29 March 2023

Đôi Dòng Kỷ Niệm

Trần Bạch Thu

Trong tuần cuối tháng 2 năm nay, không thấy anh ra chỗ hẹn cà phê hằng tuần với anh em, tôi điện cho anh có để lại lời nhắn vì ít khi anh hồi đáp ngay, nhưng sau đó chừng mười phút anh có nhắn lại rằng “đang dưỡng bệnh ở thiền đường, khi nào khỏe sẽ gọi lại.” Thế mà vĩnh viễn anh sẽ không bao giờ gọi lại nữa. 

Tuần sau, ngày 5 tháng 3 anh em họp mặt đầu năm, tôi và các bạn định đến buổi chiều sau khi tan tiệc sẽ đi thăm anh, nhưng đã trễ .... Anh lúc nào cũng vậy, bạn bè thường hay bảo “con người bí hiểm”, mà bí hiểm thật. Đã đến nơi “chăm sóc cuối đời” rồi mà vẫn còn cho mọi người biết là đang ở thiền đường.

Thật ra không có gì bí hiểm cả, chỉ nói tránh đi thôi để mọi người không phải lo lắng. Anh sống chỉ để làm vui lòng người khác. Phần khó khăn nặng nhọc anh xin gánh hết. Khi Bác sĩ cho biết mình bị bệnh ngặt nghèo, anh quyết định từ chối điều trị và xin được chuyển ngay đến nơi chăm sóc cuối đời để được ra đi nhanh chóng. Đời có gì vui mà nấn ná cũng như anh không có gì để trăn trối. Tứ cố vô thân. 

Trước khi anh đi vào cơn hôn mê thật dài, có sự hiện diện của một số anh chị em thân cận với anh như cô Jackie Bông, anh Thiệu, anh Căn ... đang bàn tính góp quỹ lo hậu sự cho anh thì may thay ông Nguyễn Hữu Chánh xuất hiện và xin anh em đừng lo, ông sẽ chu toàn hết mọi sự.
        - Anh Phùng Minh Tiến là ân nhân của tôi.

Ông Nguyễn Hữu Chánh đã giữ lời hứa. Ngay sau khi nhân viên y tế báo anh đã qua đời, chỉ nửa tiếng đồng hồ sau, ông đã có mặt tại Hospice lo hoàn tất mọi thủ tục một cách nhanh chóng và mang di hài của anh đến nhà quàn để lo tổ chức tang lễ... 

Ngược dòng thời gian, tôi quen biết anh năm 1970 ở trường Hành chánh, hồi đó có một quán cà phê trước cổng trường bên kia đường, ngoài khách vãng lai và người trong xóm, còn đa phần là phục vụ cho sinh viên trong “ký túc xá” ra ngồi đồng mỗi buổi sáng, chừng hai, ba tiếng đồng hồ cho đến khi có lớp hoặc có việc mới rủ nhau đi. Chủ quán là một bà trung niên, xề xòa, quần áo luộm thuộm có con mắt trái hơi mài mại như “lé kim” nhưng rất dễ chịu, chỉ cần nói nhỏ “kẹt” không có tiền trả là cho ghi sổ thiếu hằng tháng mà không bao giờ nhắc. Hai vợ chồng có hai cô con gái tuổi xấp xỉ 15, 16 tuổi rất dễ thương.

Chúng tôi quen biết và thân nhau nhờ ra quán, tuy khác lớp và khác ban nhưng vẫn ra đây mỗi sáng. Chủ quán hầu như rất “ưu ái” với anh vì nét mặt hiền lành, thật thà giông giống như người nhà quê mới ra tỉnh, anh thường kể chuyện thật mà giống như chuyện “tàu lao” khiến cho bà ta thỉnh thoảng mĩm cười thích chí. Thật ra, anh ta có cách nói chuyện viễn vông, trên trời dưới đất không ăn nhập gì vào đâu với giọng nho nhỏ hơi khó nghe khác với những lời bình luận thời sự của các tay biện thuyết trong lớp nên từ đó anh bạn tôi trở thành như một hiện tượng lạ.

Đặc biệt anh luôn ăn mặc rất màu mè, lòe lẹt không giống ai, trông rất nổi bật, chỉ trừ khi lên lớp. Có lúc râu ria tua tủa không cắt tỉa nên càng giống như người nước ngoài, ở phương Tây mới đến. Mọi người chỉ biết anh người gốc gác ở Quảng Nam, ít khi nghe anh kể về gia đình mình và cũng không thấy anh về quê trong những kỳ nghỉ Hè, có thể xa xôi quá mà cũng có khi anh không muốn về. Chỉ vậy thôi.

Sinh hoạt chung lâu ngày tôi biết anh thiếu thốn mọi thứ, anh cùng với một số anh em tự nấu cơm ăn trong phòng, không đóng tiền cơm tháng ở câu lạc bộ. Điều nầy rất hiếm vì qua năm thứ hai, sinh viên được lãnh lương hàng tháng như công chức ngạch B nên tiền bạc rất thong thả, vậy mà anh vẫn còn có sổ ghi nợ dài nhằng ở ngoài quán “cà phê.”

Ra trường anh chọn nhiệm sở về Giám sát viện. Anh em hỏi sao không đi địa phương hay các Bộ sở quan khác. Anh trả lời về đây để có cơ hội xem “thấu” những góc khuất đời người hay mặt trái của cuộc đời để giúp đời chứ không phải để kết án ai cả. Anh luôn đứng về phía kẻ bị hàm oan hay yếu thế bị chèn ép. Có khi anh còn giúp đỡ tiền bạc để qua cơn khốn khó. Sau nầy có biết bao nhiêu người tỵ nạn ở đảo mang ơn anh.

Anh có thói quen rất hào phóng từ lâu, gần như không thay đổi cho đến ngày ra đi chuyến tàu cuối cùng của đời mình. Mới đây thôi, khi đi thăm Thầy Sỹ, anh em có dặn nhờ anh mua một ít quà và thức ăn chung với gia đình, anh rất rộng rải tìm mua “món ngon vật lạ” để đãi mọi người. Khi ra về, anh em hỏi tiền bạc bao nhiêu để chia nhau, anh bảo”chuyện nhỏ không tính để lần tới rồi tính.” Anh luôn luôn là vậy. Quí nhất ở chỗ là anh không dư dả gì, nhưng qua tiếp xúc bao giờ anh cũng nhận là mình rất thong thả và muốn chia xẻ với mọi người.

Cùng thời với những người khai sáng nên danh xưng thủ phủ Little Saigon, đồng thời anh cũng là nhà đầu tư địa ốc rất sớm trong khu Phước Lộc Thọ mà cho đến nay anh vẫn nghèo, chỉ giàu ân nghĩa với anh chị em “Hiệp Hội Tiểu Thương” vùng Little Saigon.

Hồi cuối năm vừa rồi có một dự án viết về lịch sử “Phố Bolsa” (hay Little Saigon) do tập thể phóng viên báo chí ở Quận Cam thực hiện đã phỏng vấn một số người cố cựu ở đây như Triệu Phát, Du Miên, Nam Lộc, Tony Lâm ... họ hẹn với tôi sẽ sắp xếp một buổi phỏng vấn có ghi âm với anh cùng với bộ sưu tập về hình ảnh cũng như tư liệu mà anh sở hữu. Nhưng ra Giêng anh không được khỏe, phần dịch covid cũng chưa ổn định lắm nên hẹn lần, hẹn lửa cho đến nay thì thôi đành vắng anh.

Sinh thời anh làm thơ rất nhiều đăng rải rác khắp nơi, có khi các đặc san xin trích thơ anh đăng lại, anh luôn sẵn lòng, nhưng chưa bao giờ anh có ý định ấn hành riêng một tập thơ nào cả, chỉ in chung với các anh em văn nghệ sĩ là đủ. Anh thường hay cho rằng “còn sáng tác là còn sống.” Thế thôi, không sưu tập in ấn làm gì cho “thêm mệt.” Gắn liền với tên tuổi của anh là bài thơ rất hay, rất nổi tiếng nhuốm mùi thiền, tựa đề là “Đôi Nẻo Có Không.”

Anh không lập gia đình, sống đời lẻ bóng nhưng không sầu cô độc vì anh luôn vui vẻ, kết thân với hết thảy mọi người. Đôi lúc nghe anh kể chuyện bồ bịch mà tưởng chừng như chuyện xảy ra ở cõi nào đâu chứ không phải ở thế gian nầy. Anh làm quen với mọi người một cách rất dễ dàng vì bản tính chân thật và khiêm tốn, ít có xung đột với ai. Đi nhiều nơi, chơi với nhiều người nhưng ít khi tranh luận gay gắt, cùng lắm là bỏ đi thôi chứ không nặng lời.

Trong sinh hoạt cộng đồng anh luôn là người đi tiên phong trong các phong trào đủ mọi loại từ những ngày đầu mới đặt chân đến Hoa Kỳ. Thoạt đầu anh làm phụ tá văn phòng Luật sư lo các dịch vụ cho người tỵ nạn ở địa phương rồi sau đó mở một trong các cơ sở in ấn đầu tiên ở Quận Cam, đồng thời đầu tư và kinh doanh ngành địa ốc. Anh là Tổng Thư Ký Ủy Ban Thành lập và Phát triển khu Little Saigon, Thủ Phủ của người Việt tỵ nạn từ khởi sự cho đến lúc hoàn thành.

Anh đi nhiều nơi tham dự nhiều hội nghị quốc tế về người tỵ nạn trong vai trò cổ động và tuyên truyền, có lần anh đi vận động tranh cử cùng với bà Bộ trưởng Elaine L. Chao mà anh còn lưu lại một tấm hình chụp thật đẹp. Nhưng anh chưa bao giờ về Việt Nam. Hỏi anh vì sao? Anh trả lời “Có gì vui.” Bước qua tuổi 70 anh thường hay tán thán “10 năm vô tích sự.”

Nay thì anh đã sống thêm được hơn 10 năm và bây giờ là ngàn thu vô tích sự.

Tiễn anh tôi đọc lại bài thơ cũ của anh mà ngậm ngùi ...

“Có cũng về
 
Không cũng về

Thanh xuân ngày cũ xa biền biệt

Dừng lại bên sông gió não nề.”  
(PMT)
        
Vĩnh biệt Anh.
Trần Bạch Thu
         
26-3-2023

28 March 2023

Người kỹ sư trẻ gốc Việt và nước mắm cá hồi tinh khiết


Tác giả: PHẠM TÍN AN NINH

Người ta thường nói, người Việt đi đâu cũng mang theo quê hương. Câu nói ấy mang một ý nghĩa trừu tượng có tính văn hóa. Tuy nhiên có một thực thể mang biểu tượng đặc thù quê hương của hầu hết người Việt hải ngoại chính là nước mắm. Thiếu nước mắm trong bữa ăn của một gia đình người Việt là thiếu vắng cái hương vị đậm đà mang tính dân tộc, mất đi một di sản của văn hóa ẩm thực Việt. Vì vậy người Việt dù lưu lạc bất cứ nơi nào trên địa cầu đều có nước mắm đi theo. Đặc biệt sau ngày 30 tháng 4, 1975 khi có hằng triệu người Việt bỏ nước ra đi, định cư tại nhiều quốc gia xa lạ, các ngôi chợ Việt nam nhanh chóng được hình thành để đáp ứng nhu cầu ẩm thực, và chợ nào cũng có các quầy chưng bày đủ loại nước mắm, từ các nhãn hiệu trong nước cho đến những nhãn hiệu được ghi là Made in Hong Kong, Taiwan, Thailand… (?).

Mãi đến đầu năm 2017, lần đầu tiên cộng đồng người Việt ở Na Uy nghe nói đến cái tên khá lạ: Nước Mắm Noumami. Đây là loại nước mắm rất đặc biệt tinh khiết, được sản xuất ngoài Việt Nam, tại Vương Quốc Na Uy, một đất nước Bắc Âu có bờ biển dài hướng ra Bắc Đại Tây Dương cùng nhiều sông hồ, băng tuyết, và đời sống người dân luôn được đánh giá cao nhất hoàn cầu. Lợi tức chính của đất nước này, ngoài dầu hỏa, thương thuyền, khoáng sản, phải kể đến thủy sản, Đặc biệt cá hồi (Salmon) và cá tuyết (Cod) của Na Uy nổi tiếng từ lâu đời trên thế giới.

Và đến nay, nước mắm cá hồi, cá tuyết mang nhãn hiệu Noumami Made in Norway đang có mặt trên thị trường Âu Châu và nước Mỹ. Điều đặc biệt, đây lại là sản phẩm của một thanh niên Việt Nam tỵ nạn Cộng Sản.

Người có sáng kiến và can đảm đứng ra nghiên cứu, sản xuất loại nước mắm đặc biệt này là anh Trung Nguyễn (Nguyễn Văn Trung), kỹ sư chuyên về Kỹ Thuật Biến Trình Hóa Học (Master Engineering of Chemical Process technology), tốt nghiệp từ NTNU (Norwegian University of Science and Technolog), một đại học danh tiếng hàng đầu của Na Uy

Cùng gia đình vượt biển đến Malaysia năm 1989, được nhận sang định cư tại Na Uy vào giữa năm 1991, thời gian đầu Trung sống cùng gia đình ở thị xã Tønsberg, sau đó chuyển lên Trondheim để theo học đại học NTNU.

Cuối năm 2003, sau khi tốt nghiệp kỹ sư về Kỹ Thuật Biến Trình Hóa học, Trung Nguyễn di chuyển xuống Stavanger, thành phố dầu hỏa cực Nam Na Uy, làm về dầu khí (O & G) cho nhiều hãng dầu trước khi bắt đầu dự án nước mắm và mở hãng Noumami vào tháng 3, 2017.

Cơ duyên và ý tưởng làm nước mắm

Vào khoảng giữa năm 2016 Trung Nguyễn tình cờ đi dự một cuộc hội thảo về ngành cá và thủy sản Na Uy khi họ mời rất nhiều chuyên viên bên ngành dầu khí đến tham dự. Mục đích của cuộc hội thảo này nhằm kêu gọi ngành dầu khí hỗ trợ, hợp tác để nâng cao kỹ nghệ cá và thủy sản Na Uy, vì ngành cá và thuỷ sản là một kỹ nghệ đã có từ lâu đời, với một nguồn tài nguyên lớn lao, hầu như vô tận nhưng chưa có được một công nghệ qui mô như ngành dầu khí.

Anh đi tham dự hội thảo chỉ vì… ham vui, muốn biết thêm một kỹ nghệ của Na Uy, chứ thật ra không có mục đích gì, khi nghĩ rằng khả năng một vài người, hay một vài nhóm cũng chẳng thay đổi được điều gì. Hơn nữa biết người Na Uy khá thủ cựu và bảo thủ trong công nghệ, kỹ thuật, khó tiếp nhận một phương thức quá mới lạ chưa được thử nghiệm và qua sử dụng, ngoại trừ khi có riêng một sản phẩm hoàn toàn mới.

Mà một sản phẩm mới thì quá phức tạp, nhiêu khê, nên ý nghĩ này vừa thoáng qua, anh liền gạt bỏ ngay. Tuy nhiên có cái gì đó vẫn cứ ở mãi trong đầu, thôi thúc, cần phải làm cái gì có giá trị cho mình và cho xã hội Na Uy, nơi đã cưu mang mình cùng gia đình và rất nhiều đồng hương khác; đặc biệt khi nghe số lượng khổng lồ về cá, trong khi sản phẩm từ thủy sản thì rất “nghèo nàn”, ít ỏi, chưa được khai thác đúng mức cũng như những khó khăn, bất cập, thử thách về cá và thủy hải sản Na Uy…

Một vài tuần sau đó, trên đường lái xe về thủ đô Oslo thăm con… trong lúc rảnh rỗi (sinh ra nông nổi như lời anh diễn tả), Trung Nguyễn chợt nghĩ đến nước mắm hình như chưa ai ở đây làm qua, nên sau khi về lại nhà, anh bắt đầu tìm hiểu, tra cứu.

Và đúng như vậy, vào năm 2016 thì chưa có một hãng nước mắm nào sản xuất ngoài Á Châu, và điều làm anh hứng thú, thôi thúc để bắt tay vào dự án này lại chính là nỗi “hổ thẹn”:

Một người Việt, được ăn nước mắm từ khi còn nằm trong bụng mẹ, nhưng bản thân cùng rất nhiều bạn bè chưa từng được ăn qua nước mắm thật 100% từ cá một lần nào.

Đây là một vô lý, nghịch lý vô cùng, nhưng lại đang xảy ra.  Vì là người Việt ai cũng biết nước mắm là một món ăn không thể thiếu và cũng chính nước mắm tạo nên sự khác biệt của ẩm thực Việt Nam so với ẩm thực của các quốc gia Á Châu khác…

Theo thống kê mà TrungNguyễn đi tìm và tính toán được thì khoảng 90% nước mắm đang bán khắp thị trường là nước mắm công nghiệp (tên đẹp, nhưng nói cách khác là nước mắm giả) và khoảng 10% là nước mắm làm theo truyền thống, nhưng vì cạnh tranh quá khốc liệt với nước mắm công nghiệp nên đã phải pha  chế lại, và theo anh nghĩ thì khoảng 20 năm nữa ngành nước mắm truyền thống sẽ mất đi, vì:

– Nguồn nguyên liệu (cá) cạn kiệt vì đánh bắt vô tội vạ không có quy hoạch

– Dân số tăng lên, theo đó nhu cầu cũng tăng theo

– Cá được sử dụng nhiều ở những sản phẩm khác và xuất khẩu để kiếm lợi nhuận.

– Nhiều nơi trên thế giới đã biết đến nước mắm và các nhà hàng Việt mọc lên khắp nơi ở phương Tây, nên nước mắm trở thành nhu cầu không thể thiếu.

Tuy nhận biết những điều trên, nhưng khi bắt đầu nghiên cứu cách lên men truyền thống để ủ thì anh gặp nhiều khó khăn mà không có cách giải quyết ở thời điểm ban đầu, nên anh đã muốn bỏ cuộc nhiều lần, vì:

– Na Uy lạnh quanh năm, không có nắng và thời tiết như Việt Nam, nên không phải là môi trường tối ưu để làm nước mắm

– Tất cả các loại cá ở Na Uy chưa từng được áp dụng để ủ, chưa từng có truyền thống hay kinh nghiệm. Cá Na Uy lại nhiều dầu mỡ, dễ ôxy hoá, phức tạp hóa quá trình ủ và khi thành phẩm

– Vì cá Na Uy chưa từng được làm nước mắm, nên cần một kỹ thuật hoàn toàn mới

– Luật lệ khắt khe trong sản xuất và kiểm định thực phẩm (Na Uy tuy thuộc Âu châu, nhưng không thuộc Liên Minh Âu châu (EU) nên Na Uy thường khắt khe, khó hơn luật Âu Châu để có uy tín giao thương với Châu Âu, đặc biệt trong lãnh vực sản xuất thực phẩm.)

Tháng 3, 2017, sau khi đã có những kế hoạch với kết quả tạm thời, cùng với sự ủng hộ của gia đình, Trung Nguyễn mở xí nghiệp Noumami. Mục đích là không muốn mình “quay đầu” khi gặp phải khó khăn, mà chỉ có tiến thẳng khi gặp trở ngại, thử thách. Đây lại là một quá trình dài mà có lẽ trong giới hạn bài viết, không đủ để trang trải hết…

Lý tưởng

Thông thường người ta xác định là phải có mục tiêu để theo đuổi thì mới đến được thành công. Trung Nguyễn lại nghĩ rằng,  tuy chưa có gì là thành công, nhưng nếu mục tiêu không có giá trị thì cũng chẳng mang nhiều ý nghĩa. Chính lý tưởng mới là điều giúp anh vượt qua những khó khăn, những lúc mệt mỏi và tồi tệ nhất.

Nhờ có sự cố gắng, nỗ lực, cùng sự khuyến khích giúp đỡ từ nhiều anh em, người thân, bạn bè cùng chung chí hướng nên Trung Nguyễn đã gầy dựng Noumami được phần nhiều vào giữa năm 2019.

Năm 2019, khi một hãng cá lớn ở Na Uy biết Trung Nguyễn đang làm dự án này, qua vài lần thăm viếng, quan sát thương thảo, họ chấp nhận đầu tư để anh tiếp tục hành trình.

Năm 2020, với sự giúp đỡ của hội đoàn cá Pelagic, nên Quỹ Nghiên Cứu Thủy Sản của Na Uy đã  tài trợ cho Viện Nghiên Cứu Nofima để họ có thể giúp, hỗ trợ Trung Nguyễn và Noumami.

Noumami với định vị là dòng nước mắm cao cấp được làm từ cá hồi, cá tuyết và nhiều loại cá khác được khai thác từ vùng biển Na Uy, đây được xem là nơi có cá hồi, cá tuyết ngon nhất thế giới, là nước mắm nhĩ thật 100%, tiêu chuẩn cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng tuyệt vời, không hóa chất, phụ gia, với sự đánh giá của Nha Kiểm Định Thực Phẩm Na Uy, một cơ quan kiểm định có tiếng khắt khe bậc nhất hoàn cầu.

Hiện nay Noumami, đang có mặt tại thị trường Âu Châu và Hoa Kỳ (qua nhà phân phối –  hệ thống chợ Thuận Phát), được đồng hương người Việt đánh giá cao và ủng hộ. Trong vài tuần tới, cũng sẽ có mặt tại các siêu thị Úc Châu và Canada. Điều đặc biệt lý thú hơn, khi nước mắm Noumami (có khả năng) xuất hiện trong các bữa ăn của người Na Uy bản xứ.

Tuy nhiên vì là những sản phẩm đầu tay lại được áp dụng kỹ thuật mới nên chắc chắn có nhiều thiếu sót chưa hoàn chỉnh, do đó toàn bộ đội ngũ Noumami của Trung Nguyễn, cùng viện nghiên cứu Thủy Sản Na Uy đang có mặt trong dự án này, hết sức nỗ lực để mỗi một ngày một tốt hơn hầu làm vừa lòng, đáp ứng sự ủng hộ của  đồng hương Việt Nam cùng mọi người khách tiêu dùng.

Thế hệ trẻ người Việt hải ngoại đã rất thành công và đóng góp nhiều sáng kiến, phát minh đáng kể. Kỹ sư Trung Nguyễn, với nước mắm Noumami cũng là một đóng góp thực tiễn và lý thú cho nhu cầu của hầu hết người Việt hải ngoại trong đời sống hằng ngày, là một cách duy trì hồn Việt trong ẩm thực. Rất đáng được hoan nghênh và ủng hộ.

PTAN
(Viết từ Vương Quốc Na Uy)

27 March 2023

QGHC vùng Ontario, Canada họp mặt

Hội Cựu SV QGHC vùng Ontario, Canada có buổi họp mặt đầu năm vào ngày Thứ Bảy, 18/3 tại nhà anh chị Nguyễn Văn Tiết. 


Từ trái: A/C Phạm Quang Hải (ĐS17), Anh Võ Phi Hùng (ĐS14), Anh Nguyễn Văn Tiết (ĐS10), Một thân hữu, Anh Nguyễn C K Nam (ĐS 20), Chị Nguyễn Thị Lan (TS 4), A/C Đỗ Văn Siêng (ĐS 19). Anh Nguyễn Thế Vĩnh (ĐS 14) "vô hình" vì đang bấm máy. Một số anh chị không tới được vì thời tiết hoặc sức khoẻ không cho phép. Thật đáng tiếc.

Lần họp mặt nào chị Lan cũng "nổi cộm" vì những mẩu chuyện khiến cả nhà cười lăn lóc, vang dội muốn bể cửa kiếng luôn. Vui ơi là vui !!

VỜI VỢI, thơ

Quê nhà tôi ơi, muôn trùng vời vợi
Một ngày về, nào ai đợi được đâu
Bốn hai năm rồi, thật đã quá lâu
Và phải đợi đến ngày nào đây nữa.!

Mấy hôm nay, Ca li mưa mờ mịt
Những sợi mưa sao y hệt Việt Nam
Quê nhà tôi ơi, xa mấy mươi năm
Nhớ da diết, biết làm sao quên được.

Nhớ, nhớ quá những cơn mưa ngày trước
Thuở còn thơ đòi chạy ra tắm truồng
Mẹ luôn nhắc: “đừng tắm lâu bị lạnh”
Nay còn đâu ngào ngọt tiếng yêu thương!

Nhớ làm sao,ôi thật nhớ vô cùng
Những cơn mưa vùng đất đỏ Bình Long
Cùng đồng đội vẫn luôn ghì tay súng
Ôi,bạn bè xưa giờ biết còn không.

Tôi lại nhớ những ngày trong trại tù.
Nước mất nhà tan,trĩu nặng niềm đau
Cá nhân bé nhỏ,rồi sao cũng mặc
Chỉ buồn đau, đất nước sẽ về đâu.!!!

Bốn hai năm,tóc bạc màu sương gió
Bốn hai năm, dân tộc mất tự do
Trong đêm đen, bình minh chưa ló dạng
Và biết đâu,ngày bắc thuộc không xa.
Quê nhà tôi ơi, muôn trùng vời vợi
Vận nước tới hồi,vẫn mãi nổi trôi
Đàn con viễn xứ,lạc loài đất khách
Chẳng lẽ ly hương đến phút cuối đời!?

-Cảm xúc nhửng ngày mưa tại Cali-2017
- Hoài Việt

16 March 2023

14 March 2023

Điểm sách "Đã Hơn 30 Năm Rồi" của Tác giả Huỳnh Văn Lang

Nhân tin Cụ Huỳnh Văn Lang vừa qui tiên ở tuổi 101 (12-3-2023), để tưởng nhớ một nhân sĩ chống cộng kiên cường, tôi xin chuyển lại bài điểm tác phẩm “Đã hơn 30 năm rồi (VN du ký 2006)” của Cụ, nội dung toàn là việc thật người thật chẳng khác nào một bản cáo trạng trước tòa án lịch sử, chuyện kể cách nay mười sáu mười bảy năm rồi, một số sự kiện có nhiều thay đổi, nhưng đó chỉ là hiện tượng song bản chất vẫn trước sau như một.

Trân trọng
lvt

**

Xã hội Việt Nam ngày nay được nhiều người, ngoại quốc lẫn Việt Nam quan tâm, soi rọi đủ mọi khía cạnh (xã hội, văn hóa, kinh tế, chánh trị, …)

Dựa vào các con số thống kê, thăm dò dư luận, .., cái nhìn của người ngoại quốc khá khoa học, tuy nhiên vẫn còn nhiều mặt hạn chế nhứt là thuộc các lãnh vực siêu hình. Xã hội Việt Nam khá phức tạp, không phải là người Việt thì khó hiểu thấu nổi.

Nói thế, không có nghĩa là nhận xét của bất cứ người Việt nào cũng đều có giá trị, thói thường thì yêu nên tốt ghét nên xấu, đó là chưa kể có hậu ý, ngoài ra cũng còn tùy thuộc nhiều yếu tố chủ quan khác, giới áp phe thì ăn nói sao cho thuận tiện công việc kinh doanh, giới ăn chơi thì ngụy trang bản năng hưởng thụ, … Vậy muốn lượng giá một tài liệu, một ý kiến, việc tìm hiểu về tác giả là điều không thể thiếu.

Trong cuốn sách nhan đề Đã hơn 30 năm rồi (VN du ký) vừa được ra mắt tại Mỹ hồi tháng tám vừa qua, tác giả Huỳnh Văn Lang đã điểm lại mọi diễn biến xã hội VN trong suốt ba thập niên qua.

Theo phần giới thiệu in ở bìa sau, tác giả sanh năm 1922 tại Trà Vinh, cựu Giám đốc Viện hối đoái quốc gia (1955-1962), cựu giáo sư đại học Sư phạm Sài gòn, sáng lập viên hội Văn hóa bình dân, tạp chí Bách khoa, Đại Á ngân hàng, đã viết một số sách (Cờ bạc, Chuyện đường rừng, Nhân chứng một chế độ, Những sự kiện lịch sử và các công chúa sứ giả Trung hoa và Việt Nam), định cư ở Mỹ từ năm 1975.

Được biết thêm trong sách: Lúc ký Hiệp định Genève về Việt Nam năm 1954, tác giả đang du học ở Mỹ, đã tham gia biểu tình chống việc chia đôi đất nước ở trước tòa Bạch ốc (Washington DC) và trụ sở Liên hiệp quốc (New York), được Thủ tướng Ngô Đình Diệm gọi về tham gia chánh quyền, sau khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ năm 1963, ông «bị chế độ «người lính cai trị» bắt giam, trước sau 3 năm»» (tr 122), không thấy nêu rõ lý do nhưng chắc không phải thuộc loại «cận thần»: ông Diệm «cất chức Giám đốc VHĐ của tôi cuối năm 1962, tất cả chỉ vì ghen ghét xu nịnh, .. (tr 103), vợ ông gốc người miền Bắc.

Vốn kiến thức uyên bác, nhiều kinh nghiệm hoạt động trong giới kinh tài, lại theo dõi sát mọi biến chuyển xã hội trong nước, tuy không làm các cuộc thăm dò dư luận đúng nghĩa, tác giả đã lặn lội tìm hiểu qua các mẫu người tiêu biểu, chứng kiến các cuộc sống đời thường từ thôn quê đến thành thị, khéo léo «moi» tin tức ở mấy người quen đang có ảnh hưởng ít nhiều đối với guồng máy cai trị, hoặc trích dẫn những phát biểu của một số chứng nhân, phân tích những dữ liệu chính thức, tóm lại là «nói có sách, mách có chứng».

Nhiều đoạn trong sách đặt lại vấn đề «giải phóng miền Nam», dựa vào các chứng cứ cụ thể, với lập luận vững chắc, tác giả khẳng định là miền Bắc xâm lăng miền Nam: «người Nam người Bắc tôi nói ở đây không phải là theo nghĩa địa lý Nam kỳ Bắc kỳ, mà là theo nghĩa ý thức hệ, nghĩa văn hóa .. Như thế phải kể Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, Võ Văn Kiệt, bà Định, bà Bình, Mai Văn Bộ, vân vân và vân vân là người miền Bắc, dù sanh đẻ ở Nam kỳ lục tỉnh, nhưng vì họ đã thuộc văn hóa miền Bắc, văn hóa Mác-Lêninít mà HCM nhập cảng từ nước ngoài. Vì thế mà sau 15 năm đem «Mặt trận giải phóng» phục dịch miền Bắc, mưu đồ đô hộ miền Nam, đến khi Mặt trận giải phóng bị bức tử họ cũng chẳng một lời phản đối. Đối với miền Nam chính họ là Việt gian, chẳng khác Việt gian theo thực dân Pháp» (tr 225) 

Theo tác giả: «Dưới chiêu bài giải phóng miền Nam, miền Bắc đã đánh chiếm miền Nam, mà Jean Lacouture gọi là autocolonisation (tự thuộc địa hóa hay tự đô hộ), người viết lại cho là phân nửa dân tộc này (miền Bắc) đô hộ nửa dân tộc kia (miền Nam) mới đúng hơn. … Miền Bắc đã hãm hiếp và cướp người cướp của dân miền Nam một cách trắng trợn và đại qui mô. Ai đã nói cho tôi biết?

Bạn tôi là nhà văn Nguyễn Hiến Lê -một bỉnh bút của tạp chí Bách khoa –xưa nay vẫn thân cộng và trông CS miền Bắc vào giải phóng miền Nam cho nhanh như anh viết trong Hồi ký của anh (tập ba) để chấm dứt những tệ đoan ở miền Nam. Sau tháng tư 1975, anh  ở lại và đã chứng kiến miền Bắc cướp bóc miền Nam như thế nào: .. đang đêm quân đội tới bắt dọn đồ đạc ra ngoài đường để chúng chiếm nhà, tỉnh ủy (hay thị xã ủy) ra lệnh bắt mấy trăm gia đình ở trong những cư xá cất từ thời Ngô Đình Diệm chung quanh dinh hành chánh tỉnh phải dời đi chỗ khác để nhà lại cho cán bộ cách mạng ở, mà không được bồi thường gì cả, mặc dù họ đã làm chủ căn nhà của họ từ mấy chục năm rồi (trả hết tiền xây cất rồi)» [tr 35, tập 3] (tr 241)

«Để bổ túc công tác cướp bóc miền Nam, đảng CS mở chiến dịch «đánh tư sản». Trong chiến dịch nầy, người Trung hoa bị thiệt nhiều hơn người Việt, bao nhiêu vàng bạc của họ tích lủy xưa nay gần như hoàn toàn bị tịch thu, … mạnh ai nấy lấy, chia chác cho nhau, … không biên nhận, không vào sổ. Làm sao biết được nhà nước thu nhập bao nhiêu và bao nhiêu vào tay tư nhân cán bộ? … Tối lại, cán bộ chánh quyền tổ chức những vụ cướp có súng, bắt đầu những gia đình Trung hoa giàu nhứt. Đó là những vụ cướp có súng có hệ thống. Ai vô đó thử hỏi? «Ngụy» ư? Ngụy đang trốn chui trốn nhủi, lo vượt biên, làm sao dám ra đường mà đi ăn cướp!» (tr 244), «Kinh nghiệm của tôi: Đại Á ngân hàng, trụ sở trung ương ở đường Nguyễn Công Trứ có 800 hộp sắt (safe) để khách hàng thuê cất giữ vàng bạc, đồ trang sức quý giá cũng như những giấy tờ quan trọng của gia đình. Đầu tháng 5 -1975 có xe camion của CS gởi đến, cho lệnh giám đốc Võ Văn Hải mở hầm và trao chìa khóa, để rồi năm sáu cán bộ tràn vào tha hồ hốt bỏ vô bao, không kiểm điểm, không một tờ giấy ký nhận và mang đi, cũng không biết mang đi đâu.

Một thủ đoạn ăn cướp nữa cũng không kém phần ngoạn mục là 2 lần đổi bạc, 1975 và 1978. … Theo thể thức đổi bạc, mỗi gia đình được đổi một số tiền nhứt định theo số đầu người trong gia đình, tức là muốn san bằng tư sản trong xã hội. Công bằng mà! Nhưng không có vậy, hoàn toàn không có vậy, vì luật cho phép các công sở được đổi tiền không có giới hạn. Thế thì các giám đốc, các chủ nhiệm, các thủ trưởng thay mặt cho cơ quan mình muốn ghi bao nhiêu, muốn đổi bao nhiêu cũng được, để rồi đem số sai biệt với sổ sách (sống) đem đổi ra số sai biệt (chết) của tư nhân, mà số sai biệt chết này chỉ được tính còn 20 % 30 % với giá chánh thức.» (tr 245)

«Đến phong trào vượt biên, cũng là cơ hội bằng vàng, đúng là vàng vì luôn luôn tính bằng cây. … có lắm trò để lấy vàng của thuyền nhân. Thứ nhứt cho ghe thuyền nhổ neo ra khơi mới ụ còi chạy theo hoặc chận bắt hay bắn cho chìm. … Tịch thâu những cây vàng giấu trong áo, nhứt là trong quần, … Thứ đến còn dã man hơn nữa, chính cán bộ CS đứng ra tổ chức vượt biên để thu góp những cây vàng «vô tội» lần đầu, để rồi chính họ trực tiếp hay gián tiếp phá vở tổ chức vượt biên, một lần nữa thu góp những cây vàng «tội phạm» (tr 246)

«Từ ngày đổi mới có một hình thức ăn cướp đất nhà nghèo bán cho nhà giàu là khi những công ty ngoại quốc đầu tư vào VN. … Ví dụ một nhà đầu tư ngoại quốc muốn đầu tư vào VN. Trước hết là xin mua hay thuê một miếng đất .. Tất nhiên phải qua cơ quan đầu tư nước ngoài của nhà nước … Một khi đã thỏa thuận thì chánh quyền sẽ liên lạc với người địa phương để mua lại khu đất đã chọn đó, nhưng công ty nước ngoài không bao giờ trực tiếp với các sở hữu chủ, mà phải qua tay cơ quan nhà nước. Đó là vấn đề! Mua bán hay chuyển nhượng đất đai phải theo giá nào? Tất nhiên là phải theo giá của nhà nước, không bao giờ theo giá thị trường. Vậy ai là người định đoạt giá phải trả bao nhiêu cho các chủ nhân đó. Tất nhiên là cũng do cơ quan nhà nước. Và hiện giờ khi tôi viết bài nấy thì chánh quyền quyết định là phải trả cho các chủ nhân người thì 15%, người thì 20% giá thị trường. Vậy giá nhà nước bán lại cho công ty nước ngoài bao nhiêu, đố trời mà biết được? Bao nhiêu? và ai lấy số tiền sai biệt giữa giá công ty phải trả và giá tiền chủ nhân được lãnh.» (tr 248)

Về việc cướp đoạt tài sản tư, hai trường hợp điển hình đáng ghi nhận (theo lời ông Bùi Kiến Thành (*), đó là bản án ông Minh Phụng (tử hình) và bản án ông Trịnh Vĩnh Bình (mươi năm tù và tịch thu tài sản), tác giả kể:

- «Anh chua lý do là không «play the rules of the game» (không giữ luật chơi), chính tiếng anh nói. … Minh Phụng được vay quá nhiều tỷ bạc mà bảo đảm là đất điền (collateral) không có giá trị tương xứng, cơ quan điều tra cho là có hối mại quyền thế, mà số bạc lên tới mấy chục tỷ, đáng tội chết. Theo anh Thành thì giá trị của bảo đảm Minh Phụng lúc đem nộp thì có đủ giá trị để bảo đảm, nhưng sau đó vì một quyết định của chánh quyền, như làm một con đường băng qua đất, hay xung công để làm công viên gì đó, tất nhiên ngày một ngày hai collateral mất giá một cách kinh khủng, như từ trăm xuống còn một. Sau khi Minh Phụng bị bắn rồi, kế hoạch xung công hay chiếm hữu gì đó của chánh phủ bị chánh quyền mới bỏ đi, lập tức giá collateral nhảy lên trở lại còn cao hơn trước, như từ một trở lên 200. Chừng ấy thì Minh Phụng chết từ lâu rồi! …Chuyện của Trịnh Vĩnh Bình thì người ta nói vì tham nhũng không được thỏa mãn. Vốn ông Bình, có quốc tịch Hòa Lan, đầu tư vào đất điền, .. trong thời gian ngắn ông Bình thu nhập thập bội vốn ông bỏ ra, nhưng ông Bình không chịu chi cho chánh quyền địa phương. Ngày một ngày hai, chánh quyền địa phương hình thành một vụ tố tụng: thủ đắc bất động sản bất hợp pháp và đầu cơ đất đai. … Làm như ông bị án tù 10 năm và tịch thu tài sản. Nhưng ông không ở tù một ngày nào cả, có thể chánh quyền lo cho ông ra đi, chỉ muốn tịch thu tài sản thôi.» (tr 122) và một trường hợp của chính người nhà của tác giả:

- «Chị bạn Nguyễn Thị M., chồng người Mỹ chết để lại cả một gia tài, gửi con gái tên Jane cho tôi nuôi, cho đi ăn học, để chị mang tiền về VN hùn hạp với cán bộ cao cấp làm ăn trong ngành mua bán lúa gạo, mua từ Rạch giá bán về Hải phòng. Trong 3 năm, công chuyện làm ăn đang phát đạt thì một ngày nọ chị được mời lên công an làm việc và bị giữ lại, tố cáo chị về tội gian lận, vì gạo gửi về Hải phòng có trộn trấu nhiều quá. Tài sản chị bị tịch thu, chị bị án tù, phải nhờ luật sư từ Mỹ sang Hà nội giải thoát. Đúng là chị mất chì lẫn chài. Về lại Mỹ gặp tôi. … Chị giải thích: Tôi mua lúa gạo từ tay hợp tác xã do cán bộ CS quản lý, bán về Hải phòng cũng do cán bộ CS quản lý, nếu có gian lận là hợp tác xã ở Rạch giá. Đó là lý do chị được thả, khỏi ở tù. Sự thật theo chị M. là giữa họ với nhau có sự đồng lõa cướp giựt một doanh nghiệp quá béo bở, để giao cho vợ con họ làm ăn …» (tr 124) 

Đúng là chơi dao có ngày đứt tay!

Việc coi tài sản công như «của chùa» đang là đề tài thời sự nóng bỏng (tuy chẳng mới mẻ gì, chẳng qua là chưa dàn xếp sòng phẳng giữa phe cũ và phe mới lên cầm quyền), nhờ bươi móc ra nên bàng dân thiên hạ mới biết Lê Đức Thúy (Thống đốc ngân hàng nhà nước), Hoàng Văn Nghiên (nguyên chủ tịch UBND Hà Nội), Phan Văn Vượng (nguyên phó chủ tịch UBND Hà Nội), … chuyển tài sản công thành tài sản tư, nhiều lời chạy tội của các bậc «dân chi phụ mẫu» thoạt nghe tưởng đùa: "Công ty quản lý nhà gửi công văn xuống yêu cầu tôi nếu có nhu cầu mua nhà thì làm đơn. Và tôi đã làm đơn. … Nhà nước quyết như thế nào là mình thực hiện chứ mình đâu có quyền muốn như thế này, muốn thế kia." (Hoàng Văn Nghiên trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong, theo BBC 2-10-06 ), hay Đỗ Mười: “Tôi không muốn dùng ôtô sang trọng, đắt tiền nhưng Ban Tài chính quản trị trung ương đòi hỏi tôi phải nhận, lấy cớ các cấp bên nhà nước có xe sang trọng thì cấp cao bên Đảng không thể từ chối”. (phát biểu trong hội nghị nghiên cứu nghị quyết Đại hội lần VIII ngày 5-3-1997), gần đây nhứt là vụ cứu trợ nạn nhân bão lụt, «Bão Xangsane tàn phá khốc liệt miền Trung. Nhà nước hỗ trợ miền Trung 50 tỉ đồng …trong đó Quảng Ngãi được hỗ trợ 5 tỉ đồng, Quảng Trị 3 tỉ đồng. Thế nhưng hai ông lãnh đạo mới về hưu đã có tiêu chuẩn xe công phục vụ suốt đời, vẫn tưởng xe của hai ông dùng còn tốt, tiếp tục được dùng, nhưng Nhà nước lại mua cho mỗi ông một xe mới giá 2,5 tỉ đồng/xe. Hai xe là 5 tỉ đồng (bằng tiền hỗ trợ bão lụt cho Quảng Ngãi, gần gấp đôi tiền hỗ trợ cho Quảng Trị).» (Báo Tuổi trẻ 4-10-06 : Bài Nhà công - xe công - đất công: Nước trong phải từ nguồn... của Thái Duy)

Những tiết lộ trên chỉ là phần nổi của tảng băng sơn, phần lớn là «hạ cánh an toàn»: «Có nhà văn lý giải cụm từ nầy như là nhiều bầy kên kên, thay phiên nhau bầy nầy lên bầy kia xuống để xử lý một cái xác chết. Nhưng chưa đúng hẳn, vì ngược lại phải lý giải như là một phi đoàn phản lực cơ từ trên xuống. Vốn các ủy viên nắm chánh quyền từ cấp huyện cấp tỉnh cấp thành, cả cấp trung ương đều có nhiệm kỳ 5 năm. Trong 5 năm đó phải biết ăn bẩn như kên kên và từng bầy như phi đoàn, khi nào xong phi vụ phải biết bay về căn cứ, «hạ cánh an toàn», tức là về hưu đúng lúc … » (tr 253)

  Nhìn những khu nhà cao tầng mọc lên như nấm ở các thành phố, nhìn những khách sạn sang trọng cung phụng khách vãng lai, … kẻ bàng quan không khỏi thán phục là phát triển ngoạn mục, nhà nước thì khoe khoang là «những kỳ tích đầy ấn tượng» (Gs Trần Ngọc Tuấn). Tác giả phân tích: «Theo những con số mới nhứt thì lợi tức đầu người mỗi năm của VN 83,5 triệu dân là 600 đô. Trong 83,5 triệu dân, 20 % hay là 16,7 triệu dân tập trung về các đô thị lớn Sài gòn, Hà nội, Huế, Đà nẳng, Hải phòng và lợi tức đầu người của 16,7 triệu dân thành thị này trong năm 2000 là 1.500 đô và năm 2005 là 2.000 đô. Thử lấy những con số trên đây sơ lược tính lại thì 80 % người dân chỉ có 205 đô một năm. … 80 % hay là 66,8 triệu dân rải rác ở các nơi khác, nhứt là ở nông thôn. Những người dân nầy chỉ có 250 đô một năm, 250 đô nầy nhờ 2000 đô kia kéo lên để thành 600 đô bình quân. Cho nên con số 35 % người dân còn ở dưới mức nghèo của cơ quan quốc tế nào đó đã tính, nhưng theo cách tính của tôi thì con số 35 % nầy hoàn toàn là sai lạc, đúng ra phải 75, 80 %. …nói về lợi tức bình quân đầu người, VN đứng thứ 140, chỉ trên 30 nước Phi châu đen và mươi cù lao Đại tây dương và Ấn độ dương. Đáng hãnh diện chưa, thử hỏi? … Đứng trên VN là cả hơn 50 nước giành được độc lập sau đệ nhị thế chiến đã theo con đường tư sản dân chủ để phát triển và đã vượt lên đứng trên VN, trong đó có 5 nước cựu thuộc địa Pháp là Tunisie, Algérie, Maroc, Sénégal và Côte d’Ivoire. …

Về mặt giáo dục, chính chính quyền CS thừa nhận: «Nền giáo dục của ta bị băng hoại … Thứ nhứt là nền giáo dục tạo nên sản phẩm giả và lưu hành sản phẩm giả từ cấp cơ sở đến ông tiến sĩ, đến ông giáo sư, lưu hành và trộn lẫn với nhau. Cuối cùng thì chết thằng thật. … Hiện tượng thứ hai: Hệ thống giáo dục trở thành thị trường không lành mạnh, tất cả các thành phần giáo dục trở thành một thứ hàng hóa mang rao bán. … Hiện tượng thứ ba: Hệ thống thầy giáo … có xu hướng là người kinh doanh, mà kinh doanh rất tàn nhẫn. … Hệ quả tai hại không phải là con người VN đang thiếu trí tuệ. Hệ thống điều hành làm cho nó tê liệt đi. Nhưng nếu cùng con người ấy cho ra ngoài thì nó nên người.» (Đặng Quốc Bảo, thuyết trình ở tại Quốc tử giám Hà nội ngày 18-7-03)

Theo tác giả, xã hội băng hoại cùng cực bắt nguồn từ một chánh sách giáo dục phi dân tộc, ngay từ khi cưỡng chiếm miền Nam: «CS độc quyền giáo dục, lập tức thay thế tất cả hàng giáo chức Đại học, Trung học cũng như Tiểu học và Mẫu giáo. Kết quả là gì? Về phẩm cũng như về lượng giáo chức của CS đưa vào vừa kém vừa thiếu, tai hại cho cả một thế hệ con em miền Nam phải thua sút về kiến thức cũng như về đạo đức cổ truyền của dân tộc.» (tr 87), «Xem sách giáo khoa về Lịch sử thì là một thảm họa nặng nề. Những năm đầu thì học quá nhiều về HCM và đảng CS, đến lớp 7 mới khởi sự học sử Việt và bắt đầu từ Ngô Quyền giành độc lập cho VN. … Tôi nghĩ trong lớp trung học mà không có dạy về Hùng vương dựng nước, về Hai Bà Trưng, Bà Triệu … thì làm sao xây dựng được tinh thần dân tộc cho đại chúng từ căn bản!» (tr 58), câu chuyện sau đây giữa tác giả với cô cháu vừa tốt nghiệp đại học Tổng hợp, sắp sửa đi nhận chức giáo viên chứng minh điều đó:

« - Nói chuyện Hai Bà Trung, Bà Triệu cho ông nghe xem?  

- Ông hỏi con về HCM thì con nói cho ông nghe. Còn Hai Bà Trung, Bà Triệu con có học đâu mà nói.

Bạn đọc nghĩ thế nào? Một cô giáo ra trường đi dạy trung học mà không biết về Hai Bà Trưng Bà Triệu thì làm sao hiểu được thế nào là dân tộc, một thực thể mà từ ông Hồ Chí Minh đến Nông Đức Mạnh hễ mở miệng là dân tộc thế này dân tộc thế kia. Thật là tội nghiệp cho con em quá!» (tr 93).

Tai hại nhứt là việc đầu độc tuổi trẻ, «Trường hợp của cha sở họ đạo Bải xang: xin tiền con chiên bổn đạo ở xứ ngoài đem về xây trường sở cho CS dạy thuyết duy vật vô thần, bài trừ tôn giáo từ căn bản, thật là một điều vô lý.» (tr 59), cha sở nhà thờ Trà Vinh, vốn là học trò pháp văn của tác giả khoe «chánh  quyền CS vừa trả lại trường học cho nhà thờ, tất nhiên là họ vẫn giữ độc quyền giáo dục, có nghĩa là giao cho cha cái xác còn linh hồn thì họ còn giữ lại. Tất nhiên cha phải lo nuôi các xác, phải tốn kém cho nó» (tr 82).

Trước một số nhận định hời hợt, tác giả lưu ý: «Thực thể VN bây giờ rất phức tạp, một hai tuần lễ đi đây đi đó nhứt là đi tour đi du lịch không bao giờ đủ để có cái nhìn chính xác.»

Về những lời tán tụng, tác giả phân tích: «Hãy bỏ qua những Nguyễn Cao Kỳ, những Phạm Duy, những người được vinh danh nước Việt, những người về VN để chơi gái rẻ tiền … vì những người nầy mỗi người đều có một lý do hay một động cơ (motive) riêng của họ để tán dương những thành quả của chế độ hay của chánh quyền CS, chẳng qua chỉ trông đạt được mục đích nhiều khi không chánh đáng của mình. …, ví dụ một Việt kiều về VN vì còn có trách nhiệm với phòng nhì bên ấy, ai cấm được anh ta tuyên bố là vì yêu nước yêu quê hương, bất chấp đến chánh trị, thật ra thì anh ta lẫn lộn yêu quê hương với yêu bà nhỏ hơn bà lớn. Cũng như có người về VN bắt được mối làm ăn bất chánh, trở lại Mỹ phải tìm một cái mền che (couverture) bác ái hay văn hóa để thực hành mưu đồ của mình cho trót lọt.» (tr 265)  

Cũng có thể là do không phân biệt rõ giữa bản chất và hiện tượng, như việc «người dân nhứt là trong Nam tha hồ chửi nhà nước, tha hồ chửi cán bộ, nhưng chánh quyền CS biết là vô hại mà còn có lợi là khác, vì đó là soupape để xả hơi cho bớt áp lực. Những đầu óc nông cạn có thể xem đó là tự do là cởi mở, người viết cho đó là khôn khéo, là thủ đoạn.» (tr 265) hay «Một ngộ nhận khác cũng có phần ngây thơ: Nhờ gông cùm kềm kẹp mà tín ngưỡng được phát huy nhiều hơn, con người trở thành đạo đức hơn. Người viết cho là không có vậy, mà ngược lại có khi đạo giáo băng hoại hơn, vì hương khói nhang đèn thờ cúng đã quyện nhau với hơi đồng hơi bạc. … còn là một chứng minh hùng hồn để khoe với ngoại quốc là VN thật có tự do tín ngưỡng. Mị dân ở trong, mị dân ở ngoài! Còn có tác động ru ngủ, như Các Mác nói: đạo giáo là nha phiến của người dân! Để ru ngủ những phong trào chống đối cũng như những đòi hỏi chánh trị.» (tr 266) 

Truy nguyên, mọi tệ nạn ngày nay chung qui đều bắt nguồn từ những sai lầm của Hồ Chí Minh: «Vì còn có nhiều con đường khác để giải phóng dân tộc ít tổn thất hơn bằng vạn lần và lịch sử đã chứng minh điều đó. Sau Đệ nhị thế chiến (1940-1945) đến giờ đã có gần 100 nước được giải phóng, nhưng chỉ 4 nước trong đó có VN theo con đường Mác –Lêninít của HCM và kết quả cho ta thấy, trừ ra Trung cộng với điều kiện đặc biệt về nhân số của nó, văn hóa Mác –Lêninít đã đưa ba nước còn lại tụt hậu về thế kỷ 19. ..

Sai lầm thứ hai. Năm 1930 theo chỉ thị Đệ tam quốc tế ông về Hong Kong lập đảng CSVN,… giành độc quyền yêu nước, mưu đồ diệt các đảng phái quốc gia, chiếm độc quyền kháng Pháp, đưa đến chiến thắng Điện biên, nhưng kết quả là chia dân tộc làm hai, miền Nam và miền Bắc. ... Vốn thắng Pháp giành độc lập khỏi tay thực dân là hoàn toàn do tinh thần ái quốc của toàn dân, đâu phải là do hạ tầng cơ sở của đảng CSVN lại càng không phải nhờ thượng tầng kiến trúc văn hóa Mác-Lêninít. Ngược lại chính thượng tầng kiến trúc nầy đã chia rẽ dân tộc làm hai …

Sai lầm kế tiếp là: … xé bỏ Hiệp định Paris dùng chiến tranh để cưỡng chiếm miền Nam thay vì dùng con đường hòa bình … khi đã chiếm xong rồi lại đánh mất cơ hội đúng là ngàn năm một thuở. Thay vì lấy chủ nghĩa quốc gia hay dân tộc để đại đoàn kết kiến thiết thì lại dùng chủ nghĩa xã hội Mác-Lêninít để chia rẽ thêm, chia rẽ kẻ miền Nam người miền Bắc (theo nghĩa ý thức hệ), kẻ thắng người thua, chia ra «người anh hùng cứu nước» và «ngụy», làm tiêu ma bao nhiêu là tài năng sáng tạo, bao nhiêu là nghị lực xây dựng.» (tr 279) 

Chính «HCM rước voi (văn hóa Mác-Lêninít) về dày mồ mả ông cha (văn hóa Khổng Lão Phật).» (tr 286)

«Tóm lại: sự phát triển xã hội VN bây giờ là một sự phát triển bất thường và không cân bằng, vì bởi những động cơ không chính đáng, đúng hơn là bất lương. … Những hệ quả gián tiếp xấu đó là băng hoại tinh thần như chơi bời, đàng điếm rượu chè, buông lỏng quá độ. Chắc chắn trong cái giới nhà giàu mới nầy, phong trào phòng nhì, phòng ba, bao cấp em út, em nuôi … bộc phát theo đà phát triển kinh tế. Nhà giàu mới sa ngã dễ dàng hơn nhà giàu từ ông cha. Nguy hại hơn nữa là các nhà giàu mới nầy đang để lại cho thế hệ con em của họ một truyền thống, một gia sản (legacy) bê bối, bệnh hoạn, … » (tr 263)

 Nội dung của gần 300 trang sách chẳng khác nào các đoạn phim tài liệu, đây đó là những hoạt cảnh sống động đương thời, trên đây là một số trích đoạn mà người đọc có thể lượng định giá trị; người trong cuộc có cơ hội hồi tưởng lại một số biến cố đau thương, cuốn sách này cũng là tài liệu hữu ích cho những ai muốn tìm hiểu tình hình VN ngày nay.

Huỳnh Vạng Lộc
_______________________
(*) Tác giả kể «Vốn sau Hiệp định Genève 20-7-54, anh Thành cùng ở trong nhóm 6 người anh em chúng tôi từ Mỹ được Thủ tướng Ngô Đình Diệm gọi về tham gia chánh quyền Quốc gia đệ nhứt cộng hòa. Đầu năm 1955, anh về làm việc với tôi ở Viện hối đoái (VHĐ). Kế đó VHĐ gởi anh đi tu nghiệp tại Federal Reserve bank ở New York. Sau một năm về lại VN. VHĐ để anh ra ngoài giới doanh thương và anh làm Giám đốc cho hãng bảo hiểm International Underwriters. Ngoài những hoạt động chánh thức đó, anh Thành còn hoạt động mật thiết với chúng tôi trong những hoạt động chánh trị văn hóa khác như hội Văn hóa bình dân, trường Bách khoa bình dân. Nhưng rồi sau đảo chánh 1-11-63, anh và gia đình qua sinh sống bên Pháp, anh đầu tư và hoạt động trong ngành xây cất. … gần đây lại thấy anh xuất hiện nhiều lần trên đài truyền tin nước ngoài cũng như trên báo chí trong nước, nhiều khi đứng cạnh Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và nhứt là đứng đầu danh sách 19 người được CS Hà nội “Vinh danh nước VN 2004”» (tr 221)

10 March 2023

Thơ Phùng Minh Tiến

Trích email đồng môn Lê Văn Bỉnh (ĐS10/CH2)
**

Năm 2005, với sự ủng hộ của Tổng Hội CSVQGHC (Chủ Tịch Châu Văn Để), Nhóm Thực Hiện chúng tôi (gồm Nguyễn Ngọc Liên, Nguyễn Đình Đức, Thương Lan, Lê Văn Bỉnh và Dương Quân) kêu gọi các “nhà thơ tài tử” gửi về một số bài chưa in để cho chúng tôi tuyển chọn hầu hình thành “Tuyển Tập Thơ Quốc Gia Hành Chánh. Anh Phùng Minh Tiến gửi về 10 bài thơ ngắn, mang ít nhiều màu sắc tôn giáo, và tình cảm ray rứt buồn. Chúng tôi in tất cả. Riêng tôi, tôi nghĩ anh sẽ đưa một số hay tất cả các bài này vào một tập thơ mà anh có thể xuất bản sau này. Nhiều năm sau đó, tôi được biết anh đã có một tập thơ riêng, nhưng không rõ các bài này có nằm trong đó không.

Để tưởng nhớ anh, tôi xin ghi lại đây bài đầu và bài cuối của 10 bài thơ này. Vĩnh biệt anh, Phùng Minh Tiến. 
RIP

LVB (ĐS 10)
**

Tâm Tịnh
Tâm đã tịnh, đóa từ bi vừa nở
Vườn vô ưu trăng vẫn dõi theo người
Mỗi bước chân xóa mờ thiên cổ lụy
Trùng dương xưa tĩnh lặng nét môi cười
**
Qua Bờ Nhìn Lại
Trang kinh khuya đọc lệ nhòa
Tâm còn động nỗi bờ xa bãi gần
Biển trùng mờ mịt xác thân
Trái tim vô ngại cũng cần có nhau
Từ em tách bến qua cầu
Gió mưa để lại đời sau ngỡ ngàng
Sóng dồn lớp lớp ly tan
Rừng xưa mây trắng hỏi đàng về đâu
Quê hương xa nữa địa cầu
Qua bờ nhìn lại, biển dâu chập chùng

Thương nhớ "anh chàng xuề xòa" xứ Quảng Phùng Minh Tiến

 ...Nhưng tôi vẫn thương anh chàng xuề xòa (xứ Quảng?) mà nói có tới đâu mà về, à hí, PMT ở đây nào có đi mô? Gởi chung người chết người sống bài thơ Muslim nầy. (Tôn Thất Tuệ, Đs 10)

Tôi chẳng từ phương đông mà đến,
chẳng từ phương tây mà đến.
Chẳng từ biển hay đất liền.
Tôi không phải chất đặc hay chất hơi
Chẳng phải do nhiều thứ ghép lại mà thành.

Tôi không hiện hữu
Tôi không thuộc thế giới nầy hay thế giới khác.
Tôi không phải là hậu sinh của Adam và Eva,
Cũng không thuộc một nguồn gốc chủng tộc nào.

Chốn tôi ở không có gì là nơi chốn
Mà chỉ là một dấu tích của một thứ gì không dấu tích
Không thể xác, không linh hồn.
Tôi đã thấy hai thế giới hợp nhất là một,
cái đầu, cái cuối; cái trong, cái ngoài
đơn giản như hơi thở của một người đang thở.

Cần tiền thì phải nhượng bộ thôi

Giới tài phiệt Nga yêu cầu Putin hủy án tù vì tội rửa tiền

Sau khi đồng ý đóng góp "tự nguyện" 300 tỷ rúp cho ngân sách, những người giàu nhất nước Nga đang yêu cầu Điện Kremlin trả ơn.

Liên minh các nhà công nghiệp và doanh nhân Nga (RUIE) đã chuẩn bị các đề xuất nhằm giảm bớt gánh nặng hành chính đối với doanh nghiệp và đề xuất bãi bỏ trách nhiệm hình sự theo 10 điều khoản kinh tế của Bộ luật Hình sự, Vedomosti đưa tin.

Trong số các điều khoản được hợp pháp hóa có việc chuyển tiền bằng đồng rúp hoặc ngoại tệ vào tài khoản của những người không cư trú bằng cách sử dụng các tài liệu giả. Hình phạt hiện tại lên đến 3 năm tù.

RUIE là hiệp hội doanh nghiệp lớn nhất của đất nước, nơi có các tỷ phú trong hội đồng quản trị, đề xuất rằng đề mục cần được phân loại lại để thành vi phạm hành chính và hình phạt được giảm xuống thành phạt tiền.

Trên thực tế, hiệp hội doanh nhân lớn nhất của Nga đang đề xuất Putin cho phép rửa tiền như một "biện pháp chống khủng hoảng". (Quora Digest)

**

07 March 2023

Đôi Nẻo Có Không, thơ Phùng Minh Tiến

Tin tức về đồng môn Phùng Minh Tiến đã qua đời tại California, Hoa Kỳ

Kính tin:

Theo chỉ định của Anh Phùng Minh Tiến, Anh không muốn tiết lộ cuộc sống, cũng như tình trang sức khoẻ của anh cho bất cứ ai trong bạn bè ngay cả với người thân. Gần đây thấy Anh không xuất hiện với bạn bè, ai cũng lo lắng hỏi thăm, nhưng không một ai biết cả. Có người hỏi tôi, tôi cũng thật sự hoàn toàn không hay biết. Tôi chỉ biết gọi Tel, email, nhắn tin, nhưng vẫn biệt vô âm tín. Trước đây cũng vậy, vui thì tự ý đến gặp, buồn thì xin lỗi bận "Nhập Thiền".

Cách đây gần tuần lễ, số người hỏi càng đông, nên bà xã tôi cứ thỉnh thoảng gọi hoài, và sau cùng Anh PMT có gọi lại. Anh đang nằm tại BV Fountain Valley. Chúng tôi liền đến thăm. Lúc đó, anh đã yếu, nhưng vẫn còn nói được. Tôi hỏi Anh có biết ai đây? PMT trả lời, nghe giọng của Căn và Bà Xã. Chúng tôi hỏi vài điều quan trọng, và Anh chỉ tiếp chúng tôi trong vòng 10 phút. Anh cho biết, bệnh tình đã trầm trọng, anh từ chối cứu chữa, chỉ xin được an thần và giảm đau khi cần. Trước khi ra về, tôi hỏi anh có cần điều gì, anh nói không. Tôi hỏi anh có cho tôi thông báo một số bạn thân đến thăm không? Anh cũng trả lời không. Tôi hỏi tiếp, thế còn Anh Rân thì sao? Anh cũng nói không và lắc đầu.

Tôi đem việc này bàn với một CHS.TQC.HA cùng thân với PMT. Anh bạn nói, trường hợp này của Tiến có 2 điều phải làm, một là phải có người thường xuyên chăm sóc, liên lạc với văn phòng Bệnh Viện, hai là phải có người nhận là thân nhân (có tư cách pháp nhân) thì cuối cùng mới được nhận lo hậu sự.

Tìm người săn sóc và liên lạc với văn phòng Bệnh Viện, tạm thời dễ giải quyết, nhưng tìm người đủ tư cách pháp nhân để nhận thân nhân, thi chưa giải quyết được. Chưa giải quyêt xong vấn đề, thì Bệnh Viện đã chuyển PMT qua nơi điều trị "Chăm Sóc Cuối Đời"

Chúng tôi vào thăm, mới chỉ sau 2 ngày tại Bênh Viện, giờ này anh kém đi rất nhiều. Mới sau một ngày tại đây, văn phòng tại nơi điều trị này, gọi lên bảo phải xúc tiến ngay thủ tục pháp lý nhận thân nhân thì nơi này mới cho nhận xác về lo chung sự. Sau nhiều đắn đo, chúng tôi chọn tìm Anh Nguyễn Hữu Chánh. Tìm trong điện thoại của PMT, có tel # của Nguyễn Hữu Chánh. Chúng tôi gọi, email, text message. Anh Chánh trả lời hẹn sẽ đến gấp. Nhưng vì quá bận rộn, nên gần 2 ngày sau Anh Chánh mới đến. Anh làm việc với văn phòng và được hướng dẫn thủ tục pháp lý cần thiết để nhận PMT là Anh của mình, được quyền lo hậu sự cho Anh PMT(Thêm 2 ngày nữa).

Trưa ngày Chủ Nhật 5 tháng 3 năm 2023, Văn phòng nơi PMT đang nằm báo sức khoẻ PMT rất yếu. Vợ Chồng tôi vào thăm lúc 3:45 PM. Nhìn PMT đang nghe  cô cháu từ CANADA vừa tới thăm, nức nở, còn PMT thì hơi lay động. Nhưng một lát, Bà xã tôi thấy PMT nằm im quá, sợ Tiến ngủ, nên kêu lớn "Anh Tiến ơi" "Anh Tiến ơi", kêu vài lần như vậy, Tiến vẫn không lay động. Tôi lo lắng chạy tìm Y Tá và BS. Khi họ đến nơi, kiểm tra ngực, đầu, mạch ở tay. Vài lần như vậy, BS bảo chúng tôi cầu nguyện, và báo Anh Phùng Minh Tiến đã ra đi.

Anh Chị Nguyễn Hữu Chánh đến sau đó. Chị Nguyễn Hữu Chánh Niệm Kinh Cứu độ, Anh Chánh liên lạc Sư Ông đến niệm kinh. Nhưng chờ mãi vẫn không đến. Cuối cùng Peek Furneral đến đưa PMT đi.

Anh Phùng Minh Tiến đã vĩnh viễn Lìa Xa , Êm Ấm. Chúng ta cùng cầu nguyện Hương Hồn Anh sớm được Siêu Thoát.

Tôi xin lỗi quý Thầy Cô, Anh Chị đã không quan tâm theo dõi tin tức của bạn, khi thấy có điều khác thường. Nhưng giá tôi biết được, liệu tôi có thể làm gì hơn để đi ngược lại ý nguyện của Anh Phùng Minh Tiến, khi anh đã quyết như vậy.

*Anh Nguyễn Hữu Chánh đang lo tổ chức Tang Lễ.

*Tôi sẽ theo dõi và cập nhật những gì mình biết.

*Điều cần bây giờ : - Gởi cho Hình Ảnh của PMT (Chân dung & ảnh sinh hoạt.                         

-Chi tiết sinh hoạt chính trị, cộng đồng thời gia đầu khi   

PMT vừa định cư tại Hoa Kỳ.     

Kính Tin.

TranvanCan 

02 March 2023

Ông Navarro giải thích về phong trào ‘Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại’

Ông Peter Navarro, cựu viên chức cao cấp của chính phủ cựu Tổng thống Trump, là một người đàn ông luôn kiên định với sứ mệnh của mình. Và trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với The Epoch Times, ông đã chia sẻ chi tiết về cách ông đang hành động để đạt được sứ mệnh này.

“Nhiệm vụ chính của tôi lúc này là giúp ông Donald Trump trở lại Tòa Bạch Ốc trong cuộc bầu cử năm 2024,” ông Navarro, cựu Giám đốc Văn phòng Chính sách Thương mại và Sản xuất của Tòa Bạch Ốc từ năm 2017 đến năm 2021, cho biết. “Để thực hiện điều đó, tôi tin rằng điều quan trọng nhất mà chúng ta phải bắt đầu làm là giải thích cho người dân Mỹ biết MAGA [Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại] là gì, phong trào này đại diện cho điều gì, ý nghĩa của phong trào này và chúng tôi là ai.”

Ông Navarro, một trong số ít các viên chức cao cấp phục vụ trong suốt thời chính phủ cựu Tổng thống (TT) Trump, là một kiến trúc sư trưởng về thuế quan của Hoa Kỳ đối với hàng hóa Trung Quốc, đồng thời là tác giả của các cuốn sách “Taking Back Trump’s America” (“Lấy lại nước Mỹ của Trump”) và “In Trump Time” (“Thời của Trump”). Ông đã nói chuyện với The Epoch Times về loạt phim tài liệu podcast mới gồm sáu phần của mình, được phát hành qua podcast của Apple và Google.

Giải thích về phong trào ‘Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại’

Từ tập một đến tập bốn trong các podcast mới của ông Navarro bao gồm các cuộc thảo luận về nỗ lực của Đảng Dân Chủ nhằm biến “MAGA thành một từ có bốn chữ cái,” hiểu biết của ông Trump về tầm quan trọng của thương mại công bằng và đôi bên cùng có lợi đối với người lao động Mỹ, và cách thức tiến hành Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) năm 1994, việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001, và việc bãi bỏ chế độ quân dịch vào đầu những năm 1970 đã dẫn đến “phong trào MAGA theo chủ nghĩa dân tộc kinh tế dân túy của Mỹ.”

Trong tập năm, ông Navarro thảo luận về ba trụ cột chính sách của “tam giác MAGA rắn chắc của chủ nghĩa dân tộc kinh tế dân túy”, mà ông định nghĩa là tăng cường ngành sản xuất của Mỹ, bảo vệ biên giới Hoa Kỳ, và chấm dứt “các cuộc chiến tranh bất tận” của Mỹ.

Trong tập thứ sáu và cũng là phần cuối cùng, ông Navarro đưa ra lời cảnh báo rằng Đảng Dân Chủ không nên được phép biến cuộc bầu cử năm 2024 trở thành các vấn đề xã hội hoặc “cuộc chiến văn hóa” thay vì các vấn đề kinh tế và “mang lại hòa bình và thịnh vượng cho người dân Mỹ và các gia đình Mỹ.”

Trong loạt podcast này, ông Navarro mô tả cơ sở người lao động Mỹ của ông Trump là “một loại cơ sở Liên minh Cầu vồng rất khác biệt quy tụ những người Mỹ thuộc tầng lớp lao động thuộc mọi màu da, những người đang tìm kiếm một công việc tốt với mức lương xứng đáng và chấm dứt việc trở thành những con cừu hy sinh trong các dự án thuê gia công trên toàn cầu và các cuộc phiêu lưu chiến tranh ở ngoại quốc.”

Ông Navarro nói với The Epoch Times, “Các cuộc bầu cử sẽ được quyết định bởi việc có bao nhiêu cử tri độc lập ủng hộ biểu ngữ MAGA, cũng như — và ông Trump đã theo dõi rất nhiều trong số này — số lượng các thành viên Đảng Dân Chủ Reagan và Đảng Dân Chủ Trump.”

Phía Đảng Cộng Hòa năm 2024

Liên quan đến tình hình cuộc tranh cử tổng thống năm 2024 hiện tại, ông Navarro nói, “Tình huống đáng ao ước của tôi là ông Trump có ông [Ron] DeSantis làm ứng cử viên phó tổng thống của mình,” nói thêm rằng “điều đó sẽ bảo đảm cho [ông DeSantis] 12 năm ở Tòa Bạch Ốc, và ông ấy sẽ có bốn năm được đào tạo.”

Khi được hỏi liệu những căng thẳng được biết đến giữa ông Trump và ông DeSantis có thể ngăn cản một danh sách ứng cử Trump-DeSantis hay không, ông Navarro nói, “Không hề. Tôi đã thấy điều này… ông Donald Trump có thể đạt được một thỏa thuận chỉ sau một đêm, vì vậy tôi sẽ không ngạc nhiên chút nào khi thấy hai người họ mỉm cười, bắt tay nhau, và đồng thuận rằng rằng đó là danh sách ứng cử cho năm 2024.”

Ông Navarro nói, “Nếu vào ngày mai, ông Trump và ông DeSantis bắt tay và đồng thuận rằng họ sẽ tranh cử như một bộ đôi ứng cử, thì điều đó sẽ chấm dứt đợt tranh cử này. Không [có cơ hội nào cho] bà Nikki [Haley], cho ông [Mike] Pence, không ai hết, mọi chuyện sẽ kết thúc và đó sẽ là một bộ đôi ứng cử tốt. Và hiện tôi không thấy bất kỳ ứng cử viên phó tổng thống nào khác phù hợp với vị trí đó.”

Khi được hỏi về vai trò tiềm năng của chính ông trong chính phủ TT Trump trong tương lai và liệu bản thân ông Navarro có thể được xem là ứng cử viên hàng đầu cho chức phó tổng thống cùng với ông Trump vào năm 2024 hay không, ông Navarro đã đề cập đến câu trả lời mà ông đã đưa ra trong một cuộc phỏng vấn trước đó, trong đó ông nói: “Có một lời giảng của Đức Phật, mà tôi đã học được khi còn rất trẻ, ‘dục vọng là đau khổ.’”

“Tôi nghĩ đó cũng chính là câu trả lời. Tôi không làm điều này vì công việc. Tôi làm điều này vì lòng ái quốc. Và điều tồi tệ nhất quý vị có thể làm trong chính trị là làm một điều gì đó vì công việc. Tôi chính là đã thấy quá nhiều những thứ thiết thân và mang tính cá nhân như thế. Ngay khi quý vị muốn một điều gì đó, quý vị bắt đầu thỏa hiệp với các nguyên tắc của mình và quý vị sẽ làm những việc mà trong trường hợp khác quý vị có thể không làm.”

Ngay bây giờ, ông Navarro đang chú tâm vào việc đưa ông Trump trở lại Tòa Bạch Ốc. Ông nói, “Đó là tất cả những gì tôi đang nghĩ đến.”

Phía Đảng Dân Chủ năm 2024

Về phía Đảng Dân Chủ, ông Navarro nói rằng ông xem Thống đốc California Gavin Newsom là “ứng cử viên hàng đầu” hiện nay của Đảng Dân Chủ ngoài ông Joe Biden, hơn nữa ông không nghĩ rằng ông Biden sẽ là ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân Chủ vào năm 2024, vì Đảng Dân Chủ “không muốn ông ấy”.

Ông Navarro nói, “Tôi nghĩ rằng họ sẽ hy sinh [ông Biden]… tôi nghĩ họ sẽ để ông ấy bị nhấn sâu vào vụ bê bối ‘máy điện toán xách tay từ địa ngục’ của ông Hunter Biden và các cuộc điều tra mà Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện sẽ tiến hành, và ông ấy sẽ phải rời bỏ vị trí.”

“Quý vị có dự đoán như thế này không: một trong những hành động cuối cùng của ông Biden sẽ là ân xá cho con trai ông ấy [ông Hunter Biden].”

Ông Navarro đã lưu ý rằng Đảng Dân Chủ đã nỗ lực thay đổi luật lệ và chính sách bầu cử ở một số tiểu bang để có lợi cho việc thu thập phiếu bầu, đồng thời nói rằng Đảng Cộng Hòa cần phải điều chỉnh nhằm đối phó với điều này.

“Điều này thực sự quan trọng,” ông Navarro nói. “Đảng Cộng Hòa cần phải bắt đầu hành động và áp dụng chiến lược khuyến khích bỏ phiếu tương tự như Đảng Dân Chủ đã từng làm [hồi năm 2020 và năm 2022] trước khoảng 40 đến 60 ngày. Họ đi thu hoạch các lá phiếu của họ. Chứ họ không đợi đến ‘ngày thi đấu.’ Những ngày đó đã qua rồi.”

Cuộc xung đột với Trung Cộng

Ông Navarro tin rằng Hoa Kỳ đang “lao vào cuộc xung đột với Trung Cộng,” nói thêm rằng điều này một phần là do “là sự yếu kém và thỏa hiệp của ông Joe Biden.”

“Tôi nghĩ rằng khi cuộc chiến đến hồi gay cấn, đây sẽ là một siêu hạn chiến (cuộc chiến không có giới hạn). Tôi không nghĩ vũ khí hạt nhân nhất thiết phải được phóng ra trừ khi chúng hạ gục một hàng không mẫu hạm ở Eo biển Đài Loan,” ông Navarro nói. “Nhưng những gì tôi thực sự thấy là [Trung Quốc] đang hạ gục các vệ tinh của chúng ta, tấn công cơ sở hạ tầng của chúng ta bằng các vũ khí mạng, có thể là một vũ khí sinh học khác, bởi vì virus Trung Cộng ban đầu [COVID-19], đó là một loại vũ khí sinh học.”

Ông Navarro đã tuyên bố rằng sức mạnh của ông Trump khi đối mặt với sự hung hãn của Trung Quốc là “một trong những lý do chính khiến ông Trump cần trở lại Tòa Bạch Ốc.”

“[Ông Trump] thể hiện sức mạnh và do đó, [có được] hòa bình thông qua sức mạnh, và chúng ta sẽ không gặp phải những vấn đề hiện đang gặp phải với Nga nếu ông ấy ở đó,” ông Navarro nói. “Và chúng ta sẽ làm tốt hơn nữa việc ngăn chặn Trung Cộng, và kìm hãm những kẻ ti tiện của họ trong Đảng Cộng sản này nếu ông ta còn tại vị. Và họ là những kẻ ti tiện.”

The Epoch Times đã liên lạc với Tòa Bạch Ốc để yêu cầu bình luận.

Thanh Nhã biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...