Ký Thiệt
Thế là một tòa án ở Minneapolis đã đăng đường xét xử vụ viên cảnh sát Derek Chauvin, một người Mỹ da trắng, đã đè đầu gối lên cổ George Floyd, 46 tuổi, một người Mỹ da đen, trong chín phút rưỡi khi bắt giữ anh ta vì bị tình nghi xài tiền giả. Floyd chết, và chuyện đáng tiếc ấy đã xảy vào buổi tối hôm 25 tháng 5, 2020.
Sau gần một năm, phiên xử đầu tiên đã diễn ra ngày 29 tháng 3 trong bầu không khí khá căng thẳng và nghi kỵ cả bên trong lẫn bên ngoài phòng xử.
Trong gần một năm qua, cái chết của Floyd đã làm thay đổi nước Mỹ hoàn toàn. An ninh, trật tự tại những nơi công cộng không còn. Công lý nằm trong tay đám đông bạo động làm chủ trên đường phố, và nhiều tai to mặt lớn trong chính quyền đã hãnh diện được quỳ gối và vinh danh Công lý của BLM và Antifa, hai tổ chức đã công khai đứng ra nhận công lãnh đạo phong trào tranh đấu cho công lý và bình đẳng chủng tộc của dân Mỹ.
Nhưng, có vẻ như phần đông dân Mỹ không nghĩ như vậy. Bằng cớ là cựu Nghị sĩ tiểu bang Oregan Avel Gordly, một phụ nữ da đen và đảng Dân Chủ, đã nói trong một cuộc họp báo rằng: “Các người không đang giúp đỡ. Các người đang gây khổ đau cho người dân da đen. Chúng tôi cần những người kiến tạo hòa bình và những người gìn giữ hòa bình.”
Trước đây Hội Đồng Thành phố Minneapolis đã phản ứng trước kêu gọi cúp tiền cho cảnh sát, thay vào đó là cắt xén 19 triệu đô-la trong ngân sách của cảnh sát. Nhưng nay các viên chức địa phương tỏ ra ít tin tưởng rằng sự cắt xén của họ sẽ xoa dịu những kẻ biểu tình bạo động sau vụ xử Chauvin.
Thành phố này đã chi hơn một triệu đô-la để làm rào cản bên ngoài các công ốc, trong đó có tòa thị chính và 5 đồn cảnh sát sau cuộc nổi loạn gây ra sự thiệt hại ước tính 500 triệu đô-la.
Hiện nay, nhiều cơ sở thương mại còn đang tái thiết và chưa mở cửa lại. Các cửa hàng bán lẻ vẫn còn giữ nguyên những tấm ván ép che kín mặt tiền vì lo sợ một cuộc nổi loạn nữa xảy ra sau phán quyết vụ xử Chauvin.
Vụ xử này được dự trù sẽ kéo dài khoảng một tháng và bản án sẽ do một bồi thẩm đoàn đưa ra với đa số tuyệt đối, theo thủ tục tố tụng tại các tòa án Hoa Kỳ có tính cách “tòa án nhân dân” thực sự, không phải là “tòa án nhân dân” giả hiệu như tại các nước cộng sản mà thực ra những bản án đều do “đảng” làm sẵn đưa ra.
Bồi thẩm đoàn tại Mỹ được chỉ định tình cờ trong cư dân tại địa phương và được cho là vô tư, khách quan không có định kiến, không liên hệ gì tới vụ xét xử, không liên quan gì tới hai phía trước tòa, và được cả hai bên chấp nhận. Vì vậy, theo tin của Reuters, trong vụ xét xử Derek Chauvin, có hai bồi thẩm viên đã bị loại ra khỏi bồi thẩm đoàn ngày 24 tháng 3 sau khi họ nói về tin có sự dàn xếp với gia đình Floyd nhận số tiền 27 triệu đô-la để bãi nại nên không còn vô tư nữa.
Theo tin tòa, hai bồi thẩm viên mới được điền vào bồi thẩm đoàn là một người đàn ông da đen và một phụ nữ lai đa chủng tộc, cả hai đều ở lứa tuổi 40.
Thị trưởng Jacob Frey cùng vài thân nhân của Floyd đã xuất hiện trong cuộc họp báo ngày 26 tháng 3 để loan báo thành phố Minneapolis sẽ trả cho họ 27 triệu đô-la để dàn xếp vụ kiện về trách nhiệm dân sự chống thành phố tại tòa án liên bang, một trong những vụ dàn xếp lớn nhất của loại này.
Một trong những bồi thẩm viên, một người đàn ông da trắng ở lứa tuổi 30, được chọn trước đó một tuần đã nói với tòa rằng kích cỡ to lớn của vụ dàn xếp đã khiến ông ta bị “sốc” và “đã làm tôi chao đảo, phân vân một chút.” Và rằng: “Sự việc đó cũng như gửi đi một thông điệp nói rằng thành phố Minneapolis cảm thấy có điều sai trái, và họ muốn làm việc phải, với sự tương xứng của số tiền ấy.”
Chánh thẩm Cahill đã loại bỏ bồi thẩm viên ấy và một thanh niên gốc “Xì” trạc 20 tuổi cũng đã bày tỏ quan điểm tương tự. Vài bồi thẩm viên đã được chọn khác, mà chánh thẩm hứa giấu tên vì sự kéo dài của vụ xử, đã nói họ có thấy các tựa đề trên báo chí về vụ dàn xếp nhưng đã có thể bảo đảm với tòa rằng chuyện ấy sẽ không ảnh hưởng đến họ.
Luật sư trưởng của Chauvin, Eric Nelson, đã than phiền với tòa rằng sự phổ biến ra ngoài vụ dàn xếp làm cho khó khăn hơn để giữ cho một bồi thẩm đoàn có thể khách quan, vô tư.
Thật ra, trong một vụ được truyền thông báo chí khai thác tối đa, loan truyền đi khắp thế giới suốt gần một năm nay mà tìm một người không hay biết gì để ngồi vào bồi thẩm đoàn xét xử bị cáo thì không bao giờ có.
Bằng cớ là tất cả bồi thẩm viên đều nói với tòa họ biết Chauvin là ai và hầu như tất cả mọi người đều đã xem cái video có người cảnh sát da trắng đè đầu gối ông ta trên cổ Floyd trong khi Floyd, một người đàn ông da đen, van xin tha mạng. Vụ này đã châm ngòi cho những cuộc phản kháng trên toàn cầu chống lại sự sự tàn bạo và kỳ thị chủng tộc của cảnh sát.
Chauvin, 44 tuổi đã không nhận tội cố sát (cấp hai, cấp ba và ngộ sát,) do văn phòng tổng chưởng lý (AG) Minnesota truy tố, và nói ông ta đã theo đúng sự huấn luyện cảnh sát dạy mình. Chauvin có thể bị xử phạt tới 40 năm tù giam nếu bị kết án về tội nặng nhất.
Luật sư Nelson đã nói với tòa: “Quý vị đã bầu ra các viên chức – thống đốc, thị trưởng – đưa ra những tuyên bố lạ thường trước phiên xử về thân chủ của tôi, về vụ xử này. Quý vị đã cho thành phố này dàn xếp vụ kiện dân sự bằng một số tiền lớn kỷ lục.Và sự phổ biến chuyện ấy trước phiên xử thật là đáng quan ngại. Ông ta yêu cầu tòa tái cứu xét thỉnh nguyện của phía biện hộ trước đây để đình hoãn và di chuyển vụ xử tới một quận hạt khác trong thành phố. Nhưng phiên tòa đầu tiên đã diễn ra vào ngày 29 tháng ba và tại phòng xử án nơi tầng lầu thứ 18 của Trung tâm Hành chánh Quận Hạt Hennepin, thuộc thành phố Minneapolis, như đã định trước.
Và, đây là những gì đã diễn ra trong các phiên xử vừa rồi qua bài phân tích của hai tác giả Rachel Ramirez và Fabiola Cineas được phổ biến trên Vox ngày 9 tháng 4, dưới tựa đề: “The controversial autopsy at the heart of the Chauvin trial, explained -The defense hopes to raise doubts about how George Floyd died” (Cuộc phẫu nghiệm tử thi gây tranh cãi tại trung tâm điểm của vụ xử án Chauvin, giải thích – Phía biện hộ hy vọng nêu lên những nghi ngờ về câu hỏi George Floyd đã chết cách nào).
Hai tác giả nhận định rằng trung tâm điểm của vụ xét xử là câu hỏi: Cuối cùng cái gì đã giết Floyd? Phía công tố buộc tội giải thích rằng chính là cái đầu gối của Chauvin, đè chặt trên cổ Floyd và làm nghẽn tắc sự lưu thông của không khí, cuối cùng đã đưa tới cái chết của anh ta. Trong khi đó, bên biện hộ đã tranh luận rằng đó là lịch sử nghiện hút ma túy lâu dài và suy nhược cơ thể đã gây ra cái chết của anh ta.
Hai phúc trình phẫu nghiệm tử thi – một do nhà khám nghiệm y khoa tư thực hiện theo yêu cầu của gia đình Floyd và một phúc trình khác do giám định y khoa của Quận Hạt Hennepin thực hiện – đã đi tới kết luận giống nhau: Floyd đã chết vì bị giết, có nghĩa là cái chết do tay của một người nào khác. Nhưng phúc trình khám nghiệm y khoa cũng đã vạch rõ rằng Floyd đã bị phương hại khá nặng do những tình trạng sức khỏe khác nữa, như là ngộ độc fentanyl và mới đây lại sử dụng methamphetamine. Những tình trạng sức khỏe vừa nói là cái mà phía biện hộ đang dùng để cãi rằng Chauvin không chịu trách nhiệm về cái chết của Floyd.
Mấy phiên tòa mở đầu vừa qua là phần của công tố trình bày bằng chứng và nhân chứng để buộc tội bị cáo.
Để có một bản án kết tội viên cảnh sát, các công tố viên không cần phải chứng minh rằng những hành động của Chauvin là duy nhất gây ra cái chết của Floyd, theo bản hướng dẫn sơ lược bồi thẩm đoàn của tiểu bang, trong đó ghi rõ rằng: “Sự thật rằng những nguyên do khác góp phần vào cái chết không giải trừ cho bị cáo trách nhiệm hình sự.” Bằng cách nhấn mạnh việc Floyd sử dụng ma túy, phía bên biện hộ chỉ đang cố quấy bùn trong nước.
Trong khi các công tố viên buộc tội và luật sư tranh luận thì các bồi thẩm viên ngồi lắng nghe để cuối cùng bỏ phiếu với lương tâm trong sáng, không còn lấn cấn, nghi ngờ hợp lý nào nữa (beyond reasonable doubt).
Tóm lại, trong các phiên tòa vừa qua, phía công tố đã gọi vài chuyên viên y khoa ra tòa trong khi bên biện hộ có tới 15 người trong y giới nối đuôi nhau có thể làm nhân chứng khi tới phiên họ trình bày luận cứ của mình trong những phiên tòa vào tuần tới.
Phía biện hộ cần phải chứng minh rằng trong vụ này có hợp lý hay có vài sự nghi ngờ. Đôi khi các luật sư tài giỏi và có những sự thật hay thì có thể gieo sự nghi ngờ vào bồi thẩm đoàn và kết quả là tòa không thể kết tội Chauvin.
Eric Nelson, luật sư chính biện hộ cho Chauvin có vẻ như đang áp dụng triệt để chiến thuật này. Ông Nelson, 46 tuổi, tỏ ra đã chuẩn bị kỹ và đã lặp đi lặp lại với luận cứ chính để tạo sự nghi ngờ cho bồi thẩm đoàn: sự hấp thụ quá nhiều độc dược bất hợp pháp của Floyd là chính phạm gây ra cái chết của ông ta, hơn là cái gì đó mà viên cảnh sát Chauvin đã làm.
Thủ tục xét xử vụ này được dự trù kéo dài thêm hai tuần nữa, và kết quả sẽ tùy thuộc phía công tố có xây dựng được một vụ án đủ mạnh về y khoa và sự làm chứng của cảnh sát để xóa tan sự nghi ngờ trong việc Chauvin đã đóng vai trò chính yếu gây ra cái chết của Floyd.
Trái lại, nếu Chauvin được tha bổng thì vụ này có sẽ chấm dứt hay không?
Chắc là không, vì ngay sau cái chết thương tâm, gây xúc động và bất bình cho nhiều người gần một năm trước đây, thì biểu tình, đốt phá, giết người, cướp của… đã không bao giờ chấm dứt, mặc dù Chauvin và ba viên cảnh sát liên hệ đã ngay lập tức bị sa thải, bị truy tố và giam giữ, chờ ngày ra tòa xét xử.
Hiển nhiên, cái chết bất ngờ của Floyd đã bị BLM và Antifa lợi dụng, khai thác cho một đấu tranh cách mạng, lật đổ theo chiến thuật của cộng sản mà ông Bill Barr, cựu bộ trưởng Tư Pháp, đã gọi không sai là “một cuộc chiến tranh du kích trong thành phố” (urban guerrilla).
Một ngày sau phiên tòa đầu tiên của vụ xét xử viên cựu sĩ quan cảnh sát Derek Chauvin, Nhật báo The Washington Times ra ngày 30 tháng 3 đã đăng một bài chiếm 3 cột trên trang nhất, mang tựa đề khổ chữ lớn nét đậm : “Antifa looms as former cop’s trial in Floyd death begins – Violant agitators not appeased by Biden’s election” (Antifa hiện ra khi vụ xét xử viên cựu cò trong cái chết của Floyd bắt đầu – Những kẻ khuấy động bạo lực không vừa lòng do sự đắc cử của Biden), tác giả là Jeff Mordock và Valerie Richardson. Bài báo đáng chú ý này được mở đầu, xin tạm dịch như sau:
Những kẻ khuấy động chống phát-xít ăn vận toàn đen đã không mỏi mệt từ khi Tổng thống Biden đắc cử. Họ tiếp tục đập vỡ kính các cửa hàng, phóng lửa đốt tại Portland, Oregon, trong khi nhân viên công lực lo sợ một cuộc nổi loạn lại bùng lên sau vụ xét xử Derek Chauvin tại Minneapolis.
Betsy Brantner Smith, phát ngôn viên của Hiệp hội Cảnh sát Quốc gia phát biểu: “Những cuộc biểu tình chống đối của Antifa trong năm vừa qua không phải là để chống Trump, họ biểu tình bạo động để chống chính quyền. Điều mà họ muốn là đập phá và hủy bỏ chính quyền, và họ đã khá thành công tại Portland. Tôi nghĩ họ muốn thấy sự thành công ấy trên khắp cả nước.”
Bà Smith tiên đoán rằng những kẻ ủng hộ phong trào ấy đã được điều động tới chung quanh vụ xét xử Chauvin. Bà nói: “Bất kể kết quả vụ xét xử ra sao, điều đó sẽ là một hộp thuốc nổ. Đó sẽ là sự biểu dương lực lượng kêu gọi Antifa và Black Lives Matter nối kết tay nhau và đấu tranh bạo động. Nó sẽ không chỉ diễn ra ở Minneapolis, nhưng trên toàn quốc.”
Có phần chắc là Minneapolis đang sẵn sàng cho kết quả của vụ xét xử, và Ngày Chủ Nhật, 28 tháng 3, Antifa đã nhắc cho biết rằng họ không biến đi đâu. Ngày hôm ấy, hơn 200 người phản kháng mặc toàn đen đã tới thủ phủ của tiểu bang Oregon tại Salem để đối đầu với một đoàn xe “biểu dương tự do”. Họ ném đá vào những chiếc xe chạy ngang qua, làm vỡ kính xe và vấy bẩn những chiếc xe bằng các trái bong bóng bên trong chứa đầy sơn.
Một chiếc xe tải có kính trước bị một cành cây đâm xuyên qua. Bốn người biểu tình đã bị bắt giữ và bị truy tố về tội phá rối trật tự, hay phóng tia laser bất hợp pháp và can thiệp vào công việc của cảnh sát.
Một tài xế xe vận tải đã bị cảnh sát ra lệnh xuống xe và bị bắt giữ sau khi anh ta ra khỏi xe với khẩu súng lục trên tay. Nhưng, ngày hôm sau cảnh sát tiểu bang cho biết người tài xế đã được trả tự do. Trong một bản tin được phổ biến sau đó, cảnh sát giải thích: “Người đàn ông trong tấm ảnh đã là nạn nhân của sự hư hại trên chiếc xe của anh ta. Khi anh ngừng xe để quan sát sự hư hại, anh ta đã bị tấn công với hơi cay và đã rút khẩu súng ngắn giắt ở dây lưng ra để tự vệ. Anh ta đã không chĩa nòng súng vào bất cứ ai và đã ném khẩu súng xuống đất khi cảnh sát ra lệnh. Người này có giấy phép mang súng trong người hợp lệ.
Không có thành phố nào bị thiệt hại nặng hơn Portland trong năm vừa qua, nơi mà bôi bẩn, bạo động và liên tục tấn công vào tòa án liên bang đã buộc Thị trưởng Ted Wheeler và các lãnh tụ dân sự phải kêu gọi những kẻ làm loạn “ngưng chiến” tại cuộc họp báo ngày 18 tháng 3.
Trong khi các viên chức thành phố đã không loan báo những hành động hay chính sách nào để dẹp tan cuộc nổi loạn, họ đã cáo buộc những kẻ vô chính phủ về việc cướp đoạt phong trào Black Lives Matter để tàn phá.
Thậm chí Thị trưởng Wheeler lúc ấy còn đổ trách nhiệm Tổng thống Trump khi ông ta nói trong một cuộc họp báo rằng “chính you đã tạo ra sự thù ghét và chia rẽ này.” Và cả ông Biden cũng cùng một giọng như vậy. Trong cuộc vận động tranh cử vào tháng 8 năm ngoái, ông Biden nói “nếu tôi là tổng thống hôm nay, đất nước sẽ an bình hơn và chúng ta đang thấy ít bạo động hơn rất nhiều.”
Mọi người đang thấy ngược lại
Vụ xét xử Chauvin rồi sẽ phải kết thúc, dù kết thúc ra sao về mặt pháp lý. Nhưng sẽ không kết thúc về phương diện chính trị, đấu tranh, thù hận, mưu lược, thèm khát quyền lực.
George Floyd khi sống không có điều gì đáng nêu gương cho người khác và đã từng làm những việc bất hợp pháp. Một cuộc đời âm thầm trong bóng tối không ai quan tâm đến, thậm chí muốn nhìn đến. Vậy mà sau khi chết, trong chốc lát, hàng trăm người tại Minneapolis đã đổ ra đường “đòi Công lý cho George Floyd”. Rồi những ngày sau, hàng ngàn, hàng vạn người ở nhiều nơi đã nổi loạn, bạo động, đốt phá, bắn giết, hôi đồ cướp của…Tất cả đều nhân danh “Công lý cho George Floyd”.
George Floyd ngày nay đã được hàng triệu người trên khắp thế giới biết tên, và những người khai thác, lợi dụng cái chết của George Floyd” đã làm đảo điên một đại cường quốc hùng mạnh nhất thế giới, và chưa biết sẽ đưa đất nước này tới đâu.
Derek Chauvin trial: Defense, prosecution offer 2 views of George Floyd onlookers including Genevieve Hansen, Darnella Frazier - ABC7 Los Angeles
Ngồi trong phòng xử với tư cách nhân chứng của công tố ngày 30 tháng 3, Christopher Martin, 19 tuổi, đã tỏ ra hối tiếc vì một quyết định nhỏ của mình vào ngày 25.5.2020 mà đã đưa đến bao nhiêu chuyện kinh khủng, trước tiên là cái chết của George Floyd. Martin giữ chân bán hàng tại cái chợ nhỏ tên “CUP FOODS”, gần hiện trường nơi xảy ra cái chết của Floyd. Hôm ấy Floyd tới mua một bao thuốc lá và trả tiền bằng tờ 20 đô-la mà Martin mới cầm đã biết ngay là tiền giả. Khi Floyd ra khỏi cửa, Martin báo cho quản lý biết và quản lý bảo Martin ra gọi anh ta trở lại, nhưng Floyd đã không chịu quay vào. Quản lý đã sai người gọi cảnh sát.
Vì một “chuyện nhỏ” đã đưa đến bao nhiêu chuyện lớn, quá với sức tưởng tượng của mọi người.
Anh bán hàng lương thiện không có lỗi gì cả thì “hối tiếc”. Còn những kẻ gian ác, bất lương thì lại không bao giờ biết hối tiếc là gì.
“Công Lý”, mi ở đâu?
Ký Thiệt
No comments:
Post a Comment