28 June 2022

Khi Tình Yêu Đến Muộn, nhạc

Nhạc sỹ Hũu Nghi, nguyên là Trưởng ty Điền Địa Đà Lạt/Tuyên Đức, sau là Giáo sư Trưởng Võ Bị Quốc Gia Đà lạt.  Định cư tại San Jose, anh trở thành giáo sư Toán tại các trường Trung Học công, đồng thời cũng là nhạc sỹ tài tử. Anh đồng cảm với các hoàn cảnh khác nhau, sống hòa hợp với Cộng Đồng nên đề tài sáng tác rất đa dạng. Tôi rất ngưỡng mộ tài năng của anh Hữu Nghi với tư cách một người tỵ nạn tại miền đất tạm dung hơn là tu cách của một công chức hay quân nhân trước năm 1975 tại quê nhà.
 
Thân quý 
 
Nguyễn đắc Điều

23 June 2022

Chụp Ếch, truyện đồng quê

Dường như tui biết bắt ếch từ hồi bốn năm tuổi. Ông Dương Năm, em rể của bà ngoại tui làm chứng vụ này. Ông thường ngồi trên ngạch cửa, trước hàng ba, coi đám con nít đùa giỡn. Có lần thấy tui té sấp, sải dài bốn chưn thì ông hỏi bắt được mấy con ếch. Rồi những lúc tắm mưa, khi bị trợt chưn té, cũng được hỏi có chụp dược con ếch nào không.

Thì ra quê tui có nhiều ếch. Người lớn hay bắt ếch. Con nít cũng bắt ếch. Chính cảnh sống trù phú ở đồng quê đã đẻ ra cái tiếng “chụp ếch” bất hủ đó. Ở chợ bị té thì bị kêu là đo đường hay đo ván chứ làm sao có ếch mà chụp. Chụp ếch! Vừa đau vừa mắc cỡ nhưng 2 tiếng dễ thương đó đã hóa giải ngay, giúp tui vui cười và lồm cồm đứng dậy giỡn tiếp. Rồi tới bảy tám tuổi thi chính tui đi chụp ếch thiệt.

Chụp ếch.

19 June 2022

Hương Cúc, tùy bút

Dạo ấy tôi khoảng 17 tuổi. Chán ngấy những bài học thi lên lớp cuối năm, một hôm vào sáng còn sớm tôi cầm cây cuốc nhỏ dẫy làn cỏ mép bờ rào chè tàu xanh cắt gọn. Cỏ chưa un thành đống để vất vào mé sông Bến Ngự nhỏ đằng trước, một bà Bắc Kỳ di cư ở đâu lối xóm bước qua nhặt hộ. Ngạc nhiên nhưng tôi vẫn im lặng nhìn thầm cử chỉ cộng tác ấy. Con đường trong vườn nầy có hàng rào xanh kia là nhà người bạn tôi đến học chung cho vui, nhất là vào đêm ngồi ở cột đèn điện trong cái thành phố Huế trầm lặng ấy.

Tôi thấy bà ấy để riêng một loại cỏ. Sau khi giúp tôi dọn xong đống cỏ vừa đánh ngã, bà ta ôm đống ấy về. Thấy tôi ngạc nhiên, bà tự ý nói:

- Cảm ơn cậu, tôi đem về làm bánh. Từ ngày vào đây tôi bây giờ mới tìm ra. Làm bánh xong tôi sẽ biếu cậu dùng qua cho biết món ăn bắc nầy.

Sau đó tôi chẳng quan tâm gì. Chiều đến tôi định về nhà ăn cơm rồi trở lại đây cho qua mùa học thi. Tay cầm cuốn sách, tôi đứng ở ngõ nhìn ra sông, cái con sông nhỏ bằng bàn tay mà nước xanh ngắt chả kém gì cô chị là sông Hương ở đàng kia góc cầu Giả Viên băng qua một cồn cát mịn đưa đoàn xe hỏa đi Quảng Trị. Cát trắng nơi lòng sông cạn phản chiếu ánh sáng chiều. Vài chiếc đò nhỏ lặng thinh, vài chiếc ghe độc mộc lướt êm như đi trong hồ; không ai bảo ai, cứ thế mà đi trên dòng sông xanh. Tôi đứng nhìn sự chuyển dịch nhẹ êm bên bờ ý tưởng của một cậu học trò trong muôn ngàn học trò xứ Huế khác.

Một cô bé không quen, chừng 14 tuổi, bước lại trao cho tôi hai nắm xôi gói trong miếng lá chuối xanh. Tôi đưa tay ra nhận như cái máy tuy cô bé chưa nói gì; một phần đã thấy đói, một phần vì tâm trạng nằm đâu đâu. 

Cô nói:
- Mẹ em biếu cậu cái bánh cúc mẹ em hứa sáng nay, cậu dùng cho biết.

Quái nhỉ, tôi tự bảo xôi chứ gì. Với cái tinh nghịch tuổi học trò tôi hỏi:

- Thế cô tên Cúc à?

- Vâng ạ, em tên Cúc, tên ở nhà, còn đi học tên khác.

Chiều hôm ấy cứ thế mà mất dần ánh sáng nơi Bến Ngự lặng thinh gần như lạnh. Tôi ăn món bắc ấy lần đầu tiên. Dưới lớp xôi mỏng là cái bánh gì deo dẻo, nhân đậu xanh, thơm nực mùi hành. Cái hương vị lạ lùng. Ăn bắc mặc kinh là thế. Tôi không về nhà ăn cơm phần vì no, phần vì muốn giữ hương vị đặc biệt nầy; mãi đến tối tôi vẫn không uống nước.

Ở lại nhà người bạn học thi như thuờng lệ, tôi thức dậy từ bốn giờ sáng, đọc các bài luận mẫu vì ít hôm nữa thi Pháp Văn, môn có hệ số cao nhất sau Việt văn. Tay vẫn cầm cuốn sách, tôi ra phía sông của bao giờ, con sông thu hút cái mệt mỏi xuất phát từ bài học. Tôi trở vào, vừa đi vừa đọc theo bờ rào chè tàu xanh. Bất giác mùi bánh cúc, hương vị miền Bắc mới đưa vào Nam làm sống dậy trong tôi cảm giác lạ lùng khó tả. Tôi có cảm tưởng những gì vừa học từ tảng sáng đã đổ xuống đất như nước đổ trên tượng. Tôi nhìn xuống đất xem thử có còn giọt nước nào vừa chảy qua tượng đá người tôi chẳng?. Chẳng có gì. Hôm qua tôi không để ý cây cúc nó ra làm sao. Giờ đây thì không tìm được, đã mất rồi. Bờ cỏ bên bờ dậu đã sạch nhẵn để lại đất mịn còn chút sương mai. Không có một tí cỏ, huống hồ là cỏ cúc. Hôm qua mẹ Cúc đã nhặt hết, còn cây nào sót lại thì đã lẫn vào cỏ khác nằm ngoài bờ sông sau một ngày khá nắng và nóng.

Nhưng cái hương vị vẫn còn nhẹ nhàng êm ả kéo dài chứ không ồ ạt như lúc nãy. Tôi hối hận đã không xem cây cúc ra làm sao. Mùa mưa đến hạt cúc có nẩy mầm không? Mà cây cúc có hạt hay không? Có thể trồng cúc thành luống như cải không? Được chứ khi bánh cúc trở thành món ăn nhiều người ưu thích. Có thể trồng cúc như trồng lúa trồng hành.

Tuy thế tôi vẫn áy náy lo gại, cây cúc có hạt hay không? Rồi đây khi mưa đến, có còn sót một chút gì của cúc để nẩy sinh cây cúc? Rồi từ đó nẩy sinh tất cả; nẩy sinh cái anh học trò lẩm cẩm thắc mắc bên bờ sông, nẩy sinh một cô bé tên Cúc gọi ở nhà mà đi học tên khác; nẩy sinh hương vị nhẹ nhàng, cái bánh cúc dưới làn xôi dẻo, thơm thơm và vương vấn mùi hành; nẩy sinh một buổi chiều, nẩy sinh một buổi mai ngớ ngẩn.

Tôi bóp chặt cuốn sách với tất cả sức lực. Lớp giấy cong lên như kinh giật. Chữ nghĩa đã rơi rụng tất cả như hạt cúc mầm hoa rơi rụng vào đất mà tôi hy vọng nẩy sinh tất cả như vừa nói trên. Bài Việt ngữ đã thi xong tuần qua. Tôi thầm nghĩ nếu giáo sư Pháp văn cho một đề tài liên quan đến hoa cúc, có lẽ tôi sẽ đứng đầu về ý tưởng trong bài luận tuy vốn liếng sinh ngữ không là bao.

Sáng hôm ấy tôi ngồi dưới cây ngọc lan tươi mát và vòng tay làm bài luận về cây cúc mà giám khảo không ai ngoài cô tên Cúc cho tôi cái bánh cúc thơm thơm ngày qua. Bài luận dưới gốc cây ngọc lan:

Khởi đầu tôi nhắc lại các thắc mắc nêu trên rồi tả tình tả cảnh đôi chút như thầy đã dạy cách làm luận. Sau đó tôi đặt câu hỏi: Cúc dại là gì? Lẩm cẩm viết lách trong vòng tay học trò như thế nầy.

Tế Hanh, nhà thơ Quảng Ngãi trong một bài thơ về quê hương, có câu: Dọc đường hoa dại ngát hương lây. Hoa dại ai cũng biết là hoa mọc lên nhờ mưa nắng của trời đất chứ không ai vun trồng tưới tắm. Nó tự nhiên kết tụ hơi sương và nhạc gió, e ấp thẹn thùng bên bước chân người đi, uốn mình như thục nữ chịu thua mà thắng trận. Nó sợ chậu sành hay khung kiểng như một bức bách kiềm hãm. Cho dù có tàn phai nó cũng nằm đấy, nơi đã sinh lên chứ không bị người chơi hoa quẳng vào xó khi đã về chiều. Chỉ ôm lấy hư vô tìm về vĩnh cửu.

Ở lớp dưới năm trước một giáo sư trích một đoạn trong Trà Thư mà Khái Hưng dịch từ một tác phẩm Nhật. Tôi đem bài ấy vào bài luận hôm nay nhất là đoạn: Hoa ơi nếu ta ngắt hoa thì tay ta làm hoa ô uế. Ta chỉ muốn trong hoa ngoài nội cỏ để dâng lên Đức Phật quá khứ, hiện tại và tương lai. Mà Phật ở đâu? Hiện tại là đâu? Tương lai là đâu? Đâu cũng là Phật, đâu cũng là Trời. Trái tim ta là Phật; lòng ta là Trời. Vương Dương Minh nhà triết học Trung Hoa đã ngồi hằng giờ trầm trồ với cúc dại quên cả thời gian kim cổ; và quên cả chính mình đang ngắm cây cúc kia; cũng như Trang Chu hóa bướm, bướm thành Trang Chu.

Bài luận bên gốc cây chỉ có thế, mấy dòng vớ vẩn kiểu học trò tập viết. Bẵng đi một thời gian khá dài; một phần tư thế kỷ với bao đổi thay của đời người, bao đổi thay của thời cuộc. Với điều tuy không chắc nhưng tin là có thật, với bao nẩy sinh từ cây cúc như đã nói trên; nẩy sinh một buổi chiều, một buổi sáng ngớ ngẩn... Trong những đổi thay vừa nêu, có cuộc vượt biên như thế nầy.

Tôi lên xuống Saigon Rạch Giá đúng mười lần mới đi được. Xe cộ thì vui đi buồn đứng, miên mãi biết bao giờ đến chỗ, vỏ hư, điện hết với bao thứ như một cơ thể chờ chết. Đây chuyến xe cuối cùng tôi kể anh nghe. Sau một đêm ngủ trên một chiếc chiếu thuê, giải trên nền đất bến xe nóng, tôi thức dậy thật sớm trong cái chập chờn của hơi nóng bền dai, trong cái lo âu của dự tính, trong cái mừng thỏm qua một đêm ở Cần Thơ không bị ai hỏi ai bắt. Tôi đến bến xe Rạch Giá lấy chuyến đầu tiên về điểm hẹn.

Xe hư dăm lần bảy lượt. Tôi không dám đi xe chuyền về Rạch Giá vì tiền đã cạn sau chín lần về miền Tây, mà lần nầy có chắc gì đi được, lấy đâu đi xe về. Tôi đành bám theo cái xe tắt thở ấy. Giá như nó hư ở trạm thuế thì hành khách còn ngơi nghỉ với chiếc bánh đa, ly nước ngọt hay tô bún chả giò và cả điếu thuốc lào nữa. Oái ăm nó hư cách Kênh B hơn cây số. Ai cũng đói nhòa.

Mà đây là vùng các con kênh ở Cái Sắn, với các khu trù mật cũ của người di cư 54 còn giữ các tập tục và cách sống ở Bắc, còn giữ nét cần cù kiên nhẫn. Nhờ vài người đi bộ hoặc xe lôi đến trạm thuế, các người bán hàng rong biết xe hư nên mang hàng đến bán. Ai cũng đói và cần ăn bậy cái gì cho qua cái nắng chờ đợi nầy. Đi đầu tiên từ đàng xa là một thiếu phụ mặc áo nâu, trạc tuổi mẹ Cúc ngày nào, đầu đội cái xửng bằng nhôm trắng chùi sạch. Có lẽ đi bộ quá xa, bà không còn sức rao món hàng. Đến nơi bà đặt mạnh lên đường cái gánh nặng đội trên đầu trong nắng.

Hành khách đói sẵn, chạy lại mở ngay nắp xửng. "Cho tôi gói xôi" nhao nhao quanh thiếu phụ ấy. Bà đáp: "Không ạ, bánh cúc chứ không phải xôi". Mọi người lại dạt ra. Tôi chạy lại mua hai bánh cúc, vừa mua vừa giải thích cho hành khách người Nam thế nào là bánh cúc. Trong phút chốc nồi bánh cúc hết sạch.

Nhưng thật chua xót cho tôi, đau đớn vô cùng. Đâu phải là mùi hương cúc, mà là một cái gì bầy nhầy dưới lớp xôi cứng ngắc. Tôi thấy ngượng đã quá lời giới thiệu. Hy vọng cơn đói giữa ngày và giữa đồng trống làm quên đi cái nhạt nhẽo của cái gọi là bánh cúc. Tôi trách bà bán hàng và bà cũng nhận đây chỉ cải nấu nát, bắt thành bánh cho có cái phong vị bên ngoài để nhớ cái hương cúc thật sự. Tôi thông cảm sự khó khăn kinh tế và nhất là trong vùng nước mặn nầy tìm đâu ra cái cúc dại ngàn năm trong tâm cảm tôi, cái cúc dại đến với tôi một chiều yên lặng bên con nước xanh, dòng nước chảy về cô chị xanh mát tên là (sông) Hương.

Đến (trại tỵ nạn) Sikiw, khi thấy vào ban mai những thau xôi xếp dài bên đường hẹp, những gói xôi trắng gói trong những ngọn lá bàng xanh, những khi ấy lòng tôi se lại. Buồn và buồn ghê. Tôi không dám ăn xôi là vậy. Ước gì đó là những bánh cúc thơm ngọt mùi cúc, bột dẻo, dẻo dai như lòng tôi với hương cúc ngọt dịu, êm ả như nhụy đậu xanh, tỏa lên mùi hành thơm ngát. Cái hương cúc ấy làm tôi buồn ghê.

Tôn Thất Tuệ

17 June 2022

Món Nợ Ân Tình, truyện ngắn

 Minh Tran 

Tôi sang Mỹ cùng với Ba Dượng theo diện H.O - nhờ tờ khai sinh giả tôi có được qua những đồng tiền đút lót mà tôi trở thành con ruột của Ba. Cha mẹ tôi và một đứa em trai còn ở lại Việt Nam. Nhiều người rất ngạc nhiên, không hiểu vì sao mỗi khi nhắc đến gia đình ruột thịt tôi có phần lạnh nhạt trong khi tôi lại rất thương yêu và chăm sóc Ba Dượng. Thật sự, tôi thương Ba Dượng hơn cha ruột của tôi rất nhiều. Tôi không biết điều đó đúng hay sai nhưng tình cảm luôn xuất phát từ trái tim, không thể gượng ép và cũng không thể theo một khuôn mẫu đã định sẵn. Duy nhất một điều tôi có thể hiểu được là cha tôi chưa một ngày bồng ẵm tôi nhưng Ba Dượng đã nuôi nấng tôi từ thuở ấu thơ.

Khi mẹ mang thai tôi được sáu tháng thì cha đã bỏ mẹ con tôi để vào rừng, theo “Quân giải phóng”. Mẹ ở lại, một mình một thân yếu đuối với cuộc sống vất vả nghèo nàn, vừa nuôi mẹ chồng, vừa nuôi con dại. Ngay lúc ấy, Ba Dượng tôi xuất hiện. Ông là một Sĩ quan trong Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Từ Thành phố ông thuyên chuyển về nơi gia đình tôi đang sinh sống. Tôi không nhớ rõ những gì đã xảy ra, chỉ biết rằng đến khi bốn tuổi tôi mới có được một người mà tôi gọi bằng Ba. Ba là một người hiền lành, chân thật và rất vui tính, cởi mở. Ba chăm sóc bà nội như mẹ ruột, vì thế bà nội cũng rất thương Ba. Ngược lại, mẹ tôi không yêu Ba. Mẹ tiếp nhận Ba - một cuộc hôn nhân không giá thú - chỉ để tìm nơi nương tựa. Ba biết điều đó nhưng vẫn chấp nhận.

Năm bảy mươi lăm cha tôi bất ngờ trở về, còn Ba thì lại khăn gói vào “trại cải tạo”. Mẹ vui mừng vì sự trở về của cha bao nhiêu thì tôi lại đau lòng vì sự tù tội của Ba bấy nhiêu. Tôi không hiểu được tình cảm của mẹ. Tại sao với một người chồng hết lòng thương yêu mẹ mà trái tim bà vẫn dửng dưng? Tại sao chỉ một năm ngắn ngủi sống với cha mà tình yêu bà vẫn bền vững suốt cả chục năm hơn? Tại sao mẹ có thể chấp nhận việc cha đã có vợ khác và người vợ “đồng chí” của cha đã nghiễm nhiên trở thành vợ chính thức, còn mẹ, chỉ là một người vợ danh không chính, ngôn không thuận, để mỗi lần đến thăm, cha phải nhìn trước, ngó sau như một kẻ đang phạm tội ngoại tình. Chưa kể có lần vợ của cha còn đến nhà, mắng chửi mẹ là “dâm phụ” và cũng không cần biết bà nội tôi là ai, bà chống nạnh xỉa xói:

- Cả nhà chúng mày phải tránh xa chồng bà, không thì bà cho chết cả lũ về cái tội cấu kết với cái thằng lính ngụy đang ở tù rục xương.

Cha tôi nắm tay kéo bà vợ đi xềnh xệch trước những cặp mắt tò mò của hàng xóm. Mặt bà nội xanh như chàm, bàn tay cầm cây gậy run lên bần bật vì tức giận. Mẹ ngồi bệt xuống sàn nhà với những giọt nước mắt không ngừng tuôn chảy trên khuôn mặt lơ lơ, láo láo như người mất hồn. Tôi cũng không nhớ rõ cảm giác của mình lúc ấy ra sao nhưng hình như có một nỗi vui nào đó hiện đến rất nhanh khi tôi chợt nghĩ, đây cũng là một điều hay để giúp mẹ tôi sáng mắt ra mà nhận biết ai là người thật sự yêu thương mình. Nhưng không, mẹ tôi vẫn tối tăm quay cuồng trong mớ tình cảm hỗn độn đó dù bà nội khuyên mẹ hãy quên cha tôi đi để lo thăm nuôi Ba đang chịu tù tội, đói khát.

Phần tôi, tôi rất bất mãn trước thái độ của mẹ khi bà không có một chút quan tâm, lo lắng nào dù thật nhỏ cho cuộc sống của Ba trong cảnh khốn cùng. Mỗi lần theo cô Tư đi thăm Ba, tôi phải nói dối đủ điều về lý do tại sao mẹ vắng mặt. Dĩ nhiên, cô Tư cũng không muốn anh mình phải đau khổ - nếu biết được người vợ đầu ấp tay gối đã nhẫn tâm phủi tay, rũ bỏ tình nghĩa vợ chồng bao nhiêu năm - nên cô dặn dò tôi phải nói dối với Ba rằng mẹ đi buôn xa không về kịp, hoặc bà nội bệnh bất ngờ mẹ phải ở nhà chăm sóc.

Có lần, sau khi thăm Ba trở về, tôi hỏi mẹ bằng thái độ khó chịu:

- Ba ở tù bốn năm rồi mà sao mẹ không đi thăm Ba một lần?

Mẹ trả lời một cách thản nhiên:

- Vì mẹ không thể phản bội cha con!

Tôi tức giận:

- Mẹ không thể, nhưng mẹ đã phản bội cha rồi.

Mẹ cho rằng tôi bất hiếu vì không phân biệt ai là cha ruột, ai là cha nuôi. Tôi cười chua xót:

- Con không cần biết ai là cha ruột, ai là cha nuôi. Con chỉ biết Ba là người đã cực khổ nuôi nấng con từ lúc còn bé. Con chỉ biết Ba là người đã bất kể hiểm nguy, giữa đêm khuya bế con đến Bệnh viện cứu cấp khi con đau nặng. Mẹ không nói cho con biết nhưng bà nội vẫn nhắc hoài chuyện ấy.

Mẹ quay đi sau khi ném cho tôi ánh mắt giận dữ. Tôi biết mẹ không thể bỏ cha ruột của tôi, dù ông đối xử với bà tình không trọn mà nghĩa cũng chẳng tròn, nhưng ít ra bà cũng không nên rũ sạch ơn nghĩa cưu mang của Ba hơn chục năm trời.

- Mẹ hãy dẹp tình cảm qua một bên để tỉnh táo suy nghĩ xem cha đối với mẹ như thế nào. Ông đi bao nhiêu năm trời không một tin tức. Chắc trong lòng ông không hề vấn vương, thương nhớ mẹ hay nghĩ đến đứa con chưa kịp chào đời. Bằng chứng là đứa con riêng của cha nhỏ hơn con một tuổi, có nghĩa là xa mẹ chưa đầy một năm cha đã có người đàn bà khác. Rồi khi trở về đây gặp lại mẹ, đáng lẽ cha phải giải thích cho bà vợ của cha hiểu ai là người đến trước, ai là người đến sau, chứ lẽ nào cha đứng đó để chứng kiến bà ta làm hùm làm hổ với mẹ, cứ y như mẹ cướp chồng của bà ta...

Nhìn bà nội ngồi ở góc bàn sụt sùi lau nước mắt, tôi cảm thấy ân hận nên quỳ xuống cạnh bà:

- Nội à! con không muốn nói những lời làm đau lòng nội. Nhưng thật tình con không thể nào chấp nhận thái độ bạc bẽo của mẹ con. Nội thử nghĩ, nếu như ngày xưa không có Ba thì cuộc sống của gia đình mình sẽ ra sao? Nội bệnh hoạn cũng một tay Ba lo thuốc men mà không hề phân biệt rằng, đây là mẹ chồng chứ đâu phải mẹ ruột của vợ tôi. Ba nuôi nấng con từ nhỏ đến lớn không rầy la một tiếng dù con có phạm lỗi lầm. Ba thương yêu con như một đứa con ruột thịt...

- Rồi sao nữa? Cái thằng Sĩ quan ngụy đó cũng giỏi thiệt... nó dụ dỗ được mày đứng về phe nó để chống lại cha mẹ.

Cha tôi bước vào nhà, quăng cặp táp lên chiếc phản gỗ, tay đập bàn rầm rầm:

- Anh đã nói với em rồi, con bé này đã bị thằng ngụy đó đầu độc mười mấy năm không thể nào tẩy não được mà.

Tôi lùi lại, đứng sau lưng bà nội. Dù trong lòng cũng có chút nao núng, nhưng khi nghe cha xúc phạm đến Ba, tôi tức giận đến độ không còn biết sợ là gì:

- Thưa cha, cha có biết cái “thằng ngụy” xấu xa đó đã dạy con điều gì không?

Tôi cười chua chát tiếp lời:

Ông ấy đã dạy con, dù đi đâu xa cũng phải nhớ ngày giỗ của cha mà về nhà đốt nén nhang cho bà nội và mẹ vui lòng. Hồi mẹ được tin cha chết, mẹ khóc lóc, đau khổ nhưng không dám lập bàn thờ, thì chính cái “thằng ngụy” mà cha luôn miệng chửi rủa đó đã mang ảnh ba ra tiệm hình để rọi lớn, rồi đem về trịnh trọng đặt lên đầu tủ với lư hương, với chân đèn để làm bàn thờ cho cha. Nếu đêm nào mẹ lỡ quên vì bận bịu thì cũng chính “thằng ngụy” đó dù đã lên giường cũng vội vàng leo xuống để đốt nhang cho cha. Chưa bao giờ con nghe “thằng ngụy” đó nói một lời thất lễ với cha, nhưng cha thì lúc nào cũng chửi bới người ta, trong khi đáng lẽ cha phải cám ơn người đã thay cha gánh vác việc gia đình. “Thằng ngụy’ đó đã cho con thấy hình ảnh một người chồng, người cha cao thượng, nhưng cha thì sao?... cha hãy suy nghĩ lại để từ nay đừng bao giờ xúc phạm đến Ba của con.

Hình như tình thương đối với Ba đã cho tôi thêm sức mạnh và sự bình tĩnh để dõng dạc nói lên suy nghĩ của mình không chút sợ hãi. Điều đó khiến mẹ tôi lo quắn quíu:

- Con này... ma nhập nó rồi hay sao mà ăn nói bậy bạ, hỗn láo!

Mặt cha tôi như xám lại, ánh mắt ông long lên sòng sọc, đôi môi mím chặt khiến khuôn mặt ông đanh lại, hung hãn không thua gì các diễn viên đang vào vai một nhân vật phản diện độc ác. Cha đưa chân đạp chiếc ghế văng vào bàn. Ông quay lại hét vào mặt mẹ tôi:

- Em dạy dỗ con cái như thế này đây hả? Nó nói chuyện với cha nó như một phường mất dạy. Anh nói rồi... ngày nào nó còn ở trong nhà này anh sẽ không bao giờ đặt chân đến đây nữa.

Tôi nghênh mặt khiêu khích:

- Cha không cần đuổi con cũng sẽ ra khỏi nhà ngay hôm nay. Con xin nói thật... con không muốn gặp mặt người cha vô trách nhiệm, bỏ vợ, bỏ con mấy mươi năm rồi bây giờ trở lại trách vợ mình không dạy dỗ con. Cha có biết trách nhiệm dạy dỗ con thuộc về ai không?

Cái tách trà bay về phía tôi, chạm vào thành ghế bà nội đang ngồi vỡ toang. Tôi không biết nếu cái tách trúng ngay đầu bà nội thì việc gì sẽ xảy ra? Có lẽ tôi lại hứng thêm một cái tội “Tại cái con mất dạy này mới ra cớ sự!”

**

Sau cuộc cãi vã đó tôi thu dọn quần áo ra đi. Bà nội chạy theo níu tay tôi mếu máo dặn dò:

- Con xuống nhà cô Tư ở, đừng đi đâu bậy bạ nghe con.

Tôi cười trong nước mắt:

- Con có tư cách đến nhà cô Tư sao bà nội? Cô Tư đâu phải ruột thịt gì của con!

Mẹ đứng ngang ngạch cửa mai mỉa:

- Biết vậy là khôn đó con. Cứ đến ở thử vài ngày để xem người ta đối xử ra sao cho biết thân.

Không hiểu sao câu nói nào của mẹ cũng châm chích, cay nghiệt. Không lẽ mẹ đã quên hết những ngày cô Tư chạy đôn chạy đáo đem hàng về cho mẹ bán kiếm lời. Chẳng những thế, cô còn nhường cả khách hàng của cô cho mẹ. Ngay từ lúc Ba đến với mẹ, đâu phải cô Tư không biết tôi là con riêng của mẹ, nhưng lúc nào cô cũng đối xử với tôi ngọt ngào, thân thương như đứa cháu ruột. Mẹ không nhớ hay cố tình chối bỏ? Tôi thất vọng não nề vì cách cư xử của mẹ nên cay đắng trả lời:

- Cô Tư đối xử với con ra sao thì cả chục năm nay con đã biết rồi không cần phải thử đâu mẹ. Con nghĩ người mà con cần thử là cha đó, cả mẹ bây giờ nữa... Mẹ à! mẹ thay đổi quá nhiều... đến độ con không còn nhận ra mẹ là người con vẫn hằng yêu quý. Trời cao, đất rộng không tha thứ cho mẹ cái tội bạc đãi Ba đâu.

Tôi quay lưng đi mà không chút luyến lưu, nuối tiếc. Tội nghiệp bà nội. Bà vừa khóc vừa gọi tên tôi rồi lúc thúc chạy theo, dúi vào tay tôi một nắm tiền:

- Cầm tiền theo mà tiêu xài đi con. Ở đâu nhớ cho nội biết để nội an tâm. Có đi thăm Ba thì lấy tiền này mua một chút đồ ăn đem theo, nói nội gửi cho Ba và xin lỗi Ba dùm... nội già yếu rồi không thăm Ba con được.

Tôi ôm chặt lấy bà nội, nước mắt chan hòa.

**

Sau sáu năm học tập Ba được thả về. Hộ khẩu của Ba là căn nhà ngày xưa gia đình tôi đã chung sống, nhưng nay mẹ không đồng ý cho Ba vào nhà. Bà nội khóc hết nước mắt cũng không lay chuyển được quyết định của mẹ - đúng hơn là mẹ đã làm theo lệnh của cha tôi. Ông Năm hàng xóm thương Ba sa cơ thất thế, giận mẹ tôi là “Phường vong ân bội nghĩa” - cụm từ này đã thay vào tên mẹ tôi mỗi khi ông nhắc đến - ông cho Ba cất cái chái nhỏ phía sân sau của ông, sát cạnh nhà mẹ trong thời gian chưa ổn định vì hàng ngày Ba phải ra Công an phường trình diện.

Ba hoàn toàn không nói một lời trách móc mẹ. Tất cả nỗi đau Ba giấu kín trong lòng. Có lần bà nội sang thăm Ba, bà ân cần nắm tay Ba nói trong nước mắt:

- Má xin lỗi con. Má không biết phải làm sao cho đúng!

Ba cười hiền từ:

- Cũng là số phận của con thôi. Má đừng buồn!

Phải hơn nửa năm sau cô Tư mới đút lót được Công an để chuyển hộ khẩu của Ba về nhà cô. Và tôi đã có những ngày tháng vui vẻ sống bên cạnh Ba và cô Tư. Một mái gia đình đâu phải thật sự là của tôi nhưng sao tình cảm tôi nhận về quá thiết tha, sâu đậm. Cha “bắn tiếng” hăm dọa sẽ từ bỏ, không nhận tôi là con nữa. Ba khuyên tôi nên trở về xin lỗi cha mẹ, tôi nhăn mặt trách Ba:

- Con đang ở thiên đàng sao Ba lại nỡ lòng đẩy con xuống hỏa ngục. Ba hết thương con rồi phải không? Ai muốn từ con thì cứ từ... con không sợ. Con chỉ sợ Ba từ con thôi.

Đôi mắt long lanh, đỏ hoe của Ba cho tôi biết rằng Ba đang rất hạnh phúc khi biết rằng, trong lòng tôi, Ba mới thật sự là người cha tôi yêu kính.

Ngày bà nội mất Ba không đến nhưng trong căn phòng hẹp của Ba, Ba đã lập một bàn thờ nhỏ và lặng lẽ quấn vành khăn tang. Nếu mẹ đã làm tôi thất vọng vì sự bạc tình, bạc nghĩa đối với Ba thì tình cảm của Ba và bà nội làm tôi cảm động rơi nước mắt. Ba nói “Ba mồ côi từ bé, bà nội lại đối xử với Ba rất tốt, nên Ba thương bà nội như chính mẹ của mình”.

**

Những năm gần đây Ba mang một chứng bệnh nan y. Có lẽ, Ba sợ khi mất đi tôi sẽ bơ vơ vì không có ai là người thân thích ruột rà nơi đất khách quê người nên cứ nhắc nhở tôi trở về Việt Nam thăm “gia đình” nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ đến điều đó. Sự oán giận và ray rứt trong lòng tôi vẫn chưa nguôi ngoai dù thỉnh thoảng tôi vẫn gửi tiền về cho mẹ theo lời khuyên nhủ, nhắc nhở của Ba. Tôi muốn được ở cạnh Ba cho đến ngày cuối cùng để đền bù món nợ ân tình quá lớn mà mẹ tôi đã nợ của Ba.

(Cám ơn bạn Nguyễn Đ. T. đã chuyển)

16 June 2022

Bài Ca Nhỏ Cuối Đông, thơ

Dạo:
Thề xưa chết đã từ lâu,
Bên dòng nước cũ đêm sầu đợi ai?

 殘 冬 小 曲          

臘 月 雨 泠 泠,
淒 風 累 廢 亭.
行 人 今 久 逝,
破 几 待 寒 盟.
       陳 文 良


Âm Hán Việt:

 Tàn Đông Tiểu Khúc

Lạp nguyệt vũ linh linh,
Thê phong lụy phế đình.
Hành nhân kim cửu thệ,
Phá kỷ đãi hàn minh.
 
     Trần Văn Lương

Dịch nghĩa: 
    Khúc Nhạc Nhỏ Cuối Mùa Đông

Tháng chạp, tiếng mưa rơi thánh thót,
Gió buốt làm phiền căn nhà trạm hoang phế .
Khách qua đường (dừng chân) nay đã bỏ đi từ lâu,
Chiếc ghế gãy (vẫn) đợi chờ câu thề hẹn (giờ đã) không còn (đã nguội lạnh).

Phỏng dịch thơ:

 Bài Ca Nhỏ Cuối Đông

Thánh thót giọt mưa đông,
Nhà hoang, gió sổ lồng.
Người đi không trở lại,
Ghế gãy ngóng hoài công.
 
          Trần Văn Lương
            Cali, 12/2012


Lời bàn ngang của Phi Dã Thiền Sư:
 
       Lời thề xưa đã chết, người xưa đi biền biệt, trạm dừng chân hoang phế.
       Thương thay chiếc ghế đã gãy vẫn hoài công ngóng đợi.
       Hỡi ơi!

14 June 2022

Chiều Hư Ảo, thơ

'Giả và Thật', để suy gầm

Có một cụ ông, dùng rất nhiều tiền tiết kiệm của mình để sưu tầm đồ cổ. Vợ của ông qua đời sớm, để lại cho ông 3 đứa con, nhưng con cái ông lớn lên đều ra nước ngoài định cư sinh sống. Còn ông thì có một cuộc sống của riêng mình. Con cái không bên cạnh, may thay lúc già, ông có một người học trò theo ông học sưu tầm đồ cổ, cận kề bên ông.

Nhiều người cho rằng: “Nhìn cậu thanh niên này, công việc của bản thân không làm, mà ngày nào cũng bên cạnh ông cụ, nhìn có vẻ rất hiếu thuận”.  Hẳn rằng, thanh niên này chỉ vì tiền và khối gia sản của ông.

Con cái ông cũng thường xuyên gọi điện từ nước ngoài về, nhắc nhở ông phải cẩn thận, đừng để thanh niên kia lừa.

“Ba đương nhiên biết mà”, ông nói như thế, “Ba cũng đâu có ngốc”.

Cuối cùng vào ngày ông qua đời, khi luật sư tuyên bố di chúc, ba người con từ nước ngoài về, người học trò cũng đến. Sau khi di chúc tuyên phán, mặt ba người con đều biến sắc, vì hầu như toàn bộ tài sản ông đều để lại cho cậu học trò của mình.

Trong di chúc ông viết rằng: 

“Tôi biết rằng có thể người học trò này vì tham tiền của tôi, nhưng trong lúc già yếu, thật chỉ có cậu ấy bên cạnh tôi. 

Cứ cho là con cái tôi yêu thương tôi thật lòng, nhưng cũng chỉ là nói trên miệng, đặt trong lòng, lại không đến chăm tôi, như thế yêu thật lại thành giả. 

Ngược lại, coi như người học trò này của tôi đối với tôi đều là giả, giả dối đến mười mấy năm, nhưng một câu oán trách cũng không có, luôn kề cận cùng tôi và cuối cùng giả lại như thật"

(Nguyễn Đ T sưu tầm) 

10 June 2022

U Mê Đến Bao Giờ ?, quan điểm

nguyễn tường tuấn

Hình: New York Post
Can đảm thú nhận sai lầm nói thì dễ, nhưng làm rất khó, không phải ai cũng thực hiện được! Tự ái cá nhân, ảo tưởng về một chủ nghĩa hay đảng phái tôn thờ, mê hoặc bởi thần tượng với hằng ngàn giáo phái tà ma, phù thuỷ … Hằng trăm nguyên nhân khác, khiến con người tự giam mình vào cõi u mê. 

Chúng ta chỉ có thể thăng tiến khi thành thật với chính bản thân, nhận ra sai lầm vấp phải và nhanh chóng tìm lối thoát. Vị Tổng thống thứ 16, vĩ đại của Hoa Kỳ, Abraham Lincoln từng nói: “Tôi sẽ thay đổi nếu biết điều đó là sai, và nhanh chóng chấp nhận quan điểm mới nếu chứng minh được là đúng.” [I shall try to correct errors when shown to be errors; and I shall adopt new views so fast as they shall appear to be true view.] Hoa Kỳ ngày hôm nay, như chuyến xe lửa trật đường rầy, vì ông Tổng thống thứ 46, một người không bao giờ chịu nhận sai lầm, hết đổ lỗi cho người tiền nhiệm Tổng thống Donald J. Trump, đổ thừa cho đại dịch “China virus” kế tiếp là Vladimir Putin, chiến tranh Ukraine …

TỈNH THỨC TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN

Điều gì khiến dân Mỹ lo lắng nhất hiện nay? Theo thăm dò của “Quinnipiac Poll” từ ngày 12-16/5/22 cho biết: 55% giá xăng và thực phẩm – 26% tiền mua và thuê nhà – 10% chứng khoán – 4% Công ăn việc làm. Bảng giá xăng dầu mới nhất, do “AAA” cung cấp sáng ngày 19/5/22, nêu rõ: National Average Gas Price: Hôm nay $4.58/Gallon – Hôm qua $4.56/Gallon – Một tuần trước $4.41 /Gallon – Một tháng trước $4.10/Gallon – Một năm trước $3.04/Gallon. Đây là mức trung bình trên toàn nước Mỹ, có những tiểu bang giá xăng cao hơn nhiều. Cám ơn Joe Biden, hằng triệu triệu cử tri Mỹ không bầu cho cụ (trong đó có kẻ viết bài) nhưng vẫn phải è cổ ra trả giá cho cái “chơi ngu, lấy tiếng” của cụ: Vì một thế giới xanh mới, dân Mỹ không được khai thác dầu trên đất mình, phải quỳ lạy Opec và Venezuela để xin chút vàng đen. Hoa Kỳ đứng hàng thứ ba về diện tích đất đai trong 195 quốc gia khác trên trái đất, chúng tôi không hiểu Trung cộng, Ấn Độ và những quốc gia chậm phát triển còn lại vẫn thi nhau hun khói môi trường, liệu một mình anh nhà giầu Mỹ có làm xanh được trái đất? Hay đây chỉ là màn “đại bịp.” Rất may, cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ có Giáo sư, Tiến sĩ Mai Thanh Truyết, một chuyên gia về môi trường, với nhiều bài viết bằng tiếng Việt về biến đổi khí hậu, môi trường, chất độc mầu da cam, xin mời bạn đọc vào tìm hiểu thêm tại địa chỉ: (https://maithanhtruyet1.blogspot.com/)

 ▪︎ JOE BIDEN ĐẠI NẠN CHO NƯỚC MỸ. Quốc gia nào cũng có lúc hưng thịnh và suy vong, chấp nhận định luật trên chúng ta sẽ tìm được bình an trong tâm hồn và sáng suốt nhận định tình hình vượt qua bão táp. Trên một khía cạnh nào đó, dù không mong muốn, hãy tin rằng Thượng Đế gửi gã lú lẫn, đi đứng lạng quạng, nói năng không ra đâu vào đâu, chiếm đoạt Toà Bạch Cung để thức tỉnh dân Mỹ. Đảng Dân chủ thiên tả đã đưa đất nước vào cõi u mê, họ dậy trẻ em không thích giới tính có thể chuyển giới, dùng tiền thuế của chúng ta trang trải cho việc sát hại thai nhi, tạo ra một xã hội ăn chơi vô nhân tính. Trẻ sơ sinh thiếu sữa uống vì chính quyền Harris Biden còn phải nuôi đám di dân bất hợp pháp và con cái họ (những cử tri tương lai của đảng Dân chủ) nhiều trò dơ bẩn khác như tung tiền xây nhà vệ sinh chung không phân biệt nam nữ. Joe Biden ít nhất cũng thành công trong vai trò tiếng chuông cảnh tỉnh. Nghe chói tai, đau đớn đến túi tiền, Thượng Đế chí công, vô tư, xin cảm tạ Ngài! 

Dân chúng Hoa Kỳ đã tỉnh thức chưa? May mắn thay, dân Mỹ không vướng phải cái văn hoá “Ngu trung” như nhiều người Việt. Truyền hình NBC cái loa tuyên truyền của đảng Dân chủ thiên tả, đã phải cắn răng công bố kết quả thăm dò: 39% ủng hộ Joe Biden trong vai trò tổng thống – 75% cho rằng nước Mỹ đi sai đường, đây là lần thứ năm trong 34 năm qua con số 75% chống đối xuất hiện, mời bạn vào địa chỉ (https://www.newsmax.com/politics/biden-approval-inflation-economy/2022/05/15/id/1069972/) đọc những kết quả thăm dò khác. Người dân Mỹ tin rằng tình hình đất nước hiện nay tồi tệ không khác gì năm 2008.

▪︎ ELON MUSK TỈNH THỨC. Với tất cả lòng kính trọng, xin mời những ai hoài nghi cho rằng tình hình không thay đổi được, đảng Dân chủ sẽ tiếp tục thắng qua gian lận! Nhà báo, bình luận gia trong cộng đồng Việt, những con “vẹt” theo ngôn ngữ của Vũ Linh. Quan cấp tá một thời, hùng hổ trên bàn phím thay vì chốn sa trường, bỏ chạy nhanh hơn ai hết … Và tất cả những cô cậu “cấp tiến” bỏ phiếu cho Joe Biden! Hãy bình tâm nghe tiếng nói “thức tỉnh” của Elon Musk, người giầu nhất hành tinh hiện nay, chưa bao giờ ủng hộ đảng Cộng hoà:“Trong quá khứ, tôi đã bầu cho Đảng Dân chủ, bởi vì họ (hầu hết) là đảng nhân ái. Nhưng nay đã trở thành đảng của sự chia rẽ và thù hận, vì vậy tôi không thể ủng hộ nữa và sẽ bỏ phiếu cho Đảng Cộng hòa.” [In the past I voted Democrat, because they were (mostly) the kindness party. But they have become the party of division & hate, so I can no longer support them and will vote Republican.] Chúng ta không nhất thiết phải đồng ý mọi điều Elon Musk nói, bảo rằng đảng Dân chủ (hầu hết) là nhân ái, không đúng sự thật! Người có lòng nhân ái không bao giờ ủng hộ chuyện giết hài nhi vì thú vui xác thịt vô trách nhiệm của người lớn! Tuy nhiên, chúng tôi cảm phục trước sự “thức tỉnh” và “can đảm” của Elon Musk.


Không chỉ dừng tại đây, Elon Musk còn chế diễu Joe Biden về căn bệnh đổ lỗi cho người khác khi nói về “lạm phát.” Vladimir Putin, COVID, đảng Cộng hoà tại Quốc hội! Với một định nghĩa đơn giản Elon Musk nói về nguyên nhân của lạm phát: “Theo tôi, nguyên nhân chính của lạm phát là chính phủ đã in ra một lượng tiền hằng ngàn tỷ USD hơn cả mức vốn có. Rõ ràng là như thế”

[I mean, the obvious reason for inflation is that the government printed a zillion amount of more money than it had, obviously.]

“Nếu chính phủ có thể phát hành một lượng tiền lớn và thâm hụt không thành vấn đề, vậy thì, tại sao chúng ta không làm cho thâm hụt lớn hơn 100 lần? Câu trả lời là bạn không thể vì về cơ bản nó sẽ biến đồng đô la thành thứ vô giá trị.” [If the government could just issue massive amounts of money and deficits didn’t matter, then, well, why don’t we just make the deficit 100 times bigger? The answer is, you can’t because it will basically turn the dollar into something that is worthless.] Bài học Venezuela còn đó. Năm 2018, chính phủ Venezuela đưa mức lạm phát lên đến 6,000% chỉ vì việc in thêm tiền vô tội vạ. Thăm dò cho biết dân chúng Mỹ quan tâm nhất về lạm phát, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ vào ngày Thứ ba 8/11/2022. Lịch sử, chưa một Tổng thống Mỹ nào đắc cử nhiệm kỳ hai nếu để nền kinh tế suy sụp! 
(https://renewedright.com/elon-musk-hit-joe-biden-with-the-devastating-news-that-will-endhispresidency/utm_source=rrnl&utm_medium=ong&utm_campaign=1515923258). 

▪︎ LÒNG DÂN, Ý TRỜI. Joe Biden năm nay 79 tuổi, nhậm chức ngày 20/1/2021 đúng 15 tháng, dân Mỹ đã nếm đủ mùi cay đắng từ một chính quyền không hề vì dân, cũng chưa hẳn do dân bầu. Tài năng lĩnh đạo đất nước của ông sẽ được chứng minh hùng hồn qua kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ tháng 11/22, đảng Dân chủ thiên tả nắm chắc cơ hội mất vị trí lĩnh đạo tại lưỡng viện Quốc hội. Mụ phù thuỷ Nancy Pee losi sẽ về nhà dưỡng lão, hãy chờ xem. Cậu quý tử Hunter Biden chắc chắn sẽ có những ngày không vui và “bố già” Joe Biden nếu không bị truy tố thì cũng trở thành con “Vịt què” (Lame Duck). Ngồi chờ ngày quốc táng. 

Thăm dò của Rasmussen Report và Heratland Institute, cho biết 61% dân Mỹ không muốn Joe Biden ra ứng cử lần hai vào năm 2024. Nếu phải đương đầu với Tổng thống Donald J. Trump, sẽ thua theo tỷ lệ 50% Trump và 36% Biden. Bà Phó Kamala Harris còn tệ hại hơn nữa, không có cơ hội! Nói rõ hơn, đảng Dân chủ thiên tả không còn nhân tài, và đó là tin vui cho nước Mỹ. Sau cơn bĩ cực đến hồi thái lai! Hillary Clinton, Michelle Obama, quên đi những con rối chính trường, thời của họ đã qua dân chúng Hoa Kỳ thông minh và họ biết điều đó. Ông Bộ trưởng Giao thông Pete Buttigieg? Hoa Kỳ chưa sẵn sàng có một đệ nhất phu quân! Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, Massachusetts, và TNS. Bernie Sanders, Vermont? Diễn viên hạng hai chưa nói đến tuổi cao!

(https://www.newsmax.com/newsfront/joe-biden-speculation-2024-second-term/2022/05/19/id/1070509/?ns_mail_uid=d06b3b0d-060c-43be-8510-a1c27d2038db&ns_mail_job=DM335085_05192022&s=acs&dkt_nbr=010102lz44xk).

KẾT LUẬN

Gần nửa năm chịu trận, 15 tháng lạm phát, mỗi lần đổ xăng, đi chợ đồng tiền khó khăn kiếm được cứ nhanh chóng ra đi qua khung cửa rộng. Ác mộng chưa hết, chúng ta còn phải chờ qua năm 2024. Và chỉ có thể giảm đi nếu mọi cử tri thức tỉnh dùng lá phiếu ném bọn Dân chủ thiên tả, cùng RINO vào sọt rác vào ngày 8/11/22.

Elon Musk đã tỉnh thức, bao giờ đến phiên bạn?

nguyễn tường tuấn

06 June 2022

Để suy gẫm


Lời bàn của Thất Bổn trụ trì Cốc Tam Sao:
Chừng mực rất tốt nhưng khó giữ ! Chừng mực khó giữ nhưng hiểu đến đâu là chừng mực còn khó hơn.

05 June 2022

Tưởng nhớ Thầy Nguyễn Văn Tương

Từ chốn xa xôi tận bên trời Tây, thầy vừa giã từ cõi thế. Nhận được tin lòng tôi miên man thương nhớ vô cùng. Từ ngày được theo học với thầy đến nay là đúng 53 năm. Biết bao nhiêu vui buồn đã ngấm vào lòng tôi không sao kể xiết. Tôi biết thầy thương tôi lẳm, nhưng thầy không nói ra, chỉ nhìn thôi qua ánh mắt của thầy là tôi biết. Chắc chắn thầy biết tôi là người Mỹ Tho và tôi cũng biết thầy có biết bao nhiêu là kỷ niệm êm đềm ở nơi ấy.

Khi tôi vào học ở trường Hành Chánh, trong giờ giải lao thầy hỏi tôi ở Mỹ Tho có biết ông Tư T., Giám thị trường Nguyễn Đình Chiểu không?

        - Thưa thầy em biết, nhà em ở Chợ Gạo nên đi học ngày nào cũng đi ngang qua ngôi nhà cổ xưa của ông Tư ở gần bên tiệm Hủ tiếu Phánh Ký, sát dốc cầu Quay.

Từ đó thầy rất ưu ái để ý đến tôi, xem chừng có vắng mặt ở lớp không. Thầy dạy môn “Các vấn đề chính trị Việt Nam” nên giảng văn gắn liền với thời sự của đất nước. Thầy rất tế nhị khi trình bày các khuynh hướng quân phiệt đương thời với chủ trương quân sự hóa nền hành chánh rất bất lợi cho các giới chức dân sự, nhất là các viên chức tốt nghiệp từ trường Quốc Gia Hành Chánh. Thời gian học ở trường cũng không có nhiều cơ hội để tiếp xúc riêng với thầy chỉ trừ khi phải soạn bài thuyết trình ở lớp, sinh viên từng nhóm thường hay đến nhà thầy để được hướng dẫn. Thầy đặc biệt quan tâm đến các sinh viên nghèo gốc gác ở miền quê. Chân thật thầy giúp đỡ tận tình, ngược lại càng huênh hoang tự đắc thường hay bị thầy chỉnh, đặc biệt thầy có những câu nói ẩn dụ vô cùng thâm thúy. Thầy giảng bài thật từ tốn, dễ nhớ, kỷ luật trong lớp rất nghiêm, nhưng khi thi, thầy cho điểm lại rất rộng rải, bao dung.

Sau ngày 30 tháng 4 thầy ở lại và bị bắt đi cải tạo, đây mới là cơ duyên tôi được ở chung trại và có lúc ở chung tổ, đội với thầy gần 5 năm trời ngoài miền Bắc nên có dịp gần gũi nhiều hơn, có khi nằm sát bên nhau từ trại Phú Sơn cho đến Nam Hà.

Bấy giờ cùng với nhiều khó khăn sống chết trong tù và thời gian dài không biết được ngày về, cũng có khi là ở lại vĩnh viễn nơi nầy nên tù nhân thường hay tâm sự hoặc kể cho nhau nghe những câu chuyện đời của mình hay của người khác mà mình quen biết, may ra cũng làm vơi đi những đau khổ đang gậm nhấm từng ngày.

Đến lúc nầy tôi mới biết rằng thầy từ Sa Đéc qua Mỹ Tho theo học trường Collège Le Myre de Vilers, ở trọ nhà ông Tư để đi học. Ăn học đúng nghĩa, không có bất kỳ sinh hoạt nào khác, ngoài thời gian ở trường về nhà trọ là chuyên làm bài tập và đọc sách suốt ngày, nhờ có trí nhớ tốt nên thầy rất giỏi toán và tiếng Pháp, nỗi tiếng xuất sắc toàn trường. Cùng ở trọ nhà ông Tư có vài anh học sinh ở các tỉnh trong vùng Lục tỉnh, nhưng ông Tư khen thầy nhiều hơn cả.

Sau nầy lên Sài Gòn thầy thi đậu tú tài toàn phần cũng là lúc có lệnh động viên, thầy nhập ngũ khóa 1 Sĩ quan Thủ Đức ra trường phục vụ tại Sài Gòn nên tuần nào cũng về Mỹ Tho thăm gia đình Ông Tư, sau đó một thời gian thầy xin được làm rể Mỹ Tho, cưới cô con gái lớn của ông Tư.

Làm việc tại Sài Gòn nên thầy quyết tâm ghi danh học Luật theo đúng thời hạn, tuần tự từ Cử nhân cho đến Tiến sĩ không trễ một năm nào. Vói học vị Tiến sĩ Công Pháp, thầy đươc nhiều chính trị gia chú ý mời tham gia chính trường sau ngày đảo chính mùng 1 tháng 11 năm 1963. Thầy tham gia trong nội các chính phủ Phan Huy Quát, Nguyễn Văn Lộc và chức vụ cao nhất của thầy là Đặc Ủy Trưởng (tương đương Bộ Trưởng) trong Nội các Chiến tranh của Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ. Sau khi ông Kỳ bị thất sủng, thầy cũng từ giã chính trường trở về làm một viên chức hành chánh bình thường và tiếp tục đi dạy tại các trường Đại học Sài Gòn, Huế và Học Viện Quốc Gia Hành Chánh. Mặc dù sau nầy các chính đảng, phe phái cũng có mời thầy tham chính, nhưng thầy từ chối. Không ai biết rõ lý do. Có thể thầy theo gương trung liệt của người xưa chăng?

Sinh hoạt chung với thầy gần 5 năm tại các trại giam ngoài miền Bắc, chia sẻ nhau từng miếng ăn, thức uống đặc biệt là những khi hái được rau dại hay bắt được con cua, con cá. Đêm về nghe thầy kể nhiều câu chuyện thú vị thuộc hàng “thâm cung bí sử” trong hậu trường chính trị VNCH.

Cho đến cuối năm 1981 thầy được chánh phủ Pháp can thiệp trả tự do, trước khi rời trại Nam Hà thầy có gởi lại cho tôi một ít quà và vật dụng cá nhân trong tù. Năm ấy nhằm mùa lụt lớn, sân trại ngập bì bõm, lội quá đầu gối. Trước khi chia tay thầy chỉ khuyên tôi ráng cố gắng sống sót để có ngày về. Hai thầy trò nắm tay nhau mà khóc mướt. Không biết còn có ngày nào gặp lại nhau?

Sau khi sang Pháp được một thời gian, thầy đi dạy học ở trường Đại Học Luật khoa Paris và viết bài tham khảo đăng trên tạp chí Pháp luật của trường suốt cho đến ngày về hưu. Nghe biết thế, tôi không lấy làm lạ vì trước hết thầy rất giỏi tiếng Pháp từ nhỏ và là người có thực tài mà lại luôn có ý chí phấn đấu trong mọi điều kiện, dù hoàn cảnh có khó khăn đến đâu chăng nữa...

Thế rồi thế sự xoay vần, sau gần 20 năm tôi gặp lại thầy trong một dịp thầy cùng với gia đình sang Cali thăm thân hữu và ra mắt tập Hồi ký “Nước Non Xa.” Rất đông môn sinh tổ chức tiếp đón thầy, riêng anh chị em cựu Sinh viên Đốc sự khóa 17 có một tối hàn huyên cùng thầy ở một nhà hàng trong vùng Little Saigon. Thầy tuy lớn tuổi nhưng vẫn còn đi lại vững vàng và đặc biệt trong lúc chuyện trò vẫn đầy những câu ẩn dụ như xưa và có phần nhiều hơn nữa, chứng tỏ thầy vẫn còn sáng suốt và minh mẫn. Thầy hẹn gặp lại lần sau sẽ đến Long Beach thăm gia đình tôi.

Không ngờ đó là lần cuối cùng được hội ngộ cùng thầy vì sau đó thầy trở bệnh không còn có dịp đi xa được nữa. Rồi hôm nay thầy ra đi về miền miên viễn. Chút lòng thành tưởng nhớ, em chúc thầy thanh thản tiêu dao nơi miền Tiên cảnh.

Xin cúi đầu lạy tạ ơn thầy. Vĩnh biệt ân sư.

        Trần Bạch Thu
        Long Beach 4-6-2022

04 June 2022

Uyên Bác Thay!

Có một câu chuyện thể hiện niềm kiêu hãnh của người Việt đã được Giáo sư Trần Văn Khê kể lại nhiều lần cho các học trò của mình, và cũng được ông ghi lại trong cuốn hồi ký, kể về cuộc tranh luận bên lề buổi sinh hoạt của Hội Truyền bá Tanka Nhật Bản tại Paris vào năm 1964…

Tham dự buổi sinh hoạt này hầu hết là người Nhật và Pháp, duy chỉ có Giáo sư là người Việt. Diễn giả là một cựu Đề đốc Thủy sư người Pháp. Ông khởi đầu buổi nói chuyện như thế này:

“Thưa quý vị, tôi là Thủy sư đề đốc, đã sống ở Việt Nam 20 năm mà không thấy một áng văn nào đáng kể. Nhưng khi sang nước Nhật, chỉ trong vòng một, hai năm mà tôi đã thấy cả một rừng văn học. Và trong khu rừng ấy, trong đó Tanka là một đóa hoa tuyệt đẹp. Trong thơ Tanka, chỉ cần nói một ngọn núi, một con sông mà tả được bao nhiêu tình cảm. Chỉ 31 âm tiết mà nói bao nhiêu chuyện sâu sắc, đậm đà. Nội hai điều đó thôi đã thấy các nước khác không dễ có được.”

Lời phát biểu đã chạm đến lòng tự trọng dân tộc của Giáo sư Trần Văn Khê. Chính vì thế, khi buổi nói chuyện bước vào phần giao lưu, Giáo sư đã đứng dậy xin phép phát biểu:

“Tôi không phải là người nghiên cứu văn học, tôi là Giáo sư nghiên cứu âm nhạc, là thành viên hội đồng quốc tế âm nhạc của UNESCO. Trong lời mở đầu phần nói chuyện, ông Thủy sư Đề đốc nói rằng đã ở Việt Nam hai mươi năm mà không thấy áng văn nào đáng kể. Tôi là người Việt, khi nghe câu đó tôi đã rất ngạc nhiên. Thưa ngài, chẳng biết khi ngài qua nước Việt, ngài chơi với ai mà chẳng biết một áng văn nào của Việt Nam?

Có lẽ ngài chỉ chơi với những người quan tâm đến chuyện ăn uống, chơi bời, hút xách… Phải chi ngài chơi với Giáo sư Emile Gaspardone thì ngài sẽ biết đến một thư mục gồm trên 1.500 sách báo về văn chương Việt Nam, in trên Tạp chí Viễn Đông bác cổ của Pháp số 1 năm 1934. Hay nếu ngài gặp ông Maurice Durand thì ngài sẽ có dịp đọc qua hàng ngàn câu ca dao Việt Nam mà ông Durand đã cất công sưu tập… Ông còn hiểu biết về nghệ thuật chầu văn, ông còn xuất bản sách ghi lại các sinh hoạt văn hóa của người Việt Nam. Nếu ngài làm bạn với những người như thế, ngài sẽ biết rằng nước tôi không chỉ có một, mà có đến hàng ngàn áng văn kiệt tác.

Tôi không biết ngài đối xử với người Việt Nam thế nào, nhưng người nước tôi thường rất hiếu khách, sẵn sàng nói cái hay trong văn hóa của mình cho người khác nghe. Nhưng người Việt chúng tôi cũng ‘chọn mặt gửi vàng’, với những người phách lối có khi chúng tôi không tiếp chuyện. Việc ngài không biết về áng văn nào của Việt Nam cho thấy ngài giao du với những người Pháp như thế nào, ngài đối xử với người Việt ra sao. Tôi rất tiếc vì điều đó. Vậy mà ông còn dùng đại ngôn trong lời mở đầu”.

Rồi để so sánh với Tanka, Giáo sư đưa ra những câu thơ như: “Núi cao chi lắm núi ơi; Núi che mặt trời, không thấy người yêu” hay “Đêm qua mận mới hỏi đào; Vườn hồng đã có ai vào hay chưa” để đối chiếu: tức là cũng dùng núi non, hoa lá để nói thay tâm sự của mình.

Còn về số lượng âm tiết, Giáo sư kể lại câu chuyện về Mạc Đĩnh Chi thời nhà Trần đi sứ sang nhà Nguyên, gặp lúc bà phi của vua Nguyên vừa từ trần. Nhà Nguyên muốn thử tài sứ giả nước Việt nên mời đọc điếu văn. Mở bài điếu văn ra chỉ có 4 chữ “nhất”. Mạc Đĩnh Chi không hốt hoảng mà ứng tác đọc liền:

“Thanh thiên nhất đóa vân
Hồng lô nhất điểm tuyết
Thượng uyển nhất chi hoa
Dao trì nhất phiến nguyệt
Y! Vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết!”

Dịch nghĩa là:

“Một đám mây giữa trời xanh
Một bông tuyết trong lò lửa
Một bông hoa giữa vườn thượng uyển
Một vầng trăng trên mặt nước ao
Than ôi! Mây tán, tuyết tan, hoa tàn, trăng khuyết!” 

Tất cả chỉ 29 âm chứ không phải 31 âm để nói việc người vừa mất đẹp và cao quý như thế nào.

Khi Giáo sư Trần Văn Khê dịch và giải nghĩa những câu thơ này thì khán giả vỗ tay nhiệt liệt. 

Ông thủy sư đề đốc đỏ mặt: “Tôi chỉ biết ông là một nhà âm nhạc nhưng khi nghe ông dẫn giải, tôi biết mình đã sai khi vô tình làm tổn thương giá trị văn chương của dân tộc Việt Nam, tôi xin thành thật xin lỗi ông và xin lỗi cả dân tộc Việt Nam.”

Kết thúc buổi nói chuyện, ông Thủy sư lại đến gặp riêng Giáo sư và ngỏ ý mời ông đến nhà dùng cơm để được nghe nhiều hơn về văn hóa Việt Nam. Giáo sư tế nhị từ chối, còn nói người Việt không mạo muội đến dùng cơm ở nhà người lạ. Vị Thủy sư Đề đốc nói: “Vậy là ông chưa tha thứ cho tôi”. Giáo sư đáp lời: “Có một câu mà tôi không thể dùng tiếng Pháp mà phải dùng tiếng Anh. Đó là: I forgive, but I cannot yet forget (Tạm dịch: Tôi tha thứ, nhưng tôi chưa thể quên)”.

Câu chuyện nhiều cảm hứng này cho chúng ta thấy một điều rằng, chỉ những người am hiểu văn hóa truyền thống mới có thể cứu vãn danh dự cho đất nước, chỉ những người không lãng quên những giá trị cổ xưa mới có thể gìn giữ tôn nghiêm của dân tộc.

Trần Sinh

Trường Học Trường Đời

Kính Thưa Quý Anh Chị, 

Nhân được tin buồn Cố Gs. Nguyễn Văn Tương vừa từ trần, kính gởi đến Quý Anh Chị vài đoạn trích trong cuốn Hồi Ký 2 " Trường Học Trường Đời" để Quý Anh Chị biết thêm chi tiết về sinh hoạt của Cố Giáo Sư sau khi định cư tại Pháp Quốc. Thân kính, NT Hà
**

TIỂU SỬ : NGUYỄN VĂN TƯƠNG (1929 – 2022)

Sinh quán làng Tân hựu Đông, quận Châu Thành, tỉnh Sa đéc. Con thứ trong một gia đình có 9 Anh Chị em.

• Cựu học sinh trường Chasseloup-Laubat-Saigon (1951)
• Tốt nghiệp Khóa 1 Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức (1952)
• Cử Nhân Luật (1955), Cao Học Công Pháp (1960)
• Tốt nghiệp Tiến sĩ Luật khoa ban Công Pháp (1965)
• Cựu Giáo sư Công Pháp tại Học viện Quốc gia Hành Chánh Sài Gòn – các trường Đại Học luật tại Sài Gòn , Huế – Phân Khoa Luật của Đại Học Paris, Poitiers, Brest & Angers
• Tham gia các chính phủ Phan Huy Quát, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Văn Lộc

Sau 30 tháng 4, 1975 đi cải tạo từ 1975 đến 1981 Định cư tại Pháp từ 1983 đến nay.

DẠY HỌC TẠI PHÁP (trang 65..)

…Gia đình tôi sang Pháp ngày 08 tháng 07 năm 1983. Lúc bấy giờ nhà tôi 48 tuổi, còn tôi 54 tuổi. Già thì không già lắm, mà trẻ thì không còn trẻ nữa, Hành lý là những vali quần áo cũ, nồi niêu xoong chảo vợ tôi gói ghém đem theo. Lúc tôi đi cải tạo vợ tôi thuê người đem đổ xuống sông Thị Nghè tất cả hàng trăm sách của thư viện cá nhân tôi, kể cả mấy quyển luận án tiến sĩ của tôi. Trước ngày đi Pháp tôi có đến trường luật xin lại một bổn luận án đem theo. Chủ mới cho biết đã bán hết sách của thư viện cho bọn tàu Chợ-lớn . Cũng may là nhà tôi còn giữ một số giấy tờ của tôi, như bằng cấp, Nghị định bổ nhiệm. Người ta thường nói “Trời sanh voi sanh cỏ”, ngặt vì mình không phải là voi làm sao ăn cỏ được. Các con lớn của tôi có báo tin cho nhiều gia đình quen Pháp lẫn Việt, nhờ họ giúp đỡ lúc ban đầu. Thêm vào đó có sở xã h,ội và các đoàn thể địa phương cứu trợ trong lúc tìm việc làm. Tôi viết thư cho toàn thể các Khoa trưởng trường luật tại Pháp và hải ngoại để xin một chỗ dạy, kèm theo tiểu sử ngắn gọn và Nghị định bổ nhiệm dịch ra tiếng Pháp. Lúc ấy vào khoảng bãi trường nên chậm có thư trả lời. Qua tháng 9 năm ấy mới có thư hồi đáp, nhưng là thư khước từ vì quá trễ cho năm 1983 . Chủ sở trợ cấp thất nghiệp ở Rambouillet yêu cầu tôi cho biết đã có vận động gì trong mấy tháng qua. Khi tôi trình cho xem một sắp thư trả lời từ chối thì mới thấy tôi quả có thiện chí tìm việc.

Bao giờ cũng vậy trong cái rủi có cái may. Trường đại học Panthéon-Sorbonne yêu cầu tôi trình bày cho Ban Cử nhân Công Pháp trước cuối năm đề tài ” Nền ngoại giao của Nhật bổn và nền ngoại giao của Trung Quốc”. Là người Á châu từng theo dõi thời cuộc trong mấy chục năm qua, tôi chuẩn bị dễ dàng hai đề tài ấy với tài liệu phong phú của một người bạn Pháp. Phải nói rằng tôi đã nhờ giáo sư Vũ Quốc Thúc cố vấn tôi rất nhiều…

… Bỗng dưng có Khoa trưởng trường luật Poitiers, phía Tây Nam Paris, đề nghị tôi nhận trình bày trong 6 tháng cho lớp hậu Cử nhân về đề tài “Vấn đề phát triển dân chủ tại các nước Á châu”. Buồn ngủ gặp chiếu manh, tôi nhận lời ngay mà không ngờ đã phóng lao mình phải theo lao. Ông Khoa trưởng nói rõ môn này sẽ không được đưa ra thi cuối năm, không thể làm khác hơn vì phải tôn trọng nội quy của trường. Làm sao giữ nổi sinh viên hậu Cử nhân (tức sau 3 năm đại học) trong 6 tháng, trừ phi cao tăng giảng kinh xuất chúng! Than ôi tôi chỉ là một giáo sư thất nghiệp đi tìm việc, chớ nào phải là cao tăng đâu! Nghĩ cho cùng ban giảng huấn các đại học đã có lòng cứu vãn đồng nghiệp sa cơ vậy thôi! Tôi căn cứ vào luận án tiến sĩ của tôi trình bày vấn đề đặt ra. Chỉ tiếc là thiếu một họa đồ để tiện vị trí khóa các nước, dầu là sinh viên trình độ đại học cũng chưa biết nước nào ở đâu ? Chính tại quốc hội pháp một dân biểu tên tuổi còn nói rằng Nhật bổn ở Nam bán cầu! Mọi việc đều có kết thúc. Khởi sự bài giảng hiện diện khoảng 40 sinh viên, chấm dứt còn phân nửa! Ông Khoa trưởng mừng cho tôi còn giữ được đệ tử! Nhóm sinh viên này còn mời tôi một bữa cơm trưa tại quán ăn tàu ở Poitiers…

… Gia đình tôi trọ trong một căn phòng chung cư tại thành phố Rambouillet. Có sở xã hội và các bà phước cho chút ít bàn ghế, tủ giường, quần áo cũ. Tôi làm đơn xin việc, vợ tôi nấu ăn dã chiến. May mà lúc ấy nhằm mùa hè ấm áp, chớ chưa phải mùa đông lạnh buốt. Các con nhỏ đi học mà ban đầu chẳng biết một chữ tiếng Pháp. vậy mà nhờ ơn trời phật gia đình dần dần cũng gỡ rối được. Như con thuyền không bến của Đặng Thế Phong rồi cũng tạm có bến đậu. Đó là trường luật đại học Brest, vùng Bretagne tận cùng phía Tây nước Pháp. Tôi biết ơn giáo sư Nguyễn Quốc Vinh đã hết lòng giúp đỡ tôi, có thể vì tình đồng bào cũng như vì nghĩa đồng nghiệp. Tôi xin được giới thiệu ân nhân trẻ của tôi. Đó là con trai của giáo sư Nguyễn Quốc Định, gốc người Nam Định, trước giảng dạy tại Viện Đại học Pathéon-Sorbonne Paris. Giáo sư Định là tác giả quyển sách nổi danh ”Droit Public International” (Luật Quốc Tế Công Pháp), tám lần tái bản, đâu đâu cũng dùng, một thời kiêm nhiệm Đại sứ Việt Nam Cộng hòa ở Unesco. Giáo sư Vinh ân cần chỉ dẫn tôi lập hồ sơ xin cộng tác với Đại học Luật khoa Brest. Ông Vinh lúc ấy là giáo sư Công pháp, phó khoa trưởng rồi lên khoa trưởng rất có uy tín ở đây. Sau này giáo sư Vinh đỗ thạc sĩ về dạy ở viện đại học Maine tại Le Mans, cách Paris hơn 200 cây số về hướng Tây, rồi được bổ nhiệm làm phó Viện trưởng đại học này.

Trong lúc chờ đợi quyết định của Hội đồng Giáo sư địa phương rồi Hội đồng Giáo sư Paris, tôi được sắp xếp dạy môn Địa dư kinh tế năm thứ hai Ban Cử nhân, thù lao lấy trên tài khoản liên khóa 1982-83. Môn này liên quan đến các nguồn tài nguyên kinh tế thiết yếu trên thế giới, các hệ thống chuyển vận liên tục địa đường bộ, hàng không, hàng hải, ít có giảng dạy tại các phân khoa đại học khác. Sau đó Hội đồng Giáo sư Paris chấp thuận cho tôi dạy tại trường Luật khoa Brest về các môn Công pháp thù lao theo mức lương giáo sư thực thụ, qua sự chấp thuận ngân khoản thường niên . Tôi phụ trách nhiều môn Luật hành chánh, Tố tụng hành chánh, Công pháp kinh tế, Hành chánh địa phương đối chiếu, miễn đủ số giờ ấn định cho cấp giáo sư. Tôi cộng tác với trường Luật khoa Brest từ năm 1983-84 đến năm 1992- 93. Trong thời gian ấy tôi còn lãnh dạy thêm ở viện đại học Maine-et-Loire, miền Tây Nam Paris, thủ phủ là thành phố Angers về môn Thuế vụ và Hành chánh địa phương là một môn tôi rất thích bởi có nhiều điểm tâm lý xã hội liên quan đến nền văn minh nước Pháp là nước đang mở rộng vòng tay cứu giúp gia đình tôi…

LÀM NHÀ HÀNG Ở PHÁP

Khi còn ở với cha mẹ cũng như khi đã lập gia đình, không có lúc nào vợ tôi nghĩ đến việc nấu ăn bởi lúc nhỏ lo đi học, lúc lớn lên lo đi làm việc. Nhưng một khi đã qua đất Pháp vợ tôi phải nghĩ đến sinh kế gia đình. Phải làm nghề gì kiếm sống để phụ giúp chồng nuôi con nhỏ dại. Do đó vào năm 1990 chúng tôi vay tiền ngân hàng mở nhà hàng cơm Việt Nam ở Chalon-sur-Saône, tỉnh Saône-et-Lorie, vùng Bourgogne, cách Paris hơn 400 cây số ngàn về phía Nam. Do một người cậu vợ tôi sang lại, nhà hàng tọa lạc ngay trước ga hỏa xa, đi hướng Bắc là về Paris, còn đi hướng Nam là đi Marseille. Vợ tôi học ôn cấp tốc các bài nấu ăn thịt bò, thịt heo, tôm kho, chả giò, gỏi cuốn, cách làm nước sauce. Tại phòng ăn có thuê người chạy bàn, biết pha rượu, nước ngọt. tính tiền. Nhà hàng đắt khách qua bốn mùa xuân hạ thu đông chẳng những khách tại địa phương còn khách từ Bắc Âu đi Vùng Địa Trung Hải, khách từ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đi lên miền Bắc Âu.

Những lần đi dạy về tôi chịu khó ghé Paris mua sắm các món cần dùng đem về nhà hàng. Những ngày nhà hàng nghỉ bán tôi chở nhà tôi đi Lyon miền Nam bổ túc các thứ cần dùng như gạo, nước mắm. Đó là thú vui chạy xe theo xa lộ mặt trời, qua những vùng đồng quê, với những tháp chuông nhà thờ cao nhất từng xanh, ghé qua những nhà dừng chân dọc theo xa lộ, ngắm cảnh để nhớ đồng quê cỏ bay thẳng cánh hồi trước của mình. Chúng tôi đã có dịp bách bộ từ nhà hàng đến bờ sông Saône ngồi trên bờ cẩn đá ngắm dòng nước chảy, xem cánh chim bay trên nền trời xanh biếc mà nhớ Sông Tiền Sông Hậu bên nhà. Biết bao giờ mình trở về hay là gửi lắm xương tàn trên đất Pháp này?

Việc gì cũng đến chỗ kết thúc. Các con tôi sau khi thi đỗ tú tài ước ao được về vùng Paris học có nhiều chọn lựa hơn. Vợ chồng tôi sang gấp nhà hàng cơm về tậu nhà vùng Essonne, phía nam thủ đô Paris để các con có điều kiện theo học Đại học. Giờ này đây các con đã thành gia thất, có nghề nghiệp sinh sống. Nguyễn Thị Kim Oanh, bào chế dược viên, Nguyễn Thị Kim Phượng, Tiến sĩ dược khoa, Nguyễn Thị Kim Loan, quang học viên, Nguyễn Thị Phương Thảo, Tài Chánh kế toán viên, Nguyễn Trung Chánh, kỹ sư Tin học, Nguyễn Thị Thanh Nga, y khoa Bác sĩ. Còn vợ chồng tôi xin hưởng hưu bổng, ít nhiều gì cũng được miễn sống cần kiệm là đủ. Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm, đó là sự thật muôn đời ở đâu cũng vậy thôi !

KẾT LUẬN

Tại sao tôi để tựa quyển sách mỏng này " Trường học Trường đời ". Tôi học ở trường rất nhiều, từ lớp 5 Trường làng, lấy bằng tiểu học ở trường tỉnh Sa Đéc, bằng trung học ở Mỹ Tho, bằng tú tài, bằng cử nhân, bằng tiến sĩ ở Sài Gòn, mong giúp ích xứ sở, giúp đỡ cha mẹ, anh em, các con. Từ trường làng Tân-hựu-Đông đến Viện đại học Panthéon Sorbornne Paris con đường xa thăm thẳm, phải trải qua Mấy Dặm Sơn Khê. Đã học nhiều ở trường học, tôi học càng nhiều hơn nữa ở trường đời, cho đến lúc nghiễm nhiên lãnh trách nhiệm góp phần xây dựng nền Đệ Nhị Cộng hòa miền Nam, rồi bị đưa vào trại tù cải tạo, ăn cơm trộn đá sạn, để nằm gai nếm mật, tưởng chừng như giấc chiêm bao! May mà có nước Pháp ra tay cứu giúp trong cơn phong ba bão táp dập vùi!

Tôi xin độc giả hãy cùng tôi xem lại mấy dòng này của nhà văn Nguyễn Khắc Hiếu trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư của giáo sư Dương Quảng Hàm: "Người ta ở trong đời khi nổi khi chìm, lúc may lúc rủi, không rồi lại có, đầy rồi lại vơi, lên lên xuống xuống như cây thụt máy tàu. Tiền chôn bạc chứa chưa là giàu, nhà doanh vách đất chưa là nghèo, võng lọmg ngựa xe chưa là vinh , xiềng xích gông cùm chưa là nhục. Những cái đó chỉ làm cho ta đương mừng hóa lo, đương buồn hóa sướng, say mê chìm đắm khóc hão thương hoài."

Mùa đông Kỷ Hợi 2019 Les Ulis 91940 FRANCE
NGUYỄN VĂN TƯƠNG

______

Tiễn Thầy, Giáo sư NGUYỄN-VĂN-TƯƠNG

NGUYỄN nhân thượng-thọ đã quy-tiên
VĂN-võ song-toàn tâm thiện-hiền
TƯƠNG-lai ĐẤT-VIỆT nhiều chìm-đắm
Cầu-Nguyện THẦY về CHỐN BÌNH-YÊN

Viết tại Sydney, 05/06/2022
Tiêu-kiến-Trung
(Cao-học khóa 10 QGHC)

Phân Ưu:

 


02 June 2022

Ngẫu Hứng Tình, thơ

NGẪU HỨNG TÌNH

Một chữ Tình, một chữ Duyên
Để môi son đỏ, mắt viền thanh xuân
Để xưa … kiếp trước về gần
Sát na dừng lại hoá thân đôi mình
Thở chung nhịp đập đa tình
Kiếp lai sinh nữa bóng hình như xưa
Hỏi trăm năm đã hết chưa
Nghìn năm còn lại đủ … vừa yêu nhau?
Hỏi tim máu chảy về đâu
Về cội tình thuở ban đầu kề bên
Mai kia rồi sẽ nhớ quên
Sẽ từng sợi rụng chênh vênh nắng chiều
Cứ xem đời chỉ rong rêu
Riêng Anh-Em vẫn ... rất nhiều đắm say

Như Thương

**

Bài thơ này của Như Thương khá hay mà hay nhất có lẽ là câu cuối, Cứ xem đời chỉ rong rêu, Riêng Anh-Em vẫn ... rất nhiều đắm say. Ước gì được Nhà thơ Như Thương cho đổi dấu "-" thành dấu "," ở câu cuối cùng! Hihihi ... Trần Việt Long.
*

Thưa quý Bạn, Nhân góp ý của Bạn Long, "muốn đổi dấu "-" thành dấu "," ở câu cuối cùng", theo mình thì nên giữ nguyên ", trait d'union rất tượng hình mang nghĩa kết hợp còn virgule thì hàm ý tách rời ra, cũng phù hợp với chữ "moitié", nên vợ chồng thuận thảo là một kết hợp hoàn hảo. Đúng là bá nhơn bá tánh? Thân, lvt
*

Dear Quý Anh Chị, Có một lần -- có lẽ khoảng trên15 năm về trước -- trên "Tiếng Thông Reo", có người đặt câu hỏi rằng ngày nay người ta còn dùng các "dấu chấm câu " (mechanics) trong thơ hay không. Tôi nhớ tôi đã góp ý là ..."còn." Khi tác giả không xài chấm câu , tác giả muốn dành cho độc giả ngưng ở đâu, và ngắn dài thì tùy ý, tùy cảm xúc của riêng mình. Còn nếu tác giả dùng dấu chấm câu (nay còn thêm các dấu khác nữa như #, & vv.) thì tác giả muốn độc giả ngừng theo ý của tác giả,. Chẳng hạn, sau dấu chấm, thì ngừng lâu hơn sau dấu chấm phẩy, sau dấu chấm phẩy/dấu hai chấm, thì ngừng lâu hơn sau dấu phẩy. Đó là English grammar mà tôi học lóm đó đây! Tác giả Như Thương của bài thơ phối hợp cả hai cách. Do đó dùng dấu gạch nối (hiphen) giữa Anh-Em (lại viết hoa nữa), rõ ràng là cố ý! Nhân tiện, tôi thấy có người sau mỗi câu đều có dấu chấm hỏi, hoặc chấm than. Rõ ràng ... là không nên, vì như thế, thì khiến độc giả ... bối rối! Best regards. Lê Văn Bỉnh

**

Bài Họa

Ngậm Ngùi Ngu Cơ

Giai Nhân, Danh Tướng thiên duyên
Theo Chàng chiến trận áo viền màu Xuân
Muôn quân dong ruổi xa gần
Đợi chồng trong trướng hoà thân gọi mình!
Tim Em là một khối tình
Ghi tâm sơ ngộ bóng hình ngày xưa
Trận Chàng đã đánh xong chưa?
Than ôi! Cai Hạ! Cũng vừa xa nhau!
Hát câu tiễn biệt về đâu?
Tấm thân lấp biển mái đầu sát bên
Hạng Vương ơi! Nhớ đừng quên!
Gươm đàn yên ngựa bóng vênh ráng chiều
Máu tràn uốn lượn như rêu!
Ngu Cơ! Nhớ mãi, thương nhiều! Buồn say!

Đức Hùng
Sydney, Úc Châu, 02/06/2022

01 June 2022

Phân Ưu

Tuẫn Tiết

 Tưởng Năng Tiến

Bên Thắng Cuộc phát hành cuối năm 2012, và được bỉnh bút Nguyễn Hùng (BBC) liệt kê là một trong “mười chuyện nổi bật” nhất trong năm. Cùng lúc, biên tập viên Mặc Lâm (RFA) cũng nhận xét rằng “cuốn sách đang gây sôi nổi cho cư dân mạng cả trong và ngoài nước” và đã khiến cho “người đọc ngỡ ngàng” vì “cái nhìn” của tác giả – một người sinh trưởng “từ bên kia” chiến tuyến:

“Trong chương 1, Ba mươi Tháng Tư, Huy Đức đặt một tiểu tựa khiến người đọc ngỡ ngàng. Họ ngỡ ngàng vì biết tác giả là người trưởng thành từ bên kia nhưng dùng hai chữ Tuẫn Tiết đặt cho câu chuyện của các tướng lãnh bên này tự kết liễu đời mình trong ngày chế độ sụp đổ.

Các tướng lãnh như  Lê Văn Hưng, Nguyễn Khoa Nam, Phạm Văn Phú, Lê Nguyên Vỹ hay Đại tá Đặng Sĩ Vinh lần lượt kết liễu đời mình trước sự chứng kiến của thuộc hạ hay vợ con dưới cái nhìn của Huy Đức là một sự tuẫn tiết...

Một điểm quan trọng nữa, Huy Đức viết: ‘Nhưng đấy vẫn chưa phải là những phát súng cuối cùng của cuộc chiến tranh. Nhiều quân nhân vô danh vẫn tìm đến cái chết trong những ngày sau đó.”

Mãi đến bốn mươi sáu năm sau, độc giả của nhật báo Người Việt – số phát hành vào hôm 6/12/2021 – mới có dịp biết đến tên tuổi của một số “quân nhân vô danh” này qua bài viết (“Những Anh Hùng Tuẫn Tiết Trong Ngày Tàn Cuộc Chiến Tại Việt Nam”) của ký giả Vann Phan : 

“Ngoài ‘Ngũ Hổ Tướng’ ra, còn có các sĩ quan khác cùng các hạ sĩ quan trong Quân Lực VNCH và Cảnh Sát Quốc Gia đã chọn cái chết để đền nợ nước trước, trong và sau ngày 30 Tháng Tư, thay vì đầu hàng quân Cộng Sản… 

Còn một số quân nhân thuộc nhiều binh chủng khác nhau trong Quân Lực VNCH thì đã tự sát tập thể để khỏi rơi vào tay quân địch, bằng cách cùng nhau mở lựu đạn hoặc đồng loạt nổ súng vào đầu nhau trong biến cố 30 Tháng Tư, 1975, thật vô cùng bi tráng.”

Nỗi “bi tráng vô cùng” này đã được nhà văn Cao Xuân Huy ghi nhận bằng đôi mắt ráo hoảnh, cùng những câu chữ trần trụi và khô khốc :  

“Lại có rất nhiều người tự tử. Bây giờ họ không tự tử từng người, từng cá nhân mà họ tự tử tập thể. Không rủ, không hẹn và hầu như họ đều không quen biết nhau trước hoặc có quen biết đi nữa, bạn bè đi nữa họ cũng không thể nhận ra nhau trước khi cùng chết với nhau một lúc. Dòng người chúng tôi đang chạy, một người tách ra ngồi lại trên cát, một người khác cũng tách dòng người ra ngồi chung, người thứ ba, người thứ tư, người thứ năm nhập bọn, họ ngồi tụm với nhau thành một vòng tròn nhỏ, một quả lựu đạn nổ bung ở giữa.” 

Cựu quân nhân Nguyễn Hữu Luyện bình luận: “Khi một binh nhì kê súng vào đầu mình để bóp cò, người ấy chỉ có một nguyên nhân uất hận được bộc lộ qua khí phách của quân nhân QLVNCH. Do đó, hành động tự sát của anh binh nhì nói lên cái khí phách tột đỉnh và tấm lòng son sắt vô song …”

Khí phách cùng tấm lòng sắt son của những người lính trận – buồn thay – vẫn thường bị lãng quên, nhất là khi họ thuộc bên thua cuộc : 

“… những người lính chết trận và mất tích ở phía VNCH, chính thể đã sụp đổ vào tháng 4/1975, ít được biết tới và nhiều lúc đã trở thành đề tài cấm kỵ tại Việt Nam thời hậu chiến. Bị chính quyền mới ghẻ lạnh, đồng minh Mỹ lãng quên, các quân nhân VNCH tử trận chỉ được người thân, đồng đội cũ tưởng nhớ và kiếm tìm.” (Bùi Thư. “Hành Trình Tìm Hài Cốt Lính VNCH: 39 Năm, Anh Em Nằm Dưới Nền Đất Lạnh.” BBC - 28.04.2020)

Ở vào hoàn cảnh của những kẻ thuộc phe bại trận thì việc thu nhặt hài cốt hay tìm kiếm những nấm mồ vô thừa nhận của bạn đồng đội – tất nhiên – chả dễ dàng chi,  và cũng không mấy khi có được kết quả như mong đợi. Tuy thế, thỉnh thoảng, vẫn có những sự kiện ấm lòng :

Ngày 19 tháng 4 năm 2022, FB Dominic Pham cho biết thêm một tin vui: “Người dân Vũng Liêm, Tam Bình, Vĩnh Long đã đào được hài cốt người lính VNCH, với tấm thẻ bài:  Nguyễn Văn Hài SQ 50/680.585LM A RH+. Hài cốt của anh đã được đưa vào Chùa. Xin vui lòng gọi 038 663 3049, 093 284 8449 để biết thêm chi tiết.”

Hôm 15 tháng 03 năm 2022 , trên trang FB Tìm Hài Cốt Chiến Sĩ VNCH cũng cho biết một tin mừng khác, đã được thực hiện từ 10 năm trước. Xin lược thuật :  

Ngày 19-08-2011, ba cựu quân nhân VNCH đã đến Thị Xã Bà Rịa-Vũng Tàu vì nghe nơi đây có bốn ngôi mộ không bia của đồng đội, nằm trong vườn nhà ông Hai Lì – một cán bộ địa phương… Ông Hai Lì kể:
“Tôi là dân Gia Đình Cách Mạng, mấy Ông Rằn Ri này gan lì lắm, mấy Ổng chống đến cùng dù có lệnh đầu hành của Tổng Thống Dương Văn Minh 30-04-1975, mấy Ổng chiến đấu cho đến trưa 01-05-1975 rồi cùng nhau tự sát và chính tôi là người chôn cất mấy Ổng, giấy tờ từng Ông tôi bỏ vào một cái hộp chôn theo các Ông.”

Công việc bốc mộ được tiến hành, tất cả mọi người cùng hồi hộp chờ đợi từ nhát cuốc đầu tiên chạm vào ngôi mộ, sau đó hé lộ dần những hình hài của Các Anh đã chôn vùi nơi đây hơn 36 năm dài đằng đẵng…không Quan Tài, mà cũng chẳng có PONCHO bọc xác, chẳng còn gì với cát bụi thời gian, ngoài những mảnh xương tàn,quần áo đã mục nát …

Chúng tôi cố tìm những mảnh giấy tờ đã được chôn theo Các Anh sau khi đã lượm lặt từng khúc xương còn sót lại, rồi cho vào từng hũ sành, ghi tên Các Anh, gởi vào Chùa và cầu xin cho Các Anh được siêu thoát khỏi chốn dương trần đầy khổ đau, tủi nhục này và điều mong muốn mãnh liệt nhất là thân nhân Các Anh sớm tìm gặp lại Các Anh sau bao năm dài vắng bặt tin tức…

Tất cả mọi người cùng ứa lệ mừng vui khi tìm được những tấm thẻ bài, giấy tờ, tên tuổi Các Anh …và đây là những vị Anh Hùng của chúng ta :

Ngôi mộ thứ nhất: Có Thẻ Bài tên TRƯƠNG VI CỬ SQ: 75/115.815.

Ngôi Mộ thứ hai: có Thẻ Bài tên VÕ QUANG HẰNG SQ: 68/123.320.

Ngôi Mộ thứ ba: (gồm có 02 người) trong đó Một Vô Danh không Thẻ Bài.  Người có Thẻ Bài tên: TRẦN VĂN HÀ SQ: 67/824.827.

Sau khi Bốc mộ xong, chúng tôi đã đem 04 hũ cốt gởi Chùa Báo  n. Địa chỉ: Khu Công Nhân, Thị Trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu. Còn các Di Vật và giấy tờ liên quan kể trên, chúng tôi nhờ MĐ Đẹp giữ. Nếu tình cờ Quý Vị nào hoặc ai đọc được tin tức này hoặc cần biết thêm chi tiết cụ thể, xin vui lòng liên lạc theo số Phone, dưới đây: 

Nguyễn Văn Thành ĐT: 01645462458 hay
Lê Văn Đẹp ĐT: 01684118839.

Dù không phải là kẻ vô thần, tôi là một người vô đạo (hay khô đạo) bất kể đạo gì! Tuy thế, những dòng thông tin muộn màng (ghi trên) về bạn đồng đội vẫn khiến cho tôi cảm thấy có đôi chút an tâm và vô cùng an ủi. 

Xin cảm ơn Trời, Đất, Chúa, Phật, Thánh Thần… Xin cảm ơn tất cả mọi người đã không ngại công khó, đã lập đài tưởng niệm, đã cải táng, đã lập mộ (cùng khói nhang ấm áp) cho những kẻ thuộc bên thất trận – dù chúng tôi đã không chu toàn được trách nhiệm bảo quốc an dân.

 Tưởng Năng Tiến

"Tôi ngồi ở đây", cười tí tỉnh

Một chiếc máy bay trên đường đến Toronto thì một cô gái tóc vàng ở hạng phổ thông đứng dậy, chuyển sang khoang hạng nhất và ngồi xuống. Tiế...