15 September 2020

Vì hoà bình và dân chủ, châu Âu phải hậu thuẫn Đài Loan

RFI điểm báo Pháp

Tại châu Âu, thượng đỉnh Liên Âu và Trung Quốc qua truyền hình hôm thứ Hai 14/09/2020 được bình luận qua nhiều góc độ với cùng một nhận định: Châu Âu đoàn kết, cứng rắn với Bắc Kinh và phải làm như thế để bảo vệ quyền lợi của mình trước một "đối thủ toàn diện".

Quan hệ châu Âu-Trung Quốc-Đài Loan: Gió xoay chiều ?

Le Monde đăng nguyên văn lời kêu gọi: "Châu Âu phải ủng hộ Đài Loan". Tác giả là tập thể chuyên gia và nghị sĩ châu Âu có tiếng tăm, trong đó có nhiều vị từng thuộc xu hướng 'thông cảm' với Bắc Kinh.

Nhưng tại sao Liên Âu phải chống lưng cho Đài Loan trong khi cam kết với Bắc Kinh chỉ công nhận có một nước Trung Hoa ?

Theo các tác giả, châu Âu cần phải xét lại chính sách đối với Đài Loan và quan hệ giữa Hoa Lục và hải đảo. Từ lâu nay, châu Âu theo đuổi mục tiêu duy trì cân bằng giữa nguyên tắc "dân tộc tự quyết, giải quyết xung khắc qua biện pháp ôn hòa" và nguyên tắc "một nước Trung Hoa" và "một quốc gia hai chế độ"  theo tuyên truyền của Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa.

Thế nhưng, thái độ hung hăng của Bắc Kinh trong thời gian gần đây đặt châu Âu và thế khó xử nếu không điều chỉnh chính sách.

Trung Quốc phá hoại nguyên trạng

Cho đến nay, chính sách cúa châu Âu đối với Đài Loan dựa trên bốn từ: Duy trì nguyên trạng. Châu Âu không bao giờ khuyến khích Đài Loan độc lập, luôn từ chối đàm phán thỏa thuận mậu dịch tự do, cũng không ủng hộ Đài Loan gia nhập một tổ chức quốc tế kể cả Tổ Chức Y Tế Thế Giới. Châu Âu chỉ xem Đài Loan là một thực thể vì lý do thực dụng, từ cấp visa cho đến quan hệ thương mại. Nhưng nguyên trạng đã bị phá hoại và hết còn ý nghĩa chính đáng vì một tay Trung Quốc.

Các tác giả đưa ra một danh sách rất dài, xin trình bày sơ lược: Trước hết là mô hình một quốc gia hai chế độ đối với Hồng Kông. Bắc kinh đã chà đạp hiệp định quốc tế năm 1984. Dân Hồng Kông không muốn bị đảng Cộng Sản cai trị thế mà Bắc kinh đáp trả bằng áp bức. Đây là một bằng chứng giúp Đài Loan và cộng đồng quốc tế thấy rõ thế nào là lòng chân thành của Trung Quốc. Mô hình nhất quốc lưỡng trị đã bị dân Đài Loan cực lực tẩy chay, góp phần vào chiến thắng vẻ vang của tổng thống Thái Anh Văn hồi tháng Giêng.

Điểm cốt lõi thứ hai là trong khi châu Âu luôn nhấn mạnh đến giải pháp thương lượng và hòa bình thì Bắc Kinh ngày càng xa một giải pháp hoà bình. Trong khu vực, đảng Cộng Sản Trung Quốc tự xưng là hiện thân của Nhà nước Trung Quốc, tự quyền đóng cọc biên giới, độc đoán quyết định ai là người Trung Hoa, bất chấp luật quốc tế, và quyền tự do của mỗi con người.

Trung Quốc dùng sức mạnh quân sự để đe dọa:  Biên giới Ấn độ, Biển Đông, biển Hoa Đông, chà đạp lên cả Hiến Chương Liên Hiệp Quốc. Ai không đồng ý với định nghĩa của Bắc Kinh ai là người Trung Quốc, cái gì là của Trung Quốc thì sẽ bị trừng phạt, gây áp lực kinh tế. Châu Âu không thể không biết.

Trong khi đó, Đài Loan ngày nay trở thành một thực thể dân chủ, đa nguyên. Châu Âu phải gia tăng đối thoại với giới dân chủ Đài Loan, kể cả các tác nhân chính trị cao nhất (chính phủ). Đài Loan phải được yểm trợ gia nhập các tổ chức quốc tế như Tổ Chức Y Tế Thế Giới, làm quan sát viên cũng được, truyền thông Đài Loan, tiếng quan thoại, phải được hội nhập vào hệ thống vệ tinh châu Âu hầu làm suy yếu tình trạng độc tôn của Trung Quốc.

Đã đến lúc châu Âu phải đương cự lại cái gọi là "đòi hỏi chính đáng" của Bắc Kinh. Nếu không, châu Âu sẽ tiếp tay đưa người dân Đài Loan vào bàn tay của đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Biện chứng pháp

Theo các chuyên gia và nghị viên châu Âu, đây không phải là chủ nghĩa "xét lại". Châu Âu ủng hộ nguyên trạng,  nhưng theo một diễn tiến hợp lý và biện chứng: Bởi vì Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng nguyên trạng cho nên châu Âu cũng phải thay đổi chính sách đối với Đài Loan để duy trì ổn định. Trung Quốc phải tôn trọng quyền sống của Đài Loan.

Châu Âu phải khuyến cáo rõ ràng với Trung Quốc là nếu dùng vũ lực thì sẽ lãnh hậu quả nghiêm trọng, kể cả bị cắt đứt quan hệ chính trị và kinh tế với các nền dân chủ châu Âu, không khuất phục thái độ áp đặt của Trung Quốc.

No comments:

Post a Comment

Thất Bại Nhục Nhã Của Truyền Thông Định Hướng

TTR: Cho đến năm 2015 khi Donald Trump ra tranh cử tổng thống Mỹ thì chưa có một ứng viên tranh chức tổng thống nào, hay rộng hơn, một chức ...