08 June 2023

Những Phong Tục Kỳ Dị Của Á Đông Qua Phim Ảnh

Trọng Đạt
 Tôi xin đề cập bốn phim tiêu biểu diễn tả những phong tục kỳ quái, có phần tàn nhẫn, độc ác của vài nước Á đông cách đây trên dưới một thế kỷ. Những phim này đã đạt trình độ nghệ thuật quốc tế, quay trong thập niên 80 hoặc 90, được phát giải thưởng hoặc có nhiều người nồng nhiệt đón nhận.

    Người Đàn Bà Đẻ Thuê
    The Surrogate woman
  
Đạo diễn Im Kwon-taek.
Các tài tử chính: Kang Soo-yeon, Lee Gu-sun, Yun Yang-ha
Dài 100 phút (khoảng một giờ rưỡi)

Phim Nam Hàn quay năm 1987, đã đoạt nhiều giải thưởng tại Đại hội điện ảnh Á châu 1987 gồm Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Tài tử  chính, phụ xuất sắc nhất.  Nữ tài tử chính Kang Soo-yeon đã được hoan nghênh nồng nhiệt trong vai người đàn bà đẻ thuê, cô đã được giải Nữ tài tử xuất sắc nhất tại Đại hội điện ảnh Venice, Ý năm 1987.

Truyện phim

“Khung cảnh thế kỷ thứ 19, Shin một anh hào phú, vợ không sinh được con trai nối dõi, chị đồng ý cho chồng tìm một người đàn bà đẻ thuê để có con trai. Ông thân sinh chàng vào làng nhờ người mai mối, họ tổ chức cho xem mặt, sau chàng ưng một cô gái nghèo mới 17 tuổi tên Ok-nyo, nhà chỉ có hai mẹ con. Bà mẹ trước đây cũng từng là người đẻ thuê đồng ý và khuyên cô nhận lời vì họ trả nhiều tiền. Khi chuyển cô bé về nhà Shin, cô bị bịt mắt đưa lên chiếc kiệu có bốn người khiêng mục đích giữ bí mật không cho biết đường.

Về nhà Shin, cô bé Ok-nyo phải tuân thủ kỷ luật, ban ngày phải ở trong nhà, ban đêm người ta sắp xếp cho cô và ông chủ Shin ăn ở với nhau mục đích cho cô mang bầu. Ok-nyo và ông chủ Shin lại lén lút tư tình với nhau, bị bắt gặp, cô bé bị đánh đập tàn nhẫn. Bà mẹ cô cũng được đưa tới ở chung để phụ giúp. Bà kể cho con gái nghe hồi xưa chính mình đã đẻ thuê cho một nhà giầu, sau khi sinh đứa con trai, bà được trả tiền, phải ra đi. Mấy năm sau nhớ con lén lại gặp thằng bé bị chù nhà bắt gặp, bị họ trói lại hành hạ dã man, họ muốn người mẹ phải vĩnh viễn ra đi không được liên hệ với đứa bé như đã giao kết. Lần thứ hai bà ta đẻ thuê cho một nhà khác, lần này bà sinh con gái họ không nhận, bà đem về nuôi, đó chính là Ok-nyo.Với kinh nghiệm nghề nghiệp, người mẹ khuyên con nên nhìn vào thực tế đừng mơ tưởng hão.

Thời gian trôi qua, cô bé có bầu, gia đình chàng Shin mừng rỡ, rồi tới ngày sinh, Ok-nyo đau đớn, quằn quại lúc sinh con, một đứa bé trai ra đời, người ta lấy khăn quấn kín thằng bé rồi mang đi ngay. Chủ nhà đem giấy tờ chủ quyền thửa ruộng giao cho mẹ con cô coi như thù lao và họ sẽ ra đi nay mai. Ok-nyo khi tỉnh lại nói muốn được gặp đưa bé do chính mình đẻ ra nhưng mẹ cô bảo không thể được, bà khuyên con hãy nhìn thực tế, đây chỉ là chuyện tiền trao cháo múc. Sau khi trả công xong xuôi họ tống cổ bà mẹ và Ok-nyo đi ngay. Cha của Shin bảo con trai “Hãy nhìn cô bé lần cuối”

Một năm sau quá phẫn uất với tục lệ bất nhân của thời phong kiến, cô Ok-nyo treo cổ tại làng mà cô đã sinh đứa trẻ”.

Cuốn phim làm sống lại một thời kỳ phong kiến tàn ác xa xưa tại Cao Ly (Triều Tiên), xã hội còn quá nhiều tập tục hủ lậu và sự áp bức bất công dã man của giới địa chủ với nhà nghèo. Con người đã biến thành một công cụ, không còn nhân phẩm, nạn nhân của những tập tục dã man lạc hậu. Nữ tài tử Kang Soo-yeon diễn tả một cách tuyệt diệu sự đau đớn cùng cực của người con gái sinh con, nó cho thấy sự dã man của tập tục chia lìa tình mẫu tử của người đàn bà đã mang nặng đẻ đau.

    Cuốn phim đã góp phần nói lên những tội lỗi của một thời phong kiến xa xưa để cho các thế hệ sau thấy tiền nhân đã chịu đựng khốn khổ thế nào những tập tục dã man. Người Đàn Bà Đẻ Thuê đánh dấu sự trưởng thành của nền điện ảnh Đại hàn, một cố gắng lớn và một đóng góp không nhỏ cho nghệ thuật thứ bẩy.

     
Người Chồng Tượng Gỗ
      The Wooden Man’ Bride

    Đạo diễn Huang Jianxin
    Các tài tử chính
    Chang Shih
    Wang Lan
    Wang Yumei
    Phim dài 113 phút (gần hai tiếng)

Một sự hợp tác giữa điện ảnh Hoa lục và Đài loan năm 1994. Đây là cuốn phim đầu tiên quay tại lục địa do nhà sản xuất Đài Loan tài trợ, dựa theo cuốn tiểu thuyết của Jia Pingao. Đạo diễn Hoa lục, các tài tử gồm cả Đài Loan và lục địa. The Wooden Man’s Bride được chiếu lần đầu tại Đại hội điện ảnh Rotterdam, Hòa Lan nhưng không thấy nói được giải, dù vậy, phim đã được Tây phương  đón nhận nồng nhiệt.
   
Truyện phim

“Khoảng năm 1920, Kui, một anh nông dân nghèo được thuê đưa một cô dâu về nhà chồng ở một vùng xa xôi khác. Cô gái nhà nghèo, bố cô nợ nần bà Liu phải gả cô con gái xinh đẹp cho gia đình giầu có này.  Cô dâu về nhà chồng thật nhiêu khê, đường xá xa xôi, họ phải dùng lạc đà băng qua một bãi sa mạc để dưa cô sang nhà họ Liu. Tự dưng bọn cướp đường cưỡi ngựa rầm rập phóng tới, chúng bắt cô dâu đem về cho thủ lãnh, anh này mới mất vợ. Trong lúc bọn đưa dâu nhiều người chạy thoát về nhà chồng, Kui can đảm và kiên nhẫn, anh lần mò vào sào huyệt bọn đạo tặc năn nỉ thuyết phục tướng cướp trả tự do cho cô dâu, thủ lãnh thử lòng Kui, thấy anh này can đảm bèn tha cho cô dâu.

Trong khi ấy những người chạy thoát về nhà họ Liu báo tin cô dâu bị bắt, chú rể leo lên ghế lấy khẩu súng trường (hỏa mai) để đi cứu cô dâu thì thuốc súng nổ khiến anh thiệt mạng. Hôm sau Kui mới cõng cô dâu đem về nhà chồng. Mặc dù người chồng đã chết, cô dâu vẫn được ở lại trong gia đình và làm “cô chủ”. Bà Liu, người chủ gia trang lớn làm đậu hũ này là một góa phụ nghiêm khắc, Kui được bà thuê ở lại làm việc. Mặc dù chồng mất từ hai mươi năm qua, bà Liu vẫn thủ tiết thờ chồng theo truyền thống của dòng họ  

Bà Liu cho làm một tượng gỗ mô phỏng người con trai mới chết để cô chủ thờ phụng, ban ngày đặt trên bàn thờ uy nghi, tối cô phải mang tượng xuống ngủ chung trên giường. Mặc dù người chồng chưa hề chung sống đã qua đời nhưng cô dâu cũng phải thủ tiết thờ chồng theo truyền thống gia đình họ Liu. Vô cùng bực tức, cô ta phản đối bị bà mẹ chồng đánh chửi, cô bỏ trốn bị bắt lại. Bố cô lặn lội từ xa tới nói vì nợ tiền họ Liu nên phải gả cô cho họ, người ta mua về, bắt sống bắt chết cũng phải chịu. Cô ta khóc lóc  đau khổ, nhớ nhà tối ấy Kui tới an ủi dỗ dành, cô khóc lóc kêu Kui đưa đi trốn, rồi tối ấy hai người ôm nhau ân ái.

Hôm sau Kui đánh xe bò đưa cô chủ đi lễ chùa nhân ngày giỗ chồng. Một ông thấy bói trước sân chùa  khuyên anh nên xa lánh “cô chủ”, anh hối hận đã làm chuyện tôi lỗi, từ đấy Kui xa lánh cô. Một hôm cùng ngồi ăn cơm với  con dâu, bà Liu nói mình đã thủ tiết hai mươi năm qua để giữ tiếng tốt cho dòng họ. Cô chủ bèn đứng dậy bỏ đi, mặc dù mẹ chồng chiều chuộng, quí hóa nhưng cô vẫn cảm thấy đau đớn ê chề khi nhìn tượng gỗ trên bàn thờ.

Kui nhớ quê, một tối nọ anh khăn gói để ra đi, cô chủ ra sân khóc lóc xin cho đi theo, hai người ôm nhau khóc. Bọn gia nhân thấy vậy bèn báo bà Liu đến bắt quả tang. Người ta thả Kui, cho anh ra đi không trị tội vì có công làm việc mà chỉ xử lý cô chủ.

Tối ấy, hội đồng gia tộc họp để xự tội cô dâu, giữa hai hàng đuốc sáng trưng cô bị bịt miệng, trói ghì chân tay và bị dẫn lên trước bàn. Người thay mặt tuyên bố mỗi dòng họ có luật lệ riêng, đối với họ Liu, kẻ ngoại tình bị coi như trọng tội, sẽ bị xử đập vỡ mắt cá cho què quặt. Họ cho thi hành bản án ngay, lấy búa đập vỡ mắt cá khiến nạn nhân kếu rống lên, mục đích cho cô nàng phải trung thành với dòng họ Liu

Bà Liu khóc lóc nói qua làn nước mắt: ta đã thủ tiết thờ chồng hai mươi năm mà sao nó có thể như vậy?

Kui về quê, chàng đi ngang sào huyệt bọn cướp, khi vào thì thấy doanh trại bị đốt cháy, bọn lâu la nằm chết ngổn ngang, thủ lãnh bị treo cổ, lửa cháy ngút trời, cảnh tượng thật hoang tàn.

Một năm sau, một đoàn người ngựa phóng rồn rập trên cánh đồng, bụi bay mù mịt. Kui trở lại khu gia trang, anh đã thành tướng cướp, đoàn người ngựa sông vào gia trang, bà chủ Liu đứng nhìn đối mặt Kui. Anh phá cửa xông vào phòng giam cô chủ đang bị xiềng xích. Họ lại gặp nhau, chàng sai mở khóa cho cô, đốt tượng gỗ, buộc bà Liu phải tự treo cổ.

Kui dặn bọn gia nhân phải làm đám tang tử tế cho bà, anh cho phóng hỏa đốt nhà.

Rồi Kui cõng cô chủ trở về quê cũ cùng đồng bọn lâu la. Sau khi chôn cất xong, các vị trưởng lão của quận dựng mộ bia để ca ngợi đức hạnh thủ tiết thờ chồng của bà Liu. Hàng năm họ cúi đầu kính cẩn tưởng nhớ bà”

Truyện phim hay nhờ tính ly kỳ, phiêu lưu lồng trong tình yêu lãng mạn. Mang danh là chủ thực ra cuộc đời cô chẳng khác người tù, nô lệ của những hủ tục bất nhân lạc hậu, cô gái cũng như Kui thể hiện sự phản kháng với truyền thống xã hội áp bức, hủy hoại hạnh phúc con người. Bà Liu đã bị tiêm nhiễm tư tưởng thủ tiết đến độ cuồng tín không còn nhân tính đã trở nên tàn ác

Cuối phim thể hiện sự mỉa mai hủ tục thủ tiết thờ chồng của bà Liu, của cả một thời phong kiến hủ lậu đã kìm hãm tiến bộ của xã hội hàng thế kỷ. Phong cảnh phóng khoáng với bãi sa mạc cát vàng, thị trấn cổ kính những đoàn kỵ sĩ phóng như bay trên cánh đồng hoang, bụi tung mù mịt như vó ngựa Mông cổ của một thời xa xưa

Pháo Đỏ, Pháo Xanh
Red Firecracker, Green Firecracker

Đạo diễn Hi Ping (Hà Bình )
Tài tử chính
Ning Jing (Ninh Tịnh)
Wu Gang
Dài 111 phút (khoảng hai tiếng)

Sản phẩm Hoa Lục có hợp tác với Hồng Kông, quay năm 1993, đã  đoạt một số giải thưởng năm 1994:
Đại hội điện ảnh sinh viên Bắc Kinh, giải Ban giám khảo
Đại hội điện ảnh Bắc Kinh, giải Gà trống vàng, đạo diễn xuất sắc
Đại hội điện ảnh Hạ Uy Di (Mỹ) Huy chương vàng, đạo diễn Hà Bình.      
Đại hội điện ảnh quốc tế San Sebastian (Tây ban nha), giải đạo diễn và nữ tài tử xuất sắc Ninh Tịnh.

    Truyện phim

“Cuối thời nhà Thanh tại một thị trấn nhỏ trên bờ sông Hoàng Hà, một tiểu thư xinh đẹp, là con một, thừa hưởng gia tài, làm chủ cơ sở sản xuất  pháo và cai quản một tài sản rộng mênh mông trong vùng.

Mẹ mất sớm, cha vừa mất xong, mới mười chín tuổi thì sự nghiệp đã nằm trong tay nàng. Định mệnh trớ trêu, trước khi nhắm mắt người cha nói với quản gia thân cận “nàng không được phép kết hôn” vì để giữ bí mật nhà nghề và vì sợ tài sản vào tay người ngoài sẽ làm bao nhiêu người mất việc. Tiểu thư cũng biết vậy và vâng lời cha dậy bảo. Cô phải ăn mặc theo lối nam nhi vì là người chủ, giữ chức vụ chỉ huy.

Một hôm, anh họa sĩ nghèo trên đường về nam lạc bước vào thị trấn tình cờ đến làm việc tại cơ sở của cô chủ. Anh lọt vào mắt xanh tiểu thư, cô đến thăm chàng, cho quà rồi đến thăm lần nữa. Anh họa sĩ tưởng tiểu thư đã siêu lòng bèn nắm tay cô bị ăn cái bạt tai. Chàng tức mình bỏ việc dọn đến ở nhà ông bạn chủ tiệm pháo.

Tiểu thư đến nơi muốn chàng về làm lại nhưng anh cãi bướng, cô bèn  nổi giận bắt chủ nhà phải đuổi anh vì tiệm cũng thuộc tài sản của gia đình cô. Cuộc chiến khởi đầu, chàng tức mình liệng pháo nổ lên nóc nhà tiểu thư bị gia nhân bắt trói đánh đập tàn nhẫn, thấy họ hành hạ anh họa sĩ dã man, cô chủ bèn tha cho chàng. Ít lâu sau tiểu thư được biết họa sĩ đã đi thật xa, chắc không bao giờ trở lại.

Xuân sang tiềt trời ấm áp, tiểu thơ lên thuyền lướt sóng trên sông Hoàng Hà đi thăm các cơ sở thương mại của gia đình ở ven bờ. Giòng sông gợi lại chuyện cũ nhưng nàng cũng quên đi. Thế rồi một nhân viên bán hàng nói với cô đã gặp người khách lạ, nàng không tin nhưng cầu mong nó là sự thật. Từ đó tiểu thư thường băng sông đến thăm cửa hàng để hy vọng có ngày gặp lại chàng, niềm ước mơ thật lãng mạn của cô thể hiện một mối tình bắt đầu chớm nở.

Một buổi sáng đẹp trời, bỗng tiếng sáo nổ vang trên mái ngói khiến ly nước trà trên tay tiểu thư rớt bể tan tành, nàng hoảng sợ nhưng lại mừng rỡ vì anh họa sĩ lại trở về, ước mơ  thành sự thật. Chàng ta đứng ngoài cổng ngang nhiên đốt một tràng pháo trước nụ cười tươi tỉnh của cô chủ. Một buổi tối nọ anh tìm đến biệt thự và chiếm được trái tim người đẹp .

Quản gia, mọi người trong gia trang đều biết, họ không vừa ý nhưng chăng ai dám than thở. Tiểu thư nói cho mọi người nghe.

 “Ta chỉ là người đàn bà, ta không muốn làm chủ nhân, mà chỉ muốn làm đàn bà”

Cô vẫn lén đi gặp anh họa sĩ, chàng nói sẽ hỏi cưới và đưa nàng đi xa. Một hôm cô bị mê man bất tỉnh mấy ngày. Người ta tổ chức cầu cúng rất kỳ lạ cô mới tỉnh dậy. Họ nói vong hồn tổ tiên về soi đường cho tiểu thư, cô tin vậy, cuộc chiến dằng co giữa tình yêu và lý trí diễn ra: Hoặc từ bỏ cơ nghiệp theo tiếng gọi con tim để lấy anh họa sĩ nghèo, hoặc vâng lời cha ông ở lại cai quản gia tài.

Nàng đến gặp anh họa sĩ khóc nức nở “Em không thể lấy anh, tổ tiên em không cho phép” cô không từ bỏ chữ hiếu, buổi chia ly đầy nước mắt.      

Chàng họa sĩ vượt sóng sông Hoàng Hà ra đi rồi lại trở về, đến gõ cửa phòng tiểu thư. Cụ quản gia hội ý các bậc cao niên rồi thuận ý tiểu thư.

Họ tổ chức thi tài kén rể, định mệnh trớ trêu, anh họa sĩ bị trọng thương khi trổ tài đốt pháo. Tiểu thư đến thăm nhưng chàng ta lánh mặt và ra đi mãi mãi, tiểu thư đã mang bầu và chẳng đếm xỉa những lời đàm tiếu”.

Phim thể hiện nhiều tục lệ kỳ lạ và hủ lậu của nước Tầu xa xưa, cảnh cầu cúng với những thầy chú đeo mặt nạ trong tiếng trống tiếng nhạc rất ma quái, cảnh tổ chức thi tài kém rể của hai chàng trổ tài đốt pháo thật kỳ dị.

Nội dung thể hiện sự phản kháng những tục lệ hủ lậu kém văn hóa của nước Tầu thời phong kiến lạc hậu

Truyện tình bay bướm lãng mạn nhưng kết thúc thật bi thảm, Ninh Tịnh nổi bật trong vai cô chủ hách dịch đầy uy quyền nhưng cũng là người con gái yếu mềm về tình cảm. Nhạc đệm bi ai, du dương hùng tráng, sông Hoàng Hà thật mỹ lệ rộng mênh mông bát ngát, nước đổ ào ào như thác hòa với tiếng pháo nổ vang trên bờ

Bài Ca Núi Narayama
The Ballade of Narayama

Đạo diễn Shohei Imamura
Tài tử chính:
Sumiko Sakamoto
Ken Ogata
Dài 130 phút (hơn hai tiếng)

Sản phẩm Nhật, quay theo truyện của Fukazawa viết năm 1956, tác giả dựa theo truyền thuyết. Hai năm sau 1958 đạo diễn Kinoshita quay thành phim và năm 1983 Shohei Imamura quay lại (remake) thành phim nói trên, tên tiếng Pháp La Ballade de Narayama. Cùng năm 1983 phim đã đoạt giải Nhành Dương Liễu Vàng, Palme d’or tại Đại hội điện ảnh Cannes (Pháp), một trong ba Đại hội quốc tế có uy tín nhất ngoài các Đại hội Venice và Bá Linh. Đạo diễn Imamura là người Nhật đầu tiên được hai giải Palme d’or : năm 1983 với phim này và năm 1997 với phim Con Lươn (The Eel). Tính từ 1946 tới nay có 68 phim trên thế giới được phát giải Palme d’or, Á châu chỉ được 6 giải: Nhật 4 giải, Hoa Lục một giải, Thái Lan một giải. Ngoài ra năm 1984 phim cũng được giải thưởng của Hàn lâm viện Nhật và nhiều giải thưởng khác của Nhật 

Ở đây tôi chỉ nói phim quay năm 1983 của Imamura kể trên.
 
    Truyện phim.

“Thế kỷ thứ 19, khoảng năm 1860, tại một làng nhỏ nghèo khổ dưới thung lũng  thuộc tỉnh Shinshu, những cụ già tới tuổi bẩy mươi phải được con trai cõng lên đỉnh núi Narayama để chết ở trên đó, ai từ chối sẽ làm xấu mặt gia đình. Trong cuộc hành trình đau khổ này những người con trai cõng cha hay mẹ không được nói gì, không được trở lại và không được cho ai thấy. Đời sống trong làng khó khăn, thực phẩm khan hiếm khiến dân làng phải tự lực cánh sinh, theo những phong tục khắt khe đôi khi tàn ác. Vì thế chỉ có con trai trưởng mới được lấy vợ sinh con nối dõi, người già phải lên núi Narayama khi họ trở thành gánh nặng cho con cháu.

Như vậy họ tham gia tình tương trợ miễn cưỡng, những phương thức tốt để đổi lấy sự sống còn cho đa số, một hành động cần thiết để đương đầu với cam go của cuộc sống.

Hai phần ba cuốn phim nói về đời sống hàng ngày của dân làng qua bốn mùa, mới đầu là mùa đông băng giá, tuyết phủ trắng xóa, rồi mùa xuân tuyết tan ẩm ướt, bùn lầy khi người dân ra đồng làm việc vất vả, mùa hạ dễ chịu, thoải mái, trai gái tình tứ yêu đương… Những kẻ không tôn trọng qui luật của xã hội sẽ bị đối xử tàn bạo như cảnh cả một gia đình lớn bé già trẻ nửa đêm bị một đoàn người ào tới trói lại khiêng ra hố chôn sống vì bị kết án trộm cắp thực phẩm của làng

Mùa xuân tới, thấy xác một bé trai mới đẻ bị vất trên đống tuyết bên bờ ruộng, người ta biết là không có thóc gạo nuôi trẻ nhỏ và những miệng ăn vô dụng. Cả làng nhận thấy nạn đói chờ đón họ.    

Nửa giờ sau cùng của phim, đạo diễn Imamura dẫn ta đi theo cuộc hành trình từ giã dương gian để lên cõi trên của Thần núi Narayama. Tại một buổi hội họp uống rượu với các vị bô lão, Tatsuhei được các cụ nhắc nhở đưa bà mẹ Orin 69 tuổi lên núi cao và để bà ở lại.

Mẹ chàng, bà Orin đã 69 tuổi còn khỏe mạnh nhưng giờ của bả đã tới, bà muốn ra đi nhưng con trai lớn của bà Tatsuhei chưa muốn bà đi, vợ mới chết vài tháng để lại cho chàng mấy đứa con. Sau khi đã cưới vợ cho chàng, bà đã yên tâm để ra đi. Một hôm bà đập miệng vào cối đá cho gẫy răng để cho mọi người thấy số phận của mình.

Cái miệng móm, lưng còng thể hiện một người già sẽ phải lên núi Narayama, mặc dù phong tục tàn nhẫn nhưng nó bảo đảm sự sống còn cho làng xã. Nhà làm phim tả chân tỉ mỉ từng bước đi của người hiếu tử cõng mẹ trên vai, từng bước một, gian nan vất vả lên tận đỉnh non cao, nơi đây với những bộ xương trắng xóa chất chứa từ bao thế hệ chính là tử địa của các vị cao niên. Phong cảnh thiên nhiên hữu tình, tráng lệ.

Tới nơi, hai mẹ con ôm nhau vĩnh biệt, Tatsuhei khóc thảm thương chẳng muốn rời mẹ. Orin tát con xua đuổi chàng, Tatsuhei xuống núi một lúc gặp anh hàng xóm cõng cha lên núi Narayama, ông già đã bị trói chân tay trong lưới khóc òa lên dẫy dụa vì sợ chết. Người con vội đẩy ông lăn xuống vực rồi khóc, chắp tay vái lậy.

Bà Orin trải manh chiếu nhỏ chắp tay như niệm Phật, tuyết bắt đầu rơi, trời chuyển sang mùa đông giá lạnh, Tatsuhei lại leo lên núi tới chỗ mẹ đang ngồi chờ chết nói:
     “Mẹ ơi, tuyết đang rơi, trời lạnh lắm đó”

Nhưng bà già xua tay bảo chàng đi xuống Tasuhei trở về nhà khi tuyết đã phủ trắng xóa, ăn cơm tối với gia đình, anh xót xa nghĩ đến hình ảnh mẹ già trên đỉnh non cao.”

Phim chấm dứt tại đây, để lại trong lòng khán giả sự bàng hoàng  trước định mệnh bi thảm của con người, một kết thúc thật đau lòng. Cảnh Tatsuhei khi về tới nhà, bên bữa cơm gia đình, tưởng nhớ trong ký ức hình ảnh mẹ già trên đỉnh núi cao khiến ta vừa xót xa vừa ghê sợ cho cái tục lệ tàn nhẫn của một thời xa xưa. Cảnh cuối phim cũng là đoạn kết thúc bi thảm và phong phú nhất. Sự diễn tả lạnh lùng chân thực của nhà dàn cảnh Imamura tuyệt diệu, đoạn phim hầu như không đối thoại được lồng trong phong cảnh lập đông tuyệt mỹ, đơn giản nhưng trang trọng. Tình thương giữa bà mẹ can đảm, ý chí cao và người con trai gương mẫu thể hiện tinh thần tiêu biểu của người Nhật.

Lòng can đảm của bà Orin khi tuyết phủ mái tóc bạc tương phản với ông già hàng xóm hốt hoảng khóc than nghĩ tới cái chết lạnh lẽo trên đỉnh núi cao.

Giới phê bình điện ảnh Pháp nhiều người nhận xét, góp ý về La Ballade de Narayama vì nó được phát giải Palme d’or tại đất nước họ. Các nhà phê bình này nhìn nhận truyền thống tàn ác, một tục lệ man rợ nhưng họ lại thông cảm, cho đó là sự phù hợp với khó khăn trong hoàn cảnh người dân quê. Phong tục đòi hỏi sự hy sinh quên mình của các bậc cao niên tham gia tình thương miễn cưỡng nhưng đó là phương thức tốt để đổi lấy sự sống còn cho xã hội, một sự hy sinh cần thiết của người già để thế hệ sau đương đầu với thực tế khó khăn.

Nhà dàn cảnh Imamura diễn tả chu kỳ của đời người: sinh đẻ, yêu đương, tình dục, kiếm sống, bệnh tật, già nua và cuối cùng chết song song với những con vật trong tiến trình của đời người.

Một người Pháp nhận định về chủ đề cuốn phim: con người chỉ là con vật, nó phải hội nhập vào chu kỳ của thiên nhiên (les humains sont des bêtes et doivent s’intégrer au cycle de la nature).

Dù thông cảm cho hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn của làng thôn nhưng đoạn kết đã cho ta nỗi ám ảnh hãi hùng về sự tàn ác của phong tục đã một thời áp đặt trên những tấm thân già nua cằn cỗi. Khán giả không khỏi kinh hoàng khi theo chân mẹ con bà Orin lên đỉnh núi cao, nghĩa địa của người già tự bao đời với những bộ xương trắng vương vãi khắp nơi, những tiếng kêu ghê rợn của bầy quạ đen bên những xác người

Bốn phim Á đông kể trên đã làm sống lại những phong tục kỳ quái của một thời lạc hậu, bán khai xa xưa, nhưng một điều an ủi là tổ tiên chúng ta đã may mắn không bị là nạn nhân của những tục lệ áp bức tàn nhẫn như thế.

Trọng Đạt 

No comments:

Post a Comment

Người Việt Nam Giầu Tình Cảm

Ở Việt Nam 9 người dân nuôi một công chức. Ở Trung Quốc 170 người dân nuôi một công chức. Ở Nga 200 người dân nuôi một công chức. Ở Mỹ 4...