Minh Tran
Tôi sang Mỹ cùng với Ba Dượng theo diện H.O - nhờ tờ khai sinh giả tôi có được qua những đồng tiền đút lót mà tôi trở thành con ruột của Ba. Cha mẹ tôi và một đứa em trai còn ở lại Việt Nam. Nhiều người rất ngạc nhiên, không hiểu vì sao mỗi khi nhắc đến gia đình ruột thịt tôi có phần lạnh nhạt trong khi tôi lại rất thương yêu và chăm sóc Ba Dượng. Thật sự, tôi thương Ba Dượng hơn cha ruột của tôi rất nhiều. Tôi không biết điều đó đúng hay sai nhưng tình cảm luôn xuất phát từ trái tim, không thể gượng ép và cũng không thể theo một khuôn mẫu đã định sẵn. Duy nhất một điều tôi có thể hiểu được là cha tôi chưa một ngày bồng ẵm tôi nhưng Ba Dượng đã nuôi nấng tôi từ thuở ấu thơ.
Khi mẹ mang thai tôi được sáu tháng thì cha đã bỏ mẹ con tôi để vào rừng, theo “Quân giải phóng”. Mẹ ở lại, một mình một thân yếu đuối với cuộc sống vất vả nghèo nàn, vừa nuôi mẹ chồng, vừa nuôi con dại. Ngay lúc ấy, Ba Dượng tôi xuất hiện. Ông là một Sĩ quan trong Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Từ Thành phố ông thuyên chuyển về nơi gia đình tôi đang sinh sống. Tôi không nhớ rõ những gì đã xảy ra, chỉ biết rằng đến khi bốn tuổi tôi mới có được một người mà tôi gọi bằng Ba. Ba là một người hiền lành, chân thật và rất vui tính, cởi mở. Ba chăm sóc bà nội như mẹ ruột, vì thế bà nội cũng rất thương Ba. Ngược lại, mẹ tôi không yêu Ba. Mẹ tiếp nhận Ba - một cuộc hôn nhân không giá thú - chỉ để tìm nơi nương tựa. Ba biết điều đó nhưng vẫn chấp nhận.
Năm bảy mươi lăm cha tôi bất ngờ trở về, còn Ba thì lại khăn gói vào “trại cải tạo”. Mẹ vui mừng vì sự trở về của cha bao nhiêu thì tôi lại đau lòng vì sự tù tội của Ba bấy nhiêu. Tôi không hiểu được tình cảm của mẹ. Tại sao với một người chồng hết lòng thương yêu mẹ mà trái tim bà vẫn dửng dưng? Tại sao chỉ một năm ngắn ngủi sống với cha mà tình yêu bà vẫn bền vững suốt cả chục năm hơn? Tại sao mẹ có thể chấp nhận việc cha đã có vợ khác và người vợ “đồng chí” của cha đã nghiễm nhiên trở thành vợ chính thức, còn mẹ, chỉ là một người vợ danh không chính, ngôn không thuận, để mỗi lần đến thăm, cha phải nhìn trước, ngó sau như một kẻ đang phạm tội ngoại tình. Chưa kể có lần vợ của cha còn đến nhà, mắng chửi mẹ là “dâm phụ” và cũng không cần biết bà nội tôi là ai, bà chống nạnh xỉa xói:
- Cả nhà chúng mày phải tránh xa chồng bà, không thì bà cho chết cả lũ về cái tội cấu kết với cái thằng lính ngụy đang ở tù rục xương.
Cha tôi nắm tay kéo bà vợ đi xềnh xệch trước những cặp mắt tò mò của hàng xóm. Mặt bà nội xanh như chàm, bàn tay cầm cây gậy run lên bần bật vì tức giận. Mẹ ngồi bệt xuống sàn nhà với những giọt nước mắt không ngừng tuôn chảy trên khuôn mặt lơ lơ, láo láo như người mất hồn. Tôi cũng không nhớ rõ cảm giác của mình lúc ấy ra sao nhưng hình như có một nỗi vui nào đó hiện đến rất nhanh khi tôi chợt nghĩ, đây cũng là một điều hay để giúp mẹ tôi sáng mắt ra mà nhận biết ai là người thật sự yêu thương mình. Nhưng không, mẹ tôi vẫn tối tăm quay cuồng trong mớ tình cảm hỗn độn đó dù bà nội khuyên mẹ hãy quên cha tôi đi để lo thăm nuôi Ba đang chịu tù tội, đói khát.
Phần tôi, tôi rất bất mãn trước thái độ của mẹ khi bà không có một chút quan tâm, lo lắng nào dù thật nhỏ cho cuộc sống của Ba trong cảnh khốn cùng. Mỗi lần theo cô Tư đi thăm Ba, tôi phải nói dối đủ điều về lý do tại sao mẹ vắng mặt. Dĩ nhiên, cô Tư cũng không muốn anh mình phải đau khổ - nếu biết được người vợ đầu ấp tay gối đã nhẫn tâm phủi tay, rũ bỏ tình nghĩa vợ chồng bao nhiêu năm - nên cô dặn dò tôi phải nói dối với Ba rằng mẹ đi buôn xa không về kịp, hoặc bà nội bệnh bất ngờ mẹ phải ở nhà chăm sóc.
Có lần, sau khi thăm Ba trở về, tôi hỏi mẹ bằng thái độ khó chịu:
- Ba ở tù bốn năm rồi mà sao mẹ không đi thăm Ba một lần?
Mẹ trả lời một cách thản nhiên:
- Vì mẹ không thể phản bội cha con!
Tôi tức giận:
- Mẹ không thể, nhưng mẹ đã phản bội cha rồi.
Mẹ cho rằng tôi bất hiếu vì không phân biệt ai là cha ruột, ai là cha nuôi. Tôi cười chua xót:
- Con không cần biết ai là cha ruột, ai là cha nuôi. Con chỉ biết Ba là người đã cực khổ nuôi nấng con từ lúc còn bé. Con chỉ biết Ba là người đã bất kể hiểm nguy, giữa đêm khuya bế con đến Bệnh viện cứu cấp khi con đau nặng. Mẹ không nói cho con biết nhưng bà nội vẫn nhắc hoài chuyện ấy.
Mẹ quay đi sau khi ném cho tôi ánh mắt giận dữ. Tôi biết mẹ không thể bỏ cha ruột của tôi, dù ông đối xử với bà tình không trọn mà nghĩa cũng chẳng tròn, nhưng ít ra bà cũng không nên rũ sạch ơn nghĩa cưu mang của Ba hơn chục năm trời.
- Mẹ hãy dẹp tình cảm qua một bên để tỉnh táo suy nghĩ xem cha đối với mẹ như thế nào. Ông đi bao nhiêu năm trời không một tin tức. Chắc trong lòng ông không hề vấn vương, thương nhớ mẹ hay nghĩ đến đứa con chưa kịp chào đời. Bằng chứng là đứa con riêng của cha nhỏ hơn con một tuổi, có nghĩa là xa mẹ chưa đầy một năm cha đã có người đàn bà khác. Rồi khi trở về đây gặp lại mẹ, đáng lẽ cha phải giải thích cho bà vợ của cha hiểu ai là người đến trước, ai là người đến sau, chứ lẽ nào cha đứng đó để chứng kiến bà ta làm hùm làm hổ với mẹ, cứ y như mẹ cướp chồng của bà ta...
Nhìn bà nội ngồi ở góc bàn sụt sùi lau nước mắt, tôi cảm thấy ân hận nên quỳ xuống cạnh bà:
- Nội à! con không muốn nói những lời làm đau lòng nội. Nhưng thật tình con không thể nào chấp nhận thái độ bạc bẽo của mẹ con. Nội thử nghĩ, nếu như ngày xưa không có Ba thì cuộc sống của gia đình mình sẽ ra sao? Nội bệnh hoạn cũng một tay Ba lo thuốc men mà không hề phân biệt rằng, đây là mẹ chồng chứ đâu phải mẹ ruột của vợ tôi. Ba nuôi nấng con từ nhỏ đến lớn không rầy la một tiếng dù con có phạm lỗi lầm. Ba thương yêu con như một đứa con ruột thịt...
- Rồi sao nữa? Cái thằng Sĩ quan ngụy đó cũng giỏi thiệt... nó dụ dỗ được mày đứng về phe nó để chống lại cha mẹ.
Cha tôi bước vào nhà, quăng cặp táp lên chiếc phản gỗ, tay đập bàn rầm rầm:
- Anh đã nói với em rồi, con bé này đã bị thằng ngụy đó đầu độc mười mấy năm không thể nào tẩy não được mà.
Tôi lùi lại, đứng sau lưng bà nội. Dù trong lòng cũng có chút nao núng, nhưng khi nghe cha xúc phạm đến Ba, tôi tức giận đến độ không còn biết sợ là gì:
- Thưa cha, cha có biết cái “thằng ngụy” xấu xa đó đã dạy con điều gì không?
Tôi cười chua chát tiếp lời:
Ông ấy đã dạy con, dù đi đâu xa cũng phải nhớ ngày giỗ của cha mà về nhà đốt nén nhang cho bà nội và mẹ vui lòng. Hồi mẹ được tin cha chết, mẹ khóc lóc, đau khổ nhưng không dám lập bàn thờ, thì chính cái “thằng ngụy” mà cha luôn miệng chửi rủa đó đã mang ảnh ba ra tiệm hình để rọi lớn, rồi đem về trịnh trọng đặt lên đầu tủ với lư hương, với chân đèn để làm bàn thờ cho cha. Nếu đêm nào mẹ lỡ quên vì bận bịu thì cũng chính “thằng ngụy” đó dù đã lên giường cũng vội vàng leo xuống để đốt nhang cho cha. Chưa bao giờ con nghe “thằng ngụy” đó nói một lời thất lễ với cha, nhưng cha thì lúc nào cũng chửi bới người ta, trong khi đáng lẽ cha phải cám ơn người đã thay cha gánh vác việc gia đình. “Thằng ngụy’ đó đã cho con thấy hình ảnh một người chồng, người cha cao thượng, nhưng cha thì sao?... cha hãy suy nghĩ lại để từ nay đừng bao giờ xúc phạm đến Ba của con.
Hình như tình thương đối với Ba đã cho tôi thêm sức mạnh và sự bình tĩnh để dõng dạc nói lên suy nghĩ của mình không chút sợ hãi. Điều đó khiến mẹ tôi lo quắn quíu:
- Con này... ma nhập nó rồi hay sao mà ăn nói bậy bạ, hỗn láo!
Mặt cha tôi như xám lại, ánh mắt ông long lên sòng sọc, đôi môi mím chặt khiến khuôn mặt ông đanh lại, hung hãn không thua gì các diễn viên đang vào vai một nhân vật phản diện độc ác. Cha đưa chân đạp chiếc ghế văng vào bàn. Ông quay lại hét vào mặt mẹ tôi:
- Em dạy dỗ con cái như thế này đây hả? Nó nói chuyện với cha nó như một phường mất dạy. Anh nói rồi... ngày nào nó còn ở trong nhà này anh sẽ không bao giờ đặt chân đến đây nữa.
Tôi nghênh mặt khiêu khích:
- Cha không cần đuổi con cũng sẽ ra khỏi nhà ngay hôm nay. Con xin nói thật... con không muốn gặp mặt người cha vô trách nhiệm, bỏ vợ, bỏ con mấy mươi năm rồi bây giờ trở lại trách vợ mình không dạy dỗ con. Cha có biết trách nhiệm dạy dỗ con thuộc về ai không?
Cái tách trà bay về phía tôi, chạm vào thành ghế bà nội đang ngồi vỡ toang. Tôi không biết nếu cái tách trúng ngay đầu bà nội thì việc gì sẽ xảy ra? Có lẽ tôi lại hứng thêm một cái tội “Tại cái con mất dạy này mới ra cớ sự!”
**
Sau cuộc cãi vã đó tôi thu dọn quần áo ra đi. Bà nội chạy theo níu tay tôi mếu máo dặn dò:
- Con xuống nhà cô Tư ở, đừng đi đâu bậy bạ nghe con.
Tôi cười trong nước mắt:
- Con có tư cách đến nhà cô Tư sao bà nội? Cô Tư đâu phải ruột thịt gì của con!
Mẹ đứng ngang ngạch cửa mai mỉa:
- Biết vậy là khôn đó con. Cứ đến ở thử vài ngày để xem người ta đối xử ra sao cho biết thân.
Không hiểu sao câu nói nào của mẹ cũng châm chích, cay nghiệt. Không lẽ mẹ đã quên hết những ngày cô Tư chạy đôn chạy đáo đem hàng về cho mẹ bán kiếm lời. Chẳng những thế, cô còn nhường cả khách hàng của cô cho mẹ. Ngay từ lúc Ba đến với mẹ, đâu phải cô Tư không biết tôi là con riêng của mẹ, nhưng lúc nào cô cũng đối xử với tôi ngọt ngào, thân thương như đứa cháu ruột. Mẹ không nhớ hay cố tình chối bỏ? Tôi thất vọng não nề vì cách cư xử của mẹ nên cay đắng trả lời:
- Cô Tư đối xử với con ra sao thì cả chục năm nay con đã biết rồi không cần phải thử đâu mẹ. Con nghĩ người mà con cần thử là cha đó, cả mẹ bây giờ nữa... Mẹ à! mẹ thay đổi quá nhiều... đến độ con không còn nhận ra mẹ là người con vẫn hằng yêu quý. Trời cao, đất rộng không tha thứ cho mẹ cái tội bạc đãi Ba đâu.
Tôi quay lưng đi mà không chút luyến lưu, nuối tiếc. Tội nghiệp bà nội. Bà vừa khóc vừa gọi tên tôi rồi lúc thúc chạy theo, dúi vào tay tôi một nắm tiền:
- Cầm tiền theo mà tiêu xài đi con. Ở đâu nhớ cho nội biết để nội an tâm. Có đi thăm Ba thì lấy tiền này mua một chút đồ ăn đem theo, nói nội gửi cho Ba và xin lỗi Ba dùm... nội già yếu rồi không thăm Ba con được.
Tôi ôm chặt lấy bà nội, nước mắt chan hòa.
**
Sau sáu năm học tập Ba được thả về. Hộ khẩu của Ba là căn nhà ngày xưa gia đình tôi đã chung sống, nhưng nay mẹ không đồng ý cho Ba vào nhà. Bà nội khóc hết nước mắt cũng không lay chuyển được quyết định của mẹ - đúng hơn là mẹ đã làm theo lệnh của cha tôi. Ông Năm hàng xóm thương Ba sa cơ thất thế, giận mẹ tôi là “Phường vong ân bội nghĩa” - cụm từ này đã thay vào tên mẹ tôi mỗi khi ông nhắc đến - ông cho Ba cất cái chái nhỏ phía sân sau của ông, sát cạnh nhà mẹ trong thời gian chưa ổn định vì hàng ngày Ba phải ra Công an phường trình diện.
Ba hoàn toàn không nói một lời trách móc mẹ. Tất cả nỗi đau Ba giấu kín trong lòng. Có lần bà nội sang thăm Ba, bà ân cần nắm tay Ba nói trong nước mắt:
- Má xin lỗi con. Má không biết phải làm sao cho đúng!
Ba cười hiền từ:
- Cũng là số phận của con thôi. Má đừng buồn!
Phải hơn nửa năm sau cô Tư mới đút lót được Công an để chuyển hộ khẩu của Ba về nhà cô. Và tôi đã có những ngày tháng vui vẻ sống bên cạnh Ba và cô Tư. Một mái gia đình đâu phải thật sự là của tôi nhưng sao tình cảm tôi nhận về quá thiết tha, sâu đậm. Cha “bắn tiếng” hăm dọa sẽ từ bỏ, không nhận tôi là con nữa. Ba khuyên tôi nên trở về xin lỗi cha mẹ, tôi nhăn mặt trách Ba:
- Con đang ở thiên đàng sao Ba lại nỡ lòng đẩy con xuống hỏa ngục. Ba hết thương con rồi phải không? Ai muốn từ con thì cứ từ... con không sợ. Con chỉ sợ Ba từ con thôi.
Đôi mắt long lanh, đỏ hoe của Ba cho tôi biết rằng Ba đang rất hạnh phúc khi biết rằng, trong lòng tôi, Ba mới thật sự là người cha tôi yêu kính.
Ngày bà nội mất Ba không đến nhưng trong căn phòng hẹp của Ba, Ba đã lập một bàn thờ nhỏ và lặng lẽ quấn vành khăn tang. Nếu mẹ đã làm tôi thất vọng vì sự bạc tình, bạc nghĩa đối với Ba thì tình cảm của Ba và bà nội làm tôi cảm động rơi nước mắt. Ba nói “Ba mồ côi từ bé, bà nội lại đối xử với Ba rất tốt, nên Ba thương bà nội như chính mẹ của mình”.
**
Những năm gần đây Ba mang một chứng bệnh nan y. Có lẽ, Ba sợ khi mất đi tôi sẽ bơ vơ vì không có ai là người thân thích ruột rà nơi đất khách quê người nên cứ nhắc nhở tôi trở về Việt Nam thăm “gia đình” nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ đến điều đó. Sự oán giận và ray rứt trong lòng tôi vẫn chưa nguôi ngoai dù thỉnh thoảng tôi vẫn gửi tiền về cho mẹ theo lời khuyên nhủ, nhắc nhở của Ba. Tôi muốn được ở cạnh Ba cho đến ngày cuối cùng để đền bù món nợ ân tình quá lớn mà mẹ tôi đã nợ của Ba.
(Cám ơn bạn Nguyễn Đ. T. đã chuyển)
No comments:
Post a Comment