30 August 2023

Biển Đông là địa bàn trọng yếu nhằm đề kháng sự bành trướng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

RFA
29.08.2023

H: Hai tàu hải quân Nhật Bản JS Kashima và JS Shimayuki tập trận với tàu sân bay lớp Nimitz USS Ronald Reagan ở Biển Đông, ngày 7 tháng 7 năm 2020. (Ảnh minh họa) - 
Reuters

Thái tử và Vương phi Nhật Bản sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 20 đến 25 tháng 9 tới đây. Trước đó, hôm 23/8, ông Matsuo Yamaguchi, lãnh đạo Đảng Komeito, Nhật Bản, đã đến thăm Việt Nam để “thắt chặt quan hệ Việt- Nhật”. Sau đó ông Yamaguchi đã hủy chuyến thăm Trung Quốc ngày 26/8, 2023.

Trước những diễn biến đó, RFA phỏng vấn TS. Nagao Satoru ở Hudson Institute về quan hệ Việt Nam Nhật Bản. 

RFA: Xin ông cho biết Nhật Bản quan tâm đến Việt Nam ở mức độ nào, nếu so sánh Việt Nam với các nước Châu Á- Thái Bình Dương khác? 

Nagao Satoru: Nhật Bản rất chú trọng đến Việt Nam. Khi cố Thủ tướng Shinzo Abe và cựu Thủ tướng Suga Yoshihide tuyên thệ nhậm chức thủ tướng, chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của họ là tới Việt Nam và Indonesia. Còn chuyến thăm Ấn Độ - Thái Bình Dương đầu tiên của Thủ tướng đương nhiệm Fumio Kishida sau khi nhậm chức là 4 quốc gia gồm Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Ấn Độ. Vì vậy, có thể nói Việt Nam là một trong những quốc gia được Nhật Bản ưu tiên hàng đầu. Rất rõ ràng, chuyến thăm sắp tới của Thái tử Nhật Bản trong tháng 9 và chuyến thăm của Chủ tịch đảng Komeito hôm 23 tháng 8 nằm cùng một định hướng đối ngoại đó của Nhật Bản đối với Việt Nam. 

RFA: Nguyên nhân sâu xa của sự quan tâm đặc biệt nói trên là gì? Đó là nguyên nhân kinh tế, an ninh, khoa học công nghệ hay cái gì khác? 

Nagao Satoru: Nguyên nhân sâu xa khiến cho Việt Nam nhận được sự ưu tiên hàng đầu từ Nhật Bản là vấn đề an ninh quốc gia. 

Kể từ khi ông Shinzo Abe tuyên thệ nhậm chức đến giai đoạn hiện nay, Nhật Bản đã chuyển hướng chiến lược về chính sách đối ngoại. Ông Shinzo Abe liên tục nhấn mạnh đến mối đe dọa từ Trung Quốc. Vì vậy, đối với Nhật Bản, các quốc gia ưu tiên đều có liên quan đến chiến lược đề kháng Trung Quốc. 

Chiến lược đề kháng chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc bao gồm cả hai mặt quân sự và phi quân sự. Về quân sự, Việt Nam nổi tiếng là nước mạnh. Trước đây, cả nước Pháp, Mỹ, Trung Quốc đều bị Việt Nam đẩy lui. Vì điều này, cả Việt Nam và công đồng quốc tế đều tự tin khi nói rằng Việt Nam sẽ là chìa khóa để đối phó với mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc.

Biển Đông, nơi Việt Nam đang đối mặt với thách thức từ Trung Quốc, là địa bàn cốt lõi trong chiến lược đề kháng sự bành trướng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. 

RFA: Tại sao Biển Đông lại trở thành một địa bàn quan trọng như vậy?

Nagao Satoru: Nếu có thể chiếm đóng toàn bộ Biển Đông, Trung Quốc có thể triển khai lực lượng hải quân và không quân tới bất kỳ nơi nào ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương một cách rất dễ dàng.

Ngoài ra, nếu Trung Quốc tạo được nơi an toàn để cất giấu tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hạt nhân, họ có thể tạo ra sức mạnh răn đe mạnh mẽ đối với Mỹ. 

Hiện nay, Trung Quốc đang phát triển tên lửa đạn đạo JL-3 có thể vươn tới Washington DC từ Biển Đông. Trung Quốc đang xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông và triển khai sức mạnh hải quân và không quân từ các đảo nhân tạo này. 

Các lực lượng này của Trung Quốc có thể loại trừ tất cả các lực lượng quân sự nước ngoài có thể phát hiện tàu ngầm của Trung Quốc ở Biển Đông. 

Nếu tình thế này phát triển đầy đủ, như Thủ tướng Abe đã chỉ ra trong bài viết “Viên kim cương an ninh dân chủ châu Á” thì “Biển Đông dường như sẽ trở thành một cái "hồ Bắc Kinh" (Beijing lake)". Các nhà phân tích cho rằng nếu trường hợp này xảy ra, Biển Đông đối với Trung Quốc sẽ giống như Biển Okhotsk đối với nước Nga Xô viết, tức là một vùng biển đủ sâu để Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đặt căn cứ cho các tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân, có khả năng phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.

Ngoài ra, Biển Đông còn là nơi cho thấy chiến lược điển hình kiểu Trung Quốc để bành trướng lãnh thổ. Họ tận dụng bất cứ khi nào họ thấy có khoảng trống quyền lực. Pháp rút khỏi Đông Dương sau 1954 thì họ chiếm một nửa Hoàng Sa. Mỹ rút khỏi Miền Nam Việt Nam năm 1973 thì năm 1974 họ đánh chiếm nốt nửa còn lại. Liên Xô giảm lực lượng ở Cam Ranh thì năm 1988 họ đánh Gạc Ma ở Trường Sa. Philippines yêu cầu Mỹ rút quân (1992)  thì ba năm sau (1995) họ đánh chiếm luôn đá Vành Khăn (Mischief Reef) do nước này kiểm soát. 

Trung Quốc sẽ áp dụng nguyên tắc bành trướng này không chỉ ở Biển Đông mà còn ở các khu vực khác như Biển Hoa Đông, Nam Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và biên giới đất liền Ấn Độ-Trung Quốc. Khi Trung Quốc tìm thấy khoảng trống quyền lực ở chỗ nào, họ sẽ cố gắng chiếm lấy chỗ đó.

Vì vậy, trong bài “Viên kim cương an ninh dân chủ châu Á”, cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã viết rõ ràng rằng “nếu Nhật Bản nhượng bộ, Biển Đông sẽ càng trở nên khó giải quyết hơn”. 

RFA: Cách nhìn nói trên của cố Thủ tướng Abe có ảnh hưởng đến chính sách của Nhật đối với Việt Nam hay không? 

Nagao Satoru: Có. Cái nhìn này của cố Thủ tướng Abe đã ảnh hưởng đến chính sách của Nhật Bản đối với Việt Nam. Hai bên đã tăng cường hợp tác về an ninh và quân sự. Giữa Nhật Bản và Việt Nam đã hình thành thỏa thuận chia sẻ thông tin quân sự (thỏa thuận loại G-SOMIA), chia sẻ thiết bị (buôn bán vũ khí) và hậu cần (thỏa thuận loại ACSA). 

Năm 2018, đây là lần đầu tiên Nhật Bản công bố tàu ngầm của mình ghé cảng Việt Nam. Và máy bay tuần tra chống ngầm của Nhật Bản cũng đã đến thăm sân bay Việt Nam. Cùng với lực lượng tàu ngầm mới thành lập của Việt Nam, sự hợp tác chống tàu ngầm này sẽ hạn chế các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông.

Nhật Bản đã tặng một số tàu tuần tra cho Việt Nam. Và Nhật Bản sẽ bắt đầu một chương trình hỗ trợ an ninh chính thức. Trong tương lai gần, Nhật Bản sẽ cung cấp thêm vũ khí như tàu hải quân mới và tàu đã nghỉ hưu, cũng như máy bay tuần tra, v.v.

RFA: Nhật Bản và đồng minh nghĩ đến bản đồ các mối quan hệ quân sự với ASEAN như thế nào? Họ tính toán vị trí của Việt Nam trên bản đồ đó ra sao?

Nagao Satoru: Nếu Bộ tứ QUAD (Mỹ, Nhật, Ấn, Úc), Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Ấn Độ hợp tác với nhau, họ có thể chia chi tiêu quân sự khổng lồ và các nguồn lực khác của Trung Quốc cho nhiều mặt trận. 

Hiện tại, tất cả các nước QUAD và Đài Loan đều nỗ lực sở hữu tên lửa hành trình tầm xa 1000-2000km (trong trường hợp của Australia, tên lửa hành trình được trang bị cho tàu ngầm hạt nhân và được triển khai gần Trung Quốc). 

Quả thực, Việt Nam đã có tên lửa Khub cho tàu ngầm lớp Kilo có thể tấn công các căn cứ trên bộ như căn cứ hải quân, căn cứ không quân ở đảo Hải Nam và các đảo nhân tạo v.v. Việt Nam (và Philippines) cũng mua tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos từ Ấn Độ. Tên lửa này cũng có khả năng tấn công mặt đất. Vì vậy, Trung Quốc không thể bỏ qua các cứ điểm tên lửa tấn công này. Nếu Trung Quốc quyết định tấn công Đài Loan, họ cần chia sẻ lực lượng ở một mức độ nhất định để phòng thủ biên giới Ấn Độ - Trung Quốc, và ngược lại, họ không thể bỏ qua hướng Đài Loan nếu muốn phát động một hướng tấn công khác. Như vậy, nếu Việt Nam hợp tác với QUAD+, việc buộc Trung Quốc phải phân chia lực lượng ra nhiều mặt trận, phân chia mức độ chi tiêu quân sự khổng lồ của Trung Quốc trên nhiều mặt trận là điều có thể.

Như tôi đã nói ở trên, chiến lược bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc là dựa trên cách tận dụng khoảng trống quyền lực, do cán cân quân sự chênh lệch gây ra. Việc các quốc gia kết hợp thành một mạng lưới trên nhiều mặt trận như vậy sẽ góp phần duy trì cân bằng quân sự trong khu vực. Bằng cách tạo ra sự cân bằng quân sự như vậy, chúng ta có thể duy trì hòa bình một cách thực tiễn.

No comments:

Post a Comment

Một Góc Nhìn "Rất Tôn Tử" Về Cuộc Xâm Lăng Của Nga Vào Ukraine* (Do people in Russia know that Putin is fighting the wrong enemy?)

John Andressen (Ukraine của bạn? - Không! Ukraine là của tôi) Người dân Nga có biết Putin đã nhận lầm kẻ thù để đánh không? Giống như Sa hoà...