin Quốc hội được khoản tiền ấy (722 triệu đô la). Việc xin như vậy chỉ là một cách làm cho chúng tôi trông có vẻ như vẫn còn thật lòng về tất cả những cố gắng ấy. Chúng tôi chỉ quan tâm đến cách rút đi và giải kết mà thôi”

Khi Đồng Minh Tháo Chạy trang 293.

Hành pháp muốn bán cái cho Quốc hội, họ đổ lỗi cho Quốc hội một cách khéo léo, thực ra trong thâm tâm họ tìm cách rút khỏi VN, dù hành pháp, lập pháp họ cũng là Mỹ, họ vì quyền lợi của đất nước họ.

Về hậu quả của cắt giảm quân viện, cựu Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng quân đội VNCH trong cuốn Những Ngày Cuối VNCH đã cho biết về ảnh hưởng tai hại của quyết định giảm thiểu viện trợ quân sự của Quốc hội Mỹ đối với quân đội VNCH, nó đã khiến quân đội thiếu thốn và giảm hỏa lực rất nhiều, không thể tồn tại lâu được nếu không có tăng viện.

“Ngân khoản 700 triệu chỉ cung cấp được phân nửa nhu cầu tối thiểu của quân đội VNCH, trong năm 1975 hoạt động quân sự của CSBV gia tăng 70% hơn năm trước”
Những Ngày Cuối của VNCH, trang 85.

Trong mục nói về ngân quĩ của Không quân và Hải quân trang 86, 87 ông Cao Văn Viên đã cho biết cụ thể, xin tóm lược dưới đây như sau.

Với số ngân khoản ít hơn, không quân VNCH phải giải tán hơn 200 phi cơ gồm các loại như chiến đấu. Giảm giờ bay thực tập và yểm trợ, Không quân chỉ cung ứng 50% yểm trợ hỏa lực và 58% các phi vụ thám thính so với tổng số các phi vụ trong năm 1973-1974. Trực thăng vận bị giảm 70% vì thiếu nhiên liệu gây trở ngại cho việc tản thương, tăng viện hay tiếp tế nhất là tại đồng bằng sông Cửu long, sông ngòi chằng chịt. Các hoạt động Hải quân bị cắt giảm 50%, các hoạt động ở sông ngòi chỉ còn 28%, sự cắt giảm sâu rộng khiến ta phải giải tán 600 giang thuyền . Hải quân không còn đủ khả năng kiểm soát sông ngòi và vùng ven biển nhất là Vùng 4, sự kiểm soát cửa khẩu dẫn vào sông Sài Gòn, đường sông Sài Gòn - Vũng Tầu, các bến tầu Qui Nhơn, Đà Nẵng, Cam Ranh nằm trong tình trạng nguy hiểm.

Trang 88 và 89 sách nêu trên ông Cao Văn Viên nói về khó khăn trong việc thay thế phụ tùng và quân cụ. Từ trang 89 tới 94 tác giả đề cập tới tiết mục quan trọng nhất: Nhiên liệu và đạn dược.
Tổng số ngân sách của Lục quân năm 1975 là 458 triệu đô la, 52% số tiền đó (239 triệu) dành cho đạn dược, tuy vậy con số này chỉ cung ứng được 56% nhu cầu thực sự của Lục quân. Hàng tháng ngân quĩ chỉ cho phép lấy ra một số tiền là 19.9 triệu (gần 20 triệu) cho chi phí đạn dược. Con số này chỉ bằng phân nửa chi phí hàng tháng trong thời gian từ tháng 6-1973 đến tháng 2-1974 là 37.3 triệu (hơn 37 triệu), ngoài ra vấn đề lạm phát làm giá đạn tăng 27.7%.

Trong 8 tháng từ tháng 7-1974 đến tháng 2-1975 quân đội xử dụng 19,808 tấn đạn hàng tháng chỉ bằng 27% (hay chưa tới 1/3) so với 73,356 tấn dùng hàng tháng trong thời gian trước (có nghĩa là hỏa lực giảm hơn 70%).
Trang 92, tác giả Cao Văn Viên cho thấy thực trạng bi thảm của tồn kho đạn dược dự trữ.

Mặc dù một số đạn dự trữ trong kho của Quân Đội Hoàng Gia Lào được chuyển sang cho quân đội VNCH, số dự trữ tồn kho của chúng ta chỉ cung ứng được từ 30 đến 45 ngày. Vào tháng 2-1975, số lượng đạn tồn kho tuột xuống con số nguy hiểm. Các loại đạn súng lớn nhỏ chỉ đủ xài trong khoảng 30 ngày. Tháng 4-1975 đạn tồn kho ở bốn kho dự trữ tuột xuống mức độ thấp nhất là chỉ đủ 14 đến 20 ngày cung ứng”.

Khoản 722 triệu khẩn cấp
Chúng tôi xin đề cập kỹ hơn về khoản viện trợ này nhân dịp tháng tư đen năm nay, chúng ta nên để ý từ khi CSBV bắt đầu tiến hành chiếm miền Nam bằng quân sự, quân viện của Mỹ cho miền Nam thường không đủ cho nhu cầu chiến trường so với BV, họ đã được CS quốc tế viện trợ rất dồi dào. Năm 1964, 1965 tình hình miền Nam nguy khốn vì hoả lực mà người Mỹ cấp cho miền Nam thua kém hoả lực của Cộng quân do Nga Tầu viện trợ, năm 1972 VNCH đã được Mỹ viện trợ đầy đủ hơn những năm sau Hiệp định Paris nhưng nếu không có yểm trợ của phi cơ chiến lược B-52 miền Nam đã mất nhiều tỉnh như Kontum, Quảng Trị, Bình Long…chính cựu Đại Tướng Cao Văn Viên đã xác nhận như thế. Nhiều người cho viện trợ súng đạn của CS quốc tế cho BV để đánh nhau với Mỹ chứ không phải với VNCH.

Khi đưa quân vào VNCH từ năm 1964 là 23,300 người và 1965 là 184,300 người Hoa Kỳ tưởng rằng với hỏa lực hùng hậu họ sẽ đè bẹp quân địch ngay nhưng hỏa lực của CS quốc tế viện trợ cho BV không đến nỗi tệ như họ nghĩ. Cho tới cuối năm 1966 có 832 chiếc máy bay Mỹ bị bắn rơi (Đoàn Thêm, 1966, Việc Từng Ngày trang 223), toàn bộ cuộc chiến có 2,251 chiếc bị CS bắn hạ (nguồn en.wikipedia.org). Ngày 16-12-1972 tại cuộc Hòa đàm Paris, BV bỏ không thèm họp tiếp mặc dù bị Mỹ hăm dọa oanh tạc ồ ạt điều này chứng tỏ họ đã được Nga cung cấp một lực lượng phòng không hùng hậu nên đã tỏ ra ngang ngược , trong trận oanh tạc Giáng Sinh 1972, CSBV đã bắn hạ 15 B-52 và 12 phi cơ chiến thuật khác.

Khác với thời Thế Chiến Thứ Hai các nước Anh, Mỹ, Nga, Đức, Nhật … đã tự sản xuất được vũ khí để giao tranh, hai miền Nam, Bắc VN đều phụ thuộc vào viện trợ quân sự của các nước ngoài như Mỹ, Trung Cộng, Nga Sô… bên nào bị cắt giảm viện trợ là thua ngay như VNCH năm 1975. Đối với cả hai miền Nam, Bắc, viện trợ quân sự là một vấn đề sinh tử như đồ ăn thức uống vậy.

Trong khi VNCH hấp hối vì bị tấn công dữ dội, quân khu 1 và 2 đã rơi vào tay BV mà Tổng thống Ford cho biết ông đã cử Tướng Weyand sang Sài Gòn điều tra, ông đang chờ bản điều tra của Tướng Weyand thì ta đã thấy không còn hy vọng gì vào người Mỹ. Nay nhiều bí mật đã được tiết lộ, Tướng Weyand sang Sài Gòn ngày 28-3-1975 cũng chỉ là để tìm cách thu hồi máy bay, tầu chiến cho khỏi lọt vào tay Cộng quân được chừng nào hay chừng nấy, họ chuẩn bị rút chạy.

Đài VOA ngày 18-4-1975 cho biết Quốc hội Mỹ bác bỏ quân viện khẩn cấp 722 triệu mà chỉ thuận cấp ngân khoản di tản, họ cho rằng nếu viện trợ cho miền Nam số ngân khoản này cũng chỉ kéo dài chiến tranh gây thêm tang tóc. Cùng ngày 18-4-1975 Tướng Toàn cho lệnh Sư đoàn 18 rút bỏ Long Khách về lập tuyến phòng thủ Sài Gòn, ngày 21-4-1975 TT Thiệu từ chức, phó TT Trần Văn Hương lên thay, ngày 28-4-1975 Đại Tướng Dương Văn Minh đươc cử lên làm TT thay thế ông Trần Văn Hương để rồi ngày 30-4-1975 miền Nam hoàn toàn mất vào tay CS.

Tình hình cuối tháng tư 1975 chỉ có sự yểm trợ của pháo đài bay B-52 mới mong cứu vãn nổi tình thế nhưng từ tháng 6-1973 Quốc hội Mỹ đã biểu quyết cắt các ngân khoản cho các hoạt động quân sự của chính phủ tại Đông Dương, tháng 10 Quốc hội ra Đạo Luật Quyền hạn chiến tranh (War Powers Act) giới hạn quyền Tổng thống Mỹ, hành pháp đã bị trói tay chỉ còn cách rút lui khỏi Đông Dương.

Chúng tôi xin so sánh lực lượng hai bên vào ngày 18-4-1975 khi quốc hội bác bỏ quân viện khẩn cấp 722 triệu Mỹ kim. Khoảng một tuần sau khi hai quân khu 1 và 2 bị lọt vào tay CSBV, TT Thiệu lên tiếng trên đài truyền hình về hiện tình của miền Nam, ông cho biết lực lượng CSBV đưa vào Nam lên tới 25 Sư đoàn, nhưng đa số các tài liệu cho biết họ đưa vào khoảng 20 Sư đoàn. Theo tác giả Nguyễn Đức Phương (Chiến Tranh VN Toàn Tập) BV có 4 quân đoàn 1, 2, 3, 4 và đoàn 232 (tương đương một quân đoàn) tổng cộng 15 Sư đoàn . Trong hồi ký của văn Tiến Dũng có ghi lời Lê Đức Thọ, y nói chúng ta có 15 Sư đoàn, ngoài ra trong Những Ngày Cuối VNCH trang 160 cựu Đại Tướng Cao Văn Viên cho biết BV có khoảng hơn 10 trung đoàn độc lập và một số trung đoàn đặc công tại Vùng 1 tương đương với 3 hoặc 4 Sư đoàn như vậy toàn bộ lực lượng BV tại miền Nam vào khoảng 20 Sư đoàn cộng với khoảng từ 20 tới 30 trung đoàn xe tăng , pháo phòng không, pháo mặt đất…

Tác giả Nguyễn Đức Phương trong chương gần cuối cuốn Chiến Tranh VN Toàn Tập nói về chiến dịch Hồ Chí Minh tấn công Sài Gòn đã trích tài liệu CS như sau

“CS cũng đã xác nhận cán cân lực lượng trong chiến dịch này như sau:
Ta: 4 quân đoàn 1, 2, 3, 4, và 232 bao gồm 15 sư đoàn bộ binh, 5 lữ đoàn bộ binh biệt lập, 4 trung đoàn tăng thiết giáp và 6 trung đoàn đặc công. Quân số tổng cộng khoảng 280 ngàn với 400 xe tăng và 420 pháo”.
Riêng lực lượng BV bao vây Sài Sòn đã lên tới 20 sư đoàn và như đã nói ở trên vũ khí đạn dược của Cộng quân trong trận 1975 gấp bội lần năm 1972, ngoài ra họ cũng lấy được nhiều chiến lợi phẩm, các kho đạn của VNCH tại các quân khu 1 và 2 do sự sai lầm trong kế hoạch tái phối trí lực lượng của TT Thiệu, tuy không có con số thống kê nhưng ít nhất cũng có 50% đạn dược, quân dụng bị bỏ lại lọt vào tay Cộng quân, hồi ký Văn Tiến Dũng cho biết BV lấy được nhiều xe tăng, đại bác, máy bay của VNCH tại miền Trung.

Ngay như trong trận mùa hè đỏ lửa 1972, khi ấy lực lực lượng BV chỉ có tới 10 Sư đoàn, bằng một nửa lực lượng của họ năm 1975, vũ khí đạn dược cũng chỉ bằng một nửa hoặc một phần ba năm 1975. VNCH hồi ấy mặc dù được viện trợ đầy đủ hơn năm 1975 nhưng vẫn phải nhờ vào sự yểm trợ của các oanh tạc cơ B-52 , chính ông Cao Văn Viên đã nói nếu không có sự yểm trợ này miền Nam sẽ mất một số tỉnh như Quảng Trị, Kontum, Bình Long… vì hoả lực của Cộng quân mạnh hơn của VNCH.

Vào cuối tháng 3-1975, Đà nẵng mất, quân khu 1 hoàn toàn thất thủ, quân khu 2 mất 10 tỉnh chỉ còn Phan Rang, Phan Thiết, các lực lượng chính qui, những Sư đoàn tinh nhuệ thiện chiến nhất của cả hai vùng mất gần hết quân số. Tại Vùng 2 Sư đoàn 23 bị thiệt hại và rã ngũ gần hết, Sư đoàn 22 chỉ còn khoảng 2,000 tại Qui Nhơn được tầu hải quân chở vào Nam, 7 liên đoàn Biệt động quân bị thiệt hại và rã ngũ. Tại vùng 1, bốn sư đoàn chính qui 1, 2, 3, và Sư đoàn TQLC, 4 Liên đoàn BĐQ nhưng chỉ có khoảng 15% được di tản vào miền Nam. Theo Nguyễn Đức Phương năm 1976 Tướng Ngô Quang Trưởng trả lời một cuộc phỏng vấn cho biết khoảng 6,000 TQLC, non nửa lực lượng của Sư đoàn và 4,000 quân thuộc các binh chủng khác đã được tầu bè cứu thoát, tổng cộng 10,000 người.

Cuối tháng tư năm 1975, quân khu 3 VNCH có 3 Sư đoàn cơ hữu và 4 liên đoàn BĐQ trong đó chỉ có SĐ 25 tại Củ Chi và SĐ 5 tại Lai Khê là còn nguyên vẹn, SĐ18 đã bị thiệt hại 30% quân số sau trận Xuân Lộc, toàn bộ lực lượng phòng thủ Sài Gòn và vùng phụ cận chỉ vào khoảng trên dưới 5 Sư đoàn chủ lực trong đó kể cả các đơn vị di tản từ miền Trung với quân số thiếu hụt. Cho dù Quốc Hội Mỹ chấp thuận ngân khoản viện trợ khẩn cấp 722 triệu sau ngày 10-4 quân ta cũng không thể cứu vãn tình thế vì sự chênh lệch về lực lượng và hoả lực như đã nói ở trên.

Ngân khoản này nếu được chấp thuận có thể giúp cho miền Nam đủ đạn dược chiến đấu thêm một vài tháng nhưng cuối cùng cũng vẫn thua, cũng chỉ kéo dài sự hấp hối như Nam Vang. Cuộc chiến sẽ tàn khốc hơn, các thành phố Sài Gòn, Biên Hoà, Bình Dương, Hậu Nghĩa… sẽ bị CS pháo kích tan nát, cả hai bên sẽ tử thương tổn thất nặng, dân chúng Sài Gòn và các thành phố sẽ bị bom đạn giết hại rất nhiều. Sau khi chiến trận kết thúc Thủ đô Sài Gòn sẽ bị địch trả thù, bắn giết tập thể hoặc tắm máu như tại Nam Vang, đó là điều khó tránh.

Sự thực cho dù Quốc hội Mỹ có viện trợ cho Miền Nam ngân khoản 722 triệu hoặc một tỷ trước khi mất Ban Mê Thuột ta cũng không đủ hoả lực vì như trong thời gian Mỹ chưa rút về quân phí thường là từ 10 cho tới 20 tỉ một năm, số tiền viện trợ 1 tỷ hoặc 700 triệu không đủ giúp cho miền Nam tự vệ trong khi hơn 500,000 quân đồng minh đã rút về nước. Nếu Quốc Hội My chấp thuận ngân khoản viện trợ khẩn cấp 722 triệu kể trên cho miền Nam vào giữa tháng 4-1975 họ sẽ không bị mang tiếng là bỏ rơi đồng minh nhưng miền Nam chúng ta sẽ bị lãnh đủ như đã nói ở trên. Trận chiến sẽ kéo dài, chết dân, chết lính … chỉ có một thiểu số người giầu có thế lực, các viên chức cao cấp, Tướng lãnh… là có nhiều cơ hội chạy thoát.

Khoảng 10 ngày trước khi miền Nam sụp đổ, báo chí Sài Gòn cho biết các nhà chính khách Tây Phương đã vận động thương thuyết để tránh cho Sài Gòn khỏi trở thành bãi chiến trường. Cho tới nay dần dần những bí mật được tiết lộ cho thấy dù sao người Mỹ vẫn còn chút lương tâm, họ vận động mọi cách để tránh cho Sài Gòn thoát khỏi cảnh núi xương sông máu. Sau ngày 30-4-1975, ông Nguyễn Văn Thành đốc sự hành chánh, cựu Tổng thư ký phủ Phó Tổng thống tiết lộ: Khoảng giữa tháng 4-1975, Ông Trần Văn Hương gặp ông Thiệu ở dinh Độc Lập về nói cho ông Thành biết là ông Đại sứ Mỹ nhờ Đại Sứ Anh nói với ông Thiệu hãy bàn giao chức Tổng thống cho ông Hương để ông Hương bàn giao cho ông Dương Văn Minh. Ông Hương rất bực tức nhưng không từ chối được. Sở dĩ phải bàn giao cho Dương Văn Minh vì họ hy vọng ở sự thương thuyết với BV để tránh đổ máu.

Ông Trần Bình Nam có tóm tắt một tài liệu của CIA giải mật ngày 19-2-2009, dài 243 trang (CIA and the generals: Covert Support to the military government in South Vietnam) đăng trên báo điện tử Danchimviet.com. Đoạn dưới đây cho thấy Mỹ sắp xếp để Sài Gòn đầu hàng, tránh đổ máu.

“Ngày 18-4 Hanos G Toth, một đại tá người Hungary trong phái đoàn quốc tế kiểm soát đình chiến gặp Polgar (CIA) và cho biết qua các cuộc nói chuyện với phái đoàn Hà Nội ông ghi nhận rằng Hà Nội chỉ muốn tăng sức ép để Sài Gòn sụp dần chứ không muốn có một cuộc tấn công quân sự để kềt thúc chế độ. . . . Toth nói Hungary từng nếm mùi thất trận và tàn phá nên không muốn thấy Sài Gòn bị tàn phá như Berlin năm 1945. Polgar hiểu đây là lời nhắn của Hà Nội nên bên cạnh việc di tản, Polgar và đại sứ Martin lo tìm cách thuyết phục Thiệu từ chức và thành lập một chính phủ liên hiệp gồm các thành phần thiên Cộng để đầu hàng “

Như thế trùm CIA Polgar và Đại Sứ Martin đã dàn xếp cho TT Thiệu từ chức đưa Đại Tướng Dương Văn Minh lên để tránh cho Sài Gòn khỏi bị tàn phá như Bá Linh 1945

Kết luận

Tướng Cao Văn Viên có nói ở phần kết luận cuốn Những Ngày Cuối Của VNCH.

“Cấp lãnh đạo VNCH không thấy rõ sự thay đổi về đường lối ngoại giao của Hoa Kỳ, khi Hoa Kỳ chuyển sang thái độ hoà hoãn, thoả hiệp với Cộng sản quốc tế – dù phải thất hứa với đồng minh. Vì không nhận rõ sự thay đổi ngoại giao của Hoa Kỳ, cấp lãnh đạo VNCH đã không uyển chuyển thay đổi kế hoạch quốc gia cho phù hợp với thực trạng và tình thế. Sau hiệp định Paris 1973, VNCH vẫn trông đợi vào những hứa hẹn xa vời và bất thể hiện”
(Trang 236)

Ta thấy TT Thiệu đã không uyển chuyển thay đổi đường lối chính sách cho phù hợp với thực trạng và tình thế khi Mỹ đã bắt tay với CS quốc tế từ 1972 để giải quyết tận gốc rễ thuyết Domino mà vẫn ôm khư khư chính sách cứng rắn lỗi thời.

Ngoài ra Chuẩn Tướng Trần Văn Nhựt đã nhận xét về khuyết điểm của TT Thiệu là không nắm vững tình hình quốc ngoại như sau.

“Việc ông sửa đổi Hiến Pháp để làm Tổng Thống thêm một nhiệm kỳ năm năm nữa chứng tỏ ông đã không nhìn thấy việc Hoa Kỳ sắp bỏ rơi Việt Nam và đã làm xáo trộn thêm tình hình chính trị trong nước”
(Cuộc Chiến Dang Dở trang 273.)

Đối với tình hình quốc nội TT Thiệu lạc quan tin tưởng vào lời hứa của Hoa Kỳ và có cái nhìn khinh địch, trong phiên họp quân sự cao cấp ngày 9 và 10-12-1974 tại dinh Độc Lập ông cho biết CSBV chưa phục hồi sau trận mùa hè đỏ lửa, họ không đủ khả năng đánh vào các thành phố lớn, về điểm này FrankSnepp (trong Decent interval), hồi ký Văn Tiến Dũng, Tướng Cao Văn Viên cũng đã ghi nhận như thế .

TT Thiệu đã sai lầm về chính trị như trên ông cũng sai lầm cả về quân sự như mọi người đều thấy kế hoạch tái phối trí lực lượng của ông đã làm tiêu tan cả hai quân khu trong khoảng 13 ngày từ 16-3-1975 cho tới 29-3-1975. Vào thời điểm này nhất là từ sau ngày ký Hiệp định Paris, TT Thiệu cần phải nhìn thấy Hoa Kỳ đã đổi chính sách, cả hành pháp vẫn lập pháp, họ đã thoả hiệp với CS quốc tế.

Trong giai đoạn 1961-1964 CS quốc tế viện trợ cho miền Bắc 70,295 tấn hàng quân sự, mười năm sau giai đoạn 1973-1975 viện trợ ấy đã tăng lên 724,512 tấn, gấp hơn 10 lần. Trong khi ấy tiền quân viện của Mỹ cho miền Nam như đã nói ở trên giảm dần, cho tới tài khóa 1975 chỉ còn bẩy trăm triệu (0,7 tỷ).

Theo GS Nguyễn Tiến Hưng với ngân khoản 700 triệu viện trợ, trong khi đó thì cuộc khủng hoảng dầu lửa đã làm giá săng nhớt tăng gấp bốn. Bởi vậy mãi lực thật của ngân khoản ấy chỉ là trên dưới 350 triệu. Khoản quân viện 350 triệu hồi 1975 còn thua kém quân viện 1963 (384 triệu) chút đỉnh; 10 năm đã trôi qua từ 1964, trong khi CS quốc tế viện trợ cho BV gấp 10 lần, Hoa kỳ đã viện trợ nhỏ giọt cho miền Nam VN chưa bằng 1963, 1964. So sánh viện trợ quân sự cho miền Bắc và miền Nam ta có thể đoán đã có sự xếp đặt của các siêu cường.
Nếu TT Thiệu từ chức vào đầu 1973 sau khi Mỹ ký hiệp định Paris thì miền Nam có cơ hội hơn, TT Thiệu không nhìn thấy vai trò đường lối của ông nay đã lỗi thời, gió đã đổi chiều, người ta đã hoà hoãn với CS quốc tế, ông không thể duy trì đường lối cứng rắn mà phải chuyển sang chính sách ngoại giao cho phù hợp với tình thế như Tướng Viên đã nói ở trên. TT Thiệu vẫn chủ quan chủ quan cho rằng ngoài ông ra không ai có thể bảo vệ non sông gấm vóc để giữ độc quyền yêu nước và cứu nước, “Après moi le deluge” sau ta là nạn Hồng thủy.

TT Thiệu tin tưởng vào lời hứa của cựu TT Nixon qua mấy bức thư là một sự sai lầm trầm trọng, khi TT Nixon hứa với ông Thiệu trước ngày ký Hiệp định là sẽ thẳng tay trả đũa BV nếu họ vi phạm Hiệp định, ông chỉ hứa miệng qua một số bức thư riêng mà không dám hứa công khai vì sợ Quốc Hội chống đối, họ sẽ không cho ông hứa như vậy, người ta đã quá chán cuộc chiến tranh Đông Dương chỉ muốn rút bỏ càng sớm càng tốt. Một lời “hứa chui”, “hứa lén” thì làm sao tin cho được nhưng TT Thiệu khi ra hải ngoại vẫn oán trách họ thất hứa với đồng minh thì đủ thấy ông vẫn còn chưa tỉnh cơn mơ.

Một điều không thể phủ nhận được, tình hình giữa tháng 4-1975 là di sản do TT Thiệu để lại.

Nay nhiều người oán trách Tiến sĩ Kissinger cho rằng ông đã vận động đi đêm với Bắc Kinh để bỏ rơi VNCH, nhận định này vô tình đã đề cao vai trò của họ “Kít” một cách quá đáng. Cương vị phụ tá, thầy dùi cho Tổng thống, ông ta được Nixon giao cho nhiệm vụ móc nối với Trung Cộng và ông đã hoàn thành nhiệm vụ tốt đẹp. Sự thực việc móc nối này cũng chẳng đáng coi là một kỳ công vì nó đã chín mùi, con sư tử Bắc Kinh cũng đã quá mệt mỏi vì cuộc chiến VN sau hàng mấy chục năm viện trợ quân sự cho Hà Nội từ 1950-1975, vả lại họ cũng đang cần canh tân đất nước đã quá nghèo nàn đói khổ, Bắc Kinh đang mong mỏi được bắt tay đế quốc.

Ngay như TT Nixon trong những năm đầu thập niên 70 cũng còn chẳng có thực quyền đối với vấn đề VN chứ đừng nói một tay thầy dùi cố vấn như Kissinger. Như ta đã thấy mọi quyết dịnh lớn nhỏ đều phải đưa Quốc hội biểu quyết, nhất là sau ngày ký Hiệp định Paris hành pháp đã bị quốc hội trói tay, ai cũng đều biết cả. Việc bỏ Đông Dương hoặc giữ Đông Dương trên thực tế không thuộc thẩm quyến hành pháp mà phải có sự đồng ý của ngành lập pháp.

Năm 1972 Nixon hoà hoãn, thoả thuận vơi CS quốc tế, ông đã không bị lập pháp và cử tri chống đối, có nghĩa là đã đi đúng đường lối quốc gia trong giai đoạn này. Chính phủ, quốc hội, nhân dân đã đồng lòng nhất trí với nhau giải quyết tẫn gốc rễ thuyết Domino, vấn đề nằm ở chỗ đó.

Giữa thập niên 60 người mỹ ủng hộ triệt để thuyết Domino để cứu vãn tình thế miền Nam với sự tốn kém nhân lực tài lực vừa phải vì VN có tầm quan trọng trung bình nhưng cho tới 1968 nó đã vượt lên số trên 500,000 quân xuất ngoại nên họ thay đổi hoàn toàn nhận định, số người ủng hộ đã tụt thang nhanh chóng.
(People endorsed the theory only if they were willing to endorse the commitment of enough resources to save South Vietnam, and as the definition of "enough" expanded to 500,000 men and beyond, the number of people willing to endorse the commitment shrank dramatically – Answer.com, Domino theory).

Năm 1975 Hoa Kỳ bỏ toàn bộ Đông Dương chứ không riêng gì VN, Nam Vang thất thủ ngày 17-4-1975 trước VNCH gần hai tuần lễ, họ cắt viện trợ chính phủ Non Lol đến mức kiệt quệ một cách tàn nhẫn. Năm 2006, qua một bài phỏng vấn cựu Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn trên internet, một độc giả có góp ý hỏi như sau.

“Thưa ông chúng ta đã biết trước là sẽ thua vì bị cắt quân viện mà sao vẫn cứ đánh để nhiều người chết thảm”
Quả là một câu hỏi rất khó trả lời.

Có một độc giả góp ý dưới một bài về trận chiến 1975 trên internet nói ông Thiệu cho lệnh rút bỏ hai quân khu đã giúp cho hai bên chết ít hơn. Cũng có nhiều người cho rằng nếu 1975 tiếp tục đánh thì cả hai bên sẽ cùng chết nhiều như bên Căm Bốt mà cuối cùng ta vẫn thua, chỉ đổ máu vô ích . Thật cũng khó mà nói thế nào là sai là đúng
Chiến tranh đã chấm dứt từ 35 năm qua nhưng vẫn còn lưu lại trong tâm khảm người Việt tỵ nạn lưu vong nhiều cay đắng, uất hận về thực trạng tàn nhẫn phũ phàng của biến cố, người ta tưởng như nó mới diễn ra ngày hôm qua.
Đối với người tỵ nạn lưu vong, quá khứ đau lòng ấy vẫn còn sống mãi trong ký ức họ cho tới khi nhắm mắt lìa đời.

Viết cho tháng tư đen lần thứ 35,
Mùa Quốc hận 2010

Trọng Đạt

www.answer.com/topic/domino-theory: Domino theory.
www.spartacus.schoolnet.co.uk/cold.domino.htm: Domino theory.
BBCVIETNAMESE.Com: Viện Trợ Quốc Tế Cho Miền Bắc Trong Chiến Tranh , 10-5-2006
Wikipedia: Opposition to the US involvement in the Vietnam war.
English.illinois.edu/maps/vietnam/antiwar.html: Mark Barringer: The Anti-war Movement in the United States.
Nguyễn Tiến Hưng: Khi Đồng Minh Tháo Chạy, Hứa Chấn Minh 2005
Cao Văn Viên: Những Ngày Cuối Của Việt Nam Cộng Hoà, Vietnambibliography, 2003.
Nguyễn Đức Phương: Chiến Tranh Việt Nam Toàn Tập, 1963-1975, Làng Văn 2001.
Đặng Phong: 5 Đường Mòn Hồ Chí Minh, nhà xuất bản Trí Thức Hà Nội, 2008
Đoàn Thêm: 1969 Việc Từng Ngày, Xuân Thu.
Danchimviet.com: Trần Bình Nam, CIA Và Các Ông Tướng, Phần 6, Chương 9: Tìm Lối Đầu Hàng Và Di Tản.
Trần Văn Nhật: Cuộc Chiến Dang Dở, nhà xuất bản An Lộc 2003.
Ngô Quang Trưởng: Trận Chiến Trong Mùa Phục Sinh Năm 1972, Trung Tâm Quân Sử Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, bản dịch của Kiều Công Cự, xuất bản 2007
Phạm Huấn: Những Uất Hận Trong Trận Chiến Mất Nước 1975, Cali 1988.
Nguyễn Văn Toàn, Lê Bá Khiếu, Nguyễn Văn: Những Sự Thật Chiến Tranh Việt Nam 1954-1975, in 2002.
Trần Đông Phong: Việt Nam Cộng Hoà, 10 Ngày Cuối Cùng, Nam Việt 2006.
Hoàng Lạc, Hà Mai Việt: Việt Nam 1954-1975, Những Sự Thật Chưa Hề Nhắc Tới Texas 1990.
Lam Quang Thi: Autopsy The Death Of South Viet Nam, 1986, Sphinx Publishing.
The Word Almanac Of The Viet Nam War: John S. Bowman - General Editor, A Bison-book 1985.
James H.Willbanks: Vietnam war Almanac, Facts on file - 2009
Stanley Karnow: Viet Nam, A History, A Penguin Books 1991.
Marilyn B. Yuong, John J. Fitzgerald, A. Tom Grunfeld: The Viet Nam War, A history in documents, Oxford University Press 2002.
Nguyễn Kỳ Phong: Người Mỹ Và Chiến Tranh Việt Nam: Người Việt Dallas 21-6-2006 .
Lewis Sorley: Lịch Sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, Trần Đỗ Cung dịch, Người Việt Dallas số 26-4-2006.
Trung Tướng Lữ Lan: Cuộc Chiến Ba Mươi Năm Nhìn Lại Từ Đầu, Sài Gòn nhỏ Dallas 28-4-2006.
_________
HueCity said...

Bài viết hay đáng để lớp trẻ như cháu học hỏi.
April 30, 2010 10:10 AM

No comments:

Post a Comment

Cái Đêm Hôm Ấy . . . Đêm Gì?

TTR: Chắc chắn không ai đọc được những bài ký sự như thế này mà còn có thể hình dung ra cảnh người dân bị bóc lột tàn bạo, phi nhân hơn nữa ...