02 April 2021

Chuyện vãn đông xuân

 Lạc Đường
Điền Thảo

Đêm đen lập lòe ánh đèn vàng loang lổ. Tuyết lất phất rơi rồi mỗi lúc thêm dầy. Con xa lộ cao tốc bỗng vời vợi trở nên xa lạ. Dường như đã bị lạc. Xa lạ và sợ hãi. Tại sao lại cứ phải quen thân mới cảm thấy an toàn? Không có lạ làm sao trở nên quen. Trước không lạ thì sau làm sao khám phá ra cái đáng yêu để xin được kết thân. 

Những người khai phá xứ này gặp muôn ngàn thứ xa lạ. Điều gì giúp những người "to gan" ấy thắng được sợ hãi. Sợ hãi thú hoang, sợ con người không cùng ngôn ngữ. Bây giờ những người di dân từ xứ nóng như mình thấy tuyết đẹp nhưng ngại ngùng phải ra ngoài khi trời đổ tuyết. Lạnh giá, lầy lội. Hình ảnh quê cũ trở về đầy kỷ niệm ấm áp. Nghĩ cho cùng cũng không phải hoàn toàn ấm áp. "Trời nắng chang chang người trói người". Hổ dữ cũng không đáng sợ bằng tham quan ô lại. Lời xưa còn đó. 

Hai bên đường nhà cửa im lìm dù chưa khuya và lác đác còn nhiều cửa sổ hắt ra ánh đèn. Gõ cửa à?  Không nên. Có thể khiến người trong nhà lo ngại. Nhưng họ là hậu duệ của những người tiên phong năm xưa đến khai phái xứ này, hẳn vẫn còn chút máu coi thường sợ hãi. Càng suy nghĩ càng phân vân. Người đời nói rằng chẳng nên suy tính quá nhiều. Người suy tính quá chi ly sẽ bị lạc lối. Quyết định nhiều khi quá trễ, hỏng việc. Hãy xuống khỏi xe cái đã. Đường bắt đầu lầy tuyết. Quanh quẩn ở đây một chặp nữa coi chừng xe hết đi suông sẻ. Viễn ảnh ngủ trong xe qua đêm lạnh lởn vởn. Chiếc xe hiếm hoi chợt xuất hiện từ khúc quẹo, đằng xa kia. Mong rằng bàn tay đưa lên người ta nhìn thấy...

Người thanh niên chớm tuổi lao động mới ngày nào chưa đồng ngôn ngữ: "Ông cần giúp gì?". Giữa ban đêm sao lại có người xuống khỏi xe sẵn sàng làm một việc chẳng mang đến cho anh ta một xu teng. Tuyết bám lên những lọn tóc vàng. Nét mặt lo ngại giùm cho một người già xa lạ lạc đường - lại xa lạ. À thì ra không chỉ có tiền là lực đẩy duy nhất khiến con người hành động.

Quê xưa nay nhiều biến đổi. Con người biến đổi, ngôn ngữ biến đổi. Không phải trai tài gái sắc mà nay là "trai tiền gái sắc". Cái gì cũng ăn xổi, không muốn đợi lâu. Nải chuối mập mạp nhưng lạt phếch hôm nay bán cho một người không tinh. Ngày mai chuối ế cũng mặc! Không thể lăn ra chết hôm nay được. Mai có chết thì cũng đã sống thêm được một ngày. Tư tưởng chỉ lối nơi quê xưa hôm nay là thế.

Chàng thanh niên chỉ lối về thật rành rẽ, dễ hiểu. Chưa an tâm và không tin lắm vào đôi tai một người dễ chừng gấp ba tuổi mình, chàng ta muốn viết những chỉ dẫn lên một miếng giấy cho chắc ăn. Tiếc rằng cả hai chúng tôi đều không có bút lúc ấy. Một tờ giấy, một cây viết chẳng đáng gì cả bỗng trở nên thật quý giá. Những đứa con khi còn đi học có bút giấy thừa mứa, nhiều khi vẽ voi, phí phạm, nghĩ bực mình mà ngăn không nổi. Đem cái tinh thần tiết kiệm ở một nơi nghèo, ở cái thời hiếm mà nhét vào đầu lũ trẻ sinh ra và lớn lên ở đây gần như là chuyện không làm nổi.

Tuyết vẫn đổ đều đều. Thêm một số ngôi nhà bên đường tắt đèn. Chàng thanh niên nhận lời cám ơn quay về xe. Lạ chưa, xe anh ta không chuyển bánh. Dường như anh ta đang theo dõi xem xe tôi có đi đúng hướng hay không. Khi tôi bắt đầu sang số, chàng ta bỗng mở cửa xuống khỏi xe lần nữa. Chắc còn điều gì chàng ta muốn dặn dò thêm. Không, anh ta không dặn dò thêm mà đề nghị: "Hay để tôi đưa ông đi một đoạn đường." Thì ra chàng thanh niên áy náy không tin rằng ông già mà lại mũi tẹt da vàng hiểu lời chỉ dẫn. Mà có hiểu chắc gì không lạng quạng giữa lúc trời đất lù mù.

Chàng thanh niên không phải chỉ dẫn tôi đi một khúc đường mà hết cả đoạn đường tôi đã lạc. Chàng ta chỉ vẫy chào tại giao điểm dẫn sang xa lộ khác tôi dùng để về nhà mình. Đoạn đường khó quên ấy gần mười cây số.

Điền Thảo

No comments:

Post a Comment

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...