30 April 2022

Chuyện cũ rích nhàm chán và ngứa tai

Câu chuyện "Đầu Hàng" của ông Hồ Sĩ Khuê
Điền Thảo

Một buổi sáng ít tất bật, tôi lang thang trên internet đọc được một bài viết khá dài với đầu đề rất ngắn "Đầu Hàng" ký tên Vân Xưa Hồ Sĩ Khuê. Bài viết đăng trên trang "KBC Hải Ngoại". *

Chủ đích của bài viết không phải chỉ nhắm bênh đỡ cho tướng Dương Văn Minh (DVM) về chuyện đầu hàng vào ngày 30 tháng Tư năm 1975 như đầu đề cho thấy, mà một phần quan trọng của bài viết nhằm chỉ trích hai nền cộng hòa của Miền Nam Việt Nam.

Dù chỉ trích nặng nề chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa, nhưng ông Khuê cũng buộc lòng phải công nhận một điều: Việc tái định cư nhanh chóng và thành công cho hơn một triệu đồng bào Miền Bắc di cư vào Miền Nam. Những người di cư này trốn chạy cái gì tác giả không nói.
Tất cả người sống ở miền Nam đều đã chọn lựa tự do, không ai chối cãi được, kể cả bọn Cộng Sản mồm loa mép giải đã quen.
Trong tinh thần chọn lựa ấy, đồng bào di cư được đùm bọc đến nơi, đến chốn. Cũng không ai chối cãi được sự kiện này, khi các khu trù mật Vị Thanh, Cái Sắn, được thiết lập riêng cho người di cư mà không hề gây một xúc động tranh ghét nào của đồng bào tại chỗ.
Trên đây là một đoạn trích từ bài viết phác họa vài nét trong những thành công của chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa mà tác giả cũng không thể phủ nhận. Có điều khi nhắc đến những thành quả ấy, ông Hồ Sĩ Khuê cố tránh không nói ra là ai đã có công định cư hơn một triệu dân di cư, vì biết rằng khi nói ra ông ta sẽ tự mâu thuẫn với những gì ông sắp sửa chỉ trích.

Ông không hề đả động đến những năm thanh bình thời Đệ Nhất Cộng Hòa trước khi Hà Nội hạ quyết tâm đánh chiếm Miền Nam gây chiến tranh du kích khắp nông thôn. Trong những năm thanh bình ấy một người đi làm nuôi sống được cả gia đình; những con đường hẻo lánh xuyên qua rừng rú, xe chạy thâu đêm, không sợ cướp bóc, chỉ sợ nai rừng ra đường ngơ ngác cản trở.

Một điều mẫu thuẫn khác khi ông hoan hô cuộc đảo chính 1.11.1963 lật đổ được chế độ "phong kiến" mà ông chỉ trích năng nề. Thế rồi những tướng tá làm đảo chánh lên cầm quyền ông Khuê còn xỉ vả nặng nề hơn nữa.Ông chửi bới không thương tiếc như một bọn "chó" "vô liêm sỉ".
"Cho đến khi không còn hy vọng tiếp tục vơ vét thêm được nữa, tập đoàn này đã phân tán chạy như một bầy chó đạp phải lửa, hối hả tháo thân cho kịp trước ngày Sài Gòn sụp đổ. Để lại an hưởng tài sản đã thụ đắc năm này qua năm khác, lúc cầm quyền trong nước, trên xương, trên máu, của lính, của dân, mà tiếp tục cuộc sống đế vương ở nước ngoài. Cố nhiên nay ra nước ngoài, bọn họ thừa tài sản, thừa học thức, thừa bộ hạ tay chân, thừa phương tiện. Chỉ thiếu có liêm sỉ, nên không ngần ngại sử dụng đủ mọi thứ mánh khóe, kể cả mánh khóe văn hóa, báo có, sách có, để hài cái tội đầu hàng của Dương Văn Minh."
Ngay cả công cuộc kháng cộng, ông cũng chỉ trích và cho rằng đó là thứ do Mỹ áp đặt lên quần chúng.
Tâm cảnh chung của toàn thể đồng bào từ lâu rồi đã chán chiến tranh vì thù ghét một chế độ cộng hòa giả hiệu, hết phong kiến đến quân phiệt, mà người Mỹ đã không thương tiếc phương tiện dựng nên, để chống Cộng bất chấp quần chúng trong nước.
Tác giả bài viết nhiều lần dùng chữ "phong kiến" tiền chế để mô tả cộc lốc thời Đệ Nhất Cộng Hòa.

Cho dù thế ông ta vẫn chưa hả dạ mà còn muốn hạ đo ván Đệ Nhị Cộng Hòa điều khiển bởi một "bè lũ quân phiệt".
"Nhằm mục đích chế ngự các thế hệ đang trưởng thành, không để cho thanh niên sinh viên học sinh rảnh tay phát động phong trào chống đối, nhà Ngô từ các biến cố tháng 11-60, tháng 2-62, cho đến tháng 11-63, rồi Thiệu/Kỳ từ 1967, đã dùng biện pháp động viên để ngăn chận. Người ta lùa vào các quân trường lớp sinh viên học sinh mà lựu đạn cay, giây thép gai, không ngăn được họ biểu tình phản đối vụ ông Diệm đàn áp Phật giáo, phản đối Thiệu/Kỳ âm mưu hồi sinh Cần Lao Công Giáo. Để khi họ tốt nghiệp, dùng quân kỷ mà giam lỏng lớp trẻ có học vấn cao vào hàng ngũ các chỉ huy cấp thấp của quân đội."
"Đến một lúc nào đó, họ nhận ra các đàn anh họ trong quân đội đành cũng bó tay trước sự ngu muội của người Mỹ, cho rằng chống Cộng chỉ cần có một bọn tay sai nắm trọn quyền binh, mà không cần đến quần chúng nhân dân trong nước. Tướng “ngồi chơi xơi nước” Dương Văn Minh điển hình tình trạng bó tay này. Cho nên dần dà tâm cảnh buông súng đã manh nha ở lớp sĩ quan trẻ."
Dương Văn Minh đâu có bị bó tay. Ông ta có nhiều dịp để hành động phá sập cái mà ông Khuê đả phá. Bằng chứng Dương Văn Minh đã làm đảo chánh thành công, lên làm quốc trưởng. Cờ đến tay cũng chẳng biết phất. Đến cả như một văn thư yêu cầu người Mỹ rời khỏi Việt Nam trong 24 giờ , Dương Văn Minh cũng y những gì tòa đại sứ Hoa Kỳ viết ra cho mà đọc. Một con người như thế dân chúng Miền Nam kỳ vọng được gì? Hay tại vì lúc đó tướng Minh không có bộ óc tài giỏi của ông Khuê ra giúp sức. Chúng tôi là những thần dân của một vong quốc ghét cay ghét đắng những vị tài giỏi không chịu bương bả giúp nước trong cơn nguy cấp mà chỉ ru rú xó bếp đợi dịp để chỉ trích:
 "Hai mươi năm quân dân miền Nam chịu đựng cảnh người Mỹ bao che bất tài, bất công, tham nhũng, bè phái, của một “chí sĩ” lạc hậu và phong kiến, và nằm trong tay quân phiệt tiếp theo sau. Tất cả đều nhân danh đủ mọi thứ giá trị tinh thần tốt đẹp, trừ sự ngay thẳng, trừ ý thức trách nhiệm trước lẽ sống còn của quê hương đất nước."
Một bài viết đầy tiên kiến và thiên kiến như thế lẽ ra không nên đọc, mà nếu đã lỡ đọc phải thì cố gắng đừng bực bội vì bực bội mất vui vài phút vài giây

Giọng điệu của ông Khuê có khi nhiễm hơi hám của đám bất mãn mà Hà Nôi đã tập hợp lại trong cái gọi là "Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam".
"Một người được xưng tụng là chí sĩ mở đầu một chế độ gọi là Cộng Hòa, sau đó gán thêm vào mỹ từ Nhân Vị để che đậy bản chất độc tài, kỳ thị, gia đình trị, dần dà tách chính quyền xa hẳn nhân dân, đưa đến tình trạng biến Nhà nước và nhân dân thành hai đối tượng thù nghịch lẫn nhau. Nhà cầm quyền lo củng cố địa vị nên chỉ bận đương đầu với quần chúng trong nước, hơn là lo việc kiến thiết đất nước, hơn là lo việc xây dựng một xã hội đáng sống cho người trong nước. Khi thấy không có ai theo mình, lại dùng trò tố Cộng để khủng bố, đàn áp, mà chống nhân dân.."
Đọc xong đoạn này, người ta thắc mắc, sao HSK không thêm một câu nữa cho trọn hâu ý chẳng hạn như..."thế cho nên Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam đã tự phát, ra đời với một chính nghĩa sáng ngời chống phong kiến, chống quân phiệt do Mỹ dựng lên".

Nếu như tác giả thật sự có mặt trong hàng ngũ chiến đấu của Miền Nam và bị tập trung mới cảm nhận được đồng bào, ít ra ở Miền Nam chưa bị nhồi sọ, luyến tiếc chế độ Việt Nam Cộng Hòa như thế nào sau tháng Tư, 1975.  Cho đến giữa năm 1976, các trại tập trung tương đối còn dễ thở, chúng tôi một đám tù được đưa ra gần Biên Hòa lấy cát. Xe đi đến gần một khu chợ, một số bà con nhìn thấy nhận ra chúng tôi thuộc chế độ cũ bị tù đầy, bà con xúm nhau có cái gì thẩy lên xe cho chúng tôi cái đó: bánh mì, nải chuối ...Có người phát giác ra trễ cố gắng đuổi theo, nhưng làm sao mà chạy nhanh bằng xe được...

Cho đến bây giờ và mãi mãi tôi không bao giờ quên được những hình ảnh và hành động quý mến của người dân đối với đám tù thất thế vì thất trận. Ai bảo "Bạc như dân", điều đó tôi không tin.

Lớn lên dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, còn nhỏ tuổi, tôi chẳng trực tiếp nhận được gì gọi là ơn mưa móc của chế độ. Có chăng  là những năm thanh bình, đi học không đóng học phí, lớp học khang trang, thầy cô giỏi giang đĩnh ngộ. Thế nhưng nếu viết nên một lời khen chê vẫn ngại bị thiên lệch. Bởi vậy chỉ xin trích ra đây nhận xét của một cựu đảng viên Đảng CSVN, đại tá Bùi Tín, về ông Ngô Đình Diệm người khai sinh chế độ cộng hòa đầu tiên cho Việt Nam (Bởi vì chính chế độ CS Miền Bắc mới là cộng hòa bánh vẽ), một con người nếu như chịu tuân lệnh Mỹ đã không chết dưới tay đám tay sai ngoại bang:
“ Tôi cho rằng ông Diệm là một nhân vật chính trị đặc sắc, có lòng yêu nước sâu sắc, có tính cách cương trực thanh liêm, nếp sống đạm bạc giản dị. Giờ đây chúng ta đã có những bằng chứng về lập trường của ông Ngô Đình Diệm : chống thực dân Pháp, giành lại quyền nội trị đầy đủ, không muốn Hoa kỳ can thiệp sâu, chống lại việc ồ ạt đưa quân chiến đấu Mỹ và nước ngòai vào. Trong sự so sánh ấy, ông Hồ Chí Minh tỏ ra không bằng ông Ngô Đình Diệm. Về tinh thần dân tộc, ông Ngô Đình Diệm cũng tỏ ra hơn hẳn ông Hồ Chí Minh “. (Tâm Đạt Trần Thông: Mạn đàm Nguyễn Giang-Bùi Tín-Nguyễn Xuân Phong)
Bài viết của ông Khuê dài dòng nhưng quanh đi quẩn lại chỉ có chỉ trích và hạ nhục, đọc bất cứ xó xỉnh nào trong Web của cộng sản cũng có. Thế nên không dám làm mất thêm thì giờ của quý anh chị.

Điền Thảo
29.4.2011
_____
*Vân Xưa Hồ Sĩ Khuê: "Đầu Hàng" (http://kbchaingoai.wordpress.com/2011/04/21/1833/)

No comments:

Post a Comment

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...