09 January 2015

Wolinski - nhà biếm họa tài ba dũng cảm

TS. Trần Thu Dung (từ Paris) - 09-01-2015

VanVN.Net - Wolinski sinh năm 1934 ở Tunisie, vừa mới mất trong vụ thảm sát 07/01/2015 tại tuần báo Charlie Hebdo, khi ông đang cùng ban biên tập họp mặt đầu năm để chuẩn bị kế hoạch cho năm tới. Ông là tác giả của nhiều cuốn hoạt họa trào lộng nổi tiếng và là họa sỹ tranh biếm họa tài ba về mọi lĩnh vực chính trị văn hóa và chính trị xã hội.

Họa sỹ Wolinski

Ông được mời làm biên tập viên và họa sỹ biếm họa cho nhiều báo nổi tiếng như Nhân đạo, Paris Match, Hành động, Người Quan sát, Hara-Kiri, Nước Pháp buổi chiều... Ông là phụ trách biên tập tuần báo Charlie hebdo. Tờ báo Charlie Hebdo từng nổi tiếng vì tính chất trào lộng và biếm họa. Từ tháng hai 2006, nhân danh tự do báo chí, tuần báo Charlie Hebdo, như nhiều báo châu Âu khác đã đăng lại 12 bức biếm họa về Mohamet đăng trên tờ báo Đan Mạch Jyllands-Posten, khi họa sỹ này bị đe dọa tính mạng. Các nhà báo, họa sỹ châu Âu đã phản ứng sự đe dọa của đám Hồi giáo quá khích. Họ sẵn sàng ủng hộ tự do biểu cảm, tự do ngôn luận của người cầm bút, cầm cây cọ, phản đối sự vi phạm đến nhân quyền của con người. Mặc dù bị đe dọa, ông cùng với những người đồng nghiệp tiếp tục đấu tranh cho lý tưởng tự do. Tháng 11 năm 2011, báo Charlie Hebdo dưới sự chỉ đạo của Charlie vẫn tiếp tục ra một số đặc biệt với tựa đề “Luật đạo Hồi” với hình ảnh biếm họa Mohamet xấu xí. Hơn 400 ngàn tờ bán hết. Ngay hôm sau, khu của tòa soạn Charlie Hebdo bị đốt cháy. Chính phủ đã vạch rõ kẻ phá hoại là đám đạo Hồi cực đoan. Ngày  07/01/2015, hai tay khủng bố nhân danh đấng Alladhu đã lọt vào tòa soạn nã súng làm 12 người chết và 11 người bị thương. Wolinski đã bị thiệt mạng.

Họa sỹ Wolinski là nhà biếm họa có giá ở Pháp, từng đoạt nhiều giải về tranh biếm họa. Giải quốc tế Biếm họa Gat Perich (1998). Tháng giêng 2005 ông được tặng Bắc đẩu bội tinh vốn chỉ dành cho những người có công lớn với nước Pháp. Cũng năm đó, ông nhận giải về tranh hoạt họa của thành phố Angoulême, nơi hàng năm nổi tiếng về tổ chức hội tranh hoạt họa. Ông cũng từng tham gia với tư cách là chủ tịch hội đồng giám khảo trong các cuộc thi truyện tranh.

Ông là người đề cao vấn đề tự do luyến ái, ông đấu tranh cho quyền tự do của người phụ nữ về lĩnh vực này. Đó cũng là điểm mà đạo Hồi cấm kỵ.

Ông là tác giả của nhiều truyện tranh hoạt hình trào lộng: Tôi không muốn chết ngu đần (1968), Chúng chỉ nghĩ có vậy (1969), Họ không biết hạnh phúc của mình (1972), Cuộc đời không chỉ có ngoài chính trị (1970), Không nên mơ (1974), Người Pháp làm tôi bật cười (1975), Tội nghiệp các nàng (1999), Mấy tay đàn ông tội nghiệp (2001), Quyền phụ nữ và đàn ông (2002), Vấn đề sex của người Pháp (2010), Nước Pháp muôn năm (2013), Làng đàn bà (2014)… Chỉ riêng các tựa đề cũng nói lên chất trào lộng của ông và chủ đề chính là phụ nữ. Tranh biếm họa của ông rất phong phú, đa dạng, đều có nội dung trào lộng xung quanh vấn đề tự do của con người, sự chật chội, gò bó trong một số quy tắc của xã hội dẫn đến xúc phạm nhân quyền của người phụ nữ nói riêng và con người nói chung như đạo Hồi. Các nhà chính trị, tôn giáo đẻ ra những quy tắc để kìm hãm sự tiến triển khát vọng chân chính của con người vốn tự nhiên như tình yêu.

Tôi vẽ tranh cho từ điển Larousse:
Chờ để tôi mặc quần vào đã
 
Ngụ ý của tác giả là có những lúc cần phải nghiêm túc. Larousse cũng là kiểu chơi chữ cô gái “tóc hung”. Ở đây vừa chơi chữ là “tôi vẽ cho tay “thích gái tóc hung”, cô này lại tưởng đưa vào từ điển Larousse nên vội đi mặc quần áo…

Từ Paris đến Istalbul: Đôi trai gái hai nước hôn nhau không phân biệt tôn giáo).
Đạo hồi thường cấm cho phụ nữ yêu người tôn giáo khác.


Nước Pháp đang dò dẫm

Biếm họa ở bìa mặt hơi giống Hollande (Tổng thống Pháp) sau vụ đình đám của tổng thống đi thăm bồ bằng xe gắn máy ở Paris. Wonlinski trào lộng tất cả những gì “nực cười” trên thế giới chứ không phải riêng về thánh Mohamet. Tranh biếm họa của ông được rất nhiều bình luận trong nước và trên thế giới quan tâm. Không cái gì qua nổi con mắt tinh tường và cái nhìn trào lộng của ông. Nước Pháp tôn trọng tự do biểu cảm. Tranh của ông không hề bị cấm và được đăng lại của nhiều báo trong nước và trên thế giới và được đánh giá là thâm thúy. Ông có tài sử dụng các biếm họa sex, phụ nữ để nói về chính trị xã hội. Đó chính là tài nổi bật của ông mà nhiều họa sỹ biếm họa khâm phục.

Ông thường dùng các tên tác phẩm cổ điển nổi tiếng của Pháp để trào phúng cuộc sống hiện tại. Các nhà chính trị chỉ lý thuyết giả bộ ngây ngô thật thà nhưng cũng quanh đi là bình thường như chuyện gái.


Tôi cho xem tất 

Ông trào lộng các cuộc thi nam vương, hoa hậu… 
Đàn bà quyết định giải thưởng Nam vương.

Thư viện quốc gia Mittérand năm 2012 đã tuyển lựa hơn 500 tranh biếm họa của ông, và tổ chức triển lãm nhân kỷ niệm 50 năm cuộc đời vẽ tranh của ông. Ông từng tham gia vẽ cho 40 tờ báo, và hơn trăm truyện tranh, nhiều áp phích, cho quảng cáo, kịch,  phim truyền hình… trong mọi lĩnh vực văn hóa. Riêng cái áp phích quảng cáo triển lãm đã  thấy rõ phụ nữ là chủ đề áp đảo các tranh trào lộng của ông nhưng lại ngầm chỉ vấn đề đang tồn đọng trong xã hội còn chất đầy mâu thuẫn mà các nhà lãnh đạo đang như con lừa cố gắng kéo.

Cái chết của Wolinski vừa là nỗi đau buồn mất mát lớn, nhưng vừa là niềm tự hào của gia đình và của những người cùng lý tưởng đấu tranh cho tự do ngôn luận, và nhân quyền trên thế giới. Con gái ông Elsa Wolinski tuyên bố: “Bố tôi mất, nhưng lý tưởng của ông mãi mãi sống. Tôi sẽ tiếp tục lý tưởng của cha đấu tranh cho tự do. Tôi đã kế thừa được ADN của cha để dấn thân vào tranh đấu vì tự do”. Maryse Wolinski - vợ của ông nghẹn ngào nói: “Chồng tôi mất như một người chiến sỹ hy sinh vinh quang trên chiến trường”.

Mọi người khắp nơi trên thế giới cùng lý tưởng đề cao tự do đều coi Wolinski cũng như đồng nghiệp của ông Charlie, Cabu, Tignous là những người anh hùng đã hy sinh trên mặt trận văn hóa trong cuộc đấu tranh vì tự do ngôn luận trên toàn thế giới. Cả nước Pháp để cờ tang rủ ba ngày tưởng niệm những người đã mất vì tự do và bảo vệ chân lý của nền Cộng hòa Pháp. Ngày 08/01/2015 hàng ngàn người Pháp thắp nến xuống đường để biểu thị sự phẫn nộ trước những hành động man rợ của kẻ nhân danh Thánh Alladhu giết người đấu tranh vì tự do. Họ hô vang biểu ngữ “Tất cả chúng tôi đều là Charlie” như một sự thách thức khi tự do và dân chủ nước Pháp đang bị đe dọa. Bà thủ tưởng Merkel Angel cho đây là không chỉ là sự tự do dân chủ của nước Pháp bị đe dọa mà của toàn châu Âu. Tất cả các trường học, công sở sáng 08/01/2015 đều dành một phút mặc niệm cho những người vừa thiệt mạng vì tự do.

Wolinski cùng các đồng nghiệp của ông xứng đáng là người anh hùng trên mặt trận văn hóa đấu tranh cho lý tưởng tự do của nhân loại. Lý tưởng của ông mãi mãi sẽ được thắp sáng.

Dưới những góc nhìn khác biệt (qua internet)

Tôi biết "bá nhân, bá tánh". Mỗi người. mỗi ý. Ta nhìn sự việc rồi diễn dịch dưới lăng kinh của ta và cho sự diễn dịch của ta là đúng, cái diễn dịch của tha nhân là sai hoặc còn thiếu sót. Làm người là thế đấy. Đầy chủ quan. Đắm chìm trong cái tôi của mình. Thổi phồng lên cái hay của mình và che dấu cái xấu. Luôn luôn muốn người khác mến phục minh, trong khi cư xứ thì lại ích kỷ, chỉ nghĩ tới mình. Tôi, Tôi, và Tôi. Có lẽ chính tôi cũng vậy, không khác gì ai. Đó là có thể sự hạn chế cái giá trị của nhận xét sau đây:

Chính vì quá đắm chìm trong cái tôi mà những ký giả ở tuần báo châm biếm Pháp Charlie đã trả một giá quá đắt. Nhiều người thương tiếc cho những ký giả đó và kêu gào là họ là nạn nhân của sự cuồng tín và quá khích tôn giáo, và họ chết đi về lý tưởng tự do ngôn luận. Tôi cũng buồn rất nhiều về sự ra đi của họ. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, có thể sai lầm, rằng họ chết vì qua tha thiết với cái tôi của họ. Họ thích chửi. Họ kiếm tiền nhờ chửi, không chừa một ai, mặc dù bị phản dối và đe dọa. Họ quá mê "quyền lực". Khi chửi họ cảm thấy họ có uy, có quyền, làm đối tượng trở thành nạn nhân mang vui cho đọc giả thích cười trên sự đau khổ của người khác. Làm người khó tránh được sự Schadenfreude, nhất là với người mình không ưa.

Khi ta quá đắm chìm trong cái tôi là ta, dù ta có tự nhận thức hay không, đang bị mê hoặc bởi sự kích thích của quyền lực. Nếu những ký giả trên chết vì thu thập tin tức ở những chiến trường, trong tinh thần tìm sự thật và mang sự thật đó đến công chúng, thì cái chết của họ có ý nghĩa và có phục vụ cho tự do công luận, và tôi buồn nhiều hơn.

Chửi là một "nghệ thuật huyền bí". Tưởng là dễ dàng, nhưng rất khó thực hành. Phải chửi làm sao mà đối phương đau nhưng phải cười và đồng ý với minh. Chớ chửi mà mang vạ vào thân thì ai làm cũng được. Gần đây, có nhiều bài chửi ông thi sĩ có tầm vóc lớn trong vặn học hiện đại Việt Nam, tên là Du Tử Lê, vì lý do nầy hay lý do khác nhưng rất có lẽ bị thúc đẩy bởi háo danh, về Việt Nam ra mắt sách và ngồi ì khi một cán bộ chửi xéo VNCH. Hai bài chửi mới nhất rất là hạ cấp, với một văn phong binh dân học vụ, đầy dư âm của hàng tôm, hàng cá của Chợ Cầu Ông Lãnh và ngôn từ của dân đá cá lăn dưa và đứng bến xe đò, khiến đọc giả không thể không khinh khi tư cách của tác giả và thương hại ông Du Tư Lê, ham muốn danh lợi làm chi mà bị bọn tài năng thi văn thua xa mình, nay có dịp, lợi dụng nước đục thả câu, đem mình ra chửi loạn xạ, không nương tay.

Dân trí người Việt "tỵ nạn" chúng ta là thế đấy. Thích chửi. Thích ca tụng cái tôi của mình và chà đạp cái tôi của người khác. Và trong khi làm thế, lấy làm khoái trí vì ảo tưởng "quyền lực". Thay vì bàn luận đứng đắn, nghiêm túc, trong tinh thần học hỏi để đi tới sự thật và chân lý.

Trân trọng,

Wissai
canngon.blogspot.com

________________________

Một Vài Báng Bổ Thách Thức Thâm Thúy của Charlie Hebdo

   
Charlie Hebdo châm biếm xóc óc không chừa một ai, không e dè bất cứ "giá trị tôn kính" nào. Từ ca sĩ Michael Jackson, sự kiện 911, cho đến chính trị gia, các loại tôn giáo. Càng phản ứng đe dọa Charlie Hebdo càng châm chọc mạnh hơn, không tương nhượng.

1- Tín điều Hồi giáo ngăn cấm vẽ hình tiên tri Mohamed, thì Charlie Hebdo thường xuyên hí họa.

Năm  2006, tờ tuần san biếm họa Mohamaed bưng mặt khóc với tựa đề: "Mohamed choáng váng vì chủ nghĩa  tôn giáo cực đoan"...

Vì việc này tổng thống Pháp lúc đó, Jacques Chirac, đã yêu cầu  Charlie Hebdo đình chỉ loạt bài này. Nhưng Charlie Hebdo từ khước. Khối Hồi giáo áp lực Chirac không xong, đâm đơn kiện Charlie Hebdo... nhưng thua!

Trong năm  2012 - Trang bìa của Tuần San biếm họa hình một người Do Thái Giáo đẩy xe lăn cho một người Hồi Giáo, với nhan đề "Những Kẻ Không Thể Đụng Đến Được" theo ý của phim  The Intouchables—trong đó một kẻ giầu có bị tê liệt mướn một tên có thành tích tội phạm làm người chăm sóc cho hắn ta...

Trong số báo này, Charlie Hebdo còn đăng tải đoạn phim diễu cợt Hohamed  Innocence of Muslims,  cũng như vẽ hình khỏa thân Mohamed trong trang báo.

Viêc này khiến chính phủ Pháp lại đòi can thiệp yêu cầu báo Charlie Hebdo ngưng phát hành số bào này. Nhưng Charlie Hebdo lại cương quyết không tuân hành.

Năm 2011 - Hình Mohamed lại được biếm họa nơi trang nhất nhân dịp Tổng thống Tunisese thuộc đảng hồi giáo Ennahda’ đắc cử. Hình Mohammed  với câu nói (100 roi nếu như các người không chết vì cười" ( “100 lashes if you don’t die of laughter!”)

Tuy nhiên trang nhà của Charlie Hebdo bị đột nhập và hàng chữ bị sửa lại thành“Không có thần thánh nào chỉ có Allah  (No god but Allah) và tòa báo bị tấn công với bom xăng.

Năm 2010 - Nhân nước Pháp đang căng thẳng về đề tài ngăn cấm khăn Burqa -  Charlie Hebdo đã lên trang một hình phụ nữ A Rập khỏa thân với tấm khăn Burqua nhét ở lỗ đít - nhan đề “Dạ, mặc khăn burqa từ bên trong..." (Yes to wearing the burqa … on the inside!).

Tờ này cũng "xúc phạm" giáo hoàng công giáo bảo thủ gốc người Đức, kẻ đã bị NHÓM CHÍNH PHỦ ẨN TÀNG (?)  buộc phải "từ chức" để  chức Giáo Hoàng được thay thế với một nhân vật "tiến bộ" hơn như hiện nay.

Năm 2010 - Tờ báo này vẽ hình giáo hoàng Benedict XVI  dâng thánh lễ bằng một cái bao cao su cản tinh trùng (condom) với câu kinh nghi thức mà một giáo sĩ công giáo thường đọc khi dâng lễ: "Này là Mình Ta" (“This is my body”  theo truyền thống buổi tiệc ly.trước khi Giê Su bị bắt.

Bức biếm họa này được vẽ để phản đới tuyên bố của giáo hoàng  Benedict XVI về việc đeo Bao Cao Su phòng chống bệnh Liệt Kháng (SIDA hay AIDS) lúc bấy giờ..

Nên nhớ PHÁP là một xã hội Công Giáo truyền thống nhất của Âu Châu! Từng được mệnh danh là Con Gái Đầu Lòng của Giáo Hội La Mã! ( Eldest Dauther of The Church)

Còn rất nhiếu hình biếm họa cực kỳ thách thức và thâm thúy (xin xem nơi trang Tuần San Charlie Hebdo này). Thâm thúy thật sự là có ý nghĩa thâm sâu - chứ không phải "thâm thúy" hiều theo kiểu dân Bắc Việt Nam. Ở Việt Nam đất Bắc, người ta sợ sệt không dám nói thẳng, nên nghĩ cách nói móc méo bóng gió ẩn ý để không bị bắt lỗi, bị trừng phạt chứ không phải là đặt vấn đề một cách rõ rệt  với sự thấu hiều sâu xa (thâm thúy).

9-1-2015
NKPTC
________

Vấn Đề Kính Trọng Một Niềm Tin

Trần Tiên Long

Cứ mỗi khi có ai phê bình về một niềm tin thì những nhà biện giải cho Thiên Chúa Giáo (TCG) thường hay gay gắt kết án họ cái tội chống phá tôn giáo. Họ không thể chấp nhận bất cứ người nào có những lời lẽ bất kính đối với niềm tin của họ. Điều này cũng dễ hiểu, bởi vì TCG thường rất xem trọng niềm tin bằng cách thăng hoa đó là một nhân đức tin nên các tín hữu sẵn sàng làm tất cả những gì để sống chết với niềm tin tưởng đã được cấy vào đầu óc họ ngay khi mới lọt lòng mẹ.

Nhưng đối với những người không có cùng niềm tin TCG thì sao? Liệu họ có cần phải kính trọng những điều mà họ không tin tưởng như người TCG không? Tại sao phải bắt họ tôn trọng những điều mà họ biết chắc chắn là sai lầm, không nên tin? Có phải cứ là niềm tin thì tự động xứng đáng được mọi người kính trọng, kể cả những kẻ không tin?

Trước tiên, cần phải xác định thế nào là một niềm tin. Niềm tin là một ý tưởng hay nhận thức mơ hồ về một điều gì đó không có bằng chứng, hoặc trái nghịch với các sự kiện hiển nhiên. Trong Nhận Thức Luận, niềm tin có một sự liên hệ mật thiết với Triết Học, nhưng hai thứ hoàn toàn khác nhau ở chỗ Triết Học được xem như một nhận thức xác thực đã có sự biện minh; trong khi niềm tin thì chưa có sự biện minh để bảo đảm tính chân thật.

Niềm tin có thể là một cảm giác thành thật đưa chúng ta tới sự hiểu biết, nhưng nó cũng có thể là một kiến thức sai lầm. Chẳng hạn, người xưa có một thời rất thành thật tin tưởng rằng trái đất phẳng. Ngày nay, một niềm tin như vậy rõ ràng là một nhận thức sai lầm. Con người sinh ra thì đã có lý trí. Bởi vì không thể dùng lý trí để tin tưởng một điều nghịch lý nên Thần Học TCG dạy các tín hữu rằng đức tin là một tặng phẩm Thiên Chúa chỉ tặng cho những người được Chúa chọn lựa và yêu thương cách riêng

Từ căn bản của sự định nghĩa đó, chúng ta có thể đặt vấn đề rằng liệu một niềm tin chưa có sự biện minh có xứng đáng để chúng ta kính trọng như các nhà biện giải cho TCG đang đòi hỏi?

Có một sự kiện hiển nhiên chúng ta cần phải chấp nhận, rằng không phải niềm tin nào cũng giống nhau. Có những niềm tin rất xấu xa, gây nguy hại cho đồng loại và xã hội, trái nghịch với luân thường và đạo lý, đáng bị khinh bỉ. Chẳng hạn, niềm tin của những kẻ có đầu óc kỳ thị chủng tộc. Họ tuyệt đối tin tưởng rằng chỉ có chủng tộc của họ là ưu việt, cần phải được bảo vệ hơn tất cả các chủng tộc khác. Hoặc niềm tin của những kẻ độc tài, phát xít. Họ tin tưởng mãnh liệt rằng chỉ chính quyền và chế độ họ đang nắm giữ mới có thể mang lại hạnh phúc cho toàn dân. Và còn có những niềm tin tôn giáo của các tay khủng bố ôm bom nổ. Họ khăng khăng tin như đinh đóng cột rằng đó là con đường ngắn nhất dẫn họ tới thiên đàng, nơi có các cô trinh nữ đang chờ đón họ để cùng vui hưởng hạnh phúc đời đời mà không nơi nào có. Những niềm tin mù quáng như vậy có xứng đáng để chúng ta kính trọng không? Nếu để họ tự do cổ vũ và chúng ta không chịu lên tiếng thì kết quả sẽ dẫn đến những điều tai hại gì cho xã hội và đồng loại? Cho dù không thể đối thoại với những người có niềm tin giáo điều cuồng tín, nhưng ít ra, chúng ta vẫn có thể trưng ra những sai lầm của họ trước công luận, để những người chưa tin như họ còn có cơ hội được nhìn thấy. Một khi người ta đã dụt bỏ lý trí qua một bên để chỉ đi theo niềm tin thì bạn lấy gì để lý luận với họ?

Đồng ý rằng, dù gì đi nữa, mọi người cũng vẫn có quyền tin tất cả những điều gì mình muốn, cho dù có sai trái và nguy hiểm tới mức nào. Đó là một nhân quyền được các hiến pháp của các quốc gia có tự do và dân chủ bảo vệ. Nhưng mình có quyền tin không có nghĩa là mình cũng có quyền bịt mắt bịt tai thiên hạ để làm thiên hạ tin theo mình. Việc tự do phê phán một niềm tin cũng là một nhân quyền mà chúng ta cần phải tôn trọng và bảo vệ. Chúng ta đòi hỏi người ta tôn trọng nhân quyền của chúng ta thì chúng ta cũng nên tôn trọng nhân quyền của thiên hạ. Những xảo thuật như nhốt vào cũi chó, ém bài, xoá hoặc sửa đổi bài, v/v… là những hành động đang vi phạm trực tiếp quyền hiến định này. Chúng chỉ đưa đến kết quả chứng minh rằng chúng ta đang sợ ánh sáng của sự thật vì chúng ta đang ôm ấp những niềm tin sai lầm.

Thực ra, nếu chúng ta theo dõi những lời phát biểu của những nhà biện giải cho TCG trên các diễn đàn, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra ngay rằng họ không những chỉ đơn giản đòi hỏi mọi người phải kính trọng niềm tin của họ, mà còn ngụ ý đòi hỏi thiên hạ phải chiều theo niềm tin của họ. Họ muốn niềm tin của họ được thể hiện ở mọi nơi, kể cả những nơi chốn thuộc công cộng, nhưng họ lại không muốn niềm tin của những người khác được phổ biến. Họ không cho chúng ta biết kính trọng thì phải kính như thế nào. Nhưng tại sao người ta lại đòi hỏi thiên hạ phải kính trọng, trong khi sự kính trọng không phải là điều tự động chúng ta có được theo cách miễn phí? Đó là điều chúng ta phải ra công sức mới có được. Một ông thày không thể đòi hỏi học trò phải kính trọng mình nếu ông ta không có tư cách của một nhà giáo. Sự kính trọng của học trò còn tuỳ thuộc vào tư cách, kiến thức, và hành động của ông thày trong xã hội. Người ta có thể đòi hỏi mọi người tối thiểu phải kính trọng nhau như những con người có nhân vị, cho dù đối với một người vô lại, cùng đinh, chẳng ra gì trong xã hội; nhưng niềm tin không phải là con người để có được sự kính trọng tối thiểu này

Niềm tin không phải là chủ thể đang tin; do đó, phỉ báng niềm tin không phải là phỉ báng người đang tin. Nếu phân biệt được niềm tin với người tin thì chúng ta sẽ dễ dàng chấp nhận sự phê phán đến từ mọi phía qua những lăng kiếng khác nhau. Cũng vậy, khi tôi chê trách và phê phán một chính quyền, một chế độ đang được áp dụng ở một quốc gia, điều đó không có nghĩa là tôi đang phỉ báng toàn thể dân tộc đang sống ở trong quốc gia đó. Hoặc tôi có thể bàn về chủ nghĩa xã hội, điều đó không có nghĩa là tôi đang khinh thường tất cả những người đang sống trong chủ nghĩa xã hội đó.

Đúng hơn, chúng ta chỉ có thể đòi hỏi thiên hạ phải bao dung với niềm tin khác nhau trong xã hội, hơn là bắt thiên hạ phải kính trọng một niềm tin riêng biệt của chúng ta. Người ta có thể rộng lượng, bao dung với những quan điểm dị biệt về cùng một vấn đề, mặc dù người ta đang xem thường, khinh bỉ những ý kiến ngớ ngẩn, ngu ngơ. Người ta vẫn có thể có những ý tưởng rất tiêu cực về cùng một điều mà người ta đang bao dung; nhưng, ngược lại, người ta không thể khinh ghét cùng một điều mà người ta đang kính trọng. Như vậy, sự kính trọng và lòng bao dung là hai phạm trù hoàn toàn khác biệt. Khi người TCG đòi hỏi thiên hạ phải kính trọng niềm tin của họ là lúc họ đã vượt quá lằn ranh của lòng bao dung.

Ngoài ra, còn có một thắc mắc khác cũng cần phải được nêu ra: Tại sao trong khi các nhà biện giải cho TCG có thể rao bán món hàng niềm tin của họ ở các chợ trời, trên đại lộ Pigalle thuộc Paris, Bourbon Street thuộc New Orleans, trong đài phát thanh, tivi, diễn đàn công cộng, báo chí, v/v… thì thiên hạ lại không thể bàn ra, góp vào về những món hàng họ đang rao bán? Có phải tôn giáo là lý do duy nhất cần có và đủ để bắt buộc tất cả mọi người phải im lặng, lắng nghe? Và còn có một sự kiện khác mà chúng ta không thể chối cãi, rằng đã và đang có vô số những kẻ buôn thần bán thánh, chuyên làm nghề reo rắc những điều mê tín dị đoan để đắc lợi cho cá nhân và phe nhóm. Những kẻ đạo đức giả này thì đầy đường, ở đâu và ở thời đại nào cũng có, rất dễ dàng bắt gặp. Họ đang phục vụ và bảo vệ cho tôn giáo của họ, chứ chẳng phải cho các chân lý mà họ đang rao truyền.

Dù gì đi nữa, chúng ta cũng nên trân trọng có một lời cám ơn đối với những người đang làm công việc không công, phê phán những điều mê tín dị đoan núp sau các chiêu bài niềm tin tôn giáo để bảo vệ quyền lợi cho chúng ta, những người thuộc giới tiêu thụ. Nếu không có họ thì tôn giáo đầu tiên của nhân loại đã là tôn giáo duy nhất và cuối cùng. Và như vậy thì loài người đã không có sự tiến bộ, nhân loại vẫn đang sống trong sự ngu dốt của các tổ tiên ở thời man khai. Và chính chúng ta cùng còn cháu chúng ta sẽ là những kẻ chịu nhiều thiệt thòi hơn cả.

Trần Tiên Long

No comments:

Post a Comment

Câu Chuyện Đêm Giáng Sinh

Buổi chiều ngày 24 tháng 12 năm 2004, Wendy, cô sinh viên năm thứ hai đại học Dược khoa đang đứng đợi chuyến xe lửa dưới subway của thành ph...