10 January 2015

Xã Tắc Tiêu Vong

Phạm Thành Châu 


Năm 1981, tôi đi tù cải tạo về. Tôi không về với gia đình ở ngoài Trung mà sống chui nhủi ở Sài Gòn. Tù “ngụy” ra khỏi nhà tù vẫn bị công an theo dõi, hạch sách. Mỗi tuần phải đến công an trình diện, nộp báo cáo trong tuần làm gì? tiếp xúc với những ai?... Nhưng tôi là “dân lậu” (không giấy tờ) không phải làm chuyện đó. Công an khu vực biết nhưng người bà con biết cách “giao thiệp” nên anh ta làm lơ. Tôi sống bình thường như những người khác, miễn thấy công an thì tránh xa. Nhờ người quen giới thiệu, tôi làm thư ký cho một “hợp tác xã cơ khí”. Nhân cô kế toán của hợp tác xã nghỉ đẻ, lại nghe tôi tự xưng “Biết đủ thứ. Làm gì cũng được’ ông chủ nhiệm hợp tác xã nhận tôi vô làm thay ít lâu. Vì cần người gấp trong vài tháng chứ chẳng ai dám nhận tù cải tạo vào làm việc. Tôi còn xưng mình tốt nghiệp đốc sự Quốc Gia Hành Chánh để thêm uy tín. Ông chủ nhiệm nghe vậy thì biết vậy chứ ông ta chỉ biết đọc theo kiểu đánh vần và ký tên bằng cách vẽ hình “một con chim đang tung cánh lên bầu trời xanh” (Trước 1975 ông ta là võ sĩ nổi danh Phi Điểu, có cú đá bay rất nguy hiểm). Ông ta mở tủ lôi ra một đống giấy tờ cao hơn gang tay “Anh xem lại tất cả hồ sơ, sắp xếp cho tử tế, đâu ra đấy. Cô Nguyệt (kế toán, tài vụ?) để lôn xộn quá, khi cần hồ sơ, chứng từ, tìm không ra”.
 
Tôi bỏ ra hai ngày, chỉ để sắp xếp hai thứ riêng biệt. Chứng từ “Chi” để riêng, vô một cuốn sổ. Chứng từ “Thu” vô một sổ khác. Mỗi mục chi, thu tôi ghi ngày giờ, số chứng từ, mục đích chi, thu theo thứ tự thời gian, nghĩa là đúng “sách vở” của một tay tốt nghiệp Đốc Sự Hành Chánh. Tiền thì ông chủ nhiệm để trong túi, nhiều quá thì đem về nhà cất giữ. Khách hàng đưa ông chủ nhiệm bao nhiêu, chẳng ai biết. Ông chỉ bảo tôi ghi vào mục thu một con số nào đó. Chi cũng vậy, ông ta chỉ nói miệng, bảo tôi ghi vào. Tôi bắt ông ta phải viết mấy chữ, ký tên vào để tôi giữ làm chứng từ. Được vài tuần, tôi hí hửng trình ông ta xem cách làm sổ sách đúng kiểu “kế toán thương mại”. Chiều lòng tôi, ông ta đeo kiếng vào, nheo mắt đánh vần phần chi. Mới một trang, ông ta la trời “Tôi đi nhậu với đối tác, đổ xăng, phong bì “bôi trơn”…... anh đều ghi rõ thì chết tôi. Anh phải tư duy, sáng kiến ra thành những chi phí công tác quan trọng, nhất là hồ sơ, chứng từ phải để lộn xộn, sao cho trên quận xuống kiểm tra không biết được chi, thu như thế nào, lúc đó tôi sẽ giải thích với họ. Quận xuống kiểm tra mục đích là để đi nhậu và được bồi dưỡng phong bì... Kiểm tra cho có lệ chứ hợp tác xã nầy đâu phải là tài sản của quận hay nhà nước. Anh làm qua loa cho có là được rồi”

Hợp tác xã cơ khí nầy chỉ do một người là ông chủ nhiệm bỏ vốn, thỉnh thoảng tìm được một hợp đồng gia công cho nhà nước là đủ sống. Ví dụ, ký hợp đồng gia công kềm, búa, đinh... cho thương nghiệp thành phố để bày bán trong các cửa hàng quốc doanh. Ông ta vô Chợ Lớn giao cho mấy chú ba Tầu làm. Sau đó chở đến cho sở thương nghiệp, sở phân phối đến các cửa hàng bán cho dân chúng. Tiền trao cháo múc. Sau khi “lại quả” từ xếp lớn đến thư ký, ông ta mang chi phiếu về giao cho tôi đi lãnh tiền. Ông chủ nhiệm báo trước là ngân hàng nầy hay làm khó thiên hạ đến lãnh tiền.

Trưa đó, khoảng hai giờ, tôi đến ngân hàng, xin gặp ông phó giám đốc, trình giấy tờ và nói “Ông chủ nhiệm hợp tác xã bảo với tôi rằng. Nếu ông phó giám đốc mà không ký thì sẽ đuổi tôi. Nghĩa là tôi có bị đuổi việc hay không là quyền của ông phó giám đốc”. Có lẽ vừa đi ăn trưa về, lại có chút hơi men, ông ta cười hề hề, chả thèm xem giấy tờ, ký ngay.

Nhận tiền của thương nghiệp thành phố xong, trong vòng một tuần (sau đó), ông ta cho người đi vét hết các thứ kềm, búa, đinh...ở các cửa hàng “mậu dịch quốc doanh” (dĩ nhiên đã móc ngoặc với cửa hàng trưởng), đem về cất giấu. Các cửa hàng không còn những thứ đó nữa. Coi như dân đã mua hết. Nhà nước lại cần kềm, búa, đinh... để phục vụ “nhân dân, quần chúng”. Thế là ông ta lại làm hợp đồng “gia công” với giá cao hơn vì mọi thứ đều lên giá bởi lạm phát. Hợp đồng lại được ký, lại chia chác nhau và ông ta chở kềm, búa, đinh (đã thu gom)... đến giao cho sở thương nghiệp thành phố. Nhờ “chu kì khép kín” đó cứ lặp đi lặp lại mãi nên cán bộ và chủ nhiệm làm giàu.

Nhưng hợp tác xã của ông ta chỉ là loại cò con. Người Tàu Chợ Lớn móc nối với thương nghiệp thành phố trong những vụ làm ăn lớn hơn, ngon hơn nhiều, chẳng hạn cung cấp xe đạp Cửu Long, sườn xe làm bằng thùng phi (vấp cục đá là gãy), ruột xe, vỏ xe đi ít bữa thì bể, nổ... thì tiền chia chác mới nhiều. Thời thập niên 1980, cán bộ, đảng viên nào có chỗ ngồi ngon lành nghĩa là chức vụ hái ra tiền thì vẫn làm như trong sạch vì sợ ganh tị, soi mói nên ông, bà nào cũng nuôi heo trong nhà để ra vẻ ta đây giàu có nhờ nuôi heo. Vài con heo, mướn người nuôi nấng, chăm sóc... trả lương thì làm sao lời được nhưng vào sở làm cứ khoe nhặng lên là bán heo lời rất nhiều. Thế nên khoảng thập niên 1980, nhà cán bộ nào cũng nuôi heo. Nuôi trong biệt thự, nuôi trên lầu, nuôi trước sân (để cho thiên hạ thấy)... Cứt heo thúi nồng nực, hàng xóm không dám phàn nàn. Quan cán bộ đi làm về, đứng dòm vô chuồng heo, hỏi han người nuôi heo vài câu, đốc thúc dọn cứt heo, tắm heo cho bớt hôi rồi vung vẫy chùm chìa khóa đi vô nhà.


Một cách biện minh khác cho sự giàu có của mình là mua lại vé số của người khác trúng. Trả tiền nhiều hơn số tiền trúng, nhất là trúng độc đắc rồi vào sở khoe tờ vé số đó cho thiên hạ thấy, khỏi dị nghị mình giàu. Thời đó, hễ xổ số là chỉ có quí ông cán bộ gộc trúng độc đắc. Nhân viên biết rõ nhưng vẫn cứ xuýt xoa với xếp là “Anh Tư (Năm, Sáu... gì đó)     thật là người có số hên”. Từ năm 1986, sau chính sách mở cửa của đảng Cộng Sản Việt Nam thì cán bộ, đảng viên nào không làm giàu, không khoe xe hơi, nhà lầu thì bị coi khinh là bất tài.

Ít lâu sau, tôi xin nghỉ việc. Thư ký kế toán kiểu nầy có ngày đi tù, vì đổ bể ra họ sẽ trút hết trách nhiệm cho tôi là tên ngụy, CIA gài lại để phá hoại “sự nghiệp xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa của đảng, nhà nước và nhân dân ta”.

Tôi nghĩ đến cách kiếm ăn khác. Tôi bán bánh mì. Tôi học nghề từ một anh chàng có xe bánh mì trên đường Tô Hiến Thành, quận mười, Sài Gòn, là nơi tôi trú ngụ nhà người bà con. Nguyên do là sáng nào ngồi uống cà phê với mấy thằng em bà con trước hẻm, tôi cũng tặng anh chàng bán bánh mì một li cà phê để làm quen rồi lân la hỏi chuyện bán buôn. Anh ta truyền nghề. Hóa ra cũng rất đơn giản. Mua một xe bánh mì đóng sẵn chỗ ngã bảy, tìm nơi bán rồi cứ đến lò bánh mì lấy bánh, đến chỗ cung cấp pâté, sauce, chả, thịt ... đem về bày ra, chỉ phải tự mình làm đồ chua, dưa leo, hành ngò.  Vậy thôi. Thời đó, tù về chỉ làm những nghề thấp kém như bán vé số, đạp xích lô, bán thuốc tây (chợ Tân Định), sửa xe đạp, bỏ mối kẹo bánh... kiếm chút tiền, đủ bỏ mồm.

Sở dĩ tôi chọn nghề bán bánh mì vì thời còn là sinh viên ở Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, trước trường, góc Cao Thắng-Phan Thanh Giản có xe bánh mì Tám Cẩu chỉ bán buổi tối mà rất đông khách. Tối nào chúng tôi cũng ra đó mua một ổ về ký túc xá, nằm gặm. Xe bánh mì Tám Cẩu có nhiều người phụ giúp nên khách không phải chờ lâu. Nghe nói mấy cô “phụ tá” ông chủ gồm vợ ông ta và mấy cô em vợ. Một mình ông ta “xơi” hết mấy cô em vợ. Các cô đứng một dãy, hình thành “hệ thống dây chuyền” bán bánh mì. Xe bánh mì rộng hơn nửa thước, dài hai thước, ba mặt bằng kính. Người mua đứng sắp hàng. “Nàng” thứ nhất xẻ bánh mì, chuyền cho “chàng”, chàng trét pâté, sauce, thịt thà... xong chuyền cho nàng bên cạnh, nàng nầy bỏ đồ chua, rắc tiêu muối, gói lại đưa cho nàng kế tiếp. Nàng kế tiếp trao bánh cho khách, thu tiền. Bán đến gần khuya, hết bánh, dẹp tiệm, về “ngủ”. Không biết mỗi nàng một phòng riêng hay nằm chung theo thứ tự như chỗ bán bánh mì? Mà ở Việt Nam, dân lao động, nhà có vài phòng riêng đã là hiếm rồi.

Chúng ta ở Mỹ, bánh làm bằng bột mì nguyên chất mà không ngon bằng thời “bao cấp” (trước năm 1986) của đảng Cộng Sản Việt Nam. Ấy là nhờ vào sáng kiến của dân miền Nam. Số bột mì nhà nước bán ra rất giới hạn, người làm bánh mì phải thêm đủ thứ bột (bột khoai mì, bột gạo, bột dong...), họ còn đánh trứng vịt vào, bỏ thêm một mớ thuốc bổ, vitamine A, B gì đó vào thau nước trước khi đổ bột vào nhồi để ủ men. Ổ bánh làm ra thơm phức, xốp và ngon. Chiều nào đến lò bánh mì lấy bánh (ở đường Hai Bà Trưng) để bán, tôi cũng xơi ngay một ổ nóng giòn, coi như bữa cơm chiều. Bây giờ nhớ lại tôi vẫn còn thèm, ước được một ổ như thế mà thưởng thức. Nói vậy cho ra vẻ lãng mạn, chứ ở Mỹ, thứ gì chẳng có.

Tôi đặt xe bánh mì ở góc đường Hiền Vương-Duy Tân, bán rất rẻ nên đông khách, đa số là giới bình dân, lời lãi không bao nhiêu. Vậy mà thiên hạ thấy khách sắp hàng chờ mua bánh mì, tưởng tôi lời nhiều nên đua nhau đặt xe bán bánh mì quanh đó để giành khách. Có hai xe bánh mì. Một chiếc bên phải, bên kia đường cách chỗ tôi vài trăm mét, một chiếc bên trái, cũng cách vài trăm mét. Coi như chận đầu, chận đuôi. Mà xe nào cũng đèn đóm sáng trưng, bánh mì để đầy, năm ba đòn chả lụa to đùng, pâté, sauce, thịt thà trình bày phong phú, hấp dẫn. Có điều họ không biết là thời điểm sau 1975 dân miền Nam rất nghèo, cơm không có mà ăn nên ăn uống lề đường, quán chồm hổm... rẻ tiền đã quen, nay thấy hai xe bánh mì sang trọng đó, họ không dám đến, sợ bị “chặt đẹp”. Thế nên, khi hai đối thủ hùng hậu xuất hiện, tôi “cạnh tranh bất chính” bằng cách bán rất rẻ, coi như bán lỗ vốn. Tôi cứ trét pâté, sauce, bỏ thịt, chả đầy ổ bánh mà vẫn lấy giá cũ, lại còn dặn lũ nhỏ vào xóm  kêu lên “Ông bánh mì bán rẻ lắm!”. Đối phương (s) chịu đựng độ một tuần là đủ chết. Bánh mì không thể để bán qua ngày hôm sau, pâté, thịt, chả... có để tủ lạnh cũng độ năm ngày là bốc mùi, đổ nhớt, ăn vô tiêu chảy ngay. Tôi không có tủ lạnh nên mua hàng đủ bán một bữa, hôm sau mua tiếp. Bánh mì bán không hết, tôi đem tặng cho dân kinh tế mới ngủ đầy lề đường Hai Bà Trưng. Khoảng chín, mười giờ tối, đắt, ế gì tôi cũng “dẹp tiệm”. Nếu còn bánh mì (không thể để ngày mai vì bánh sẽ cứng như đá) tôi bỏ vào giỏ, đạp xe ra đường Hai Bà Trưng rao lên “Bánh mì ế đây!” Vậy là họ tốc mùng chạy ra. Tặng mỗi người một ổ, đỡ đói lòng.

“Dân kinh tế mới” là dân Sài Gòn, bị chính quyền tịch thu tài sản (đánh tư sản mại bản) tống lên vùng cao nguyên, tự khai phá, trồng trọt lấy mà sống. Họ không biết làm rẫy nên đói, bịnh chết dần. Họ bỏ về Sài Gòn, ngủ đầy lề đường. Khoảng năm 1980, ở Sài Gòn, có khoảng vài trăm nghìn dân kinh tế mới sống “đầu đường, xó chợ”. Hằng ngày, người lớn tản mác đến các hố rác móc ve chai, đến các chợ, ai sai gì làm nấy. Trẻ con đi bụi đời. Mấy đứa con gái, có đứa làm “gái”, buổi tối, lang thang chỗ “Ngã Ba Sung Sướng” góc đường Hồng Thập Tự-Lê Văn Duyệt, trước bộ Y Tế cũ, đón khách. Hôm nào bị công an bố ráp (tìm bắt đưa đi tù cải tạo) thì đói. Nhiều buổi tối, đói quá, các cô sai một con bé đến nói “Bán cho chị tôi bốn ổ bánh mì” Tôi hỏi “Có tiền không?” “Không. Mai chị tôi trả” “Mầy có mấy chị?” “Nhiều lắm. Bốn chị” “Chị nào? Sao không thấy?” Nó quay đi mấy bước. Thì ra các cô nấp sau góc tường. Nghe con nhỏ báo, các cô chỉ thò đầu ra (vì mắc cỡ), nhìn tôi cười cầu tài. Tôi hỏi “Mua bánh mì, khi nào trả?” Một cô nói “Mai em trả” Tôi hỏi “Trả bằng gì?” “Gì cũng được. Tụi em đói quá!” “Tối nay trả được không?”  Mấy cô hết mắc cỡ nhưng vẫn lấp ló sau tường, vui cười “Được. Tụi em chờ anh bán xong thì đi chơi” “Chơi với mấy người?” “Cả tụi em. Càng đông càng vui” “Vui chơi xong có đi mét với thiên hạ không?” Các cô long trọng thề “Tụi nầy mà mét với người khác thì xe tung chết ngay. Cho bánh mi ăn đi. Đói quá!”

Một số bánh mì tôi để trên lò than nhỏ, sưởi cho bánh dòn, nếu bán không kịp, cứng ngắc. Tôi lấy loại bánh đó, trét chút pâté, sauce, chút thịt, rau dưa, xịt nước tương, gói lại. Các cô mừng rỡ, cám ơn rối rít. Tôi biết, các cô chẳng phải con cháu gì ông Khổng Tử mà phải giữ chữ tín. Chỉ ba mươi giây sau, các cô vào xóm kinh tế mới, sẽ nói rùm lên ngay. Quả nhiên hôm sau, có bà ra mua bánh mì vừa cười vừa nói “Ông cho mấy đứa ăn bánh mì “chùa” chúng còn vô xóm nói “Ông bánh mì đòi chơi cả bốn đứa”. Tôi cũng cười “Tôi coi tụi nó như em út. Nói giỡn cho vui. Đụng tới tụi nó là tối nào tụi nó cũng ra ăn “chùa” cho mà sập tiệm luôn” “Tụi nó “trây” lắm. Nói bậy mà không biết mắc cỡ” Tôi thở dài “Khổ quá, làm nghề đó thì còn gì xấu hổ để mà giữ gìn mồm miệng”.

Giờ đây, nhớ lại, Tôi mềm lòng vì cảm thương cho các cô. Sau 1975 dân Miền Nam gặp đại họa. Tài sản bị tịch thu, gia đình tan nát. Người con gái nào cũng có quyền ước mơ được đi học, được làm vợ, làm mẹ, nhưng chế độ đã đẩy họ vào đường cùng còn tìm cách loại trừ, cách ly họ khỏi xã hội, cho họ chết dần trong các trại tù cải tạo nơi rừng thiêng nước độc. Tôi nghĩ, giá mà tôi là “Việt kiều” như bây giờ, tôi sẽ tặng hết xe bánh mì cho các cô, nhưng lúc đó tôi cũng nghèo như họ.

Buôn bán, cũng vui vì được chuyện trò với khách. Đôi khi, có ông đạp xe đến, mua một ổ bánh đứng ăn, nói chuyện cả buổi. Đó là những ông đi tù cải tạo về. Chuyện trò thường là hỏi thăm ở tù trại nào? về ngày nào? vợ con ra sao? trước kia làm việc ở đâu? Chỉ vài câu thì thấy thông cảm như thân thiết từ lâu. Có ông trung úy Hiếu, cảnh sát đặc biệt, trước 1975, cùng làm việc với tôi ở quận Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên. Ông ta đi tù về, vào Sài Gòn, ở trong xóm, sau nhà thờ Tân Định, tối nào cũng đem một xị đế với cái ly nhỏ ra ngồi với tôi. Tôi để một ít thịt chả, pâté... bên cạnh để ông ta “đưa cay”. Tôi uống một chút lấy có, chỉ ngồi nghe ông ta tâm sự. Ông ta kể “Sau tám năm tù về, mới được vài bữa thì công an huyện Quảng Điền có giấy “mời” lên. Tôi lên công an huyện với cái bị áo quần, thuốc men...sẵn sàng vào nhà tù lần nữa. Không ngờ, mới bước vào thì tay trưởng công an huyện đích thân ra bắt tay, mời vào văn phòng với tất cả thân tình, vui vẻ như tôi là anh em ruột thịt của anh ta, lâu ngày không gặp. Tôi lại được mời uống cà phê sữa với thuốc “có cán” (đầu lọc, sang lắm) do đích thân một cô thư ký trẻ đẹp mang đến. Sau khi hỏi thăm gia cảnh, anh ta nói qua chính trị, rằng tất cả ai đã làm việc cho chính quyền miền Nam đều là tay sai của đế quốc Mỹ, đều có nợ máu với nhân dân, đáng tội chết, nhưng nhờ chính sách khoan hồng của “đảng và nhà nước ta” cho tập trung cải tạo để trở thành con người mới xã hội chủ nghĩa... Nay được đảng và nhà nước cho về sum họp với gia đình thì phải tuân thủ luật pháp, chính sách nhà nước, khi chính quyền cần thì phải xung phong góp sức xây dựng xã hội chủ nghĩa. Anh ta nói y như cán bộ trong tù đã nói vì họ học cùng một sách, nói như vẹt, sau đó anh ta kêu gọi sự cộng tác của tôi với công an huyện để “lập công chuộc tội” bằng cách xử dụng (điều hành) lại mạng lưới tình báo của cảnh sát đặc biệt Việt Nam Cộng Hòa thuộc quận Quảng Điền trước 1975 (mạng lưới gồm nhân viên, cộng tác viên, cảm tình viên...) Tôi ngạc nhiên “Trước đây, tình báo là để tìm hiểu, theo dõi Việt Cộng các ông, nay mấy ông sờ sờ ra đó mà chế độ cũ không còn, quân đội, cảnh sát tan rã hết rồi, theo dõi ai? Tôi mà tiếp xúc với họ là họ báo với công an ngay vì chính họ cũng đang bị theo dõi” Anh ta nói “Những người của anh sẽ hoạt động bình thường như trước 1975. Họ báo cáo tất cả những việc của chính quyền xã, ấp trong huyện, nhất là báo cáo việc làm của công an chúng tôi trong huyện. Anh thu thập và báo cáo thẳng cho tôi, không qua bất cứ người nào. Anh hoạt động tình báo thì anh đã rõ. Kỹ thuật nghiệp vụ bên nào cũng giống nhau, nếu sai phạm, kỷ luật, hậu quả cũng giống nhau” Tôi biết, nếu không làm theo lịnh anh ta thì sẽ mục xương trong tù. Tôi đành hứa sẽ cố gắng xem sao. Anh ta dặn không được tiết lộ nội dung buổi gặp mặt nầy. Sau khi ra về tôi thông báo cho tất cả các cộng tác viên trong mạng lưới của tôi (trước đây) đề phòng, rồi tôi đi gặp và nói huỵch toẹt với trưởng công an các xã trong quận để cảnh giác rồi vô đây (Sài Gòn) sống chui nhủi với người bà con”

Vì trước đây, chúng tôi làm việc với nhau mấy năm ở quận Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên, nên gặp tôi, ông ta quen miệng gọi tôi là “Ông phó” (phó quận), tôi dặn đừng gọi như vậy, nhưng khi đã xỉn, ông ta lại “Ông phó”. Rượu đế thường pha thêm thuốc trừ sâu cho “lên độ”, uống mau “phê”. Tôi có nói cho ông ta biết đó là rượu độc, nhưng ông ta bảo “Chết càng sớm càng tốt” Rượu đế pha thuốc trừ sâu, ruột gan nào chịu thấu nên chỉ mấy tháng sau, ông ta bị sưng gan chết.

Trong số khách mua bánh mì của tôi có hai ông bán vé số. Buổi tối, họ đến mua bánh mì rồi ngồi nhai bánh ngay trên lề đường. Một ông là cựu “lính ngụy”, khoảng trên bốn mươi, trước 1975, bị thương thành thương phế binh, về với vợ con ở Củ Chi, làm phó trưởng ấp an ninh, đêm nào cũng dẫn nhân dân tự vệ đi phục kích Việt Cộng từ các hầm hố trong rừng mò về ấp tuyên truyền, thu thuế, kiếm ăn. Thỉnh thoảng bắn được vài Việt Cộng nên ấp được bình yên. Sau 1975, mất nước, bị Việt Cộng truy lùng trả thù, anh ta trốn về Sài Gòn, gia đình lập bàn thờ, nói rằng anh ta vượt biên, chìm tàu chết rồi. Ông bán vé số thứ hai, gia đình ở Mỹ Tho, được gọi là Bắc Kỳ chín nút (di cư vào Nam 1954, để phân biệt với Bắc Kỳ 75 vào chiếm miền Nam 1975) lớn tuổi hơn, là cựu giáo viên, vì Việt Cộng bắt ông ta giảng bài “Mỹ Diệm Ăn Thịt Người” (Trong tập “Từ Tuyến Đầu Tổ Quốc”), ông ta nói “Tôi không thấy lính Mỹ Diệm nào ăn thịt người cả. Họ có đói đâu. Họ to mập như trâu” Ông ta bị ghép tội phản động, cần phải đưa đi “học tập cải tạo”, bèn bỏ trốn lên Sài Gòn, đi bán vé số. Đó là con mọt sách lại có trí nhớ phi thường. Tôi rất thích nghe, thích hỏi ông ta đủ thứ. Hai ông bán vé số ăn bờ ngủ bụi, lang thang khắp Sài Gòn. Tích góp được chút đỉnh thì gửi lén về nuôi vợ con. Hai ông đúng là yêu đời, lúc nào cũng vui cười. Buổi tối, họ hẹn nhau đến chỗ xe bánh mì của tôi ngồi nhai bánh mì, trò chuyện. Thời ông Hiếu còn sống, thì có thêm sự góp mặt của ông cựu trung úy cảnh sát đặc biệt nầy. Khi ông Hiếu chết, hai ông vẫn giữ thói quen đến chỗ tôi.

Một buổi tối, hai ông vé số đến xe bánh mì của tôi, miệng cười toe toét “Bữa nay, tụi này “zdô mánh” (có tiền). Một ông khách mua vé số tụi nầy. Lúc đó ông ta mua vé số của cả hai đứa nên không biết vé trúng đó ai bán. Cũng không biết ông ta trúng bao nhiêu mà tìm tụi này cho một mớ. Tụi nầy mời ông đi nhậu một bữa”. “Chà. Chơi sang thiệt. Đi nhà hàng phải không?” Hai ông vé số biết tôi nói đùa “Tụi nầy mua sẵn mồi rồi. Mời ông, lát nữa ra lề đường Hai Bà Trưng, phía nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi, làm mấy li cho vui”.

Tôi “dẹp tiệm”, đẩy xe bánh mì, gửi ở nhà người ta rồi đạp xe ra đường Hai Bà Trưng. Lúc đó khoảng chín giờ tối (tôi còn nhớ, mùa hè năm 1983). Nhờ lúc chiều trời mưa nên không khí mát mẻ. Hai bên lề đường Hai Bà Trưng là hai dãy mùng của dân kinh tế mới. Hai ông vé số đã ngồi chờ sẵn ở khoảng trống giữa hai chiếc mùng của người ngủ lề đường. Một tờ báo trải xuống làm khăn bàn, một gói thịt quay cỡ một kí-lô cùng với rau dưa. Một con vịt luộc được chặt nhỏ để bên cạnh. Hai chai rượu đế với cái li nhỏ sẵn sàng chờ đợi. Tôi lôi trong bị cói ra mấy ổ bánh mì, gói patê, đồ chua... bày ra. Ông thầy giáo già lịch sự mời hai ông “chủ nhà” hai chiếc mùng bên cạnh ra tham dự. Hai gia đình nầy chưa ngủ, nhưng thấy tụi tôi bày đồ nhậu thì nằm yên, sợ bị hiểu lầm, đến khi nghe mời mới ngồi lên, chui ra khỏi mùng. Tôi mổ mấy ổ bánh mì, bỏ thịt quay với rau dưa, mời đàn bà và trẻ con hai gia đình đó. Họ ngồi trong mùng nhai bánh mì rào rào (vì bánh mì ế, đã nướng, nguội và cứng, cắn rộp rộp). Hai ông khách được mời, nói mấy câu lấy lệ rồi ăn uống tận tình vì đã bao nhiêu năm rồi có biết thịt quay, vịt luộc bao giờ! Chúng tôi mời nhau. Tôi không biết uống rượu nên chỉ vài ly đã thấm. Rượu cũng như ma túy đã “phê” rồi thì vui thì quá vui, buồn thì buồn thêm. Thấy tôi trầm ngâm, ông thầy giáo hỏi vì sao? Tôi kể rằng “Lúc trong tù, có ông bạn tù nằm bên cạnh bị bịnh kiết lỵ. Biết mình không qua khỏi mới ghi địa chỉ vợ con, nhờ khi nào được thả về thì đến báo cho biết ngày mất để mà giỗ quảy.

Mấy năm sau, ra tù tôi tìm đến địa chỉ, hỏi dò, biết được chị vợ vẫn chưa biết chồng mình đã chết, mấy năm mà nhà tù không thông báo, vì khi ngồi ở quán cà phê gần nhà chị ta, nghe chị ta rầy thằng con, độ mười tuổi rằng “Ba con về sẽ dạy con chứ mẹ thì hết cách rồi” Tôi không còn can đảm mà đem tin buồn đến cho gia đình đó. Bây giờ vẫn cứ phân vân. Báo cho họ biết hay cứ để cho mẹ con chị ta hi vọng trong đợi chờ? Xin quí vị cho biết ý kiến”. Chẳng ai biết nói sao! Ông thầy giáo thở dài, nhìn vào khoảng không, đọc hai câu thơ “Khả liên Vô Định hà biên cốt. Do thị Xuân Khê mộng lý nhân” (Nắm xương bên sông Vô Định đã tàn rồi mà người thiếu phụ chốn khuê phòng vẫn còn chờ đợi) rồi bảo “Anh viết thư báo cho chị ta biết. Viết sao cho khéo. Cứ bảo rằng. Anh ta vẫn mạnh khỏe, vui vẻ. Không hiểu sao buổi sáng không thức dậy. Lay gọi mới biết anh ta đã đi rồi. Chôn cất tử tế. Anh cho biết tên trại tù, ngày mất, nơi chôn cất để gia đình ra dời di cốt về quê...

Thôi đổi qua chuyện tầm phào cho vui đi” Hai ông khách kinh tế mới, chẳng biết văn chương thi phú là gì, chỉ quan tâm tới chai rượu “Tụi nầy bị lùa đi kinh tế mới cũng giống như mấy ông đi tù. Dân thành phố, biết phá rừng làm rẫy là gì? Đói, bịnh, chết liệt địa. Nhất là mấy ông bà già và con nít... Mấy tuần nay tụi nầy đập mồ, đập mả rả rời chân tay, nay vô li rượu, máu chạy “thông suốt”. Khỏe sao đâu!” Tôi ngạc nhiên “Đập mồ, đập mả ai?” “Bộ anh không biết nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi bị cào sao? Cả tháng nay rồi” “Người ta thuê mấy anh vô đập mồ hả?” “Ai mà thuê. Trên thành phố xuống nói. Ai muốn đập mồ mả cứ vào mà đập” “Bộ khùng sao đi làm công không cho mệt xác?” “Đập nắp mộ để kiếm sắt vụn bán ve chai. Đập rả tay một nắp mộ bia bằng bê tông cũng được năm, bảy ký sắt, đủ mua gạo” “Rêm mình chịu chi thấu” “Chưa xong đâu. Mở huyệt xong còn phải hốt xương lên. Những mộ có thân nhân đến dời đi thì bỏ vô tiểu sành cho họ đem đi” “Họ trả tiền công có khá không?” “Ai mà biết. Thân nhân người dưới mộ phải liên hệ với chính quyền, đóng tiền bốc mộ rồi mang xương cốt đi đâu thì đi. Tụi nầy chỉ được chút tiền chủ mộ “bồi dưỡng” để tìm cho đủ bộ xương, sắp ngay ngắn vào tiểu sành. Họ dọa nếu không tìm đủ thì hồn ma về đòi người bốc mộ. Thiếu một lóng tay cũng phải tìm cho ra. Tụi nầy đâu có ngán. Quỉ còn sợ tụi nầy. Sá gì hồn ma” “Nếu không có thân nhân người dưới mộ thì làm sao?” “Thì cứ bỏ xương cốt dồn đống, chính quyền đưa đi đâu đó, đào hố trút xuống, lấp lại, cho ở tập thể luôn” Ông thầy giáo Bắc Kỳ thở dài “Xương cốt vất bỏ, mồ mả san bằng. Đã chết rồi mà cũng không yên. Nghĩa tử nghĩa tận. Mồ mả tổ tiên, cha mẹ họ mà bị đối xử như vậy, họ có chịu được không?” Lúc đầu, hai ông kinh tế mới không hăng hái chuyện trò vì bận thưởng thức các món nhậu, sau đó đã lửng dạ lại được phụ trợ bởi mấy li ‘ba xi đế” nên cao hứng nói lung tung, kiểu “rượu nói” chứ không phải người nói. Tôi hỏi “Hốt xương như vậy có ngán không?” “Giết người mới ngán chứ hốt xương là hốt của, ngán nỗi gì” “Sao hốt xương là hốt của?” “Nó như thế nầy. Mấy người chết mà gia đình giàu có thường chôn theo vàng ngọc, châu báu. Ít ra cũng có mấy cái răng vàng, chiếc nhẫn cưới trên ngón tay, trong miệng ngậm một viên ngọc. Tụi nầy nhờ vậy cũng đỡ khổ” Tôi nói đùa “Giàu chứ đỡ khổ gì?” “Tụi nó ngu lắm. Móc được trong quan tài thứ gì thì khoe rùm lên. Công an biết được. Vậy là sau đó, mỗi khi mở nắp quan tài, công an đứng sẵn, tịch thu hết. Trơ mỏ!” Ông thầy bán vé số lại thở dài “Đất đai, nhà cửa, ruộng vườn, sông núi, biển đảo... đều là tài sản riêng của đảng và nhà nước ta. Nhân dân làm chủ nhưng nhà nước quản lý. Xương cốt nhà nước cũng quản lý luôn. Trơ mỏ cũng đúng thôi” “Tụi nó biết mình ngu nên khôn ra. Hễ vàng ngọc, cà rá, hột xoàn... cái gì nuốt được thì chúng lén bỏ vô miệng nuốt trộng. Lớn hơn, nuốt không được thì nhét trong quần xì. Làm bộ lom khom, ai thấy được” Tôi lo ngại “Coi chừng có ngày thủng ruột, mất mạng” “Không có đâu. Chúng mua rau muống già, để nguyên cây, luộc rồi nuốt trộng. Sau đó đi cầu. Rau muống lôi hết ra ngoài, lấy đi rửa rồi đem ra tiệm vàng bán. Có đứa trúng mánh, mua nhà rồi” “Có chén dĩa, đồ gia dụng chôn theo không? Mấy thứ đó là đồ cổ, quí lắm, bán được tiền lắm” “Tụi nó đập bỏ, công an có tịch thu cũng chẳng bán được” Tôi tò mò “Mấy ông hốt cốt người ta, có gì lạ không? Bên Châu Âu, thời trung cổ, có người chết bị đóng đinh chỗ trái tim trước khi đem chôn để phòng ngừa xác chết sống lại thành Dracula, chuyên hút máu người. Nghe nói trong nghĩa trang đó có chôn người Châu Âu nữa?” Ông kinh tế mới thứ hai, nãy giờ cứ tì tì uống rượu, giờ mới lè nhè “Tôi không thấy đinh chỗ ngực, nhưng bị một lần hoảng vía, té đái trong quần” “Chắc là gặp Dracula rồi” Ông ta lắc đầu “Có cái mả Tây chôn đứng. Không phải chôn xuống đất mà để cái quan tài dựng đứng như cái tháp trên mặt đất, bên ngoài xây bê tông. Mấy người Pháp đến nhờ phá cái tháp, lấy hài cốt đem về Pháp. Tụi nầy đập bê tông phía trước cho lòi nấp quan tài ra rồi nạy nắp quan tài. Không biết họ bỏ chất gì mà bay mùi thơm phức. Mấy đứa đang phá mồ bỏ việc xúm đến coi đông như kiến. Xác người còn nguyên, như đứng trong cái tủ đứng. Tôi sớn sác bước tới gỡ mớ cây gì như rong màu vàng, tấp trên tấm vải liệm. Mấy cây rong đó với tấm vải liệm thơm còn hơn nước hoa. Tôi vừa kéo tấm vải liệm xuống thì lòi mặt một bà đầm, xám đen, khô đét. Mắt nhắm, thụt vô, môi teo lại, hàm răng trắng nhởn, nhe ra. Tóc còn nguyên, phủ xuống mặt. Đúng là con ma. Tôi sợ quá, bước lui. Ngay lúc đó, xác bà đầm ngã ụp lên người tôi như nhào đến ôm tôi. Tôi sợ đến cứng người, ngã ngửa. Cái xác đè lên tôi. Tôi vùng chạy. Người ta chạy tán loạn. Tôi vừa chạy vừa nhìn lui, sợ nó đuổi theo. Mấy ông biết sao không? Chỉ nửa giờ sau, cái xác đó bốc mùi thúi khủng khiếp, hít một chút là ngộp thở, đau đầu chịu hết nỗi. Cái xác lúc đầu còn nguyên. Thân thể, chân tay như vừa mới chết, cứng ngắc. Một lúc sau thì rả ra, thúi rum ra tới ngoài đường Hai Bà Trưng, Hiền Vương. Người đi đường hít phải chóng mặt, ói mửa. Nhà nào cũng đóng cửa vì mùi thúi bay vô nhà, không cách chi cho hết thúi. Người ta đem vôi với chất gì đó đổ lên xác con ma rồi tưới xăng đốt. Tôi ra sông, tắm ngày năm lần, xài hết một cục xà bông đá to, tắm xong bôi dầu thơm lên mà người cứ thúi. Bữa nay đỡ thúi nên tôi ngủ chung với vợ con. Mọi khi tôi giăng mùng ngủ riêng, ai đến gần, nghe mùi là né đi chỗ khác” Ông thầy giáo hỏi “Nghe nói tổng thống Ngô Đình Diệm với ông cố vấn Ngô Đình Nhu cũng chôn trong nầy. Bây giờ ra sao?” “Có người đến xin dời hài cốt. Hình như đem lên Gò Dưa, Thủ Đức cải táng, nhưng công an không cho để tên trên mộ bia mà chỉ được ghi chữ Huynh trên mộ bia tổng thống Ngô Đình Diệm và chữ Đệ trên mộ bia ông cố vấn Ngô Đình Nhu mà thôi”

Đúng ra, tôi còn có thể kể nhiều chuyện về cái nghĩa trang nầy, nhưng sợ mất thì giờ người đọc, vả lại, bữa đó, làm vài ly, tôi đã “gật gù” nên không nhớ được nhiều và chính xác. Mà không chỉ riêng tôi, mọi người đều “xỉn”. Hai ông vé số và tôi cứ nhường rượu cho hai ông kinh tế mới “Làm giùm tụi nầy cho hết hai xị. Bỏ lại, phí của” Một ông lè nhè “Bỏ đi đâu? Mười xị nữa cũng chưa “xi nhê” (xỉn) tụi nầy”. Thấy mồi đã hết, rượu cũng cạn, hai ông kinh tế mới chui vào mùng ngủ, còn lại ba người tụi tôi cũng quá say, không đứng dậy nỗi, nằm dài ra đó. Tôi chóng mặt, thở không được nhưng cũng đủ tỉnh trí mà xỏ chân vào khung xe đạp để đề phòng bị ăn cắp (xe) rồi mê man, chẳng biết trời trăng gì nữa.
 
Có lẽ trời lạnh nên tôi tỉnh dậy. Lúc đó khoảng một, hai giờ sáng. Cả thành phố bị cúp điện, tối thui, chỉ trên bầu trời cao có mấy vì sao lấp lánh. Một chiếc xe gắn máy chạy từ bờ sông Sài Gòn về chợ Tân Định. Ánh đèn loang loáng dọc theo hai dãy nhà rồi mất hút. Cả thành phố yên lặng như chết chìm trong bóng tối tràn ngập, đặc cứng. Tôi thấy mờ mờ hai ông vé số nằm ngửa, chân tay giang ra như đứa bé nằm ngủ.

Thình lình, ông vé số Bắc Kỳ la lên, giọng Nam Kỳ rõ ràng “Xã tắc tiêu vong. Hồn phách phiêu bạt, biết đi về đâu!?” Tôi lạnh người, tưởng như những hồn ma trong nghĩa trang, không tìm thấy mồ mả, xương cốt mình, không còn nơi trú ngụ, đành đi lang thang rồi nhập vào ông thầy giáo bán vé số mà kêu lên.

Tôi đứng lên, dựng xe đạp, định về nhà trọ, nhưng chóng mặt quá, trời lại tối thui, đâu thấy đường mà đi, đành nằm xuống, gác chân lên xe đạp, ngủ tiếp.

Phạm Thành Châu 

                         

No comments:

Post a Comment

Cái Đêm Hôm Ấy . . . Đêm Gì?

TTR: Chắc chắn không ai đọc được những bài ký sự như thế này mà còn có thể hình dung ra cảnh người dân bị bóc lột tàn bạo, phi nhân hơn nữa ...