30 August 2018

GÓT CHÂN ASIN CỦA TRUNG QUỐC ĐÃ LỘ RÕ

Nguyễn Quang Dy
Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung (đang leo thang) đã làm thị trường chứng khoán Trung Quốc xuống dốc, đồng NDT mất giá, xuất khẩu giảm sút, kinh tế phát triển chậm lại. Bên cạnh những hệ quả nhãn tiền đó, Trung Quốc đang bộc lộ “gót chân Asin” (Achilles’ Heel), như một tiếng chuông cảnh báo làm người Trung Quốc giật mình tỉnh ngộ. Tôi tin rằng nếu Trung Quốc bị suy sụp thì không phải từ bên ngoài như Biển Đông, là nơi họ có lợi thế so sánh tương đối, mà chính từ bên trong nơi họ dễ bị tổn thương vì “gót chân Asin”.

Cách đây hơn hai năm, khi tôi viết bài “Gót chân Asin của Trung Quốc: Cơ hội thoát Trung” (Viet-studies, 12/2/2016) và bài “Nghịch lý Tập Cận Bình: Dr Jekyll or Mr Hyde” (Viet-studies, 17/5/2016), chưa ai hình dung được kết cục thế này. Tuy vẫn còn quá sớm để đánh giá và kết luận về cuộc chiến tranh thương mại (chưa có điểm dừng) nhưng sẽ quá muộn nếu không kịp thời rút ra bài học, để có đối sách thoát hiểm (trước khi quá muộn). Việt Nam cần nắm bắt cơ hội này để điều chỉnh chiến lược, đổi mới thể chế, và thoát Trung.

Trong các bài phân tích trước đây, tôi đã đề cập đến cảnh báo của các học giả hàng đầu về Trung Quốc (như Paul Krugman, David Shambaugh, Minxin Pei, Andrew Nathan). Về cơ bản, họ đều cho rằng Trung Quốc có nhiều vấn đề nghiêm trọng, và không mạnh như người ta tưởng. Trung Quốc có dấu hiệu sắp đổ vỡ, nhưng chưa biết khi nào. Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung là một bước ngoặt mới, làm bộc lộ “gót chân A-sin” như mở cái “hộp Pandora”, với những tử huyệt mà trước đây người ta mới đồn đoán, nhưng nay thành sự thật.

Cách đây 5 năm, Paul Krugman (môt chuyên gia kinh tế hàng đầu, được giải Nobel) đã nhận định rằng “Trung Quốc đang có vấn đề lớn” (China is in big trouble) vì mô hình phát triển của họ đã kịch đường, đang đụng phải bức tường lớn. Vấn đề chưa biết rõ là bao giờ Trung Quốc sẽ suy sụp. (Hitting China’s Wall, Paul Krugman, NYT, July 18, 2013).

Cách đây 3 năm, David Shambaugh (một học giả hàng đầu về Trung Quốc) cũng nhận định tương tự: “Trung Quốc sắp đổ vỡ” (crack up). Theo Shambaugh, “màn chót của Trung Quốc đã điểm, các biện pháp cứng rắn của Tập Cận Bình chỉ làm Trung Quốc tiến gần hơn đến chỗ đổ vỡ (breaking point). (The Coming Chinese Crackup, WSJ, March 6, 2015).

Gần đây, trong một bài phân tích mới, Minxin Pei (một chuyên gia hàng đầu về Trung Quôc) cũng nhận định rằng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang làm Trung Quốc bộc lộ các mặt yếu kém như “một người khổng lồ chân bằng đất sét” (as a giant with feet of clay). (China’s Summer of Discontent, Minxin Pei, Project Syndicate, August 2, 2018).

Biết mình biết người

Trong binh pháp, Tôn Tử từng răn “biết mình biết người, trăm trận trăm thắng”. Nhưng những gì vừa diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm bộc lộ một thực tế khó phủ nhận là Bắc Kinh không biết mình biết người. Hay nói cách khác đó là “ngộ nhận chiến lược”. Bắc Kinh đã đánh giá thấp Trump, tưởng ông là “tổng thống con buôn” (dealer) nên chắc chỉ dọa già để đàm phán, chứ không dám đánh thuế thật. Vì vậy, khi Trump tuyên chiến và ra đòn quyết liệt, Bắc Kinh đã bị bất ngờ (caught off guard) và đối phó bị động và lúng túng.   

Gần đây, khi các chuyên gia của Stratfor (một tổ chức nghiên cứu chiến lược) đến Trung Quốc, họ cảm thấy có sự bất ổn (uncertainty). Người Trung Quốc không còn nhắc đến “Made-in-China 2025” như trước, như có một cuộc “rút lui chiến lược” (tuy đã quá muộn). Cuộc chiến thương mại với Mỹ làm Bắc Kinh đau đầu, và nổ ra tranh luận về chính sách (đã bộc lộ sai lầm), về vị thế của Tập Cận Bình (đang bị nội bộ chỉ trích), về vai trò và tương lại của các cố vấn chủ chốt liên quan đến Mỹ, như Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan) phó chủ tịch nước, là cánh tay phải của Tập, và Lưu Hạc (Liu He) phó thủ tướng, phụ trách đàm phán với Mỹ. Nếu Trung Quốc bị thất thế và thua cuộc thì sự nghiệp chính trị của họ cũng bị tổn thương.   

Nay Tập Cận Bình nắm quyền lực tuyệt đối, như “Chủ tịch Mọi thứ” (Chairman of Everything) hay “Hoàng đế Đỏ” (Red Emperor). Xung quanh Tập không thiếu người tài, nhưng thể chế độc tài và tệ “sùng bái cá nhân” đang làm thui chột sáng tạo và vô hiệu hóa tài năng, vì vua không chịu lắng nghe, hoặc các quan không dám nói thật. Đó chính là nghịch lý Tập Cận Bình và “gót chân Asin” của Trung Quốc (và một số nước khác). Muốn khắc phục vấn nạn đó, phải thay đổi thể chế, vì chỉ thay người (như thay áo) sẽ không giải quyết được vấn đề. Einstein đã từng nói: “Không thể giải quyết được vấn đề bằng chính tư duy đã tạo ra nó”.

Trung Quốc đã đi quá xa với tham vọng bành trướng ra toàn cầu để thách thức Mỹ. Tuy đã quá muộn để quay lại theo lời răn của Đặng Tiểu Bình là “giấu mình chờ thời”, nhưng “muộn còn hơn không”. Lúc này, dù Tập Cận Bình vẫn có thể tránh né được chỉ trích trực tiếp, nhưng chắc không tránh né được mãi. Các quyết định của Tập ẩn tàng rủi ro, vì ngộ nhận hoặc do “hệ quả không định trước” (unintended consequences), đang làm suy yếu quyền lực. Các quyết sách của Tập về kinh tế, đối ngoại, và quân sự đang chịu sức ép lớn của dư luận trong và ngoài nước, vì những ngộ nhận và nghịch lý đang làm Trung Quốc dễ bị tổn thương.  

Trong khi chính quyền Trump điều chỉnh chiến lược để ngăn chặn Trung Quốc trỗi dậy thách thức Mỹ, Bắc Kinh vẫn ngộ nhận và coi thường (như dưới thời Obama). Vì vậy, khi Trump chuyển sang tấn công, Bắc Kinh đã sa vào thế bị động và thiếu chuẩn bị để đối phó. Trong khi Bắc Kinh đang tái cấu trúc nền kinh tế (để giảm núi nợ khổng lồ) nên dễ bị tổn thương như “rắn đang lột xác”, bộ máy tuyên truyền vẫn hùng hổ thách thức Mỹ. Nếu chiến tranh thương mại leo thang (như dự báo), Trung Quốc chắc càng bất ổn về kinh tế, và Tập càng bị thách thức nhiều hơn về chính trị. Nay dù Bắc Kinh có muốn xuống thang hay “rút lui chiến lược” cũng khó vì họ đã đi quá xa. (Xi Jinping’s Path for China, Stratfor, August 10, 2018). 

Cao Biền dậy non

Trong bối cảnh Lưu Hạc thất bại (6/2018) không ngăn được Mỹ quyết định đánh thuế 34 tỷ USD, nhiều người kỳ vọng Vương Kỳ Sơn sẽ vào cuộc như “người chữa cháy số một” (fire fighter in chief). Tuy chưa rõ Vương Kỳ Sơn thực sự không dính líu sâu vào quan hệ với Mỹ, hay ông cố tránh xa quan hệ Mỹ-Trung đang xấu đi, nhưng chắc Vương không tham gia vào lúc này vì Mỹ tiếp tục đánh thuế cao hơn, ông sợ  bị mất mặt. Nếu Lưu Hạc đã bị bỏng bởi đám cháy, Vương Kỳ Sơn có thể bị bỏng còn nặng hơn. Tuy Vương không tham gia lúc này là “dấu hiệu xấu trong quan hệ Mỹ-Trung”, nhưng ông có thể là lá bài chiến lược để dành (cho nước cờ cuối). Đến nay, Bắc Kinh vẫn chưa thực sự biết Washington muốn gì, vì các quan chức Mỹ tham gia đàm phán chia rẽ sâu sắc, nên không có tiếng nói chung (reneging on one’s words). (China-US trade war: Vice-President Wang Qishan ‘the firefighter’ might not be sent to front line, Shi Jiangtao, South China Morning Post, August 22, 2018).

Nhưng Vương Hỗ Ninh (Wang Huning) lại là câu chuyện khác. Ông được coi là “quốc sư” vì phục vụ ba đời Tổng Bí Thư, là bộ óc đằng sau các chủ thuyết qua từng giai đoạn: Giang Trach Dân với thuyết “Ba Đại diện”, Hồ Cẩm Đào với thuyết “Xã hội Khá giả”, và Tập Cận Bình với thuyết “Giấc mộng Trung Hoa”. Tại Đại hội 19, Vương được Tập đưa vào thường vụ Bộ Chính Trị, phụ trách tuyên truyền (thay Lưu Vân Sơn). Mô hình chuyên chế có sức sống (authoritarian resilience) đã phát huy hiệu quả (sau Thiên An Môn). Nhưng khi mô hình “chuyên chế tập thể”  biến thành “chuyên chế cá nhân”, khoác cái áo tư bản nhà nước với “đặc sắc Trung Quốc”, nó đã bộc lộ “gót chân Asin” khi bị Mỹ tấn công. Gần đây, Vương không xuất hiện, làm dấy lên tin đồn là Vương đã thất sủng vì chủ trương tuyên truyền phản tác dụng. 

Thời xưa, Tào Tháo đã để lại một câu nổi tiếng: “Ta thà phụ người còn hơn để người phụ ta”. Thời nay, Đặng Tiểu Bình cũng quyền biến không kém, khi trở mặt thí Triệu Tử Dương (là đệ tử của mình chủ trương cải cách ôn hòa) và ủng hộ phe cực đoan xuống tay đàn áp đẫm máu sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn. Tuy buộc phải nhúng tay vào chàm để giữ quyền lực, nhưng Đặng có lý khi để lại mấy lời răn nổi tiếng: “giấu mình chờ thời”, “quyết không đi đầu”, “lãnh đạo tập thể” và “mèo trắng mèo đen miễn là bắt được chuột”.

Nhưng đáng tiếc là Tập Cận Bình đã làm ngược lại các lời răn của Đặng Tiểu Bình, vì chủ quan tin rằng đã đến lúc Trung Quốc không cần giấu mình, sẵn sàng đi đầu, tập trung quyền lực tuyệt đối để trở thành độc tài và “sùng bái cá nhân” như thời Mao Trạch Đông. Sau Đại hội 19, Tập còn thay đổi hiến pháp để lãnh đạo suốt đời (như một hoàng đế Trung Hoa). Đó là một nghịch lý, không chứng tỏ sức mạnh mà là điểm yếu như “Cao Biền dậy non”.  Đây là một cuộc cách mạng lộn ngược trở về quá khứ (chẳng khác gì cách mạng Hồi giáo Iran).    

Cục diện tứ giác thương mại quốc tế Mỹ-Trung-Nhật-EU bắt đầu suy sụp với tiếng chuông báo động của WTO, mở ra một giai đoạn mới của trật tự kinh tế quốc tế, trong đó Trung Quốc đang bị các cường quốc khác cô lập. Lý Khắc Cường đã đề nghị hợp tác với EU để chống lại Mỹ, nhưng đã bị EU từ chối. Trong khoảng hai tháng qua, đồng tiền NDT đã liên tục mất giá trong khi đồng USD vẫn đang mạnh lên. Nhưng điều làm cho Bắc Kinh lo ngại nhất là các doanh nghiệp nước ngoài sẽ rút vốn ồ ạt ra khỏi Trung Quốc, làm cho dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh. Trong hơn 3.000 tỷ USD dự trữ ngoại hối hiện nay, dự trữ ngoại hối khả dụng không đến 50%, trong khi nợ nước ngoài khoảng 1.800 tỷ USD.

Lợi bất cập hại 

Lãnh đạo Trung Quốc đã chủ quan tưởng rằng họ có thể thắng cuộc khi đối đầu thương mại với Mỹ (trade standoff). Bắc Kinh tưởng Washington sẽ bị mắc kẹt trong cuộc chiến thương mại vì chịu sức ép của cử tri Mỹ đang bị thua thiệt do thương mại bị đình đốn. Trên thực tế, Bắc Kinh dễ bị tổn thương hơn, vì họ cần duy trì tăng trưởng kinh tế để có chính danh quyền lực, và luôn bị ám ảnh bởi bất ổn xã hội. Trong khi Bắc Kinh tăng cường bịt miệng những người bất đồng chính kiến, thì họ cũng bịt luôn những “thông tin trái chiều” (nhưng là sự thật cần biết). Việc Tập nắm quyền lãnh đạo độc tôn đã gây trở ngại cho việc hoạch định chính sách hiệu quả khi các quan chức không dám nói thật, đùn đẩy trách nhiệm ra quyết sách cho lãnh đạo, và thi hành mệnh lệnh một cách thụ động và máy móc (dù hệ quả tốt hay xấu).

Nếu chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang (như dự báo) sẽ dẫn đến những hệ quả khôn lường. Lòng tin của dân chúng vào nền kinh tế sẽ bị suy sụp, làm cho đất nước đứng trước các thách thức mới còn nghiêm trọng hơn nhiều so với xuất khẩu bị giảm sút. Theo quy luật, chiến tranh thương mại thường kéo theo chiến tranh tiền tệ. Lúc đó, không chỉ đồng tiền NDT sẽ tiếp tục phá giá, dẫn đến suy thoái, mà dòng vốn sẽ tháo chạy khỏi Trung Quốc, bất chấp các biện pháp kiểm soát, dẫn đến các hệ quả còn lớn hơn cả tài chính và kinh tế. 

Một biện pháp truyền thống là bán nợ để đối phó với đòn trừng phạt thuế quan trong đối đầu thương mại. Tháng 4/2018, Nga đã quyết định bán 84% số công trái chính phủ Mỹ (US Treasury bonds) mà Nga đang nắm (trị giá 81 tỷ USD), để trả đũa và đối phó với Mỹ đánh thuế các hàng hóa của Nga (như thép). Quyết định này tưởng sẽ tác động đến thị trường và kinh tế Mỹ, nhưng lãi suất công trái 10 năm của Mỹ vẫn giữ ở mức 3%.  Số công trái trị giá 81 tỷ USD mà Nga bán ra chỉ như muối bỏ biển, so với tổng số công trái Mỹ trị giá 21.000 tỷ USD.

Trung Quốc là nước chủ nợ lớn nhất của Mỹ, trong đó có 1.200 tỷ USD công trái (Treasury bonds), bằng 6% tổng số nợ (gấp 10 lần Nga). Nếu Bắc Kinh bán số công trái chính phủ Mỹ (như Nga) sẽ là một quả bom kích hoạt cuộc chiến tiền tệ, tác động đến thị trường tài chính Mỹ và toàn cầu. Đó sẽ là một cuộc chiến hủy diệt lẫn nhau (mutually assured destruction), nên ít có khả năng Tập Cận Bình sẽ trả đũa bằng “quả bom công trái Mỹ” (như dự đoán). Theo một tài liệu nghiên cứu của bộ Quốc phòng Mỹ (năm 2012), về mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ vì Trung Quốc mua quá nhiều công trái, đã kết luận rằng Trung Quốc không thể đem công trái Mỹ ra bán hàng loạt, vì Trung Quốc sẽ là bên thiệt hại nhiều hơn.

Song song với chiến tranh thương mại (đang leo thang), ngày 13/8/2018, Tổng thống Trump đã ký “Luật Chuẩn chi Quốc phòng cho năm tài chính 2019” (NDAA) được Quốc hội thông qua (1/8/2018) phê chuẩn ngân sách quốc phòng 716,3 tỷ USD (tăng 16 tỷ USD so với năm trước). NDAA nhằm ngăn chặn: (1) các hoạt động xâm chiếm lãnh thổ biển đảo của Trung Quốc trong vùng biển Đông Nam Á; (2) các hoạt động gián điệp của Trung Quốc chống lại Mỹ và quốc tế; (3) các kế hoạch của Trung Quốc nhằm làm suy yếu Mỹ. Quốc hội nhấn mạnh “cạnh tranh chiến lược lâu dài với Trung Quốc là ưu tiên chính của Mỹ”. NDAA cũng kêu gọi “xác định lại, mở rộng và kéo dài” (redesignation, expansion, and extension) Sáng kiến Hàng hải Đông Nam Á. (With a wary eye on China’s maritime expansion the US is switching up gear in the Indo Pacific, Emanuele Scimia, South China Morning Post, August 23, 2018). 

Trí thức trỗi dậy  

Theo các nguồn tin từ Trung Quốc, gần đây có một số sự kiện đáng chú ý: Giáo sư Hồ An Cương (Đại học Thanh Hoa) bị phê phán kịch liệt là tác giả thuyết “Trung Quốc đã vượt Mỹ”; Bộ phim “Amazing China” bị ngừng phát hành, sau mấy tháng gây sốt dư luận; Báo chí Trung Quốc được chỉ đạo không còn nhắc đến kế hoạch “Made in China 2025”.

Ông Hồ An Cương đang bị dư luận Trung quốc phê phán, coi lý thuyết của ông là thủ phạm và nguyên nhân trực tiếp làm Trump nổi giận, gây ra cuộc Chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Trong một báo cáo (năm 2016) Hồ An Cương khẳng định Trung Quốc đã trở thành nước chế tạo lớn nhất thế giới, nước xuất nhập khẩu nhiều nhất và thực thể kinh tế lớn nhất thế giới. Trong một báo cáo khác (tháng 4/2017) ông kết luận: “Trung Quốc đã bước vào thời kỳ đuổi kịp và vượt qua toàn diện nước Mỹ, trong đó thực lực kinh tế đã vượt Mỹ năm 2013, khoa học kỹ thuật đã vượt Mỹ năm 2015, sức mạnh quốc gia tổng hợp đã vượt Mỹ năm 2012. Đến năm 2016, ba thực lực trên so với Mỹ đã lớn gấp 1,15 lần về kinh tế, gấp 1,31 lần về khoa học kỹ thuật và 1,36 lần về sức mạnh quốc gia tổng hợp, nên Trung Quốc đứng đầu thế giới!”.

Gần đây, 27 học giả, nhà nghiên cứu, và cựu sinh viên Đại học Thanh Hoa đã ký tên vào một lá đơn yêu cầu Đại học Thanh Hoa cách chức Viện trưởng và tước bỏ học hàm giáo sư của Hồ An Cương. Sau đó, lá đơn này đã được 1.000 cựu sinh viên của trường đại học danh tiếng này hưởng ứng ký tên. Nội dung lá đơn tố cáo các nghiên cứu của Hồ An Cương đi ngược lại những kiến thức thông thường, đẻ ra cái gọi là “báo cáo học thuật về sức mạnh quốc gia tổng hợp của Trung Quốc đã vượt Mỹ”. Họ cho rằng Hồ An Cương không chỉ làm ô danh trường Đại học Thanh Hoa mà về lâu dài còn làm hại đất nước và nhân dân Trung Quốc.

Một sự kiện khác đáng chú ý là Giáo sư Tôn Lập Bình (Đại học Thanh Hoa) đã viết bài trên mạng Weibo (được lan truyền khắp cả nước), chỉ trích các hoạt động tuyên truyền nói trên là “vừa gây tai họa cho quốc gia, vừa mang tai ương cho nhân dân”. Theo ông, các trường đại học danh tiếng (Ivy League) và các cơ quan nghiên cứu hàng đầu của Mỹ đã hội tụ được các nhân tài giỏi nhất toàn cầu, kiên trì nghiên cứu cơ bản suốt mấy chục năm nay, trong khi Trung Quốc chỉ mới trỗi dậy trong một thời gian ngắn, nên đừng mong đuổi kịp Mỹ. Ông cảnh báo nếu người Trung quốc suốt ngày tung hô kế hoạch “Made in China 2025”, và bộ phim “Amazing China”, là “Đại quốc Trọng khí” (vật quý, quan trọng của nước lớn) thì chẳng khác gì “gõ thanh la và đánh trống lôi người khác tỉnh dậy, để tìm cách kiềm chế chúng ta”.

Ông Long Vĩnh Đồ (cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại thương Trung Quốc) cũng phê phán quan điểm của ông Hồ An Cương về “Trung Quốc đã vượt Mỹ về ba thực lực”. Ông Long viết: “Mới đây, một báo cáo kết quả nghiên cứu của Viện trưởng Hồ An Cương ở Đại học Thanh Hoa cho rằng 6 thực lực phát triển của Trung Quốc (kinh tế, khoa học kỹ thuật, sức mạnh tổng hợp, quốc phòng, ảnh hưởng quốc tế và văn hóa mềm) đều đã bước vào thời kỳ đuổi kịp và vượt Mỹ toàn diện, trong đó 3 thực lực đầu đã vượt Mỹ”. Theo ông, từ trước đến nay, Trung Quốc chưa bao giờ coi thực lực kinh tế vượt Mỹ là tiền đề để xử lý quan hệ với Mỹ. Về thực lực phát triển, tố chất con người, hay sức mạnh tổng hợp quốc gia đều còn khoảng cách rất xa so với người Mỹ. Nhưng ông Hồ An Cương đã làm lãnh đạo và xã hội Trung Quốc lầm lẫn.

Tuyên truyền ra sao

Trên Nhân dân Nhật báo (2/7/2018) có bài “Bàn về trào lưu thổi phồng tự đại”, cũng chỉ trích “cách nói 3 thực lực của Trung Quốc đã đuổi kịp và vượt Mỹ”. Bài báo phê phán một số bài viết tung hô “Trung Quốc đã dẫn đầu thế giới về một số lĩnh vực, ai cũng khâm phục”, và “Trung Quốc hiện là nền kinh tế số 1 thế giới”, hoặc “Mỹ đã sợ chúng ta, Nhật cũng sợ, và châu Âu hối hận”. Những bài báo đó đã kích động tinh thần dân tộc cực đoan, làm nhiều người tự cao tự đại, xã hội sa đà vào thông tin sai lạc, vô tình cổ súy cho tư tưởng dân túy.

Sau khi nổ ra chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, “Sự kiện ZTE” bị Mỹ trừng phạt vì lấy cắp công nghệ Mỹ, trở thành một liều thuốc tỉnh ngủ, làm người Trung Quốc giật mình. Nhiều chuyên gia Trung Quốc lên tiếng cảnh báo cái gọi là “thành tựu trong lĩnh vực công nghệ cao” của Trung Quốc không đúng như tuyên truyền. Trong khi Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố cấm các công ty Mỹ trong vòng 7 năm không được bán linh kiện/cấu kiện cho công ty ZTE để phát triển công nghệ 5G cho điện thoại thông minh, làm ZTE đối mặt nguy cơ phá sản, bộ phim “Amazing China” lại tung hô công nghệ cao Trung Quốc, với nhiều tình tiết có thể làm bằng chứng Trung Quốc đã lấy cắp, dùng trộm và cưỡng bức chuyển giao công nghệ, làm các công ty công nghệ khác (như Huawei và Alibaba) lo ngại sẽ là nạn nhân tiếp theo (như ZTE).  

Bộ phim “Amazing China” tràn ngập những hình ảnh về các “kỳ tích vượt bậc, gây nức lòng người” trong lĩnh vực khoa học công nghệ (như máy bay tàng hình J-20, tàu sân bay Liêu Ninh, cầu lớn vượt biển nối Hongkong với Ma Cao). Xuyên suốt bộ phim là những lời ca ngợi sức mạnh Trung Quốc, bừng bừng khí thế yêu nước và lòng tự hào dân tộc. Phim được mô tả là “tác phẩm truyền đi sức mạnh Trung Quốc” gây cơn sốt cả trong nước và ngoài nước. Nhưng đến ngày 19/4/2018, bộ phim đó đột nhiên được thông báo rút khỏi hệ thống các rạp, và gỡ khỏi các trang phim trực tuyến, theo chỉ thị của Ban Tuyên truyền Trung ương.

Theo Tân Hoa Xã, ngày 25/7/2018, Tưởng Kiến Quốc (Phó ban Tuyên truyền TW) đã đột ngột bị cách chức, và ngày 30/7/2018, Lỗ Vỹ (Phó Ban Tuyên truyền TW), đã bị Tòa án đưa ra xét xử. Ủy ban Kiểm tra kỷ luật TW đã buộc tội ông với những lời lẽ nặng nề, như là người khởi xướng trào lưu sùng bái cá nhân và lừa dối lãnh đạo. Nhiều người cho rằng việc chỉnh lý công tác tuyên truyền phản ánh tình trạng Trung Quốc bị đòn đau trong Chiến tranh thương mại. Sai lầm về tuyên truyền dường như đã làm cho lãnh đạo bị bất ngờ (caught off guard), nay họ nhận ra thì đã quá muộn. Công tác tuyên truyền gắn với Tập Cận Bình, tuy vị thế chưa bi suy yếu, nhưng khả năng kiểm soát quyền lực chắc bị giảm sút. (Trumps trade war is rattling China’s leaders, Keith Bradsher & Steven Lee Myers, NYT, August 14, 2018).

Trong nghiên cứu người ta phải dựa trên sự thật, nhưng trong tuyên truyền người ta có thể dựa vào “một nửa sự thật” (half truth) hay “sự thật khác” (alternative facts), thậm chí “tin vịt” (fake news) để đạt mục đích. Nghiên cứu và tuyên truyền tồn tại song song nên dễ làm người ta ngộ nhận và nhầm lẫn. Joseph Goebbels (bộ trưởng tuyên truyền Đức) từng nói: “Nói dối một lần chỉ là nói dối, nhưng nói dối một ngàn lần sẽ thành sự thật” (a lie told once remains a lie, but a lie told a thousand times becomes the truth). Sử gia Yuval Harari gọi xã hội loài người là “hậu sự thật” (post-truth) và cho rằng fake news đã tồn tại từ lâu trước Facebook. (Humans are a post-truth species, Yuval Noah Harari, the Guardian, August 5, 2018).

Ngộ nhận và nhầm lẫn giữa nghiên cứu và tuyên truyền có thể gây tai họa. Điều đó thường xảy ra dưới chế độ chuyên chế khi vua không chịu lắng nghe sự thật và các quan không dám nói ra sự thật (vì sợ trái ý vua). Nó không chỉ xảy ra trong lịch sử, mà đang xảy ra tại Bắc Kinh (và một số nơi khác). Nhiều người đã nhận ra lãnh đạo Trung Quốc vừa qua bị bất ngờ và bị động đối phó với Mỹ trong cuộc chiến thương mại, vì họ đã ngộ nhận và nhầm lẫn lớn (hay còn gọi là “ngộ nhận chiến lược”). Không phải vì Trung Quốc thiếu người tài để đối phó với Mỹ, mà họ đã bị thể chế làm cho thui chột hoăc vô hiệu hóa. Muốn khắc phục vấn nạn này phải thay đổi thể chế, vì chỉ thay người (như thay áo) không thể giải quyết được vấn đề.

Thoát Trung thế nào    

Trong khu vực, xu hướng “thoát Trung” và “theo Trung” xảy ra đồng thời, phản ánh sự phân hóa của các nước (như ASEAN) dưới tác động của Trung Quốc đang trỗi dậy, muốn thao túng khu vực này và Biển Đông (như cái ao riêng của họ). Miến Điện là một trường hợp điển hình đã dám “tái cân bằng” (rebalance) quan hệ với Trung Quốc. Nói cách khác, đó là quá trình “thoát Trung”, để tránh bị “Hán hóa” (sinicization) về kinh tế và chính trị thông qua “bẫy nợ” (debt trap). “Tái cân bằng” hay “thoát Trung” không có nghĩa là bài Trung hay chống Trung Quốc, vì đó là một cường quốc (láng giềng), có một nền văn hóa vĩ đại.

Quá trình “tái cân bằng” tại Miến Điện không phải ngẫu nhiên, mà do mấy thập kỷ kinh nghiệm quan hệ Miến-Trung làm người Miến tỉnh ngộ, buộc phải đảo ngược (push back), tuy họ vẫn phải giữ quạn hệ tốt với Trung Quốc. Nay quá trình đó đang lặp lại tại Triều Tiên sau cấp cao Liên Triều và Mỹ-Triều, tại Malaysia sau khi Mahathir Mohamad thắng Najib Razak và lên làm thủ tướng, và sẽ diễn ra tại các nước khác như một xu hướng mới. Trong khi quá trình “theo Trung” (như Cambodia, Lào, Thailand, Philippines) là do hoàn cảnh, và có thể đảo ngược, thì quá trình “thoát Trung” hầu như không thể đảo ngược (irreversible).  

Một số học giả và nhà báo thiếu phê phán (uncritically) thường có quan điểm thân Trung Quốc, do thấy đầu tư và ảnh hưởng của Bắc Kinh ngày càng tăng trong khu vực. Nhưng đầu tư của Trung Quốc trong mấy năm qua đã dẫn đến phản ứng của dân chúng (public backlash) làm quan hệ song phương dễ đổ vỡ (fragile). Tại Malaysia, thủ tướng mới Mahathir Mohamad (93 tuổi) đang tái cân bằng (rebalance) quan hệ với Trung Quốc như một ưu tiên hàng đầu. Ông đã quyết hủy hai dự án lớn là tuyến đường sắt East Coast Rail Link (trị giá 20 tỷ USD) và đường ống dẫn khí Sabah Gas Pipeline (trị giá hơn 2 tỷ USD). Đây là một phép thử (litmus test) để xem Trung Quốc có mềm dẻo để tái cấu trúc quan hệ trong tương lai hay không.

Tuy Thủ tướng Mahathir công khai chỉ trích quan hệ Trung-Mã dưới thời Razak, nhưng trong chuyến thăm Trung Quốc (18-22/8/2018), ông đã khéo léo tránh đổ lỗi cho Trung Quốc, mà đổ trách nhiệm cho người tiền nhiệm là Rajib Razak. Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh, Mahathir nói rõ: “Chúng tôi luôn ghi nhớ trình độ phát triển của các nước không giống nhau… Chúng tôi không muốn có tình trạng chủ nghĩa thực dân kiểu mới vì các nước nghèo không thể cạnh tranh với các nước giàu. Vì vậy chúng tôi cần thương mại công bằng”.        

Tuy quyết định của ông Mahathir là một thất bại lớn (big blow) cho kế hoạch “Vành đai & Con đường” của Trung Quốc tại khu vực, nhưng Tập Cận Bình vẫn phải vui vẻ chấp nhận và tuyên bố “hài lòng sâu sắc” (deeply satisfied) với chuyến thăm của thủ tướng Mahathir. Sau khi lên cầm quyền, ông Mahathir đã quyết đảo ngược các chính sách của Rajib Razak đã làm Malaysia nợ gần 250 tỷ USD do ký nhiều dự án bất lợi và vay Bắc Kinh hàng tỷ USD để cứu quỹ đầu tư nhà nước khỏi phá sản. (Malaysia cancels two big Chinese projects, fearing they will bankrupt the country, Amada Erickson, Washington Post, August 21, 2018).

Tại Philippines, phản ứng trái chiều của dân chúng sẽ xảy ra khi làn gió chính trị đổi chiều, hoặc khi sức khỏe của tổng thống có vấn đề. Duterte có lần thú nhận ông là “tổng thống vịt què” (lame duck president) và “sẵn sàng từ chức” nếu quân đội và cảnh sát tìm được người thay thế. Lào và Campuchia cũng không phải ngoại lệ. Lào đang sa vào “bẫy nợ” của Trung Quốc, với dự án đường sắt cao tốc (trị giá 6 tỷ USD). Tại Campuchia, ngày càng nhiều người bất bình vì Hun Sen cho Trung Quốc thuê cảng Sihanoukville and Koh Kong 99 năm, và một diện tích chiếm  20% bờ biển nước này. Tuy Hunsen đàn áp đảng đối lập và công khai thân Trung quốc, nhưng con trai Hun Sen lại học West Point (chứ không phải Thanh Hoa).    

Đa dạng hóa quan hệ 

Theo New York Times, các nước châu Á buôn bán với Trung Quôc nhiều hơn với Mỹ (thường với tỷ lệ “hai trên một”). IMF dự báo Trung Quốc có thể trở thành cường quốc kinh tế số một thế giới vào năm 2030. Theo NDS, “Trung Quốc muốn gạt Mỹ khỏi khu vực Indo-Pacific, mở rộng phạm vi mô hình kinh tế nhà nước, và lập lại trật tự khu vực có lợi cho họ... Cạnh tranh kiểu chiến tranh lạnh thường không thấy sự chênh lệch (imbalance) về vùng ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc tại khu vực. Đây là hệ quả do Mỹ đã lỡ bước (missteps) và do chính sách tùy tiện (ad hoc) dựa trên quan hệ song phương của Trump tại Đông Nam Á. (Does China really dominate Southeast Asia?, David Hunt, Asia Times, August 23, 2018).

Theo CNBC (23/8/2018), cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang leo thang tiếp tục “ăn miếng trả miếng”, đánh thuế 25% số hàng hóa của nhau trị giá 16 tỷ USD, đưa tổng số lên 50 tỷ USD (giai đoạn một, từ 6/7/2018), bất chấp đàm phán đang diễn ra (ở cấp thứ trưởng). Nếu đàm phán lần trước (6/2018) ở cấp bộ trưởng (với phó thủ tướng Lưu Hạc) đã thất bại, đàm phán lần này càng khó thành công. Trump nói ông “không hy vọng nhiều vào đàm phán”. Có nhiều khả năng Mỹ sẽ tiếp tục đánh thuế trị giá 200 tỷ USD (giai đoạn hai, từ 9/2018).

Nếu Trung Quốc vẫn không chịu thay đổi, Trump dọa sẽ đánh thuế trị giá hơn 500 tỷ USD (giai đoạn ba) trên toàn bộ hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ năm 2017. Theo Wilbur Ross (bộ trưởng thương mại Mỹ): “Họ sẽ không chịu thua một cách dễ dàng. Dĩ nhiên họ sẽ trả đũa đôi chút, nhưng cuối cùng, chúng ta có nhiều đạn hơn họ. Họ biết điều đó. Nền kinh tế của chúng ta mạnh hơn nhiều so với Trung Quốc, họ cũng biết điều đó”. (CNBC, 23/8/2018).

Theo một báo cáo của Hội Đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations), tuy Mỹ vẫn là đồng minh chính về an ninh của các nước khu vực, nhưng cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang gia tăng, càng thúc đẩy các nước Đông Nam Á đa dạng hóa quan hệ đối tác chiến lược vượt ra khỏi quỹ đạo với Bắc Kinh hay Washington. Tại Malaysia, sau khi lên cầm quyền, Mahathir quyết định đi thăm Tokyo (chứ không phải Bắc Kinh hay Washington), trong chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của mình. Mahathir có thể quay lại chính sách “Hướng Đông” (Look East), vì ông tin rằng Nhật Bản có vai trò quan trọng hơn tại khu vực này. Đó là quan điểm được nhiều nước khác trong khu vực này chia sẻ (trong đó có Việt Nam).  

Quá trình Hán hóa là chiến lược của Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng ra toàn cầu, nhằm cạnh tranh với Mỹ sau khi trỗi dậy thành cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, thông qua cho vay, đầu tư, xây dựng hạ tầng (theo sáng kiến “Vành đai & Con đường”) và dùng ảnh hưởng văn hóa tư tưởng (như Viện Khổng Tử và “Charm Offensive”). Đó là một loại chủ nghĩa thực dân mới (neo-colonization) dùng “bẫy nợ” thay “ngoại giao pháo hạm”, thường dễ thành công tại các nước có thể chế tương đồng (như độc tài, tham nhũng), nhưng về lâu dài sẽ phản tác dụng khi chủ nghĩa dân tộc và xu hướng dân chủ hóa tại các nước đó trỗi dậy để “thoát Trung”, chống lại sự nô dịch kinh tế và văn hóa (economic and cultural coercion).

Tham vọng Hán hóa nhằm nô dịch về kinh tế và văn hóa có thể thành công tại một số nước, nhưng thực tế chứng tỏ đó là một con dao hai lưỡi, có thể trở thành “gót chân Asin” của Trung Quốc trong quan hệ quốc tế, khi Mỹ triển khai chiến tranh thương mại và chiến lược quốc phòng (NDS) nhằm ngăn chặn Trung Quốc. Xu hướng dân chủ hóa và “thoát Trung” theo chủ nghĩa dân tộc tại khu vực sẽ làm Trung Quốc bị cô lập. Những gì đang diễn ra sẽ làm người Trung Quốc giật mình tỉnh ngộ vì họ đã “ngộ nhận chiến lược”. Đó là một bài học lớn không chỉ cho người Trung Quốc, mà còn cho các quốc gia khác chưa tỉnh ngộ. 

Lời cuối 

Gần đây, Patrick Cronin (senior advisor, Center for New American Security) đã đưa ra một khái niệm mới để chỉ hành động của Trung Quốc tại Biển Đông là “insurgency” (bạo động).  Theo Cronin, luật pháp quốc tế trên biển có đứng vững được hay không còn phụ thuộc vào lòng tin của người dân được tự do đi lại như thế nào và tới đâu mà người ta muốn trong phạm vi quyền hạn của họ theo luật quốc tế. Mỹ phải tư duy và hành động như “counterinsurgent” (chống bạo động) trên Biển Đông, để phát huy ảnh hưởng của mình trước Trung Quốc là “insurgent” (kẻ gây bạo động) để bảo vệ sự có mặt thường xuyên và liên tục của tàu bè dân sự tại khu vực này. (China is waging a Maritime insurgency in the South China Sea. It’s time for the United States to counter it, Patrick Cronin, National Interest, August 6, 2018). 

Theo Cronin, Việt Nam là một đồng minh chủ chốt (key ally) của Mỹ tại khu vực, trong khi Mỹ ủng hộ chủ quyền các nước tại Biển Đông, cung cấp nhiều vũ khí, và coi việc ngăn chặn Trung Quốc là mục tiêu chính. Gần đây, các quan chức cấp cao Mỹ đến thăm Việt Nam ngày càng nhiều, như ngoại trưởng Mike Pompeo (cũng như Rex Tillerson), bộ trưởng quốc phòng Jim Mattis, và Tổng thống Trump (11/2017). Việt Nam vẫn thân thiện với Mỹ và lập trường này chắc không thay đổi… Đáng chú ý là gần đây đã nổ ra nhiều cuộc biểu tình tại Việt Nam để phản đối luật đặc khu kinh tế, định cho nước ngoài thuê đất 99 năm.

Tuy Quốc Hội Việt Nam đã thông qua Luật An ninh Mạng (12/6/2018), nhưng lại hoãn thông qua Luật ba Đặc khu (ít nhất là đến hết năm). Diễn biến này có thể liên quan đến những gì đang diễn ra tại Bắc Kinh cũng như trong quan hệ Mỹ-Trung, như một “hệ quả không định trước” (unintended consequence). Chắc phải có mối liên quan chặt chẽ giữa mục tiêu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và mục tiêu chiến lược mới của Mỹ (NDS). Nếu Trung quốc giật mình vì bộc lộ “gót chân Asin”, liệu Việt Nam có giật mình tỉnh ngộ hay không?    

Nguyễn Quang Dy , 25/8/2018 

Nguồn: viet-studies.net/kinhte/NQuangDy_AsinTrungQuoc

Tham khảo:

ở Bangladesh có con đường Ngô Đình Diệm

Có thể bạn chưa biết : ở Bangladesh cũng có một con đường tên Ngô Đình Diệm, có bức tượng tổng thống đang vẫy chào nhân dân Bangladesh, hai bên là hoa sen, quốc hoa của VN, để tưởng nhớ tổng thống. 

Nguyên nhân là vì năm 1960, Bangladesh bị nạn đói hoành hành, thậm chí xảy ra cả việc ăn thịt người. VNCH đã viện trợ cho chính phủ nước BẮC Á này 200.000 tấn gạo và 5 triệu usd hỗ trợ và các gói cứu trợ không hoàn lại khác. Khi NGÔ TỔNG THỐNG mất, nhân dân đã để quốc tang 7 ngày và khóc không ngừng nghỉ.

(Internet)

29 August 2018

Khuynh Hướng Xã Hội và Chủ Nghĩa Xã Hội

Nguyễn Nhơn
Kết quả khảo sát của hãng Gallup vào tháng 8/2018 cho thấy 51% số người trẻ ở Mỹ và 57% số người theo đảng Dân Chủ thích chủ nghĩa xã hội.

Số liệu trên phù hợp với sự kiện các phụ nữ trẻ thuộc tổ chức Dân Chủ Xã hội Hoa Kỳ (Democratic Socialists of America) thắng các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân Chủ. Theo dự đoán sẽ có người thắng cử Hạ Viện vào tháng 11/2018 này.

Ở Việt Nam đảng Cộng sản đã độc tôn sử dụng và diễn giải cụm từ “chủ nghĩa xã hội” theo cách riêng của họ từ nhiều năm nay nên nhiều người Việt cả hai phía theo và chống cộng vẫn mang định kiến về chủ nghĩa này.

Bạn có thể không biết chính Đức Huỳnh Phú Sổ (1920-1947) sáng lập Phật Giáo Hòa Hảo và Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng để truyền bá tư tưởng dân chủ xã hội đến quần chúng Việt Nam.

Chủ trương Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng gồm chính trị cho toàn dân, chống độc tài dưới mọi hình thức và xây dựng dân chủ để thực thi công bằng xã hội.

....Hai nước Mỹ: một giàu một nghèo

Như đã giới thiệu đầu bài tổ chức này đã thắng nhiều cuộc bầu cử sơ bộ đảng Dân Chủ vừa qua.

Theo Harrington có hai nước Mỹ: một của người giàu và một của người nghèo. Quyền lực chính trị và kinh tế đều nằm trong tay người giàu và vì vậy chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng, người đã giàu lại càng giàu hơn.

Thế giới của người nghèo, trong nền kinh tế “tăng trưởng thô bạo” (ruthless growth) ngày càng mở rộng, càng nghèo là nguyên nhân mọi vấn nạn xã hội.

Theo Harrington muốn thay đổi xã hội phải dứt khoát từ bỏ đấu tranh giai cấp do Karl Marx đề ra, phải thực hiện đấu tranh chính trị, phải tái cấu trúc hệ thống các đảng chính trị và phát động cuộc chiến chống lại nghèo khó.

Thực trạng Việt Nam: một giàu một nghèo

Tình trạng bất bình đẳng tại Việt Nam tệ hại hơn nước Mỹ rất nhiều nhưng đến nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Trước đây, đảng Cộng sản nắm độc quyền về cả chính trị lẫn kinh tế, nên xã hội “bình đẳng” trong nghèo đói.

Khi Liên Xô và Đông Âu lâm vào khủng hoảng toàn diện rồi sụp đổ, để sống còn đảng Cộng sản phải mở cửa giao thương với nước ngoài, nhưng vẫn cố nắm độc quyền cả chính trị lẫn phương tiện sản xuất và phân phối.

Đến nay nhiều ngành như điện, nước, xăng, dầu, xuất nhập cảng gạo, cảng, vận tải, viễn thông, hàng không, ngân hàng,… vẫn tiếp tục chịu sự kiểm soát nặng nề của nhà nước, có ngành nhà nước vẫn giữ độc quyền.

Mô hình này tạo ra một tầng lớp tư sản mới hưởng đặc quyền, đặc lợi và tham nhũng bòn rút tài sản quốc gia.

... Để thực hiện mục tiêu “tăng trưởng thô bạo” nền kinh tế Việt Nam đến nay chủ yếu dựa trên đầu tư và vay nợ quốc tế. Hậu quả là ngân sách thu ít, không đủ chi, lại phải trả tiền lời trên các khoản nợ. .

Tư liệu sản xuất là đất được biến thành nguồn vốn của nhà nước đã khiến không ít người dân mất đất, mất kế sinh nhai.

Một ví dụ là Thủ Thiêm ngay trung tâm thành phố Hồ Chí Minh chia làm hai khu vực: một của giới nhà giàu với những cao ốc đầy đủ tiện nghi giàu có, một của các chủ đất chưa được đền bù sống bần cùng không có ngày mai.

... Tầng lớp nông dân, công nhân, dân nghèo thành thị chịu đựng bao đựng bao bất công xã hội, từ lợi tức thấp, giáo dục kém, y tế tồi,… nên chênh lệch giữa các tầng lớp xã hội ngày một cách xa, là nguyên nhân của mọi tệ nạn xã hội.

Việc đấu tranh đòi quyền tự do vì thế cần tiến hành song song với đấu tranh cho một xã hội công bằng.

Có như thế người đấu tranh mới thực sự gần dân, do dân, vì dân và giải quyết được những vấn nạn xã hội do mô hình thể chế cộng sản gây ra.

Thay đổi thể chế để có 'chủ nghĩa xã hội' theo cách thực hiện công bằng xã hội đúng đắn chính là điều kiện để phát triển kinh tế và xã hội Việt Nam thực sự bền vững, lâu dài. (Nguyễn Quang Duy - Vì Sao Giới Trẻ Mỹ Nay Thích Chủ Nghĩa Xã Hội?)

Bây giờ là thập niên thứ hai của Thế kỷ 21, giới trẻ nước Mỹ lại hồ hởi về dzụ "công bằng xã hội" thì thiệt là ... hết biết!

Năm 1990, gã nhà quê xứ Thủ từ địa ngục xã nghĩa tấp tểnh qui mã, tuổi đã 53 vẫn hồ hởi cắp cặp da vào học đại học cộng đồng, lần đầu tiên thấy câu chữ lạ lẫm: Social Capitalism (Tạm dịch: Chủ nghĩa Tư Bản Khuynh hướng Xã hội).

Và người ta giải thích cụ thể theo bản kê về thứ hạng "An Sinh Xã Hội": Mỹ đứng hạng 13 sau các nước Bắc Âu và Âu châu về ... Welfare - An sinh xã hội. 

Vậy là đã từ lâu "Đế quốc Mỹ" vẫn cứ là nước tư bản (có khuynh hướng) xã hội, chớ chẳng có gì lạ. Và bây giờ sở dĩ các anh chị Mỹ trẻ lại nho nhe về dzụ "công bằng xã hơi" thì cũng dễ hiểu.

Đó là do câu thành ngữ Việt Nam: Phú qúy sinh lễ nghĩa. Bần cùng sinh đạo tặc.

Khi kinh tế thịnh vượng "welfare" xả giàn. Khi kinh tế suy thoái thì bó lại.

Và "ăn quen, nhịn hổng quen" nên sanh ra "bức xúc" và mấy anh chị mần chánh trị trẻ thừa cơ hô hoán thủ lợi. 

Thật ra thì trong chánh trị Mỹ, người ta cứ "đối lập" theo hình thức chớ trong đại học các vị giáo sư Mỹ cứ cười cười bảo:

- Ông cộng hòa thì răn đe giới tư bản: À, cứ cái mững "sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi," hổng đóng góp gì cho xã hội thì có ngày sinh loạn mất hết của cải.

- Ông dân chủ thì trề môi bảo: Cứ ngồi đó đòi hỏi welfare cho cố vô, nhà giàu họ hổng thèm kinh doanh mần ăn nữa thì lấy gì ăn?!

Vậy đó, người Mỹ thực dụng là như vậy!

Gã nhà quê xứ Thủ làm biếng tra cứu, nói theo tuồng bụng cầu vui, thật ra cũng phiền muộn trong lòng: Đó là nỗi buồn nhược tiểu! Những gì diễn biến hiện nay ở Mỹ cũng như xứ việt cộng, sĩ phu nước Việt VNCH mặc dầu nền dân chủ non trẻ lại trong thời chinh chiến điêu linh vẫn "thông minh" thiết dựng một thể chế với chính sách cụ thể giải quyết một lượt vừa nạn nghèo khó và công bằng xâ hội.

Lời Mở đầu Hiến Pháp Đệ Nhất VNCH viết:
"Tin tưởng ở giá trị siêu việt của con người mà sự phát triển tự do, điều hòa và đầy đủ trong cương vị cá nhân cũng như trong đời sống tập thể phải là mục đích của mọi hoạt động Quốc gia;"
Điều 20
Quốc gia công nhận và bảo đảm quyền tư hữu. Luật pháp ấn định thể thức thủ đắc và hưởng thụ để ai ai cũng có thể trở thành sở hữu chủ và để bảo đảm cho con người đời sống xứng đáng và tự do, đồng thời xây dựng nền thịnh vượng xã hội.
Điều 21
Quốc gia tán trợ việc nhân dân sử dụng của để dành để thủ đắc nhà ở, ruộng cày, và cổ phần trong các xí nghiệp.
Từ nguyên tắc Hiến pháp, chánh phủ lập ra chính sách: 

1/ Hữu sản hóa toàn dân thông qua "Chương trình hữu sản hóa tài xế taxi", "Người Cày Có Ruộng", :"Khu Trù Mật", "Dinh điền", "Khẩn hoang - Lập Ấp" ...

2/ Cộng Đồng Đồng Tiến - Lao tư Lưỡng lợi: Chủ nhân và công nhân "kẻ có cơm - người có cháo" chớ không để cho xãy ra cảnh " người giàu nứt đố đỗ vách, kẻ lần hổng ra!", " Chương trình Phát triển Cộng Đồng", "Hợp Tác Xã" ...

Cám cảnh sanh tình, bùi ngùi nhắc lại câu chuyện cũ:

ĐỆ NHẤT VIỆT NAM CỘNG HÒA

Tin buồn

Ông HUỲNH KIM THOẠI
Cựu Sinh Viên Ban ĐS9/CH1 Học Viện Quốc Gia Hành Chánh Sàigòn
Đã mãn phần ngày 16 tháng 8 năm 2018 tại Saigòn, Việt Nam
Hưởng thọ 77 tuổi
**

27 August 2018

Trần Độ, Người của sự thật

Vũ Thư Hiên

Tôi ra tù cuối năm 1976. Bận bịu với đủ thứ việc để kiếm sống, hai năm sau tôi mới có dịp gặp lại Trần Độ. Ra khỏi cuộc chiến, với tư cách phó chính uỷ kiêm phó bí thư quân uỷ Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam, nghe nói anh rất bận, nào tham gia viết quân sử, nào tổng kết kinh nghiệm chiến tranh…, tôi không có ý tìm anh.

Nhưng rồi anh tìm tôi. Trong bữa rượu hàn huyên đạm bạc chỉ có ba người, ngoài hai chúng tôi còn có một chị cán bộ trẻ, phụ tá của anh.

Trần Độ có biết tôi vừa ở tù ra. Anh nhìn tôi thương hại:

– Chắc chú có làm gì sai thì Đảng mới bắt chú chứ.

Tôi sững người. Vậy ra anh chẳng biết gì về cái gọi là vụ án “nhóm xét lại chống đảng” mà tôi bị đính vào. Tôi dùng chữ “dính vào” như cách người ta nói về một cái khuy áo, một vật chẳng mấy quan trọng cho cái áo, nhất là nó lại là cái khuy cuối cùng. Cái gọi là nhóm này không phải một đảng, , chẳng phải một tổ chức, thậm chí một nhóm thôi cũng chẳng phải nốt. Nhà cầm quyền bịa ra nó, cho một toan tính nào đấy, đặt cho nó cái tên chính thức rất kêu là “Nhóm tổ chức chống Đảng, chống Nhà nước ta, đi theo chủ nghĩa xét lại hiện đại và làm tình báo cho nước ngoài”.

Kỳ thật, một vụ án ầm ĩ như thế, nhiều cán bộ cao cấp bị khai trừ, bị bắt, bị bỏ tù, trong Đảng có báo cáo, rất nhiều người biết, mà Trần Độ lại không biết. Mà không phải mình anh không biết. Hơn chục năm sau (1988), khi tờ “Truyền thống Kháng chiến” của “Câu lạc bộ Những Người Kháng Chiến Cũ” ra đời ở Sài Gòn, tướng Trần Văn Trà kêu tôi tới nhà anh ở đường Nguyễn Thị Minh Khai (tên mới của đường Pasteur) để bàn chuyện tờ báo muốn tôi tham gia, tôi mới hiểu là cả tướng Trà cũng chẳng biết gì về vụ này. “Hồi đó tôi đang lo đường vận chuyển vũ khí trên biển – Trần Văn Trà nói – Có, tôi có nhận được một thông tin từ Ban tổ chức Trung ương. Thông tin sơ sài, thậm chí tôi không đọc kỹ. Chúng tôi đang bận tối tăm mặt mũi với đủ mọi khó khăn, chẳng ai để ý”.

Khiếp thật. Thì ra ngay ở trong Đảng người ta cũng chia ra nhiều cấp, nhiều đối tượng trong việc nhận hoặc không cần được nhận thông tin. Tôi dùng chữ Đảng viết hoa ở đây để chỉ cái đảng độc tôn, cho tiện, chứ không phải với ý khác.

Tôi cười buồn, nói với Trần Độ:

– Em có nói gì bây giờ anh cũng sẽ nghĩ là em thanh minh. Tốt hơn hết là ta cạn với nhau chén rượu này, kèm một giao ước: “Anh sẽ xem xét sự việc bằng con mắt của mình, suy xét bằng cái đầu của mình, để rồi có kết luận”. Em chờ câu trả lời của anh trong bữa rượu sau. Anh hứa nhá?
Anh gật đầu, cạn chén.

Trần Độ hơn tôi đúng 10 tuổi. Tôi coi mình là đứa em của anh, không dám lắm lời.

Rồi gần một năm sau mới có bữa rượu thứ hai.

– Em lắng nghe câu trả lời của anh đây – tôi nói.

Anh lắc đầu, thở dài:

– Một lũ chó má! Không thể ngờ.

Và văng một câu chửi tục, lần đầu tiên tôi nghe thấy từ miệng anh.

Trần Độ sau đó nhận nhiều chức vụ mới: làm Trưởng ban Văn hoá-Văn nghệ của Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, rồi Phó Chủ tịch Quốc Hội. Đã tưởng anh sẽ còn được giao phó nhiều chức trách quan trọng hơn nữa, nhưng rồi tôi được nghe những tiếng xì xào về chuyện anh đi chệch đường lối, anh có những việc làm không phải (xúi giục tổng bí thư Nguyễn Văn Linh “cởi trói” cho văn nghệ sĩ, tháo gỡ việc ngăn sông cấm chợ, toa rập với Nguyên Ngọc đưa ra bản “Đề dẫn” về văn nghệ sặc mùi chống Đảng vv…).

Văn Cao là người rất chăm chú theo dõi thời cuộc, nói với tôi: “Trần Độ thẳng quá, hỏng! Cao Biền dậy non, phí”!

Tôi đồng ý với Văn Cao.

Trần Độ được phong trung tướng cùng lúc với Lê Đức Anh, nhân vật sau này làm mưa làm gió trong chính trựờng. Nếu biết xuôi dòng anh rất có thể sẽ lên cao nữa trong hệ thống quyền lực.

Không ai có thể can ngăn Trần Độ. Anh không phải là nhà chính trị biết lui tới, biết náu mình chờ thời. Anh hành xử thẳng thắn, một mực đấu tranh cho chân lý. Những phát biểu của anh lúc này lúc khác, chỗ này chỗ nọ, làm chối tai những người cầm quyền.

Mà có phải anh chỉ phê bình sơ sơ chế độ toàn trị đâu. Từ chỗ nhỏ nhẹ, anh dần dần nói trắng ra ý muốn thay thế nó bằng chế độ dân chủ, tam quyền phân lập… Người ta theo dõi anh từng bước, nên những lời nói của anh, dù trong chỗ thân tình, đều được thu thập, báo cáo lên “trên”.

Những bài viết của anh, không được đăng báo, nhưng được chuyền tay rộng rãi. Chúng làm cho nhà cầm quyền điên ruột. Anh nhanh chóng trở thành “tên phản động”. Thời thế đã khác – người ta không thể bỏ tù anh tức khắc. Người ta chỉ có thể dùng đủ mọi cách hạ uy tín của anh.

Còn nhớ năm 1997 tôi ở thành phố Strassbourg, chung nhà với nhà thơ Nguyễn Chí Thiện. Một hôm, Trần Độ gửi cho tôi bài viết mới của anh, bảo tôi xem lại trước khi công bố. Tôi đưa anh Thiện cùng đọc. Thiện đọc, nói anh không thể hài lòng một số câu chữ trong đó. Khi nói chuyện điện thoại với Trần Độ, tôi đưa ống nói cho Thiện, bảo nhà thơ cứ nói thẳng ý kiến của mình. Thiện bỗ bã: “Không hiểu sao anh vẫn còn có thể dùng những từ “giải phóng”, “Mỹ-nguỵ” trong bài viết, người đọc ở hải ngoại sẽ khó chịu lắm đấy, không hay chút nào”. Anh Độ cười hề hề: “Chết chửa, mình lỡ viết theo thói quen, cậu nhận xét đúng, sửa lại hộ mình nhá”.

Chuyện Trần Độ bị khai trừ Đảng năm 1999 thì ai cũng đã biết. Đảng cộng sản vốn không thích vạch áo cho người xem lưng cũng đã kiên nhẫn với Trần Độ lắm rồi, nhịn Trần Độ nhiều lắm rồi. Lẽ ra người ta phải khai trừ anh từ lâu.

Một lần khác, năm 2001, trong một cuộc trò chuyện điện thoại với Trần Độ khi tôi đang ở Frankfurt am Main (CHLB Đức), có mặt một chú em rất hâm mộ bác Độ. Chú này đòi được nói với bác Độ của chú vài câu: “Bác ơi, cái đảng của bác kỳ quá, ai lại chống tham nhũng mà lại chống từ cấp cơ sở? Quét nhà thì người ta phải quét từ tầng trên xuống tầng dưới chứ! Ai lại ngược đời quét từ dưới lên trên?”. Anh Độ cười lớn: ”Hay, chú nói rất hay. Chú chỉ nói sai một chút thôi: cái đảng ấy không phải của tôi. Nó là của lũ vừa ngu vừa rồ. Này, chú tên gì nhỉ?”, “Dạ, cháu tên Cóc, Nguyễn Văn Cóc. Dễ nhớ lắm, bác ạ. Ở Đức này chỉ có mình cháu có cái tên xấu xí ấy thôi”. Anh Độ lại cười to: “Xấu gì mà xấu, cậu ông Giời phán đúng lắm, cái đảng ấy toàn làm lộn ngược thôi!”.

Anh nói anh bị đảng của anh khai trừ là may. Như thế, anh được rũ khỏi trách nhiệm, anh tránh được “vũng bùn mà cái đảng ấy đang đằm mình một cách sáng tạo”.

Khai trừ anh đảng cộng sản thêm một lần phô trương cái hẹp hòi của mình, không chịu nghe bất kỳ lời nói ngược nào. Hành hạ anh cho tới khi chết, cấm người đi đưa tang không được dùng chữ “Vô cùng thương tiếc”, đảng cộng sản lại càng cho thiên hạ thấy nó tiểu nhân tới mức nào trong sự hằn thù.

Đảng của anh khai trừ anh. Bù lại anh được nhân dân đón vào lòng. Anh bị nhà cầm quyền căm ghét. Bù lại anh được tình yêu thương của đồng bào. Anh được rất nhiều, mà không mất gì, nói cách khác, cái người ta quen cho là mất chẳng đáng cái quái gì với anh.

Khi lâm bệnh, anh không dùng thuốc của nhà nước cấp – anh không tin thứ thuốc từ những người không tử tế. Anh chỉ dùng thuốc đồng bào gửi cho anh. Có hai người rất sốt sắng lo cho anh có thuốc dùng là Tưởng Năng Tiến và Đinh Quang Anh Thái. Khi anh qua đời những bọc thuốc cuối cùng vẫn còn ở trên đường đến địa chỉ của anh. Trần Độ không bao giờ quên nhắn tôi gửi lời cảm ơn hai người bạn thiết anh không biết mặt.

Được tin anh mất, tôi không khóc nổi. Nước mắt chảy ngược vào tim. Tôi cảm được rằng mất mát này lớn hơn rất nhiều mất mát cho riêng tôi, đứa em yêu mến và kính trọng anh. Mất mát này là của cả dân tộc đang nhọc nhằn, vất vả đi tìm quyền sống, quyền làm người.

Trong bức thư cuối cùng Trần Độ gửi cho tôi trước khi mất, anh dặn:
“Giai đoạn chuẩn bị cho sự chuyển đổi chế độ có thể kéo dài. Việc hàng ngày của ta, không được quên, là nâng cao dân trí. Dân trí được nâng cao bao nhiêu thì sự chuyển đổi sẽ thuận lợi bấy nhiêu. Thời cơ đến, việc mới thành. Chuẩn bị tốt thì thành tốt”.

Thời cơ mà ta chờ đợi sẽ đến, bao giờ cũng bất ngờ, nhưng là quy luật. Như nó đã từng xảy ra cùng với sự kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai đã đưa lại nền độc lập cho các nước thuộc địa. Như nó đã đến với sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu.

Nó sẽ đến, như Trần Độ mong ước.

Ở thế giới bên kia anh sẽ được mỉm cười sung sướng.

Vũ Thư Hiên

Không lên đường sẽ chẳng bao giờ tới!


Don't stay there looking at me. Follow me now or it's too late !
Đừng đứng đó mà nhìn. Hãy theo ta ngay trước khi quá muộn !! 
(Fb Hoang Nguyen)

25 August 2018

Mỹ gây Chiến tranh thương mại vì bị Trung Quốc kích động ?

Bài 3:
Tướng Kim Nhất Nam khiến lãnh đạo Trung Quốc hiểu lầm về ông Donald Trump

Thu Thủy

Tướng Kim Nhất Nam từng giữ chức Viện trưởng nghiên cứu chiến lược, Đại học Quốc phòng Trung Quốc, Ủy viên Hội nghị Chính trị Hiệp thương Trung Quốc. Ông hiện đang giữ rất nhiều chức: giáo sư kiêm chức của các trường Đại học Bắc Kinh, Trường Đảng trung ương, Học viện Hành chính quốc gia; Ủy viên Ủy ban nghiên cứu Quốc phòng, Viện nghiên cứu phát triển chiến lược Đại học Quốc phòng; tác giả chuyên trang của “Thời báo Học tập” và MC chương trình “Diễn đàn quân sự Nhất Nam” thuộc tiết mục “Quốc phòng” của Đài phát thanh trung ương Trung Quốc. Ông được cho là người một người phải chịu trách nhiệm trong việc “ngộ đạo” (dẫn dắt sai) giới lãnh đạo cao cấp trong quan hệ với Mỹ.

Việc Trung Quốc bị động và thua thiệt trong cuộc Chiến tranh thương mại do Mỹ phát động là điều ít ai còn nghi ngờ. Ngày càng có nhiều người nhất trí cho rằng, ông Donald Trump phát động cuộc chiến này là do bị phía Trung Quốc kích động.

23 August 2018

Tin Buồn

Huynh Trưởng 
Trần Huỳnh Châu (ĐS5)
Nguyên Tổng Thư Ký Bộ Nội Vụ VNCH
vừa qua đời lúc 1:47 sáng Thứ Năm ngày 23/8/2018
tại Orange County, Nam California - Hoa Kỳ
Hưởng thọ 83 tuổi.

22 August 2018

Xô Dạt, tranh A.C.La

Xô Dạt - Washed away
Oil on canvas, 24x36 inch (61x89 cm)
by A.C.La Nguyễn Thế Vĩnh 
**

Không biết bao nhiêu hình ảnh bi hùng xô nhau hiện lên tâm não khi cái tháng Tư định mệnh kia lại vòng trở lại. Dân chúng Miền Nam hoang mang tột cùng, có nhiều gia đình không chịu nổi đã tự tử tập thể vào chính ngày cộng quân hò reo chiến thắng. Họ có thể đã nghĩ rằng không còn niềm hy vọng nào nữa trong chuỗi ngày đen tối đang tới. Điều gì đã tạo ra niềm tuyệt vọng khi đám quân tự xưng là giải phóng đã tiến vào thủ đô Sài gòn? Hẳn nhiên là không phải vì mớ kiến thức về cộng sản, bởi vì một số không nhỏ trí thức Miền Nam ngưỡng mộ cộng sản sau này đã tỉnh ngộ khi cộng sản thiết lập chế độ mới trên cả nước. Nỗi tuyệt vọng chắc chắn đến từ kinh nghiệm nghẹt thở khi đã có lần nếm ách cai trị của cộng sản, đó là sự hiểu biết trên da thịt về đảng cộng sản mà ngài Đạt Lai Lạt Ma đã mô tả nó "sinh ra từ nghèo đói và ngu dốt, lớn lên bằng dối trá và bạo lực, và sẽ chết đi trong sự khinh bỉ và nguyền rủa của nhân loại". Ngài còn nói "Cộng sản là thứ trùng độc, sinh sôi nẩy nở trên rác rưởi của chiến tranh".

Lội ngược dòng thác lũ phản chiến lúc bấy giờ tại Hoa Kỳ, có một người Mỹ hiểu cuộc chiến ở Việt Nam, thông cảm với nỗi đau của dân tộc Viêt. Ông tuyên bố:

"Chấm dứt chiến tranh không đơn thuần là chỉ rút quân về nhà là xong. Vì lẽ, cái giá phải trả cho hòa bình là ngàn năm đen tối cho các thế hệ sinh tại Việt Nam sau này". (R. R)

Ông hiểu được tai họa của cuộc lui binh Mỹ, của cuộc thất trận tại Miền Nam Việt Nam, và ông đã được quần chúng Mỹ hiểu ra và ủng hộ.

Ronald Reagan trở thành tổng thống Mỹ thứ 40 sau đó, tuy đã muộn khi nền tự do và chế độ dân chủ non trẻ của Miền Nam không còn nữa, nhưng dù sao thì đó cũng là niềm an ủi cho khối người Việt tị nạn cộng sản vong quốc bị xô dạt khắp mặt địa cầu. Họ trốn bỏ chế độ cộng sản bằng mọi cách: băng rừng lội suối, trên những con thuyền đánh cá, đôi khi phương tiện chỉ là một chiếc thuyền tam bản mong manh giong buồm lướt qua trùng dương mênh mông.

Gió bão vùi dập, cướp biển trấn lột, phẩm giá phụ nữ như ở thời thượng cổ...

Khi đến được bến tự do mới nhận ra mình là người may mắn trong những kẻ đồng hành và may mắn hơn biết bao người còn sống ở nơi có ngàn năm đen tối như lời  Tổng thống Reagan tiên đoán.

A.C.La

21 August 2018

Thím Ngân

Phụ nữ đẹp thì không cần thông minh, cũng chả cần nhân ái.
Khuyết danh
Tưởng Năng Tiến

TRÍCH ĐOẠN:

Cách ám sát giáo sư Nguyễn Văn Bông và Lê Minh Trí, tuy thế, “văn minh” hơn thấy rõ nếu so với kiểu “trừ khử” học giả Phạm Quỳnh – theo lời kể của ông Phạm Tuân:
“Thầy tôi bị giết trước, bị đánh vào đầu bằng xẻng, cuốc, sau đó còn bị bắn bồi thêm 3 phát đạn… Cụ Khôi cũng bị bắn 3 phát… ông Huân hoảng sợ, vùng chạy thì bị bắt lại và bị bắn một phát ngay vào đầu… Cả 3 thi hài bị xô xuống mương rồi vội vàng lấp đất.”
Cuối bài tiểu luận (Những Cái Chết Tức Tưởi Của Nhà Văn, Chuyện Bây Giờ Mới Kể) nhà nghiên cứu văn học Thái Doãn Hiểu hạ bút:
“Những người bị giết đều là những tinh hoa, là danh sĩ đạo cao đức trọng, yêu nước thương dân, có thành tựu văn hóa sáng giá cống hiến cho nền văn hiến nước nhà. Họ chết mỗi người mỗi cách đau xót và hàm oan: Nhà văn Lan Khai bị xô xuống vực, văn hào Ngô Tất Tố bị bức cho treo cổ tự vẫn, Khái Hưng bị bỏ rọ trắn sông, Phạm Quỳnh đối thủ đáng gờm của thực dân Pháp bị xử tử, Tạ Thu Thâu nhà yêu nước lớn bị tử bắn; nàng thơ nữ sĩ Thu Hồng bị bắn lén từ sau lưng; Nhượng Tống dịch giả tài hoa số 1 bị ám sát; Dương Quảng Hàm vị giáo sư đáng kính ra khỏi nhà đi mãi không về; vị bồ tát Thiếu Chửu bị bức hại nhảy xuống sông tự tận…”
---

Hồi nẳm, không hiểu thi sĩ Bùi Giáng si mê kịch sĩ Kim Cương ở cái điểm nào; chớ còn bây giờ thì tui chết mê chết mệt chỉ vì nhan sắc khuynh thành của thím Nguyễn Thị Kim Ngân.

Chủ Tịch Quốc Hội ăn mặc cách chi tôi ngó cũng xinh, chụp hình kiểu nào tui coi cũng đặng. Ngay cả cái cách bà ấy đổ (mẹ) nguyên cả xô bắp xuống ao cá bác Hồ tui cũng thấy (sao) nhí nhảnh, ngây thơ và dễ thương hết sức!

Một phụ nữ xinh đẹp và khả ái quá cỡ như vậy, tất nhiên, không thể nào tránh được lòng ghen ghét hay đố kỵ của bàn dân thiên hạ. Chả trách thím Ngân bị nhiều người (trong cũng như ngoài nước) mắng nhiếc và xỉ vả không tiếc lời, dù hổng có làm điều chi sai trật cả.

Coi: Quốc Hội khoá XIV tiếp tục lùi luật biểu tình thì có gì bất ngờ hay mới lạ đâu nào? Cả chục khoá trước cũng đều “bàn lùi” hết trơn hết trọi mà.

Thím Ngân chỉ nói lên là một sự thật hiển nhiên, khi bầy tỏ quan ngại về tình trạng “rối loạn đất nước” thôi. Chớ hơn bẩy mươi năm qua, kể từ khi mà cách mạng cướp được quyền bính, có ngày nào mà xứ sở này được an bình đâu mà không lo “rối loạn” ?

Có xét nét lắm thì cũng chỉ nên phiền trách thím Ngân về một chuyện nhỏ thôi, nhỏ còn hơn con thỏ nữa, đó là việc Quốc Hội khoá XIV đã dùng phiên họp khai mạc để thảo luận về một dự luật mà tôi e là hoàn toàn không cần thiết – Luật Cảnh Vệ.

Dự thảo Luật gồm 5 chương, 29 điều. Xin trích dẫn vài khoản trong điều 10 để rộng đường dư luận:

Đối với Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ áp dụng các biện pháp, chế độ cảnh vệ sau đây:

a) Bảo vệ tiếp cận;

b) Bố trí lực lượng Cảnh vệ vũ trang tuần tra, canh gác tại nơi ở, nơi làm việc;

c) Kiểm tra an ninh, an toàn đồ dùng, vật phẩm, phương tiện đi lại, các tác nhân khác; kiểm nghiệm thức ăn, nước uống trước khi sử dụng; nắm tình hình, khảo sát xây dựng, triển khai phương án bảo vệ.

Thảo nào mà đã có lúc ông Tôn Đức Thắng la làng là trong nhà toàn là “lính kín” không hà:

“Một người bạn tôi quen thân với cụ, cha anh trước kia là đàn em cụ, kể rằng một hôm anh đến thăm cụ, vào thời gian nghị quyết 9, thì cụ dắt anh vào phòng riêng thì thào: ‘mày có thấy lính kín theo mầy tới đây không mầy?’ Anh ngạc nhiên quá. Tưởng anh lo lắng cho cụ, cụ mỉm cười hiền hậu: ‘Là tao lo cho tụi bây, chớ tao hổng lo cho tao. Trong nhà tao nè, lính kín không có thiếu.” (Vũ Thư Hiên, Đêm Giữa Ban Ngày. California: Văn Nghệ, 1997).

Bác Tôn (chắc) bị bệnh hoang tưởng? Đảng bố trí lực lượng cảnh vệ vũ trang tuần tra, canh gác tại nơi ở, nơi làm việc của lãnh tụ mà ổng lại tưởng “lính kín” đang rình rập nhà mình. Tổng Bí Thư Đặng Xuân Khu cũng vậy, cũng đa nghi dữ lắm:

“Trường Chinh chết, Hồng Ngọc, vợ Hoàng Minh Chính và Hà, con gái cả đến nhà chia buồn. Hai mẹ con về, Đặng Xuân Kỳ tiễn. Kỳ vừa đi qua sân sỏi vừa nói: ông cụ tôi ngoài không dám ăn uống bất cứ thứ gì. Họp Bộ chính trị với Trung ương cũng uống nước của nhà mang theo và nếu không về nhà ăn trưa được thì ông cụ nhịn.” (Trần Đĩnh. Đèn Cù, tập II. Người Việt, Westminster, CA: 2014).

Cũng ở tác phẩm dẫn thượng, nơi trang 194, tác giả còn cho biết thêm là Thủ Tướng Phạm Văn Đồng có thói quen “thì thào” với khách quen ở ngoài vườn vì ổng sợ trong nhà… có rệp!

Coi: Chủ Tịch Nước, Tổng Bí Thư, Thủ Tướng đều không dám ăn, cũng không dám nói, vì sợ bị đầu độc hay nghe lén. Nếu Dự Luật Cảnh Vệ có điều “ngăn cấm các đồng chí không được rình rập và hãm hại lẫn nhau” thì hay quá. Hay nhất là quí ông Dương Bạch Mai, Phạm Quí Ngọ, Nguyễn Bá Thanh, Phạm Duy Cường, Ngô Ngọc Tuấn… đã không uổng mạng!

Luật Cảnh Vệ chỉ chuyên chú vào việc bảo vệ các đồng chí lãnh đạo khỏi bị những thế lực thù địch ám sát thôi hà. Thiệt là suy bụng ta ra bụng người. Rảnh, xem qua vài đoạn trong cuốn hồi ký (Gió Mùa Đông Bắc) của bác sĩ Trần Ngươn Phiêu coi:

Lúc Pháp chưa trở lại chiếm Sài Gòn, ngày 09-09-1945 người của Trần Văn Giàu là Lý Huê Vinh thuộc Quốc gia Tự vệ Cuộc, đã bao vây trụ sở Việt Nam Độc lập Vận động Hội để bắt Giáo chủ Phật giáo Hòa Hảo, Huỳnh Phú Sổ ở biệt thự đường Miche (tức Đường Phùng Khắc Khoan). Ông Huỳnh Phú Sổ đã thoát, nhờ sang được một nhà bên cạnh.

Quốc gia Tự vệ Cuộc với sự trợ giúp của Mai Văn Bộ, đã dàn cảnh để bêu xấu Ông Huỳnh Phú Sổ bằng cách ngụy tạo chưng bày một rương đầy hình ảnh phụ nữ khỏa thân mà họ phao vu là đã bắt gặp trong khi lục soát nhà.

Trong đêm 23 tháng 9 năm 1945, ngày lịch sử mở màn cuộc Kháng chiến Cách mạng Mùa Thu ở Nam bộ, người bị giết đầu tiên, thây phơi trên đường Albert 1er (Đường Đinh Tiên Hoàng) là ông Lê Văn Vững, bí thư vùng Sài Gòn-Chợ Lớn của nhóm Tranh Đấu và cũng là người phụ trách phát hành lại báo Tranh Đấu. Như vậy người Việt Nam đầu tiên đã bỏ mình trong cuộc Kháng chiến chống Pháp không do thực dân giết mà lại do Tự vệ Cuộc miền Nam thanh toán…

Vài ngày sau 23 tháng 09, 1945 nhà giáo Nguyễn Thi Lợi phụ trách báo Tranh Đấu cũng bị thủ tiêu ở Cần Giuộc, Chợ Lớn. Cuộc khủng bố trắng, săn bắt, ám sát các nhân sĩ ái quốc có uy tín nhưng không thuộc Đảng Cộng sản từ đó đã xảy ra hằng ngày, bắt đầu từ Bùi Quang Chiêu đến Hồ Văn Ngà, Trần Quang Vinh, Luật sư Hồ Vĩnh Ký và vợ là Bác sĩ Nguyễn Thị Sương (nguyên Thủ lãnh Phụ Nữ Tiền Phong) v.v…

Đối với bọn tay sai Mỹ/Ngụy, bán nước cầu vinh thì Đảng còn mạnh tay hơn nữa. Báo Dân Việt, số ra hôm 30 tháng 4 năm 2011, có bài viết (“Tôi Ám Sát Người Sắp Làm Thủ Tướng Sài Gòn”) của chiến sĩ đặc công Vũ Quang Hùng. Xin trích dẫn đôi đoạn:

Trưa 10.11.1971. Một tiếng nổ long trời tại ngã tư Cao Thắng – Phan Thanh Giản khiến ông Nguyễn Văn Bông – Giám đốc Học viện Quốc gia Hành chính, người chuẩn bị nắm chức thủ tướng (ngụy) chết tại chỗ…

Ảnh: Blog Sự Đời
Tôi nhớ dặn dò của đồng chí Tám Nam – Phó ban An ninh T4 (tức khu vực Sài Gòn-Gia Định): “Để bảo đảm bí mật, chúng ta sẽ đặt cho mục tiêu bí số G.33. Cần giữ bí mật đến phút chót và theo tin tức tình báo, G.33 đang chuẩn bị lên nắm ghế thủ tướng. Nếu G.33 đã nắm chức, sẽ rất khó hành động vì khi ấy việc bảo vệ ông ta sẽ khác hẳn. Và nếu tình huống này xảy ra, cách mạng có thể gặp khó khăn hơn bởi Nguyễn Văn Bông là một trí thức có uy tín và chính quyền ngụy chuyển từ quân sự sang dân sự mọi diễn tiến sẽ có lợi cho địch.

Giáo sư Nguyễn Văn Bông không phải là người “trí thức có uy tín” đầu tiên, hay duy nhất, bị cách mạng… trừ khử bằng chất nổ và lựu đạn. Hai năm trước đó, G.S. Lê Minh Trí cũng bị giết chết theo cùng một cách.

Cách ám sát giáo sư Nguyễn Văn Bông và Lê Minh Trí, tuy thế, “văn minh” hơn thấy rõ nếu so với kiểu “trừ khử” học giả Phạm Quỳnh – theo lời kể của ông Phạm Tuân:

Bộ Trưởng Giáo Dục Lê Minh Trí bị ám sát năm 1969.
Ảnh: Minh Đức
“Thầy tôi bị giết trước, bị đánh vào đầu bằng xẻng, cuốc, sau đó còn bị bắn bồi thêm 3 phát đạn… Cụ Khôi cũng bị bắn 3 phát… ông Huân hoảng sợ, vùng chạy thì bị bắt lại và bị bắn một phát ngay vào đầu… Cả 3 thi hài bị xô xuống mương rồi vội vàng lấp đất.”

Cuối bài tiểu luận (Những Cái Chết Tức Tưởi Của Nhà Văn, Chuyện Bây Giờ Mới Kể) nhà nghiên cứu văn học Thái Doãn Hiểu hạ bút:

“Những người bị giết đều là những tinh hoa, là danh sĩ đạo cao đức trọng, yêu nước thương dân, có thành tựu văn hóa sáng giá cống hiến cho nền văn hiến nước nhà. Họ chết mỗi người mỗi cách đau xót và hàm oan: Nhà văn Lan Khai bị xô xuống vực, văn hào Ngô Tất Tố bị bức cho treo cổ tự vẫn, Khái Hưng bị bỏ rọ trắn sông, Phạm Quỳnh đối thủ đáng gờm của thực dân Pháp bị xử tử, Tạ Thu Thâu nhà yêu nước lớn bị tử bắn; nàng thơ nữ sĩ Thu Hồng bị bắn lén từ sau lưng; Nhượng Tống dịch giả tài hoa số 1 bị ám sát; Dương Quảng Hàm vị giáo sư đáng kính ra khỏi nhà đi mãi không về; vị bồ tát Thiếu Chửu bị bức hại nhảy xuống sông tự tận…”

Tính gồm luôn mạng sống của những thường dân vô tội bị xử tử trong Cải Cách Ruộng Đất (ở miền Bắc) Chiến Cuộc Mậu (ở miền Trung) và vô số viên chức xã ấp bị lôi ra khỏi nhà bắn chết giữa đêm (ở miền Nam) thì con số nạn nhân của cách mạng dám lên tới hàng triệu mạng. Thay vì bàn thảo về Dự Luật Cảnh Vệ, nếu Quốc Hội khoá XIV khai mạc phiên họp đầu tiên bằng dự luật phục hồi danh dự cho những nạn nhân kể trên thì chắc chắn thím Ngân sẽ để lại một dấu ấn tốt đẹp hơn trong lòng người.

Nói qua nói lại gì chăng nữa thì chuyện cũng dĩ lỡ hết trơn rồi. Chủ Tịch Quốc Hội cùng các bạn đồng viện, nói nào ngay, cũng đã làm việc hết sức mình theo cái tâm và cái tầm của họ.

Chúng ta không nên khắt khe và kỳ vọng nhiều quá vào một cơ quan lập pháp mà nhà nước hiện hành chỉ đặt ra để làm kiểng, ngó cho nó đẹp mắt thôi. Mà đã nói đến cái đẹp thì nhan sắc của phụ nữ là điều rất đáng quan tâm, mọi thứ khác đều là chuyện nhỏ và là đồ bỏ!

Tưởng Năng Tiến

20 August 2018

So sánh Cộng Sản với Mafia, Tư Bản Đỏ là một xúc phạm

Từ Thức
“…Họ không có cái danh dự của kẻ cướp biết tự trọng. Một bọn côn đồ, được lệnh của chủ, sẵn sàng xúm vào đánh đập, hành hạ những người đàn bà chân yếu tay mềm tới dự một buổi văn nghệ…”
Bố Già Mafia
Người ta thuờng dùng chữ MAFIA ĐỎ để nói về đảng Cộng Sản. Bởi vì cả hai tổ chức đều xây dựng cơ nghiệp, và củng cố quyền hành, bằng cách gây kinh hoàng, bằng chém giết, thủ tiêu, thanh trừng, ám sát và đủ mọi hành động phi pháp. Cả hai đều đặt quyền lợi của phe đảng lên trên hết, đứng đầu là những ‘’parains ‘’ tàn nhẫn, coi mạng người như nghóe. Cả hai đều dùng một phương pháp tuyển lựa tay chân : nhử bằng mồi, nhất là những phần tử bất hảo trong xã hội, và khi đã nhúng chàm, sẽ phải trung thành đến chết. Yakuzas Nhật đa số xuất thân từ giới cùng đinh, vào mafia là cơ hội thăng tiến duy nhất

Tâm điểm của tội ác

CS ma giáo hơn, nhiều khi dùng những chiêu bài đao to búa lớn để dụ cả những người có tâm huyết , nhưng phương pháp vẫn là một : vào dễ, ra khó. Với mafia, lìa bầy là mất mạng. Với CS, bỏ đảng hoặc mất mạng, hoặc thân bại danh liệt. Không phải ai cũng trở thành đảng viên hay thành viên mafia. Vào Đảng phải là bần cố nông ba đời hay có lý lịch “tốt”. Nhập mafia sicilienne phải là người Sicile gốc, có đạo, không phải là người đồng tính luyến ái, không phải là ...cộng sản.

Mafia và CS là những tổ chức hàng dọc, người dưới tuyệt đối tuân lệnh người trên, coi Đảng là ưu tiên số một, sẵn sàng chết cho Đảng , cho tổ chức. Hai tổ chức giống nhau tới độ ông Bộ Trưởng ngoại Giao Séc đã không ngần ngại gọi VN là ‘’ tâm điểm của tội ác có tổ chức’’Sổ . Chưa bao giờ, trong lịch sử ngoại giao, người ta dùng chữ khinh miệt như vậy đối với một quốc gia khác. Dịch ra ngôn ngữ thường : đó không phải là một quốc gia ; đó là một tổ chức trộm cướp. Mafia Đỏ

Một xúc phạm

Sự thực, gọi CS là MAFIA ĐỎ là một sự xúc phạm đối với mafia. Bởi vì mafia, dù cũng là một tổ chức của tội ác, có một cái mà CS không có. Đó là cái nguyên tắc danh dự, cái gọi là "code d’honneur". Những yakuzas khi gia nhập mafia Nhật tuyên thệ trung thành tuyệt đối với cái "code d’honneur" đó, vi phạm là tự mình khai trừ khỏi tổ chức, nếu không bị khai trừ hay khai tử. Yakuzas không giết những người không thuộc các băng đảng, không làm phiền các công dân tốt, không nghiện ngập và có thái độ xấu, làm mất danh dự của đồng đội Cosa Nostra - mafia Ý - có những nguyên tắc khắt khe gọi là ‘’società onorata ‘’ . Một trong những nguyên tắc danh dự của các tổ chức mafia, là không đụng tới đàn bà, trẻ con. Có thể tàn nhẫn, giết người, cướp của, nhưng không giơ tay đánh đàn bà, trẻ em. "Società Onorata" cấm uống ruợu, cấm lăng nhăng ngoại tình với vợ đồng đội, cấm khai thác mãi dâm, buôn bán ma tuý, làm những chuyện vô luân.. Chuyện ám sát cũng là quyết định từ trên, không có chuyện tự ý sinh sát rồi được đảng bao che. Những năm gần đây, "code d'honneur" không được tôn trọng như trước, các mafia dính vào ma túy, mại dâm vv..vì các mafia mới quá đông, cạnh tranh lẫn nhau. Mặc dầu vậy, chuyện bạo hành với phụ nữ, trẻ em, chuyện ỷ thế ức hiếp người nghèo khổ, có những hành vi khả ố nơi công chúng, vẫn là những cấm kỵ, tabou, không mafieux nào làm hay dám làm.

Cộng sản không phải là tư bản đỏ

Một cụm từ khác người ta hay dùng để chỉ CS ngày nay là “tư bản đỏ”. Đó cũng là một sự xúc phạm đối với tư bản. Bởi vì tư bản, với những khuyết điểm của nó, có những nguyên tắc minh bạch, đã đưa tới sự thịnh vượng ở các quốc gia theo kinh tế thị trường. Cái “code d’honneur" của mafia, CS không có. Họ không có cái danh dự của kẻ cướp biết tự trọng. Một bọn côn đồ, được lệnh của chủ, sẵn sàng xúm vào đánh đập, hành hạ những người đàn bà chân yếu tay mềm tới dự một buổi văn nghệ, hay những bà cụ buôn thúng bán bưng, chỉ phạm cái tội muốn kiếm vài đồng bạc đong gạo. Và vênh váo thỏa mãn, kiêu hãnh, như đã đạt được một thành tích vẻ vang, một chiến công oanh liệt. Cái đó, người ta gọi là thú tính. Cũng lại là một sự xúc phạm đối với súc vật. Bởi vì loài vật không bao giờ giết, hay hành hạ đồng loại, để tìm thú vui. Hay một chút thoả mãn, vinh quang đê tiện.

Để tránh xúc phạm với bất cứ ai, người hay vật, nên tránh ví von. Hãy gọi con mèo là con mèo, Cộng Sản là Cộng Sản.

Paris, tháng 8/2018
Từ Thức

Nguồn: tuthuc-paris-blog.com/home/kh%C3%B4ng-th%E1%BB%83-g%E1%BB%8Di-cs-
(Via: ThongLuan)
**
Mafia không cuồng động như thế này để cướp đất

19 August 2018

Chừng nào khủng hoảng VN trở nên “toàn diện”?

Trương Nhân Tuấn
19/08/2018  01:35

Nhà nước CSVN cạn kiệt ngân sách, điều này ai cũng thấy.

Thông lệ VN là ngân sách dành cho các bộ ngành, nhứt là công an và quân đội, vốn thuộc về “bí mật nhà nước”. Con số công bố bề ngoài “thấy vậy mà không phải vậy”. Một số các bộ như quốc phòng, công an… ngoài ngân sách cố định của nhà nước (trên 20% GDP), còn có “bộ máy” kinh tài riêng, hoạt động song song với các xí nghiệp, tập đoàn quốc doanh, nhằm gây “quĩ riêng” cho các bộ. Vụ sân golf ở sân bay Tân Sơn Nhứt, hay các đại xí nghiệp như Viettel, vốn là các “cơ quan kinh tài” của quân đội. Sân Golf Tân Sơn Nhứt thuộc tài sản “quĩ đất” riêng của quân đội. Trên địa bàn cả nước, “quĩ đất” của quân đội cực kỳ lớn, hầu hết ở các vị trí “đắc địa” hoặc các khu vực “đất vàng”. Đây là “di sản” từ thời kỳ “quân quản” sau 1975.

Phe công an kinh doanh cũng không kém. Bộ này chia ra thành nhiều “cục”, hoạt động độc lập với nhau. Các lãnh vực ăn chơi, du lịch, khách sạn, phòng trà, đĩ điếm… thuộc độc quyền của công an. Vụ cờ bạc trên mạng thực ra cũng là một hình thức kinh tài gây quĩ cho bộ. Vụ này lý ra không bị “khui”, nếu không có vụ tiền lời chạy vào túi cá nhân nhiều hơn vào “quĩ”. Các hoạt động kinh tài của bộ công an, cũng là “di sản” từ thời “đổi mới” từ 1985 về sau.

Vì vậy họ chi thu ngân sách ra sao, họ mua cái gì, bằng nguồn tiền nào không ai biết. Các tướng lãnh cấp cao, ngoài lương còn có “bỗng”, đến từ các quĩ riêng.

Sau khi gia nhập WTO, cũng như sau khi ký kết được các kết ước về kinh tế song phương hay đa phương, VN bị sức ép ngày một nặng của các chủ nợ như Ngân hàng thế giới (WB), Quĩ tiền tệ quốc tế (IMF) và của các nền “kinh tế thị trường”… Các định chế quốc tế cũng như các quốc gia này buộc VN phải tuân thủ “luật chơi” của “kinh tế thị trường”. Vì vậy một số xí nghiệp quốc doanh được giải tư. Tình trạng này cũng tương tự cho các xí nghiệp thuộc quyền quản trị của quân đội và công an.

Vài năm gần đây số thu về dầu khí của VN giảm sút, một mặt do giá dầu thế giới giảm, mặt khác do các mỏ lớn đã đi vào giai đoạn cạn kiệt.

Lại thêm “chiến tranh thương mại” giữa Mỹ và TQ. Hệ quả là bên nào thắng thì VN cũng là “nạn nhân”. Vì vậy nhà nước CSVN phải tính chuyện “giữ đảng từ xa” bằng phương cách cổ điển “tăng thu giảm chi”. Hệ quả ta thấy thuế và phí tăng “đột phát”. Già thành năng lượng của VN cao nhứt thế giới, tính trên mức trung bình thu đầu người. Sau đó “thắt lưng buộc bụng”. Ngân sách dành cho các bộ sụt giảm, việc này đưa tới việc “tinh giảm nhân sự” ở các bộ.

Nổi cộm là việc “tinh gọn” bộ công an. Theo một thống kê gần đây nhân sự bộ này gồm khoảng 600 ngàn người, chiếm 12% ngân sách nhà nước. Ta chưa biết được sau khi “tinh gọn” bộ máy công an sẽ còn được bao nhiêu người?

Ta cũng thấy các kế hoạch “thí điểm” nhằm sáp nhập hai bộ máy “đảng” và “nhà nước” lại với nhau làm một ở một số huyện, tỉnh.

Nhưng việc “chạy đua” với thời gian xem chừng đảng CSVN không đủ sức. Hôm tuần rồi cụ Tổng rầu rĩ nói (ở Đại hội Ngoại giao VN) rằng thế giới có nhiều biến chuyển không lường trước được. Thật vậy, cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và TQ, kết quả phần nhiều nghiêng về Mỹ.

Nhiều người tiên đoán lạc quan rằng do “chiến tranh thương mại”, các xí nghiệp nước ngoài đầu tư vào TQ như Đài loan, Nam Hàn, các nước Châu Âu, Mỹ… sẽ rút máy móc khỏi TQ để chuyển qua VN. Suy luận này hoàn toàn không có căn cứ. VN là mô hình của TQ thu nhỏ. TQ ăn gian với các nền “kinh tế thị trường” ra sao thì VN cũng ăn gian bằng một cách như vậy, với tỉ lệ cao hơn. TQ bị Mỹ trừng phạt vì ăn gian thì VN trước sau gĩ cũng bị trừng phạt. Người ta hy vọng rằng VN “không đáng kể”, Mỹ có thể bỏ qua. Tài phiệt quốc tế họ không mù quáng rút từ TQ sang VN để bị “lãnh búa” lần thứ hai.

Mặt khác là đe dọa khủng hoảng tiền tệ, đưa đến khủng hoảng toàn diện, đã và đang xảy ra ở Thổ. Các nước đang phát triển khu vực Đông Nam Á (gồm cả VN) đều bị đe dọa.

Vì vậy nhà nước CSVN cấp tốc “thắt lưng”. Các việc như nhà nước không xuất ngân khoản cho truyền thông để mua tác quyền truyền hình đá banh ở các giải quốc tế, hoặc cho đại học “tự lo”, là các dấu hiệu khẩn cấp về “bịnh trạng” ngân sách quốc gia.

Vụ ông Vũ Đức Đam mới đây nói về “tự trị đại học”. Nếu ta xem kỹ thì không hề có vấn đề “tự trị” ở các việc soạn thảo chương trình giảng dạy hay các việc tuyển sinh. Tự trị ở đây có nghĩa từ nay đại học tự thu học phí, nhà nước không cấp ngân sách nữa. Nhưng vấn đề là các tổ chức đảng vẫn không giải tán ở nội bộ các trường đại học.

Các vụ xử án gần đây, các nhà hoạt động nhân quyền bị các bản án nặng nề. Thực chất nhà nước CSVN muốn xử thật nặng để “cảnh cáo”. Bởi vì trong tương lai rất gần VN có thể sẽ bị nhiều khủng hoảng cùng lúc.

Về kinh tài, do việc lây lan từ Thổ.

Ngoài ra kinh tế VN lệ thuộc rất lớn vào xuất khẩu, mà việc này tùy thuộc phần lớn vào các xí nghiệp nước ngoài. Khủng hoảng gây ra từ cuộc “chiến tranh thương mại” giữa Mỹ và TQ sắp tới có thể sẽ gia tăng cường độ. Các xí nghiệp TQ có thể “di tản” sang VN để tránh nạn. Lúc đó VN lọt vào tầm nhắm của Mỹ.

Một số các bài viết cấp lãnh đạo VN đã công bố, nội dung so sánh Mỹ và LX trước khi sụp đổ. Các tác giả này tiên đoán Mỹ sẽ đi vào vết xe đổ của LX. Dĩ nhiên các bài viết đại loại như vậy chỉ nhằm “lên tinh thần” các đảng viên đang trong tình trạng hoảng loạn.

Việc này cho ta thấy trong nội bộ đảng CSVN hiện hữu một số không nhỏ thân TQ và Nga, xem Mỹ là “kẻ thù chiến lược”. Vấn đề là LX sụp đổ vì chạy đua quốc phòng. Trong khi Mỹ gia tăng ngân sách quốc phòng là để thúc đẩy kỹ nghệ chiến tranh của Mỹ. Tài phiệt Mỹ có nhiều phe, như phe quốc phòng (Boeing, Lockhed Martin, Northop Grumman…) , phe dầu khí (Rockerfeler…), phe “tin học” (Google, MicroSoft, Sysco System…). Mỗi lúc, thấy cần thiết, thì chính sách nhà nước sẽ nghiêng về một phe để củng cố thế lực và giữ quân bình cho các phía. Mục đích là để thúc đẩy “phát triển” kinh tế.

Dầu thế nào ta cũng phải thấy rằng sắp tới VN có thể sẽ lâm vào nhiều cuộc khủng hoảng đến đồng loạt, như khủng hoảng tài chánh, khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng do đe dọa nợ quốc dân (nợ công). Các khủng hoảng này đưa tới VN “vỡ nợ”, nhưng việc này không hề làm cho đảng CSVN sụp đổ, ngoại trừ phe chống đối ở VN có chuẩn bị, thấy được thời cơ trước mắt.

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...