04 June 2022

Trường Học Trường Đời

Kính Thưa Quý Anh Chị, 

Nhân được tin buồn Cố Gs. Nguyễn Văn Tương vừa từ trần, kính gởi đến Quý Anh Chị vài đoạn trích trong cuốn Hồi Ký 2 " Trường Học Trường Đời" để Quý Anh Chị biết thêm chi tiết về sinh hoạt của Cố Giáo Sư sau khi định cư tại Pháp Quốc. Thân kính, NT Hà
**

TIỂU SỬ : NGUYỄN VĂN TƯƠNG (1929 – 2022)

Sinh quán làng Tân hựu Đông, quận Châu Thành, tỉnh Sa đéc. Con thứ trong một gia đình có 9 Anh Chị em.

• Cựu học sinh trường Chasseloup-Laubat-Saigon (1951)
• Tốt nghiệp Khóa 1 Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức (1952)
• Cử Nhân Luật (1955), Cao Học Công Pháp (1960)
• Tốt nghiệp Tiến sĩ Luật khoa ban Công Pháp (1965)
• Cựu Giáo sư Công Pháp tại Học viện Quốc gia Hành Chánh Sài Gòn – các trường Đại Học luật tại Sài Gòn , Huế – Phân Khoa Luật của Đại Học Paris, Poitiers, Brest & Angers
• Tham gia các chính phủ Phan Huy Quát, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Văn Lộc

Sau 30 tháng 4, 1975 đi cải tạo từ 1975 đến 1981 Định cư tại Pháp từ 1983 đến nay.

DẠY HỌC TẠI PHÁP (trang 65..)

…Gia đình tôi sang Pháp ngày 08 tháng 07 năm 1983. Lúc bấy giờ nhà tôi 48 tuổi, còn tôi 54 tuổi. Già thì không già lắm, mà trẻ thì không còn trẻ nữa, Hành lý là những vali quần áo cũ, nồi niêu xoong chảo vợ tôi gói ghém đem theo. Lúc tôi đi cải tạo vợ tôi thuê người đem đổ xuống sông Thị Nghè tất cả hàng trăm sách của thư viện cá nhân tôi, kể cả mấy quyển luận án tiến sĩ của tôi. Trước ngày đi Pháp tôi có đến trường luật xin lại một bổn luận án đem theo. Chủ mới cho biết đã bán hết sách của thư viện cho bọn tàu Chợ-lớn . Cũng may là nhà tôi còn giữ một số giấy tờ của tôi, như bằng cấp, Nghị định bổ nhiệm. Người ta thường nói “Trời sanh voi sanh cỏ”, ngặt vì mình không phải là voi làm sao ăn cỏ được. Các con lớn của tôi có báo tin cho nhiều gia đình quen Pháp lẫn Việt, nhờ họ giúp đỡ lúc ban đầu. Thêm vào đó có sở xã h,ội và các đoàn thể địa phương cứu trợ trong lúc tìm việc làm. Tôi viết thư cho toàn thể các Khoa trưởng trường luật tại Pháp và hải ngoại để xin một chỗ dạy, kèm theo tiểu sử ngắn gọn và Nghị định bổ nhiệm dịch ra tiếng Pháp. Lúc ấy vào khoảng bãi trường nên chậm có thư trả lời. Qua tháng 9 năm ấy mới có thư hồi đáp, nhưng là thư khước từ vì quá trễ cho năm 1983 . Chủ sở trợ cấp thất nghiệp ở Rambouillet yêu cầu tôi cho biết đã có vận động gì trong mấy tháng qua. Khi tôi trình cho xem một sắp thư trả lời từ chối thì mới thấy tôi quả có thiện chí tìm việc.

Bao giờ cũng vậy trong cái rủi có cái may. Trường đại học Panthéon-Sorbonne yêu cầu tôi trình bày cho Ban Cử nhân Công Pháp trước cuối năm đề tài ” Nền ngoại giao của Nhật bổn và nền ngoại giao của Trung Quốc”. Là người Á châu từng theo dõi thời cuộc trong mấy chục năm qua, tôi chuẩn bị dễ dàng hai đề tài ấy với tài liệu phong phú của một người bạn Pháp. Phải nói rằng tôi đã nhờ giáo sư Vũ Quốc Thúc cố vấn tôi rất nhiều…

… Bỗng dưng có Khoa trưởng trường luật Poitiers, phía Tây Nam Paris, đề nghị tôi nhận trình bày trong 6 tháng cho lớp hậu Cử nhân về đề tài “Vấn đề phát triển dân chủ tại các nước Á châu”. Buồn ngủ gặp chiếu manh, tôi nhận lời ngay mà không ngờ đã phóng lao mình phải theo lao. Ông Khoa trưởng nói rõ môn này sẽ không được đưa ra thi cuối năm, không thể làm khác hơn vì phải tôn trọng nội quy của trường. Làm sao giữ nổi sinh viên hậu Cử nhân (tức sau 3 năm đại học) trong 6 tháng, trừ phi cao tăng giảng kinh xuất chúng! Than ôi tôi chỉ là một giáo sư thất nghiệp đi tìm việc, chớ nào phải là cao tăng đâu! Nghĩ cho cùng ban giảng huấn các đại học đã có lòng cứu vãn đồng nghiệp sa cơ vậy thôi! Tôi căn cứ vào luận án tiến sĩ của tôi trình bày vấn đề đặt ra. Chỉ tiếc là thiếu một họa đồ để tiện vị trí khóa các nước, dầu là sinh viên trình độ đại học cũng chưa biết nước nào ở đâu ? Chính tại quốc hội pháp một dân biểu tên tuổi còn nói rằng Nhật bổn ở Nam bán cầu! Mọi việc đều có kết thúc. Khởi sự bài giảng hiện diện khoảng 40 sinh viên, chấm dứt còn phân nửa! Ông Khoa trưởng mừng cho tôi còn giữ được đệ tử! Nhóm sinh viên này còn mời tôi một bữa cơm trưa tại quán ăn tàu ở Poitiers…

… Gia đình tôi trọ trong một căn phòng chung cư tại thành phố Rambouillet. Có sở xã hội và các bà phước cho chút ít bàn ghế, tủ giường, quần áo cũ. Tôi làm đơn xin việc, vợ tôi nấu ăn dã chiến. May mà lúc ấy nhằm mùa hè ấm áp, chớ chưa phải mùa đông lạnh buốt. Các con nhỏ đi học mà ban đầu chẳng biết một chữ tiếng Pháp. vậy mà nhờ ơn trời phật gia đình dần dần cũng gỡ rối được. Như con thuyền không bến của Đặng Thế Phong rồi cũng tạm có bến đậu. Đó là trường luật đại học Brest, vùng Bretagne tận cùng phía Tây nước Pháp. Tôi biết ơn giáo sư Nguyễn Quốc Vinh đã hết lòng giúp đỡ tôi, có thể vì tình đồng bào cũng như vì nghĩa đồng nghiệp. Tôi xin được giới thiệu ân nhân trẻ của tôi. Đó là con trai của giáo sư Nguyễn Quốc Định, gốc người Nam Định, trước giảng dạy tại Viện Đại học Pathéon-Sorbonne Paris. Giáo sư Định là tác giả quyển sách nổi danh ”Droit Public International” (Luật Quốc Tế Công Pháp), tám lần tái bản, đâu đâu cũng dùng, một thời kiêm nhiệm Đại sứ Việt Nam Cộng hòa ở Unesco. Giáo sư Vinh ân cần chỉ dẫn tôi lập hồ sơ xin cộng tác với Đại học Luật khoa Brest. Ông Vinh lúc ấy là giáo sư Công pháp, phó khoa trưởng rồi lên khoa trưởng rất có uy tín ở đây. Sau này giáo sư Vinh đỗ thạc sĩ về dạy ở viện đại học Maine tại Le Mans, cách Paris hơn 200 cây số về hướng Tây, rồi được bổ nhiệm làm phó Viện trưởng đại học này.

Trong lúc chờ đợi quyết định của Hội đồng Giáo sư địa phương rồi Hội đồng Giáo sư Paris, tôi được sắp xếp dạy môn Địa dư kinh tế năm thứ hai Ban Cử nhân, thù lao lấy trên tài khoản liên khóa 1982-83. Môn này liên quan đến các nguồn tài nguyên kinh tế thiết yếu trên thế giới, các hệ thống chuyển vận liên tục địa đường bộ, hàng không, hàng hải, ít có giảng dạy tại các phân khoa đại học khác. Sau đó Hội đồng Giáo sư Paris chấp thuận cho tôi dạy tại trường Luật khoa Brest về các môn Công pháp thù lao theo mức lương giáo sư thực thụ, qua sự chấp thuận ngân khoản thường niên . Tôi phụ trách nhiều môn Luật hành chánh, Tố tụng hành chánh, Công pháp kinh tế, Hành chánh địa phương đối chiếu, miễn đủ số giờ ấn định cho cấp giáo sư. Tôi cộng tác với trường Luật khoa Brest từ năm 1983-84 đến năm 1992- 93. Trong thời gian ấy tôi còn lãnh dạy thêm ở viện đại học Maine-et-Loire, miền Tây Nam Paris, thủ phủ là thành phố Angers về môn Thuế vụ và Hành chánh địa phương là một môn tôi rất thích bởi có nhiều điểm tâm lý xã hội liên quan đến nền văn minh nước Pháp là nước đang mở rộng vòng tay cứu giúp gia đình tôi…

LÀM NHÀ HÀNG Ở PHÁP

Khi còn ở với cha mẹ cũng như khi đã lập gia đình, không có lúc nào vợ tôi nghĩ đến việc nấu ăn bởi lúc nhỏ lo đi học, lúc lớn lên lo đi làm việc. Nhưng một khi đã qua đất Pháp vợ tôi phải nghĩ đến sinh kế gia đình. Phải làm nghề gì kiếm sống để phụ giúp chồng nuôi con nhỏ dại. Do đó vào năm 1990 chúng tôi vay tiền ngân hàng mở nhà hàng cơm Việt Nam ở Chalon-sur-Saône, tỉnh Saône-et-Lorie, vùng Bourgogne, cách Paris hơn 400 cây số ngàn về phía Nam. Do một người cậu vợ tôi sang lại, nhà hàng tọa lạc ngay trước ga hỏa xa, đi hướng Bắc là về Paris, còn đi hướng Nam là đi Marseille. Vợ tôi học ôn cấp tốc các bài nấu ăn thịt bò, thịt heo, tôm kho, chả giò, gỏi cuốn, cách làm nước sauce. Tại phòng ăn có thuê người chạy bàn, biết pha rượu, nước ngọt. tính tiền. Nhà hàng đắt khách qua bốn mùa xuân hạ thu đông chẳng những khách tại địa phương còn khách từ Bắc Âu đi Vùng Địa Trung Hải, khách từ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đi lên miền Bắc Âu.

Những lần đi dạy về tôi chịu khó ghé Paris mua sắm các món cần dùng đem về nhà hàng. Những ngày nhà hàng nghỉ bán tôi chở nhà tôi đi Lyon miền Nam bổ túc các thứ cần dùng như gạo, nước mắm. Đó là thú vui chạy xe theo xa lộ mặt trời, qua những vùng đồng quê, với những tháp chuông nhà thờ cao nhất từng xanh, ghé qua những nhà dừng chân dọc theo xa lộ, ngắm cảnh để nhớ đồng quê cỏ bay thẳng cánh hồi trước của mình. Chúng tôi đã có dịp bách bộ từ nhà hàng đến bờ sông Saône ngồi trên bờ cẩn đá ngắm dòng nước chảy, xem cánh chim bay trên nền trời xanh biếc mà nhớ Sông Tiền Sông Hậu bên nhà. Biết bao giờ mình trở về hay là gửi lắm xương tàn trên đất Pháp này?

Việc gì cũng đến chỗ kết thúc. Các con tôi sau khi thi đỗ tú tài ước ao được về vùng Paris học có nhiều chọn lựa hơn. Vợ chồng tôi sang gấp nhà hàng cơm về tậu nhà vùng Essonne, phía nam thủ đô Paris để các con có điều kiện theo học Đại học. Giờ này đây các con đã thành gia thất, có nghề nghiệp sinh sống. Nguyễn Thị Kim Oanh, bào chế dược viên, Nguyễn Thị Kim Phượng, Tiến sĩ dược khoa, Nguyễn Thị Kim Loan, quang học viên, Nguyễn Thị Phương Thảo, Tài Chánh kế toán viên, Nguyễn Trung Chánh, kỹ sư Tin học, Nguyễn Thị Thanh Nga, y khoa Bác sĩ. Còn vợ chồng tôi xin hưởng hưu bổng, ít nhiều gì cũng được miễn sống cần kiệm là đủ. Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm, đó là sự thật muôn đời ở đâu cũng vậy thôi !

KẾT LUẬN

Tại sao tôi để tựa quyển sách mỏng này " Trường học Trường đời ". Tôi học ở trường rất nhiều, từ lớp 5 Trường làng, lấy bằng tiểu học ở trường tỉnh Sa Đéc, bằng trung học ở Mỹ Tho, bằng tú tài, bằng cử nhân, bằng tiến sĩ ở Sài Gòn, mong giúp ích xứ sở, giúp đỡ cha mẹ, anh em, các con. Từ trường làng Tân-hựu-Đông đến Viện đại học Panthéon Sorbornne Paris con đường xa thăm thẳm, phải trải qua Mấy Dặm Sơn Khê. Đã học nhiều ở trường học, tôi học càng nhiều hơn nữa ở trường đời, cho đến lúc nghiễm nhiên lãnh trách nhiệm góp phần xây dựng nền Đệ Nhị Cộng hòa miền Nam, rồi bị đưa vào trại tù cải tạo, ăn cơm trộn đá sạn, để nằm gai nếm mật, tưởng chừng như giấc chiêm bao! May mà có nước Pháp ra tay cứu giúp trong cơn phong ba bão táp dập vùi!

Tôi xin độc giả hãy cùng tôi xem lại mấy dòng này của nhà văn Nguyễn Khắc Hiếu trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư của giáo sư Dương Quảng Hàm: "Người ta ở trong đời khi nổi khi chìm, lúc may lúc rủi, không rồi lại có, đầy rồi lại vơi, lên lên xuống xuống như cây thụt máy tàu. Tiền chôn bạc chứa chưa là giàu, nhà doanh vách đất chưa là nghèo, võng lọmg ngựa xe chưa là vinh , xiềng xích gông cùm chưa là nhục. Những cái đó chỉ làm cho ta đương mừng hóa lo, đương buồn hóa sướng, say mê chìm đắm khóc hão thương hoài."

Mùa đông Kỷ Hợi 2019 Les Ulis 91940 FRANCE
NGUYỄN VĂN TƯƠNG

______

Tiễn Thầy, Giáo sư NGUYỄN-VĂN-TƯƠNG

NGUYỄN nhân thượng-thọ đã quy-tiên
VĂN-võ song-toàn tâm thiện-hiền
TƯƠNG-lai ĐẤT-VIỆT nhiều chìm-đắm
Cầu-Nguyện THẦY về CHỐN BÌNH-YÊN

Viết tại Sydney, 05/06/2022
Tiêu-kiến-Trung
(Cao-học khóa 10 QGHC)

No comments:

Post a Comment

"Tôi ngồi ở đây", cười tí tỉnh

Một chiếc máy bay trên đường đến Toronto thì một cô gái tóc vàng ở hạng phổ thông đứng dậy, chuyển sang khoang hạng nhất và ngồi xuống. Tiế...