25 November 2023

Bài xưa, Chuyện cũ


Tranh Trừu Tượng 
A.C.La
Trong bức tranh vẽ theo lối cổ điển bên cạnh, cặp tình nhân được vẽ rất kỹ, chẳng những thế, các chi tiết chung quanh và hậu cảnh cũng rất chi li.

Sang đến bức tranh của Pino, kế cận bên dưới, chi tiết chung quanh mờ nhạt đi, không còn rõ nét nữa, ngay cả y phục của người phụ nữ cũng thế.

Màu sắc nơi bức họa hiện thực cổ điển hòa vào nhau, nhưng trong bức ấn tượng của Pino, màu sắc đan vào nhau.

Từ tranh hiện thực chú ý đến chi tiết nhiều khi cả những tiểu tiết, sang đến tranh ấn tượng chú ý đến cảm xúc diễn tả qua màu sắc và ánh sáng, con đường đã khá xa, tuy nhiên hai hướng này vẫn còn nhiều điểm chung như còn có đối tượng.

Theo quan niệm cổ điển của Phương Tây thì một họa phẩm phải mô tả một cái gì đó. Nhưng "luật lệ" này đã bị các trường phái sau này phá bỏ. Những trường phái mới đề xuất những lối vẽ khác. Không theo ý niệm cổ điển chú trọng mô tả một sự vật nào đó, những trường phái mới cho rằng màu sắc, đường nét, hình thể và ngay cả những textures cũng có thể trở thành chủ đề của một bức tranh. Ý niệm này đã dẫn tới lối vẽ trừu tượng

Khi tranh trừu tượng ra đời thì con đường đã rẽ sang một lối hoàn toàn khác. Đối tượng không những không được chú ý mà đã bị bỏ rơi hoàn toàn. Vì "Đối tượng làm hư bức tranh"(1).

Bất cứ một ý hướng mới nào nẩy sinh cũng đều bị chỉ trích, chê bai, phản đối cả. Tranh trừu tượng không tránh khỏi con đường mấp mô ấy.

Người đời chê bai tranh trừu tượng thuờng hay nói mỉa mai rằng "Đứa con năm tuổi của tôi cũng có thể vẽ được một bức tranh tương tự như thế".

Nói cho cùng thì tranh loại nào cũng có bức coi được, bức không. Có những tuyệt tác phẩm nằm giữa những bức tầm thường. Nhưng muốn vẽ thành công một bức trừu tượng cũng không phải chuyện dễ. Nói về tranh trừu tượng, Wassily Kandinsky (1866–1944) viết: "Trong mọi nghệ thuật thì tranh trừu tượng là khó nhất". Vì sao vậy? Chúng ta hãy nghe ông giải thích: "Tranh trừu tượng đòi hỏi bạn phải biết vẽ thế nào cho đẹp, bạn phải có óc nhạy cảm cao về bố cục và màu sắc, và bạn phải là một thi nhân. Điều chót đó là thiết yếu". (2)

Đấy! Họa sĩ trừu tượng còn phải là một thi nhân nữa đấy! Là thi nhân tức là người có tâm hồn mở rộng tiếp nhận thiên nhiên và con người, nhìn thấy cuộc đời này đầy vẻ đẹp.

"Bất cứ nơi đâu có tuyết sa, có nước chảy hoặc chim bay, bất cứ nơi đâu ngày gặp đêm lúc tranh tối tranh sáng, bất cứ nơi đâu có trời xanh treo lơ lửng những cụm mây hay vương vãi những vì sao, bất cứ nơi đâu có hình thể với góc cạnh mờ ảo, bất cứ nơi đâu có ngõ đi vào thinh không, bất cứ nơi đâu có hiểm nguy, có e ngại, có yêu thương, thì nơi đó có Sắc Đẹp, chan hòa như mưa, đổ xuống cho bạn, cho dù bạn phải đi cùng khắp thế gian cũng sẽ không tìm thấy một khung cảnh nào không thích đáng và tầm thường cả". (3)

Cách đây gần hai thế kỷ Ralph Waldo Emerson đã viết như thế và có lẽ ngày nay, một định nghĩa thế nào là một thi nhân, chắc cũng không khác xa với định nghĩa này.


Nói về tranh trừu tượng, Wassily còn đưa ra một ý nghĩ lạ: "Thế gian càng làm người ta sợ... thì nghệ thuật càng trở nên trừu tượng".(4) Ở đây ý nghĩ của ông có thể là một ý nghĩ chủ quan, cái cảm giác ông có khi sáng tác một họa phẩm nào đó.

Tương quan giữa màu, ánh sáng, và tâm hồn như thế nào trong hội hội họa, khi vẽ? Ông dùng hình ảnh một cây đàn để so sánh: "Màu là phím đàn, mắt là vồ gõ. Tâm hồn là cây đàn dương cầm nhiều dây. Họa sĩ là bàn tay mà khi gõ lên phím này phím kia, sẽ khiến cho tâm hồn tự động rung lên".(5)

Từ những ý niệm trên đây chúng ta buộc phải nghĩ rằng tranh trừu tượng dù là không lệ thuộc vào hình thể nó vẫn lệ thuộc vào ngoại cảnh như những gợi ý khởi thủy. Rồi thì người thưởng lãm tranh trừu tượng đến lượt mình cũng thế. Người ngắm tranh nhìn thấy, "cắt nghĩa" tranh theo cảm xúc riêng, nhìn tranh không chỉ qua nhãn quan mà còn qua những kinh nghiệm tích lũy trong quá khứ.

Bởi vậy mà khi nhìn cùng một bức tranh có người thấy đó là một mỹ nhân với chiếc cổ trắng ngần. Người khác lại thấy đó là một cơn cuồng phong sóng lượn gió lốc...(6). Yếu tố kích thích chính là sự lôi cuốn. Chất kích thích càng nhiều, thì sự lôi cuốn càng lớn, và người ta có thể nói bức tranh có sức hấp dẫn và đã thành công.

A.C.La
____
Họa sĩ Wassily Kandinsky (1866–1944):
(1) "Objects damage pictures."
(2) "Of all the arts, abstract painting is the most difficult. It demands that you know how to draw well, that you have a heightened sensitivity for composition and for colors, and that you be a true poet. This last is essential."
(4)
"The more frightening the world becomes ... the more art becomes abstract."
(5)
"Colour is the key. The eye is the hammer. The soul is the piano with its many chords. The artist is the hand that, by touching this or that key, sets the soul vibrating automatically."

Emerson: "The poet":
(3) "Wherever snow falls or water flows or birds fly, wherever day and night meet in twilight, wherever the blue heaven is hung by clouds or sown with stars, wherever are forms with transparent boundaries, wherever are outlets into celestial space, wherever is danger, and awe, and love, there is Beauty, plenteous as rain, shed for thee, and though thou shouldest walk the world over, thou shalt not be able to find a condition inopportune or ignoble."

6. Khi mỗ tôi vẽ xong bức họa trừu tượng thứ ba bèn gửi đi cho bạn bè hỏi ý kiến. Phải hỏi thì may ra mới nhận được ý kiến. Người Việt mình thường ngại ngùng lên tiếng. Chỉ có một trường hợp dễ lên tiếng, mà lên tiếng một cách rất hăng say. Đó là...

...Có một lần trong giờ chính trị học, khi đề cập đến Bộ Luật Hồng Đức, GS Nguyễn Ngọc Huy nói rằng tiền nhân chúng ta có nhiều đức tính nhưng cũng có nhiều cái tật trong đó có cái tật hay chửi. Bộ luật Hồng Đức có quy định một số điều luật để phạt vạ hay phạt trượng một số trường hợp chửi bới. Giáo sư Huy kết luận: "Chắc tiền nhân mình hay chửi"! Cả lớp đều cười....

Tuy nhiên khi hỏi, nhiều anh chị cởi mở hơn cũng vui vẻ lên tiếng tỏ cảm nghĩ về bức tranh, một bức tranh trừu tượng. Cái thú ở chỗ được nghe mỗi người cho một ý nghĩ khác nhau. Đấy chính là cái đăc biệt của tranh trừu tượng. Sau đây xin trích một số email mỗ tôi nhận được:

** Cái này bần đạo gọi la "Cuồng Phong" hay " Bão Biển" cũng được. Nguyễn Ngọc Liên, Nam Cali

** Cái thú vị khi xem tranh của A.C.La từ các bức vẽ Thiếu Nữ mượt mà trong vẻ đẹp Á Ðông, nay chuyển qua bức tranh trừu tượng, tôi nghĩ đến câu thơ trong Chinh Phụ Ngâm "Thuở trời đất nỗi cơn gió bụi", làm rung chuyển tâm hồn kẻ cầm cọ trước khung vải. Hoan hô và chúc mừng A.C.La luôn luôn tìm tòi trong sáng tạo. Xuân Ðỗ, Nam Cali

** Ước gì có bức tranh thật ngay trước mặt thì thật là tuyệt vời! Dưới mắt tôi, sau khi ngắm nhìn thật lâu, đã ẩn hiện một thiếu nữ đang nằm trong một tư thế vô cùng "độc đáo"... Cánh tay trái đưa cao, tay phải không rõ nét, vì bị lẫn lộn với các màu sắc khác (và chúng ta có quyền tưởng tượng cánh tay mặt của nàng đang ở bất cứ vị trí nào cũng được, tùy theo trí tưởng tượng của mỗi người!). Toàn thân được khoác bởi một lớp vải thật mỏng với nhiều màu sắc, nhưng không dấu được phần "đồi núi" đầy hấp dẫn ẩn hiện dưới cái cổ trần trắng hồng màu da thịt của sự khát vọng đang đợi chờ...Từ cái cảm nhận đó, tôi xin mạo muội đặt tên cho bức tranh là "Khát Vọng" (cho riêng tôi!). Nguyễn Văn Sáu, TS4, Nam Cali

** Nhiều người không thích/ không hiểu tranh trừu tượng nhiều, trong đó có tớ. Bèn đưa bà NDTV* xem và cho ý kiến. Bà nói " Ông Vĩnh vui vẻ nhưng khó đoán tính Ông" . Có lẽ Bả nói xem tranh biết người ( vẽ). Văn là người, phải không? Nguyễn Thái Hùng, Sacramento.
(*Nhân Dân Tự Vệ - Tại sao gọi bà xã là NDTV. Chuyện này rất dài dòng. Xin hẹn một lần khác sẽ kể. A.C.La)

** .... thấy cả một trời khói lửa. có màu đậm như màu máu pha, đầy vẻ tang tóc. chắc anh vẽ vào đúng 30/04? Nguyễn Văn Sanh, Úc

** Ý Nga không biết vẽ nhưng rất mê ngắm tranh. Anh Vinh* thì biết vẽ và... biết ngắm hơn YN. Đây là ý kiến chung của YN và của anh Vinh sau khi xem tranh lúc nãy.(Y Nga)

NẺO VỀ CÒN XA

Cao cao lượn sóng vỗ bờ
Hoàng hôn phẫn nộ giấc mơ Trở Về
Người Đi vạn Nẽo Nhiêu Khê
Đau cùng Quê Mẹ giặc về Tây Nguyên

Ý Nga,Calgary, Canada

13.5.2009.
*Anh Vinh là phu quân của nữ thi sĩ Ý Nga.

Anh Vinh làm trong ngành kiến trúc. Hai người hiện đang sống tại thành phố Calgary, tỉnh bang Alberta trong đó có TP Edmonton, nơi mỗ đang cư ngụ. (A.C.La)

** Tớ thấy tranh cậu đẹp, nhưng trừu tượng thì ít người thích, vi nó không thật (!?), họ nhìn mãi mà không hiểu cái gì! ....... Tớ lại thích trừu tượng của cậu hơn. Cậu có hoa tay lại vững về kỹ thuật. Cứ bôi tùm lum ra, vẫn đẹp như thường. Tớ thì chịu! Lúc còn đi học, vẽ nải chuối thành bàn tay! Vẽ cái nón thì giống kim tự tháp! Cậu thích gì vẽ nấy. Đó là thú vui mà bạn bè cũng được dịp nhìn ngắm. Cho vui thôi. ...... Phạm Thành Châu
____

Xin chân thành cám ơn quý anh chị đã lên tiếng cho vui cửa vui nhà. A.C.La

No comments:

Post a Comment

Tùy bút

H ình như thuở đó có một học sinh nghèo "ngoại đạo" mới vừa 16 tuổi, quê mùa nhút nhát, đang nuôi dưỡng một tình "yêu-hoa-cúc...