14 January 2015

Câu Chuyện Khủng Bố Đánh Pháp

Vũ Linh

Thế giới những ngày qua đã bị chấn động bởi cái mà báo Pháp gọi là “9/11 của Pháp”.

Đại cương thì một nhóm ba tên khủng bố đã mang AK đến tấn công trụ sở tuần báo trào phúng Charlie Hebdo tại trung tâm Paris, giết một tá nhân viên toà báo, kể cả một số nhà báo và hoạ sĩ, tác giả những bức tranh trào phúng của báo. Vừa bắn giết, vừa hô Allahu Akbar (Đấng Allah Vĩ Đại), cũng la lớn “đã trả thù cho Đấng Tiên Tri”. Vì tờ báo đó đã dám vẽ tranh hý hoạ Đấng Mohammed và lãnh tụ ISIS.

Một người mù cũng nhìn thấy đây là hành động của khủng bố Hồi giáo cuồng tín. Nhưng dường như toàn thể các chính quyền Pháp cũng như Mỹ, kể cả các TT Francois Hollande và Obama, và hầu hết truyền thông dòng chính của lề phải đều … mù hết. Họ chỉ xác nhận đó là hành động “khủng bố” nhưng không dám hé răng nói thêm về cái đuôi “Hồi giáo cuồng tín”. Đài TV Fox News là đài duy nhất dám dùng danh từ “khủng bố Hồi giáo”. Xem CNN sẽ không bao giờ nghe thấy tiếng “muslim”. “Phải đạo chính trị” chính là vậy.

Nói đến chữ “Hồi giáo” là sợ đụng chạm đến cả khối hơn một tỷ người Hồi giáo trên thế giới, được gọi là những tín đồ của một tôn giáo “yêu chuộng hoà bình” và “tình yêu nhân loại”.

Đây chỉ là loại lý luận méo mó, trốn tránh sự thật. Có thể Hồi giáo, cũng như tất cả các tôn giáo khác, chủ trương “yêu chuộng hoà bình”. Cũng có thể Hồi Giáo có quan điểm khắt khe hơn hơn với những người không tin theo Đấng Tiên Tri. Những chuyện này hoàn toàn là chuyện ngoài lề không liên quan gì đến câu chuyện khủng bố ta đang bàn.

Trong Hồi giáo, có những thành phần cuồng tín quá khích. Trong Thiên Chúa Giáo, hay ngay cả Phật Giáo cũng không khác, có nhiều thành phần cực đoan cuồng tín. Tại Nam Dương trước đây và Miến Điện ngày nay, hay Thái Lan cũng vậy, những Phật tử xách mã tấu đi chém người Hồi giáo là chuyện xẩy ra rất thường. Trong Thiên Chuá giáo, những cuộc tàn sát tại Trung Đông thời trung cổ, hay thảm sát dân da đỏ Mỹ Châu của vài thế kỷ trước đều đã đi vào lịch sử. Đạo nào cũng vậy, cũng đều có những thành phần cuồng tín, tàn ác, đi rất xa những lời rao giảng. Tại sao ta có thể nói đến những hành động đẫm máu của các chiến binh Thập Tự Giá, hay của những ông sư võ trang Thái, mà lại không dám mở miệng nói khủng bố Hồi giáo?

Cái ông Howard Dean, trước đây là ngôi sao sáng của đảng Dân Chủ, xém chút nữa đã hạ được TNS John Kerry để làm đại diện cho đảng Dân Chủ ra tranh cử với đương kim TT Bush năm 2004, lớn tiếng khẳng định đám khủng bố đánh báo Charlie Hebdo không phải là Hồi giáo, vì Hồi giáo không chủ trương chuyện này. Không ai nói Hồi giáo chủ trương giết hết những người xúc phạm đến Đấng Tiên Tri của họ, nhưng những tên khủng bố đó là Hồi giáo, la lớn Allahu Akbar, muốn trở thành “thánh tử đạo” cho Allah, thì chúng là khủng bố cuồng tín Hồi giáo. Sự thật là vậy. Chấm hết.

Ta đối diện với một địch thủ cực kỳ nguy hiểm, tàn bạo. Nếu không dám nhìn thẳng vào mặt địch thủ, gọi cho đúng tên, nhận cho đúng mặt, thì làm sao đánh lại chúng? Đó là khủng bố Hồi Giáo cuồng tín, thì gọi đó là khủng bố Hồi giáo cuồng tín. Tại sao không? Dùng danh từ “khủng bố Hồi giáo cuồng tín” đâu có nghiã là đã kết án tất cả tỷ người Hồi giáo là khủng bố cuồng tín hết. Cũng như nói có mấy ông sư mang mã tấu đi chém người đâu có nghiã là nói tất cả các sư sãi Phật giáo đều sẵn sàng mang mã tấu đi chém người để bảo vệ Phật pháp.

Trước đây, tại Texas, một anh thiếu tá Hồi giáo quay súng qua giết một tá quân nhân đồng đội, miệng cũng la “Allahu Akbar”. Chính quyền Obama không dám gọi đó là hành động khủng bố, chứ đừng nói tới chuyện dùng danh từ “Hồi giáo”. Gọi đó là “biến cố bạo động văn phòng”, “office violence”, ai muốn hiểu sao thì hiểu, nhưng cùng loại với “tội ác” của một ông xếp bực mình tát tai một thư ký vậy.

Chuyện “phải đạo chính trị” để không mất lòng ai nó làm cho các chính trị gia ngày càng hèn yếu, chỉ giỏi núp né rồi diễn giải, để khỏi mất phiếu. Đó chính là mặt trái của chế độ dân chủ trong đó lá phiếu cử tri chi phối tất cả mọi lời nói và hành động của các chính khách.

Người Mỹ có câu rất hay: “nếu nó đi như vịt, kêu như vịt, thì đó là con vịt” (If it walks like a duck, quacks like a duck, it is a duck!). Nhưng câu nói này đã không được các chính khách áp dụng. Nếu nó đi như vịt và kêu như vịt, nhưng cử tri muốn đó là con mèo, thì nó đúng là con mèo.

Điều các chính khách không chịu nhìn nhận thì trước sau gì cũng sẽ xuất hiện như sự thật.

Đó là cái giá mà chính quyền Pháp phải trả cho chính sách của họ đối với khủng bố Hồi giáo cuồng tín nói riêng và dân Hồi giáo nói chung.

Pháp, cũng như nhiều nước Tây Âu như Anh, Hoà Lan, Bỉ và Đức, là những nước từ trước đến giờ đã có những chính sách di dân hết sức cởi mở, đón nhận thả giàn các di dân từ Trung Đông và Bắc Phi, nhân danh tính nhân đạo, muốn giúp những người dân khốn khổ này trốn khỏi cảnh cơ hàn trong các xứ gốc của họ, trong khuôn khổ một thứ chủ nghiã cấp tiến rất rộng lượng, khai phóng, và cởi mở. Trong chính sách đó, cũng có âm hưởng tàn dư của thời thực dân: nước Đại Pháp hay Đại Bỉ, Đại Anh gì đó, … dù sao cũng có ít nhiều trách nhiệm với dân các nước thuộc địa cũ, cần dang tay đón họ.

Chẳng những dang tay đón nhận, mà còn hồ hởi giúp đỡ, nuôi nấng, giúp nuôi dưỡng và phát triển những đặc tính văn hoá, tôn giáo của mỗi nhóm, thay vì tìm cách hoà nhập họ vào cộng đồng. Nhân danh tính đa dạng văn hoá, tôn giáo, chính trị của khối cấp tiến.

Các chính quyền Pháp tin rằng thái độ thân thiện này đã là một trong những yếu tố chấm dứt được những đe dọa khủng bố từ các nhóm quá khích Palestine thời thập niên 60 khi hãng máy bay Air France liên tiếp bị không tặc cướp, đổi con tin.

Dĩ nhiên tại Pháp, cũng như tại các nước Tây Âu khác, cũng có những nhóm phản đối chính sách cởi mở này, nhưng họ mau chóng bị liệt vào loại cực hữu theo chân Hitler ngay.

Trên căn bản, không thể nói chính sách này sai lầm, hay thất bại. Sự thật là tuyệt đại đa số những di dân này đã sống yên lành, trong kỷ luật quốc gia, ăn nên làm ra, đóng góp không nhỏ vào những phát triển cho văn hoá đa dạng của cả Tây Âu. Và nhất là đóng góp không ít cho việc phát triển kinh tế nữa.

Đúng vậy, còn một lý do kinh tế quan trọng hơn nhiều: đó là nguồn nhân lực rẻ tiền cho kinh tế Tây Âu. Dân Tây Âu, càng ngày càng rửng mỡ, có thể nói là lười biếng chẩy thây, đi làm một tuần 35 tiếng, mỗi năm nghỉ hè 6 tuần mà vẫn chưa thỏa mãn. Đã vậy, lại ham vui, không chịu có con cái. Khiến cho dân số các nước Tây Âu ngày càng giảm. Dân số giảm, giờ làm giảm, công hiệu giảm, làm sao giải quyết vấn đề tăng trưởng kinh tế? Làm sao cạnh tranh với Mỹ? Với Á Châu? Với các rồng con, cọp con? Di dân Trung Đông và Bắc Phi chính là đáp số.

Nhưng khu vườn hoa dù đẹp cách mấy, cũng không tránh khỏi những bụi cỏ dại. Nhìn hoa mà không thấy có cỏ dại phải diệt thì sẽ có ngày cỏ dại nhiều hơn hoa.

Biến cố Charlie Hebdo không có nghiã là cỏ dại đã nhiều hơn hoa, nhưng phải hiểu đó là bằng chứng cỏ dại là một đe dọa rất lớn và cụ thể.

Các chính quyền Tây Âu nhìn vào vườn hoa mà không chấp nhận có cỏ dại.

Người dân Âu Châu cho rằng Mỹ trở thành kẻ thù của khối Hồi giáo vì quan niệm quá cao bồi, đế quốc, bắt mọi người vào Mỹ là phải hoà nhập vào văn hoá Mỹ, trong khi đi ra ngoài nước thì bắt thiên hạ phải răm rắp phục vụ quyền lợi tư bản Mỹ và tuân theo tiêu chuẩn “giá trị” Mỹ. Tạo ra bất mãn, mâu thuẫn, tranh chấp, rồi khủng bố. Dân Âu Châu tự hào có ổn định hơn trong vấn đề này vì dân Hồi giáo được chấp nhận và tôn trọng hơn ở Mỹ. Do đó, không có chuyện đe doạ khủng bố Hồi giáo cuồng tín.

Chính sách đối ngoại của các nước Tây Âu cũng thể hiện quan điểm cởi mở, chấp nhận khác biệt ý thức hệ, “thông cảm” với các nước Hồi giáo cực đoan. Trong khi Mỹ cắt đứt mọi quan hệ với Iran, giữ quan hệ tượng trưng với Syria, thì cả khối Tây Âu vẫn có quan hệ ngoại giao khá mật thiết với những chế độ này. Thậm chí nhiều khi còn đóng vai trò trung gian giữa những xứ này và Mỹ.

Dĩ nhiên, có nhiều lý do, vừa phản ánh một chính sách đối ngoại đa dạng, vừa khỏi mang tiếng lệ thuộc Mỹ, nhưng cũng bảo vệ được khá nhiều quyền lợi kinh tế cụ thể, nhất là bảo vệ được nguồn cung cấp dầu lửa và khí đốt. Ngay cả khi Mỹ đánh Iraq năm 2003, thì cả Pháp lẫn Đức đều đã công khai biểu quyết chống lại tại Liên Hiệp Quốc, chỉ vì các hợp đồng ngoại thương giữa Pháp, Đức và Iraq còn quá nhiều và quá lớn. Ngày hôm nay đây, khi bị Mỹ áp lực phải tham gia cuộc chiến chống ISIS, thì Pháp chỉ đồng ý cho máy bay thả bom tượng trưng tại phiá bắc Iraq, không cho thả bom tại các căn cứ bên kia biên giới Syria.

Cuộc tấn công báo Charlie Hebdo là một gáo nước lạnh tạt vào chính quyền Pháp, để nhắc nhở cho họ là chính sách tương đối dễ dãi, thân thiện của Nhà Nước Pháp vẫn chưa đủ thoả mãn họ. Điều những nhóm quá khích Hồi giáo muốn thấy là một sự đầu hàng vô điều kiện và một sự thuần phục cao hơn nưã. Những bài báo hỗn xược của Charlie Hebdo là những chuyện không tha thứ được, không cần biết xứ Pháp là xứ của Voltaire, là người đã phán ra câu đại khái “anh có thể nói những câu ngu nhất nhưng tôi đến chết vẫn bảo vệ cái quyền nói câu ngu của anh”.

Cuộc tấn công này cũng đánh dấu một khúc quanh mới trong cuộc chiến chống khủng bố. Nó đã lan qua Tây Âu rồi. Người dân Tây Âu bây giờ mới biết mùi đe dọa của khủng bố quá khích Hồi giáo. Dĩ nhiên, trước đây, khủng bố Hồi giáo cuồng tín cũng đã tấn công Anh Quốc rồi, nhưng dù sao, dân Tây Âu với dân Anh, dù là cùng lục địa Âu Châu, nhưng luôn luôn coi nhau như không có bà con gì với nhau hết. Anh Quốc là bà con với Mỹ chứ chẳng liên hệ máu mủ gì với Tây Âu. Khủng bố đánh Anh Quốc thì cũng chỉ giống như khủng bố đánh Mỹ thôi. Bây giờ mới là vấn đề mới: đánh Pháp.

Cái nguy cơ lớn nhất là cuộc chiến chống khủng bố đã thay đổi bộ mặt. Trước đây là các chính quyền đối phó với các tổ chức khủng bố quy mô, có tiền, có phương tiện, có nhân sự lớn, như Al Qaeda. Dù vậy địch thủ loại này cũng là loại có thể nhận diện và dễ đánh hơn.

Địch thủ khủng bố loại mới bây giờ đã biến dạng qua hình thức một vài nhóm cá nhân lẻ tẻ, tuy phương tiện yếu kém hơn, sức tàn phá yếu hơn, nhưng lại cực kỳ khó trị. Chỉ cần một hai anh chị liều mạng mang súng bom đi đánh thường dân vô tội tại bất cứ nơi nào có đông người như trường học, chợ buá, rạp hát, sân vận động,… biết đường nào mà đỡ. Như câu chuyện Charlie Hebdo, chỉ có ba anh mang súng vào một toà báo bắn loạn lên, làm sao cản?

Việc ngăn chặn khủng bố dĩ nhiên phải bắt đầu từ những biện pháp phỏng thủ có tính cách chiến thuật nhất thời thôi. Muốn hữu hiệu hơn thì phải nghĩ đến một chiến lược tổng thể lớn hơn và lâu dài hơn. Chắc chắn là Pháp sẽ phải suy nghĩ lại quan hệ với khối Hồi giáo. Và các nước khác như Đức, Bỉ, Hoà Lan cũng vậy. Đây đều là những nước với tỷ lệ dân Hồi giáo khá lớn, trung bình 5%-7%, nhưng rất tập trung theo từng khu. Ngoại ô Paris, có vùng có tới 60%-70% dân Hồi giáo bắc Phi. Tổng cộng 5 triệu tại Pháp, 4 triệu tại Đức, 4 triệu tại Anh, gần 1 triệu tại tiểu vương quốc Bỉ.

TT Obama ngay khi mới lên nắm quyền đã nhìn vấn đề dưới con mắt chiến lược này. Ông coi thường các biện pháp có tính chiến thuật vá víu của TT Bush, và nghĩ đến giải pháp tổng thể lớn hơn. Đi lòng vòng các nước Á Rập và Hồi giáo lớn như Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập, đọc diễn văn ca ngợi Hồi giáo, xin lỗi bốn phương tám hướng, chìa tay ra với các giáo sĩ Iran, Iraq,… Nhưng kết quả dường như vẫn không có gì khả quan.

Ông muốn nhìn vào cả cái khối hơn một tỷ người Hồi giáo, tìm cách biến họ thành đồng minh tích cực ngăn chặn các nhóm thiểu số cực đoan. Câu hỏi là trong khối này, bao nhiêu sẽ ủng hộ các nhóm khủng bố, bao nhiêu sẽ chống? Không ai có câu trả lời rõ rệt. Khối dân Hồi giáo nói chung dĩ nhiên không tán thành những hành động khủng bố tàn ác đối với dân lành, nhưng dù muốn dù không, các nhóm khủng bố này cũng là dân đồng chủng, đồng đạo, chết vì đạo. Một triệu chứng đáng suy nghĩ: trong khi cả thế giới lớn tiếng lên án cuộc tấn công báo Charlie Hebdo thì người ta đã thấy một sự im lặng thật đáng lo ngại trong khối dân Hồi giáo. Chỉ lác đác một vài tiếng nói chỉ trích hay than phiền còn không có một phong trào quy mô nào chống đối cuộc tàn sát này. Nói đây là một sự im lặng đồng loã thì hơi quá đáng, nhưng dù sao cũng là một sự im lặng đáng lo ngại.

Về phiá dân Tây Âu, hiện nay đã bắt đầu có nhiều phong trào quốc gia quá khích, chống chính sách di dân quá cởi mở hiện hữu. Các nước như Thụy Sỹ hay Đan Mạch đã có trưng cầu dân ý về vài chuyện liên quan đến chính sách này và kết quả đều bất lợi. Bên Đức hiện đang có một phong trào quần chúng chống lại sự bành trướng của Hồi giáo. Bên Pháp, đảng cực hữu của bố con ông Le Pen càng ngày có tiếng nói lớn.

Trong những ngày tháng tới, với dư âm cuộc tấn công Charlie Hebdo vang vọng, bảo đảm nhóm Le Pen sẽ ồn ào hơn bao giờ hết và sẽ đạt được nhiều thành quả chính trị lớn.

Làm như mâu thuẫn giữa dân điạ phương với khối di dân sẽ ngày một lớn mạnh chứ không có cơ giảm cường độ.

Cuộc tấn công báo Charlie Hebdo đưa cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo cuồng tín vào một trang sử mới, sẽ buộc tất cả mọi người, các chính quyền Mỹ, Tây Âu, ngay cả người dân Mỹ và Tây Âu, và cả khối Hồi giáo toàn cầu phải nhìn lại vấn đề, sắp xếp lại bàn cờ. (11-01-15)

Vũ Linh

No comments:

Post a Comment

Cái Đêm Hôm Ấy . . . Đêm Gì?

TTR: Chắc chắn không ai đọc được những bài ký sự như thế này mà còn có thể hình dung ra cảnh người dân bị bóc lột tàn bạo, phi nhân hơn nữa ...