21 February 2020

PHÒNG MỔ, truyện ngắn

Isumi Kyoka (1873 - 1939) Tác giả hiện đại của Nhật với khoảng 300 tác phẩm đủ loại (tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch...) mà một nửa liên quan tới hiện tượng siêu nhiên, huyền ảo. Phòng Mổ ở vào giai đoạn đầu trước tác, nên còn mang dấu ấn lãng mạn, thuật lại cái chết liên quan đến ngoại tình tư tưởng giữa một nữ bá tước và một bác sĩ giải phẫu. Cuối cùng bà đã mượn tay người yêu vô vọng để tự tử trên bàn mổ. Có thể coi đây là một loại truyện luận đề, phê phán bất công xã hội với những định chế khắt khe như gia đình chẳng hạn. Trong một môi trường xã hội cởi mở khác họ chưa chắc đã phải hy sinh như vậy.

Và về mặt đạo lý, khó có thể kết luận họ có tội hay không.

*

PHÒNG MỔ
Nguyên tác Gekashitshu của Izumi Kyoka
Phạm Đức Thân (DdS13) dịch từ bản Anh ngữ 
The Surgery Room của Charles Shiro Inouye)


PHẦN 1

Ca mổ sắp diễn ra tại một bệnh viện ngoại ô Tokyo. Nữ bá tước Kifune là bệnh nhân và bạn thân của tôi, BS Takamine sẽ thực hiện ca mổ. Thôi thúc bởi tánh hiếu kỳ, tôi nài nỉ Takamine cho tôi tham dự. Tôi bịa chuyện mình là họa sĩ, sẽ học hỏi được nhiều khi chứng kiến mổ xẻ. Cuối cùng tôi thắng.

Sáng hôm đó tôi rời nhà sau 9 giờ một chút, và kêu xe kéo tới bệnh viện. Vào trong tòa nhà, tôi đang đi dọc xuống một hành lang dài hướng tới phòng mổ thì thấy từ cánh cửa đầu kia hành lang xuất hiện một toán nhỏ phụ nữ có vẻ như gia nhân của một gia đình quý tộc. Chúng tôi chạm trán khoảng giữa hành lang.

Mấy phụ nữ này đang hộ tống một cô bé khoảng 7, 8 tuổi, mặc áo jacket dài bên ngoài kimono. Tôi quan sát họ khi họ tiếp tục đi xuống hánh lang và rồi mất dạng. Khi tôi đi nốt quãng đường từ lối vào của bệnh viện đến khu vực giải phẫu và qua một hành lang dài dẫn tới các phòng hồi sức tôi bắt gặp nhiều nhà quý tộc. Người mặc áo choàng dài, người mặc kimono chính thức; có cả sĩ quan mặc binh phục, và nhiều phụ nữ quý tộc khác - tất cả trông sang trọng, quí phái. Họ hình như chỉ quanh quẩn trong phạm vi hành lang, xen ngang chỗ này, tụ hội chỗ kia, khi thì đi tới lui, khi thì đứng yên. Nhớ lại nhiều xe ngựa tôi thấy đậu gần ngoài cổng bệnh viện, bây giờ tôi mới biết chúng đã đem đến những ai. Vài người trông nghiêm trọng, vài người khác dáng vẻ suy tư, và có người còn hình như bồn chồn nôn nóng. Tất cả đều có chung một vẻ rầu rĩ. Giầy guốc đi lại chộn rộn dưới vòm trần cao đơn độc của bệnh viện vang vọng trong các phòng và dọc hành lang; âm thanh kỳ lạ của những bước chân vang vọng làm cho quang cảnh hình như càng thêm buồn thảm.

Sau cùng tôi cũng tìm được vào phòng mổ. Takamine đang ngồi nghỉ trong ghế bành hai tay khoanh lại. Anh liếc ngó tôi và mỉm cười chào. Mặc dù sắp phải lãnh trách nhiệm nặng nề, một trách nhiệm liên quan tới cả một tầng lớp cao của xã hội, anh bạn Takamine của tôi vẫn giữ vẻ hoàn toàn bình tĩnh hiếm có, như thể đang ngồi ăn tối. Hỗ trợ anh gồm 3 phụ tá, 1 y sĩ tham gia, và 3 y tá của hội Hồng Thập Tự. Vài y tá đeo huy chương trên đồng phục, chắc hẳn là đã được trao tặng vì phục vụ xuất sắc. Ngoài ra, không có phụ nữ nào trong phòng mổ. Tuy nhiên có một số đàn ông, tất cả đều là họ hàng quý tộc cấp bậc khác nhau. Nổi bật trong số đó là một ông trông buồn nản, mệt mỏi, nét mặt thật khó diễn tả. Chắc hẳn ông là chồng bệnh nhân, tức Bá Tước Kifune.

Phòng mổ tắm trong một vùng ánh sáng chói ngời trong suốt đến độ tôi có thể đếm đươc những hạt bụi trong không khí. Nó ở một chỗ hơi tách biệt, giản dị và chắc chắn. Nằm giữa phòng là Nữ Bá Tước Kifune, điểm chú ý của mọi người cả trong lẫn ngoài phòng, đang chăm chú quan sát bà. Quấn trong chiếc áo choàng trắng tinh của bệnh viện, bà nằm trên bàn mổ như một xác chết - khuôn mặt thất sắc, mũi hướng thẳng lên trên, cằm nhỏ nhắn yếu mềm, tay chân hình như quá yếu ớt không thể chịu nổi sức nặng của áo lụa mịn. Hàm răng hé lộ giữa đôi môi nhợt nhạt. Hai mắt nhắm nghiền, cặp lông mày nhăn lại lo lắng. Tóc buông lỏng, xõa trên gối và trải dài xuống trên bàn mổ.

Trước cảnh người phụ nữ xinh đẹp, thanh lịch, quý phái, giờ đây bệnh hoạn yếu đuối tôi cảm thấy ớn lạnh chạy khắp châu thân. Khi tôi liếc Takamine, anh hình như không bị ảnh hưởng, chẳng tỏ dấu hiệu gì mất bình tĩnh hay lo lắng. Anh là người duy nhất trong phòng không đứng mà ngồi. Anh bình tĩnh, tự tin, nhưng tôi thì chỉ thấy sợ phát khiếp khi nhìn bà bá tước trong tình trạng yếu ớt như thế kia.

Ngay lúc đó cửa từ từ mở, và một phụ nữ trẻ lặng lẽ bước vào. Tôi nhận ra chị là một trong mấy gia nhân tôi gặp ở hành lang lúc nẫy, trông nổi nhất trong toán 3 người. Chị lại gần bà bá tước và thì thầm, "Thưa Bà, công chúa đã thôi khóc. Cô đang ngồi yên ở phòng bên".

Bà bá tước gât đầu như xác nhận. Một y tá tiến tới BS Takamine. "Chúng tôi đã chuẩn bị xong".

"Tốt lắm."

Tôi phát hiện một chút run run trong giọng nói của Takamine. Dò trên khuôn mặt anh, tôi nghĩ tôi thấy có hơi chút biến đổi. Bất cứ ai, dù tài giỏi đến mấy, chắc chắn cũng cảm thấy chút lo âu khi bị đặt trong một tình huống như thế này. Tôi thấy ái ngại cho anh.

Hiểu ý bác sĩ, y tá quay sang chị gia nhân. "Chúng tôi đã sẵn sàng. Chị làm ơn...."

Được gợi ý, chị tới gần bàn mổ, hai tay chống trên hai đầu gối, khom người trước bà bá tước. "Thưa Bà, thuốc. Nếu Bà muốn, chỉ xin Bà đếm tới 10, hoặc đánh vần chữ nào đó."

Bà bá tước không trả lời.

"Thưa Bà?'" Chị gia nhân lập lại. "Bà nghe con nói không, Bà?"

Bà bá tước đáp:

"Có. Ta có nghe."

"Vậy thì có thể khởi sự?"

"Với thuốc mê?"

"Vâng, thưa Bà. Chỉ một lát thôi là mổ xong. Họ bảo Bà phải được đánh thuốc mê."

Bà bá tước không trả lời ngay.

"Ta không cần nó", sau cùng bà đáp, giọng rõ ràng.

Mọi người trong phòng liếc nhìn nhau.

"Nhưng bác sĩ không thể mổ nếu không có nó."

"Vậy thì ta khỏi mổ."

Chị gia nhân im lặng, quay sang bá tước.

Bá tước bước tới trước. "Phu Nhân, đừng vô lý như thế. Làm sao mổ bà mà không đánh thuốc mê? Làm ơn chấp thuận đi".

Giữa lúc ấy, nam tước xen vào "Nếu bà cứ nhất định vô lý như vầy, tôi sẽ yêu cầu đem công chúa vào. Bà có biết nếu bà không khá hơn, công chúa sẽ ra sao không?"

"Tôi biết cái gì sẽ xẩy ra"

"Vậy thì Bà sẽ chịu nhận thuốc?" Chị gia nhân hỏi.

Bà bá tước chậm chạp lắc đầu. 

Một y tá xen vào. "Nhưng tại sao không?" chị hỏi giọng nhẹ nhàng.

"Không hề khó chịu chút nào. Bà sẽ chỉ cảm thấy hơi buồn ngủ một chút, và rồi thế là xong".

Tới lúc này cặp lông mày bà bá tước nhíu lại, đôi môi méo mó như thể bị đau hành hạ. Bà hơi hé mở mắt. "Nếu chị cứ nhất định đòi biết, thì ta đành phải nói tại sao. Ta có một bí mật giữ trong tim. Giờ đây ta sợ rằng thuốc mê sẽ làm ta lộ bí mật. Nếu ta không thể mổ mà không có thuốc mê, thì ta từ chối mổ. Làm ơn để ta yên."

Nếu đôi tai không phản bội tôi thì thực sự rõ ràng là bà bá tước, sợ rằng mình có thể tiết lộ bí mật trong khi hôn mê, đã sẵn sàng đối diện cái chết để bảo vệ cái ở trong tim. Tôi tự hỏi chồng bà cảm nghĩ thế nào khi nghe bà nói như vậy. Bình thường nếu vợ của ai nói ra kiểu này thì hẳn là sẽ gây tai tiếng. Tuy nhiên những người đang chữa trị cho bà không hề có ý tưởng coi nhẹ ước muốn của bà, nhất là khi bà khăng khăng không muốn ai biết bà đang nghĩ gì.

Bá tước lại gần giường vợ, hỏi nhẹ nhàng, "Ngay cả tôi, bà cũng không nói?"

"Tôi không thể cho ai biết," bà bá tước đáp vẻ cương quyết.

"Nhưng bà không biết thuốc có làm bà nói...."

"Tôi biết. Đó là cái luôn luôn ở trong đầu tôi. Và tôi biết tôi sẽ nói ra".

"Giờ bà lại vô lý nữa rồi"

"Vậy đó, tôi rất tiếc!". Bà bá tước hình như hắt mạnh ra những lời quyết liệt này, rồi quay về phía trong cách khỏi mọi người. Thân xác bà đang bị bệnh tình hành hạ. Tôi có thể nghe thấy răng bà run lập cập.

Chỉ có một người trong phòng không tỏ vẻ dao động. Đó là BS Takamine. Trước đó tôi có liếc về phía anh. Trong thoáng chốc anh có hơi mất bình tĩnh, nhưng liền sau đó lấy lại vẻ tự tin ngay.

Nam tước nhăn mặt, quay sang bá tước. "Kifune, đưa công chúa vào. Cô bé sẽ làm bà đổi ý."

Bá tước gật đầu và gọi gia nhân. "Aya!"

"Thưa Ông?" Chị nhìn lại ông.

"Đem công chúa lại".

Nhưng rồi bà bá tước ngăn lại. "Đừng, Aya. Tại sao tôi phải ngủ mới mổ được?"

Y tá gượng nở nụ cười. "Bác sĩ sắp phải cắt ngực bà. Bà chỉ cử động một chút thôi cũng sẽ rất nguy hiểm".

"Vậy thì ta sẽ không. Ta sẽ không cử động. Làm đi. Cứ mổ đi."

Tôi rùng mình nghe những ý nghĩ điên rồ như thế. Tôi ngờ rằng ngay những quan sát viên y khoa cũng không có can đảm để quan sát.

Y tá lại lên tiếng. "Nhưng thưa bà, cho dù bà không cử động, vẫn còn đau lắm. Không phải như cắt móng tay đâu."

Lúc này đôi mắt bà bá tước mở lớn. Bà cố gắng lấy lại bình tĩnh và hỏi bằng một giọng rõ ràng. "Bác sĩ Takamine đảm nhận mổ, phải không?"

"Vâng. Bác sĩ trưởng khoa mổ. Nhưng ngay bác sĩ Takamine cũng không thể mổ không đau".

"Mổ đi. Sẽ không đau."

Lần đầu tiên y sĩ tham gia xen vào. "Thưa bà, bịnh của bà không phải tầm thường. Chúng tôi phải cắt các bắp thịt và nạo xương. Nếu bà có thể chịu đựng với chúng tôi trong một lúc ngắn thôi".

Ca mổ rõ ràng ngoài sức chịu đựng của bất cứ người bình thường nào, nhưng bà bá tước hình như không lay chuyển. "Tôi biết rõ lắm. Nhưng tôi không bận tâm, chả bận tâm chút nào."

"Bệnh đã ảnh hưởng đến tâm trí bà rồi", bá tước đau khổ nhận xét.

"Có lẽ chúng ta nên xét đến chuyện hoãn qua ngày khác," nam tước đề nghị. "Với thời gian chúng ta có thể thuyết phục bà."

Bá tước đồng ý ngay, và mọi người trong phòng cũng vậy - nghĩa là mọi người chỉ trừ Takamine. "Ca mổ không thể đợi! Vấn đề ở đây là mọi người đã quá xem nhẹ ca bệnh này. Tất cả câu chuyện về cảm xúc chỉ là một cái cớ để hoãn. Y tá! Giữ chặt bà xuống!"

Theo lệnh nghiêm khắc của bác sĩ 5 y tá vội vàng vây quanh bà bá tước và giữ chặt tay chân bà. Bổn phận của họ là tuân lời, làm theo lệnh bác sĩ không được thắc mắc, không để cho xúc cảm xen vào.

"Aya! Cứu ta!" Bà bá tước thoi thóp kêu lên.

Chị gia nhân lao tới để ngăn y tá. Nhưng rồi chị quay sang bà bá tước và run giọng nói nhẹ nhàng. "Xin Bà. Chỉ chốc lát thôi. Xin Bà làm ơn kiên nhẫn."

Mặt bà bá tước biến thành trắng nhợt. "Cả ngươi nữa! Được rồi, vậy thì mổ đi. Cho dù có khá hơn cuối cùng ta cũng sắp chết. Mổ ta đi! Đây này".

Bàn tay trắng gầy gò của bà yếu ớt mở kimono và phơi ra bộ ngực.

"Ngay cho dù ta chết, cũng không đau! Ta sẽ không cử động đến một li. Làm đi. Cắt ta."

Rõ ràng bà biểu lộ như thế thì đến nước này không gì có thể thuyết phục được bà. Động thái của bà đè nặng trên mọi người trong phòng. Không ai nói một lới. Ngay cả một tiếng húng hắng cũng không nghe thấy. Giữa lúc im ắng nghiêm trọng đó BS Takamine đã giữ im lặng như hến từ nãy giờ, chợt nhỏm dậy khỏi ghế.

"Y tá, dao mổ".

"Cái gì?" Y tá do dự, mắt mở lớn.

Trong khi tất cả chúng tôi ngạc nhiên quan sát, y tá nhìn chăm chăm vào mặt Takamine, thì một phụ tá khác nhấc con dao mổ đã khử trùng, tay hơi run, đưa cho Takamine. Anh đón lấy con dao, và bước nhanh tới bàn mổ.

"Bác sĩ, ông nhất định?" một y tá lo lắng hỏi.

"Phải".

"Vậy thì chúng tôi sẽ cố giữ yên bà"

Takamine giơ tay ngăn chị. "Không cần thiết."

Liền đó anh nhanh chóng mở áo choàng bệnh nhân. Bà bá tước bắt chéo hai tay nắm lấy hai vai. Takamine bây giờ biến thành một vị thánh, đầy quyền lực, trang trọng nói với bà như thể đang tuyên thệ. "Thưa Bà, tôi xin nhận mọi trách nhiệm. Cho phép tôi tiến hành mổ."

"Được" bà bá tước trả lời chỉ có một tiếng, đôi má trắng nhợt chợt bừng đỏ tía. Bà nhìn thẳng vào Takamine, quên hẳn con dao đang dí trên bộ ngực trần.

Mận đỏ mùa đông rơi xuống tuyết, dòng máu trơn nhẹ rỉ xuống ngực và thấm vào áo choàng trắng. Đôi má bà trắng nhợt trở lại, nhưng bà hình như hoàn toàn bình tĩnh.

Đã đến nước này, Takamine làm việc với tốc độ siêu nhân, không phí một động tác nhỏ nào. Không một ai trong chúng tôi đang ở trong phòng, từ chị gia nhân đến y sĩ tham gia, có được một lúc nhỏ nào để thốt lên một tiếng. Trong khi ngực bà bị cắt, có người rùng mình, có người che mắt, có người quay đi, có người nhìn xuống sàn. Tôi thì bị đông cứng vì ớn lạnh.

Trong thời gian vài giây Takamine đã tới chỗ nghiêm trọng khi con dao vào tới xương. Tới lúc này, bà bá tước, trong 20 ngày qua đã không thể trở mình trên giường, phát ra một tiếng "Ah" trầm trong cổ họng. Đột nhiên bà nhỏm người, hai tay nắm chặt cánh tay phải của bác sĩ.

"Bà đau?" anh hỏi.

"Không. Vì là anh. Anh!"

Bà bá tước ngả người trở lại. Đôi mắt bà ngước lên, dán chặt vào khuôn mặt vị bác sĩ nổi tiếng, một cái nhìn lạnh cóng cuối cùng, nhợt nhạt như chết. "Nhưng anh có thể đã không biết".

Ngay lúc đó, bà chộp lấy con dao từ tay Takamine và đâm vào người, ngay chỗ dưới ngực. Takamine, mặt tái nhợt như tro, lắp bắp, "Tôi đã không quên".

Giọng nói của anh, hơi thở của anh, hình ảnh đẹp trai của anh.

Một nụ cười vui sướng ngây thơ nở trên khuôn mặt bà bá tước. Bà buông tay Takamine, ngã người xuống gối trong khi mầu môi nhạt dần. Lúc đó hai người tuyệt đối một mình, quên hết đất trời và hiện hữu của tha nhân.  


PHẦN 2 - CHÍN NĂM TRƯỚC

Hôm đó ngày 5 tháng Năm, hoa đỗ quyên nở mãn khai. Takamine, một sinh viên y khoa, và tôi đang tản bộ qua Thảo Viên Koishikawa. Chúng tôi khoác tay nhau lang thang giữa cỏ thơm, ngắm hoa đậu tía mọc quanh hồ.

Khi chúng tôi quay người để leo lên một đồi nhỏ phủ đầy đỗ quyên, một nhóm du khách xuất hiện từ hướng ngược lại. Dẫn đầu là một ông có bộ ria mép, mặc bộ đồ vét Âu phục, đội mũ ống. Ông là người đánh xe cho một gia đình quý tộc. Ba phụ nữ theo sau, mỗi người cầm một cái dù, và rồi tới ngưới đánh xe thứ hai, y phục giống như ông trước. Chúng tôi có thể nghe tiếng lụa loạt soạt dòn trơn khi họ tới gần. Takamine quay đầu nhìn và dõi theo họ khi họ đi ngang qua.

"Bạn đã thấy chưa?" Tôi hỏi.

"Tôi đã thấy". Takamine gật đầu.

Chúng tôi trèo lên đồi để ngắm cảnh hoa đỗ quyên. Hoa đẹp chói lọi, nhưng không tuyệt vời như những phụ nữ chúng tôi vừa gặp.

Có hai thanh niên, có lẽ dân buôn, đang ngồi trên chiếc ghế dài gần đó. Chúng tôi nghe lóm được câu chuyện của họ.

"Kichi," một anh nói với anh kia. "Một ngày đã quá!"

"Đôi khi tôi mừng là đã nghe lời bạn. May mà chúng ta đã không đi Asakusa."

"Cả 3 người đều đẹp quá. Ai là hoa mận, ai là hoa anh đào?"

"Tuy nhiên, một người chắc hẳn đã có gia đình với kiểu tóc để như vậy."

"Ai để ý đến kiểu tóc của họ chứ? Dẫu sao, họ ngoài tầm với của chúng ta."

"Còn người trẻ thì sao? Bạn có nghĩ nàng nên mặc đẹp hơn một chút?"

"Có thể nàng không muốn được chú ý. Bạn có ngắm người đi giữa không? Nàng là người đẹp nhất trong nhóm."

"Bạn có nhớ nàng mặc gì không?"

"Cái gì đỏ hồng như oải hương."

"Bạn tất cả chỉ có thể nói vậy thôi sao? Cái gì đỏ hồng như oải hương? Bạn cần phải học thấy nhiều hơn. Không có vẻ gì là bạn không chú ý."

"Nhưng tôi bị choáng ngợp. Tôi không thể nhìn lên suốt lúc đó."

"Vậy bạn chỉ nhìn từ eo nàng trở xuống. Đúng vậy không?".

"Dẹp cái đầu óc bẩn thỉu của bạn đi, đồ quỷ! Chỉ liếc nhanh như vậy, tôi không thể nhìn thấy mọi thứ."

"Ngay cả dáng họ di chuyển? Như thể là chân họ không chạm đất. Chúng lướt đi trong sương mờ. Bây giờ tôi mới biết được cái đặc biệt của dáng đi phụ nữ mặc kimono. Ba người này là một loại tách biệt. Họ hoàn toàn tự nhiên thoải mái trong xã hội thanh lịch. Làm sao cái bọn bình dân rác rưởi có thể bắt chước họ được."

"Nói quá khắc nghiệt."

"Khắc nghiệt nhưng đúng. Hãy nhớ lại những gì tôi đã nguyện ở Đền Konpira. Tôi hứa rằng 3 năm tôi sẽ không gặp một ả giang hồ nào. Hừm, tôi đã không giữ lời hứa. Tôi vẫn còn đeo cái bùa hộ mạng, nhưng ban đêm tôi lại lẻn xuống xóm lầu xanh. May mà tôi chưa bị trừng phạt. Nhưng bây giờ thì tôi đã sáng mắt rồi. Ích gì mà cứ vướng víu với mấy ả điếm này? Họ quyến rũ bạn với mầu đỏ đẹp lòe loẹt, nhưng thật ra họ là gì? Chỉ là rác rưởi! Mấy con giòi uốn éo!"

"Ô, thôi đi."

"Không. Tôi nói thật đấy. Hãy thử nghĩ xem! Họ có tay. Họ đứng trên hai chân. Họ mặc lụa mịn. Họ còn cầm cả dù nữa. Nhìn vậy bạn tưởng họ là phụ nữ thật sự, có thể là các bà nữa. Nhưng so với 3 người chúng ta thấy hôm nay, thì họ thật sự là gì? Họ bẩn thỉu, gớm ghiếc không thể tả! Nghĩ đến chuyện bạn vẫn bảo họ là phụ nữ làm tôi phát gớm."

"Nói vậy thì ghê quá, nhưng có thể bạn đúng một phần. Chính tôi cũng từng bị mờ mắt vì một khuôn mặt đẹp. Nhưng sau ngày hôm nay, tôi được thanh tẩy rồi. Tôi đang bắt đầu lại. Không phải hễ thấy bất cứ đàn bà nào là để ý."

"Cả đời bạn chỉ nhìn ngắm. Bạn tưởng rằng sẽ có một em thích bạn? 'Ôi, anh Kichi, làm ơn.' "

"Dẹp đi."

"Giả sử có em gọi bạn 'Cưng ơi' ? Bạn sẽ làm gì? "

"Có lẽ chạy mất"

"Bạn thì sao, cũng vậy?"

"Bạn muốn nói là bạn sẽ...."

"Tôi sẽ chạy, nhất định là vậy"

Takamine và tôi nhìn nhau một lúc, không ai nói một lời. "Chúng ta tản bộ chút nữa?". Sau cùng tôi đề nghị.

Hai chúng tôi đứng dậy. Khi chúng tôi đã bỏ lại hai chàng thanh niên đằng sau, Takamine không thể kìm được cảm xúc. "Bạn có thấy hai chàng này đã bị xúc động như thế nào bởi cái đẹp thực sự không? Giờ thì đó là một đề tài cho mỹ thuật của bạn. Đó là cái bạn nên nghiên cứu."

Vì tôi là họa sĩ, tôi quả thực có xúc động. Tôi thấy, xa xa ngang qua công viên, lướt dưới bóng của một cây long não lớn, phấp phới ánh lụa đỏ hồng như oải hương. Ngoài cổng công viên đậu một xe ngựa lớn, với những cửa sổ kính đóng băng, và 2 con ngựa kéo đẹp. Ba người đánh xe ngồi nghỉ bên cạnh.

Trong 9 năm kế tiếp, cho tới biến cố ở bệnh viện, Katamine không hở một lời nào về nàng, cho dù là với tôi. Xét theo tuổi tác và địa vị anh trong xã hội anh có thể lập gia đình khá giả. Nhưng anh không hề lấy vợ. Thay đổi có chăng thì chỉ là trong sinh hoạt cá nhân riêng tư anh trở nên nghiêm túc hơn, khác những ngày còn là sinh viên. Nhưng tôi đã nói đủ rồi. Mặc dù huyệt mộ của họ nằm ở hai nơi khác nhau -một ở đồi Aoyama, một ở dưới phố tại Yanaka - nữ bá tước và Bác Sĩ Takamine đã chết cùng nhau trong một ngày, người này tiếp sau người kia.

Hỡi các vị tôn giáo của thế giới, tôi xin đặt câu hỏi này với quý vị. Đôi tình nhân này có bị coi là có tội và không được lên thiên đàng không?

Phạm Đức Thân dịch từ bản Anh ngữ 
The Surgery Room của Charles Shiro Inouye)

No comments:

Post a Comment