05 June 2022

Tưởng nhớ Thầy Nguyễn Văn Tương

Từ chốn xa xôi tận bên trời Tây, thầy vừa giã từ cõi thế. Nhận được tin lòng tôi miên man thương nhớ vô cùng. Từ ngày được theo học với thầy đến nay là đúng 53 năm. Biết bao nhiêu vui buồn đã ngấm vào lòng tôi không sao kể xiết. Tôi biết thầy thương tôi lẳm, nhưng thầy không nói ra, chỉ nhìn thôi qua ánh mắt của thầy là tôi biết. Chắc chắn thầy biết tôi là người Mỹ Tho và tôi cũng biết thầy có biết bao nhiêu là kỷ niệm êm đềm ở nơi ấy.

Khi tôi vào học ở trường Hành Chánh, trong giờ giải lao thầy hỏi tôi ở Mỹ Tho có biết ông Tư T., Giám thị trường Nguyễn Đình Chiểu không?

        - Thưa thầy em biết, nhà em ở Chợ Gạo nên đi học ngày nào cũng đi ngang qua ngôi nhà cổ xưa của ông Tư ở gần bên tiệm Hủ tiếu Phánh Ký, sát dốc cầu Quay.

Từ đó thầy rất ưu ái để ý đến tôi, xem chừng có vắng mặt ở lớp không. Thầy dạy môn “Các vấn đề chính trị Việt Nam” nên giảng văn gắn liền với thời sự của đất nước. Thầy rất tế nhị khi trình bày các khuynh hướng quân phiệt đương thời với chủ trương quân sự hóa nền hành chánh rất bất lợi cho các giới chức dân sự, nhất là các viên chức tốt nghiệp từ trường Quốc Gia Hành Chánh. Thời gian học ở trường cũng không có nhiều cơ hội để tiếp xúc riêng với thầy chỉ trừ khi phải soạn bài thuyết trình ở lớp, sinh viên từng nhóm thường hay đến nhà thầy để được hướng dẫn. Thầy đặc biệt quan tâm đến các sinh viên nghèo gốc gác ở miền quê. Chân thật thầy giúp đỡ tận tình, ngược lại càng huênh hoang tự đắc thường hay bị thầy chỉnh, đặc biệt thầy có những câu nói ẩn dụ vô cùng thâm thúy. Thầy giảng bài thật từ tốn, dễ nhớ, kỷ luật trong lớp rất nghiêm, nhưng khi thi, thầy cho điểm lại rất rộng rải, bao dung.

Sau ngày 30 tháng 4 thầy ở lại và bị bắt đi cải tạo, đây mới là cơ duyên tôi được ở chung trại và có lúc ở chung tổ, đội với thầy gần 5 năm trời ngoài miền Bắc nên có dịp gần gũi nhiều hơn, có khi nằm sát bên nhau từ trại Phú Sơn cho đến Nam Hà.

Bấy giờ cùng với nhiều khó khăn sống chết trong tù và thời gian dài không biết được ngày về, cũng có khi là ở lại vĩnh viễn nơi nầy nên tù nhân thường hay tâm sự hoặc kể cho nhau nghe những câu chuyện đời của mình hay của người khác mà mình quen biết, may ra cũng làm vơi đi những đau khổ đang gậm nhấm từng ngày.

Đến lúc nầy tôi mới biết rằng thầy từ Sa Đéc qua Mỹ Tho theo học trường Collège Le Myre de Vilers, ở trọ nhà ông Tư để đi học. Ăn học đúng nghĩa, không có bất kỳ sinh hoạt nào khác, ngoài thời gian ở trường về nhà trọ là chuyên làm bài tập và đọc sách suốt ngày, nhờ có trí nhớ tốt nên thầy rất giỏi toán và tiếng Pháp, nỗi tiếng xuất sắc toàn trường. Cùng ở trọ nhà ông Tư có vài anh học sinh ở các tỉnh trong vùng Lục tỉnh, nhưng ông Tư khen thầy nhiều hơn cả.

Sau nầy lên Sài Gòn thầy thi đậu tú tài toàn phần cũng là lúc có lệnh động viên, thầy nhập ngũ khóa 1 Sĩ quan Thủ Đức ra trường phục vụ tại Sài Gòn nên tuần nào cũng về Mỹ Tho thăm gia đình Ông Tư, sau đó một thời gian thầy xin được làm rể Mỹ Tho, cưới cô con gái lớn của ông Tư.

Làm việc tại Sài Gòn nên thầy quyết tâm ghi danh học Luật theo đúng thời hạn, tuần tự từ Cử nhân cho đến Tiến sĩ không trễ một năm nào. Vói học vị Tiến sĩ Công Pháp, thầy đươc nhiều chính trị gia chú ý mời tham gia chính trường sau ngày đảo chính mùng 1 tháng 11 năm 1963. Thầy tham gia trong nội các chính phủ Phan Huy Quát, Nguyễn Văn Lộc và chức vụ cao nhất của thầy là Đặc Ủy Trưởng (tương đương Bộ Trưởng) trong Nội các Chiến tranh của Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ. Sau khi ông Kỳ bị thất sủng, thầy cũng từ giã chính trường trở về làm một viên chức hành chánh bình thường và tiếp tục đi dạy tại các trường Đại học Sài Gòn, Huế và Học Viện Quốc Gia Hành Chánh. Mặc dù sau nầy các chính đảng, phe phái cũng có mời thầy tham chính, nhưng thầy từ chối. Không ai biết rõ lý do. Có thể thầy theo gương trung liệt của người xưa chăng?

Sinh hoạt chung với thầy gần 5 năm tại các trại giam ngoài miền Bắc, chia sẻ nhau từng miếng ăn, thức uống đặc biệt là những khi hái được rau dại hay bắt được con cua, con cá. Đêm về nghe thầy kể nhiều câu chuyện thú vị thuộc hàng “thâm cung bí sử” trong hậu trường chính trị VNCH.

Cho đến cuối năm 1981 thầy được chánh phủ Pháp can thiệp trả tự do, trước khi rời trại Nam Hà thầy có gởi lại cho tôi một ít quà và vật dụng cá nhân trong tù. Năm ấy nhằm mùa lụt lớn, sân trại ngập bì bõm, lội quá đầu gối. Trước khi chia tay thầy chỉ khuyên tôi ráng cố gắng sống sót để có ngày về. Hai thầy trò nắm tay nhau mà khóc mướt. Không biết còn có ngày nào gặp lại nhau?

Sau khi sang Pháp được một thời gian, thầy đi dạy học ở trường Đại Học Luật khoa Paris và viết bài tham khảo đăng trên tạp chí Pháp luật của trường suốt cho đến ngày về hưu. Nghe biết thế, tôi không lấy làm lạ vì trước hết thầy rất giỏi tiếng Pháp từ nhỏ và là người có thực tài mà lại luôn có ý chí phấn đấu trong mọi điều kiện, dù hoàn cảnh có khó khăn đến đâu chăng nữa...

Thế rồi thế sự xoay vần, sau gần 20 năm tôi gặp lại thầy trong một dịp thầy cùng với gia đình sang Cali thăm thân hữu và ra mắt tập Hồi ký “Nước Non Xa.” Rất đông môn sinh tổ chức tiếp đón thầy, riêng anh chị em cựu Sinh viên Đốc sự khóa 17 có một tối hàn huyên cùng thầy ở một nhà hàng trong vùng Little Saigon. Thầy tuy lớn tuổi nhưng vẫn còn đi lại vững vàng và đặc biệt trong lúc chuyện trò vẫn đầy những câu ẩn dụ như xưa và có phần nhiều hơn nữa, chứng tỏ thầy vẫn còn sáng suốt và minh mẫn. Thầy hẹn gặp lại lần sau sẽ đến Long Beach thăm gia đình tôi.

Không ngờ đó là lần cuối cùng được hội ngộ cùng thầy vì sau đó thầy trở bệnh không còn có dịp đi xa được nữa. Rồi hôm nay thầy ra đi về miền miên viễn. Chút lòng thành tưởng nhớ, em chúc thầy thanh thản tiêu dao nơi miền Tiên cảnh.

Xin cúi đầu lạy tạ ơn thầy. Vĩnh biệt ân sư.

        Trần Bạch Thu
        Long Beach 4-6-2022

No comments:

Post a Comment

Người Việt Nam Giầu Tình Cảm

Ở Việt Nam 9 người dân nuôi một công chức. Ở Trung Quốc 170 người dân nuôi một công chức. Ở Nga 200 người dân nuôi một công chức. Ở Mỹ 4...