27 September 2020

Vạn cổ sầu...



Bạn bè là như vậy, vui/buồn khi có nhau bên ly cà phê, tách trà. Bây giờ thì độc ẩm nên đúng là vạn cổ sầu... 

Đàm

21 September 2020

Chương Trình của Cụ Biden

Vũ Linh

Bây giờ là cao điểm của cuộc vận động tranh cử, tất nhiên cũng là cao điểm của mùa hứa hẹn quà cáp từ cả hai bên.

Với TT Trump, chẳng có gì đáng bàn. Ông chỉ nhấn mạnh sẽ tiếp tục những việc đã làm nhưng chưa xong, hay những lời hứa chưa thực hiện trong nhiệm kỳ đầu được. Trên căn bản, chương trình của TT Trump là một nối dài thực tế của những chuyện đã hay đang làm. Ai cũng biết, chẳng cần bàn thêm.

Chuyện đáng bàn là nếu cụ Biden đắc cử thì cụ sẽ làm gì.

Chủ ý bài này là nhận xét vài hứa hẹn chính của cụ Biden.

Chỉ bàn vài điểm quan trọng nhất thôi, không thể phân tích tất cả chi tiết, nhất là chương trình của cụ Biden rất dài. 

Chương trình của cụ Biden được liệt kê trong một tài liệu dài lê thê lướt thướt, gồm 46 điểm, bao phủ chính sách cho tất cả mọi khối cử tri trên tất cả mọi vấn đề. Dù dài như vậy, nhưng tài liệu chỉ ghi nhận các chính sách đối nội, không đả động gì đến đối ngoại, quốc phòng, an ninh quốc tế, Nga, Trung Cộng, Trung Đông, Việt Nam,…

Đối tượng của sách lược bao gồm tất cả các khối dân khác nhau ở Mỹ như dân da đen, da nâu, da đỏ, Do Thái, Ả rập, Hồi Giáo, Nam Mỹ, phụ nữ, người già, sinh viên, học sinh tiểu học, mẫu giáo, cựu chiến binh, đồng tính, chuyển giới,… Tất cả các vấn đề lớn nhỏ như tư pháp, súng ống, khí hậu, ma túy, sách nhiễu tình dục (nhưng không bàn về chuyện bà Reade tố ông sách nhiễu tình dục bà!), … Kiểu như ông già Noel chui xuống lò sưởi tặng quà cho cả nhà, ai cũng có hết, không quên ai hết. Đại khái, đây là một ông lão gần đất xa trời, lẩm cẩm, đãng trí, mà lại đi rao bán thuốc tễ trị tất cả mọi bệnh, ngoại trừ bệnh ‘nói nhầm’. 

Các chính khách Mỹ đều là những ‘siêu’ chuyên gia về nghệ thuật hứa trăng hẹn biển, hạ được cả thủy triều luôn, nhưng chương trình của cụ Biden thì quả là xứng đáng được giải Nobel về hứa ảo. Thực tế có tiền hay không là chuyện cụ Biden không ghi trong chương trình. Thực tế khác nữa mà cụ cũng không để ý tới là quốc hội có đồng ý hay không, do đảng nào nắm đa số tại viện nào.

Bản tin Market Watch của Wall Street đã có bài nhận định của giáo sư kinh tế Đại Học Maryland, ông Peter Morici, xin tóm lược vài điểm chính (nguyên văn: xem link ở cuối bài này):

"Kinh tế Biden sẽ giống y chang kinh tế Tây Âu; cụ Biden sẽ chi bạc chục ngàn tỷ cho các chương trình y tế, giáo dục, môi sinh,…; đây toàn là những chương trình cực tốn kém mà hiệu quả đã được chứng minh không có bao nhiêu trong quá khứ. Chương trình của cụ Biden, như các chương trình của Âu Châu, đều không tôn trọng luật thị trường, sẽ đưa đến tình trạng kinh tế không phát triển được, với tình trạng thất nghiệp dây dưa thường trực".

Nhìn chung, theo chương trình đưa ra, TT Biden sẽ là tổng thống thiên tả nhất lịch sử cận đại Mỹ. Nhưng thực tế còn nguy hơn vậy nữa nếu cánh tả cực đoan của cụ Sanders và đám Tứ Quái Ocasio-Cortez đại thắng tại Hạ viện, sẽ áp lực một TT Biden đi xa hơn nữa về phiá tả.

Có hai cách dự đoán TT Biden sẽ làm gì: qua cái chương trình ‘Quà cho tất cả’ -Gift For All- trên; và qua các chính sách của TT Obama. [Cụ Biden lúc nào cũng đấm ngực khoe ông đã là người luôn sát cánh bên cạnh TT Obama, gần như là  một ‘đồng tổng thống’ (co-president)]

Quý độc giả nào rảnh hơi, dư giả thời giờ muốn đọc mấy trăm trang viễn tượng ảo để kiểm chứng bài của DĐTC, xin click vào link của cụ Biden ở cuối trang này. Xin cảnh báo trước: 90% của tập tài liệu chỉ là văn chương hào nhoáng tiêu biểu của một chính trị gia chuyên hứa cuội mà chẳng có gì cụ thể hết, hiểu được chết liền. 

Ghi chú: Phần chữ nghiêng là sách lược của cụ Biden; phần tiếp theo, chữ thẳng là lời bàn của DĐTC.

COVID

Cần theo gương Obama đối phó với H1N1 và Ebola. 

Nhanh chóng và dứt khoát, cấp ngân sách vô giới hạn, phát triển thử nghiệm miễn phí khắp nơi, tăng cường khả năng ứng phó, xây dựng kho thuốc và y cụ cho tương lai, tăng cường hệ thống bệnh viện nông thôn, thêm phòng cấp cứu,…

Sẵn sàng đóng cửa toàn thể kinh doanh, tất cả trường học, vô hạn định, cho tới khi các khoa học gia tận diệt được COVID.

- Chủ trương của đảng DC và cụ Biden là tặng thêm một gói cứu trợ trị giá trên 3.000 tỷ nữa trong đó có:

- 600 đô trợ cấp tỵ nạn mỗi tuần, cho tới khi tỷ lệ thất nghiệp trở lại mức trước COVID;

- 1.200 đô cho mỗi đầu người, kể cả trẻ con và di dân lậu;

- 1.000 tỷ tiền giúp các tiểu bang và thành phố để bổ sung lại ngân sách bị thiếu hụt vì kinh doanh đóng cửa, và cũng để xây dựng lại sau các vụ bạo động đốt nhà cướp phá.

DĐTC: Cụ Biden mà đối phó với dịch COVID như đã đối phó với dịch H1N1 thì nước Mỹ sẽ chết không kịp ngáp. Dịch cúm heo H1N1 là dịch có tới 60 triệu người bị nhiễm, gấp mười lần số người bị nhiễm COVID. Cái may là dịch cúm heo này không giết người mạnh như COVID chứ không thì đã có cả chục triệu người chết rồi.

Về chuyện Ebola, thật ra chẳng có dịch Ebola nào hết, chỉ có đúng một người Mỹ đi Phi châu bị nhiễm, về tới Mỹ được chữa trị khỏi ngay vì đây là dịch xưa, có thuốc trị từ lâu rồi.

Chương trình chống COVID của cụ Biden hiển nhiên và đơn giản đến độ một học sinh tiểu học cũng vạch ra được. Cụ Biden trách TT Trump đã phản ứng quá chậm đưa đến tình trạng cả hai trăm ngàn người chết. Cụ bị bệnh đãng trí nên quên mất khi TT Trump cấm du khách Tầu cuối tháng Hai, chính cụ Biden đã tuyên bố chẳng có dịch gì nguy hiểm hết, TT Trump chỉ là bài ngoại cuồng điên và hù dọa. Vào trang mạng của cụ Biden thấy ngay tuyên bố đầu tiên của cụ về đại dịch COVID là vào ngày 12/3/2020! Hơn hai tháng sau khi TT Trump đã lấy biện pháp đầu tiên cản dịch. Ai chậm phản ứng?

Cụ Biden nói chuyện kho dự trữ y cụ: nguyên do chính trong thời gian đầu Mỹ không có y cụ như máy thở và mặt nạ chính vì Obama và Biden đã xài hết cho H1N1 từ năm 2009 mà không bổ xung lại trong suốt 8 năm cầm quyền sau đó.

Một yếu tố cực quan trọng mà cụ Biden đã ‘có công’ đóng góp với Obama là việc giao khoán cho TC sản xuất các y cụ rẻ tiền như mặt nạ, găng tay,…  là những khu vực kinh doanh tạp nhạp mà Mỹ coi thường, để khi dịch tới, Mỹ hoàn toàn lệ thuộc vào TC, phải bỏ cả trăm triệu ra mua những thứ này từ TC.

Việc cụ Biden có thể ra lệnh đóng cửa kinh tế và tất cả trường học thì đúng là chuyện bốc phét cho vui, vì thật ra, đó là quyền của các thống đốc và thị trưởng, tổng thống liên bang chẳng có quyền đóng hay mở một tiệm chạp phô nào hay một lớp mẫu giáo nào hết. 

Gói cứu trợ mới do phe DC đề nghị bị phe CH và TT Trump chống vì: 

- tốn quá nhiều khi công nợ đã lên tới hơn 27.000 tỷ rồi;

- khuyến khích dân nằm nhà không đi làm, ăn tiền cứu trợ nhiều hơn;

- phải trả tiền cho cả chục triệu di dân lậu luôn trong khi họ chẳng đóng một xu thuế nào;

- bắt cả nước phải bồi thường những đập phá cướp bóc của một số khùng điên tại một số nơi mà chính quyền địa phương bất lực hay cố tình ngồi nhìn, không làm gì để ngăn cản;

- tại sao lại bắt chính quyền liên bang bù đắp thiếu hụt ngân sách tiểu bang? Thế thì thiếu hụt ngân sách liên bang ai bù đắp?

BẠO LOẠN

DĐTC: Cái hình trên là biểu tượng về thái độ của đảng DC và cụ Biden đối với bạo loạn, thưa quý vị. Vì trong mấy trăm trang sách lược kinh bang tế thế của cụ Biden đề nghị đã tuyệt nhiên KHÔNG có một chữ nào về tình trạng bạo loạn đang rúng động nước Mỹ từ hơn ba tháng qua. Không biết tại cụ Biden trốn dưới hầm nhà nên không nhìn thấy gì hết, hay cụ đeo khẩu trang … trên mắt, hay bị á khẩu. 

Sau hơn ba tháng tịnh khẩu, gián tiếp cổ võ cho bạo loạn, đảng DC coi lại thăm dò dư luận, thấy hơn 2/3 dân Mỹ chống bạo loạn, bèn de lui. Tuần qua, cụ Biden rồi sau đó bà Pelosi đã lần lượt lên tiếng lên án bạo loạn. Sau khi bạo loạn đã gây 2 tỷ đô thiệt hại cho khối tiểu thương, hầu hết là da đen. Too little, too late.

KINH TẾ

Thu hồi luật giảm thuế của TT Trump. Tăng thuế lợi nhuận kinh doanh, kể cả tiểu thương. 

Xúc tiến mạnh việc tái phân phối tài sản quốc gia bằng cách tăng thuế ‘nhà giàu’ để gia tăng trợ cấp cho ‘nhà nghèo’.

Phục hồi lại cả vạn luật lệ thủ tục hành chánh kinh doanh để bảo đảm Nhà Nước Vú Em kiểm soát hữu hiệu mọi lạm dụng của tụi đại gia tư bản.

Bảo đảm tương lai nước Mỹ sẽ được dân lao động Mỹ xây dựng.

Tăng lương tối thiểu lên 15 đô một giờ.

Bảo đảm nhân công có quyền nghỉ có lương tới 12 tuần vì lý do sức khỏe và gia đình.

Không cho TT Trump cơ hội cắt trợ cấp.

DĐTC: Tăng thuế đồng loạt là việc TT Biden có thể làm được và sẽ làm nếu đảng DC chiếm được đa số tại thượng viện lẫn hạ viện. Nếu chỉ chiếm được một viện thì chỉ là chuyện nói chơi cho vui.

Chuyện tương lai Mỹ phải do dân Mỹ xây dựng nghe mang máng như khẩu hiệu America First mà cụ mượn tạm của TT Trump thì phải.

Tăng lương tối thiểu tới 15 đô sẽ giết chết tiểu thương rất nhanh vì không có cơ sở kinh doanh nhỏ nào có thể kham nổi mức lương đó. Cứ hỏi mấy ông chủ tiệm phở ở Bolsa hay Bellaire thì biết. Cho nghỉ vì lý do sức khỏe và gia đình tới 12 tuần là nhắm vào các bà nghỉ đi đập bầu, kể cả việc cho ông chồng nghỉ để săn sóc bà vợ mới sanh. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy đây là lý do lớn nhất các công ty tránh né thuê phụ nữ, nhất là các bà mới có chồng. Kinh tế Mỹ gọi hai yếu tố tăng lương và tăng ngày nghỉ là 'job killers', tức là các yếu tố giết công ăn việc làm.

Phe DC luôn luôn hù dọa: cứ bầu cho DC thì có trợ cấp đủ thứ, bầu cho CH là mất hết trợ cấp. Từ ngày dân tỵ nạn Việt đặt chân trên đất Mỹ năm 75, đã có 5 đời tổng thống CH, chưa có một ông nào cắt một xu trợ cấp nào hết, mà lại có ông Bush con chế ra việc trợ cấp/bồi hoàn tiền thuốc cho người già, Medicare Part D.

Qũy tiền già SSA đang bị đe dọa hết tiền sớm vì vấn đề nhân mãn Mỹ, dân già lãnh tiền càng ngày càng nhiều trong khi dân trẻ đóng tiền ngày càng ít vì ham vui không chịu đẻ. Tất cả các chính quyền Mỹ đều biết nhưng chẳng ai dám làm gì. Không sớm thì muộn, bắt buộc phải có biện pháp, có thể là gia tăng phần đóng góp, có thể là triển hạn nhận tiền già, có thể là đầu tư cách khác sanh lãi cao hơn,… Có nhiều hy vọng một tổng thống CH mới dám lấy quyết định chứ đảng DC mỵ dân không bao giờ dám. 

Y TẾ

Phục hồi Obamacare. Áp lực các tiểu bang hạ chỉ tiêu Medicaid để nhiều người lợi tức thấp có thể tham gia hơn.

Bắt các công ty thuốc phải bán thuốc với giá tương đương với giá Âu Châu.

Khuyến khích kế hoạch ‘Medicare For All’ của khối xã nghĩa, nhưng vẫn duy trì song song một hệ thống y tế tư nhân.

DĐTC: Obamacare vẫn còn đó, đâu cần phải ‘phục hồi’ gì. 

Nếu dùng ngôn ngữ VC, thì phải nói kế hoạch y tế của cụ Biden là ‘Obamacare với định hướng Medicare for All’. Nôm na ra, thiết lập một chế độ y tế xã nghĩa quốc hữu hóa toàn diện, không còn hệ thống tư nhân nào nữa theo mô thức Tây Âu là mục tiêu tối hậu, sẽ phải đi tới. Nhưng lại không đủ can đảm để nhận sẽ phải tăng thuế cao như mức Âu Châu.  Cụ Sanders ít ra đã thành thật khai báo Medicare for All sẽ đòi hỏi phải tăng thuế tất cả mọi người, kể cả khối dân trung lưu.

Việc áp lực giảm giá thuốc là chuyện chính quyền Obama/Biden đã nói không ngừng trong tám năm mà không làm gì hết, bây giờ cụ Biden lập lại. Trong khi đó, TT Trump đã ký sắc lệnh bắt các công ty thuốc phải bán thuốc với giá tương đương với giá Âu Châu rồi. Đã làm rồi.

GIÁO DỤC

Không cổ võ quyền lựa chọn trường học cho các phụ huynh, tức là chống lại việc trợ cấp các trường tư, không cho hưởng 'tín dụng thuế' -tax credit- trường tư trong thuế lợi tức. 

Xóa phần lớn nợ của sinh viên.

Duy trì chính sách giáo dục thiên tả hiện tại.

DĐTC: Đảng DC không cổ võ việc học trường tư, nhân danh công bằng, nhưng lại không có giải pháp để tăng hiệu quả của các trường công. Ai cũng biết tất cả con cái tất cả các tổng thống và các quan bất kể CH hay DC đều học trường tư hết, trong khi các bố mẹ chúng thì luôn hô hào trường công rất tốt.

Việc Nhà Nước xóa nợ của sinh viên là ý kiến của cụ bà xã nghĩa Warren, bây giờ cụ Biden cũng ôm lấy, tuy không nói rõ xóa bao nhiêu, tới mức nào. Chính phủ liên bang có xóa nợ này thì vẫn chỉ là một cách xài tiền thuế của dân thôi. Thuế thì cả nước phải đóng, nợ là của thành phần sinh viên thượng lưu có tiền mới đi học những trường đại học tư đắt tiền. Nói cách khác, xóa nợ cho sinh viên Harvard, Princeton, Stanford,… tức là gián tiếp tài trợ tiền học của con đại gia bằng tiền thuế của dân lao động và trung lưu.

Tôi không có tiền cho con tôi học Harvard, tại sao tôi phải đóng thuế để các con ông cháu cha được mượn tiền thuế của tôi để đi học Harvard rồi xù nợ đó? Có công bằng không? Tôi thiếu nợ, cong lưng đi làm để trả nợ. Thằng bạn tôi cũng vay mượn, nhưng tỉnh bơ không trả nợ, bây giờ nó được xù nợ, có công bằng không?

TT Trump chủ trương cải tổ sâu rộng chính sách giáo dục, chú tâm vào việc cổ võ cho lòng yêu nước Mỹ, thay vì yêu thế giới đại đồng xã nghĩa hiện nay.

DI DÂN

Mỹ cần chính sách nhân đạo, mở cửa hoan nghênh di dân, tìm cách ân xá và hợp thức hoá di dân lậu. 

Trong khi chờ đợi, di dân lậu có quyền hưởng mọi quyền lợi của dân Mỹ như bảo hiểm sức khoẻ, dịch vụ y tế, giáo dục, được sự bảo vệ của luật pháp, tuy chẳng cần đóng xu thuế nào.

DĐTC: Cụ Biden kêu gọi lòng nhân đạo của dân Mỹ để mở cửa cho di dân, và nhất là để chu cấp đủ thứ miễn phí cho di dân lậu. Chuyện vớ vẩn, nhân đạo ở đây đã đặt sai chỗ. Mở cửa cho di dân vào đến một mức nào đó là cần thiết cho xã hội và kinh tế Mỹ, quá mức đó, sẽ gây ra những khó khăn cho cư dân đang sống ở Mỹ, và cho cả di dân mới tới, vì nước Mỹ sẽ thiếu phương tiện lo đầy đủ cho họ. Một cách cụ thể nhất, nước Mỹ có đủ việc làm, nhà thương, bác sĩ, trường học, tiền Medicaid, tiền trợ cấp, nhà ở,… để nuôi thêm cả triệu di dân mới mỗi năm không?

Ân xá những di dân lậu đang sống ở Mỹ là điều cả hai bên đều chấp nhận, kể cả các tổng thống Bush con và Trump. Khác biệt ở điểm DC chủ trương ân xá ngay khi mà Mỹ chưa đóng cửa biên giới được, sẽ đưa đến tình trạng cả triệu người ào vào Mỹ. CH chỉ ân xá sau khi có cách cụ thể như xây tường để chặn làn sóng di dân mới.

Thật ra, chuyện mở cửa thả giàn cho di dân chỉ là cách đảng DC bổ sung lại thành phần cử tri của họ để sống còn sau khi cử tri da trắng ào ào chạy qua bên CH.

XÃ HỘI

    Tăng cường biện pháp kiểm soát súng.

    Phục hồi tất cả những nguyên tắc ‘phải đạo chính trị cấp tiến’.

    Tích cực bảo vệ khối thiểu số đồng tính, và chuyển giới.

    Bổ nhiệm thẩm phán cấp tiến sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thời thế, thay vì ôm cứng Hiến Pháp.

    Viết lại lịch sử để nhìn nhận vai trò chính đáng của dân da đen.

DĐTC: Trong tám năm Obama/Biden, có cả chục lần bắn giết người vô tội, mỗi lần xẩy ra là một lần các chính khách ồn ào hô hoãn kiểm soát súng. Bây giờ cụ Biden vẫn hô hào. Thế 8 năm cụ làm phó tông tông, sao không làm gì mà bây giờ mới hô hào?

Tin ‘vui’ đầu tiên là thời đại Biden sẽ là thời vàng son của ‘phải đạo chính trị’ trở lại, tất cả các vết tích về phân chia giới tính sẽ bị bãi bỏ: giới tính tùy hỷ, cầu tiêu tùy ý, ký tục xá sinh viên nam nữ lẫn lộn, các ông lực điền tha hồ ghi tên tranh giải thể thao với các cô chân yếu tay mềm,…

Nếu Hiến Pháp bị ‘đào thải’, coi như một tài liệu cần cất vào bảo tàng viện, thì nước Mỹ sẽ không còn cái neo giữ con thuyền lại nữa. Tất cả nền tảng chính trị, xã hội, tư pháp,… tất cả đều tùy theo quan điểm chính trị nhất thời qua bầu cử, tùy đảng nào thắng cử. Biết đâu chừng đến một ngày nào đó, ngay cả thể chế tam quyền phân lập cũng bị đảng cầm quyền vứt vào thùng rác. 

Cụ Biden đã nêu gương nhìn nhận vai trò của dân da đen trong tất cả mọi lãnh vực, bằng cách nhìn nhận công phát minh ra bóng đèn điện không phải là của ông da trắng Thomas Edison, mà là công của anh tà lọt da đen pha cà phê cho ông uống. Không có cà phê đó thì ông Edison làm sao tỉnh táo phát minh được cái gì?

PHÁ THAI

 Vẫn chấp nhận phá thai theo luật hiện hành, dựa trên phán quyết Roe vs. Wade của Tối Cao Pháp Viện.

DĐTC: Việc phá thai trên căn bản không còn là vấn đề nữa, vấn đề tranh cãi bây giờ là ở 2 điểm:

- theo luật liên bang qua phán quyết Roe vs. Wade, là chủ trương của đảng DC; hay thu hồi luật này, cho phép mỗi tiểu bang có luật phá thai riêng, là chủ trương của đảng CH.

- cho phá thai tới bao lâu sau khi có bầu. Theo luật hiện hành, có thể mổ phá thai tới 24 tuần. Nhưng cánh cực tả của đảng DC đang áp lực cho phá thai tới ngày sanh luôn.

Không ai biết cụ Biden sẽ chống hay chạy theo khuynh hướng cực đoan mới này.

Nhưng một số tổ chức công giáo đã tố liên danh Biden-Harris là liên danh chống mạng sống (against pro-life) nhất lịch sử chính trị Mỹ.

ĐỐI NGOẠI (Không có ghi trong tập tài liệu về sách lược của cụ Biden)

Hoa Kỳ phải lấy lại tư thế lãnh đạo.

Chủ trương thành lập một ‘liên minh dân chủ’ thế giới với mục đích là chống Nga và TC.

DĐTC: Cụ Biden không có chi tiết nào về các vấn đề lớn như cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, hai cuộc chiến dai dẳng ở Afghanistan và Iraq, cũng như về vấn đề Do Thái.

Câu nói phải lấy lại ‘tư thế lãnh đạo’ nghe tiếu lâm khi chính sách đối ngoại của chính quyền Obama/Biden là lãnh đạo từ sau lưng thiên hạ sau khi đã cúi đầu xin lỗi tứ phương tám hướng.

Ta coi lại ‘thành quả’ của chính sách đối ngoại của chính quyền Obama/Biden xem sao:

- Ngồi nhìn Nga chiếm Crimea;

- Nhắm mắt cho công ty Nga mua mỏ uranium Mỹ;

- Ngồi nhìn TC biểu dương khí thế của ‘lưỡi bò Biển Đông’, thả giàn khoan dầu bất cứ chỗ nào tùy hỷ;

- Đánh Libya, lật đổ Khaddafi, biến Libya thành biển loạn vô chính phủ từ hơn cả chục năm qua;  

- Chống mắt nhìn ISIS biến từ ‘đội bóng rổ trung học’ thành một lực lượng khủng bố chiếm hết một nửa Iraq và một nửa Syria, đẩy cả triệu dân Trung Đông phải trốn chạy qua Âu Châu;

- Nhìn Venezuela hóa phép từ nước giàu có nhất Nam Mỹ thành xứ nghèo nhất qua việc ‘xã hội chủ nghĩa hóa’ cả nước.

Chuyện chống Nga đến từ một người của chính quyền Obama/Biden đã bán mỏ uranium Mỹ cho Nga hơi khó tin.

Chuyện chống Tầu cộng đến từ bố của anh Hunter Biden, là người bỏ túi cả trăm triệu tiền đấm mõm của TC càng khó tin hơn.

QUỐC PHÒNG (Không có ghi trong tập tài liệu về sách lược của cụ Biden)

Chủ trương cắt giảm mạnh ngân sách quốc phòng.

Củng cố lại NATO và quan hệ với các đồng minh chiến lược.

DĐTC: Đây là quan điểm của nhóm hơn 230 cựu tướng lãnh và sĩ quan cao cấp của quân lực Mỹ:

“Nước Mỹ đang gặp những đe dọa cực kỳ lớn về an ninh quốc gia, từ những mối nguy từ biên giới đến nguy cơ vũ khí nguyên tử của Iran, do đó bây giờ không phải là lúc cắt giảm ngân sách quốc phòng như Biden và đảng DC chủ trương”.

Chủ trương cắt ngân sách quốc phòng trong khi cố phục hồi lại NATO nghe hết sức mâu thuẫn. NATO bị lung lay vì TT Trump từ chối cõng hết gánh nặng tài chánh và bắt các nước Âu Châu phải gia tăng đóng góp. Bây giờ cụ Biden muốn Mỹ cõng lại NATO thì làm sao cắt giảm ngân sách quốc phòng được?

TRUNG CỘNG (Không có ghi trong tập tài liệu về sách lược của cụ Biden)

    Phục hồi TPP để ‘đánh’ TC.

    Thu hồi mọi tăng thuế quan trên hàng nhập cảng từ TC do TT Trump mới áp đặt.

DĐTC: Đố TT Biden phục hồi TPP lại được.

Thời Obama, ông này không dám mang TPP ra trước quốc hội để được chính thức phê chuẩn như một hiệp ước quốc tế mà Mỹ phải tôn trọng. Khi bà Hillary ra tranh cử, chính bà cũng phải công khai chống TPP. Chỉ vì cái TPP đó gây thiệt thòi lớn cho kỹ nghệ và lao động Mỹ, bị tất cả các nghiệp đoàn lao động Mỹ chống.

Ngoài ra, ai cũng hiểu TPP chẳng cản TC gì hết khi TC chỉ cần gửi cả triệu tấn hàng qua Hải Phòng, dán nhãn hiệu ma-dzê in Vietnam là được khuyến khích vào Mỹ ngay.

Tăng thuế lợi nhuận công ty Mỹ thì các đại công ty Mỹ lại lên đường, kéo nhau qua Thượng Hải hết thôi.

Hủy bỏ tất cả những gia tăng mức thuế quan trên hàng TC thì sẽ thấy thâm thủng mậu dịch với TC tiếp tục vô đáy. Hàng rẻ tiền và độc hại của TC sẽ tràn ngập Mỹ, giết hết ngành sản xuất nhỏ của Mỹ. Trước đây, chính quyền Obama/Biden đã khoanh tay nhìn thâm thủng mậu dịch Mỹ-TC lên tới xấp xỉ 500 tỷ một năm mà chẳng có biện pháp gì chặn lại, bây giờ không có lý do gì tin TT Biden sẽ có ý định hay khả năng lật ngược cán cân này lại được.

Trong suốt tám năm Obama/Biden, TC đã tự do múa gậy vườn hoang, ăn cắp kỹ thuật điện toán tối tân nhất, xâm nhập các đại công ty, các viện nghiên cứu, các đại học, ép các đại công ty muốn mở cơ sở kinh doanh tại TC phải chia sẻ kỹ năng, huấn luyện chuyên gia TC,… Bây giờ không có lý do gì tin TT Biden sẽ có ý muốn hay khả năng thay đổi được gì.

Một điều chắc chắn sẽ xẩy ra: TC sẽ đầu tư thêm vài trăm triệu vào công ty của cậu Hunter Biden.

VIỆT NAM (Không có ghi trong tập tài liệu về sách lược của cụ Biden)

Chủ trương thân thiện với CSVN, lâu lâu ho lên vài tiếng về chuyện nhân quyền, cứu vài ông bà gọi là ‘tranh đấu cho nhân quyền’ được qua Mỹ tỵ nạn.

DĐTC: Sách lược VN không khác biệt nhiều giữa hai đảng CH và DC, tuy nhiên mục đích khác rất xa.

TT Trump chủ trương thân thiện với CSVN trong mục tiêu tìm đồng minh làm con móc trong sách lược ‘cờ vây’ bao quanh TC; trong khi cụ Biden, cũng như tất cả các chính quyền DC trước từ Carter đến Clinton và Obama chủ trương thân thiện với CSVN để ‘chuộc lỗi’ đã đánh VC năm xưa, trong bối cảnh xóa bỏ hận thù quá khứ.

Từ sau 75, các chính quyền CH luôn cứng rắn hơn với CSVN (Ford ra lệnh cấm vận kinh tế và quân sự, Reagan-Bush cha duy trì cả hai, Bush con duy trì cấm vận quân sự, TT Reagan tuyên dương cuộc chiến tại VN là cuộc chiến cho chính nghĩa, cho tự do) trong khi các chính quyền DC luôn luôn thân thiện (Carter ủng hộ việc CSVN gia nhập Liên Hiệp Quốc năm 77 ngay sau khi nhậm chức, gửi phái đoàn Mỹ đầu tiên đi Hà Nội năm 78 thảo luận về việc tìm xác lính Mỹ và tái lập quan hệ ngoại giao, khi cả triệu quân cán chính VNCH còn tù rục xương; Clinton nhìn nhận CSVN, trao đổi sứ quán, hủy bỏ cấm vận, cho CSVN vào WTO; Obama hủy bỏ cấm vận quân sự).

Cụ Biden đã từng chống VNCH và dân tỵ nạn Việt mạnh, tuyệt đại đa số cử tri Mỹ gốc Việt chống cụ Biden, chỉ một số nhỏ ủng hộ gồm có: a) giới truyền thông vẹt chạy theo TTDC Mỹ thù ghét cá nhân TT Trump, b) giới trẻ có học cao bị giáo dục Mỹ nhồi sọ tư tưởng thiên tả từ cả hai chục năm qua, và c) các cụ già thiếu hiểu biết nghe lời hù dọa, sợ mất trợ cấp (đã bàn ở phần trên).

VŨ LINH  

Tài liệu dẫn chứng:   https://joebiden.com/joes-vision/#

Nguồn: http://diendantraichieu.blogspot.com/

Phim "Mulan": Mưu sự tại Disney, thất bại tại Bắc Kinh

RFI

Trang quốc tế của nhật báo thiên hữu đặc biệt nói đến cuốn phim « Mộc Lan » của hãng phim Mỹ Disney. Với tựa  « Nỗ lực của Disney để chiều lòng Bắc Kinh biến thành thảm họa », Le Figaro giải thích : Cuốn phim, dựa theo một huyền thọai của Trung Hoa nhưng với kịch bản và đối thoại do đảng Cộng Sản Trung Quốc kiểm soát với mục đích tuyên truyền đã gặp thất bại tại Hoa Lục trong khi trên thế giới ngày càng có nhiều tiếng nói kêu gọi tẩy chay.

Thứ Sáu vừa qua, khản giả Trung Quốc khám phá trên màn ảnh lớn cuốn phim của Hollywood về một trong những anh thư nữ kiệt của Trung Hoa: Mộc Lan. Nhưng câu chuyện cô gái giả trai giải phóng khỏi tập tục truyền thống để thay cha bảo vệ đất nước, trong kịch bản 2020, biến thành một chiến sĩ dân tộc cực đoan, tuân thủ quyền lực tối thượng của một hoàng đế, chống những chiến binh da rám nắng từ hướng Tây, ám chỉ người Hồi, xăm lăng Trung Hoa. Câu chuyện sao mà giống diễn văn tuyên truyền của đảng Cộng Sản Trung Quốc nhằm biện minh cho chính sách đàn áp sắc dân Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, ở phía tây Trung Quốc, bất kham đối với chính quyền Bắc Kinh. Đó là chưa kể tài tử đóng vai ông bố của Mộc Lan rất giống chủ tịch Tập Cận Bình.

Từ 10 năm nay, Trung Quốc khai thác Hollywood như là một công cụ để phát huy quyền lực mềm, tài trợ và quảng bá những kịch bản được chọn lọc kỹ. Để có thể xâm nhập thị trường 1,3 tỷ người, nhiều hãng phim nước ngoài phải tuân thủ các tiêu chuẩn của Trung Quốc, các yếu tố văn hóa, tập quán và nhất là nội dung chính trị. Mặt khác, qua hợp tác này, điện ảnh Trung Quốc còn học được kiến thức làm phim của Mỹ, Gillian Triệu, đại diện cho Warner Bros tại Hoa lục, xác nhận.

Theo Le Figaro, cho đến nay, sự kiểm soát của  cơ quan tuyên truyền để sản xuất phim thường xuyên gặt lấy thất bại bởi vì khó có thể làm một cuốn phim tuyên truyền ăn khách. Loại phim này không làm hài lòng khán giả ngoại quốc đã đành, nó cũng không được yêu thích tại Hoa Lục bởi vì  khán giả Trung Quốc không ưa những màn trình diễn ngu ngơ sáo rỗng. Hình ảnh Trung Quốc đưa vào phim còn nhằm để đi qua kiểm duyệt hơn là cần thiết cho kịch bản.

Phim Mộc Lan cũng thế, với sự đồng lõa của Disney, chính quyền Trung Quốc áp đặt tới cùng, đến mức mà nữ diễn viên chính là Lưu Diệc Phi (Liu Yi Fei) phải lên tiếng ủng hộ chính sách đàn áp tại Hồng Kông và một phần ngoại cảnh được quay gần một trại cải tạo ở Tân Cương.

Trong phần mở đầu, Disney còn cám ơn 8 cơ quan chính quyền Tân Cương trong đó có công an địa phương, lực lượng quản lý các trại cải tạo hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ.

Hệ quả là cuốn phim bị bài bác khắp nơi. Ở nước ngoài, đương nhiên, từ một năm nay, những lời kêu gọi tràn ngập internet từ Hồng Kông, Đông Nam Á cho đến Hoa Kỳ. Nhiều dân biểu Mỹ viết thư hỏi Disney giải thích về mối quan hệ với chính quyền Tân Cương.

Tại Hoa Lục, Mộc Lan cũng không thu hút được người xem. Một cư dân mạng, sau khi xem phim, cảnh báo: Nếu bạn tôn trọng lịch sử và văn hóa Trung Hoa thì đừng xem. Kho tàng lịch sử của chúng ta bị hư hại. Điều này làm tôi muốn bệnh ».

Phản ứng của Bắc Kinh  ra sao ? Theo Le Figaro, chính quyền Trung Quốc tuy chính họ phê chuẩn cuốn phim, lý giải gượng gạo: Phim thất bại vì thiếu hiểu biết về văn hóa Trung Quốc. Một nền văn hóa mà chính quyền Trung Quốc tham gia bóp méo, nhật báo thiên hữu kết luận.

17 September 2020

Cựu giáo sư trường Đảng dự đoán viễn cảnh ĐCSTQ rớt đài

. . . . Trong đoạn ghi âm, bà Thái Hà cũng phân tích ba cách thức có thể khiến ĐCSTQ rốt cục sẽ sụp đổ.

Thứ nhất, ĐCSTQ sẽ được giải quyết bằng các cuộc chiến bên ngoài, các chế độ độc tài như Hitler và Gaddafi đều được giải quyết bằng các cuộc chiến bên ngoài.

Thứ hai là việc dựa vào cải cách nội bộ đảng, như cải cách nội bộ của Gorbachev đã mang đến sự thay đổi của cả chế độ, sự thay đổi này chính là từ bỏ chế độ, từ bỏ đảng chính trị và đưa toàn bộ xã hội chuyển tiếp một cách hòa bình. Nếu được vậy, thì dù sẽ có rất nhiều mâu thuẫn sẽ không bị mất đi và vẫn tiếp diễn, nhưng điều cơ bản nhất là an toàn của mọi người có thể được đảm bảo. 

Hiện không một ai ở Trung Quốc có thể được coi là an toàn, chỉ là ĐCSTQ chưa động đến họ mà thôi, một khi nó muốn bắt ai, người đó sẽ bị bắt chỉ trong vài phút. Vậy nên, mọi người đều không có cảm giác an toàn. Xã hội Trung Quốc hiện giờ là không có giới hạn, ĐCSTQ làm việc gì cũng đều không có giới hạn.

Thứ ba là bởi chế độ này thống trị dựa trên khủng bố và bạo lực, nó không ngừng tạo ra các mâu thuẫn bên trong, cuối cùng dưới áp lực cao độ theo dây chuyền từ trên xuống, mọi người đều không chịu đựng thêm nữa, và nó sẽ sụp đổ từ bên trong.

“Chính là nói cuối cùng nó cũng sụp đổ. Sự sụp đổ này là một sự kiện diễn ra một cách ngẫu nhiên. Rốt cục nó sẽ sụp đổ một cách chóng vánh, sau đó toàn bộ xã hội sẽ giống như một vụ nổ bom nguyên tử. Sau khi bị dồn nén trong một thời gian quá dài, cuối cùng sẽ nổ tung. Có tình huống như vậy hay không? Tôi cảm thấy rất có khả năng”, bà Thái Hà nói.

Cựu giáo sư trường Đảng nhấn mạnh thêm rằng khả năng hai giả định đầu tiên xảy ra là rất nhỏ. Bởi trong xã hội văn minh hiện nay, muốn thế giới bên ngoài tiêu diệt ĐCSTQ điều đó dường như không khả thi. Cách thức thứ hai, tình thế hiện nay là lực lượng cải cách trong đảng không dám manh động, bởi Tập hiện đang nắm giữ nòng súng và con dao đồ tể trong tay, vậy nên mọi người chẳng thể làm gì được.

Ông Nhậm Chí Cường, trùm địa ốc nổi tiếng Trung Quốc và là “thế hệ đỏ thứ hai”, đã dám nói lên sự thật, chưa đến chục ngày sau thì ông ấy đã biến mất. Vì vậy, lực lượng cải cách trong đảng đang ẩn náu, đều không thể hành động. Mọi người ai ai cũng muốn thay đổi, nhưng không ai có thể xoay chuyển được cục diện, chỉ đợi nó tự sụp đổ, đợi bản thân ông Tập Cận Bình không chống đỡ thêm được nữa, từ đó mất kiểm soát.

Nhưng bà Thái Hà tin rằng kiểu sụp đổ thứ ba có khả năng cao nhất. Bởi bây giờ chính phủ trong nước đã không có tiền, Tập Cận Bình muốn dùng tiền kỹ thuật số, điều này có thể giảm bớt hoàn cảnh khó khăn của việc in tiền mặt, nhưng tiền in sẽ dẫn đến lạm phát, thất nghiệp và nạn đói trên quy mô lớn ở Trung Quốc, “rồi ba cỗ xe ngựa (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) của nền kinh tế Trung Quốc toàn bộ đều bị đình trệ. Và nó bị tê liệt trong một thời gian dài. Một khi nó không hoạt động nữa, chỉnh thể xã hội sẽ bị tê liệt “, bà Thái Hà cho hay.

Đây là bản thu âm thứ hai của bà Thái Hà. Trong một đoạn ghi âm được phát hành vào đầu tháng 6 năm nay, bà Thái từng chỉ trích ĐCSTQ là “thây ma chính trị” và Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình là “trùm băng đảng xã hội đen”. Thể chế ĐCSTQ này đã không có lối thoát, dẫu có cải cách thế nào cũng vô dụng, vậy nên cách duy nhất chính là phải vứt bỏ nó.

Ngày 17/8, bà Thái Hà đã bị trường Đảng Trung ương ĐCSTQ khai trừ khỏi đảng tịch và hủy bỏ lương hưu của bà.

Ngày 7/9, bà Thái Hà đã đăng dòng trạng thái trên Twitter rằng tài khoản ngân hàng của bà ở Trung Quốc đã bị khóa, ĐCSTQ không chỉ cắt lương hưu của bà, mà ngay đến tiền gửi ngân hàng của bà cũng không rút được. Bà lên án rằng: “Mọi người sẽ không bao giờ tưởng tượng được ĐCSTQ tà ác đến mức nào”.

Theo Zhang Dun, Epochtimes
Vũ Dương biên dịch
(TTR trích phần chính)
___________________________
H: Bà Thái Hà, một cựu giáo sư Trường Đảng tại
phiên họp của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ

16 September 2020

Nhật đã có thủ tướng mới

Reuters đưa tin, Chủ tịch đảng cầm quyền Dân chủ Tự do Yoshihide Suga trở thành tân thủ tướng Nhật Bản sau cuộc bỏ phiếu tại quốc hội hôm nay. Em trai cựu thủ tướng Shinzo Abe, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng.

Ông Suga, 71 tuổi, cánh tay phải lâu năm của cựu Thủ tướng Abe, đã cam kết theo đuổi nhiều chính sách của ông Abe, bao gồm cả chiến lược kinh tế “Abenomics”, một tổ hợp biện pháp nhằm đẩy lùi lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trước đó, ông Shinzo Abe đã từ chức vì lý do sức khoẻ.

Tân Đổng lý Văn phòng Phủ Thủ tướng Katsunobu Kato (kế nhiệm Ông Yoshihide Suga) công bố tại cuộc họp báo ở Tokyo hôm nay rằng Thủ tướng Yoshihide Suga đã bổ nhiệm nội các mới với 15/20 thành viên thuộc nội các cũ của cựu thủ tướng Shinzo Abe. 

Nobuo Kishi, em trai cựu thủ tướng Shinzo Abe, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng. Ông Kishi, 61 tuổi, là cựu thứ trưởng ngoại giao Nhật Bản. Người tiền nhiệm của ông Kishi là Taro Kono được đề cử làm Bộ trưởng Cải cách Hành chính.

Cũng theo Reuters, Bộ trưởng Tài chính Taro Aso, 79 tuổi, kiêm chức vụ phó thủ tướng. Ông là thành viên cốt cán trong chính quyền của Abe.

Có hai phụ nữ trong nội các là Bộ trưởng Tư pháp Yoko Kamikawa và Bộ trưởng Thế vận hội Seiko Hashimoto.

15 September 2020

Vì hoà bình và dân chủ, châu Âu phải hậu thuẫn Đài Loan

RFI điểm báo Pháp

Tại châu Âu, thượng đỉnh Liên Âu và Trung Quốc qua truyền hình hôm thứ Hai 14/09/2020 được bình luận qua nhiều góc độ với cùng một nhận định: Châu Âu đoàn kết, cứng rắn với Bắc Kinh và phải làm như thế để bảo vệ quyền lợi của mình trước một "đối thủ toàn diện".

Quan hệ châu Âu-Trung Quốc-Đài Loan: Gió xoay chiều ?

Le Monde đăng nguyên văn lời kêu gọi: "Châu Âu phải ủng hộ Đài Loan". Tác giả là tập thể chuyên gia và nghị sĩ châu Âu có tiếng tăm, trong đó có nhiều vị từng thuộc xu hướng 'thông cảm' với Bắc Kinh.

Nhưng tại sao Liên Âu phải chống lưng cho Đài Loan trong khi cam kết với Bắc Kinh chỉ công nhận có một nước Trung Hoa ?

Theo các tác giả, châu Âu cần phải xét lại chính sách đối với Đài Loan và quan hệ giữa Hoa Lục và hải đảo. Từ lâu nay, châu Âu theo đuổi mục tiêu duy trì cân bằng giữa nguyên tắc "dân tộc tự quyết, giải quyết xung khắc qua biện pháp ôn hòa" và nguyên tắc "một nước Trung Hoa" và "một quốc gia hai chế độ"  theo tuyên truyền của Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa.

Thế nhưng, thái độ hung hăng của Bắc Kinh trong thời gian gần đây đặt châu Âu và thế khó xử nếu không điều chỉnh chính sách.

Trung Quốc phá hoại nguyên trạng

Cho đến nay, chính sách cúa châu Âu đối với Đài Loan dựa trên bốn từ: Duy trì nguyên trạng. Châu Âu không bao giờ khuyến khích Đài Loan độc lập, luôn từ chối đàm phán thỏa thuận mậu dịch tự do, cũng không ủng hộ Đài Loan gia nhập một tổ chức quốc tế kể cả Tổ Chức Y Tế Thế Giới. Châu Âu chỉ xem Đài Loan là một thực thể vì lý do thực dụng, từ cấp visa cho đến quan hệ thương mại. Nhưng nguyên trạng đã bị phá hoại và hết còn ý nghĩa chính đáng vì một tay Trung Quốc.

Các tác giả đưa ra một danh sách rất dài, xin trình bày sơ lược: Trước hết là mô hình một quốc gia hai chế độ đối với Hồng Kông. Bắc kinh đã chà đạp hiệp định quốc tế năm 1984. Dân Hồng Kông không muốn bị đảng Cộng Sản cai trị thế mà Bắc kinh đáp trả bằng áp bức. Đây là một bằng chứng giúp Đài Loan và cộng đồng quốc tế thấy rõ thế nào là lòng chân thành của Trung Quốc. Mô hình nhất quốc lưỡng trị đã bị dân Đài Loan cực lực tẩy chay, góp phần vào chiến thắng vẻ vang của tổng thống Thái Anh Văn hồi tháng Giêng.

Điểm cốt lõi thứ hai là trong khi châu Âu luôn nhấn mạnh đến giải pháp thương lượng và hòa bình thì Bắc Kinh ngày càng xa một giải pháp hoà bình. Trong khu vực, đảng Cộng Sản Trung Quốc tự xưng là hiện thân của Nhà nước Trung Quốc, tự quyền đóng cọc biên giới, độc đoán quyết định ai là người Trung Hoa, bất chấp luật quốc tế, và quyền tự do của mỗi con người.

Trung Quốc dùng sức mạnh quân sự để đe dọa:  Biên giới Ấn độ, Biển Đông, biển Hoa Đông, chà đạp lên cả Hiến Chương Liên Hiệp Quốc. Ai không đồng ý với định nghĩa của Bắc Kinh ai là người Trung Quốc, cái gì là của Trung Quốc thì sẽ bị trừng phạt, gây áp lực kinh tế. Châu Âu không thể không biết.

Trong khi đó, Đài Loan ngày nay trở thành một thực thể dân chủ, đa nguyên. Châu Âu phải gia tăng đối thoại với giới dân chủ Đài Loan, kể cả các tác nhân chính trị cao nhất (chính phủ). Đài Loan phải được yểm trợ gia nhập các tổ chức quốc tế như Tổ Chức Y Tế Thế Giới, làm quan sát viên cũng được, truyền thông Đài Loan, tiếng quan thoại, phải được hội nhập vào hệ thống vệ tinh châu Âu hầu làm suy yếu tình trạng độc tôn của Trung Quốc.

Đã đến lúc châu Âu phải đương cự lại cái gọi là "đòi hỏi chính đáng" của Bắc Kinh. Nếu không, châu Âu sẽ tiếp tay đưa người dân Đài Loan vào bàn tay của đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Biện chứng pháp

Theo các chuyên gia và nghị viên châu Âu, đây không phải là chủ nghĩa "xét lại". Châu Âu ủng hộ nguyên trạng,  nhưng theo một diễn tiến hợp lý và biện chứng: Bởi vì Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng nguyên trạng cho nên châu Âu cũng phải thay đổi chính sách đối với Đài Loan để duy trì ổn định. Trung Quốc phải tôn trọng quyền sống của Đài Loan.

Châu Âu phải khuyến cáo rõ ràng với Trung Quốc là nếu dùng vũ lực thì sẽ lãnh hậu quả nghiêm trọng, kể cả bị cắt đứt quan hệ chính trị và kinh tế với các nền dân chủ châu Âu, không khuất phục thái độ áp đặt của Trung Quốc.

Em về, thu phai


14 September 2020

Không có toàn cầu hóa, ĐCS Trung Quốc sẽ sụp đổ trong vòng 3 đến 4 năm

Tâm An 

Đã có nhiều tiên đoán về ngày sụp đổ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nhưng theo tiên đoán mới đây của ông Peter Zeihan - nhà phân tích người Mỹ về tình hình địa lý chiến lược Trung Quốc, thì "sự sụp đổ của ĐCSTQ trên thị trường quốc tế sẽ diễn ra chỉ trong vòng 3 đến 4 năm".

Gần đây, ông Peter Zeihan đã đưa ra tiên đoán về sự sụp đổ của ĐCSTQ trên kênh truyền hình Fox News. Ông nói rõ: "Đây không phải cuộc chiến của thập kỷ hay thế kỷ. Đây cũng không phải là cuộc so găng ngang hạng. Điều này sẽ không kéo dài cả thế kỷ đâu. Nó có lẽ chỉ kéo dài khoảng 3 hay 4 năm thôi".

Zeihan giải thích rằng lý do duy nhất mà ĐCSTQ là một quốc gia với nền kinh tế quan trọng là bởi vì Hoa kỳ đã tạo ra một trật tự toàn cầu như vậy (Toàn cầu hóa), và vì nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, Hoa kỳ đang rời bỏ trật tự này. 

“ĐCSTQ không có sức mạnh quân sự để bảo vệ các tuyến đường/vành đai thương mại, và càng không thể ảnh hưởng cả hệ thống toàn cầu, cho nên đây thực sự là hồi kết của họ”, ông nói

Trong quyển sách "Tai nạn Siêu Cường: Thế hệ tới của sự Ưu thế của Hoa kỳ và sự Bất trật tự toàn cầu sắp tới* (The Accidental Superpower: The next Generation of American Preeminence and the Coming Global Disorder), Zeihan đã phác họa tình hình trật tự kinh tế thương mại thế giới sau Thế chiến thứ II (1939-1945), chủ yếu là về Hoa Kỳ sử dụng sức mạnh hải quân vượt trội nhằm ngăn chặn sự bành trướng của Liên Xô

Với Hội Nghị Bretton Wood, Ngân Hàng Thế Giới  (WB), Quỹ Tiền tệ thế giới (FMI), Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO), trật tự kinh tế thương mại toàn cầu này được định ra, nhưng giờ đây Hoa kỳ không còn quan tâm nhiều đến trật tự kinh tế thương mại này nữa. 

Cuộc gặp gỡ Mao-Nixon vào năm 1972 cũng là lúc Hoa kỳ “dẫn dắt” ĐCSTQ vào trật tự kinh tế thương mại thế giới, sau đó Tổng Thống Bill Clinton đã cho phép ĐCSTQ tham gia vào WTO vào năm 2001.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, ĐCSTQ không tuân thủ bất kỳ “luật chơi” quốc tế nào, cũng không tôn trọng những lời cam kết của mình. Do đó, chính quyền Trump sẽ phải khôi phục lại trật tự thế giới, với màn mở đầu là khai chiến về thương mại và kinh tế với ĐCSTQ.

Ông Zeihan cho rằng ĐCSTQ không đủ sức mạnh để tạo ra một trật tự kinh tế thương mại mới, do đó, chính quyền này sẽ sụp đổ trong vòng 3 đến 4 năm.

Quả thực, Peter Zeihan có cái nhìn khác hẳn với quan điểm chung rằng "thị trường chứng khoán là tấm gương phản ánh tình trạng kinh tế của một quốc gia ở vào một thời điểm nhất định". Câu này chỉ đúng với các nền kinh tế của các quốc gia tự do, dân chủ. Còn đối với một quốc gia độc tài như ĐCSTQ, thì không có gì minh bạch trên thị trường chứng khoán cả, cái gì cũng có thể bị che dấu, bưng bít. 

Một công ty “thân ĐCSTQ” (được “chống lưng” bởi các thế lực quan chức chính phủ), thì dù có bị thua lỗ, chính phủ vẫn bơm vốn đầu tư vào để vực dậy. Ông Zeihan cho rằng chính vì lẽ đó mà những tiên đoán trước đây về sự sụp đổ hay hạ cánh cứng, không an toàn của nền kinh tế Trung Quốc, phần lớn đều sai là ở chỗ này. 

Nếu đứng từ góc độ những nền kinh tế tự do Tây phương thì không thể nhìn ra bản chất của nền kinh tế Trung Quốc. 

Hơn thế nữa, xã hội phương Tây thường có một lối suy diễn rằng: chứng khoán, tài chính là “máu” của một nền kinh tế; nếu khủng hoảng tài chính, chứng khoán nổ ra, thì sẽ kéo theo khủng hoảng kinh tế; khủng hoảng kinh tế sẽ kéo theo khủng hoảng xã hội; và một khi có khủng hoảng xã hội thì sẽ có khủng hoảng chính trị.

Cái nhìn này chỉ đúng với các quốc gia dân chủ, còn đối với một nước độc tài như ĐCSTQ thì không đúng, ông Zeihan khẳng định.

Ông nói: "ĐCSTQ không thể vận hành bình thường nếu không có hệ thống toàn cầu… Nếu không có hệ thống toàn cầu thì sẽ không tồn tại ĐCSTQ".

Ở đây, ĐCSTQ khác hẳn với dân tộc Trung Hoa, giới chức Hoa kỳ hiện nay có lẽ đã phân biệt rất rõ ràng. Ông Zeihan cho rằng, một khi Hoa kỳ rút khỏi WTO, hạn chế thương mại với ĐCSTQ, thúc đẩy chuỗi cung ứng toàn cầu chuyển dịch khỏi Trung Quốc, thì nền kinh tế Trung Quốc sẽ như “cá thiếu nước” và ĐCSTQ có lẽ chỉ còn chờ... giãy chết. 

Tâm An

___________ 

(*) 
Tác giả bài viết dịch tựa quyển sách là:
"Tai nạn Siêu Cường: Thế hệ tới của sự Ưu thế của Hoa kỳ và sự Bất trật tự toàn cầu sắp tới (The Accidental Superpower: The next Generation of American Preeminence and the Coming Global Disorder),

Tiếng Thông Reo xin dịch là: "Siêu Cường Tình Cờ: Đợt Ưu Thế Kế Tiếp của Hoa kỳ và Tình trạng Xáo Trộn toàn cầu đang tới", như vậy có thể sẽ hợp hơn với ý tứ của tác giả quyển sách. Tình cờ là bởi vì Mỹ tính một đường lại ra một nẻo. Mỹ đã tình cờ giúp tạo ra cái siêu cường đó mà không dự liệu được. Nguyên thủy Mỹ chỉ muốn Hoa Lục thịnh vượng và biến cải để hội nhập vào cộng đồng quốc tế chứ không phải là một siêu cường với mộng bành trướng, "bất ngờ" đối đầu với mình, bằng nhiều mưu ma chước quỷ.

Tin ngắn

Oracle thắng cuộc đấu mua TikTok, sau khi Microsoft bị khước từ

 WASHINGTON — Tin nói rằng TikTok, một ứng dụng di động chia sẻ video, đã chấp nhận giá thầu của Oracle mua lại hoạt động kinh doanh tại Hoa Kỳ. 

Tổng thống Donald Trump trước đó đã đặt ra thời hạn giữa tháng 9 để công ty mẹ ByteDance của TikTok bán các hoạt động tại Mỹ của ứng dụng. Tập đoàn Microsoft vào ngày 13 tháng 9 đã xác nhận trong một tuyên bố rằng giá thầu của họ đã bị từ chối. 

 “ByteDance cho chúng tôi biết hôm nay họ sẽ không bán các hoạt động của TikTok tại Hoa Kỳ cho Microsoft”, Oracle cho biết. 

“Chúng tôi tin tưởng rằng đề xuất của mình sẽ tốt cho người dùng TikTok, đồng thời bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia. Để làm được điều này, chúng tôi sẽ thực hiện những thay đổi đáng kể để đảm bảo dịch vụ đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất về bảo mật, quyền riêng tư, an toàn trực tuyến và chống thông tin sai lệch và chúng tôi đã nêu rõ những nguyên tắc này trong tuyên bố tháng 8 của mình. Chúng tôi mong muốn được xem dịch vụ phát triển như thế nào trong những lĩnh vực quan trọng này ”. (EP Times)
**

Tổng thống Trump ký sắc lệnh giảm giá thuốc 

Hãng tin Reuters ngày 13-9 cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh nhằm hạ giá thuốc bán trên thị trường, giúp cho các bệnh nhân ở Mỹ được mua thuốc với giá tương tự một số quốc gia khác. 

“Sắc lệnh mới của tôi sẽ đảm bảo cho người dân Mỹ được mua thuốc với mức giá thấp như các hãng dược phẩm khổng lồ cung cấp cho nhiều quốc gia khác” - ông Trump viết trong một bài đăng trên trang Twitter cá nhân. 

Sắc lệnh mới yêu cầu Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Alex Azar "ngay lập tức" thử nghiệm mô hình thanh toán mới cho Medicare - chương trình bảo hiểm sức khỏe liên bang dành cho người từ 65 tuổi trở lên - để được trả mức phí không cao hơn giá đãi ngộ tối huệ quốc. (EP Times)

11 September 2020

Tin tóm lược

Ấn – Nhật ký hiệp ước quân sự trong bối cảnh căng thẳng với Tầu Cộng gia tăng

Nhật Bản và Ấn Độ đã ký kết một hiệp ước quân sự cho phép họ trao đổi nguồn cung và hỗ trợ hậu cần trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc ngày càng leo thang, theo Taiwan News ngày 11/9.

Theo tờ Hindustan Times, Thỏa thuận mua lại và phục vụ chéo (ACSA) giữa các lực lượng vũ trang Ấn Độ và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã được ký kết giữa Đại sứ Nhật Bản Satoshi Suzuki và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Ajay Kumar tại New Delhi hôm thứ Tư (9/9). Hiệp ước sẽ cho phép quân đội hai nước tiếp cận các căn cứ của nhau để tiếp tế và  dịch vụ trong quá trình huấn luyện song phương, gìn giữ hòa bình, hoạt động nhân đạo và các hoạt động khác mà hai bên đã thỏa thuận.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có cuộc điện đàm kéo dài 30 phút hôm thứ Năm (10/9), hai bên hoan nghênh việc ký kết thỏa thuận và cho biết họ sẽ thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn giữa các lực lượng tại thực địa.

Các nguồn cung cấp và dịch vụ trong phạm vi hiệp ước bao gồm thực phẩm, nước, các dịch vụ vận tải, bao gồm xăng dầu, máy bay, thông tin liên lạc và dịch vụ y tế, quần áo, các trang thiết bị, phụ tùng và linh kiện dư cũng như các dịch vụ sửa chữa và bảo dưỡng, theo tờ Hindustan Times. Hiệp ước sẽ có hiệu lực trong 10 năm và sẽ tự động được gia hạn thêm một thập kỷ nữa trừ khi một trong hai quốc gia quyết định chấm dứt hiệp ước này.

Theo Times of India, Ấn Độ đã có các thỏa thuận tương tự với Mỹ, Úc, Pháp, Hàn Quốc và Singapore.

Cháy rừng ở California tiếp tục gieo kinh hoàng. . .

Vùng Vịnh ở California: "khung cảnh như thể từ Sao Hỏa" (Ảnh: AP.)

Tiểu bang California đang trải qua đợt cháy rừng tệ hại nhất trong 33 năm qua. Các đám cháy khiến ít nhất 8 người chết, phá hủy 3.800 nhà cửa và “nhuộm đỏ” bầu trời nhiều thành phố. 

Các vụ cháy rừng ở California vẫn chưa được dập tắt trong suốt 3 tuần qua. Ngọn lửa dữ dội tiếp tục lan rộng với tốc độ 40 km trong một ngày. Lửa tạo ra làn khói dày đặc bao trùm nhiều khu dân cư. 

 “Cư dân vùng Vịnh ở California đã thức giấc vào hôm thứ tư (ngày 9/9) trước khung cảnh như thể từ Sao Hỏa”, CNN miêu tả. Làn khói màu cam và bầu trời đỏ rực bao phủ các thành phố San Francisco, Oakland và Berkeley. Ảnh: AP.

Bàn tay của vợ

Tôi vắt óc nhưng không tài nào nhớ nổi lần cuối cùng mình nắm đôi tay ấy là khi nào… Có lẽ là trong tuần trăng mật cách nay đã mười tám năm.

Trước đây, nếu có ai nói rằng, cuộc đời con người ta có thể thay đổi vì một chuyện tình cờ thì tôi chẳng bao giờ tin, cho đến khi điều đó xảy ra với chính mình.

Đúng vào ngày này năm ngoái, sau cuộc họp giao ban buổi sáng, công ty tôi tổ chức chúc mừng chị em nhân ngày của một nửa thế giới. Hôm đó, chẳng hẹn mà tất cả chị em đều chưng diện rất đẹp.

Trong khi sếp phát biểu chúc mừng, tôi đảo mắt ngắm nhìn mấy chục bông hoa đang tỏa hương thơm ngát trong phòng. Ôi chao, sao em nào cũng đẹp, cũng trẻ, cũng duyên dáng với trang phục điệu đàng.

Ánh mắt tôi vô tình chạm vào đôi bàn tay của cô thư ký hành chính ngồi đối diện. Tôi ngạc nhiên. Sao trên đời này lại có đôi bàn tay xinh đẹp như thế nhỉ? Những ngón tay búp măng trắng nuột nà kia hẳn là mềm mại, ấm áp lắm. Tôi tưởng tượng, nếu được chạm vào đôi tay ấy một lần thì… có chết cũng cam lòng.

Để dằn nén “tư tưởng” hư hỏng đang trỗi dậy mãnh liệt trong lòng, tôi rê mắt sang những đôi tay khác. Trời ạ, thì ra không chỉ có một đôi bàn tay của cô thư ký hành chính mà đôi tay của chị trưởng phòng kế toán, của cô phó phòng kinh doanh, của em giám đốc tiếp thị… thảy đều trắng ngần, thon thả.

Tôi chưa bao giờ nhìn ngắm kỹ những đôi bàn tay phụ nữ như thế. Quả thật cái đẹp luôn có sức cuốn hút, làm cho người ta có thể nảy sinh rất nhiều ước ao, khát thèm…

Cả buổi sáng hôm đó, tôi thành kẻ tương tư. Trong đầu tôi cứ mơ hồ, lãng đãng về sự xinh tươi, quyến rũ của những người phụ nữ có đôi bàn tay ngọc ngà.

Cảm giác ấy chỉ mất đi khi tôi về đến nhà. Vừa trông thấy tôi, bà xã đã giục: “ Anh rửa mặt, thay đồ đi rồi ăn cơm kẻo nguội.”.

Bàn ăn đã dọn sẵn. Hai thằng con tôi đang chờ ba mẹ. Mùi thức ăn bốc lên thơm phức. Mấy khứa cá thu chiên vàng, dĩa rau luộc xanh mướt, chén nước mắm tỏi ớt đỏ đỏ xanh xanh, tô canh khổ qua nấu cá thác lác thơm lừng hành tiêu… khiến bụng tôi sôi sùng sục. Tôi hít một hơi thật đầy và đưa tay đỡ chén cơm từ tay vợ.

Ăn một hơi 3 chén cơm, tôi buông đũa. Trong khi cái cảm giác no đủ của gia đình trào dâng trong lòng khiến tôi cực kỳ khoan khoái và chẳng còn tơ tưởng đến bất kỳ thứ gì khác trên đời thì bất ngờ, ánh mắt tôi chạm đúng vào đôi bàn tay của vợ đang thong thả gọt xoài.

Tôi há hốc đến không nói thành lời. Đôi tay của vợ tôi rám nắng và lấm chấm đồi mồi. Những ngón tay trên bàn tay ấy gầy guộc, nhăn nheo và suông đuồn đuột chứ không múp míp, búp măng như những bàn tay mà tôi được chiêm ngưỡng sáng nay.

Tôi vắt óc nhưng không tài nào nhớ nổi lần cuối cùng mình nắm đôi tay ấy là khi nào… Có lẽ là trong tuần trăng mật cách nay mười tám năm. Ừ, đúng là đã 18 năm rồi, tôi chưa một lần nắm bàn tay ấy!

– Đưa đây anh gọt cho.- Tôi nhẹ nhàng bảo vợ.

Vợ tôi khẽ chau mày:

– Anh sao vậy? Ở công ty có chuyện gì à?

Tôi lắc đầu:

– Không có. Em đưa đây cho anh.

Rồi tôi lọng cọng gọt mãi mới xong quả xoài nhưng chỗ lồi, chỗ lõm nhìn chẳng muốn ăn. Tôi cắt miếng to nhất đưa cho vợ:

– Em ăn đi.

Vợ tôi trố mắt không nói nên lời.

Tôi không nói cho bà xã biết trong đầu tôi đang nghĩ gì, nhưng tối hôm ấy tôi đã cầm mãi đôi tay gầy guộc, thô ráp của vợ. Đôi tay ấy đã cho cha con tôi những bữa cơm ngon, những bộ quần áo thơm tho sạch sẽ; đã sắp xếp nhà cửa tươm tất gọn gàng để tôi hãnh diện mỗi khi có bạn bè, người quen đến nhà… Đôi tay ấy dẫu không đẹp đẽ, sang trọng, quyến rũ, nhưng đối với cha con tôi, đó là đôi tay vàng.

Và điều quan trọng nhất là kể từ ngày 8-3 năm ngoái, 3 người đàn ông chúng tôi đã chính thức bước vào căn bếp của gia đình với vai trò là những người trong cuộc.

Xin cảm ơn những bàn tay đẹp của những người phụ nữ đẹp. Chính chúng đã giúp tôi nhận ra, có những bàn tay không đẹp, nhưng đó lại là bàn tay vàng. ❤

Phúc An

 Tranh minh họa: "Hoa Mộng", Sơn dầu, by A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh

10 September 2020

Về tác giả của bài thơ “Mất Mẹ” trong truyện “Bông Hồng Cài Áo” của Nhất Hạnh.

GS Nguyễn Vĩnh Thượng

Tôi đã đọc trên internet một bài viết  rằng nhiều độc giả nói tác giả của bài thơ “Mất Mẹ” được trích dẩn trong cuốn truyện rất nổi tiếng “Bông Hồng Cài Áo” là của chính tác giả Nhất Hạnh. Lại có bài viết rằng nhiều người đã nghe trong chương trình phát thanh cũng nói tác giả bài thơ “Mất Mẹ” là của Thích Nhất Hạnh. Thầy Nhất Hạnh đã viết bài văn ngắn “Bông Hồng Cài Áo” tại Medford vào năm 1962; Medford là một Xã ấp của Quận Burlington, tiểu bang New Jersey, Hoa Kỳ. (Medford is a township in Burlington Country, New Jersey, United States.); thầy đã trích dẩn các khổ 1,2 và 6 (hai khổ đầu và khổ cuối) của bài thơ Mất Mẹ để dẩn chứng tình mẹ con, với sự thay đổi nhiều chữ từ bài thơ gốc; thầy đã không ghi tác giả của bài thơ nên rất nhiều người đã nghĩ rằng bài thơ này là do chính thầy đã sáng tác. Thật ra thì thầy Nhất Hạnh đã viết: Bài thơ mất mẹ mà tôi thích nhất, từ hồi nhỏ, là một bài thơ rất giản dị có nghĩa là Thầy không phải là tác giả của bài thơ này, có lẽ nhiều người không để ý đến câu viết này:
“Năm xưa tôi còn nhỏ
mẹ tôi đã qua đời!
lần đầu tiên tôi hiểu
thân phận trẻ mồ côi.

Quanh tôi ai cũng khóc
Im lặng tôi sầu thôi
để dòng nước mắt chảy
là bớt khổ đi rồi...

Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi
Tôi thấy tôi mất mẹ
mất cả một bầu trời.”
“Bài thơ mất mẹ mà tôi thích nhất, từ hồi nhỏ, là một bài thơ rất giản dị. Mẹ đang còn sống, nhưng mỗi khi đọc bài ấy thì sợ sệt, lo âu... sợ sệt, lo âu cho một cái gì còn xa, chưa đến, nhưng chắc chắn phải đến:

Một bầu trời thương yêu dịu ngọt, lâu quá mình đã bơi lội trong đó, sung sướng mà không hay, để hôm nay bừng tỉnh thì thấy đã mất rồi”. 
(Nhất Hạnh, Bông Hồng Cài Áo)

Tác giả bài thơ Mất Mẹ là thi sĩ Xuân Tâm (1916 – 2012). Đây là một bài thơ được viết theo thể ngũ ngôn tứ tuyệt, tức là mỗi khổ có 4 câu, mỗi câu có 5 chữ, gồm có 6 khổ như sau:
      
Mất Mẹ

Năm xưa tôi còn bé
Mẹ tôi đã qua đời
Lần đầu tiên tôi hiểu
Thân phận trẻ mồ côi

Quanh tôi ai cũng khóc
Yên lặng tôi sầu thôi
Mặc dòng nước mắt chảy
Là bớt khổ đi rồi

Độ nhỏ tôi không tin
Người thân yêu sẽ mất
Hôm ấy tôi sững sờ
Và nghi ngờ trời đất

Từ nay tôi hết thấy
Trên trán Mẹ hôn con
Những khi tôi phải đòn
Đau lòng Mẹ la dạy

Kìa nhà ai bên cạnh
Mẹ con vỗ về nhau
Tìm Mẹ tôi không thấy
Lúc buồn biết trốn đâu

Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông Chùa nhẹ rơi rơi
Tôi biết tôi mất Mẹ
Là mất cả bầu trời.

Xuân Tâm

Bài thơ này được chọn làm bài ám đọc trong giờ học môn Quốc văn ở lớp tiểu học của thế hệ thập niên 1940, 1950. Tương tự đoạn văn ngắn Tôi đi học được trích từ tập truyện ngắn Quê Mẹ của Thanh Tịnh (1911 – 1988) do nxb Đời Nay xuất bản ở Hà Nội vào năm 1941, được chọn làm bài giảng văn cho học sinh trung học thế hệ 1950, 60, đầu 1970 ở miền Nam Việt Nam, rất nhiều học sinh trung học đã thuộc lòng đoạn văn này. Cũng tương tự đoạn văn ngắn La rentreé des classes (Ngày tựu trường) được trích từ quyển tự truyện Le Livre de mon ami (Cuốn sách của bạn tôi) của nhà văn Pháp Anatole France (1844 – 1924), được xuất bản vào năm 1885 ở Pháp, đã được đưa vào môn Pháp văn cho học sinh trung tiểu học thế hệ 1940, 50, 60 và đầu 1970 ở miền Nam Việt Nam.

Bài thơ Mất Mẹ được trích từ tập thơ Lời Tim Non của Xuân Tâm, được xuất bản vào năm 1941 tại Hà Nội, gồm các bài thơ được sáng tác từ năm 1935 (lúc ấy Xuân Tâm được 19 tuổi) đến năm 1941.

Xuân Tâm là bút hiệu của Phan Hạp. Ông sanh năm 1916 tại tỉnh Quảng Nam. Ông là một trong các thi sĩ của phong trào thơ mới vào thời tiền chiến. Trong quyển Thi Nhân Việt Nam (1932 – 1941) của Hoài Thanh và Hoài Chân, xuất bản tại Hà Nội vào tháng 10 năm 1941, đã giới thiệu Xuân Tâm trong phong trào thơ mới.

Ông đã qua đời vào ngày 4 tháng 2 năm 2012 tại Hà Nội, hưởng thọ được 97 tuổi.

***
Trong cuốn Bông Hồng Cài Áo, thầy Nhất Hạnh đã viết: “Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày Mẹ (Mother’s day) mồng mười tháng năm”. 

Bài văn ngắn Bông Hồng Cài Áo được Thầy Nhất Hạnh viết tại Medford (New Jersey, Hoa Kỳ) vào năm 1962. Như vậy có thể Thầy có ý nói Ngày Mẹ (Mother’s day) là ngày 10 tháng 5 năm 1962, đây là ngày thứ Năm (Thursday); cũng có thể Thầy có ý nói hằng năm thì ngày lễ Ngày của Mẹ vào ngày 10 tháng 5. Theo bài  phỏng vấn Thầy Nhất Hạnh đã được thực hiện bởi 2 Cư sĩ phóng viên Chúc Phúc và Quảng Kiến từ mùa Vu Lan – Phật Lịch 2550 (Dương lịch 2006) và được tờ Nguyệt san Giác Ngộ đăng tải năm 2008 với tựa là: Trò chuyện với Thiền Sư Nhất Hạnh quanh bài tùy bút Bông Hồng Cài Áo, Thầy đã trả lời: Hồi đó, năm 1962, sau chín tháng nghiên cứu về khoa Tỷ Giảo Tôn Giáo tại Princeton University, tôi về nghỉ hè tại Camp Ockanickon ở Medford thuộc tiểu bang New Jersey Hoa Kỳ. Ban ngày tôi chơi và nói chuyện với thanh thiếu niên về văn hóa Việt Nam và đi chèo thuyền trên hồ, ban đêm tôi viết văn. Tôi đã viết đoản văn “Bông Hồng Cài Áo” trong một căn lều gỗ người trẻ dành cho tôi. Viết xong tôi gởi cho các vị đệ tử của tôi trong Đoàn Sinh Viên Phật Tử Sài Gòn do tôi hướng dẫn.  Bài này gửi qua chị Trương Thị Nhiên. Chị Nhiên và Đoàn Sinh Viên Phật Tử đọc xong rất cảm động nên quyết định đem chia sẻ cho mọi người. Họ bàn nhau chép tay 300 bản làm quà tặng cho những bạn bè của họ trong các Phân Khoa Đại Học Sài Gòn…

Ở Hoa Kỳ và Canada, Ngày Mẹ là ngày lễ vào ngày Chúa Nhật thứ hai của tháng 5 trong năm đó; do đó mỗi năm ngày lễ này thay đổi theo ngày Chúa Nhật thứ hai của tháng 5 trong năm đó.

***
Ở phương Tây, có “Ngày của Mẹ”(Mother’s Day) và “Ngày của Cha” (Father’s Day):

Ở Hoa kỳ và Canada, nhiều người làm lễ chúc mừng “Ngày của Mẹ” vào ngày Chúa nhật thứ hai của tháng 5 ( The Mother’s day date in United States and Canada is on the second Sunday of May each year). “Ngày của Mẹ” tạo cơ hội để con cái cám ơn công ơn dưỡng dục của Mẹ. Thiệp chúc mừng, bông hoa, quà cáp hoặc tặng vật do chính tay con làm cho Mẹ để kỷ niệm thí dụ như bức tranh chính tay người con vẻ, đặc biệt các con sẽ mời cha mẹ đi ăn nên các nhà hàng đông nghẹt trong “Ngày của Mẹ”. Các con cái cũng cám ơn ông bà nội ngoại, kế mẫu, mẹ nuôi. Nếu mẹ qua đời con cái sẽ đến thăm mộ với bông hoa.

Ở Hoa Kỳ và Canada, nhiều người làm lễ chúc mừng “Ngày của Cha”( Father’s Day) vào ngày Chúa nhật  thứ 3 trong tháng 6 mỗi năm (The Father’s Day date in United States and Canada is on the third Sunday of June each year). Như Ngày của Mẹ, Ngày của Cha cũng tạo cơ hội để con cái cám ơn công ơn dưỡng dục của cha. Cũng chúc tụng, bông hoa, quà cáp, tổ chức ăn uống như “Ngày của Mẹ”. Các con cái cũng cám ơn ông bà nội ngoại, cha kế, cha nuôi. Nếu cha qua đời con cái sẽ đến thăm mộ với bông hoa.

Năm nay, 2016, ở Hoa Kỳ và Canada, Ngày của Mẹ là ngày Chúa Nhật 08 tháng 5 năm 2016; Ngày của cha là ngày Chúa Nhật 19 tháng 6 năm 2016.

Toronto, 20 tháng 4 năm 2016
Nguyễn Vĩnh Thượng

07 September 2020

Tổng Tuyển cử 2020 tại Hoa Kỳ: Tâm trạng căng thẳng

Giáo sư Vũ Quý Kỳ

Trong vòng hơn 50 năm qua, tại Hoa Kỳ chưa bao giờ có một cuộc tổng tuyển cử căng thẳng như cuộc bầu cử 2020. Dù là đảng Cộng Hòa hay đảng Dân Chủ, cuộc bầu cử kỳ này có tính cách quyết định cho tương lai nước Mỹ trong những thập niên sắp tới. Vì thế cả hai đảng đều có những nhu cầu cực kỳ gay gắt phải thắng cử trong năm 2020. Điều này khiến cho cả hai đảng đều có những động thái đặc biệt, có ảnh hưởng lớn đến cử tri, khiến cho mọi người thấy cử tri của hai đảng đã có những hành động công khai chỉ trích lẫn nhau một cách cực kỳ mạnh mẽ, hơn là trong những kỳ bầu cử trước kia. Vì thế người ta không mấy ngạc nhiên khi thấy cộng đồng người Mỹ gốc Việt cũng bộc lộ nhiều dấu hiệu căng thẳng trong thái độ chính trị, đối với hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ.

Đứng trước hoàn cảnh nói trên, câu hỏi được đặt ra là: tại sao lại xảy ra tình trạng chính trị đặc biệt nói trên?

Muốn trả lời câu hỏi đó, người ta phải tìm hiểu tận gốc về hậu quả của cuộc bầu cử 2016.

Hậu quả của cuộc bầu cử 2016

Cuộc tổng tuyển cử sắp tới vào năm 2020 là hậu thân của cuộc tổng tuyển cử 2016. Đối với một học giả chính trị thờ ơ, cuộc tuyển cử 2016 cũng chỉ là một trong những cuộc tuyển cử bình thường trong nền chính trị của Hoa Kỳ: một triều đại của đảng Dân Chủ đã ra đi và được thay thế bằng một triều đại của đảng Cộng Hòa, như đã từng xảy ra trong quá khứ, qua 44 ông tổng thống Hoa Kỳ trong thời gian hơn 200 năm nay tại Hoa Kỳ. Đâu có gì lạ? Đối với một số người quan sát chính trị tinh ý một chút thì hậu quả của cuộc tổng tuyển cử 2016 đã diễn ra không bình thường chút nào, vì một số đặc điểm sau đây:

1. Những hiện tượng gần và dễ thấy

Lí do thực sự giúp Joe Biden chiếm ưu thế trước Trump

Thứ nhất: Đa số giới truyền thông dòng chính, đa số đỉnh cao trí tuệ (elite), đa số học giả dòng chính (main stream pundits), và đa số giới thăm dò quần chúng qua “polling”, đều tiên đoán Hillary sẽ thắng cử với đa số phiếu cực lớn. Kết cuộc, Donald Trump đã thắng quá lớn với phiếu cử tri đoàn. Điều này đã khiến cho Hillary và các đồng chí Dân Chủ của bà ta lâm vào tâm trạng nửa khùng nửa điên.

Thứ hai: Đa số giới truyền thông dòng chính đã không kèn không trống “thoái vị”, từ bỏ vai trò cao quý của mình trong công tác loan tin trung thực. Họ biến thành một bọn “hát thuê-viết mướn” cho một phe đảng chính trị vì lý do tiền bạc, hoặc vì lý do tư thù cá nhân, hoặc bất cứ lý do bậy bạ nào khác. Đây là một tình trạng sa đọa chính trị cực kỳ quan trọng đã diễn ra tại Hoa Kỳ, có tính cách đe dọa nền chính trị Dân Chủ của quốc gia vĩ đại này. Nhóm truyền thông này đã biến nhiệm vụ loan tin trung thực thành một nghề bịa tin tức, bóp méo tin tức, nhằm phục vụ một phe nhóm chính trị.  Họ đã lạm dụng cái lỗ hổng của “quyền tự do ngôn luận” do hiến pháp công nhận, nhưng không ấn định trách nhiệm. Chính những kẻ làm truyền thông vi phạm quyền hiến định nói trên.

Thứ ba: Một biến cố mới đã diễn ra, có tính cách đe dọa nền dân chủ của Hoa Kỳ. Đó là một số khá đông chính trị gia thuộc phe đảng Dân Chủ thiên tả đã không chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử hợp pháp, hợp hiến như thường lệ, và quyết định lật ngược kết quả bằng mọi cách, kể cả bất hợp pháp. Những chính trị gia này thuộc nhóm gia-nô nằm vùng, được gọi là “Deep State”, đã cấu kết với nhau để tạo ra một vụ án chính trị, nhằm bịa đặt và tố gian rằng “ông tổng thống đắc cử đã thông đồng với nước Nga trong cuộc tuyển cử” (Russian collusion). Đây là cái “Nuclear Option” thứ nhất của đảng Dân Chủ: một “Giải pháp Tuyệt vọng”. Sau ba năm điều tra, và 32 triệu mỹ kim chi tiêu hoang phí, vụ án chính trị gian lận bị vỡ lở, và nhiều thành viên đảng Dân Chủ trong vụ án gian lận, lớn hơn vụ Watergate, đang chờ ngày ra tòa để bị xét xử.

Thứ tư, còn nghiêm trọng hơn vụ án “thông đồng với Nga”, ngay đầu năm 2017, đảng Dân Chủ bước vào một giai đoạn thoái trào trên nhiều phương diện căn bản:
a/ Đảng Cộng Hòa nắm toàn bộ Hành Pháp, Thượng Viện và Hạ Viện.
b/ Đa số các Thống Đốc tiểu bang là Cộng Hòa.
c/ Tối Cao Pháp Viện đang đi vào một chu kỳ thay đổi trong đó đảng Cộng Hòa
   đang tiến tới chỗ nắm đa số áp đảo. trong một thời gian kéo dài nhiều thập niên.
d/ Đây là một nguy cơ rất lớn đe dọa vị thế tồn vong của đảng Dân Chủ, nếu đảng này không chịu lột xác để thay đổi.

Nguy cơ nói trên đã khiến cho nhiều người Dân Chủ trở thành nửa điên nửa khùng. Một dân biểu tiểu bang Minnesota, ông Keith Ellison đã chủ trương dùng bạo lực để chống lại ông Trump. Ông này dường như thuộc nhóm Antifa, hoặc ít nhất ủng hộ đường lối hoạt động của Antifa, một tổ chức Cộng Sản. Và người ta biết rằng nhiều thành viên Antifa đã hành hung những người ủng hộ Tổng thống Trump. Họ là một bọn côn đồ, và cũng bị coi là bọn khủng bố. Họ chủ trương dùng bạo động để bịt miệng những người ủng hộ Tổng thống Trump.

Thứ năm, hậu quả của tâm trạng nửa điên nửa khùng đã khiến nhiều đảng viên Dân Chủ đã chọn con đường tắt, bắt tay với khuynh hướng xã hội Mác Xít, thay vì sửa đổi đường lối chính sách, để thành công hơn trên đường dài. Họ theo đuổi giải pháp đấu tranh giai cấp và chiếm chính quyền bằng bạo động. Đảng Dân Chủ muốn “cướp chính quyền” theo kiểu của Hồ chí Minh, khiến những người Việt thiên tả và những người Việt ngây thơ rất khoái. Họ nghĩ rằng chính quyền sắp rơi vào tay đảng Dân Chủ. Còn lâu!

Thứ sáu, ngay từ năm 2017, khuynh hướng xã hội Mác Xít bạo động đã bắt đầu xuất hiện, với những bọn côn đồ của đảng Dân Chủ đe dọa những người ủng hộ Tổng thống Trump tại nhà riêng, hoặc tại những nơi công cộng như tiệm ăn, tiệm khiêu vũ, tiệm chiếu bóng (cinema). Những người “Dân Chủ côn đồ” này hành động giống y chang bọn “con cháu bác Hồ”, nghĩa là vừa đánh trống vừa ăn cướp. Trong khi đòi hỏi tự do ngôn luận, thì chúng đã cấm quyền tự do ngôn luận của người khác, sử dụng bạo lực đối với những người phát biểu khác chính kiến, những người ủng hộ Trump.

Hành động côn đồ nói trên cho thấy tâm trạng khùng điên muốn giật sập nền dân chủ pháp trị của Hoa Kỳ. Thái độ bạo hành của phe Dân Chủ cho thấy bề ngoài thì họ hung hăng, nhưng trong lòng họ chứa chất một niềm sợ hãi vì họ đang mất dân. Họ đang mất phương hướng và mất tư cách lãnh đạo. Họ đang giống như một con thú dữ bị dồn vào bước đường cùng, đang vùng vẫy một cách điên cuồng, một cách thiếu thông minh. Đảng Dân Chủ đang giống như một con thuyền bị gẫy cột buồm và mất bánh lái, nhưng vẫn quyết định ra khơi, mặc dầu không biết đi về đâu.


Thứ bảy, vì thế qua những tháng bạo loạn vừa qua, người dân Mỹ thấy gì? Người dân Mỹ đi tới kết luận là Đảng Dân Chủ hiện nay chỉ giỏi phá hoại, gây đốt phá và chết chóc, nhưng chưa có một thành tích xây dựng từ ba bốn năm qua. Chẳng những giỏi phá hoại, đảng Dân Chủ trong Hạ Viện còn từng bước cản trở Tổng thống Trump trong cố gắng thực thi lời hứa hẹn với dân. Đây là một kết luận cực kỳ tai hại cho tương lai gần của đảng Dân Chủ trong cuộc bàu cử năm 2020 và một thời gian đáng kể sau đó.

2. Nhìn xa hơn—Những bước đi quan trọng của Tổng Thống Trump: đột phá và nhất quán

Nếu cuộc bầu cử năm 2020 là một cuộc trưng cầu ý dân để đánh giá Tổng Thống Trump và đảng Cộng Hòa, thì những câu hỏi nào sẽ được nêu lên? Đó là những vấn đề quan tâm chính của người dân, mà năm 2016 đã đưa ông Trump vào Tòa Bạch Ốc:

–          Kinh Tế: đem việc làm về Mỹ, sau nhiều năm “outsourcing” (việc làm chạy ra nước ngoài)

–          Chấm dứt nhập cư lậu (illegal immigration), thanh lọc hệ thống nhập cư

–          Bảo vệ biên giới

–          Đánh bại khủng bố Hồi Giáo

Mặc dầu những cản trở tối đa của Đảng Dân Chủ, những thành công của Tổng thống Trump thật là không ngờ.

Nguyên nhân chính đem lại thành công cho Trump là:
a/ Tổng thống Trump biết mình phải làm gì;
b/ Tổng thống Trump biết phương pháp nào để đạt mục đích;
c/ Tổng thống Trump có khả năng thương thuyết xuất sắc;
d/ Tổng thống Trump luôn luôn đi trước đối thủ một bước khi ra đòn.

Ông Trump biết phải làm gì khi đối diện với một số quốc gia, và một số vấn đề phải giải quyết. Đối với Syria, ông quyết định rằng quốc gia này không phải là quyền lợi sinh tử của Hoa Kỳ. Do đó ông đã quyết định rút ra khỏi Syria, vì không muốn bị lôi cuốn vào một cam kết lâu dài, trong khi có mối quan tâm lớn hơn nhiều ở Á Đông. Đối với Iran, ông Trump đã thi hành một biện pháp quyết liệt: hạ sát tướng Soleimani. Nhưng qua một trung gian, ông Trump cho lãnh đạo Iran biết là vấn đề phải được ngưng lại ở đó, mặc dầu ông có khả năng thi hành những biện pháp quyết liệt hơn. Sở dĩ như vậy, vì Tổng thống Trump muốn tập trung nội lực để giải quyết vấn đề Trung Cộng và không muốn trải quân ra quá mỏng tại những chiến trường kém quan trọng.

Đối với các quốc gia Ả Rập, lập trường của Tổng thống Donald Trump là không can thiệp quân sự vào những mâu thuẫn đã diễn ra cả ngàn năm nay, giữa các người Ả Rập với nhau. Ông muốn để cho người Ả Rập tự giải quyết những mâu thuẫn nội bộ. Tuy nhiên, ông không từ chối khả năng làm một đồng minh. Saudi Arabia là một đồng minh đắc lực của Hoa Kỳ trong mặt trận chống ISIS. Mặt khác, vì là đồng minh cật ruột của Do Thái, ông Trump không ngừng tìm cách giải tỏa những mâu thuẫn giữa Do Thái và các nước lân bang Ả Rập. Hiệp ước mới đây giữa Do Thái và United Arab Emirates là một thí dụ.

Đối với NATO, ông Trump đòi hỏi cách ứng xử công bằng giữa hai bên. Do đó NATO phải chia sẻ trách nhiệm phòng thủ, và võ trang. Ông Trump rất khó chịu khi Đức liên kết hệ thống dẫn dầu với Nga. Một hành động có hậu quả chiến lược bất lợi cho NATO.

Giống như Tổng thống Reagan và Tổng thống Bush cha,  Tổng thống Trump thả lỏng giây cương trong lãnh vực chiến thuật, để các tướng lãnh toàn quyền hành động ngoài chiến trường. Do đó, ông đã đạt những kết quả rất xuất sắc tại Trung Đông. Tổng thống Trump chủ trương xây dựng một khả năng quân sự vô địch với mục tiêu là “không bao giờ phải đụng đến nó”. Nói vắn tắt là duy trì hòa bình trên thế mạnh. Những người như Obama và Clinton thì không bao giờ hiểu được câu nói đó.

Trong khi phe đảng Dân Chủ mê man trong cơn “mộng du”, tiến hành chiến dịch truất phế Tổng thống Donald Trump (impeachment), thì ông lặng lẽ tiến hành những chương trình củng cố nền tảng pháp lý, chính trị và xây dựng căn bản kinh tế. Cho tới tháng 12, 2019, Tổng thống Donald Trump đã được Thượng Viện chuẩn y 187 quan tòa Liên Bang, vượt xa hai Tổng Thống George W. Bush và Bill Clinton trong cùng một thời gian. Tại hệ thống tòa án Circuit Court, khi ông Trump đắc cử, có 13 tòa án do Dân Chủ nắm đa số. Sau 3 năm ông Trump cầm quyền, có 7 tòa án đã trở thành Cộng Hòa nắm đa số.

Cũng trong thời gian “mộng du” (sleepwalking) đó của đảng Dân Chủ, chính Quốc Hội Dân Chủ đã giúp ông Trump đạt được hiệp ước USMCA (The United States-Mexico-Canada Agreement). Đảng Dân Chủ gián tiếp thú nhận họ đã “mê tít” một phần chương trình của Tổng thống Trump. Về mặt kinh tế, sau ba năm ngồi tại Tòa Bạch Ốc White House, Tổng thống Trump đạt được nhiều thắng lợi kinh tế mà các đời tổng thống khác chưa hề đạt được. Cứ mỗi tháng lại có gần 300 ngàn người có việc làm. Tính gộp lại trong ba năm đầu tiên, có khoảng 9 triệu người kiếm được việc làm.

Sau khi đảng Dân Chủ tỉnh cơn “mộng du”, họ thấy Ông Trump đã lặng lẽ đạt được nhiều thắng lợi lớn lao quá. Vì thế căn bệnh khùng điên của họ càng trở nên trầm trọng. Và căn bệnh này đã ảnh hưởng tới vấn đề tranh cử của Đảng Dân chủ. Những người tinh ý chịu khó quan sát chiến dịch tranh cử của những người khùng điên này trên màn truyền hình sẽ thấy nhiều hoạt cảnh vui đáo để.

3. Chiến dịch tranh cử của đảng Dân Chủ

Có ba chủ đề đáng nghiên cứu về cuộc tranh cử của đảng Dân Chủ, đó là:
nội dung, diễn viên, và giải pháp tuyệt vọng (nuclear option).

Nội dung

Nội dung của cuộc tranh cử do các ứng cử viên đề ra là một điều mọi người quan tâm. Qua mười mấy tháng tranh cử của giai đoạn sơ khởi (primary), những người quan sát không ghi nhận được nhiều tư tưởng sáng giá của phe chính thống. Không phải là phe Dân Chủ thiếu tư tưởng sáng giá, nhưng dường như họ cố tình giấu kín không cho quốc dân biết. Đây có vẻ là cách làm ăn bất chính “à-la-mode de” Pelosi khi bà ta đưa ra chương trình Obamacare mười năm về trước: bỏ phiếu chấp thuận trước rồi hãy thảo luận sau.

Trên đây là nói về lập trường chính thức của đảng Dân Chủ trong giai đoạn sơ khởi “primary”, là giai đoạn mà chưa ai có tư cách nhận mình là đại diện cho đảng ta. Trong giai đoạn này người ta được nghe đầy hai con ráy về những chương trình cứu nước, bằng những giải pháp mà nói chung có tính cách ảo tưởng của chủ nghĩa Marxist. Nó ảo tưởng vì họ đề ra những chương trình chi tiêu quá lớn làm cho người dân Mỹ sẽ bị “ba đời khánh tận”, mà sự thành công thì không có gì bảo đảm. Người ta không được nghe những chương trình có tính cách thực tiễn, như: Làm thế nào để người dân có thêm việc làm? Làm thế nào để có thêm tiền bỏ vào túi người dân? Làm thế nào để cân bằng mậu dịch với Trung Cộng và lấy về số thất thu mậu dịch 8,000 tỷ mỹ kim mất vào tay Trung Cộng? vân vân …

Sau khi điểm sơ qua về nội dung của cuộc tranh cử, ta hãy nhìn lại xem ai sẽ là đại diện cho những nội dung khác nhau.

Đó là vấn đề “diễn viên” trong cuộc tranh cử sơ bộ (Primary Contest).

Diễn viên trong cuộc tranh cử sơ bộ

Dĩ nhiên, dưới đây là nhận xét qua con mắt chủ quan của tôi. Và tôi thành thực nhận thấy toàn bộ những diễn viên trên 20 nhân vật, không có ai sáng giá, ngoại trừ ông Berny Sanders là người có khả năng ăn nói và phân tích sự việc. Nếu tôi là một thành viên của đảng Dân Chủ thì tôi phải vô cùng thất vọng. Điều nhận xét này thực ra không khác xa với kết quả sau mấy tháng tranh cử, cho thấy không có ai nổi bật lên trên những người khác. Tất cả giống như một đàn cóc nhái ễnh ương kêu ì ộp và chen lấn nhau trong một đêm mưa lớn mùa hè.

Trong đám cóc nhái ễnh ương đó, đảng Dân Chủ đã “nhặt đại” ra một đại diện làm ứng cử viên tổng thống. Đó là Joe Biden, người đã bị trượt ứng cử viên tổng thống trước kia vì tài đạo văn của người khác. Trong tương lai, Joe Biden còn có thể bị kẹt vào một vụ tham nhũng với Ukraine và Trung Cộng.  Chúng ta hãy tạm thời quên đi những vụ tham nhũng nói trên. Điều mà đảng Dân Chủ đang lo sốt vó là truyện tranh cử với đảng Cộng Hòa sắp tới. Ông Biden có đủ khả năng đấu võ mồm với ông Trump hay không? Sau 47 năm làm chính trị tại Hạ Viện, Thượng Viện, rồi làm phó Tổng Thống, Ông Biden có thành tích gì để so sánh với Ông Trump?

Điều làm đảng Dân Chủ lo lắng nhất là Ông Biden đang đi vào bóng xế của cuộc đời, với một bộ óc lú lẫn và một khả năng tuyệt vời về ăn nói loạng quạng, nói trước quên sau. Làm sao ông Biden có thể đấu với Ông Trump trong ba cuộc “Presidential Debates” sắp tới? Chính Bà Pelosi cũng khuyên Ông Biden nên hủy bỏ cuộc tranh luận với Ông Trump.

Giải Pháp Tuyệt Vọng (Nuclear option)

Đem tất cả những thành công của ông Trump sau ba năm làm tổng thống để so sánh với những thành tích của ông Biden, đảng Dân Chủ không có một tia hy vọng nào để thắng. Trừ phi sử dụng một trong những thủ đoạn hạ cấp của giang hồ, với một cái hỗn danh là một “giải pháp tuyệt vọng” (nuclear option thứ hai). Đó là lý do mấy tháng nay, đất nước Hoa Kỳ đã nổ tung tại những thành phố hoặc tiểu bang thuộc đảng Dân Chủ: những vụ biểu tình phản kháng nhân danh chống kỳ thị theo sau bằng những cuộc đập phá, hành hung, cướp của, gây chết người. Thêm vào đó là việc đốt phá các công viên và các di tích lịch sử.

Chiêu bài chống kỳ thị đã làm mồi lửa cho những xúc động ban đầu, có ảnh hưởng không tốt cho chính quyền đương nhiệm của Liên Bang. Nó đặt chính quyền Liên Bang vào một vị trí khó xử. Nếu phản ứng mạnh bằng vũ lực, thì có thể làm bùng lên những phản ứng ở nhiều nơi khác, và càng làm cho câu chuyện bùng lớn hơn. Trái lại, nếu không có biện pháp can thiệp bằng công lực, thì chính quyền phải chịu trách nhiệm về những đốt phá tanh bành. Mặt khác, cảnh sát của các thị xã thuộc quyền điều động của Thị Trưởng hoặc Thống Đốc tiểu bang chứ không thuộc quyền Liên Bang.

Chính vì lý do trên, đảng Dân Chủ ban đầu coi giải pháp tuyệt vọng này là “vũ khí cao cấp” để gỡ thế cờ bí, và quyết định không cho chính quyền liên bang can thiệp. Đồng thời khai thác tình trạng rối loạn cho mục tiêu chính trị, và ngăn cản không cho cảnh sát hành động để đem lại trật tự. Ngoài ra, những người thuộc phe Dân Chủ còn đề nghị giải thế lực lượng cảnh sát.

Những tai to mặt lớn của đảng Dân Chủ như Pelosi, Nadler, Maxine Watters, Kamala Harris, và giới truyền thông dòng chính đã sáng tác những bản hợp tấu để thổi lửa vào những cuộc bạo loạn. Kamala Harris khuyến khích tiếp tục bạo loạn, ngay cả khi đã xong bầu cử. Black Lives Matter hợp tác với bọn khủng bố Marxist là những kẻ giương ngọn cờ “công bình xã hội”, trong khi những nhóm chạy cờ đàng sau là những thành phần ngây thơ, không biết là mình bị lừa bịp cho mục tiêu tranh cử.

Nhưng cái gì cũng có hậu quả của nó. Khi cơn rối loạn bắt đầu, nhiều người ngây thơ nhẹ dạ đã hưởng ứng những cuộc biểu tình tại một số địa điểm của đảng Dân Chủ, vì họ vốn theo khuynh hướng dân chủ cấp tiến. Khi cơn rối loạn kéo dài, đời sống của người dân bắt đầu trở nên khó khăn, và người dân bắt đầu mở mắt ra và nhìn thấy mưu mô đen tối của đảng Dân Chủ. Họ trở nên bất mãn.

Cuối tháng 8, 2020, Don Lemon của đài CNN đã nghĩ là nên chấm dứt cái “giải pháp tuyệt vọng” nói trên, vì có thể gây bất lợi cho đảng Dân Chủ nhất là cho Biden. Ngày Chủ Nhật 30 tháng 8, 2020, cơn bạo loạn “nhân tạo” đã gây ra một vụ nổ súng chết người như thường lệ tại Portland, Oregon. Nhưng lần này Biden đã lên án vụ bạo loạn.1 Câu hỏi được đặt ra: “cuộc bạo loạn đã diễn ra từ ba tháng qua, tại sao ông Biden lại im thin thít, không có một lời lên án nào, cho tới bây giờ?” Dân biểu Dan Crenshaw (Cộng Hòa – TX) đã trả lời câu hỏi trên: Biden nói như thế chỉ vì dư luận quần chúng đã xoay chiều   “…you’re only commenting now because the polling told you to”.2 

Gió đang xoay chiều.

Những cuộc bạo loạn do đảng Dân Chủ thổi phồng lên có thể trở thành con dao hai lưỡi gây phản tác dụng cho đảng Dân Chủ, và có thể làm Biden mất phiếu như chơi. Tới đầu tháng 9, cái nóng của mùa Hè đang bắt đầu hạ nhiệt, chờ cái mát của mùa Thu. Đảng Dân Chủ đang nhìn thấy cái “nuclear option” thứ hai lại thất bại, như cái nuclear option thứ nhất (cuộc điều tra Russia – Collusion). Đảng Dân Chủ có một cái nuclear option thứ ba không? 

Ta hãy chờ xem. 

Sự phân tích trên đây chỉ nhằm tóm lược hậu quả của cuộc bầu cử 2016.
Những phân tích kế tiếp sẽ trình bầy một cách chi tiết những thành công của Ông Trump trong thời gian 4 năm qua.  

Vũ Quý Kỳ    
31 tháng 8 năm 2020
(Nguồn: Ba Sàm)
______

References 

1. Hank Berrien. Aug 30, 2020 Daily Wire.com. Biden’s statement on Twitter:
“The deadly violence we saw overnight in Portland is unacceptable. I condemn violence every kind by anyone, whether on the left or the right. And I challenge Donald Trump to do the same”.
2. Ibid.
_____________________


Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...