18 June 2023

Lý do CSVN vẫn vinh danh Nguyễn Thái Học và các đồng chí của ông đã hy sinh trong khởi nghĩa Yên Bái 1930

Trần Trung Đạo

Vào thời điểm cực thịnh 1980 phe CS quốc tế chiếm 1.5 tỉ dân trong tổng số 4.4 tỉ người trên thế giới với 17 quốc gia thuộc khối CS. Tuy nhiên, nếu phân tích một cách rốt ráo chỉ có ba nước CS ra đời do sự chiến thắng của đảng CS từ đầu đến cuối và thiết lập nhà nước CS chuyên chính đúng sách vở của Marx và Lenin để lại. Đó là Nga, Trung Quốc và CSVN. Các quốc gia còn lại như bảy nước Đông  u, Đông Đức, ba nước Baltics, các nước “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa” thuộc Liên Xô, Mông Cổ, Ethiopia, Lào v.v… đều hoặc do cưỡng bách, áp đặt, “hoàn cảnh vùng độn” hay chư hầu.

Trong nội dung kinh tế, không có quốc gia nào trong khối CS thật sự thỏa mãn quy luật “mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa của” của Marx. Nga còn chập chững trong giai đoạn tiền tư bản trong lúc Trung Quốc và Việt Nam là hai nước nông nghiệp lạc hậu.

Dù sao, về mặt phương pháp luận, muốn giải thích đúng lý do CSVN vẫn tiếp tục “vinh danh” Nguyễn Thái Học và các đồng chí của ông đã hy sinh trong khởi nghĩa Yên Bái 1930 chắc phải dựa trên nền tảng lý luận chi phối quan điểm lịch sử của đảng CS tại ba nước CS chuyên chính tiêu biểu này.

Cơ sở lý luận đó được gọi là triết học duy vật lịch sử của chủ nghĩa Marx-Lenin. 

Ba quốc gia Nga, Trung Cộng và Việt Nam chia sẻ một phương pháp luận và quan điểm chung khi đánh giá các vấn đề lịch sử.

Không phải tự nhiên hay trùng hợp mà Mao Trạch Đông “vinh danh” Tôn Dật Tiên, Lenin đánh giá cao phong trào cách mạng tư sản tự phát Nga 1905 và Hồ Chí Minh “vinh danh” Nguyễn Thái Học.

Mao “Vinh Danh” Tôn Dật Tiên

Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật thứ 90 của Bác sĩ Tôn Dật Tiên, 12 tháng 11, 1956, đảng CSTQ tổ chức lễ “vinh danh” trang trọng dành cho ông. Mao Trạch Đông trong dịp này đã đọc một diễn văn với nội dung thường chỉ dành cho sinh nhật của Karl Marx.

Mao phát biểu trong lễ mừng sinh nhật Tôn Dật Tiên: “Chúng ta bày tỏ lòng biết ơn đến nhà cách mạng tiên phong vĩ đại của chúng ta, Bác sĩ Tôn Trung Sơn! Chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với ông về cuộc tranh đấu quyết liệt mà ông đã tiến hành trong thời kỳ chuẩn bị của cuộc cách mạng dân chủ của chúng ta chống lại những người cải cách Trung Quốc, theo lập trường rõ ràng của một nhà cách mạng dân chủ Trung Quốc. Trong cuộc đấu tranh này, ông là người mang tiêu chuẩn của các nhà dân chủ cách mạng Trung Quốc. Chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với ông vì những đóng góp đáng kể mà ông đã thực hiện trong giai đoạn Cách mạng năm 1911 khi ông lãnh đạo nhân dân lật đổ chế độ quân chủ và thành lập nước cộng hòa.” (Mao Trạch Đông toàn tập, tập V, bản Anh Ngữ)

Vợ của Tôn Dật Tiên là Soong Ching-ling (Tống Khánh Linh) ở lại Trung Quốc và đóng nhiều vai trò trong nhà nước CSTQ trong đó có Phó Chủ Tịch Nhà Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Phó Chủ Tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc CHNDTH. Khi bà Soong Ching-ling qua đời còn được truy tặng danh hiệu Chủ Tịch Nước Danh Dự.

Không cần nhắc lại, những ai theo dõi cuộc chiến tranh Quốc Cộng tại Trung Quốc đều biết đến cuộc chiến đẫm máu giữa Trung Hoa Quốc Dân Đảng do Tưởng Giới Thạch truyền nhân của Tôn Dật Tiên lãnh đạo và quân đội CSTQ dưới quyền Mao. Kết quả phe Tưởng thua phải rút ra Đài Bắc ngày 24 tháng 6, 1949.

Ngay trong lúc Mao ca ngợi Tôn Dật Tiên, hàng vạn đảng viên Trung Hoa Quốc Dân Đảng không thoát được ra Đài Bắc đang chết dần trong các trại tập trung được dựng nên khắp nơi trên lục địa.

Lenin “Vinh Danh” Cách Mạng Dân Chủ 1905

Trước “Cách Mạng Tháng Mười” Nga đã có một cuộc cách mạng khác do các phong trào công nhân, nông dân, các thành phần tiến bộ và trí thức phát động tại nhiều nơi thuộc Đế Quốc Nga. Nga Hoàng Nicholas II đàn áp các cuộc biểu tình trong một biến cố được gọi là Chủ Nhật Đẫm Máu. Lenin từ lưu đày cũng trở lại Nga và cố gắng lợi dụng cơ hội nhưng thành phần tiến bộ và ôn hòa đã thắng thế. Mặc dầu chịu đựng đàn áp, cách mạng 1905 đã giành được những điều kiện sống dân chủ hơn so với thời hoàn toàn phong kiến. Quốc hội (Duma) được bầu 1905 và một hiến pháp mới được ban hành 1906. Cách mạng 1905 không phải do đảng CS Nga chủ xướng nhưng đã được Lenin đánh giá cao đến mức cho rằng nếu không có cách mạng tư sản 1905 có thể đã không có cách mạng vô sản 1917.

Trong dịp kỷ niệm 12 năm cách mạng 1905 được tổ chức tại Thụy Sĩ, Lenin ca ngợi cách mạng 1905 bằng những lời trịnh trọng: “Cách mạng Nga là cuộc cách mạng đầu tiên, mặc dù chắc chắn không phải là cuộc cách mạng vĩ đại cuối cùng trong lịch sử, trong đó cuộc bãi công chính trị quần chúng đóng một phần cực kỳ quan trọng. Thậm chí có thể nói rằng các sự kiện của cuộc cách mạng Nga và trình tự của các hình thức chính trị của nó không thể hiểu được nếu không nghiên cứu các số liệu thống kê về cuộc đình công để tiết lộ cơ sở của các sự kiện này và chuỗi các hình thức này. (Lenin Toàn Tập, tập 23, bản Anh Ngữ)

CSVN “Vinh Danh” Nguyễn Thái Học

CSVN đánh giá cao cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Cho đến nay hình ảnh của Nguyễn Thái Học vẫn được kính trọng một cách công khai tại Việt Nam. Tiểu sử của Nguyễn Thái Học cũng như hoàn cảnh ra đời của Việt Nam Quốc Dân Đảng vẫn được phổ biến trên các tài liệu, báo chí. Khu di tích lịch sử Nguyễn Thái Học tại thành phố Yên Bái được xem là di tích lịch sử cấp quốc gia. Các thành phố lớn có đường Nguyễn Thái Học và một số các lãnh tụ Khởi Nghĩa Yên Bái khác.

Nguyễn Thái Học là một trong những người sáng lập ra tổ chức Việt Nam Quốc Dân Đảng (VDQDĐ). Ông sinh 30 tháng 12 năm 1902 tại làng Thổ Tang, tổng Lương Điền, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên. Ngày 25 tháng 12, 1927 Nguyễn Thái Học cùng các đồng chí thành lập VNQDĐ với chủ trương “làm cuộc cách mạng quốc gia, đánh đổ thực dân phong kiến, lập nên một chế độ Cộng Hòa Dân Chủ nhằm mang lại Độc Lập, Tự Do cho Dân Tộc, Hạnh Phúc và Tiến Bộ cho toàn dân”. Sau cuộc Khởi Nghĩa Yên Bái thất bại Nguyễn Thái Học và nhiều đồng chí của ông bị bắt. Ngày 17 tháng 6, 1930, Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí bị xử chém tại Yên Bái.

Lý Luận Duy Vật Lịch Sử

Phân tích ba trường hợp để thấy cả ba nước CS cùng áp dụng hệ thống lý luận duy vật lịch sử để giải thích các biến cố lịch sử.

Marx và Engels quan niệm lịch sử là một chuỗi các sự kiện diễn ra theo một quy luật có quan hệ biện chứng. Sự ra đời của một sự kiện phát xuất từ nguyên nhân ra đời của sự kiện trước đó. Theo Marx, nhân loại trải qua năm hình thái kinh tế xã hội và năm hình thái đó diễn ra một cách tự nhiên, khách quan và tất yếu. Năm hình thái kinh tế-xã hội đó là (1) cộng sản nguyên thủy, (2) chiếm hữu nô lệ, (3) phong kiến, (4) chủ nghĩa tư bản, (5) cộng sản chủ nghĩa.

Trong năm hình thái đó, chủ nghĩa tư bản đến trước chủ nghĩa Cộng Sản. Trung Hoa Quốc Dân Đảng ra đời (1912) trước đảng CSTQ (1921) và VNQDĐ của Việt Nam ra đời (1927) trước khi đảng CSVN chính thức ra đời (1930), cách mạng dân chủ Nga (1905) diễn ra trước cách mạng CS Nga (1917).

Trong quan điểm CS, Cách Mạng Tân Hợi 1911 cũng như Khởi Nghĩa Yên Bái 1930 phát xuất từ hệ tư tưởng tư bản và phản ảnh khách quan của điều kiện lịch sử trong giai đoạn đó và chỉ trong giai đoạn đó mà thôi.

Tài liệu Biên Niên Sử Việt Nam thuộc Đại học Quốc Gia xác nhận tính lịch sử của cuộc Khởi Nghĩa Yên Bái: “Phong trào Việt Nam Quốc dân Đảng và khởi nghĩa Yên Bái đã ghi một dấu son quan trọng trong phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược và truyền thống yêu nước của dân tộc ta thời kỳ trước khi có Đảng cộng sản lãnh đạo.”

Theo lý luận duy vật lịch sử, đảng CS thừa nhận sự ra đời của VNQDDĐ cũng như cuộc Khởi Nghĩa Yên Bái phù hợp với dòng phát triển của xã hội. Tuy nhiên, một khi đảng CS ra đời thì chỉ có đảng CS mới đáp ứng được các nhu cầu lịch sử của thời đại. Các cuộc vận động xã hội đi ngược với tiến trình tuần tự đó là phản động. Không ngạc nhiên khi đảng CS từ 1930 nhất là sau 1945 đã thẳng tay tiêu diệt không chỉ VNQDĐ mà tất cả đảng phái, tổ chức không CS.

Để Gốc Nhưng Đốn Thân, Chặt Ngọn, Tỉa Cành

Đối với VNQDĐ, CS chủ trương để lại gốc nhưng đốn sát thân, tỉa ngọn và chặt cành. Đó là lý do tại sao trong lúc ca ngợi Nguyễn Thái Học, CSVN tận diệt VNQDĐ thuộc thế hệ thứ hai như đã diễn ra trong vụ Ôn Như Hầu với hàng trăm đảng viên các cấp VNQDĐ bị giết.

CSVN cũng không tha cho những người đã cùng Nguyễn Thái Học lập nên VNQDĐ như trường hợp Nhượng Tống. Nhượng Tống tên thật là Hoàng Phạm Trân, thành viên của Nam Đồng Thư Xã và là một trong những người sáng lập ra VNQDĐ. Ông bị công an mật tên Nguyễn Văn Kịch ám sát tại Hà Nội ngày 8 tháng 11, 1949. (Hoàng Văn Đào, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Lịch sử Đấu tranh Cận Đại 1927-1954)

Không chỉ giết người may mắn còn sống sau Khởi Nghĩa Yên Bái, CSVN còn chủ trương che giấu tên tuổi của những người đã chết một cách anh hùng trong Khởi Nghĩa Yên Bái.

Rất ít sinh viên học sinh Việt Nam ngày nay biết Nguyễn Thị Bắc, Nguyễn Thị Giang, Nguyễn Khắc Nhu, Đoàn Trần Nghiệp, Phó Đức Chính là ai. Nếu có nhắc đến VNQDĐ trong chương trình học cũng chỉ để phê bình và so sánh với “đường lối khoa học, sáng tạo và thời đại của đảng CS.”

Chẳng hạn, giáo trình bộ môn sử lớp 12 của trường Phan Chu Trinh Đà Nẵng (sau 1975) viết về nguyên nhân thất bại của VNQDĐ như sau: “Lúc mới thành lập còn chung chung chưa rõ ràng. Sau đó chịu ảnh hưởng của Tôn Trung Sơn ở Trung Quốc theo khuynh hướng dân chủ tư sản. Quá non nớt, mang nhiều yếu tố sai lầm. Tư tưởng dân chủ tư sản lạc hậu, không phù hợp, không thể giải phóng dân tộc. Tổ chức, lực lượng ô hợp, phức tạp, tổ chức lỏng lẻo, không có sự liên kết giữa 3 kì.” (Trung học Phổ Thông Phan Châu Trinh, giáo án môn lịch sử lớp 12, bài 13: phong trào dân tộc dân chủ ở Việt Nam từ 1925 đến năm 1930)

Hai nhà văn Susan Blackburn và Helen Ting khi nghiên cứu về vai trò của phụ nữ trong các phong trào giải phóng dân tộc tại Đông Nam Á lưu ý đến trường hợp của nữ anh hùng Nguyễn Thị Giang (Cô Giang).

Nhưng khi tìm hiểu thực tế Việt Nam họ khám phá ra rằng tại Việt Nam giới cầm quyền chỉ đề cao những phụ nữ gốc CS như Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Định nhưng không nhắc đến tên tuổi của các liệt nữ được kính trọng trong thời kỳ chống Pháp.

Susan Blackburn và Helen thay vì chọn những phụ nữ gốc CS đã chọn Nguyễn Thị Giang (Cô Giang) làm một trong số mười hai nhà cách mạng thuộc phái nữ tiêu biểu cho Đông Nam Á. (Women in Southeast Asian Nationalist Movements, Susan Blackburn and Helen Ting, NUS Press, 2013)

Việc CSVN “vinh danh” nhà cách mạng Nguyễn Thái Học và các anh hùng Yên Bái thoạt nhìn như là một cách CSVN biểu dương lòng yêu nước hay ca ngợi cuộc khởi nghĩa anh hùng dù thất bại của VNQDĐ. Không đơn giản như vậy. Đó là cả một hệ thống lý luận được vận dụng để biện minh cho sự ra đời, tồn tại và giết người không một chút xót thương của đảng CS.

Không nắm bắt những hiểu biết về lý thuyết CS sẽ rất khó khăn khi chọn một giải pháp thích nghi để xóa bỏ chế độ độc tài này.

Qua bộ máy tuyên truyền CS, các phong trào yêu nước đều thất bại cho đến khi cuộc đấu tranh “được đặt dưới sự lãnh đạo tài tình của đảng CS, dân tộc Việt Nam mới giành được độc lập tự do.”

Thực tế đất nước đã chứng minh ngược lại. Các quyền tự do căn bản của người Việt Nam bị thực dân tước đoạt từ thế kỷ 19 đến nay vẫn chưa đòi lại được. Quyền cai trị Việt Nam chỉ trao tay từ thực dân tàn bạo sang CS độc tài. CSVN áp dụng gần như tất cả phương tiện và biện pháp của thực dân với mức độ ác độc hơn nhiều.

Người dân của những thuộc địa Pháp trước đây như Algeria, Tunisia, Senegal, Sudan đã về nhà từ lâu. Người Việt đổ máu nhiều hơn thì lại chưa. Bao nhiêu năm qua từng lớp người Việt vẫn còn đi tìm một mảnh đất được gọi là quê hương đúng nghĩa để trên đó xây một căn nhà mới tự do, dân chủ, nhân bản và thịnh vượng cho các thế hệ hôm nay và mãi mãi về sau.

Trần Trung Đạo
 (Nguồn: Facebook Trần Trung Đạo)

No comments:

Post a Comment

Người Việt Nam Giầu Tình Cảm

Ở Việt Nam 9 người dân nuôi một công chức. Ở Trung Quốc 170 người dân nuôi một công chức. Ở Nga 200 người dân nuôi một công chức. Ở Mỹ 4...