04 June 2019

Vỡ mộng ở 'thành phố trong mơ' Trung Quốc

Trịnh Châu trải qua "giấc mơ Trung Hoa" với các khoản đầu tư, trợ cấp lớn từ chính phủ, nhưng đối mặt thực tại ảm đạm khi kinh tế suy thoái.

Cảnh đêm ở trung tâm triển lãm quốc tế Trịnh Châu. Ảnh: VCG.
Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam, chứng kiến sự bùng nổ kinh tế trong một thập niên qua. Từng là thành phố nghèo với 10 triệu dân nằm giữa sông Hoàng Hà và Dương Tử, Trịnh Châu lột xác thành đô thị hiện đại lấp lánh ánh đèn nhà cao tầng và hàng loạt cầu vượt cao tốc.

Mạng lưới đường sắt được nâng cấp biến Trịnh Châu thành một trung tâm hậu cần, kết nối đầu ra của Trung Quốc tới các tuyến đường bộ vận chuyển hàng hóa sang châu Âu trong sáng kiến Vành đai và Con đường.

Foxconn, nhà cung cấp linh kiện cho Apple, đã xây dựng nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới ở Trịnh Châu. Với nhiều người ở tỉnh Hà Nam, Trịnh Châu là biểu tượng của thành đạt và cơ hội, là thỏi nam châm thu hút người dân khỏi các trang trại nuôi lợn và cánh đồng lúa mì đến tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn.

Thu nhập đầu người tại Trịnh Châu trong thập niên qua tăng trung bình gấp đôi, đạt 33.105 nhân dân tệ (gần 4.800 USD) năm ngoái, giúp người dân hưởng thụ cuộc sống trung lưu, mua sắm các mặt hàng xa xỉ và tậu nhà.

Các hãng sản xuất ôtô như GM, Honda và Nissan, cùng những thương hiệu hàng xa xỉ như Christian Dior và Cartier đã rót tiền vào Trung Quốc với nhận định rằng nguồn thu nhập ngày càng tăng ở những thành phố như Trịnh Châu sẽ giúp họ mở rộng thị trường.

Nhưng suy thoái kinh tế bắt đầu từ cuối 2018 dường như đã làm lộ ra sự thiếu ổn định của thành phố. Khi nhu cầu giảm sút trong các lĩnh vực từ bất động sản cho tới tiêu dùng và công nghệ, nhiều người cảm thấy cơ hội tiến cao hơn trong bậc thang xã hội đã biến mất khi chi phí sinh hoạt tăng cao, vượt xa thu nhập. Thành phố đầy ắp cơ hội làm giàu một thời giờ đang khô cạn.

Đầu năm 2019, phóng viên Reuters tới Trịnh Châu trò chuyện với hàng chục chủ doanh nghiệp, người tiêu dùng và người dân đang hy vọng mua được nhà. Nhiều người lo lắng hoặc nghi ngờ về khả năng giữ vững hoặc đạt được ước mơ thịnh vượng theo lời hứa hẹn của các lãnh đạo Trung Quốc.

Họ cảm thấy Trung Quốc sẽ gặp rất nhiều khó khăn để xây dựng một nền tảng kinh tế mới cho tương lai ở những tỉnh nội địa như Hà Nam, đồng thời cho rằng đây là bài kiểm tra thực tế với các nhà bán lẻ toàn cầu đang tìm kiếm thị trường mới.

Từ nhỏ, Gong Tao luôn cháy bỏng giấc mơ trở thành doanh nhân giống bố. Nhờ  bán bút lông thư pháp, bố anh đã kiếm đủ tiền nuôi sống gia đình ở Hà Nam và dạy Gong hiểu giá trị của lao động chăm chỉ.

Khi mới ra trường, Gong mở một cơ sở kinh doanh ở Trịnh Châu năm 2014, chuyên khắc ảnh kỹ thuật số lên bản in kim loại cho khách hàng vào những dịp đặc biệt. Hai năm sau, khi mới 24 tuổi, Gong bước chân vào nền kinh tế trực tuyến đang bùng bùng phát, tạo ra một công ty khởi nghiệp giúp khách hàng thiết kế chương trình cho WeChat, nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất Trung Quốc.

Việc kinh doanh rất thuận lợi, nhờ vào sự phát triển sôi động của thị trường công nghệ và chính sách hỗ trợ của chính phủ. Gong mở rộng doanh nghiệp, cải tạo văn phòng, sắm sửa nội thất mới, tuyển tới 70 nhân viên. Nhưng đến năm ngoái, hàng loạt đối thủ cạnh tranh với mức giá rẻ xuất hiện khiến việc làm ăn của Gong chững lại, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc bắt đầu chậm lại.

"Chúng tôi không thể dự đoán thị trường lại rơi xuống vực nhanh như thế", Gong nói trong một cửa hàng thức ăn nhanh ở trung tâm thành phố Trịnh Châu. Chàng trai 26 tuổi buộc phải cắt giảm đáng kể chi tiêu cho quần áo, ngừng đi ăn ở nhà hàng.

"Cả năm 2017, việc làm ăn của tôi rất suông sẻ, mọi thứ đều tốt nhưng năm 2018, mọi việc bất ngờ thay đổi", anh nói.

Tháng 10 năm ngoái, Gong nghe theo lời khuyên của một cố vấn, đóng cửa cơ sở kinh doanh và chờ qua cơn suy thoái. Gong tìm được công việc bán hàng tại công ty con của một trong những tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, nhưng nhanh chóng vỡ mộng vì công việc đơn điệu và lương thấp. Ăn Tết xong, anh quyết định không quay lại làm việc.

Gong than thở vì đã không mua một căn hộ ba năm trước, khi giá nhà chưa tăng đột biến, dù gần đây đã giảm. Mối quan hệ của anh với bạn gái cũng kết thúc giống việc kinh doanh.

Gong không từ bỏ khát vọng tự kinh doanh suốt đời, nhưng cho biết mình cần phải thực tế và đang cố tìm một việc làm văn phòng bình thường trong tình hình hiện tại. "Hiện thực luôn vô cùng tàn nhẫn", anh nói.

Tốt nghiệp kỹ sư viễn thông của một trường đại học hàng đầu ở Bắc Kinh, mua được nhà ở Trịnh Châu, cưới được vợ, Wu Shuang, 26 tuổi, được coi là một người thành công điển hình ở Trung Quốc.

Nhưng anh luôn cảm thấy gánh nặng không ngừng lên bản thân và đồng nghiệp ở Trịnh Châu. Căn hộ hai triệu nhân dân tệ (290.000 USD) mà Wu mua năm 2017 khiến gia đình chi gần hết khoản tiết kiệm, Wu cũng phải trả hơn 8.000 tệ (1.150 USD) một tháng tiền vay thế chấp.

Sau khi nghỉ việc tại một công ty nhà nước năm ngoái, Wu gác lại kế hoạch mở một quán bar ở Trịnh Châu, khi đối tác rút vốn còn thành phố lâm vào suy thoái.

"Bây giờ không chỉ là giá mua nhà tăng, mà còn rất khó tìm việc làm", Wu nói, lấy tay đẩy gọng kính đen trên khuôn mặt tròn. "Kinh tế chậm lại, cơ hội ít đi".

Với nhiều thanh niên, giấc mơ Trung Quốc là tìm được việc tốt, kết hôn ở độ tuổi nhất định và mua nhà, giờ đây ngoài tầm với. Giá bất động sản tăng buộc họ phải ăn bám bố mẹ dù đã tới tuổi trưởng thành. Wu cho hay bố mẹ đã giúp anh khoản tiền đặt cọc mua nhà và thanh toán tiền vay hàng tháng, khiến bản thân anh rất xấu hổ vì bố mẹ không phải người giàu có.

"Nhiều người cảm thấy bất lực vì đa số những người đang tận hưởng cuộc sống tốt đẹp không phải dựa vào bản thân mà nhờ vào gia đình", Wu nói, tay mân mê cốc cà phê đá trong một quán nước nhộn nhịp ở Trịnh Đông, quận tài chính thương mại mới của Trịnh Châu.

"Lương bổng có thể không khác biệt nhiều lắm, nhưng vì bối cảnh gia đình khác nhau, bạn có thể có ít lựa chọn hơn trong cuộc sống", anh bày tỏ.

Bước xuống thêm một nấc thang trong xã hội Trung Quốc, nhiều người cảm thấy bị bỏ lại phía sau và không thể cải thiện cuộc sống dù đã làm việc chăm chỉ.

Nhiều thế hệ gia đình Sun sống nhờ nghề chài lưới trên sông Hoài và Hoàng Hà. Giống ông nội và bố, anh em Sun Genxi, 44 tuổi và Sun Lianxi, 32 tuổi, sinh ra trên thuyền cá.

Sun Lianxi, một ngư dân đánh bắt cá trên sông Hoàng Hà hồi tháng hai. Anh cảm thấy bị bỏ lại và cuộc sống không thể khá hơn, dù đã làm việc chăm chỉ. Ảnh: Reuters.

Kinh tế Trung Quốc phát triển lại là sự trêu ngươi với hai anh em. Từ căn nhà nổi trên sông Hoàng Hà cách trung tâm Trịnh Châu khoảng một giờ lái xe về phía bắc, họ chứng kiến sự phát triển đầy ngoạn mục của tỉnh lỵ.

"Những tòa nhà cao tầng đó chẳng liên quan gì đến tôi. Chúng được xây cho người khác, không phải tôi", Lianxi nói. "Chúng tôi không có phần nào trong đó".

Gia đình Sun đang sống trong lều trải bạt và tấm nhựa bên bờ sông, kiếm ăn nhờ câu cá trên một chiếc xuồng nhỏ. "Giấc mơ của tôi là có một nơi để sống. Cả gia đình đều được sống trong nhà, tôi đi làm việc nuôi họ và không đánh cá nữa", Sun Lianxi nói. "Giờ có được một cuộc sống như thế thật là điều xa xỉ".

Hồng Hạnh (Theo Reuters)
(VNEpress)

No comments:

Post a Comment

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...